18/06/2018, 16:03

Cuộc Trưng Cầu Dân Ý Truất Phế Vua Bảo Đại Năm 1955

Tiến sĩ Jessica Chapman (*) Ph.D., University of California at Santa Barbara Đào Văn Bình chuyễn ngữ Vào ngày 23-10-1955, người dân Miền Nam Việt Nam đã đi bỏ phiếu để chọn lựa giữa vị hoàng đế đã lỗi thời và vị thủ tướng còn xa lạ với người dân (far-from-popular). Cơ ...

phe truat bao dai

Tiến sĩ Jessica Chapman (*)

Ph.D., University of California at Santa Barbara

Đào Văn Bình chuyễn ngữ

Vào ngày 23-10-1955, người dân Miền Nam Việt Nam đã đi bỏ phiếu để chọn lựa giữa vị hoàng đế đã lỗi thời và vị thủ tướng còn xa lạ với người dân (far-from-popular). Cơ quan tuyên truyền của chính phủ nói với người dân rằng Hoàng Đế Bảo Đại là kẻ bán nước, hiếu sắc chẳng khác nào một thứ của nợ làm cản bước đi lên của đất nước. Trong khi đó, Ô. Diệm hứa đưa đất nước vào thời kỳ sán lạn của lịch sử Việt Nam đánh dấu bằng một nền dân chủ, dân tộc tự quyết và bảo đảm quyền hạn của mọi công dân.

Những bằng chứng mới đây lấy ra từ văn khố Việt Nam (trước 1975) cho thấy cuộc trưng cầu dân ý này phải được coi như một biến động văn hóa và chính trị quan trọng của Miền Nam. Nó tác động lâu dài lên lãnh vực chính trị nằm dưới Vĩ Tuyến 17 và trên mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay các sử gia và các nhà quan sát đã diễn giải cuộc trưng cầu dân ý Tháng 10, 1955 hoàn toàn theo lăng kính (nhãn quan) Hoa Kỳ, từ đó đã đưa tới hàng loạt những kết luận thiếu sót về bản chất và ý nghĩa của nó. Lối nghiên cứu lấy Hoa Kỳ làm trung tâm điểm, thiếu vắng sự khảo cứu về Miền Nam làm cho người ta không hiểu thấu suốt bản tính rất phức tạp của người bạn đồng minh của Hoa Kỳ trong Cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Chính vì thế cuộc khảo cứu về chính trị nội bộ của Sài Gòn thật cần thiết để giúp cho các sử gia tiến hành một cuộc tái lượng giá về những nhận thức và chính sách của Hoa Kỳ.

Cho đến đầu thập niên 1990, những cuốn sách diễn giải đầy đủ về cuộc trưng cầu dân ý truất phế Vua Bảo Đại của Ô. Diệm do các ký giả viết ra hoặc trên các hồi ký chính trị cho thấy chúng ta không thể coi những tác phẩm này là những diễn giải có tính cách biên khảo. (1) Nói một cách đúng đắn nhất, những cuốn sách đó đều kết luận rằng cuộc trưng cầu dân ý này không phải là cuộc hành xử dân chủ như Ô. Diệm nói. Ngay cả những người biện hộ cho Ô. Diệm như Anthony Trawick Bouscaren và sĩ quan tình báo CIA Edward Lansdale cũng tán thành những lời chỉ trích nặng nề nhất đối với Ô. Diệm khi các cuốn sách kết luận rằng chính quyền Nam Việt Nam chưa đủ khả năng hoặc không muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thật tự do Tháng 10, 1955. Nói chung, những cuốn sách mới đây đều cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đó nhằm củng cố quyền lực của Ô. Diệm và một vài cuốn cho rằng đây là dấu hiệu hé mở cho thấy bản chất áp bức, độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm và quay trở lại ám ảnh các giới chức Hoa Kỳ trong những năm tháng kế đó.

Joseph Buttinger – nhà chuyên khảo về Việt Nam đã cho rằng biến cố Tháng 10, 1955 là “Tháng mà di vật của quá khứ đã bị quăng vào đống mục nát của lịch sử: Đó là chế độ quân chủ cùng với vị vua cuối cùng không xứng đáng là Bảo Đại.” (2) Ông phê phán cuộc bầu cử độc diễn (one-side election) đó là xúc phạm (outrageous) và không cần thiết, bởi vì “không một ai mà không biết kết quả của cuộc bầu cử sẽ như thế nào.” (3) Ông cho rằng Diệm có đủ sức để không thèm nghe tiếng nói chống đối từ Sài Gòn chống lại kết quả cuộc bầu cử công nhận chế độ độc trị (one-man rule) và làm suy giảm giá trị chính trị lâu dài của cuộc bỏ phiếu và chiến dịch vận động của Diệm về bản chất chính trị của Miền Nam.

Phóng viên Donald Lancaster, người ở Sài Gòn đã và chứng kiến biến cố ồn ào 1955 này, ghi nhận như sau “Bởi vì Bảo Đại không có cơ hội tự biện hộ cho nên hệ truyền thông và báo chí do chính phủ kiểm soát đã tha hồ nhục mạ ông.” (4) Lancaster viết “Diệm thích đánh bại kẻ thù hơn là nói chuyện với kẻ thù,” và ông kết luận rằng điều này trước mắt đem lại sự ổn định tạm thời cho vùng nông thôn. Tuy nhiên ông hàm ý rằng thái độ đàn áp của Ô. Diệm tạo nên một sự yên bình nho nhỏ trong điều kiện tốt nhất, nhưng không hé mở một chi tiết nào về tương lai chính trị lâu dài của Miền Nam.

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ Cheater Cooper cho rằng cuộc trưng cầu dân ý trước hết cho người ta nhìn thấy rõ con người của Ô. Diệm và em là Ngô Đình Nhu, và nhà báo Robert Shapen còn đi xa hơn nữa bằng cách ghi điểm cho Nhu đã đạo diễn hoàn toàn cuộc trưng cầu dân ý. (5) Cooper nhớ lại Diệm và Nhu, cả hai đã ra lệnh và khuyến khích vi phạm trắng trợn bầu cử, nhưng người Hoa Kỳ lại cố giữ bộ mặt tốt đẹp cho cuộc bầu cử. (6) Lúc bấy giờ, với sự hợp tác của người Hoa Kỳ, Diệm có thể đạt được mọi mục đích và củng cố quyền lực tại Nam Việt Nam vào cuối năm 1955. Tuy nhiên theo Cooper, những chương trình và chính sách của Diệm từ thời điểm đó “đã đưa tới thảm họa không sao tránh khỏi.” (7)

