18/06/2018, 15:26

Putin đối đầu với sự thật lịch sử

Tác giả: Orlando Figes Dịch giả: Trần Ngọc Cư Lời người dịch: Bài viết này xuất hiện trên số 7, tập 56, ngày 30-4-2009 của bán nguyệt san The New York Review of Books, một tạp chí xuất bản tại TP New York, chuyên bình luận các đề tài văn học, nghệ thuật, và các vấn đề thời sự. Tác giả ...

Tác giả: Orlando Figes
Dịch giả: Trần Ngọc Cư

Lời người dịch: Bài viết này xuất hiện trên số 7, tập 56, ngày 30-4-2009 của bán nguyệt san The New York Review of Books, một tạp chí xuất bản tại TP New York, chuyên bình luận các đề tài văn học, nghệ thuật, và các vấn đề thời sự. Tác giả Orlando Figes phê bình hồi kí của Jonathan Brent, Inside the Stalin Archives: Discovering the New Russia (Bên trong các văn khố lưu trữ thời đại Stalin: Phát hiện nước Nga mới) do Atlas & Company xuất bản. Qua bài điểm sách này, Figes có thể dẫn người đọc đến một số thư tịch (bibliographies) quan trọng liên quan các sử liệu quí hiếm mà giới nghiên cứu phương Tây, chủ yếu là Mĩ, đã dùng tiền bạc để thu mua từ các văn khố Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Chẳng hạn, Jonathan Brent, giám đốc nhà xuất bản Đại học Yale (Yale Unversity Press), đã kí hợp đồng với hầu hết các thủ trưởng văn khố Nga để khai thác các vòm tư liệu, mà kết quả là bộ lịch sử biên niên vĩ đại về chủ nghĩa cộng sản (Annals of Communism). Figes cũng không quên phê bình sử quan hiện nay của chế độ Putin, một sử quan vừa che đậy vừa bóp méo sự thật lịch sử nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền của một chế độ độc tài.

pro communist

người ủng hộ Cộng Sản mang hình Stalin ở Moscow

Năm 1991, vào những ngày cuối cùng của Liên xô, tôi đến làm nghiên cứu tại Văn khố Quân sử tại Moskva. Cả khu văn khố vào lúc đó nằm trong tình trạng bị bỏ bê, đổ nát. Trên chiếc cầu thang dẫn đến phòng đọc sách, có những cửa sổ bị vỡ và có cả mèo hoang. Phòng đọc sách không có sưởi và đèn bàn không có bóng. Một nửa nhân viên văn khố đã nghỉ việc vì không chịu nỗi đồng lương. Cảnh quan cũng trông rất siêu thực: một chiếc tăng quân đội Xô-viết nằm ngay giữa sân của khu văn khố. Viên giám đốc kể với tôi rằng ông ta đã mua chiếc tăng với giá rất bèo nhằm thu hút khách vãng lai: việc này nằm trong “kế hoạch kinh doanh” của ông vì lợi ích của cơ quan. Năm ngoái tôi trở lại thăm văn khố này. Những bin-đing vẫn chưa được sửa sang bao nhiêu, nhân viên vẫn thô lỗ như cái thời Xô-viết mà tôi còn nhớ được. Chiếc tăng không còn ở trong sân, nhưng thay vào đó là một chiếc shestyorka, loại Mercedes S-600, xe tiêu chuẩn cho các đầu sỏ chính trị cỡ bé, xe còn mới toanh và có kính sẫm. Người ta nói với tôi chiếc xe này là của một trong những viên giám đốc văn khố.

Sự sụp đổ của chế độ Xô-viết đã tạo ra cơ hội thương mại khá mới mẻ cho các thủ trưởng văn khố tại Nga. Trong những năm đầu hỗn loạn dưới thời Yeltsin, khi được phép quản trị cơ quan của mình như một thái ấp riêng, các thủ trưởng văn khố đã tranh thủ kiếm tiền từ giới kí giả và các nhà xuất bản, những người đổ xô đến Moskva (và thi thoảng đến St. Petersburg) nhằm kiếm tìm những bí sử và truyện giật gân từ các vòm chứa tư liệu. Có nhiều đồn đãi về một số nhà xuất bản phương Tây mua luôn độc quyền sử dụng các văn khố, về những giao ước dành riêng vài khu vực trong văn khố cho một số nhà nghiên cứu phương Tây nhất định[1], và thậm chí cả những tin đồn cho rằng nhiều tư liệu quí giá bị đem bán.[2]

Giai đoạn lịch sử này cũng mang lại nhiều thắng lợi cụ thể cho giới học giả. Về mặt tri thức, sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản là một cuộc giải phóng đối với các sử gia. Họ có thể đích thân đến Nga, làm việc tự do thoải mái ngay tại các văn khố, và cho xuất bản những gì họ thích mà không còn sợ bị nhà cầm quyền Xô-viết trả đũa.

Để đánh giá đúng mức sự tự do mới mẻ này, chúng ta cần phải biết tình cảnh của một người nước ngoài đến làm công tác nghiên cứu tại các văn khố thời Xô-viết là như thế nào. Từ 1984 đến 1987, tôi đến làm nghiên cứu tại Văn khố Nhà nước Trung ương về Cách mạng tháng Mười (TsGAOR), nay đổi thành Văn khố Nhà nước Liên bang Nga (GAFR), nhằm tìm tư liệu cho cuốn sách đầu tiên của tôi, về vai trò nông dân trong Cách mạng Nga và trong cuộc Nội chiến. Chỉ có một nhóm nhỏ sử gia nước ngoài làm công tác nghiên cứu tại văn khố này vào thời gian đó. Chúng tôi không được tiếp cận các bảng mục lục (mãi đến năm 1986 chúng mới bắt đầu được cho sử dụng) vì thế thông tin duy nhất về những bảng mục lục của văn khố này mà chúng tôi có được chỉ phát xuất từ các sách báo Xô viết. Hệ thống văn khố Xô-viết hoạt động trên nguyên tắc lưu trữ tất cả mọi tư liệu lịch sử nhưng chỉ nhìn nhận sự hiện hữu của những tư liệu nào được các sử gia Xô viết duyệt xét cho phép công bố.

