18/06/2018, 15:26

Nữ hoàng biển cả Grace O’Malley

Thùy Dương Dữ dội, bạo liệt, mạnh mẽ như một người đàn ông, Grace O’Malley sinh ra để thuộc về biển cả và đã trở thành một nữ cướp biển, một thuyền trưởng, một nhà buôn, một tộc trưởng nổi tiếng ở Ailen trong những năm 1500. Không chỉ là một “nữ hoàng” cướp biển không ...

Thùy Dương

Dữ dội, bạo liệt, mạnh mẽ như một người đàn ông, Grace O’Malley sinh ra để thuộc về biển cả và đã trở thành một nữ cướp biển, một thuyền trưởng, một nhà buôn, một tộc trưởng nổi tiếng ở Ailen trong những năm 1500. Không chỉ là một “nữ hoàng” cướp biển không biết sợ là gì, người phụ nữ Ailen này còn là một nhà lãnh đạo tài ba không những được người dân nể trọng mà còn khiến cả kẻ thù cũng phải kính sợ.

Cô con gái hoang dại của “cây sồi đen”

Cuộc sống ở Ailen thế kỷ 16 có thể được miêu tả bằng những từ như khó khăn, nổi loạn, bất ổn chính trị và xã hội. Đất nước này vẫn là một xã hội bộ tộc trong đó các tù trưởng độc lập cai quản 60 hạt theo luật lệ, truyền thống cổ xưa. Các tù trưởng thường xung đột với nhau để tranh giành quyền lực và duy trì quyền kiểm soát đất đai.

Dưới thời Vua Henry VIII trị vì nước Anh, người Ailen ngày càng bị người Anh đồng hóa và chiếm lĩnh. Vua Henry VIII quyết tâm tăng cường kiểm soát Ailen để đảm bảo rằng đế chế của mình không bị nước ngoài xâm chiếm. Ông đã đặt ra chính sách cải cách, trong đó phong tước hiệu Anh cho các tù trưởng Ailen và cho họ quyền giữ đất đai, tài sản hợp pháp nếu họ quy phục Anh và thề trung thành với nhà vua. Chính sách này bắt đầu lan rộng từ thủ đô Đablin đến bờ biển miền tây Ailen.

Tuy nhiên, khu vực bờ biển miền tây Ailen không nhanh chóng quy phục luật lệ của người Anh. Các tù trưởng Gaelic vẫn giữ được truyền thống của mình vì người Anh hiếm khi đi sâu vào vùng đất xa xôi, hoang sơ này. Sự độc lập này càng được khẳng định với dòng họ nhà O’Malley.

Đảo Clare – nơi Grace ra đời.

O’Malley là một bộ tộc đi biển nổi tiếng từ thế kỷ 12. Những đội thuyền của họ buôn bán hàng hóa giữa Ailen với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ nổi tiếng vì lão luyện trong nghề hàng hải, giàu kinh nghiệm tránh bão và cướp biển. Dòng họ O’Malley đã thống trị mảnh đất quanh vịnh Clew ở hạt Mayo hàng thế kỷ và không phụ thuộc vào người Anh trong một thời gian.

Grace O’Malley sinh năm 1530, là con của tộc trưởng dòng họ O’Malley, ông Owen O’Malley – người có biệt danh “cây sồi đen” – và bà Margaret O’Malley – một phụ nữ dòng dõi quý phái. Ông Owen là một người đi biển kinh nghiệm và quả cảm. Là một người thành công và kiêu hãnh, ông khó chấp nhận và không có ý định chấp nhận các chính sách mới của người Anh.

Với tính cách mạnh mẽ như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Grace O’Malley – cô con gái của “cây sồi đen” – thừa hưởng những gì hoang dại nhất, dữ dội nhất của cha.