Những tác phẩm này, cùng với một vài cuốn sách khác, cấu thành một “bản thảo lịch sử đầu tiên”; một nỗ lực của những người Hoa Kỳ đã can dự vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam để giải thích những căn nguyên của nó. Gần đây, các sử gia đã duyệt lại những đánh giá của các ký giả về cuộc trưng cầu dân ý, dựa theo những tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ mới vừa giải tỏa để đưa ra sự giải thích có tính tường tận việc Hoa Kỳ liên minh với Việt Nam. Trong cuốn sách đưa ra một khảo hướng mới về bộ tham mưu của Eisenhower ở Việt Nam, David Anderson đã lý giải rõ ràng vị trí của Hoa Thịnh Đốn trong cụộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Ông nói rằng các giới chức Hoa Kỳ lo lắng không muốn để Diệm thua cộng sản tại vùng nông thôn trong cuộc tổng tuyển cử dự trù vào mùa hè 1956. Để ngăn ngừa tình thế có thể xảy ra, các giới chức Bộ Ngoại Giao tìm cách tái cấu trúc Nam Việt Nam thành một chính thể cộng hòa, khuyến kích Diệm mở rộng nội các và kiến tạo một quốc hội để công bố tân hiến pháp. Anderson viết như sau “Mặc dù người Hoa Kỳ thích thành lập quốc hội hơn trước khi loại trừ Bảo Đại, nhưng Diệm đã có chủ ý riêng.” (8) Các giới chức Hoa Kỳ thận trọng không muốn tạo ra sự khủng hoàng trong mối liên hệ với Sài Gòn, quan sát một cách thụ động trong khi Ô. Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với sự cố vấn tệ hại (ill advised referendum) và từ chối lời cố vấn của Hoa Kỳ là tránh gian lận kết quả bầu cử. Anderson kết luận rằng sự thắng cử không cân sức của chính quyền Nam Việt Nam cho thấy “đây không phải là tiêu biểu thực sự cho quyền lực và uy tín của Diệm. Nhược điểm của Hoàng Đế, sự sáo trộn của đối lập chính trị và những yếu tố như thế đã giải thích chiến thắng của ông ta.” (9)

Sử gia Seth Jacobs, mới đây trong cuốn biên khảo về Ngô Đình Diệm đã đi một bước xa hơn trong việc lên án cuộc trưng cầu dân ý như là một hài kịch phản dân chủ (undemocratic farce). Ông cho rằng “không có gì sống động hơn để chứng tỏ Diệm không quan tâm gì đến tiến trình dân chủ là cuộc truất phế Bảo Đại Tháng 10, 1955.” (10) Jacobs đã sai lầm khi không khẳng định rằng Ô. Diệm có thể phớt lờ toàn bộ cử tri và trao phó toàn thể tương lai của ông cho những quan thầy đỡ đầu Hoa Kỳ (American patrons), nhưng Ô. Bảo Đại buộc phải ra tay bằng cách cất chức Ô. Diệm vào ngày 18 Tháng 10. Thật vậy, Ô. Bảo Đại chỉ tuyên bố bãi chức sau khi Ô. Diệm công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý và sau một chiến dịch dài tuyên truyền đả phá Hoàng Đế. Tuy nhiên Jacobs đã không lạc đề (đi quá xa) khi cho rằng cuộc trưng cầu dân ý Tháng 10 đã chứng tỏ bản chất độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm. Sự bàn luận sơ qua của ông ta về cuộc vận động “lố bịch” của Ô. Diệm làm giảm nhẹ ý nghĩa chính trị của cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Việt Nam và cho thấy sự dựa vào các tài liệu viết bằng Anh Ngữ của tuyệt đại đa số các tác phẩm hiện tại biên khảo về việc can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam. (11)

Sự bình luận của Edward Miller về nỗ lực xây dựng quốc gia của Ô. Diệm đã cống hiến một sự tái lượng giá cuộc trưng cầu dân ý dựa trên các nguồn tài liệu Việt Ngữ. Theo quan điểm của ông, Ô. Diệm đã gắn chặt với ý niệm dân chủ hẹp hòi qua cuộc trưng cầu dân ý và suốt nhiệm kỳ của ông. Từ đó Miller cho rằng cuộc trưng cầu dân ý không hẳn phi dân chủ như các học giả trước đây quan niệm. Miller viết “Cấu trúc cuộc trưng cầu dân ý như là một giải pháp để chống lại một ông vua xa rời quần chúng và vắng mặt rồi dính cuộc trưng cầu dân ý đó với ý niệm phổ thông rất được ưa chuộng là nền cộng hòa, Ô. Diệm tin chắc rằng phản ứng sẽ rất thuận lợi.” (12) Mặc dù Miller không đưa ra nhiều bẳng chứng về chiến dịch trưng cầu dân ý của Ô. Diệm, song ông có thể thực sự tranh cãi với những tài liệu giải thích trước đây bằng cách lượng giá nó trong bối cảnh chính trị của Miền Nam.

Cả ba tác giả này đã mở đường cho những cuộc khảo cứu xuyên suốt về cuộc trưng cầu dân ý truất phế Vua Bảo Đại. Sự giải thích về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến dịch này của Anderson đã giúp chúng ta hiểu mối bang giao với Việt Nam trong thập niên 1950. Còn Jacobs và Miller thì soi sáng thêm những chi tiết rất có giá trị về bản chất chế độ của Ô. Ngô Đình Diệm, nó không tương hợp với những ý niệm về dân chủ và dân tộc tự quyết của Hoa Kỳ. (13) Vì Anderson và Jacobs chỉ dựa trên các tài liệu của Hoa Kỳ cho nên khả năng lượng giá tính chân thực của những nhận thức và giải pháp của các giới chức Hoa Kỳ về các biến động chính trị nói chung và cuộc trưng cầu dân ý nói riêng đã bị giới hạn. Ngoài ra, không có sử gia nào nói ở trên đã tập trung mạnh mẽ vào cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra như thế nào và cũng không từng trải qua trong lòng Việt Nam.

