18/06/2018, 15:26

Vì sao Greenland lại chủ trương độc lập với Đan Mạch?

Nguyễn Văn Toàn Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 25-11- 2008, hơn 75% cử tri Greenland(1), đã bỏ phiếu thuận để được độc lập với Đan Mạch từ ngày 21-5-2009. Người đứng đầu chính quyền địa phương của Greenland Hans Enoksen đã thông báo kết quả này một cách xúc động trên truyền hình: ...

Nguyễn Văn Toàn

Greenland_location_map

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 25-11- 2008, hơn 75% cử tri Greenland(1), đã bỏ phiếu thuận để được độc lập với Đan Mạch từ ngày 21-5-2009. Người đứng đầu chính quyền địa phương của Greenland Hans Enoksen đã thông báo kết quả này một cách xúc động trên truyền hình: “Tôi xin cảm ơn cư dân Greenland vì kết quả này. Chính các bạn đã trao cho Greenland quyền được tiếp tục phát triển”(2). Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin bước đầu đưa ra một vài lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự chủ trương độc lập với Đan Mạch của Greenland:

Một là, bất đồng của thuộc địa (Greenland) với chính quốc (Đan Mạch) ngày càng khó có thể giải quyết. Về mặt lịch sử, Greenland trở thành thuộc địa của vương quốc Đan Mạch từ năm 1397(3) và đến năm 1979, bằng sự kiên trì đấu tranh, Greenland được hưởng quyền tự trị(4) song Đan Mạch vẫn phụ trách các vấn đề ngoại giao, quốc phòng, an ninh trật tự và tòa án của Greenland. Về mặt kinh tế và xã hội, Greenland ít được Đan Mạch quan tâm phát triển.

Do đó, đời sống của cư dân Greenland rất khó khăn. Theo thống kê của Trung tâm Thanh thiếu niên Greenland tháng 7-2007, có đến 9% trẻ em tại đây sống ở mức nghèo khổ, so với 3-4% tại các nước Bắc Âu khác. Đời sống khó khăn cộng với sự bế tắc về tương lai là nguyên nhân của tệ nạn xã hội, nạn nghiện rượu và tự tử trong thanh niên. Năm 2007, Greenland có tỉ lệ nữ thanh niên tự tử cao nhất châu Âu(5).

Hai là, dân số Greenland chủ yếu là người người Kalaallit (Inuit) (6) (chiếm 88%), 12% còn lại là người Scandinavia (Đan Mạch, Nauy). Do đó xu hướng đòi thành lập một quốc gia dân tộc đầu tiên cho người Eskimo ở Greenland là động lực tiềm tàng nhưng khá mạnh mẽ(7). Điều này có thể thấy rõ ở các phong trào ly khai dân tộc trên thế giới.

Ba là, xét về mặt địa lý, Greenland được ngăn cách với Đan Mạch bởi Đại Tây Dương(8). Do đó, xu hướng ly tâm của những người gốc châu Âu ở Greenland xuất hiện. Tuy chiếm chỉ 12% dân số Greenland nhưng người gốc Âu lại nắm quyền về mặt chính trị – xã hội. Tiếng nói của họ có trọng lượng hơn 88% dân số gốc Eskimo còn lại. Điều này cũng tương tự người da trắng (chủ yếu là người Anh) ở 13 thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ đã tuyên chiến với “mẫu quốc” để giành quyền độc lập và tuyên bố “Châu Mỹ của người Mỹ”(9) truớc các nước thực dân châu Âu.