Grace sinh ra trên đảo Clare thuộc vịnh Clew nhưng phần lớn tuổi thơ cô bé sống ở lâu đài Belclare. Khi nhìn con gái, ông Owen biết rằng cô bé là một người đặc biệt. Khi còn nhỏ, Grace thường ngồi chăm chú và nghe say sưa lời cha kể về những cuộc phiêu lưu trên biển cả cũng như những bến cảng, thành phố mà ông từng ghé qua. Cô thường xuống vịnh và lên tàu ra nước ngoài cùng cha. Grace thích đứng trên cầu tàu, để mặc cho gió biển đùa nghịch mái tóc dài dày dặn. Cô thường giả vờ mình là một thuyền trưởng, hô vang mệnh lệnh với thủy thủ khi con tàu chồm lên những con sóng cuồn cuộn.

Grace biết rằng cô sinh ra để thuộc về biển cả. Tiếng gọi của biển luôn chiếm giữ tâm hồn cô và chảy trong từng huyết mạch của cô. Thật khó để cưỡng lại tiếng gọi đó nhưng Grace phải kiềm chế vì thời điểm thích hợp vẫn chưa đến.

Đối với một cô gái dòng dõi thì đi biển là thứ bị coi là không phù hợp nhất. Mẹ Grace kịch liệt phản đối chuyện con gái ra biển nhưng Grace vẫn làm theo ý mình. Hơn nữa, ông Owen, khi nhìn thấy bản thân mình hiện hữu trong cô con gái, cũng đồng ý cho cô đi cùng trong các chuyến sang Tây Ban Nha.
Grace đã cắt phăng mái tóc dài để nó không làm cô vướng víu khi đi biển. Cô cũng xếp xó những bộ váy áo dài lượt thượt và mặc quần áo của đàn ông, bỏ ngoài tai những lời mỉa mai của bạn bè.

Ông Owen biết rằng con gái rất yêu biển nên ông tỏ ra hào hứng truyền kinh nghiệm đi biển và buôn bán cho cô. Ông luôn coi Grace là một cậu con trai hơn là một cô con gái. Grace không chỉ háo hức học và còn lĩnh hội rất nhanh những gì cha dạy. Cô có thể đoán đúng hướng gió, thời tiết, thủy triều như cha mình. Điều này khiến ông Owen hài lòng vô cùng, đến mức đi đâu ông cũng đưa con gái đi cùng để cô thực tập những gì đã học. Nhiều người cho rằng Grace thậm chí còn giỏi hơn cha.

Trong một chuyến đi sang Tây Ban Nha, tàu của ông Owen bị một con tàu của cướp biển Anh tấn công. Ông đã ra lệnh cho con gái trốn dưới boong tàu để tránh cướp. Nhưng thay vì ẩn náu, Grace trèo lên trên và khi nhìn thấy một tên cướp biển định đâm cha mình từ đằng sau, cô đã nhảy xuống, hét to và tấn công kẻ đó. Sự dũng cảm đáng ngạc nhiên của Grace đã cứu mạng sống của cha cô và giúp con tàu đánh thắng bọn cướp. Và đây là trải nghiệm đầu tiên của Grace.

Nữ tộc trưởng và cướp biển

Để giữ tục lệ của thời đó, ông Owen O’Malley đã sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa cô con gái độc nhất của mình và con trai một tù trưởng bộ tộc láng giềng. Cuộc hôn nhân này mang động cơ chính trị, nhằm tăng cường liên minh quyền lực giữa ông Owen và tù trưởng thông gia.

Grace chỉ mới 15, 16 tuổi khi kết hôn với Donal O’Flaherty. Họ có hai con trai Owen và Murrough cùng cô con gái Margaret. Cuộc hôn nhân này không hề hạnh phúc với Grace. Donal là một gã vô trách nhiệm và liều lĩnh, tính khí nóng nảy, hiếu chiến. Donal đã từng giết chết Walter, con trai riêng của David Burker, chồng em gái Donal. Theo thứ bậc, sau David, Walter sẽ trở thành người đứng đầu liên minh ba bộ tộc Burke, O’Malley, O’Flaherty – vị trí mà em gái Donal muốn dành cho con trai đẻ của mình.