Những năm gần đây, một vài học giả đã lợi dụng những nguồn tài liệu Việt Ngữ để duyệt lại những dấu ấn hiện có về những cuộc Chiến Tranh Việt Nam. (14) Đề mục này là một cố gắng để tìm biết nhãn quan của Hoa Kỳ trong quá khứ và tiến tới một hiểu biết đầy đủ hơn về sự liên kết với Nam Việt Nam bằng cách giới thiệu cuộc khảo cứu nguyên thủy từ những tài liệu từ văn khố Việt Nam mới vừa giải tỏa và từ báo chí xuất bản ở Sài Gòn trong những tháng tiến hành cuộc trưng cầu dân ý. Họ xử dụng những nguồn tài liệu bằng Việt và Pháp Ngữ để khám phá cuộc trưng cầu dân ý có tác dụng như là một biến động chính trị và văn hóa của Nam Việt Nam và cũng là giây phút quyết định trong mối bang giao Mỹ/Nam Việt Nam. Phương pháp này là bản minh họa cho khuynh hướng của các sử gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đa dạng hóa bằng cách chú tâm đến yếu tố văn hóa trong những mối bang giao và quốc tế hóa vấn đề nghiên cứu ngoại giao, vượt qua những giới hạn giả tạo áp đặt bởi những chuyện kể về “quốc gia”. Một trong những sử gia tăm tiếng về Việt Nam, Fredrik Logevall mới đây vừa nhận ra một nhu cầu đặc biệt cho việc khảo cứu có tính cách “hãnh diện chủng tộc” (ethnocentric) về việc Ngô Đình Diệm củng cố quyền kiểm soát Miền Nam từ 1954-1956 như là phương tiện để tìm hiểu vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam. (16) Tiêu đề nhằm tìm kiếm câu hỏi cho yêu sách này bằng cách soi sáng sự phức tạp của diễn biến chính trị Miền Nam.

Cuộc khảo cứu văn khố Việt Nam hé mở một vài khía cạnh rất có ý nghĩa của cuộc Trưng Cầu Dân Ý Truất Phế Bảo Đại ngày 23-10-1955 mà các nguồn tài liệu của Hoa Kỳ rất tối nghĩa. Khảo sát bối cảnh chính trị của Miền Nam, chúng ta thấy cuộc trưng cầu dân ý không phải chỉ có ý nghĩa lật đổ một ông vua xa rời quần chúng bởi những thủ đoạn độc đoán. Nhìn thật kỹ vào những lời tuyên truyền của Ô. Diệm, những lời tuyên truyền này đã làm sáng tỏ việc Ô. Diệm thay đổi bản chất chính trị của Miền Nam bằng cách lái đất nước chuyển từ quá khứ cổ truyền qua một tương lai tân tiến để đối đầu với chế độ cộng sản tại Miền Bắc. (18) Diệm đã phối hợp hệ thống luân lý Khổng Mạnh với tư tưởng của Phương Tây về dân chủ và tự do để biện minh cho việc truất phế Hoàng Đế và thay thế cuộc tổng tuyển cử năm 1956 quy định bởi Hiệp Định Genève bằng cuộc bầu Quốc Hội tổ chức vào đầu năm 1956. Mặc dầu Diệm về mặt truyền thống là tiêu biểu của một lãnh tụ độc đoán, không màng chi đến dân chủ, nhưng ông lại đưa ra những lời hứa hẹn về quyền dân chủ và quyền tự quyết trong suốt chiến dịch truất phế Vua Bảo Đại và chính nó đã tạo thành những xung đột về chính trị của Miền Nam trong tương lai. Những đối thủ của Thủ Tướng từ đó căn cứ vào những hứa hẹn cao quý như quyền bình đẳng và quyền tự quyết để chỉ trích chế độ của ông đã không theo đúng những gì đã đề ra.

Hơn thế nữa, cuộc trưng cầu dân ý là một biến cố thật quan trọng trong những ngày đầu của mối bang giao Mỹ-Nam Việt Nam. Theo đúng xu hướng ngoại giao, Tony Smith đã viện dẫn “chủ nghĩa tư bản dân chủ cấp tiến” (liberal democratic capitalism), Hoa Kỳ đã hỗ trợ cuộc bỏ phiếu như là một phương tiện để quảng bá dân chủ tại Đông Nam Á. (19) Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ – từ Bộ Trưởng Ngoại Giao John Foster Dulles tới Đại Sứ tại Sài Gòn là Frederick Reinhardt lại lo lắng đến nhận xét của thế giới về cuộc trưng cầu dân ý hơn là những gì diễn ra trong nội tình Miền Nam. Nhắm mắt làm ngơ trước những mâu thuẫn giữa lời tuyên truyền về dân chủ và những hành động phi dân chủ của Diệm, coi nhẹ sự chống đối chính trị lan rộng và dai dẳng, Hoa Kỳ giúp tạo ra sự bất mãn của quần chúng từ đó gây tai họa cho chính phủ của Diệm cho đến khi ông bị thảm sát vào Tháng 11, 1963. Bởi vì việc truất phế Bảo Đại là thất bại cuối cùng của người Pháp đã mất ảnh hưởng ở Việt Nam, người Mỹ muốn gặt hái những thành quả trong tương lai mà không cần đến sự hỗ trợ của đồng minh Âu Châu. (20) Nói ngắn gọn, cuộc trưng cầu dân ý Tháng 10 đã tạo thành một không khí chính trị cho người dân Miền Nam và mối quan hệ ngoại giao dai dẳng giữa Mỹ – Nam Việt Nam. Chính vì thế, đứng về mặt khảo cứu, nó có giá trị như là một biến cố cấu thành lịch sử ban đầu của Việt Nam Cộng Hòa và cũng là giây phút quan trọng trong những mối quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ.

Diệm đã tìm cách lách khỏi (angling) sự giám sát của Bảo Đại từ khi vị hoàng đế này bổ nhiệm ông ta lãnh đạo Miền Nam vào Tháng 6, 1954. Điều này cuối cùng đã đưa tới sự xung đột giáo phái (sect crisis) vào Tháng 3 và Tháng Tư 1955. Những đối thủ chính về quân sự và chính trị – không phải cộng sản của Diệm là Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên vào đầu Tháng 3 đã trình tối hậu thư lên Diệm đòi có đại biểu trong chính quyền Miền Nam. Diệm từ chối những yêu cầu này, cuối cùng khiêu khích Bình Xuyên vào cuộc chạm trán quân sự với quân đội của chính quyền. Vì không có sự bảo đảm trung thành của Quân Đội Quốc Gia của Miền Nam, Diệm suýt nữa thất bại trước “băng đảng Mafia” Việt Nam. Nhưng Diệm đã chiến thắng các giáo phái vào giờ thứ mười một làm ngạc nhiên cả những người ái mộ trung thành nhất và tạo được cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ.

Biến cố này làm tăng thêm lòng căm ghét và nghi ngờ của Diệm đối với người Pháp, làm mạnh thêm quyết tâm lật đổ Bảo Đại – người mà Diệm kết án là đã cấu kết với các nhân viên của Pháp và các giáo phái phản loạn để xúi giục làm loạn. Thật vậy, Bảo Đại đã âm mưu với chính quyền Pháp thay thế thủ tướng bằng một thể chế quốc gia khác giữa lúc hai bên giằng co dữ dội. (21) Hành vi lật đổ này cam kết rằng Diệm tìm cách truất phế Hoàng Đế là để lấy lại một chút ít quyền kiếm soát chính trị Miền Nam. Diệm không hề cô đơn trong việc từ bỏ Bảo Đại, bằng cớ là vào ngày 30-4-1955 một Hội Đồng Cách Mạng vừa được thành lập yêu cầu chính quyền Sài Gòn phải lật đổ Hoàng Đế ngay. Tuy nhiên hội đồng, bề ngoài ra vẻ ủng hộ Diệm nhưng thực chất khống chế bởi các thành viên Cao Đài và tìm cách kiểm soát chính quyền nếu như Diệm dựa vào sự hậu thuẫn này. (22) Chính vì thế Diệm đã từ chối và tiến hành việc lật đổ Bảo Đại để chính thống hóa quyền lực của mình qua cuộc trưng cầu dân ý tám tháng sau.