Mọi đơn xin tiếp cận với các văn kiện tại đây phải được một nữ nhân viên KGB duyệt qua. Là người nước ngoài, chúng tôi phải làm việc trong một phòng đọc sách riêng biệt, không có lối vào căng tin, chủ đích của sự hạn chế này là để chúng tôi khỏi tiếp xúc với các sử gia hay chuyên viên văn khố Xô-viết, những người có khả năng tiếp tay với chúng tôi. Chỉ có một sơ hở trong hệ thống là: phòng đọc sách của các giới nghiên cứu Xô-viết có chung một phòng vệ sinh với phòng đọc sách dành cho người nước ngoài. Trong thời gian đó tôi còn hút thuốc, vì thế tôi thường vào nhà vệ sinh chuyện trò với các sử gia và chuyên viên văn khố Xô viết, những người này lại khoái thuốc lá ngoại và vui vẻ tìm kiếm cho tôi số hiệu của những hồ sơ tôi cần cho việc nghiên cứu. 

1.

Jonathan Brent là giám đốc biên tập của Nhà xuất bản Đại học Yale (Yale University Press). Tháng Giêng năm 1992, ông đến Moskva lần đầu tiên, và nhờ sự giúp đỡ của một học giả Mĩ trẻ tuổi, Jeffrey Burds, ông đã thuyết phục được thủ trưởng của hầu hết mọi văn khố trung ương quan trọng tại Nga cộng tác với ông ta. Kế hoạch của Brent là xuất bản một bộ gồm tuyển tập các văn kiện lấy từ những văn khố Xô viết vừa mới được giải tỏa cho việc nghiên cứu, tuyển dụng các học giả Hoa Kì và chuyên viên văn khố Nga vào vai trò biên tập — một công trình về sau trở thành bộ Lịch sử biên niên Chủ nghĩa cộng sản (Annals of Communism), mà cho đến nay đã có 20 tập được xuất bản (và còn thêm 10 tập nữa đang được soạn) về nhiều chủ đề khác nhau trong lịch sử Xô-viết. Trong phần đầu của cuốn hồi kí rất hấp dẫn và công phu của ông, Inside the Stalin Archives (Bên trong các Văn khố lưu trữ thời đại Stalin), Brent đã kể lại giai đoạn hình thành công trình nghiên cứu này. Ông gợi lại hình ảnh của thủ đô Moskva vào đầu thập niên 1990, thời kì mà người dân Nga đang phấn đấu để hồi phục sau khi đã mất đi những ổn cố xưa cũ do sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết và để thích nghi với một nền kinh tế thị trường. Trong chuyến viếng thăm lần đầu cơ quan trước đây vốn là Văn khố Đảng, Brent để ý đến một bình thủy tinh nho nhỏ đựng những hoa violet tươi đặt dưới chân tượng Lenin; trong lần thăm sau đó ông thấy hoa tươi được thay thế bằng hoa plastic; và sau đó thì bình hoa cũng biến mất luôn.

Thời đó, nhiều nhà xuất bản phương Tây có lẽ đã tranh nhau trả giá cao cho những tư liệu giật gân lấy từ các văn khố. Nhưng người Mĩ khả ái này [tức Brent-DG] đã được hướng dẫn khéo léo nhờ Burds và các bạn bè trong cộng đồng học giả Nga, những người đã khuyên Brent đặt trọng tâm vào mục đích nghiên cứu và biết tỏ lòng nễ nang dân Nga. Có những lời cố vấn như: “Đừng đến đây như một người hùng thắng trận; đừng làm một người Mĩ thiển cận tự mãn; đừng coi thường họ chỉ vì hệ thống chính trị của họ đã thất bại và hệ thống của chúng ta đã thắng thế”. Ngồi vào bàn họp lần đầu với các viên chức văn khố, Brent đã làm cái điều mà trước đó ông được Burds dặn dò: Brent mở nguyên gói Winston, đưa qua bàn đàm phán mời những người đối diện, và tiếp nhận một gói thuốc Nga phía kia mời lại như một cử chỉ tỏ sự kính trọng. Tiếp theo đó Brent đã ứng khẩu một bài diễn văn khá ngây ngô về việc ông đã “lớn lên dưới bản hiệu Chiến tranh lạnh” và đã sống nơm nớp lo sợ một cuộc tấn công nguyên tử; về việc khi ông lớn lên từng nghe “đĩa nhạc của cha tôi do tốp ca Hồng Quân biểu diễn và đã đi theo nhịp bước quân hành quanh chung cư của chúng tôi theo điệu nhạc hoành tráng ấy”; về việc ông tự nghĩ “những người đã hát những bài ca tuyệt vời như thể không thể nào là kẻ thù của tôi”; và về việc bây giờ ông đã đến Moskva “với hi vọng chúng ta có thể đàm phán với tấm chân tình nhằm đạt được một sự cảm thông sâu sắc, khả dĩ làm phong phú thêm cho cả hai bên bàn hội nghị.”

Có lẽ tôi đã quá dài dòng, nhưng tôi muốn muốn minh định rằng đối với tôi đây không chỉ là một thỏa thuận thuần túy doanh nghiệp: đây là quyết tâm tìm hiểu một điều bí ẩn, mà điều bí ẩn này không phải chỉ là một chuổi vấn đề có tính hàn lâm hay chính trị nhưng chính là bối cảnh cho những trải nghiệm trong đời tôi và cho tất cả những người Mĩ cùng thế hệ với tôi.

