18/06/2018, 16:03

Trung Đông : vùng Dầu Sôi Lửa Bỏng

Nguyễn Trần Ai 1. TRUNG ÐÔNG Tiền-Hồi GIáo: JAHILIYYA Thế giới Hồi giáo Trung Ðông ngày nay, đông bắc có Hắc Hải, tây bắc có Ðịa Trung Hải và đảo Cyprus (9,000 km2) với thủ đô Nicosia, kẹp ở giữa hai bể này là Thổ Nhĩ Kỳ (779,000 km2) với thủ đô Ankara. Tây nam Thổ, dọc duyên ...

middle_east

Nguyễn Trần Ai

1. TRUNG ÐÔNG Tiền-Hồi GIáo: JAHILIYYA

Thế giới Hồi giáo Trung Ðông ngày nay, đông bắc có Hắc Hải, tây bắc có Ðịa Trung Hải và đảo Cyprus (9,000 km2) với thủ đô Nicosia, kẹp ở giữa hai bể này là Thổ Nhĩ Kỳ (779,000 km2) với thủ đô Ankara. Tây nam Thổ, dọc duyên hải Ðịa Trung Hải là Syria (185,000 km2) với thủ đô Damascus, giáp giới Thổ, rồi đến Lebanon (10,000 km2) với thủ đô Beirut, Israel (21,000 km2) với thủ đô Jerusalem, Jordan (91,000 km2) với thủ đô Amman, đều quay ra Ðịa Trung Hải; các nước này và bắc bộ Iraq gọi chung là Vùng Trăng Khuyết Phì Nhiêu (the Fertile Crescent). Về phía đông các nước này là Iraq (435,000 km2) với thủ đô Baghdad và về phía nam là bán đảo Ả Rập gồm phần chính là Ả Rập Saudi (2,200,000 km2) với thủ đô Riyadh; bán đảo được bao bọc bởi Vịnh Ba Tư ở phía đông, Ấn Ðộ Dương ở phía nam, Hồng Hải ở phía tây; được viền bởi một số tiểu quốc được gọi là sheikh-quốc (sheikhdom) hay emir-quốc (emirate): cực bắc của vịnh Ba Tư có Kuwait (Kuw nghĩa là pháo đài, Kuwait là tiểu pháo đài, 17,000 km2) với thủ đô Kuwait City là một hình tam giác kẹt giữa Iraq và Ả Rập Saudi (vì thế được gọi là cái nách của Vịnh); vào khoảng giữa vịnh sát bán đảo có đảo quốc Bahrain (687 km2) với thủ đô Manama, bán đảo Qatar (11,000 km2) với thủ đô Doha, vươn lên phía bắc như ôm lấy Bahrain; rồi đến Liên Hiệp Emir quốc Ả Rập (UAE = United Arab Emirates, 84,000 km2) với thủ đô Abu Dhabi, tiếp nối về phía nam có Oman (300,000 km2) với thủ đô Muscat, và hai nước Bắc Nam Yemen (531,000 km2) thống nhất năm 1990 với thủ đô Sanaa.

Emir quốc Ả Rập (UAE) gồm 7 sheikh quốc, Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Umm al-Qaywayn, Shrjah, Ras al-Khaimah, thành lập ngày 2.12.1971 sau khi Iraq cắt đứt liên lạc ngoại giao với Iran.

Iran (1,684,000 km2) với thủ đô Tehran, phía tây giáp ranh với Thổ và Iraq, phía bắc giáp ranh với Armenia và Azerbaijan rồi đến biển Caspian và Turkmenistan, phía đông giáp ranh với Afghanistan và Pakistan, phía nam là Vịnh Ba Tư vào thập niên 1950 đổi thành Biển Ả Rập.

Về phía tây bán đảo Ả Rập, bên kia bờ Hồng Hải là các nước Phi Châu trong lịch sử có nhiều liên hệ với Trung Ðông Hồi giáo; theo chiều bắc nam là bán đảo Sinai và Ai Cập (1,000,000 km2) với thủ đô Cairo, rồi đến Sudan (2,205,000 km2) với thủ đô Khartoum, Ethiopia (1,221,000 km2) với thủ đô Addis Ababa, Somalia (638,000 km2) với thủ đô Mogadishu; phía tây của Ai Cập là Libya (1,760,000 km2) với thủ đô Tripoli, rồi đến Algeria (2,400,000 km2) với thủ đô Algiers.

Libya là tên người Ý đặt cho hai thuộc địa Tripolitania và Cyrenaica của họ được hợp nhất vào tháng 1.1934.

TT Nasser của Ai Cập định nghĩa người Ả Rập là tất cả những người nói tiếng Ả Rập; như thế người Ả Rập là những người cư ngụ dọc mép phía bắc Phi Châu từ Morocco đến Ai Cập và Trung Ðông. Chúng ta không phân biệt người Ả Rập như mô tả trên đây với dân cư của bán đảo Ả Rập, bây giờ nói rõ hơn là Ả Rập Saudi. Tiếng Anh dùng chữ Arab để chỉ những người của thế giới Ả Rập nói chung và Arabian để chỉ những người của Ả Rập Saudi. 10% người Ả Rập không theo Hồi giáo và hàng triệu người không phải là Ả Rập khắp nơi trên thế giới lại theo Hồi giáo.

*

Tiếng Ả Rập Jahiliyya có nghĩa là thời kỳ ảm đạm, đen tối. Ðó là đặc tính của vùng trước kia có tên là Cận Ðông, sau đổi là Trung Ðông khi người Tây phương nới tầm mắt của họ rộng thêm ra.

Vào tk X TK (thế kỷ thứ mười trước Ki tô), vương quốc của các vua David và Salomon bị chia ra, bắc phần gọi là Israel sau đổi là Samaria và nam phần gọi là Judah với Jerusalem là thủ đô. Các vùng duyên hải Ðịa Trung Hải, bắc được gọi là Phoenicia và nam là Philistia. Philistia biến mất trong lịch sử sau các cuộc xâm lăng của Babylonia. Người Phoenicia cư ngụ tại đồng bằng duyên hải ở phía bắc Israel và phía nam Lebanon ngày nay. Ðế quốc La Mã gọi nam phần là Judea, trung phần là Samaria, bắc phần là Galilee, và sa mạc ở nam phần là Idumea (trong Kinh Thánh là Edom), ngày nay là Negev và Perea ở đông phần sông Jordan.

Năm 586 TK, vua Babylonia là Nê-bu-cát-nết-sa (Nebuchadnezzar) chiếm Jerusalem, phá vương quốc Judah và đền thờ Do Thái, đày các dân bại trận đến Babylonia. (Một chi tiết cho thấy tính thích đóng kịch người hùng của Saddam Hussein: trước khi tấn công Kuwait mấy ngày, ông ta đã đứng trong chiến xa làm theo kiểu xe của vua Nebuchadnezzar khi đánh Do Thái để chụp ảnh.)

Vài thập niên sau, chính dân Babylonia lại bị hàng phục bởi Cyrus người Mede là sáng tổ của tân đế quốc Ba Tư. Cyrus cho phép người Do Thái ở Babylonia hồi hương về Israel và cho lấy tiền công quỹ tái thiết đền thờ tại Jerusalem, do vua Solomon xây trên ngọn núi Moriah lần đầu tiên. Ðó là vụ Yehud ghi trong Kinh Thánh (Ê-sơ-ra 5:1, 5:8). Cựu Ước ghi lại lòng biết ơn của chính Chúa Trời: “Ðức Giê-hô-va… phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của ta; sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng” (Ê Sai 44:28) và “Ðức Giê-hô-va phán thế này cùng Si-ru, là người xức dầu của Ngài, ta cầm lấy tay hữu ngươi, đặng hàng phục các nước trước mặt ngươi, và ta sẽ tháo dây lưng các vua; đặng mở cửa các thành trước mặt ngươi, cấm không được đóng lại: Ta sẽ đi trước mặt ngươi, ban bằng các đường gập ghềnh; phá vỡ các cửa bằng đồng, bẻ gãy then cài bằng sắt; ta sẽ ban vật báu chứa trong nơi tối, của cải chứa trong nơi kín cho ngươi” (Ê Sai 45:1-2-3). Có lẽ vì thế mà, trong thế giới Hồi giáo, Ba Tư tương đối ít ác cảm với Israel hơn các nước khác.