Các sử gia đã đưa ra một số giải thích tại sao Diệm từ chối đi theo kế hoạch của Hội Đồng Cách Mạng là lật đổ Bảo Đại ngay vào mùa Xuân 1955. Một số cho rằng Thủ Tướng đã giữ đúng cam kết là không dùng quyền lực của mình để lật đổ Bảo Đại một cách chuyên quyền, mà đưa số phận của Bảo Đại cho nhân dân quyết định. (23) Edward Miller còn giải thích thêm rằng nếu như Diệm nhượng bộ Hội Đồng Cách Mạng và tuyên bố lật đổ Bảo Đại thì có thể bị chính ngay người của Diệm kết tội là làm đảo chính (coup d’etat) điều đó có thể nguy hại cho quyền hành của ông ta vốn đã mong manh. Thật vậy, bên trên những toan tính đó, Diệm không phải chỉ muốn lật đổ Bảo Đại không thôi mà nhân đó khẳng định rằng ông ta là người giải phóng dân tộc duy nhất. Ông ta tìm cách chính thống hóa quyền lực của mình trong việc hình thành chính quyền mới cho Miền Nam và chỉ có thể đạt mục đích đó khi chống lại áp lực của Hội Đồng Cách Mạng. Ông ta quyết định đầu tư vào việc xóa bỏ vương triều và chính bản thân ông ta sẽ nắm quyền lực một cách hợp pháp và chính thống, chính vì thế mà trưng cầu dân ý là giải pháp hoàn hảo nhất cho kế hoạch này.

Để lấy lại quyền kiếm soát chính trị của Miền Nam, Diệm chờ cho đến khi cuộc khủng hoảng giáo phái hạ giảm trước khi đối phó với yêu cầu của Hội Đồng Cách Mạng là yêu cầu thành lập một tân chính phủ. Thủ Tướng đã tìm cách chính thống hóa sứ mạng lật đổ và phế bỏ Bảo Đại cùng dòng dõi qua hoàng tộc Nguyễn Phước. Có thể là để ngăn chặn bớt sự phỉ báng và để bảo vệ các lăng tẩm, cung điện, hoàng tộc đã hăng hái triệu tập vào ngày 15-6-1955. Hội đồng tối cao Nguyễn Phước tộc đã tố cáo Bảo Đại qua những luận cứ như thoái vị trước Việt Minh năm 1945 là một tội chống lại nhân dân Việt Nam, cấu kết với Thực Dân Pháp, Bình Xuyên và các tướng Ba Cụt, Năm Lửa (Trần Văn Soái) của Hòa Hảo làm nguy hại đến nền độc lập quốc gia. Vì thế hoàng tộc cam kết không còn công nhận sự lãnh đạo của Bảo Đại và chính thức mời Diệm làm tổng thống lâm thời. Họ yêu cầu Diệm lãnh đạo cuộc “cách mạng quốc gia” để đưa đất nước qua giai đoạn thật cam go. Về phần mình, Nguyễn Phước tộc yêu cầu Diệm ngưng các chiến dịch bêu xấu đời tư Bảo Đại và tiếp tục bảo vệ các lăng tẩm, cung điện và những nơi thờ tự của Nhà Nguyễn.

Mặc dù sau sự hỗ trợ của hoàng tộc, Hội Đồng Cách Mạnh hy vọng dùng việc lật đổ Bảo Đại như một cơ hội chỏi lại chính phủ đương thời. Vào cuối Tháng Sáu, những nhà quan sát của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ghi nhận “Khuynh hướng mới trong Hội Đồng Cách Mạng mới đây cho thấy có một sự rạn nứt nghiêm trọng giữa Diệm và các thành viên Cao Đài. Chắc chắn là hai phe gặp nhau trong nhu cầu lật đổ Bảo Đại nhưng mục tiêu thì hoàn toàn xung đột với nhau.” Diệm chỉ muốn thay đổi chút ít sau cuộc bầu cử và đưa vào một số khuôn mặt phò tá Diệm vào nội các. Và ông ta bảo đảm chiến thắng bằng cách bắt giữ những thành phần thân Bảo Đại và giữ lại hàng ngũ cực đoan bằng sức mạnh. Đại Sứ Hoa Kỳ Reinhardt nhận xét rằng các thành phần Cao Đài, mặt khác, “muốn tái cấu trúc bằng cách thay thế nhiều nếu không muốn nói là hầu hết nội các bằng những thành phần cách mạng.” Theo Reinhardt, những thành phần Cao Đài trong Hội Đồng Cách Mạng tiếp tục đi theo kế hoạch của Diệm với hy vọng Diệm không chống lại họ và rồi cuối cùng kiếm soát chính quyền. Vào ngày 7 Tháng 7, Diệm theo đề nghị của Cao Đài bằng cách công bố kế hoạch trưng cầu dân ý để lật đổ Bảo Đại đồng thời cho phép Diệm thành lập nền cộng hòa mới cho Miền Nam. Ông ta đưa ra lời công bố tối thiểu phần nào để trả lời những thông điệp từ Hoa Kỳ là sự tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ lệ thuộc vào khả năng truất phế Bảo Đại bằng con đường quần chúng và hợp pháp. Giới ngoại giao Hoa Kỳ coi đây như là một hành động chính yếu để chặn trước những rắc rối trong tương lai đến từ phía Việt Minh và các giáo phái. (28) Phải đợi tới 6 Tháng 10, sau khi giới ngoại giao Hoa Kỳ ở Sài Gòn nhận ra “một chiến dịch kéo dài ba tuần của chính phủ công kích Bảo Đại” mới biết Diệm sắp đặt ngày trưng cầu dân ý là 23-10-1955. (29) Điều này làm cho Hội Đồng Cách Mạng không kịp thời giờ, lại còn thiếu phương tiện truyền thông, (30) để trưng dụng hoạt động của Diệm cho mục tiêu nắm ảnh hưởng chính trị Miền Nam trong tương lai. Còn Bảo Đại thì sống xa hoa ở Riviera (Pháp) cũng không còn thời giờ để phản ứng và đưa ra một chiến dịch phản công. Dù thế nào đi nữa, vào giờ phút này, Bảo Đại ít có khả năng dành lại uy thế chính trị, tư cách lãnh đạo cũng như khả năng đánh bại Diệm trong cuộc bỏ phiếu dù là cuộc bầu cử công bằng.