Người ta chỉ có thể tự hỏi: những vị thủ trưởng của các văn khố Nga có hiểu được gì về một bài diễn văn như thế hay không? Nhưng cái gì đã thuyết phục họ cộng tác với Brent thì tương đối dễ hiểu: Brent hứa hẹn rằng trong vai trò biên tập viên của những tập sách được xuất bản họ sẽ được trả nhuận bút bằng đôla bình đẳng với người Mĩ. Một khi biết rõ rằng họ có thể kiếm một mớ tiền cho bản thân – và rằng các nhà nghiên cứu của các thư khố này cũng sẽ được trả công — họ sẵn sàng tiết lộ những báu vật trong các văn khố và thương lượng những hợp đồng xuất bản các tư liệu đó tại Hoa Kì. Bản liệt kê các đề tài đầu tiên của Brent (cuộc Đại Khủng bố, Giáo hội và Cách mạng, Cộng sản Quốc tế và các vụ đàn áp của thập niên 1930) được nhanh chóng bổ túc bằng các cuốn về Cách mạng Nga, nhật kí cuối cùng của Hoàng hậu Alexandra, vụ sát hại gia đình Romanov, và gián điệp Xô-viết tại Hoa Kì. Chẳng có thứ gì mà Brent không sẵn sàng mua. Có một điều không được rõ ràng là, liệu Đại học Yale có giành được độc quyền xuất bản bên ngoài nước Nga như Brent quả quyết hay không (thật ra, đã có nhiều trường hợp các văn khố Nga đem bán cùng một số văn kiện cho nhiều nhà xuất bản khác nhau); liệu sẽ có việc xuất bản tại Nga tất cả mọi thứ văn kiện (và nếu thế, ai sẽ chi trả về việc in ấn xuất bản này); và liệu những nhà nghiên cứu khác, từ nội địa Nga hay từ nước ngoài vào, có được phép sử dụng những văn thư lưu trữ trong khi chúng đang được các học giả Mĩ, do Đại học Yale chọn làm biên tập viên, soạn ra để chờ xuất bản (đã có nhiều than phiền của giới học giả về điểm này). Brent nhìn nhận một điều thiết yếu là, sách phải được xuất bản bằng tiếng Nga cho người Nga có thể đọc; bằng không thì việc lấy tư liệu từ văn khố Nga để xuất bản ở nơi khác phải chăng là một sự cưỡng đoạt? Và nếu không có tri kiến lịch sử, làm sao dân Nga có thể xây dựng một xã hội mới?

Đây là một thú nhận quan trọng cần phải nói ra bởi vì lúc bấy giờ cả phe chủ nghĩa dân tộc lẫn phe Cộng sản Nga đều công khai phản đối việc “trộm cắp” diễn ra tại các văn khố Nga do bàn tay người nước ngoài, những thủ phạm mà họ qui kết là muốn bôi nhọ lịch sử Nga bằng cách tập chú vào những điểm đen tối nhất trong đó. Như Brent giải thích, một vấn đề tiềm ẩn đã được tránh né bằng cách thương lượng các khoản trợ cấp cho việc xuất bản tại Nga các sách trong bộ tư liệu của Đại học Yale, dành quyền cho từng văn khố Nga tự quyết định văn thư nào cần được thêm vào hay lấy ra khỏi mỗi cuốn sách tiếng Nga ấy. Mặc dù vậy, cho đến nay mới chỉ có 14 trong số 20 cuốn của bộ tư liệu Yale được xuất bản tại Nga.

2.

Lịch sử biên niên chủ nghĩa Cộng sản (Annals of Communism) là một công trình nghiên cứu đáng khâm phục, trong đó một số tiết lộ quan trọng nhất từ các văn khố Xô viết cũ đã được công bố lần đầu.[3] Nhiều cuốn trong bộ sách này đã kết hợp thành công việc xuất bản các tư liệu mới với sự phân tích độc sáng của một số học giả.[4] Nhưng cũng có một số cuốn không được thành công như vậy, hoặc vì chính bản thân các văn thư chứa đựng trong đó tương đối không có gì quan trọng,[5] hoặc vì những cuốn sách đó chứa đựng những bình luận đầy thuật ngữ hàn lâm.[6]

Trong phần hai của hồi kí Inside the Stalin Archives (Bên trong các văn khố lưu giữ thời đại Stalin), Brent đưa ra một bài tóm tắt về vài cuốn trong bộ tư liệu (mặc dù không đưa ra chi tiết nào về các tác giả hay thậm chí một bản liệt kê các đầu sách trong một thư tịch). Chúng ta được tác giả cho biết, bộ tư liệu Đại học Yale nhiên hậu sẽ đưa đến việc xuất bản nhiều cuốn sách gồm các văn thư lấy từ hồ sơ riêng của Stalin. Trong chương cuối, Brent đưa ra vài phản ảnh thú vị về các ghi chú mà Stalin đã viết bên lề các trang sách trong thư viện riêng của nhà độc tài:

Khi tôi nhìn hết trang này sang trang khác các đính chính, chú giải, và bình luận bên lề của Stalin, tôi nhận thấy rằng mặc dù Stalin đưa ra một thế giới quan triệt để chống lại khoa siêu hình và chủ nghĩa duy tâm của Kant, ông ta lại là một người duy tâm theo nghĩa ông ta hoàn toàn tin tưởng vào tính ưu việt của tư tưởng. Điều này tiêu biểu một sự tái định hướng (reorientation) và xét lại triệt để, cho dù không lộ liễu, triết học Mác và điều này là then chốt để hiểu được việc Stalin đe dọa “tiêu diệt không thương tiếc bất cứ kẻ nào, bằng hành động hay bằng tư tưởng – vâng, bằng tư tưởng – có thể làm nguy hại sự đoàn kết của nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Các tư liệu lưu trữ về cá nhân của Stalin được bạch hóa dựa vào đề xuất của Alexander Yakolev, trưởng ban tuyên giáo cuối cùng của Đảng và là lực tri thức chủ yếu đằng sau chương trình cải tổ chính trị của Mikhail Gorbachev. Sau năm 1991 Yakovlev lên tiếng bênh vực nạn nhân của các cuộc đàn áp và vận động một cuộc phán xét đạo lí về những tội ác trong lịch sử Xô-viết. Cho đến khi ông qua đời năm 2005, Yakovlev là chủ tịch Sáng hội Dân chủ Quốc tế (the International Foundation of Democracy), được Tổng thống Boris Yeltsin thành lập năm 1996, một tổ chức cho đến nay đã xuất bản hơn 88 tập gồm các văn thư lấy từ các văn khố Xô viết trong bộ sách xất sắc Rossiia: XX vek (Nước Nga: Thế kỉ 20). Đây là bộ sách gồm các văn kiện được công bố lớn nhất và quan trọng nhất tại Nga, mặc dù một số công trình nhỏ bé hơn cũng được giới độc giả hàn lâm chú ý vì có những tư liệu mới mẻ từ các văn khố, hùng hồn làm chứng những cuộc đàn áp dưới thời Stalin.[7] Một số cuốn trong bộ tư liệu Yakovlev được xuất bản nhờ sự giúp đỡ của các viện nghiên cứu phương Tây, như Hoover Institution và Nhà xuất bản Đại học Yale (Yale University Press). Đáng tiếc là, Brent không bàn luận gì về ảnh hưởng của những ấn bản tiếng Nga này lên cuộc tranh luận công khai về chủ nghĩa Stalin tại Nga, mặc dù một phần sứ mệnh của ông (cũng như sứ mệnh của Yakovlev) hiển nhiên là giúp xã hội Nga tự dân chủ hoá bằng cách hiểu rõ hơn lịch sử cận đại của mình. Điều này chính là tiêu chí của những nhà dân chủ Nga trong thập niên 1990, thời kì mà những tổ chức như Hội Tưởng Niệm (Memorial), một trung tâm nghiên cứu lịch sử và nhân quyền đại diện cho hàng triệu nạn nhân của sự đàn áp dưới chế độ Xô-viết, ở đỉnh cao của thẩm quyền đạo lí và thường được bàn luận trên các phương tiện truyền thông. Vào thời đó dư luận rộng rãi cho rằng, nếu nước Nga muốn trở thành một nước dân chủ, nếu nước Nga muốn từ bỏ những lề thói độc tài của quá khứ Xô-viết, quốc gia này phải kinh qua một cuộc đổi mới văn hóa và đạo lí thật sự, một cuộc đổi mới chỉ có thể khởi động bằng cách can đảm nhìn nhận những tội ác đã phạm khi nhân danh tổ quốc trong thời đại Stalin.