Grace ngày càng phẫn nộ khi chứng kiến chồng mình phung phí tài sản thừa kế của anh ta vào cờ bạc. Trong khi đó, công việc buôn bán của các bộ tộc không quy phục người Anh dần bị hạn chế. Donal ngày càng bộc lộ rõ là không đủ khả năng để quản lý tài sản của bộ tộc. Để bù lại những mất mát tài sản, anh ta bắt người trong bộ tộc đóng góp vượt sức chịu đựng của họ. Đối mặt với thảm cảnh chết đói không thể tránh nổi, họ tìm đến Grace.

Grace O’Malley nhận ra rằng luật lệ không cho phép một phụ nữ làm tộc trưởng bộ lạc. Nhưng cô vẫn giành quyền kiểm soát bộ tộc từ chồng và nỗ lực giúp người trong bộ tộc. Cô giúp bộ tộc đi lên bằng những gì cô biết và giỏi nhất, đó là biển cả và giao thương.

Khi đã nắm quyền chỉ huy đội tàu của chồng, Grace không mất nhiều thời gian để chứng tỏ năng lực lãnh đạo bẩm sinh của mình. Hơn 200 người đã quyết định đi theo người chỉ huy mà mình đã tin cậy lựa chọn, nhiều người trong số đó đến từ các bộ tộc khác.

Cuộc sống trên biển cực kỳ gian truân và nguyên thủy. Gió biển, muối biển làm khuôn mặt người ta nứt nẻ và đen sạm. Không có gì gọi là riêng tư và điều kiện vệ sinh cá nhân rất tồi tệ. Thức ăn đơn giản và nguội lạnh, phần lớn chỉ là bánh quy khô, thịt lợn muối và một ít bia. Trên tàu, thủy thủ chỉ mặc duy nhất một thứ quần áo giống nhau. Và đó là nơi cuối cùng mà người ta có thể hi vọng tìm thấy một phụ nữ. Khắc nghiệt là vậy nhưng Grace lại yêu từng khoảnh khắc cuộc sống ấy.

Cô nối lại giao thương với vài nước châu Âu, đưa thuyền ra đại dương đánh cá và phục kích những thị trấn Ailen quy phục người Anh. Cùng với đội tàu, Grace lang thang khắp các vịnh và eo biển trên vùng bờ biển phía tây, tìm cách chặn những con tàu giao thương với những thị trấn theo luật người Anh. Đội tàu của cô không chỉ nhanh và khéo léo mà thủy thủ của cô còn là những người có tinh thần và trung thành, luôn ủng hộ và ngưỡng mộ tài năng của cô.

Grace và thủy thủ thường đột kích những tàu buôn ngờ nghệch. Cô đề nghị cung cấp hoa tiêu và chỉ cho họ con đường đi an toàn qua những dòng nước và rặng đá ngầm nguy hiểm và đổi lại họ phải trả tiền cho cô. Nếu tàu nào từ chối, cô sẽ đe dọa lấy bất kỳ thứ gì cô muốn. Nhiều thuyền trưởng thỏa hiệp theo yêu cầu của cô. Còn đối với người nào không nghe theo, tàu của họ sẽ bị Grace và thủy thủ cướp phá.

Trong khi Grace đang bận rộn tìm cách khôi phục lại gia sản của Donal thì anh ta vẫn theo lề thói cũ. Thói quen tiêu xài không thay đổi còn tính khí ngày một nóng nảy. Anh ta mất quyền chỉ huy bộ tộc vào tay một người khác trong dòng họ. Không quyền lực trong khi vợ ngày một thành công trên biển, Donal tỏ ra buồn chán.

Anh ta ngày càng hiếu chiến và thất bại khi định chiếm đất của bộ tộc Joyce. Bị chọc tức, bộ tộc Joyce tìm cách trả thù Donal và tấn công vào lâu đài Cork của anh ta. Dù bị tấn công liên tục nhưng Donal vẫn giữ được lâu đài. Tuy nhiên, bộ tộc Joyce vẫn ngấm ngầm ôm mối hận. Một thời gian sau, Donal đã bị ám sát bí ẩn trong một chuyến đi săn.