Từ Cannes (Pháp) vào ngày 13 Tháng 10, Hoàng Để phản ứng lại cuộc trưng cầu dân ý bằng cách tố cáo Diệm ngăn cản cuộc hiệp thương thống nhất trong hòa bình giữa Miền Nam và Miền Bắc. Ông khẩn khoàn xin người dân đừng hỗ trợ hoặc khuyến khích “những hành vi của chính phủ (Diệm) trái với tình cảm xâu xa của dân tộc Việt Nam và lý tưởng hòa bình.” (31) Ông không phải chỉ đưa ra lời kêu gọi đối với người dân Việt Nam mà còn gửi tới các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Hoa Kỳ với lý do ông không có phương tiện truyền thông ở Sài Gòn là nơi báo chí bị kiểm duyệt gắt gao. (32) Sau hết để ghi nhận thất bại không thể tránh khỏi, vào ngày 18 Tháng 10, 1955, Bảo Đại đưa ra nỗ lực cuối cùng của để cứu vãn uy quyền bằng cách tố cáo Diệm dùng cuộc trưng cầu dân ý để chủ trương độc tài cá nhân và tạo nên sự hiềm khích giữa Pháp và Hoa Kỳ, đồng thời ông thu hồi quyết định bổ nhiệm Diệm làm thủ tướng. (33)

Mặc dù Hoa Kỳ lo ngại lời tuyên bố của Bảo Đại có thể đưa tới việc thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của cộng sản, nhưng nỗ lực của Bảo Đại chống lại cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một chút gợn sóng trong bối cảnh chính trị của Miền Nam lúc bấy giờ. Diệm tiếp tục tiến hành chiến dịch bôi lọ Hoàng Đế trong suốt tuần lễ trước ngày bỏ phiếu. Tính gan lì, cộng thêm một chút hận thù đã đem lại chiến thắng với hơn 98% số phiếu. (35) Vào ngày 26 Tháng 10, ngay sau khi chiến thắng Bảo Đại được loan báo, Diệm chính thức tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng Hòa. Ông ta hô hào “Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 Tháng 10 trong đó (người dân Miền Nam) đã tích cực tham gia, bày tỏ sự chấp thuận những chính sách hiện tại và cùng lúc báo trứơc một thời kỳ mới cho tương lai của đất nước.” Mặc dù đây chỉ là lời tuyên truyền quá lố so với mức độ hỗ trợ thật sự của quần chúng, lời tuyên bố của Diệm thành lập nền cộng hòa sau cuộc trưng cầu dân ý thực sự đã đưa đất nước vào một giai đoạn mới. Vào giờ phút này, Miền Nam chuyển hóa từ một khu vực còn rời rạc, sang một thực thể chính trị bán thường trực (semi-permanent) rõ rệt dưới sự kiếm soát của Diệm.

truat-phe-Bao-Dai

Vận động theo kiểu cổ truyền và tân tiến

Những tài liệu còn lưu trữ chỉ rõ chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý 23 Tháng 10 hoàn toàn một chiều và ai cũng đoán trứơc kết quả như thế nào. Tuy nhiên qua đó nó cho thấy nỗ lực của Diệm cố hình thành một tinh thần quốc gia cho Miền Nam để đối đầu với ý thức hệ cộng sản. Chiến dịch vận động ồn ào đầy khẩu hiệu của Thủ Tướng mùa Thu 1955 đã hé mở cho thấy không khí chính trị của Miền Nam khi Diệm lèo lái một đất nước từ quá khứ cổ truyền và nền hành chính thuộc địa qua nền độc lập giữa mưu cầu trước mắt là canh tân và thống nhất đất nước. Những học giả phương tây từ thập niên 1950 đã nhận ra thuyết thiên mệnh (mandate of heaven) là động lực thúc đẩy đằng sau quan niện chính trị cổ truyền. Diệm và cả những đối thủ đều ôm lấy quan niệm này cho dù đang nỗ lực cải cách chính trị bằng cách đặt nền tảng dân chủ với sự tham gia của toàn dân. Những tư tưởng (dân chủ) này hoàn toàn vay mượn từ Âu Châu và Hoa Kỳ bởi những nhà cải cách suốt thế kỷ 20 do tiến trình tự ý thức của nền văn minh đã được sử gia Mark Bradley (37) mô tả rất kỹ lưỡng.

Mới đây những sự nghiên cứu sâu xa về lịch sử từ những tài liệu Việt Ngữ cho thấy Diệm đã trộn lẫn giữa chính trị cổ truyền với những quan niệm chính trị tân tiến để hình thành một chế độ chính trị đặc biệt cho Miền Nam. Phillip Catton trong bài chuyên khảo về quốc sách Ấp Chiến Lược của Miền Nam cho rằng “tư tưởng của Diệm bắt nguồn từ quan niệm và tập quán cũ, nhưng ông ta bắt đầu xây dựng từ năm 1954 một kiểm mẫu quốc gia mới (mô phỏng theo tây phương) hơn là kiểu mẫu thời tiền thuộc địa.” (38) Cũng nhận xét như thế, Edward Miller cho rằng Diệm “vừa không phải là một anh hùng thần thánh của đất nước mà cũng không phải là một nhà chuyên quyền biết uyển chuyển cuối cùng chết vì khư khư lấy quan niệm cai trị lỗi thời.” (39)

Cả Catton và Miller đều biểu tỏ rằng trong những năm bao quanh cuộc trưng cầu dân ý Tháng 10, Diệm và Nhu đã cố gắng làm sáng tỏ ý nghĩa của một chủ thuyết thật khó hiểu, đó là Thuyết Nhân Vị vay mượn từ một người Pháp là Emmanuel Mournier rồi làm cho nó thích nghi với tình hình Việt Nam. Miller chỉ rõ rằng vào năm 1957 chế độ của Diệm đã đặt Chủ Thuyết Nhân Vị như là một ý thức hệ cho toàn dân hy vọng qua đó làm một cuộc cách mạng cho xã hội Miền Nam. Theo quan điểm của Catton thì Diệm và Nhu đã xử dụng Chủ Thuyết Nhân Vị để “phát huy một tổng hợp văn hóa cho Việt Nam” bằng cách khuyến khích “hướng về triết lý Á Châu và tôn giáo” để mưu tìm một chính quyền “trung dung hầu bảo đảm phúc lợi chung cũng như quyền hạn của từng cá nhân.” (40) Cao Văn Luận, một trong những thành viên nội các cũ của Diệm nhớ lại rằng chủ thuyết đó đã thất bại. Ông cho rằng nhãn hiệu Nhân Vị của anh em họ Ngô thiếu nền tảng tư tưởng chính trị cổ truyền Việt Nam, và cũng chính vì thế đã làm suy yếu điều mà Diệm tuyên bố mình là một lãnh tụ vì dân. (41) Thế nhưng trong khi đang nỗ lực đặt nền móng cho một chính quyền vì dân và tân tiến qua cuộc truất phế Bảo Đại, Diệm lại gắn chặt với những ý niệm của thời xa xưa bằng cách đề cao ý niệm về quyền lực theo truyền thống đông phương.