Trong thập niên 1990 một hành động như thế được coi là một cuộc thống hối quốc gia, một nỗ lực xua đuổi bóng ma dĩ vãng, theo đó người ta mặc nhiên nhìn nhận rằng toàn bộ xã hội phải chịu trách nhiệm tập thể về những chính sách đẫm máu do các lãnh tụ làm ra. Như sử gia Nga Mikhail Gefter đã viết, thật chẳng ích lợi gì khi đổ hết mọi tội lỗi lên đầu Stalin, khi mà quyền lực thực sự và di sản lâu bền của chế độ khủng bố của ông nằm “ngay trong chủ nghĩa Stalin, một chủ nghĩa đã xâm nhập vào sọ não của tất cả chúng ta”.[8] 

Nhiều người Nga không được thoải mái khi phải đối diện với những sự thật khá phiền phức về lịch sử của họ. Họ thà quên hẵn quá khứ, thà sống đời bình thường và hướng đến tương lai hơn là mãi miết trầm tư về những điều mà chính bản thân họ hay cha mẹ họ có thể đã làm để tồn tại qua thời kì Stalin: những việc tổn hại đạo lí họ đã làm; những người thân họ đã mất, những kẻ họ đã lãng quên, hay ruồng bỏ; những câu hỏi họ không bao giờ có can đảm nêu ra với chế độ. Dẫu sao, đây là cách sống mà mọi người bị o ép phải theo tại Liên Xô; và những thói quen phục tùng này vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng lên lối sống của họ sau năm 1991.

Một số người khác lại đâm ra hằn học khi bị kẻ khác bảo rằng họ phải hỗ thẹn về lịch sử của đất nước họ. Họ đã được nuôi lớn bằng những huyền thoại Xô-viết: sức mạnh giải phóng của Cách mạng tháng Mười, những bước tiến vĩ đại của những Kế hoạch Năm năm, cuộc chiến thắng tiêu diệt Hitler năm 1945, những thành tựu văn hoá, khoa học, và kĩ thuật Xô-viết. Cớ sao họ phải hỗ thẹn về những gì đã diễn ra dưới thời Stalin? Stalin phạm phải một số sai lầm, nhưng ông đã thắng cuộc đại chiến và làm cho Liên Xô trở thành một cường quốc. Tại sao họ phải chịu để cho người nước ngoài “bôi đen” lịch sử của họ? Đây là tình tự của “những người yêu nước” Nga, và chính họ là thành phần nòng cốt của chủ nghĩa dân tộc, một chủ nghĩa tạo nền móng cho chế độ Vladimir Putin.

Từ đầu, Putin đã nắm được tầm quan trọng của thuật hùng biện lịch sử (historical rhetoric) đối với đường lối chính trị dân tộc chủ nghĩa mà ông theo đuổi, nhất là khi nó hòa điệu với nỗi luống tiếc của dân chúng về thời vang bóng Liên bang Xô viết. Sự sụp đổ của Liên Xô được hầu hết dân Nga cảm nhận như một nỗi ô nhục. Chỉ trong vòng vài tháng họ thấy mình đã mất tất cả — một đế quốc, một ý thức hệ, một hệ thống kinh tế đã cho họ cảm thức an toàn, một tư thế siêu cường, một niềm tự hào dân tộc, và một bản sắc được hun đúc từ lịch sử Xô viết. Liền sau khi chế độ Xô viết sụp đổ, người dân Nga đã rơi vào tình trạng đói nghèo và sống nhờ bàn tay cứu trợ của phương Tây để rồi bị họ lên lớp về dân chủ và nhân quyền.

Mọi chuyện xảy ra trong thập niên 1990 — lạm phát phi mã, dân chúng mất trắng tiền để dành và quĩ an sinh, nạn tham nhũng và tội phạm hoành hành, bọn đầu sỏ chính trị trấn lột (robber-oligarchs) và ông tổng thống say sưa – đều là một mối nhục quốc thể. Tình huống này là mảnh đất tình cảm cho lòng hoài niệm Liên xô trở nên ngày một thiết tha. Các cuộc thăm dò thực hiện vào năm Putin lên cầm quyền cho biết ba phần tư dân số Nga lấy làm tiếc rẻ về sự tan rã của Liên bang Xô viết và muốn Nga sáp nhập lại những lãnh thổ đã bị mất đi, như Crimea và đông Ukraine. Putin nhanh chóng xây dựng huyền thoại lịch sử cho chính mình, bằng cách kết hợp những huyền thoại Xô-viết (sau khi lột bỏ bao bì cộng sản) với những yếu tố trung ương tập quyền (statist elements) đã có từ Đế quốc Nga trước 1917. Chế độ Putin có quan hệ thiết thân và tuân theo một “truyền thống lâu đời của Nga”, đó là quyền lực to lớn của nhà nước — truyền thống này có từ người sáng lập đế quốc Nga và cả thành phố quê hương của Putin, Peter Đại đế. Bằng huyền thoại này Putin đã nuôi dưỡng quan niệm cho rằng những truyền thống cai trị độc tài tại Nga có giá trị đạo lí tương đương với những truyền thống dân chủ phương Tây, và rằng Nga sẽ đi theo con đường “dân chủ có chủ quyền” (sovereign democracy), nhất định không để cho phương Tây lên lớp. Thật vậy những người hậu thuẫn Putin thường nói rằng dân Nga coi trọng một nhà nước mạnh, tăng trưởng kinh tế và an ninh hơn là những quan niệm tự do như nhân quyền và dân chủ, những quan niệm không có gốc rễ trong lịch sử Nga.