Nghe tin về cái chết bí ẩn của chồng, Grace và người của cô chuẩn bị đối phó với một tấn công tiếp theo của bộ tộc Joyce. Một lần nữa, bộ tộc Joyce thất bại trước sự phòng thủ của lâu đài Cork, lần này là dưới tay của một người phụ nữ. Thành tích chiến đấu khiến danh tiếng của Grace ngày càng nổi.

“Chiến tích” của nữ hoàng

Bất chất luật lệ, dòng tộc nhà O’Flaherty không cho Grace hưởng quyền lợi hợp pháp của một góa phụ trưởng tộc là 1/3 tài sản của người chồng quá cố. Grace kiên quyết không chịu sống cảnh phụ thuộc vào bộ tộc O’Flaherty. Cô mang các con quay về lâu đài Clare của bố mẹ. Grace biết rằng cô phải kiếm sống và quyết định trở lại với biển. Đội thủy thủ cũ vẫn trung thành với Grace và cùng với cô vượt sóng gió với phương châm “Sức mạnh nhờ đất và biển cả”.

Những thành công huyền thoại của Grace O’Malley ngày một dày theo năm tháng. Sự thành công của một người phụ nữ Ailen khiến người Anh tức giận. Họ bắt đầu giám sát hoạt động của cô với hi vọng bắt quả tang cô hành nghề cướp biển để giam giữ cô và tịch thu đội tàu. Người Anh muốn tìm cơ hội để chế ngự người phụ nữ Ailen nổi loạn này.

Nữ cướp biển và thủy thủ của cô chiếm lĩnh đường đi lối lại trên vùng biển dọc miền tây Ailen. Đảo Clare là nơi lý tưởng để phát hiện ra tàu buôn đang tiến vào vịnh Clew và bờ biển. Có một lần, khi quan sát biển từ đảo Clare trong một ngày giông bão, Grace phát hiện ra một con tàu đang bị đắm do va vào đá ngầm. Cô đã nhanh chóng đưa tàu ra giải cứu con tàu chở hàng bị đắm nhưng khi đến nơi, tàu đã chìm. Chỉ còn duy nhất một người còn sống sót, Hugh de Lacy. Grace đã đưa anh thủy thủ đẹp trai đang sống dở chết dở lên tàu của mình và trở về nhà.

Grace đích thân chăm sóc de Lacy cho đến lúc anh này bình phục. Lúc de Lacey khỏe mạnh cũng là lúc họ trở thành tình nhân. Nhưng cuộc tình chẳng kéo dài được bao lâu vì de Lacy bị các thành viên bộ tộc MacMahon giết hại khi đi săn.

Grace giận dữ lên kế hoạch trả thù cho cái chết của người tình. Cô đã tóm sống người bộ tộc MacMahon khi họ đi hành hương ở đảo Cahir, đốt cháy tàu thuyền và giết chết toàn bộ. Sau đó, Grace tiến về lâu đài Doona của bộ tộc MacMahon, chiếm toàn bộ lâu đài này. Kể từ đó, Grace O’Malley được gọi bằng biệt danh “quý bà đen của Doona”.

Phế tích lâu đài Doona.

Còn có một lâu đài nữa mà từ lâu Grace thèm muốn để thực hiện giấc mơ kiểm soát hoàn toàn vịnh Clew. Đó là lâu đài Rockfleet của tộc trưởng Richard “Iron Dick” Burke, cháu trai bên nhà chồng cũ của Grace. Grace hứa hẹn với Richard rằng anh sẽ có nhiều lợi lộc nếu kết hôn với cô. Richard cả tin vốn đã say mê Grace từ trước liền đồng ý ngay với kế hoạch của cô. Năm 1566, Richard Burke kết hôn với Grace O’Malley O’Flaherty. Sau đám cưới, Grace cùng ba con đàng hoàng bước vào lâu đài Rockfleet.