Mệnh Trời, một triết lý của Khổng Tử thừa hưởng được từ tư tưởng triết học Trung Hoa, có muôn vàn tác dụng khi đưa nó vào chính trị. Thuyết này nguyên thủy chủ trương người cai trị phải phục vụ người dân phù hợp với luân lý và đạo đức, thế nhưng những kẻ đi xâm lăng, những kẻ làm cách mạng cũng nhân danh Mệnh Trời để biện minh cho hành vi lật đổ của mình. Stephen B. Young cho rằng “mệnh trời là trung tâm điểm của đời sống Việt Nam”, (42) người Việt tin rằng sự phi đạo đức trong đời sống công cũng như tư của người lãnh đạo làm mất Mệnh Trời. (43) Stephen B. Young cho rằng “một khi người cai trị xa rời đạo đức” thì cả xã hội phải chịu phải chịu sự trừng phạt của Trời qua những hiện tượng như mất mùa, chiến tranh, tham ô nhũng lạm cùng những thiên tai khác.

Tuy nhiên nhà xã hội học Pháp Paul Mus, chỉ rõ người dân Việt không thay đổi lòng trung thành của họ một cách khinh xuất. Trái lại, họ thường chờ một dấu hiệu để biết chắc ý Trời hoặc đã trao phó hoặc rút lại thiên mệnh trước khi hỗ trợ một nhà cai trị nào hoặc một cuộc nổi dậy chống lại một vị hoàng đế nào. (44) Do thuấn nhuần triết lý Khổng Mạnh và hiểu biết chu kỳ tuần hoàn của lịch sử, người dân Việt Nam thường kiên nhẫn chờ xem có phải một chế độ cách mạng thật sự được trao phó thiên mệnh không? Theo quan điểm của Mus thì thiên mệnh chỉ hiện rõ khi “có sự xuất hiện của một hệ thống chính trị mới thay thế những học thuyết cũ, những định chế và người cai trị chứng tỏ ổn định được xã hội.” (45)

Chỉ đến khi đó, nếu không, người Việt tránh ngả theo bên nào trong các cuộc tranh chấp quyền hành (nội bộ), vì sợ lầm người và từ đó làm phật ý Trời.

Một học giả nghiên cứu về Khổng Tử cho rằng “Niềm tin về cuộc đời và số phận là do Trời đặt để khiến người ta tin vào thuyết định mệnh.” (46) Đòi hỏi phải có dấu hiệu rõ rệt của thiên mệnh không phải chỉ để khuyến khích người ta giữ thái độ trung lập, nhưng theo một số người, mà còn ngăn ngừa khả năng thỏa hiệp giữa những đối thủ chính trị nhằm thiết lập quyền hành và tái lập trật tự xã hội. Thật vậy, theo Peter J. Moody, “Không quốc gia nào theo văn hóa Khổng Mạnh lại dung thứ cho việc tranh chấp quyền bính.” (47) Cho đến khi Mệnh Trời được trao phó rõ ràng, các quốc gia thấm nhuần triết lý Khổng Mạnh thường lên án việc xáo trộn xã hội và bạo loạn. (48)

Mặc dù (thiên mệnh) có ảnh hưởng bao trùm ở Việt Nam, và lời giải thích về kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử, thiên mệnh (mà người ta nêu ra) vẫn còn quá nhỏ bé để giải thích thái độ chính trị của dân Việt (lúc bấy giờ). Gerald Hickey, một thành viên của Nhóm Cố Vấn Viện Đại Học Michigan ghi nhận rằng người Việt thường ứng xử thực tế thận trọng hơn. Dưới nhãn quan của ông, theo kinh nghiệm lịch sử, họ sợ chính quyền trả thù hơn là thần thánh phạt, họ trả lời câu hỏi để làm đẹp lòng chính quyền hơn là nói thực lòng họ. (49) Hoàn toàn không tương hợp với triết lý Khổng Mạnh Việt trong quá khứ, Keith Taylor cho rằng quan niệm Khổng Tử của người Việt Nam “là tạo ra một hình thức áp lực để ngăn ngừa sự bất tuân phục.” (50) Dù thế, theo sử gia R. B. Smith, “Miền Nam không bao giờ thuấn nhuần triết lý Khổng Mạnh hơn Miền Trung và Miền Bắc.” (51) Những rắc rối về mặt khái niệm và lý luận đã làm phức tạp thêm ý niệm Thiên Mệnh như là một sức mạnh chính trị. Nó thừa nhận rằng ngay tầng lớp thứ dân chứ không hẳn những nhà cai trị cũng phải hành xử theo quy tắc đạo đức thay vì quyền lợi cá nhân. Xa hơn nữa, nó thừa nhận rằng tất cả người Việt Nam đều diễn giải những biểu hiện về đạo đức giống như nhau. Hơn thế nữa khi ứng dụng vào những biến động của thời kỳ hậu 1945 nó đòi hỏi một sự đồng nhất và hiểu biết như nhau về các biến động chính trị quốc gia của tất cả mọi công dân trong nước. Tuy vậy, các học giả xác quyết rằng quan niệm cổ xưa về thiên mệnh đã thúc đẩy hầu hết tầng lớp người Việt ở đô thị theo Tây học suốt thập niên 1970 và sau đó. (52) Các học giả này đúng ở một chừng mực nào đó. Di sản về triết lý Khổng Tử của Việt Nam trên thực tế đã là một thành tố trong quan niệm chính trị của người dân cho dù họ không sao giải thích cặn kẽ được.

Phương pháp tốt nhất để tìm hiểu một chuỗi những thành tố phức tạp đã thúc đẩy khối cử tri Việt Nam vào thời điểm (này) khi xã hội và chính trị thay đổi mau chóng – là khảo sát các tài liệu đã được ấn hành mà chúng tôi có được. Bằng cách nào mà các nhà chính trị, ở đây là Diệm, đã tận dụng quan niệm thiên mệnh để thuyết phục người dân phế bỏ Hoàng Đế và lôi kéo sự ủng hộ của quần chúng cho cá nhân và mô thức chính quyền dân chủ mới của ông? Có hai giọng điệu thuyết phục, một là phương thức cổ truyền và cách kia – chắc chắn cảm hứng từ Tây Phương tràn ngập trong chiến dịch chống Bảo Đại năm 1955. Trước hết, chính quyền Nam Việt Nam và báo chí Sài Gòn đưa ra chiến dịch dài để làm mất tư cách của Bảo Đại và từ đó mặc nhiên ám chí rằng Trời đã lấy đi thiên mệnh đã ban cho Bảo Đại và hoàng tộc và trao cho Diệm – một lãnh tụ đạo đức sáng ngời. (53) Thứ hai, những bài báo và lời tuyên bố của chính phủ tán dương những giá trị của chính quyền dân chủ và quyền tự quyết của người dân. Nói đảo ngược lại – là cần phải từ bỏ chế độ cũ mà họ gọi đó là phong kiến, chuyên chế làm tổn hại đến tinh thần quốc gia.