3.

Việc phục hồi uy tín cho Stalin là yếu tố đáng sợ nhất trong lối hùng biện lịch sử của Putin – và là yếu tố mạnh mẽ nhất, vì nó khai thác một khát vọng sâu thẳm của dân Nga về một “nhà lãnh đạo đầy quyền lực”. Theo một cuộc thăm dò năm 2005, 42 phần trăm dân Nga và 60 phần trăm những người trên 60 tuổi, muốn một “lãnh tụ như Stalin” trở lại cầm quyền.[9]

Chế độ Putin không hề chối cãi những tội ác của Stalin (Putin từng đọc nhiều bài diễn văn nhìn nhận những nạn nhân của cuộc Đại Khủng bố thời kì 1937-1938) nhưng chế độ này lí giải rằng, nhân dân Nga cần phải quân bình những tội ác này với những thành tựu của Stalin trong tư thế một người đã xây dựng “quá khứ Xô-viết quang vinh” cho tổ quốc. Một trong những chủ đích của cuộc đấu tranh rộng lớn của chế độ Putin là nhằm áp đặt lối giải thích “yêu nước” về thời kì Xô viết, dựa trên ý thức lịch sử dân tộc và nhằm xoá nhoà kí ức tập thể về tội ác thời Stalin, có lẽ để người dân không còn vin vào kí ức ấy mà chất vấn sự phục hồi chế độ cai trị độc tài.

Ở một hội nghị quốc gia dành cho giáo viên trung học được tổ chức tại Moskva tháng Sáu 2007, Putin than phiền về “tình trạng hỗn loạn, bát nháo” mà ông nhận thấy trong việc giảng dạy lịch sử Xô viết và kêu gọi đưa vào học đường Nga “những chuẩn mực chung”.[10] Cuộc trao đổi sau đây đã diễn ra vào lúc đó:

Một người tham dự hội nghị: Trong những năm 1990-1991 chúng ta đã tự giải giáp ý thức hệ. [Chúng ta chấp nhận] một ý thức hệ rất mông lung, trừu tượng về giá trị con người…Cơ hồ chúng ta đang đi học lại, thậm chí là học trường mầm non. Chúng ta nghe [người phương Tây] nói: các bạn đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và đang xây dựng thể chế dân chủ; chúng tôi sẽ phán xét bằng cách theo dõi để biết đến bao giờ và bằng cách nào các bạn mới xây dựng được dân chủ…

Putin: Nhận xét của thầy/cô về một kẻ nào đó muốn làm sư phụ chúng ta và bắt đầu lên lớp chúng ta đương nhiên hoàn toàn phản ánh sự thật. Nhưng tôi muốn thêm rằng đây rõ ràng cũng là một phương cách để họ ảnh hưởng lên vận mạng đất nước chúng ta. Đây là một mưu mẹo được thử nghiệm là có hiệu quả chắc nịch. Nếu có ai từ bên ngoài muốn đứng ra cho điểm chúng ta, điều này có nghĩa là hắn đã lếu láo đòi quyền quản lí [chúng ta] và quyết tâm theo đuổi việc này.

Người tham dự: Trong hai thập niên vừa qua, thanh thiếu niên ta đã chịu một dòng thác thông tin cực kì đa dạng về lịch sử đất nước. Những thông tin này bao gồm những cách nhận thức, những lí giải, hoặc những cách đánh giá, và thậm chí cả những cách xếp niên đại khác nhau. Trong hoàn cảnh như thế, người thầy giáo rất có thể…

Putin (ngắt ngang): Ừ, được rồi, họ sẽ còn viết nữa. Như quí vị thấy đó, có nhiều sách giáo khoa do những bàn tay nhận trợ cấp nước ngoài viết ra. Và đương nhiên họ phải nhảy múa theo mệnh lệnh của kẻ trả tiền. Quí thầy cô hiểu chứ? Và điều đáng tiếc là, những sách giáo khoa đó đã len lỏi vào trong học đường của chúng ta, cả cấp trung học lẫn đại học.

Trong diễn văn bế mạc dành cho các giáo viên môn sử, Putin nói:

Còn về những trang sử có vấn đề của chúng ta – vâng, chúng ta nhìn nhận là có. Nhưng thử hỏi, có quốc gia nào lại không có những trang sử có vấn đề? Và chúng ta không có nhiều những trang sử như thế bằng một số [quốc gia] khác. Những trang sử ấy của chúng ta không đến nỗi hãi hùng như những trang sử của một số nước khác. Vâng, chúng ta có vài trang sử ghê rợn: chúng ta hãy nhớ những biến cố bắt đầu xảy ra năm 1937, chúng ta sẽ không quên những biến cố ấy. Nhưng những quốc gia khác cũng chẳng thua chi, thậm chí có nhiều hơn chúng ta những trang sử như thế. Dẫu sao, chúng ta cũng không dội chất độc hoá học xuống hàng ngàn cây số hay thả xuống một quốc gia nhỏ bé một lượng bom gấp 7 lần số bom đã sử dụng trong Thế chiến II, như đã xảy ra ở Việt Nam, chẳng hạn. Đủ mọi thứ biến cố xảy ra trong lịch sử của mọi quốc gia. Vì thế chúng ta không thể cho phép mình bị đè nặng dưới mặc cảm tội lỗi…[11]

Chỉ bốn ngày sau hội nghị, Quốc hội Nga đề xuất và nhanh chóng thông qua một đạo luật, cho phép Bộ Giáo dục quyền quyết định sách giáo khoa nào được xuất bản và sách giáo khoa nào được sử dụng để giảng dạy tại ở các trường học tại Nga.