Các hậu duệ của Cyrus bành trướng đế quốc Ba Tư đến tận biển Aegean, tiếp xúc và đụng độ với Hi Lạp. Về sau A Lịch Sơn đại đế (356-323 TK) của Macedonia chiếm một vùng rộng lớn bao gồm Trung á qua Ba Tư đến tận Ấn Ðộ và về phía nam suốt Syria và Ai Cập và đặt ảnh hưởng Hi Lạp trên đó. Sau khi ông chết, các tướng của ông chia vùng đất này làm ba vương quốc, đặt căn cứ tại Iran, Syria và Ai Cập.

Từ đầu kỷ nguyên Ki tô giáo, Trung ông chia làm hai phần: 1/ đông phần thuộc đế quốc Ba Tư; 2/ tây phần nằm về đông ngạn ịa Trung Hải từ Bosphorus đến lưu vực sông Nile thuộc đế quốc La Mã, gồm Ai Cập (Copt, Misr Ở tiếng Ả Rập misr, số nhiều amsar có nghĩa là đô thị), Sumer và Akkad, Assyria và Babylonia tức là vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia, Kinh Thánh gọi là Aram Naharayim tức là Aram của hai sông).

Năm 64 TK tướng La Mã là Pompey chinh phục Syria và rồi Judea. Năm 31 TK, tướng Mark Antony của triều đại Ptolemy (323-30 TK) và Cleopatra bị đánh bại tại chiến trường Actium nên Ai Cập cũng bị La Mã đô hộ. Chống lại đế quốc La Mã, chỉ còn Ba Tư, và Do Thái với trợ lực của Ba Tư.

Năm 70 SK (sau Ki tô) La Mã chiếm Jerusalem và phá hủy Ðền thờ đã tái thiết lần thứ nhì. Sau cuộc nổi dậy của Bar-Kokhba vào năm 135, La Mã muốn tận diệt Do Thái bướng bỉnh. Jerusalem được đặt tên mới là Aelia Capitolina, các tên Judea và Samaria bị thay bằng tên Palestine theo tên cổ Philistine. Lần này Do Thái không còn Cyrus để cầu cứu nữa và đành đầu hàng La Mã.

**

Năm 325 hoàng đế Constantine (311-337) cải đạo theo Ki tô giáo. Người ta phân vân không biết Ki tô giáo chiếm lãnh đế quốc La Mã hay, ngược lại, đế quốc La Mã đoạt lấy Ki tô giáo để làm một công cụ bành trướng? Dù sao Ki tô giáo cũng đã phần nào bị La Mã hóa.

Sau khi hoàng đế Theodosius chết năm 395, đế quốc La Mã tách làm hai: tây phần đặt trung tâm ở La Mã, đông phần ở Constantinople (về sau người Thổ đặt tên lại là Istanbul) là thủ đô do vua Constantine kiến thiết trên cố đô Byzantium nên dân ở đây vẫn tự nhận là dân La Mã nhưng phần đất này mang tên là đế quốc Byzantine để phân biệt với đế quốc La Mã. Tây phần bị các giống rợ xâm lăng và tàn phá. Ki tô giáo bị phân hóa trầm trọng. Hoàng đế Justinian (527-569) bèn áp đặt một thứ Ki tô giáo quốc doanh để thống nhất. Ki tô giáo lại bị La Mã hóa thêm một lần nữa, trước khi bị Ả Rập hóa thành Hồi giáo.

2. Hồi Giáo Ả Rập: AS SALAAM ALAYKUM

“As salaam alaykum”, Bình an cho tôn ông, “wa alaykim as salaam”, và cho cả tôn ông nữa, bình an. Người Ả Rập chào hỏi nhau như thế. Trong thế giới Hồi giáo, chiến tranh triền miên, nên bình an là khát vọng hàng đầu của các người sống trong thế giới ấy, cũng như đói là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Tàu nên gặp nhau là họ hỏi đã ăn cơm chưa?

Nghiên cứu Trung Ðông thì chỉ đề cập đến Ả Rập ở giai đoạn chót vì khi các đế quốc lớn trong vùng đã thành hình từ lâu thì chưa có một lãnh thổ nào có tên là Ả Rập trên bản đồ thế giới. Nhưng nghiên cứu Hồi giáo thì nên nghiên cứu Ả Rập đầu tiên vì tôn giáo này xuất phát tại đây.

Những đặc điểm của thế giới Ả Rập là 1/ trong số 200 triệu người Ả Rập hiện nay không phải ai cũng theo Hồi giáo và nhiều người theo Hồi giáo không phải là người Ả Rập, 2/ người Ả Rập không tách thần quyền và thế quyền, 3/ người Ả Rập không có ý niệm quốc gia, đối với họ cả khối Ả Rập là một cộng đồng (ummah), bị chia ra thành nhiều địa phương để tiện việc cai trị nên họ trung thành với ummah hơn là với các nhà cầm quyền, nếu nghĩ đến quê hương thì họ nghĩ đến làng mạc của họ chứ không nghĩ đến nước của họ.

Lịch sử Ả Rập trước Hồi giáo ít được biết, trừ một ký ức mơ hồ về một vương quốc Kinda phồn thịnh vào cuối tk V và đầu tk VI. Nhưng trước đó, có lẽ vào khoảng năm ngàn năm trước đây, những dân du mục Ả Rập, Thổ, Mông Cổ từ bắc, tây và nam kéo đến vùng bán sa mạc miền bắc bán đảo, một số định cư ở ven biên tại những vương địa (principality), về sau chịu ảnh hưởng nặng nề của Ba Tư hoặc của Byzantine, như Palmyra nay là Tadmur ở đông nam Syria, và thủ đô Petra của dân Nabatean, nay ở Jordan, năm 104 bị đế quốc La Mã chiếm đóng và đổi tên là Provincia Arabia, quân trú phòng đóng ở Bosra. Trước đó người La Mã đã gọi vùng này là Arabia Felix tức là Ả Rập Hữu Phước chỉ vì họ mê hai sản phẩm ở vùng này là frankincense (nhựa một thứ cây có mùi thơm) và myrrh (nhựa cây mật nhĩ lạp cũng có mùi thơm). Tân Ước có nói đến ba vua (rois mages) dâng Chúa Hài Ðồng hai thứ nhựa này cùng với vàng.

Khác hẳn miền bắc, miền nam là một vùng trù phú, đồng ruộng phì nhiêu. Các tù trưởng Ả Rập được gọi là sheikh (tiếng Ả Rập là shaykh nghĩa là trưởng lão hay sayyid nghĩa là chủ, thầy), không cha truyền con nối nhưng được tuyển lựa trong gia tộc.

Phần lớn bán đảo Ả Rập được bao bọc bởi nước, Ðịa Trung Hải ở phía bắc, biển Ả Rập ở phía nam, Hồng Hải ở phía tây, và ở phía đông là sông Euphrates chảy ra Vịnh Ba Tư. Giữa Ả Rập và những ranh giới thiên nhiên này tùy lúc có những quốc gia khác chen vào. Cũng tùy lúc con đường thông thương Ðông Tây chạy qua vùng Ả Rập khiến vùng này phồn thịnh; nếu nó băng qua vùng khác thì Ả Rập điêu tàn. Con đường ngắn nhất từ Ðịa Trung Hải sang Ðông phương là qua các lãnh thổ Ba Tư hoặc do Ba Tư kiểm soát, nhưng có nhiều trắc trở vì phải lệ thuộc Ba Tư. Con đường khác hoặc là ở phía bắc từ Tàu qua Thổ đổ về Hắc Hải đến lãnh thổ Byzantine, hoặc là ở phía nam qua Ấn Ðộ Dương. Cả hai con đường này hoặc dẫn đến Vịnh Ba Tư, hoặc đến Hồng Hải rồi từ đấy qua Ai Cập và eo đất Suez, hoặc theo đường bộ qua miền tây Ả Rập từ Yemen đến biên giới Syria.

Năm 325 hoàng đế Constantine tuyên bố Ki tô giáo là quốc giáo của đế quốc La Mã. Từ năm 384 đến 502 Byzantine và Ba Tư hòa hoãn nên con đường thông thương qua Ả Rập bị hoang phế và thay thế bằng những con đường qua Ba Tư, thuận tiện, ít nguy hiểm và đỡ tốn kém hơn. Do đó Ả Rập bị mất mối lợi lớn, rơi vào một thời kỳ đen tối cho đến tk VI, Byzantine và Ba Tư tái chiến, lại phải o bế dân Ả Rập.