Bốn là, trong lịch sử đã có những thuộc địa Đan Mạch đấu tranh và giành được độc lập. Đây là những tiền lệ thuận lợi cho Greenland giành được độc lập từ Đan Mạch. Năm 1538, Thụy Điển giành được độc lập sau sau 186 năm là thuộc địa cho Đan Mạch (1397-1538). Năm 1815, Đan Mạch mất Nauy cho Thụy Điển. Năm 1864, Đan Mạch chấp nhận rút khỏi Schleswig-Holsten để Áo-Phổ tiếp quản. Năm 1917, Đan Mạch bán quần đảo Tây Ấn của mình tại vịnh Caribbe cho Mỹ với giá 25 triệu USD (sau này trở thành quần đảo Virgin thuộc Mỹ). Năm 1945, Iceland tuyên bố tách hẵn Đan Mạch để hưởng độc lập hoàn toàn như tuyên bố độc lập năm 1917 của mình.

Năm là, sự độc lập của Greenland lại được đa số chính trị gia Đan Mạch và các đảng phái ở Đan Mạch(10) cũng như nhân dân Đan Mạch ủng hộ(!). Đây là một cơ sở hết sức thuận lợi cho sự tuyên bố độc lập của Greenland. Chủ tịch đảng Siumut của Greenland Lars-Emil Johansen tuyên bố với báo chí Đan Mạch là ông ngỏ lời cảm ơn các đảng phái tại Đan Mạch, đặc biệt là Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen đã tích cực hỗ trợ Greenland trong việc phát triển mô hình tự trị, dẫn đến cuộc trưng cầu ý dân này. Chủ tịch đảng đối lập lớn nhất ở Đan Mạch, đảng Dân chủ xã hội, bà Helle Thorning-Schmidt cũng tuyên bố bà rất vui khi thấy đa số người dân Greenland ủng hộ việc độc lập. Thực tế là trong những năm gần đây nhiều người Đan Mạch tỏ ra chán ngán với tình trạng trì trệ và kém hiệu quả trong bộ máy hành chính địa phương của Greenland. Nơi đây cũng có tỉ lệ tệ nạn xã hội, thanh niên nghiện rượu và tự tử cao nhất trong toàn bộ vương quốc Đan Mạch. Do đó, chính người dân Đan Mạch là những người muốn Greenland tách khỏi Đan Mạch nhất. Tại sao như vậy? Bởi họ muốn những điều tồi tệ ở Greenland không ảnh hưởng đến hình ảnh Đan Mạch trên trường quốc tế. Chính chủ nghĩa dân tộc Đan Mạch đã khơi ngòi cho sự ủng hộ Greenland tuyên bố độc lập như trên.