“Ông Vua Trác Táng”

Giọng điệu đầu tiên của chiến dịch, Diệm và những người theo Diệm đã mô tả Bảo Đại như là một ông vua hư đốn về cả mặt đạo đức lẫn chính trị. Mặc dù trên thực tế Bảo Đại là một chính trị gia khôn khéo với tinh thần quốc gia kiên quyết, nhưng chính quyền Miền Nam (lúc bấy giờ) đã minh họa ông như là một kẻ tội lỗi và nhu nhược. Theo chiến dịch tuyên truyền, ông được mô tả như một kẻ hiếu sắc, rượu chè, tham lam và đần độn. Các nhà quan sát ghi nhận rằng những điều gán ghép này đã trực tiếp đưa tới (việc kết tội ông) thỏa hiệp với âm mưu tái lập chế độ thực dân, thông đồng với cộng sản và bao che cho những sứ quân “thoái hóa” và “phong kiến”. Nhân viên của Diệm và truyền thông Sài Gòn không tiếc lời phẫn nộ với Hoàng Đế trong việc loan truyền những thất bại và như thế chẳng còn chỗ để ai nghi ngờ việc ông ta đã bị tước đoạt mất thiên mệnh.

Trong tuần lễ trước ngày trưng cầu dân ý, đường phố Sài Gòn và các tỉnh rực rỡ với những bích chương, biểu ngữ, hình nộm Bảo Đại và rất nhiều kiểu sáng tạo để tố cáo Bảo Đại và khuyến khích người dân bỏ phiếu cho Diệm (xem hình 1 và 2). Một trong những khẩu hiệu tiêu biểu là “Bù nhìn Bảo Đại bán nước”, “Bảo Đại nuôi dưỡng sòng bài, đĩ điếm”, “Hãy cảnh giác Bảo Đại gian ác, mê cờ bạc, gái, rượu chè, bơ sữa. Những ai bỏ phiếu cho Bảo Đại là phản bội quốc gia và bóc lột nhân dân.” Trong khi đó thì “Dồn phiếu cho chí sĩ Ngô Đình Diệm là xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc,” và “Chào mừng Ngô Chí Sĩ vị cứu tinh của dân tộc. Diệt cộng, truất phế Bảo Đại (bài phong) đả thực (dân) là nhiệm vụ công dân của một nước tự do.” (54)

Báo chí cung cấp cho người ủng hộ Diệm những cơ hội để tha hồ lên án Hoàng Đế một cách tận tình hơn những gì họ đã làm như đã nói ở trên. Vào Tháng Tám 1955, chủ bút nhật báo Thời Đại là Hồng Vân đã tấn công một cách cay độc vào tư cách đạo đức của Bảo Đại trên một loạt bài kéo dài ba tuần lễ về những chuyện tình giật gân của vị vua này. Hồng Vân khởi đầu bằng cách lên án những thủ đoạn láu cá của Bảo Đại tự đề cao mình như là vị anh hùng dân tộc nhưng thực tế chỉ là “loài bọ hung nhơ bẩn mãi quốc cầu vinh.” (55) Cũng theo Hồng Vân thì Bảo Đại – tên húy là Vĩnh Thụy, không phải là con chính thức của Vua Khải Định. (56) Sở dĩ Bảo Đại được lọt vào hoàng gia chỉ hoàn toàn do may mắn. Nhiều người biết Vua Khải Định bất lực không thể có con, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nối dõi tông đường trong khi có hai người khác cũng đang tranh chấp việc nối ngôi tại triều đình Huế. Rồi Hồng Vân mơ hồ (vaguely) viết rằng có thể hoàng gia đã ra một chỉ dụ tuyên bố rằng không một người nào không có khả năng sinh con đẻ cái lại có thể được chấp nhận là hoàng đế. Do đó bằng mọi giá Khải Định phải lấy một cung nữ có tên là Cúc (sau này là Huệ Phi) và sau đó thì Bảo Đại ra đời vào ngày 22 Tháng 10, 1913. Cho dù Hồng Vân nói có một số chứng cớ cho rằng Bảo Đại không phải là con của Khải Định kể cả việc Khải Định đã hối lộ người cha thực của Bảo Đại để ông này im tiếng, nhưng điều đó không đủ để phủ nhận được việc Bảo Đại chính thức lên ngôi mà không có ai phản đối.

Hồng Vân mô tả Khải Định và hoàng huynh Đồng Khánh là nhu nhược, gầy ốm, không có khả năng sinh con và không thích gần đàn bà. Còn ngược lại, Bảo Đại to lớn vụng về, có rất nhiều con và hiếu sắc. (57) Một mặt, tác giả cố tình so sánh sự khác biệt nổi bật giữa Khải Định và Bảo Đại để chứng minh rằng họ không cùng một dòng giống. Mặt khác lại muốn ẩn dụ rằng hành vi dâm đãng của Bảo Đại vốn không phát xuất từ hoàng tộc cho nên đáng lẽ phải nhu nhược như cha của ông ta – chứ không phải là tay ăn chơi (playboy) như thế.

Phù hợp với tinh thần bài Pháp nở rộ ở Nam Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm, Hồng Vân cho rằng việc Pháp nuôi dưỡng Bảo Đại từ lúc tấm bé là nguyên do khiến Bảo Đại thiếu đạo đức trong lãnh vực tình ái. Bảo Đại chính yếu được nuôi dưỡng ở Paris bởi vợ chồng một cựu toàn quyền và Bảo Đại vẫn tiếp tục ở đó cho dù đã lên ngôi vào ngày 8 Tháng 1, 1926 lúc mới 13 tuổi. Vào lúc sắp sửa bước vào tuổi đôi mươi, thái hậu bắt đầu nghe được lời bàn tán rằng Bảo Đại đã học được thói yêu đương kiểu Pháp làm cho bà kinh sợ. Cũng theo những bài báo của Hồng Vân, thái hậu lo sợ rồi đây ai là người thừa tự, cúng tế các bậc tiên vương nếu con bà lấy vợ Pháp rồi đẻ ra một lô con mang hai dòng máu. Người ta đồn đại rằng thái hậu đã viết thư cho cha mẹ nuôi của Bảo Đại nói rõ ý muốn của bà là Bảo Đại phải lấy một người vợ Việt Nam và phải coi chừng hành vi của con bà trong thời gian ở Pháp. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của thái hậu, Bảo Đại đã yêu một cô gái mang quốc tịch Pháp có tên Marie Jeanne Henriette Nguyễn Hữu Hào, người mà Hồng Vân mô tả “tuy là gái Việt nhưng hoàn toàn là Pháp và trung thành với Pháp.” (60) Vì cô gái này là người Thiên Chúa Giáo làm cho cả hoàng tộc lo ngại vì họ tin chắc rằng Bảo Đại và gia đình của ông ta sẽ bỏ truyền thống Phật Giáo để quay sang Thiên Chúa Giáo như thế là trốn tránh (shirking) bổn phận thờ cúng tổ tiên. (61)