Ở ven biên sa mạc về phía Byzantine có vương địa Ghassan, đại khái là lãnh thổ Jordan ngày nay; về phía Ba Tư có vương địa Hira. Cư dân ở cả hai phía đều là Ả Rập, đều theo văn hóa Aram và Ki tô giáo nhưng về chính trị thì một bên theo Byzantine, bên kia theo Ba Tư. Năm 527 hoàng đế Byzantine là Justinian khuyến khích Ghassan khiêu chiến với Hĩra. Hai đế quốc đều cố lôi kéo thêm đồng minh.

Ðế quốc Ba Tư kéo được đảo Tiran-Yotabe ở dưới mỏm bán đảo Sinai, theo Do Thái giáo. Ðế quốc Byzantine dụ được một số dân tộc Ả Rập và Ethiopia là tân tòng Ki tô giáo đang chống người Do Thái ở Yemen và người Ba Tư ở xa hơn. Người Ba Tư tiến chiếm Yemen, đuổi người Ethiopia đi. Vào cuối tk VI, tất cả các phe lâm chiến đều yếu đi. Vào tk VII cả hai đế quốc, Byzantine và Ba Tư, đều bị làn sóng Hồi giáo tràn ngập. Thủ đô Constantinople còn giữ được thêm 700 năm nữa cho đến năm 1453, tuy nhiên đế quốc Byzantine đã bị suy nhược và thu hẹp nhiều. Còn đế quốc Ba Tư thì lọt hẳn vào tay đế quốc Ả Rập Hồi giáo. Các người Ki tô giáo và Do Thái giáo trong lãnh thổ Ả Rập bị Ả Rập hóa hoàn toàn. Một nhóm dân gọi là Hanif là những người Ả Rập đầu tiên theo Hồi giáo.

Ayatollah Mirza Hasan Alhaeri Alehghaghi Aloskooee tóm tắt biến chuyển chớp nhoáng và kỳ lạ này:

Người Ả Rập trước Hồi giáo thường thiếu công cụ cho sự vĩ đại và quyền tối thượng, và họ có những tính hung ác nhất. Người Ả Rập sống trong nghèo khổ và bần cùng, trong ngu dốt, trong bạo hành và không có đức tin, trong sự áp bức mà đám thuộc hạ thường phải chịu, trong độc ác, trong vu cáo và lăng mạ, không kém gì những man mọi của Phi Châu thời cổ. Họ không có khoa học, của cải; họ xa lạ với xã hội của nghệ thuật và mậu dịch, và họ không được thông tin về những chân lý cao cả và xã hội. Vì nhu cầu, họ luôn luôn đến với các triều đình của các vua Yemen và Damascus, và những cá nhân đặc sắc trong bọn họ sống bằng nịnh bợ và thi phú hay bằng trộm cắp. Tuy rằng trong văn hóa của họ có sự quả cảm và tự do tâm hồn, nổi lên ở vài người trong bọn họ nhưng không đủ để tiến bộ. Do đó, qua nhiều thế kỷ, không hề thấy có lấy một chuyển động nhỏ nhặt nhất về phía thành tựu. Suốt hai hay ba ngàn năm không có tiếng nói của văn minh Ba Tư và La Mã, không có tiếng hét của những tiến bộ kỹ thuật và khoa học của Ai Cập và Chaldea (những lân bang gần nhất của họ) đánh thức những kẻ ngu si đang say ngủ này. Nếu ngay cả những người giống như Cyrus hay Darius hay những lãnh tụ không lừng danh khác có nổi lên trong đám họ thì cũng không sao có thể khởi xướng bất kỳ một phong trào nào dù là mong manh nhất vì tình trạng hết thuốc chữa của họ, vì vị trí địa lý khắc nghiệt của Ả Rập và vì thành kiến của những kẻ không ra gì trong tâm trí mù quáng của họ.

Rồi, cái gì xẩy ra khiến những truyện về việc xâm lăng và thống trị thế giới của họ được ngay cả người ngoại quốc thuật lại như là sự kỳ diệu phi thường độc nhất trong lịch sử nhân loại? Trong chưa đầy nửa thế kỷ, những người Ả Rập ấy, trong vinh quang và liệt oanh, đạt đến một tư thế đến nỗi họ không thèm ngồi vào ngai vàng của bất cứ ông vua nước ngoài nào hay đặt vương miện của hoàng đế La Mã lên đầu họ. Những bộ lạc ấy, tản mác trong những đồi cát Ả Rập, đan kết trong thời gian ngắn nhất một sợi dây dài và chắc vươn ra từ những đám bộ lạc rời rạc và tập hợp với những vị thầy của văn minh, từ Tàu đến những vùng hẻo lánh nhất ở Phi châu. Tâm hồn nào đó đã đem sự sống đến cho cái chết của tk VII? Và ai là người đã thổi linh hồn vào xác chết của họ? Và làm sao việc ấy xẩy ra nhanh đến thế và ảnh hưởng đến thế? (Letter from the Shiites, 23-4).

Ảnh hưởng ấy thể hiện bằng 1.3 tỉ tín đồ Hồi giáo trên thế giới, trong số đó 25 triệu sống thường xuyên ở Tây phương, còn lại sống tại hơn 70 quốc gia, đấy là chỉ kể những quốc gia mà dân Hồi giáo là dân bản xứ.

Người tạo nên sự nghiệp phi thường ấy là Muhammad (có nghĩa là Ðấng được tôn vinh, the Glorified), người đã khai phát thời kỳ Quang Minh (Islam), chấm dứt thời kỳ Ðần Ðộn (Jahiliyya), tự xưng là Ngôn sứ (Prophet, thường dịch là Tiên tri, trong Do Thái giáo có nghĩa là người được Thượng Ðế chọn để tiết lộ ý Ngài và khuyến khích dân chúng sám hối và tuân hành luật của Ngài, nên tôi thấy dịch là Ngôn sứ có lẽ đúng hơn).

Ðộng từ Ả Rập “Islam” có nghĩa là hàng phục và phân từ (participle) của nó là Muslim nghĩa là người chịu hàng phục, người tự hiến chỉ cho Allah (Thượng Ðế) mà thôi, chứ không cho thần linh nào khác; như thế nhấn mạnh tính nhất thần của Hồi giáo. Có học giả và tác giả Tây phương dùng chữ Muhammadanism để chỉ Hồi giáo. Ðó là một sự sai lầm làm mất lòng người Hồi giáo vì Muhammad không bao giờ nhận là sáng lập một tôn giáo. Ông chỉ nhắc lại những điều ông đã nghe thiên thần Gabriel mặc khải và những điều ấy được ghi trong kinh QuỖran (= Koran, có nghĩa là nhắc lại, cũng như ông A Nan nói như thị ngã văn). Thân thế và sự nghiệp của Muhammad gọi là Sirah và các lời ngài giảng dạy, bình luận, nhận định là Hadith. Sirah chung với Hadith là Sunnah tức là hành trình, gương mẫu hay truyền thống của Ngôn sứ, là căn bản cho các giáo điều, tín ngưỡng, đạo lý của Hồi giáo. Hadith được soạn thảo thành văn tự có lẽ 50 năm sau khi Ngôn sứ chết, thêm thắt rất nhiều để hình ảnh của ngài được trọn vẹn hơn và để chứng minh tính cách thiêng liêng của luật pháp về sau mới đặt ra ngõ hầu thỏa mãn nhu cầu cho một đế quốc bành trướng quá nhanh và quá rộng. Từ năm 870 đến 915 các học giả Hồi giáo đã phải phân các giai thoại trong Hadith thành các loại đúng, tốt và kém; kết quả là chỉ có 500 đúng nhất và trong số 600,000 giai thoại chọn ra được có 7,000 coi là trung thực, nhưng cũng đủ mô tả sinh hoạt của Muhammad.

Muhammad mất ngày 8.6.632, Ummah chọn một Khalĩfa (từ đó Anh ngữ calif hay caliph) kế vị điều hành cộng đồng. Ban đầu chức caliph (nghĩa là “phó”) do Mahammad đặt ra là một chức vụ rất tầm thường, tương tự như chức lý trưởng của ta, cai quản ummah bé nhỏ như dân trong làng. Nhưng khi ummah bành trướng thành một đế quốc vĩ đại thì caliph trở thành một hoàng đế quyền uy chưa từng có.