Sáu là, theo Điều 1, Công ước Montevideo năm 1933, một quốc gia có chủ quyền (tức là độc lập) phải có những đặc điểm sau: (a) dân số ổn định, (b) lãnh thổ xác định, (c) chính phủ, và (d) khả năng quan hệ với các quốc gia khác(11). Năm 2004, tổng số dân Greenland là 56.854 người, mật độ 0,14/km² ở các vùng không bị băng bao phủ. 91% dân cư ngụ ở bờ biển phía Tây (khoảng 47.000 dân tại 18 thành phố và 9.648 người cư ngụ tại 60 thôn làng), 1,6% ở phía Bắc và 6,3% ở phía Đông (trong 2 thành phố và 9 thôn làng với khoảng 3.500 dân cư). Như vậy, Greenland đã đáp ứng được điểm (a) của Công ước Montevideo. Còn điểm (b) thì sao? Ngoài cuộc tranh cãi ngoại giao về chủ quyền giữa Canada và Greenland (được đại diện trên trường quốc tế bởi Đan Mạch) về hòn đảo nhỏ Hans thì lãnh thổ Greenland đã được xác định rõ ràng. Greenland được chia thành 3 miền: miền Bắc, miền Đông và miền Tây. Về hành chính, Greenland được chia thành 18 kommune (tương đương thị xã hay xã nông thôn). Các kommune này được tự trị ngay từ năm 1975, trước khi Greenland được tự trị, và hợp thành Hiệp hội kommune (tiếng Greenland: Kalaallit Nunaanni Kommuneqarfiit Katuffiat, viết tắt là KANUKOKA). Đây chính là cơ sở cho sự thống nhất và xác định về mặt chủ quyền của Greenland. Nếu tính ở điểm (c) thì Greenland đã có kinh nghiệm điều hành đất nước trong 30 năm (từ năm 1979 khi được hưởng quyền tự trị cho đến nay)(12) và có khả năng tồn tại chính quyền(13) sau khi tách khỏi Đan Mạch. Bởi sau khi tuyên bố độc lập, Greenland vẫn sẽ là một thành viên của Vương quốc Đan Mạch, trong thời gian đầu các vấn đề thuộc ngoại giao, quốc phòng và tối cao pháp viện vẫn do Đan Mạch xử lý và chuyễn giao dần cho Greenland và Greenland sẽ bỏ ra khoảng 500 triệu kroner (tiền Đan Mạch) để tự gánh vác toàn bộ công tác hành chính, an ninh trật tự và tư pháp. Xét ở điểm (d), Greenland hoàn toàn có khả năng quan hệ với các quốc gia khác sau khi tuyên bố độc lập. Đầu tiên sẽ là Đan Mạch, các thuộc địa cũ của Đan Mạch (Iceland), các nước ở Bắc Mỹ và xung quanh Bắc Cực (Mỹ, Canada, Nga) sau đó sẽ là các tổ chức liên kết ở châu Mỹ (theo tinh thần Liên Mỹ), các nước thuộc tổ chức xuất khẩu dầu lửa (OPEC), các nước nhập siêu dầu lửa (Nhật, Trung Quốc)(14), cộng đồng Hồi giáo (để trả đũa vụ tranh biếm họa Mohamet của Đan Mạch(?))…Tóm lại, Greenland có đầy đủ cơ sở để trở thành một quốc gia độc lập theo tinh thần của Công ước Montevideo năm 1933.

Sự độc lập của Greenland cũng đồng nghĩa với chuyện người dân nơi đây mất đi khoản trợ cấp hằng năm 3,5 tỉ kroner (tương đương 630 triệu USD), bằng một nửa ngân sách của họ, cùng các chế độ phúc lợi dành cho mỗi người từ khi sinh ra đến lúc qua đời theo luật Đan Mạch. Mặt khác, trong tình hình khát nhiên liệu hiện nay, dầu khí tại Greenland sẽ làm việc gìn giữ độc lập về chính trị lại càng trở nên khó khăn đối với một dân số quá nhỏ bé và ở một nơi cùng trời cuối đất như vậy. Song Greenland-“vùng đất của con người”, đảo quốc lớn nhất thế giới chắc hẵn sẽ được những cư dân Greenland xây dựng trong sự phát triễn!./.

CHÚ THÍCH

(1) Greenlanhd theo thổ ngữ của Greenland: Kalaallit Nunaat, nghĩa “vùng đất của con người” còn theo tiếng Đan Mạch: Grønland, nghĩa “Vùng đất xanh”. Greenland cũng được gọi là Gruntland (“Ground-land”) trên những bản đồ thời trước. Việc “Green” có phải là sự phiên âm sai của “Grunt” (“Ground”), chỉ những vịnh cạn, hay ngược lại vẫn là điều chưa sáng tỏ.

(2)Xem http://vietbao.vn/The-gioi/Greenland-dong-thuan-tu-tri/62247910/159/. Cập nhật Thứ tư, 26 Tháng mười một 2008, 16:29 GMT+7.