Cuốn giáo khoa sử được chính phủ ưu ái nhất cũng là cuốn sách được các viên chức nhà nước tham dự cuộc hội nghị hết lời ca ngợi, khuyến mãi. Thật vậy, hóa ra cuốn Lịch sử hiện đại Nga, 1945-2006: sách chỉ nam của giáo viên[12] vốn đã được chính quyền Putin trực tiếp ủy nhiệm một số người soạn thảo. Chính quyền đã đưa ra những chỉ dẫn sau đây để các tác giả biết cách đánh giá các nhà lãnh đạo trong thời kì lịch sử này:

Stalin–tốt (củng cố quyền lực chiều dọc nhưng không tôn trọng quyền tư hữu); Khrushchev–xấu (làm suy yếu quyền lực chiều dọc); Brezhvev—tốt (cùng những lí do như Stalin); Gorbachev và Yeltsin–xấu (phá hoại đất nước nhưng dưới chế độ Yeltsin có quyền tư hữu); Putin—nhà lãnh đạo tốt nhất (củng cố quyền lực chiều dọc và quyền tư hữu).[13]

Tác giả chính của cuốn sách giáo khoa này là Alexander Filippov, phó giám đốc nhóm chuyên gia cố vấn chính sách đối ngoại thân cận với chính quyền Putin. Nhưng chương về “Dân chủ có chủ quyền” thì được biên sọan bởi Pavel Danilin, chuyên viên tuyên giáo điện Kremlin 31 tuổi và là tổng biên tập trang web www.kremlin.org, một người không có bằng cấp sử học hoặc kinh nghiệm giảng dạy nào. Dalinin đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn như sau: 

Mục đích của chúng tôi là soạn một cuốn giáo khoa đầu tiên, trong đó lịch sử Nga không xuất hiện như một chuổi tai ương và nhầm lẫn thảm hại nhưng xuất hiện như một cái gì có thể gieo được niềm tự hào về đất nước mình. Các thầy cô phải dạy môn lịch sử bằng chính đường lối này chứ không được đem bùn đen ra mà bôi bác Tổ quốc.[14]

Trên blog của ông (dưới bút hiệu Leteha) Danilin khuyến cáo bất cứ giáo viên nào có ý bất mãn với việc áp đặt thông điệp tích cực nói trên bằng những lời sau đây:

Dù bạn có tức đến kềnh hông, bạn cũng phải dạy con em chúng ta theo những sách giáo khoa bạn được cung cấp và dạy theo đường lối cần thiết cho nước Nga…Chúng ta không thể để cho những kẻ vấy cứt-bài Nga (Rossophobe shit-stinker, govniuk), hay bất cứ hạng phi luân nào, dạy môn lịch sử Nga. Cần phải dọn sạch những ô uế, và nếu không có kết quả, thì phải làm vệ sinh bằng vũ lực.[15]

Việc sử dụng vũ lực đầu tiên trong trận chiến ý thức hệ này đã diễn ra ngày 4 tháng Mười Hai, 2008, khi một nhóm người có mang mặt nạ từ Ủy ban Điều tra của Văn phòng Tổng Ủy viên công tố Nga, với dùi cui cảnh sát trong tay, đã dùng vũ lực đột nhập vào các văn phòng tại St. Petersburg của Hội Tưởng Niệm, một tổ chức trong 20 năm qua đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu các vụ đàn áp dưới thời Stalin tại Liên Xô. Sau khi lục soát, các người này đã tịch thu những đĩa cứng chứa đựng toàn bộ hồ sơ lưu trữ của tổ chức Tưởng Niệm tại St. Petersburg: các cơ sở dữ liệu (databases) chứa thông tin liên quan đến tiểu sử của hơn 50 ngàn nạn nhân của các vụ đàn áp; chi tiết về các mồ chôn trong vùng Petersburg; văn kiện lưu trữ của các gia đình, hồi kí, thư từ, băng ghi âm, các bản ghi chép phỏng vấn, ảnh, và các văn kiện về lịch sử Gulag [hệ thống quản lí tù lao động cải tạo Liên Xô] và cuộc Khủng bố Xô viết từ năm 1917 đến thập niên 1960 (gồm các tư liệu tôi thu thập với Hội Tưởng Niệm tại St. Petersburg cho tác phẩm The Whisperers (Những kẻ thì thầm) của tôi.[16] Trong số những món bị tịch thu có cả toàn bộ bộ sưu tập các tư liệu tại Viện bảo tàng Gulag ảo (gulagmuseum.org), một sáng kiến rất cần thiết nhằm cứu vãn những dụng cụ tạo tác quí giá, ảnh, và các văn kiện từ hơn 100 tang vật đang bị đe dọa khắp nước Nga (cả nước chỉ có một viện bảo tàng Gulag quan trọng, Perm-36, trong vùng núi Ural).[17]

Không ai có thể nhầm lẫn dụng ý của cuộc bố ráp này. Vụ việc xảy ra trước hôm có một hội nghị quốc tế rất lớn tại Moskva về “Lịch sử chủ nghĩa Stalin: Các kết quả nghiên cứu và các vấn đề” — hội nghị đầu tiên có tầm cỡ như thế — được tổ chức bởi Ủy viên hội đồng Nhân quyền Liên bang Nga, Sáng hội Yeltsin, Văn khố Nhà nước Liên bang Nga, Viện Thông tin Khoa học về Các khoa Xã hội, nhà xuất bản Rosspen (công ti đã xuất bản nhiều bộ sưu tập các tư liệu từ các văn khố lưu trữ thời đại Stalin), và Hội Tưởng Niệm (the Memorial Society).