Phương pháp tuyển lựa đã đưa đến mâu thuẫn nội bộ, kết quả là bốn caliph đầu tiên được chọn đều bị giết chết. Ðó là:

1/ Abũ Bakr (632-4) là người được chính Ngôn sứ chỉ định thừa kế, được tôn xưng là Khalĩfatu Rasũl Allãh (thừa kế của Ngôn sứ của Allah) và Khalĩfat Allãh (Phó Allah), bị ám sát năm 634; trước khi chết ông đã chỉ định Umar là người thừa kế.

2/ Umar ibn al-Khattab (634-44) được tôn xưng là Amir al-Mu’minĩn, nghĩa là chỉ huy trưởng của người trung thành, lập ra lịch Hồi giáo bắt đầu năm 1 là năm Muhammad chạy về Medina; ông đánh thắng Ba Tư (636), Ai Cập, và Syria khi ấy gồm cả Lebanon, Israel, Palestine và Jordan ngày nay; chiếm lại Jerusalem; ông bị một nô lệ Ba Tư tên là Abul Lulu Firuz ám sát.

3/ Uthman ibn Affan (644-56) thuộc danh gia vọng tộc Umayyad ở Mecca; san định kinh Qu’ran; bành trướng Hồi giáo đến đảo Cyprus, Libya, A Phú Hãn, Ấn Ðộ, Ba Tư; nhờ các cuộc viễn chinh này Caliph Uthman vơ vét tài sản các nơi đem về làm của riêng, lãnh đạo một chế độ tham nhũng và đàn áp của quý tộc mới; bị giết ngày 17.6.656 bởi quân lính bất mãn vì ông thiên vị gia đình ông là phe Umayyad và bất công với phe Hashimite thuộc gia đình Ngôn sứ trong việc bổ nhiệm các chức vụ chính trị; đám tang của ông còn bị những người đã giết ông ném đá.

Ba caliph đầu tiên trên đây theo phái Sunnah, chủ trương rằng những người thừa kế Ngôn sứ không nhất thiết phải có huyết thống với ngài, chỉ cần là Rashidun, nghĩa là “người được hướng dẫn đúng đường”. Ðây là cách chọn lựa theo “đồng thuận” (consensus) trong bộ lạc Quraysh của Ngôn sứ.

4/ Ali ibn Abi Talib (656-61) là điệt nam của Ngôn sứ và là chồng của Fatima, con gái ngài; không màng tranh chấp quyền hành, vẫn sống giản dị, hòa nhã, đem kiến thức uyên bác dạy bình đẳng chủ nghĩa và đạo lý Hồi giáo cho đám đệ tử ngày càng đông; là người đủ tư cách nhất để thừa kế Ngôn sứ thì đã ba lần bị bỏ quên; được đưa lên làm caliph; tháng 1.661 ông bị ám sát bởi một thừa sai của giáo phái cấp tiến gọi là Khawarij, trước theo ông nhưng sau ly khai.

Khawarij, đa số là người Bedouin, là giáo phái thứ ba, quá khích nhất; không chấp nhận bất cứ một chính quyền nào không được họ tự do chấp nhận và sự chấp nhận bất kỳ lúc nào cũng có thể bị thu hồi. Họ chủ trương độc tài đạo đức nhưng lại đòi bình đẳng tuyệt đối, bất cứ tín đồ nào, bất kể lai lịch, đều có thể là caliph nếu được đồng đạo chọn. Họ tự cho là bị gạt ra khỏi quyền lực bởi giới tân qúy tộc Quraysh cũng như bởi hoàng tộc mà đại diện duy nhất còn lại là Ali. Họ tuyên bố là các lầm lỗi của Uthman và Ali là do thiếu đức tin Hồi giáo chứ không phải là do những sở đoản thế nhân; hai vị này chính là những người phản bội và là những người thiếu đức tin. Giáo phái này mở đường cho nhiều giáo phái quá khích từ bấy cho đến nay.

Sau khi Ali chết, tộc Umayyad (ông tổ là Umayya) do Muawiya ibn Abi Sufyan, có bà con với Uthman, lãnh đạo, lúc đó là thống đốc Syria nên thiên đô đế quốc Ả Rập từ Medina sang Damascus ở Syria, xâm lăng Iraq là căn cứ địa của Ali và chiếm Jerusalem là đất của những người theo Ali. Những người Hồi giáo ở Iraq vẫn trung thành với Ali dù ông đã chết; họ tự nhận là Shiat Ali, lập ra giáo phái Shi’a (nghĩa đen là đảng phái) tách rời khỏi ummah; họ là những người Shi’ite. Những người ở lại là Sunni, do chữ Sunnah (nghĩa là gương mẫu hay là tác phong của Ngôn sứ). Ðó là hai giáo phái chính.

Khi ấy dân Ả Rập có nghĩa là những người gốc gác từ bán đảo Ả Rập, đã là bá chủ thiên hạ, thường có thái độ khinh thị những người khác chủng tộc dù đã Ả Rập hóa và theo Hồi giáo, coi những người này như phó thường dân: người Iran, Iraq, Yemen… nhất là những tù binh chiến tranh bị đày ở tỉnh Kufa sát biên giới vùng Trăng Khuyết Phì Nhiêu. Ðương nhiên những người này có cảm tình với giáo huấn bình đẳng của Ali và sẽ trở thành những chiến sĩ cho cuộc cách mạng Shi’a. Họ thỉnh nguyện caliph Uthman can thiệp cho họ thì bị chính ông này đày họ đi Syria cho thống đốc Muawiya đàn áp. Năm 656 quân phiến loạn từ Kufa, Basra gần đó và từ Ai Cập kéo về Medina, hô tên Ali như là lãnh tụ phong trào cải cách của họ. Ali không chủ động được tình hình, để quân nổi loạn giết chết Uthman. Sau Muawiya từ Damascus kêu gọi phục thù cái chết của Uthman, đổ lỗi cho Ali và vận động lật đổ ông để nắm quyền. Bà Ba Aisha, vợ trẻ nhất của Muhammad, đáp ứng, tổ chức một đạo quân đi đánh Ali. Bà nằm trên ghế bố đặt trên lưng lạc đà để chỉ huy nên cuộc chiến gọi là “Chiến tranh Lạc đà”. Có người giải thích thái độ đáng ngạc nhiên của Aisha như sau: mấy năm trước Ali đặt nghi vấn về việc khi đến Mecca bà tư tình với một tên Bedouin trẻ. Cũng có thuyết cho rằng bà Ba viện thông lệ Ả Rập là cha chết thì con cả phải lấy các vợ của cha; Mohammad không có con trai thì Ali là con rể phải đảm đương nhiệm vụ cao cả này nhưng ông không chịu để bà mãi chịu cảnh phòng không chiếc bóng nên bà nổi cơn lôi đình quyết chí rửa hận. Có lẽ cả hai thuyết đều đúng.

Tuy Ali thắng nhưng buồn về nhân tình thế thái và sự phân hóa trong hàng ngũ Hồi giáo ông không về Medina nữa. Ông thuyết pháp tại Mecca rằng Hồi giáo chỉ có thể tồn tại nếu tôn trọng hai nguyên tắc cơ bản: công bình và bình đẳng giữa các đạo hữu, khiến mất lòng giới thượng lưu xã hội. Ông muốn hàn gắn nội bộ Hồi giáo nhưng cho đến tận bây giờ, hai phái Sunnah và Shi’a vẫn chống đối nhau kịch liệt. Năm 661 ông cầu nguyện xong từ trong đền bước ra, một người phái Khawarij bổ một nhát kiếm vào đầu ông. Theo truyền thống, xác ông được đặt lên lưng con lạc đà, chỗ nào nó khụy chân xuống, chỗ ấy là nơi yên nghỉ cuối cùng của ông. Chỗ ấy là thành phố Najaf thuộc nam bộ Iraq ngày nay, một ngôi đền được cất lên để tưởng nhớ ông. Ngày 4.4.2003 quân Mỹ tiến vào Najaf, giáo chủ Ali al-Sistani kêu gọi trung lập không dự vào chiến tranh nhưng hàng trăm tín đồ dàn hàng để bảo vệ đền thờ Al Ali khiến quân đội HK phải rẽ sang đường khác để vào trung tâm thành phố.