(3) Vì Nauy, nước sở hữu Greenland (từ năm 1261) đã bị sát nhập vào Đan Mạch theo thỏa ước Kalmar năm 1397. Thỏa ước Kalmar được lập sau khi vua Nauy HakonVII ( trị vì từ 1355 đến năm 1380) mất 17 năm với nội dung hoàng hậu Margaret I, công chúa Đan Mạch và vợ vua Nauy Hakon VII thống nhất Đan Mạch, Nauy và Thụy Điển thành một quốc gia. Dĩ nhiên Đan Mạch giữ vai trò lãnh đạo trong vương quốc đó và cướp luôn các thuộc địa của Nauy và Thụy Điển. Greenland là một trong số đó. Đan Mạch-Na Uy tái xác nhận tuyên bố chủ quyền của họ với thuộc địa này năm 1721. Sau Hòa ước Kiel năm 1814, theo đó Thuỵ Điển giành được quyền kiểm soát toàn bộ nước Na Uy trong khi Đan Mạch giữ lại toàn bộ quyền sở hữu những vùng bên ngoài (thời ấy gồm các lãnh thổ nhỏ tại Ấn Độ, Tây Phi và Tây Ấn, cũng như Quần đảo Faroe, Iceland và Greenland).

(4) Năm 1948, bước đầu tiên nhằm tiến tới một chính phủ ở Greenland được khởi động khi một uỷ ban quan trọng được thành lập. Năm 1950 bản báo cáo (G-50) được đệ trình, Greenland muốn trở thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng với Đan Mạch vừa là hình mẫu, vừa là nước đỡ đầu. Năm 1953 Greenland trở thành một lãnh thổ bình đẳng bên trong Cộng đồng Vương quốc Đan Mạch. Năm 1979 Greenland được trao thể chế tự trị.

(5)Xem: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=238982&ChannelID=2. Cập nhật Thứ Tư, 16/01/2008, 07:43 (GMT+7).

(6) Người Inuit, một trong những dân tộc bản xứ châu Mỹ có lịch sử xưa nhất thế giới (5.000 năm). Ngôn ngữ của họ là tiếng Inuktitut.

(7)Quế Viên, Xứ sở Esskimo Greenland sẽ độc lập?. Xem: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=238982&ChannelID=2. Cập nhật Thứ Tư, 16/01/2008, 07:43 (GMT+7).

(8)Vị trí địa lý của Greenland như sau: Greenland nằm trải dài trên 24 vĩ độ, từ mũi Uummannarssuaq (tiếng Đan Mạch: Kap Farvel, tiếng Anh: Cap Farewell) cực nam ở 59°46′ độ vĩ bắc (ngang Oslo) tới đảo Inuit Qeqertaat (tiếng Đan Mạch: Kaffeklubben) ở 83°40′ độ vĩ bắc. Đại Tây Dương bao quanh Greenland ở phía đông nam; biển Greenland ở phía đông; Bắc Băng Dương ở phía bắc; và Vịnh Baffin ở phía tây. Các nước nằm gần Greenland nhất là Iceland (cách 240 km về phía đông Greenland ) và Canada (ở phía tây bên kia Vịnh Baffin). Green là hòn đảo lớn nhất thế giới với chiều dài 2.650 km và rộng khoảng 1.000 km.

(9) Trong những năm 20 của thế kỷ XIX, khi các quốc gia Mỹ Latinh tuyên bố độc lập, Hoa Kỳ đã nhanh chóng công nhận các nước này. Vào tháng 12.1823, Tổng thống Mỹ J.Monroe trong thông điệp hàng năm gửi Quốc hội, đã công bố những điều sau này trở thành học thuyết ngoại giao nổi tiếng – Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine) như một lời cảnh cáo các cường quốc châu Âu một cách rõ ràng rằng: “Chúng tôi (Mỹ) sẽ coi mọi sự can thiệp của bất cứ cường quốc châu Âu nào nhằm áp bức và thống trị những chính phủ vừa tuyên bố và duy trì nền độc lập của họ mà chúng tôi (Mỹ) vừa thừa nhận như một biểu hiện thiếu thân thiện đối với Mỹ”. Từ chỗ châu Mỹ vốn là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây, với học thuyết Monroe, châu Mỹ đã trở thành của riêng người châu Mỹ và sau này là “châu Mỹ của người Mỹ”.