Chính xác một năm sau cuộc hôn nhân, Grace quyết định thực hiện kế hoạch chiếm Rockfleet. Một hôm, Richard trở về nhà và phát hiện ra rằng vợ mình đã khóa trái lâu đài, chiếm quyền kiểm soát Rockfleet cùng những người trung thành. Cô đứng trên lâu đài hét xuống với Richard rằng cô đã hất cẳng anh ta. Grace ly hôn Richard, chiếm lâu đài nhưng vẫn duy trì mối quan hệ với Richard si tình. Nhiều năm sau, Richard Burke vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời phiêu lưu của Grace.

Năm 1567, Grace và thủy thủ của cô trên đường trở về sau một chuyến đi buôn. Cô trở dạ và sinh một cậu con trai tên là Theobald. Sau khi sinh con được một ngày, lúc Grace đang nghỉ trong buồng thì tàu của cô bị cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Nằm trong buồng, nghe tiếng giao tranh dữ dội bên ngoài, Grace được thuyền trưởng chạy vào báo tin rằng tàu của cô đang yếu thế và sắp thua trận. Grace ngay lập tức nhảy ra khỏi phòng, ào lên boong tàu, nã đạn vào hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ. Chứng kiến hành động quyết liệt của nữ hoàng, các thủy thủ ngay lập tức lấy lại tinh thần, đảo ngược thế trận và tịch thu con tàu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những năm sau đó, Grace tiếp tục lãnh đạo các thủy thủy qua nhiều cuộc phiêu lưu trên các eo biển Ailen và đại dương bao la. Đội tàu của cô giờ đã lên tới con số 20. Danh tiếng của cô nổi như cồn.

Đối với người Anh, đội quân của nữ cướp biển này đã trở thành một lực lượng hùng mạnh. Hoạt động của Grace ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc buôn bán của người Anh. Đối mặt với thực tế này, người Anh quyết định ngăn bước tiến của Grace bằng cách đánh bại và bắt giữ cô.

Người Anh và nữ cướp biển

Binh lính Anh từ Galway tấn công lâu đài của Grace. Lúc đó, lâu đài của Grace không có nhiều người và họ đối mặt với tình thế khó khăn. Không cam chịu đầu hàng, Grace đã ra lệnh gỡ mái lâu đài bằng chì rồi đun chảy. Cô cũng cử một người theo đường hầm ngầm đi cầu cứu.

Khi người Anh tấn công lần nữa, người trong lâu đài đổ chì nóng chảy xuống đầu binh lính Anh. Quân Anh nhanh chóng rút lui để củng cố lực lượng. Nhờ đó, Grace có thời gian để trốn khỏi lâu đài và tới các con tàu đang đợi sẵn. Họ ra ngoài biển hợp lực cùng với quân tiếp viện Ailen. Khi quay về lâu đài, Grace đã chỉ huy người của mình đánh bại quân Anh. Tuy nhiên, thất bại này chưa làm người Anh từ bỏ ý định bắt giữ nữ hoàng cướp biển.

Năm 1574, người Anh cử đại úy William Martin vượt biển đi bắt Grace. Họ bao vây toàn bộ lâu đài Rockfleet cả trên đường bộ và đường biển trong vài ngày liền. Nhưng Grace không phải là người dễ khuất phục. Bằng sức mạnh tinh thần thép của mình, cô đã tổ chức phản công chống lại quân Anh. Cuộc tấn công bất ngờ và tinh khôn khiến Martin và quân Anh phải tháo chạy.

Henry Sidney.