Nền tảng tâm linh của phái Shi’a là walaya tức là lòng thương yêu và tôn sùng Ali ấy cũng là tiêu chuẩn để trắc nghiệm đức tin chân chính. Khi người Ba Tư theo phái Shia, Walaya của họ mạnh đến độ họ không muốn tin một người thánh thiện như Ali lại có thể là người Ả Rập!

Phái Shi’a chủ trương phải là dòng dõi của Ngôn sứ mới làm caliph được vì thế họ coi trong 4 caliph đầu tiên, chỉ có Ali là caliph hữu quyền duy nhất. Phái này lại chia thành phe Ali và phe Fatima. Phe Ali chủ trương rằng Ali làm caliph vì là điệt nam của Ngôn sứ chứ không do tư cách là con rể của ngài, tức là chồng Fatima; vì vậy các con của Ali, không cứ là phải với Fatima, mà cả với các vợ khác, dĩ chí đến những người họ hàng với Ali, cũng có quyền nối ngôi.

Họ tin rằng khi Ngôn sứ Mohammad chết Ali đã được chọn làm Imam một cách thiêng liêng. Luận cứ chính và duy nhất của phe Fatima là các con, cháu và hậu duệ của Ali và Fatima đều là những Imam.

Phái Sunnah tin rằng cả 4 caliph đầu tiên đều hữu quyền. Các luật gia phái này diễn dịch giáo lý ijma là sự đồng thuận của các học giả chứ không phải của cộng đồng (ummah), chủ trương rằng lý trí và ý kiến của con người có thể bổ túc cho giáo luật đó là ijtihãd nghĩa là phán quyết độc lập – chấp nhận có thể có nhiều trường phái của luật shari’a. Các trường phái chính còn tồn tại đến ngày nay là Hanafi ở Thổ Nhĩ Kỳ phóng khoáng nhất, Shafi’i dọc theo duyên hải Vịnh Ba Tư và Ấn Ðộ Dương, Maliki ở Bắc Phi và Hanbali ở Ả Rập Saudi là chính thống nhất.

Từ khoảng năm 900 có sự đồng thuận trong phái Sunnah rằng mọi vấn đề quan trọng đã được giải quyết cho nên “cửa ijtihãd đã đóng”. Tuy nhiên luôn luôn có những vấn đề mới, thí dụ vấn đề cà phê, thuốc lá và súng ống nên có luật gia chủ trương phải mở lại ijtihãd. Phái Sunnah càng ngày càng dựa trên taqlid, nghĩa là chấp thuận không thắc mắc các giáo điều đã được thiết lập, một thứ Hồi giáo chính thống. Phái này chủ trương rằng các tín đồ trực diện Thượng Ðế không cần qua trung gian (ám chỉ Imam).

Ðây là dị biệt quan trọng giữa hai phái. Sunnah thường là giáo phái của nhà cầm quyền (caliph), coi như quốc giáo, có số tín đồ đông gấp 10 lần số tín đồ Shi’a. Phái Shi’a là giáo phái của những người bị trị, thất thế, bần cùng, thấp cổ bé miệng, bị đàn áp và bóc lột, hà hiếp và do đó luôn luôn có tinh thần quật khởi, đòi hỏi công lý, bình đẳng, không công nhận thẩm quyền của các caliph và chủ trương cách mạng. Họ phải tìm ra một bán thần á thánh (semideus) cao hơn caliph, hướng dẫn cộng đồng Hồi giáo ở thế gian và làm trung gian giữa người và Thượng Ðế; đó là Imam. Các người Shi’a tin rằng Ali và hai con ông, Hassan và Hussein là 3 imam đầu tiên, tiếp tục truyền xuống cho đến imam XII. Họ cho rằng sau caliph/iman Ali, ummah (cộng đồng Hồi giáo) dưới sự trị vì của các caliph và sultan (tước vị của caliph Thổ) và sự hướng dẫn của Sunnah đã đi lạc hướng và họ cố cải tổ. Họ không chấp thuận ý kiến là ijtihad đã có khi nào bị đóng.

Khi Imam thứ sáu của cánh Fatima là Ja’far al-Sadig chết năm 765, ông đã chỉ định con cả là Ismail làm thừa kế nhưng ông này lại chết yểu. Con kế của Ja’far là Abd-Allah cũng chết. Một số tín đồ đành chọn người con thứ ba là Musa al-Kasim; ông này và con cũng chết nốt. Một số khác chọn con của Isail làm imam thứ bảy, do đó họ có tên là Ismaili hay “Chi Thứ Bảy” của giáo phái Shi’a. Li còn có người tin rằng Ja’far sống hay chết vẫn là imam thứ bảy. Tranh chấp chỉ chấm dứt khi cháu bốn đời của Ja’far là Hasan al-Askari lên làm Imam mới thôi. Ðến năm 873 Hasan chết không có người thừa kế. Người Shi’a tin rằng tất cả các Imam này đều bị người các caliph nhà Umayyad và nhà Abbasid theo phái Sunnah bức tử. Nhưng người ta tin rằng Hasan phải có con và người con này tên là Muhammad được đồng đạo đem giấu để tránh khỏi bị ám hại. Người con này là Mahdi (nghĩa là “Người được Allah hướng dẫn”), tức là chúa cứu thế, là Imam thứ 12 kể từ Ali, năm 878 biến mất trong một cái động dưới đền Samarra tại Iraq, vì thế được gọi là Imam ẩn Nặc, sẽ hiện ra vào thời mạt thế để lập một vương quốc đạo lý nơi trần gian. Những người tin tưởng như thế gọi là “Chi Thứ Mười Hai” (Djafari). Giữa tk XVI và XVIII các người “Chi Thứ Mười Hai” này bỏ căn bản Hồi giáo chân truyền để hội nhập với truyền thống Ba tư, phát triển thành Sufi giáo (Sufism), được người Trung á theo đông, nhất là những người Safavid. Suf là len, Sufi nghĩa đen là “người mặc đồ bằng len”, theo hadith người mặc đồ len thô nhám thì không còn cái “ngã” cũng được gọi là “dervish”), một thứ mật tông Hồi giáo

Chuyên viên về Hồi giáo Edward Mortimer phân tích dị biệt giữa Sunnah và Shi’a:

Hồi giáo Sunnah là giáo điều quyền lực và thành tựu. Shia là giáo điều phản kháng. Khởi điểm của Shia là bại trận: việc bại trận của Ali và gia tộc của ông… Sự hấp dẫn căn bản của nó do đó là đối với những người thất bại và bị đàn áp. Vì thế nó thường là tiếng kêu tập hợp những kẻ thất thế trong thế giới Hồi giáo… nhất là người nghèo và người bị chiếm hữu (Faith & Power).

G.H. Jansen nhận định:

Các dị biệt giáo điều giữa Hồi giáo Sunni và Shiah là: Shiah dĩ nhiên chấp nhận Muhammad và Koran, nhưng trong khi nguồn gốc của luật Sunni là Koran, Hadith của Ngôn sứ, sự đồng thuận của cộng đồng và “tương đương”, bốn căn bản của luật Shiah là Koran, Hadith của Ngôn sứ và các imam, sự đồng thuận của các imam và “lý trí”. Vậy Shiah có bộ luật Hadith của riêng họ và trường phái luật của họ là Jaafari. Người Shiah hành hương Mecca nhưng sự sùng bái thực sự của họ đổ dồn về mồ mả của các con Ali là Hassan và Hussein tại Najaf và Kerbela [Karbala] ở Iraq (Militant Islam, 27).

Năm 1844 Mirza Ali Muhammad tự nhận là Mahdi đang được mong đợi, sáng lập đạo Bahai như là một nhánh của Hồi giáo Shi’a nhưng bị chính giáo phái này coi như phản đạo vì những chủ trương cải cách.

Năm 908 Ubaydallah theo cánh Ismail lên ngôi caliph ở Bắc Phi và năm 969 một người khác, al-Mu’izz chiếm Ai Cập và kiến thiết Cairo làm thủ đô. Năm 1094 khi caliph al-Mustansir chết, cánh Ismail lại chia làm hai nhóm. Một nhóm theo con thứ và là người kế nghiệp ông tại Cairo. Nhóm kia theo con lớn của ông là Hasan-i Sabbah, lúc đó đã kiểm soát được vùng núi Alamut ở Bắc Ba Tư, sửa đổi các giáo điều và chống lại nhà Seljuk. Theo tên của lãnh tụ (hashish), họ còn có tên là “assassin”(kẻ ám sát), rất cuồng tín, nhân danh một Imam vô hình, chuyên reo rắc khủng bố bằng cách ám sát các vua và hoàng gia, các chính khách và tướng lãnh Hồi giáo, cho đến khi bị người Mông Cổ xâm lăng vào tk XIII.