(10) Quốc hội Đan Mạch (Folketinget) nắm quyền lập pháp, gồm 179 đại biểu và được bầu 4 năm một lần. Trong số 179 đại biểu quốc hội có hai đại diện của đảo Greenland và hai đại diện của quần đảo Faroe. Hiện nay – sau cuộc bầu cử trước thời hạn, ngày 23 tháng 11 năm 2007 – có tất cả 8 đảng phái đại diện trong quốc hội và số đại biểu được chia như sau: Đảng Tả (chủ trương tự do kinh tế) (Venstre): 46 đại biểu, Đảng Dân chủ Xã hội (Socialdemokratiet): 45 đại biểu, Đảng Dân tộc Đan Mạch (Dansk Folkeparti): 25 đại biểu, Đảng Dân tộc Xã hội (Socialistisk Folkeparti): 23 đại biểu, Đảng Dân tộc Bảo thủ (Det Konservative Folkeparti): 18 đại biểu, Đảng Tả Cấp tiến (Det Radikale Venstre): 9 đại biểu, Đảng Tân Liên minh (Ny Alliance): 5 đại biểu, Danh sách thống nhất (Enhedslisten): 4 đại biểu, Đảo Greenland: 2 đại biểu, Quần đảo Faroe: 2 đại biểu.

(11) Thực tế có một vài nước trên thực tế là độc lập nhưng không được quốc tế công nhận (không đáp ứng điểm d). Ngược lại có vài nước đã được công nhận rộng rãi (chính danh) nhưng chính phủ không có đủ quyền hạn (điểm c bị hạn chế).Danh sách quốc gia này bao gồm các quốc gia độc lập chính danh (de jure) và độc lập trên thực tế (de facto). Danh sách này bao gồm 201 mục, tương ứng với:191 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, 1 quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc: Thành Bang Vatican, 1 quốc gia được Tòa Thánh và 24 quốc gia công nhận, có quan hệ quốc tế thực tế với nhiều quốc gia khác: Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), 6 quốc gia thực tế độc lập nhưng không được cộng đồng quốc tế thừa nhận: Abkhazia, Bắc Kibris (riêng nước này được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận), Nagorno-Karabakh, Nam Osetia, Somaliland và Transnistria, 2 quốc gia được cộng đồng quốc tế thừa nhận, nhưng thực tế không độc lập: Palestine và Tây Sahara.

(12) Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Đan Mạch Đức Quốc Xã chiến đóng(có nghĩa là Greenland bị cắt đứt nguồn viện trợ), ở Greenland đã phát triển một tinh thần tự cường , tự quản lý và thông tin độc lập với thế giới bên ngoài.

(13) Greenland có nghị viện gồm 31 thành viên, được bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Nghị viện họp mỗi năm từ 2 tới 4 kỳ. Các lãnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh, tòa án, tiền tệ và nguyên liệu trong lòng đất do nghị viện Greenland và Quốc hội Đan mạch hợp tác cùng giải quyết. Hiện nay – từ ngày 1 tháng 5 năm 2007, nội các tự trị gồm 7 thành viên, trong đó 4 của đảng Siumut và 3 của đảng Atassut. Lãnh đạo nội các là Thủ tướng, người đồng thời là lãnh đạo phe đa số trong Nghị viện. Thủ tướng hiện nay là Hans Enoksen thuộc đảng Siumut. Ngoài ra Greenland có 2 đại biểu trong Quốc hội Đan Mạch và 2 đại biểu trong Đoàn đại biểu Đan Mạch tại Hội đồng Bắc Âu.

(14) Tổ chức Geological Survey của Mỹ ước tính trữ lượng dầu mỏ, khí đốt tại khu vực gần bờ biển phía đông bắc Greenland có thể lên tới 31,4 tỉ thùng (giúp Greenland đứng hàng thứ 19 trong số 500 quốc gia có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt).

0