Trong thời gian này, người ta thấy xuất hiện hai bài báo đả kích Hội Tưởng Niệm dữ dội trong số đặc biệt của Russkii zhurnal (Báo Nga), “Bàn về chính trị của Hội Tưởng Niệm”, được đăng đồng thời với ngày khai mạc Hội nghị Moskva, và tại hội nghị này bài báo đã được phát tận tay các người tham dự. Hai bài báo này báo hiệu bắt đầu có một cuộc đấu tranh ý thức hệ chống lại Hội Tưởng Niệm và “các phần tử chống-yêu nước” (anti-patriotic elements) khác, những phần tử đã cố tình “làm suy yếu nước Nga” bằng cách đè nặng nước này với một mặc cảm tội lỗi về lịch sử của nó. “Nước Nga không còn làm chủ kí ức lịch sử của mình, một kí ức hiện có nguy cơ bị những điều bịa đặt của người nước ngoài chiếm đoạt”, Gleb Pavlovskii, biên tập viên của Russkii zhurnal và là một cố vấn của Putin[18], đã viết như thế trên một trong những bài đả kích Hội Tưởng Niệm, một bài báo có nhan đề “Kí ức tồi – Chính trị tồi”.[19] Russkii zhurnal đi theo lập trường của Kremlin về chính sách đối ngoại và về ý thức hệ. Danilin là cộng tác viên khá thường xuyên cho tờ báo này. Tác phẩm Vragi Punita (Kẻ thù của Putin) của Danilin được Pavlovskii cho xuất bản.[20]

Dù với bất cứ dụng ý gì trong chiến dịch quấy rối này, chế độ hiện nay tại Nga đã tỏ ra thiếu thực tế khi mưu toan thay đổi hồ sơ tội ác của Stalin trong lich sử nước này. Việc công khai hóa các văn khố, việc xuất bản các văn kiện lưu trữ trong các văn khố ấy do các nỗ lực quốc tế như bộ Lịch sử biên niên chủ nghĩa Cộng sản, hay việc làm của các tổ chức như Hội Tưởng Niệm đã khiến cho việc bóp méo sự thật lịch sử của chế độ Putin không còn là chuyện dễ dàng. Mặc dù trong những năm gần đây các văn khố đã bắt đầu khép lại, nhưng chúng không thể trở lại hoạt động như trong thời Xô viết. Tuy nhiên, bao lâu mà chế độ này còn tiếp tục lấp liếm kí ức tập thể về các cuộc đàn áp và tìm cách thay thế kí ức này bằng huyền thoại “yêu nước” của nó về quá khứ Xô viết, thì người ta không hi vọng mấy về một nước Nga chịu nhìn thẳng vào di sản Stalin để lại, hay chịu trở thành một nước dân chủ đích thực, chịu sống hoà bình với các nước láng giềng và thế giới. Hiện nay, điều phương Tây có thể làm được là bày tỏ hậu thuẫn đối với các tổ chức nghiên cứu Nga đang cố gắng giữ gìn kí ức về các cuộc đàn áp diễn ra tại Liên Xô. Năm nay, lần thứ ba trong ba năm liền, Hội Tưởng Niệm đã được đề cử làm ứng viên cho giải Nobel về Hòa bình. Có lẽ đã đến lúc Hội Tưởng Niệm phải được giải thưởng này.

Ngày 1-4-2009

Chú thích 

[1] Trường hợp nổi tiếng nhất có dính tới Allen Weinstein, lúc bấy giờ là chủ tịch Trung tâm hoạt động vì Dân chủ (the Center for Democracy), một tổ chức có liên quan mật thiết với phe Cộng hòa Mĩ. Để giúp tư liệu cho cuốn sách của ông, nhan đề The Haunted Wood: Soviet Espionage in America—The Stalin Era (Cánh rừng có ma: Tình báo Xô viết tại Hoa Kì–Thời đại Stalin), với đồng tác giả là Alexander Vassiliev [Random House, 1999; đã được phê bình (reviewed) trên tạp chí này vào ngày 11-5-2000], nhà xuất bản được tường thật là đã trả cho một nhóm cựu viên chức KGB một nố tiền đáng kể (Weinstein nói đến con số 100 ngàn đôla) để được quyền tiếp cận “đặc biệt” (“exclusive” access) các văn kiện KGB liên quan (xin tham khảo Jon Wiener, “Các tư liệu văn khố và Allen Weinstein,” The Nation, 17-5-2004). Đây rõ ràng là một vi phạm qui tắc đức lí của Hội đồng Văn khố Quốc tế, một tổ chức kêu gọi các văn khố cho phép giới nghiên cứu được tiếp cận tư liệu ở mức “rộng rãi nhất có thể được”. Bất chấp sự chống đối của nhiều tổ chức nghiên cứu, kể cả Hội Chuyên gia Văn khố Hoa Kì và Tổ chức các Sử gia Hoa Kì, Weinstein vẫn được [Thượng viện Hoa Kì] chỉ định năm 2005 vào chức vụ giám đốc thứ 9 của Cơ quan quản lí Văn khố và Hồ sơ quốc gia Hoa Kì. Ông từ nhiệm tháng 12-2008 vì lí do sức khỏe. 

[2] Vài lần gần đây, khi tôi đến nghiên cứu tại Văn khố Quân sử, nhân viên tại đây cho biết là các văn kiện mang chữ kí của Sa-hoàng đã bị mất.

[3] Xin xem, chẳng hạn, Thư gửi Molotov, 1925-1936 (Letters to Molotov, 1925-1936), của Stalin, do Lars T. Lih, Oleg V. Naumov, và Oleg V. Khlevniuk biên tập, do Catherine A. Fitzpatrick dịch từ tiếng Nga, với lời nói đầu của Robert C. Tucker (Yale University Press, 1995), được phê bình trên tạp chí này ngày 6-3-1997; Nhật kí Georgi Dimitrov (The Diary of Georgi Dimitrov, 1933-1949), do Ivo Banac, biên tập, do Jane T. Hedges dịch từ tiếng Đức, do Timothy D. Sergay dịch từ tiếng Nga, và do Irina Faion dịch từ tiếng Bun-ga-ri (Yale University Press, 2003); Hồ sơ KGB về Andrei Sakharov (The KGB file of Andrei Sakharov), do Joshua Rubenstein và Alexander Gribanov biên tập và chú giải, với lời giới thiệu của Joshua Rubenstein và những bản dịch của Ella Shmulevich, Efrem Yankelevich, và Alla Zeide (Yale University Press, 2005), được phê bình trên tạp chí này ngày 20-10-2005.