Sau khi Ali bị ám sát năm 661, con cả ông là Hassan (về sau bị bỏ thuốc độc chết), không biết có bị áp lực hay không nhưng không nhận kế vị, lui về tư dinh ở Medina, đề cử Muawiya ibn Abi Sufyan, thống đốc Syria (lúc ấy kinh đô của Hồi giáo là Damascus) và là tùng đệ của caliph Uthman đã bị ám sát, thuộc danh gia Umayyad ở Mecca. Triều đại của nhà Umayyad (660-750) bắt đầu từ đây, tiếp nối với Yazùd là con của Muawiya và sẽ kéo dài gần một thế kỷ, vẫn đóng đô tại Syria.

Theo truyền thống thì tên cổ của Syria là Aram, theo tên dân tộc Aramaean định cư tại Syria và Mesopotamia. Vì thế Syria được gọi là “Aram của Damascus” và Mesopotamia là “Aram của Lưỡng Hà” (Aram Naharayim, hay Aram của Zoba, hay của Aleppo, theo Thánh Kinh Samuel 8:6 và 10:8). Herodotus giải thích rằng tên Syria là do tên Assyria viết tắt. Người Hồi giáo gọi nó là Sham và đô thị chính của nó là Damascus. Người Ả Rập gọi Syria là Sóriya. Ðế quốc Ottoman năm 1865 công nhận tên Syria và người Pháp khi nhận làm nước ủy trị của nó sau đệ nhất thế chiến cũng giữ tên ấy.

Năm 680 là một niên đại tối quan trọng trong lịch sử Hồi giáo. Năm ấy Hussein, con thứ của Ali và là cháu ngoại của Ngôn sứ – được hỗ trợ bởi hai giáo phái Shi’a và Khawarij lúc đó tạm quên cựu hiềm để chống kẻ thù chung – nổi lên ở Iraq, tố cáo nhà Umayyad không có tư cách gì để làm caliph, hơn nữa lại còn là một caliph bất công và độc ác. Ông bị Ubayd Allah ibn Yazid lãnh đạo nhà Umayyad đánh bại ở Karbala, ở phía nam Baghdad ngày nay, bị chặt đầu; toàn gia của ông cũng bị giết, trừ có đứa con nhỏ sống sót. Những người theo ông cũng bị giết hết, tất cả là 70 người. Ðối với phái Shi’a, đây là một ngày lịch sử đánh dấu 1/việc tuẫn tiết của gia đình Ngôn sứ cho lý tưởng công bình; 2/ ác tính của những kẻ đã giết họ; và 3/ tội lỗi của những ai không bảo vệ họ. Biến cố này cũng thay đổi Shi’a từ một tổ chức lỏng lẻo thành một giáo phái. Tín đồ từ khắp nơi, Ấn Ðộ, Hồi Quốc, Iran, Iraq, Lebanon kéo về Karbala khóc cho Ali và Hussein, tự nguyện sẽ giống Ali, sẽ sống như Ali và sẽ chết như Ali.

Tính bất công của nhà Umayyad rõ rệt nhất ở cách kỳ thị chủng tộc, coi Hồi giáo là của Ả Rập và coi những người không phải là Ả Rập, dù có theo Hồi giáo cùng không được cư xử ngang hàng với người Ả Rập.

Dù có những sở đoản, nhà Umayyad đã có công đóng góp rất nhiều cho văn hóa Ả Rập, nhất là nghệ thuật và kiến trúc, ảnh hưởng sang cả Âu Châu Ki tô giáo. Năm 691-2 caliph Abd al-Malik (685-705) của nhà Umayyad xây, ngay tại Núi Ðền Jerusalem, đền “Vòm trên tảng đá” (the Dome on the Rock) là đền Hồi giáo lớn đầu tiên.

Năm 711, nhà Umayyad băng qua eo biển Gibraltar (do chữ Jebel ul-Tarik nghĩa là Núi của Tarik) tràn vào chiếm Y Pha Nho nhưng bị vua Charles Martel của Pháp đánh bại tại trận Poitiers năm 732, nếu không thì cả Âu Châu đã lọt vào tay Hồi giáo Ả Rập.

Từ năm 715, các caliph ngày càng trụy lạc trong những nhà tắm và hoàng cung lộng lẫy, quên rằng Ngôn sứ Muhammad của họ không bao giờ bỏ thói quen ngồi ở sân sau căn nhà tranh vách đất vá lấy quần áo rách. Sự xa hoa và kiêu ngạo của họ là mầm mống của sự suy tàn của triều đại Umayyad. Với caliph thứ 12, Marwan II (744-750), con một phụ nữ nô lệ người Kurd, nó cáo chung khi ông này bị người theo Abbas (Abbasid) đuổi đánh phải chạy sang Ai Cập, trốn trong một nhà thờ Ki tô giáo và bị chém đầu. Dân chúng ở Damascus đào mả các caliph Umayyad vứt xương ra đường để rửa hận.

*

Ngày 9.6.747, Abu Muslim phất cờ đen khởi nghĩa ở Khurasan, một tỉnh đông bắc Iran, chống lại nhà Umayyad và tôn hậu duệ của ak-Abbas, một thúc phụ của Ngôn sứ, lên làm minh chủ; công dân không phải là Ả Rập theo rất đông, tràn khắp Iran rồi kéo sang Iraq, đến năm 749 đã qua được sông Euphrates. Lãnh tụ Abul-Abbas được tôn lên làm caliph ở Kufa với tước hiệu al-Saffah chiếm nốt Iraq và Syria, dứt nhà Umayyad, lập ra triều đại Abbasid, trị vì khắp đế quốc Hồi giáo. Ðiều đáng chú ý là khi còn là Abul-Abbas thì theo Shi’a, đến khi đã thành al-Saffah thì theo Sunnah.

Al-Saffah tạm đóng đô gần sông Euphrates, em ông là al-Mansur (754-775) thiên đô từ Damascus sang bờ sông Tigris, gần vị trí cố đô Ctesiphon của triều đại Ba Tư Sassanid; thủ đô mới lấy tên là Madĩnat al-Salãm (nghĩa là “Ðô thị Hòa Bình”), nhưng dân vẫn quen gọi là Baghdad (nghĩa là “Trời cho”) và trở thành trung tâm dịch thuật các tác phẩm y khoa, toán học, hóa học, luyện kim, triết học viết bằng tiếng Hi Bá Lai, Ba Tư, Hi Lạp, Phạn. Tại đây hoàng cung được kiến thiết theo kiểu mẫu giống Ba Tư hơn là Ả Rập; y phục và nghi thức triều đình cũng vậy. Vì thế có người cho rằng đây là cuộc đảo chính của Ba Tư chống lại Ả Rập, nhưng cuộc cách mạng này cũng được nhiều người Ả Rập theo. Chính mẹ al-Saffãh cũng là Ả Rập, al-Mansũr có mẹ là nô lệ người Berber. Dù sao thì cuộc cách mạng này cũng đã thay đổi cục diện Hồi giáo một cách sâu đậm. Quý tộc Mecca và Medina lu mờ dần. Caliph nay lấy tước hiệu là “Bóng Thượng Ðế nơi Trần gian”. Cũng như người La Mã đã chiếm đoạt Ki tô giáo, người Iran lại chiếm đoạt Hồi giáo.