Trong khi đó, liên minh ba bộ tộc Burke, O’Malley và O’Flaherty đã họp mặt với ông Henry Sidney, lãnh chúa Ailen, và cuối cùng quy phục người Anh, thề trung thành với Hoàng gia Anh. Grace O’Malley biết rằng việc người Anh bắt hoặc giết mình chỉ còn là vấn đề thời gian. Cô phải tìm cách nào đó để những “thợ săn” Anh không bám theo cô. Cô đã gặp người Anh và bằng vẻ chần chừ, đưa ra cam kết cư xử tốt và trung thành với hoàng gia. Nhưng Grace vẫn không có ý định ngừng hoạt động trên biển.

Một lần, Grace và thủy thủ trở về đất liền sau một hành trình dài. Lúc đó là xế chiều và họ đều ướt át, mệt mỏi và đói. Đội tàu của Grace neo đậu gần lâu đài Howth. Cô tới xin chủ lâu đài là Christopher St. Lawrence tiếp đón mình và thủy thủ theo tục lệ người Ailen. Tuy nhiên, cánh cửa lâu đài đóng im ỉm và cô được người gác cổng cho biết rằng ngài Christopher đang ăn tối và không được quấy rầy. Grace bỏ đi, giận dữ vì bị từ chối. Cô đã bắt cóc con trai Christopher và đưa về Connaught.

Lâu đài Howth

Khi hay tin con trai bị bắt cóc, ông Christopher ngay lập tức tìm đến Grace và van xin tự do cho con đồng thời hứa trả bất kỳ khoản tiền chuộc nào. Grace từ chối nhận tiền. Thay vào đó, cô đòi lâu đài Howth lúc nào cũng phải mở cửa, không bao giờ được từ chối giúp đỡ khách ghé qua. Không còn cách nào khác cứu con trai ngoài chấp nhận yêu cầu của Grace, ông Christopher đồng ý.

Cho đến tận ngày nay, hơn 400 năm đã trôi qua, cánh cổng của lâu đài Howth vẫn rộng mở với tất cả mọi người. Ngày nào, phòng ăn tối của lâu đài cũng có một bộ đồ ăn thêm dành cho khách. Điều này đã trở thành truyền thống của lâu đài theo lời yêu cầu của Grace O’Malley.

Năm 1577, Grace bị bá tước vùng Desmond bắt giữ, bị tòa án kết án 18 tháng tù. Sau khi được phóng thích, Grace quay trở về Connaught và ẩn danh một thời gian ngắn.

Năm 1584, khi nữ hoàng cướp biển đã 54 tuổi, bà trở lại với nghề đi biển. Lúc này, các con của bà đã trưởng thành. Cô con gái Margaret đã ổn định với một cuộc hôn nhân trong bộ tộc. Còn ba cậu con trai Owen, Murrough và Theobald lúc nào cũng sát cánh ngoài biển cùng mẹ. Grace hiểu rằng cướp biển là cách duy nhất bà có thể đóng góp cho bộ tộc trong tình thế lúc bấy giờ: Tây Ban Nha và Anh đang hằm hè và chiến tranh chỉ còn là chuyện một sớm một chiều.

Thăng trầm hậu vận

Trong thời kỳ biến động này, Richard Bingham trở thành tỉnh trưởng tỉnh Connaught. Ông ta không hề yêu mến gì Ailen và muốn cai trị khu vực này theo kiểu của người Anh.

Bingham được giao nhiệm vụ lập lại trật tự và chủ quyền cho vùng đất lắm rắc rối này. Ông cũng đề ra một mục tiêu cá nhân là đảm bảo mang Grace O’Malley ra trước pháp luật vì tội làm cướp biển.

Bingham làm mọi việc có thể để khiến cuộc đời Grace khốn khổ. Ông đã tịch thu một số tàu của Grace, bắt giữ con trai út Theobald của Grace làm con tin. Ông ta cũng bắt cả Grace và ném bà vào ngục tối, chuẩn bị cho bà một giá treo cổ.

Cuộc gặp của Grace với Nữ hoàng Elizabeth I.

Trong khi chờ bị hành hình, Grace giành được tự do nhờ cuộc dàn xếp trao đổi con tin giữa các tộc trưởng hạt Mayo và ông Bingham. Nhờ cuộc trao đổi này, con rể bà và đàn gia súc hàng ngàn con cũng được thả.