[4] Xem J. Arch Getty and Oleg V. Naumov, The Road to Terror: Stalin and the Self-Destruction of Bolsheviks, 1932-1939 (Con đường dẫn tới chính sách khủng bố: Stalin và sự tự hủy của những người Bôn-sê-vich, 1932-1939), bản dịch của Benjamin Sher (Yale University Press, 1999); William J. Chase, Enemies Within the Gates? The Comintern and Stalinist Repression, 1934-1939 (Những kẻ nội thù? Đệ tam Quốc tế và Chính sách đàn áp của Stalin, 1934-1939), bản dịch của Vadim A. Staklo (Yale University Press, 2001); Katerina Clark và Evgeny Dobrenko với sự cộng tác của Andrei Artizov và Oleg Naumov, Soviet Culture and Power: History in Documents, 1917-1953 (Văn hóa và quyền lực Xô viết: Lịch sử bằng văn kiện, 1917-1953), bản dịch của Marian Schwarts (Yale University Press, 2007).

[5] Xem The Unknown Lenin: From the Secret Archive (Lenin chưa ai biết đến: từ văn khố bí mật), do Richard Pipes biên tập với sự trợ tá của David Bradenberger và các bản dịch của Catherine A. Fitzpatrick (Yale University Press, 1966); được phê bình trên tạp chí này ngày 6-3-1997.

[6] Xem Stalinism as a Way of Life (Chủ nghĩa Stalin như một lối sống), do Lewis Siegelbaum và Andrei K. Sokolov biên tập, với các văn kiện do Ludmila Kosheleva sưu tập, và với các bản dịch của Thomas Hoisington và Steven Shabad (Yale University Press, 2000); được phê bình trên tạp chí này ngày 29-11-2001.

[7] Chẳng hạn, bộ Dokumenty sovetskoi istorii (Tư liệu lịch sử Xô viết), do sử gia quá cố Franco Venturi sưu tập (Moscow: Rosspen, yr YK), hay bộ sách 5 tập gồm các tư liệu về chủ trương tập thể hóa, Tragediia sovetskoi derevni: Kollektivizatsiia i raskulachivanie: Dookumenty i materialy v 5 tomakh, 1927–1939, do Viktor P. Danilov, Roberta Manning và Lynne Viola (Moscow: Rosspen, 1999-2006), bộ này sẽ được xuất bản thành ba tập trong công trình nghiên cứu Annals of Communism.

[8] Mikhail Gefter, “V predchuvstvii proshlogo,” Vek XX n mir, No. 9 (1990), p. 29.

[9] Moscow News, ngày 4-3-2005

[10] Ý định của Putin đã được báo hiệu trong một buổi họp với các sử gia vào tháng Mười Một khi Putin nói rằng sách giáo khoa môn sử phải “vun xới lòng tự hào về lịch sử nước Nga, niềm hãnh diện về tổ quốc, đặc biệt trong giới thanh thiếu niên.” Trước đó không lâu, Bộ giáo dục Nga đã rút lui sự chấp thuận đối với cuốn sử của Igor Dolutsky, nhan đề Otechestvennaia istoriia XX veka dlia 10-11-x klassov (Lịch sử quốc gia Thế kỉ 20), một tác phẩm đã được bán hơn nửa triệu cuốn trong nhiều lần tái bản từ năm 1994 và được sử dụng làm sách giáo khoa tại nhiều trường trung học khắp nước Nga. Đây là một cuốn sách gương mẫu viết theo tiêu chuẩn sư phạm phương Tây: sử dụng tư liệu văn khố và trình bày nhiều quan điểm khác nhau ở cuối mỗi chương. Nhưng cuốn sách cũng mang lại những so sánh giữa hệ thống đàn áp của Stalin và của Quốc xã đồng thời mời gọi học sinh thảo luận xem thử nước Nga đã trở thành một nước dân chủ sau năm 1991 hay chưa. Những câu hỏi táo bạo như thế đã khiến Bộ giáo dục Nga ra lệnh cấm. Một viên chức chính phủ được trích dẫn đã nói rằng cuốn sách này “khuyến khích sự khinh miệt đối với lịch sử và nhân dân Nga”.

[11] Được trích dẫn từ bản dịch trong bài báo xuất sắc của Leon Aron, “Những trang sử có vấn đề,” The New Republic, 24-9-2008.

[12] Alexander Filippov, Noveishaia istoriia Rossii, 1945–2006: Kniga dlia uchitelia (Moscow: Prosveshchenie, 2007).

[13] Kommersant—Vlast’, No. 27 (371), July 16, 2007.

[14] Aron, “Những trang sử có vấn đề”.

[15] Xem leteha.livejournal.com; do Leon Aron trích từ bản dịch.

[16] Ngày 2-3-2009, nhà xuất bản Atticus Group (Inostranka) tại Moskva đã hủy bỏ khế ước xuất bản cuốn The Whisperers (Những kẻ thì thầm) tại Nga.

[17] Xin xem thư ngõ của tôi về cuộc bố ráp đăng trên tạp chí này ngày 15-1-2009. Vào ngày 20-1-2009, một kháng án chống lại vụ bố ráp (một cuộc bố ráp được thực hiện bằng các biện pháp thô bạo phi pháp) được Toà án Vùng Dzerzhinsky tán thành, toà án này đã ra lệnh hoàn trả lại Hội Tưởng Niệm tất cả tư liệu đã bị tịch thu; nhưng ngày 24 tháng Hai phán quyết này lại bị Toà án Thành phố St. Petersburg bác bỏ sau khi có kháng án của Phòng công tố TP St. Petersburg. Vào thời điểm tôi viết bài này, những tư liệu văn khố bị tịch thu vẫn còn nằm trong tay cảnh sát.

[18] Vào năm 2005, ông bị chính quyền Ukraine cáo buộc là đã tổ chức đầu độc Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko, một lời cáo buộc Pavlovskii phủ nhận.

[19] Gleb Pavlovskii, “Plokho s pamiat’iu—plokho s politikoi,” Russkii zhurnal, 12- 2008

[20] Pavel Danilin, Vragi Putina (Moscow: Evropa, 2007).

Nguồn: http://www.nybooks.com/articles/22642

0