Các caliph nhà Abbasid trị vì đế quốc Hồi giáo trong 5 thế kỷ, nhưng từ khi al-Mansur trao quyền tể tướng cho Khalid al-Barmaki, gốc tu sĩ Phật giáo của đô thị Balkh ở Ba Tư, thì quyền hành ngày càng bị mất vào tay ông này để rồi cha truyền con nối làm wazir (giống nhà Chúa ở VN và tướng quân shogun ở Nhật) cho đến đời Harun al-Rashid (786-809). Dưới triều ông này, Tây Ban Nha và Bắc Phi đã gần như độc lập (756-800). Năm 868, một cận vệ người Thổ được Baghdad bổ nhiệm làm thống đốc Ai Cập tên là Ahmad ibn Tulun tuyên bố độc lập và sát nhập luôn Syria vào Ai Cập. Vùng biên thùy Syria-Iraq bỏ ngỏ, các bộ lạc Ả Rập Bedouin từ sa mạc tràn vào đòi lại nền độc lập bị mất. Có khi họ đánh phá các vùng đông dân ở Syria và Lưỡng Hà, chiếm cứ các đô thị và lập ra các triều đại vắn số. Khi Harun chết, hai con ông tranh ngôi, al-Amin có thế lực ở kinh đô Baghdad và Iraq, al-Mamun có thế lực ở Iran. Năm 820 tướng Tahir người Iran của al-Mamun, chiếm Khurasan, lập ra một triều đại mới; nhiều tướng khác bắt chước. Tuy phản loạn, họ vẫn công nhận các caliph là thủ lãnh tối cao của Hồi giáo Sunni, tuy là caliph hữu danh vô thực. Vào thời al-Mutasim (833-842) và al-Wathiq (842-847), các wazir thao túng triều đình, tùy ý phế lập các caliph lúc nào cũng được. Thực quyền đã chuyển từ Ả Rập sang Iran.

3. HồI Giáo BA TƯ: ARYANAM

Có lẽ cách nay năm ngàn năm, các sắc dân du mục, gốc Ả Rập, Thổ và Mông Cổ, từ các vùng phụ cận, đã xâm nhập vùng cao nguyên ngày nay là trung tâm của Iran. Vào cuối thiên niên kỷ III TK, dân tộc Elam tản ra từ đồng bằng Lưỡng Hà, leo lên rặng núi Zagros, đem theo nền văn hóa của họ pha trộn phần nào với văn hóa Sumer, vào giữa tk XI TK đã đạt đến một trình độ mỹ thuật phi thường, nhưng họ bị những đoàn người thuộc một giống Ấn-Âu gọi là A Lỵ A (Aryan) di cư từ Trung á, đông ngạn Biển Caspian, tiến vào đánh phá. Ðầu tiên, người giống Media (tức là người Mede) đến vào khoảng tk IX TK, định cư tại rặng núi Zagros; rồi độ một thế kỷ sau đến lượt người Persia (Ba Tư) dừng chân tại Pars (hay Fars) ở trung tâm cao nguyên, lấy nơi đó để phát triển văn hóa của họ và đặt tên đất nước của họ là Iran, do chữ aryanam nghĩa là đất của người A lỵ a. Cho đến năm 1935, Tây phương gọi Iran là Persia hay Persis (Ba Tư), do tên Pars.

Ngày nay, giống người này chiếm 50% dân số Iran, hầu hết nói một ngôn ngữ là tiếng Farsi, theo một tôn giáo là giáo phái Shia Hồi giáo. 50% dân số còn lại chia cho độ 400 sắc dân, quan trọng hơn cả là 12 triệu người Azerbaijan, 6 triệu người Kurd, đến làm nhiều đợt, định cư ở các vùng ven biên, trừ một số theo ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư, hầu hết vẫn giữ ngôn ngữ và văn hóa riêng của từng sắc tộc, thí dụ 1.2 triệu dân Turkoman nói một thổ ngữ Thổ và theo giáo phái Sunni.

Trừ dân Kurd, toàn dân, dù theo tôn giáo khác và thuộc chủng tộc khác, đều có tinh thần dân tộc Ba Tư cao độ và tự coi là những người bảo tồn văn hóa cổ truyền Ba Tư và bảo vệ giáo phái Shia Hồi giáo. Sắc thái đặc thù này khiến Iran có hai mặt: Ba Tư và Hồi giáo, nói cách khác là quốc gia chủ nghĩa (nationalism) và cơ bản chủ nghĩa (fundamentalism), mỗi chủ nghĩa có những thời thịnh suy xen kẽ.

*

Từ khi sống chung hòa bình trên cao nguyên Iran, các dân tộc ở đó đã biết thờ Ahura Mazda là thiên lực thiện và giữ một ngọn lửa cháy thường trực trong đền để làm biểu tượng cho lực ấy. Zarathushtra, mà người Hi Lạp gọi là Zoroaster, hoàn chỉnh ý niệm này, lập ra Bái Hỏa Giáo (Zoroastrianism), đề ra thuyết nhị nguyên, Sáng Tạo là Ahura Mazda và Hủy Diệt là Ahriman, tiêu biểu cho thiện và ác, sáng và tối, sống và chết… Hai yếu tố này thường xuyên tranh đấu trong mọi phương diện của cuộc sống, cá nhân và xã hội. Hết tranh đấu thì sự sống cũng hết. Tranh đấu càng mãnh liệt thì cường độ sống càng tăng. Mỗi cá nhân có quyền tự do quyết định đứng ở chiến tuyến nào, Mazda hay Ahriman; tùy quyết định này, khi chết sẽ lên thiên đường hay sa hỏa ngục.

Cả hai dân tộc Media (Mede) và Persia (Perse) đều theo Bái Hỏa Giáo. Cho đến ngày tôn giáo này bị Hồi Giáo thay thế, Iran trải qua bốn triều đại: Achaemenia, Seleucis, Parthia và Sassania.

Bái Hỏa Giáo đã bén rễ ở Iran khi Cyrus chào đời. Zoroaster cho vương quốc của Cyrus phần hồn và Cyrus cho Bái Hỏa Giáo phần xác. Từ sự phối hợp này sinh ra triều đại Achaemenia và đế quốc Ba Tư kéo dài từ tk V TK đến tk III TK.

Nhân vật làm ra lịch sử Iran thời cổ này đã được Cựu Ước đề cập đến, như đã nói trên đây: Cyrus, có lẽ là con của Cambyses, vua của các người Ba Tư ở Pars và Mandane, con của Astyages, vua của Media. Lên ngôi năm 559 TK, ông bành trướng thế lực bằng cách ôn hòa hơn là vũ lực. Năm 550 TK, ông mời vua Media thoái vị để thống nhất Media và Persia, vẫn giữ lễ, một mực cung kính đối với người thất thế. Thuở ấy cũng là thời Tam quốc ở Trung Ðông: Iran, Lydia và Babylon. Cyrus đánh phủ đầu, đem quân tràn qua sông Tigris vào mùa xuân năm 547 TK, chiếm kinh đô Sardis của Lydia, bắt các nghệ nhân đem về kiến thiết thánh địa Pasargadae của ông. Năm 540 TK ông xuất quân giải phóng Babylon khỏi tay nhà vua Nabonidus độc tài. Khi ông vào thành, dân chúng ra qùy lạy và hôn chân ông. Ông dương đông kích tây, tiếng thơm minh quân độ lượng nhân đức đi trước quân đội, mở mang bờ cõi băng qua sông Nile, qua biển Aegean, qua sông Indus, trải dài từ Phi Châu đến Tàu. Ông cư xử theo đúng giáo lý Bái Hỏa Giáo, trị dân theo thiên mệnh, công bình và hòa bình. Năm 530 TK, ông dẫn quân vượt sông Jaxartes tiễu trừ quân Massagetae, giết được con nữ hoàng Tomyris. Nữ hoàng thương con, nổi điên phản công, Cyrus ngã ngựa, Tomyris vung gương chặt đầu ông, quân lính đem xác ông về chôn ở Pasargadae.