Tuy nhiên, Murrough O’Flaherty, con trai thứ hai của Grace, đã hợp lực với Bingham chống lại mẹ. Grace tức giận đến mức tấn công và đốt cháy toàn bộ thị trấn nơi con trai bà sống. Bingham trả đũa bằng cách tịch thu nhiều tài sản của Grace và bỏ tù con trai út Theobald vì tội phản quốc. Còn con trai cả Owen bị anh trai Bingham bắt làm con tin. Khi bị giam cầm, Owen đã bị giết hại dã man.

Hành động của Bingham đã thổi bùng lên vô số cuộc nổi loạn. Lúc này, Grace chỉ còn rất ít tài sản. Bà đã bị Bingham đẩy vào cảnh cơ cực. Cuộc đời của bà giờ rất khó khăn và đầy oán hận. Bà bỏ ra nhiều năm để đòi lại của cải nhưng liên tục bị Bingham cản trở. Không thể giao thương trên biển hay đất liền, Grace ngày càng căm hận Bingham. Bà phải tìm mọi cách để có thu nhập cho bản thân và người của bộ tộc.

Năm 1588, hải quân Tây Ban Nha đưa tàu tới Anh và bị Francis Drake đánh bại. Bingham trở về Connaught. Không lâu sau, Ailen chứng kiến một cuộc nổi dậy của các bộ tộc.

Khi đàm phán hòa bình được thiết lập, các bộ tộc Burke, O’Malley và nhiều bộ tộc khác đòi bãi chức thị trưởng của Richard Bingham. Tuy nhiên, Bingham trắng án và tổ chức tấn công những bộ tộc nổi loạn. Grace quyết định nhờ đến Nữ hoàng Elizabeth I. Bà gửi thư kiến nghị và cầu xin nữ hoàng. Trong thư, bà trình bày tình cảnh khó khăn của mình và cam kết nếu có thể giành lại được quyền lực và tài sản, bà và các bộ tộc sẽ dành cả cuộc đời để chiến đấu với mọi kẻ thù của nữ hoàng.

Nữ hoàng Elizabeth vốn biết danh tiếng của Grace từ lâu, rất ngạc nhiên trước lời đề nghị táo bạo của nữ cướp biển Grace và trả lời bằng một danh sách 18 câu hỏi. Grace còn ngạc nhiên hơn và khiến nữ hoàng tò mò khi gửi lại những câu trả lời thông minh, sắc sảo. Tuy nhiên, liên lạc thư từ không làm Grace thỏa mãn. Bà dong buồm tới Anh và tìm gặp nữ hoàng.

Grace tới lâu đài Greenwich và đòi trình diện nữ hoàng. Thay vì bị bắt và hành hình vì thái độ liều lĩnh, bà đã được nữ hoàng mời tới phòng riêng. Tới tận ngày nay, không ai biết chính xác Nữ hoàng Elizabeth I và nữ hoàng cướp biển Grace O’Malley đã trao đổi với nhau những gì đằng sau cánh cửa đóng kín.

Sau cuộc trao đổi đó, Bingham được lệnh thả con trai út của Grace, Theobald. Grace quay về Connaught, được trả lại đất đai và tài sản. Hai năm sau, Bingham bị hất cẳng khỏi vị trí trong xấu hổ. Grace tiếp tục vai trò tộc trưởng bộ tộc O’Malley. Năm 1603, bà qua đời tại lâu đài Rockfleet ở tuổi 73. Thi thể bà được chôn cất tại tu viện trên đảo Clare, gần lâu đài Belclare nơi bà ra đời.

Lịch sử ghi nhận Grace O’Malley là một nữ cướp biển không có đối thủ. Tầm nhìn, tài năng lãnh đạo của bà không ai có thể vượt qua. Bà đã kết thúc cuộc đời phiêu lưu sóng gió của mình một cách trọn vẹn.

0