Con ông cũng tên là Cambyses nối ngôi, đem quân vây hãm Ai Cập ba năm. Trong nước có loạn, ông đem quân về, chết dọc đường. Năm 521 TK, Darius 28 tuổi lên ngôi, cưới vợ góa của Cambyses và một người con gái của Cyrus để được công nhận là có quyền thừa kế. Nhưng dân vẫn nổi loạn khắp nơi, bị Darius dẹp trong biển máu. Sau đó, Darius cải tổ quân đội và hành chánh hoàn hảo đến nỗi La Mã phải bắt chước. Năm 517 TK ông đem quân vào Punjab, Ấn Ðộ ngày nay và Sind, thu hết vàng chở trên xe cải tiến, rồi kéo quân lên Bắc Phi đến tận Libya. Năm 512 ông tiến quân đến hạ lưu sông Danube, trên đường về, thần phục được vua Macedonia và người Hi Lạp ở Thrace. Ðế quốc Ba Tư lên đến cực đỉnh; Darius cho tổ chức lễ No Ruz ở Persepolis, cách Pasargadae 50 dặm, một lễ đài nguy nga đồ sộ rộng 181,500 dặm vuông, nơi mà 10,000 người gọi là Bất Tử, thuộc các danh gia vọng tộc Media và Persia họp thành quân cận vệ của vua, đứng túc trực trong khi thần dân của đế quốc Ba Tư gồm 29 dân tộc khác nhau, diễn hành trước ngai vàng Achaemenia. Darius chết năm 486 TK, con là Xerxes nối ngôi. Năm 481 TK Xerxes dẫn quân băng qua Hellespont, tràn qua Macedonia, đánh bại quân Spartia, chiếm Nhã Thành (Athens), đốt điện Parthenon đang xây dở dang, nhưng thua quân Hi Lạp ở Plataea. Xerxes chán nản, dẫn tàn quân về Persepolis, vùi đầu vào trụy lạc trong harem, tức là tam cung lục viện Ba Tư. Năm 465 TK ông bị ám sát. Ðến năm 401 TK anh em trong hoàng gia tranh ngôi, tương tàn. Ba Tư của nhà Achaemenia bắt đầu suy thoái.

Năm 332 TK, A Lịch Sơn đại đế của xứ Macedonia vượt Hellespont. Vua Darius III xin dâng đất cầu hòa không được. A Lịch Sơn tiến vào Persepolis, dùng 10,000 ngựa và 5,000 lạc đà chở chiến lợi phẩm, 120,000 lượng bạc, 8,000 lượng vàng, các mỹ phẩm vô số kể. Nhưng chưa hết, A Lịch Sơn, học trò của Aristotle, người tự xưng là đầy tớ của chân và mỹ (không có thiện), đã ra lệnh đốt phá kỳ công mỹ thuật Persepolis, hy vọng là làm thế tất nhiên phá được căn tính Ba Tư. Thì ra từ ngàn xưa mặt trận văn hóa đã quan trọng đến thế.

Sau khi A Lịch Sơn chết vào năm 323 TK, các tướng của ông tranh nhau chia đế quốc ông để lại: tướng Antigonus chiếm Hi Lạp, tướng Ptolemy lấy Ai Cập và Palestine, tướng chỉ huy kỵ binh Seleucis chiếm phần còn lại, Syria, Tiểu á Tế á kể cả Ba Tư.

Cũng vào thời A Lịch Sơn chết, một sắc dân A Lỵ A từ phía đông biển Caspian đến định cư ở Ba Tư và đồng hóa với dân Ba Tư. Trong đám họ, năm 247 TK Arshak nổi lên chiến thắng đế quốc của Seleucis, lập ra triều đại Parthia; năm 163 TK Ba Tư thu hồi độc lập. Năm 36 TK, tại Azerbaizan, họ giết 35,000 trong số 100,000 quân của tướng Mark Antony khiến ông này phải chạy về Ai Cập với vợ là người đẹp Cleopatra, và đế quốc La Mã phải rút về tây ngạn sông Tigris, từ bỏ tham vọng bành trướng sang phía đông. Sau 160 năm đô hộ, văn hóa Hi Lạp vẫn không ảnh hưởng được văn hóa Ba Tư. Triều đại Pathia phóng khoáng, cho dân tự do tín ngưỡng, có công bảo vệ Ba Tư trong gần bốn thế kỷ (163 TK-224 SK).

Ardavan, vua cuối cùng của triều đại Pathia bị Ardashir (226-240 TK) giết để lập ra triều đại Sassania (208-637 SK). Nhận ra được rằng ngôi vua của ông chỉ có thể vững nếu được tôn giáo hỗ trợ, ông cùng các đạo sĩ (magi) phục hưng Bái Hỏa Giáo thành một lực lượng kiểm soát sinh hoạt tâm linh và vật chất của Ba Tư và bắt dân theo. Các nguyên tắc căn bản của Ba Tư, công bằng và độ lượng, không còn nữa. Dưới triều con Ardashir là Shapur I (240-271), Mani (sanh năm 216) xuất hiện ở một làng gần Ctesiphon ở Lưỡng Hà, tự xưng là tông đồ cuối cùng sau Zoroaster, Phật và Jesus, tổng hợp giáo lý của ba vị thành Mani Giáo (Manichaeism). Có lúc Mani được Shapur cho vào triều nhưng các đạo sĩ Bái Hỏa Giáo thấy địa vị bị lung lay bèn cho ông chết một cách từ từ và đau đón vô cùng. Một ông đạo khác là Mazdak nối gót Mani, cũng bị các đạo sĩ ám sát. Shapur I gây chiến với La Mã và trong chiến thắng thứ ba bắt được hoàng đế La Mã Valerian làm tù binh. Ông này chết trong tù. Năm 384 Shapur III (383-388) giảng hòa với La Mã. Năm 560 Khosrow I lên ngôi, thiên đô sang Ctesiphon ở Lưỡng Hà (ngay cạnh Baghdad ngày nay), trưng bầy những cảnh xa hoa ngược hẳn với tính giản dị của Pasargadae buổi ban đầu. Ông chết năm 579, các thừa kế của ông lại Tây tiến, năm 602 vào Byzantium, năm 613 chiếm Antioch, 614 chiếm Jerusalem, 616 chiếm Sardis và Ephesus, 619 chiếm Alexandria và Ai Cập, 620 đế quốc Byzantine bị đẩy lui đến tận Constantinople.

Năm 626 Byzantine phản công, năm 628 đòi Armenia và Mesopotamia, lấy cớ dân hai nơi này đa số theo Ki tô giáo. Ba Tư lại đòi Syria, Palestine và Ai Cập, viện cớ các lãnh thổ này đã được Cambyses, con của Cyrus chinh phục năm 525 TK, tuy ở đó không có người Ba Tư hay người theo Bái Hỏa Giáo.

Hai bên tranh chấp chỉ lợi cho Ả Rập Hồi Giáo.

Năm 636 tám vạn quân tinh nhuệ của nhà Sassania đồn trú ở Qadisiya, một tỉnh nhỏ trên tây ngạn sông Euphrates, phải đối diện một vạn quân Ả Rập ô hợp cháy nắng, quần áo rách mướp bẩn thỉu mang khiên da bò và gươm cong, cưỡi lạc đà của Caliph Umar ibn al-Khattab (634-44). Hai bên cầm cự nhau đến tháng 6,637 tướng Rustam của nhà Sassania khiêu chiến nhưng thất bại, tử trận. Năm 638 Ctesiphon thất thủ, Yazdagird III, vua của các vua (shahanshah), bỏ chạy, triều đại Sassania sụp đổ; quân Ả Rập tiến vào hoàng thành Ctesiphon tráng lệ, cướp phá; sách qúy trong thư viện bị vứt ngổn ngang đầy đường. Lời dạy của Muhammad quả không sai, của cải Ba Tư là cốt để chia cho người Ả Rập. Của cải hôi được không biết cơ man nào mà kể, kích thích lòng tham của người Ả Rập, và quân đội Ả Rập quen mui đến năm 642 lại kéo sang đánh hai trận nhưng bị kháng cự mãnh liệt cho đến năm 648-9, giết được bốn vạn dân Ba Tư, xông vào hôi của ở Persepolis, năm 651 gom tất cả các lãnh thổ Ba Tư thành một quốc gia Ả Rập theo Hồi Giáo.

Hồi Giáo đã thay Bái Hỏa Giáo; Allah đã thay Ahura Mazda; Muhammad đã thay Zoroaster, Ummah thay vua, nhưng Ả Rập không thay được Ba Tư. Nguyên nhân của sự thay thế này là các đạo sĩ Bái Hỏa Giáo cũng như vua đã quên chức năng thiêng liêng của mình, say đắm trong phồn vinh, bắt dân chịu sưu cao thuế nặng để cống hiến cho họ phương tiện hưởng lạc, phản bội lý tưởng Ba Tư. Quân Ả Rập gầy ốm, đói rách và Hồi Giáo giản dị là những tương phản đầy hấp dẫn đối với quần chúng phẫn uất triều đình Sassania. Ahura Mazda đã bị các đạo sĩ Bái Hỏa Giáo giết chết rồi, họ đành chấp nhận Allah. Tuy nhiên không phải là không có sự chống đối lúc ban đầu.

Ðợt chống đối ban đầu là của các th

0