Mặc mối quan tâm của hoàng tộc, hai người đã kết hôn vào ngày 24 Tháng 3, 1934 và Henriette từ đây mang tên Nam Phương Hoàng Hậu. Henriette tỏ ra thiếu bổn phận của người con dâu – không như điều mà Thái Hậu mong đợi, nhưng quả báo nhãn tiền. Sau khi sanh cho Bảo Đại ba con trai và hai con gái liên tục, cũng theo Hồng Vân, bà không còn giữ được thân thể mảnh khảnh như xưa nữa và không còn hấp dẫn đối với chồng. Sau một vài năm, Hoàng Đế quên mất lời thề chung thủy năm xưa và bay sang Pháp để tha hồ hú hí với đàn bà đẹp, đặc biệt là đàn bà Pháp. (62) Ông ta ăn nằm với một cô gái Pháp bán bar tên Everlyn Riva, sau đó thì hết bà này tới bà khác, một vài bà chỉ là tình nhân, một vài bà là thứ phi và quên mất người vợ chính của mình.

Hồng Vân viện dẫn những chuyện của thời đại quân chủ cũ của Việt Nam như Lê Thánh Tôn và Mông Miệp (?) để đánh giá tính tình của Bảo Đại. Vua Lê Thánh Tôn có 6 bà phi, trong đó có một bà người Trung Hoa. Và Mông Miệp (?) có tới 78 con trai và 46 con gái với nhiều bà khác nhau. Theo truyền thống văn hóa và tục lệ, không thể trách cứ Bảo Đại về việc có nhiều bà, kể cả có vợ ngoại quốc. Nhưng tội của ông ta, theo Hồng Vân là tư cách xấu xa, không chung thủy của Bảo Đại, ở với bà nào rồi cũng phế bỏ, không giữ gìn trách nhiệm của một vi lãnh đạo tinh thần và chính trị của đất nước. Không giống như Lê Thánh Tôn và Mông Miệp (?) tác giả cho rằng Bảo Đại là kẻ đam mê cờ bạc, nghiện ngập và hiếu sắc, dan díu hết bà này tới bà khác và làm tổn hại tới danh dự của quốc gia. (63) Hơn thế nữa, do bản tính ham thích đàn bà Pháp, cộng thêm với sự thiếu nhạy bén chính trị làm cho các giới chức thực dân Pháp dễ sai bảo ông ta. Hồng Vân viết tiếp “Quý độc giả phải đồng ý với chúng tôi về điểm này, Bảo Đại chỉ là lá bài của Pháp – hoặc chính xác hơn nữa – của một số quan chức thực dân Pháp.” (64)

Chỉ bốn ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, ban biên tập báo Thời Đại lại nhắc nhở độc giả về đời sống trụy lạc của Bảo Đại – như đã được viết ra bởi Hồng Vân trong Tháng 8 – qua bức tranh hý họa mô tả thời kỳ thơ ấu tẻ nhạt rồi sau đó là đời sống dâm đãng, tham danh hám lợi của Bảo Đại. Bất cứ ai đã xem qua bức tranh hý họa này thì không thể nào quên được những hình ảnh sống động của một vị Hoàng Đế đắm mình trong sắc dục, ăn nhậu, rượu chè và cờ bạc. Và người xem chắc chắn sẽ hiểu rõ ý nghĩa của phần cuối của bức hý họa với hình của Bảo Đại bị một lưỡi gươm đâm vào mắt bên cạnh hàng chữ 23 Tháng 10 – tức là ngày trưng cầu dân ý.

Hình ảnh Bảo Đại ăn chơi trác táng chỉ là một trong những chiến dịch của Diệm nhằm bêu xấu Bảo Đại. Bên cạnh đó Bảo Đại còn là người phản quốc. Trước hết, Hồng Vân có ngụ ý khi gọi Bảo Đại là con cờ của Pháp để Diệm nhấn mạnh rằng Bảo Đại có tội vì đã cam tâm làm đày tớ cho Pháp tạo điều kiện dễ dàng cho Pháp khẳng định quyền thống trị Việt Nam sau Đệ Nhị Thế Chiến. (65) Ủy Ban Trưng Cầu Dân ý đã ra một công bố tố cáo “Bảo Đại là vua bù nhìn, là nhà lãnh đạo chia rẽ dân tộc, chia rẽ đất nước, đã bán đứng đất nước cho Pháp và Nhật nay lại cấu kết với thực dân và cộng sản bán nước một lần nữa.” (66) Về phần mình, Bảo Đại trách cứ Trung Cộng, Liên-Sô và kết quả của Hiệp Định Genève là đã “bán rẻ” nửa phần Miền Bắc đất nước của ông cho chế độ nô lệ. Nhưng những lời kết án nói trên chỉ chứng Bảo Đại không những là vị vua bất tài mà còn là nhà lãnh đạo không có thiện chí nhìn nhận trách nhiệm về những thất bại của mình. (67)

Từ những cáo buộc nói trên, Bảo Đại coi như đã phạm tội chống lại Việt Nam là đã không tuân thủ Hiệp Định Genève. Đủ mọi thành phần – từ thường dân, lính tráng, các cơ quan của chính phủ và một loạt các nhóm chính trị của Miền Nam gửi cả đống thỉnh nguyện thư cầu Diệm truất phế ngôi vị quốc trưởng của Bảo Đại. (68) Những thỉnh nguyện thư này, chắc chắn là ép buộc hơn là tự động, bày tỏ sự phẫn nộ, kêu gọi truất phế Bảo Đại trên luận cứ Bảo Đại đã liên hệ tới một loạt những hoạt động chống chính quyền xảy ra từ năm trước. Những người viết thỉnh nguyện thư này cáo buộc Bảo Đại đã cấu kết với tướng cứng đầu Nguyễn Văn Hinh – Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia toan lật đổ Diệm vào cuối năm 1954. (69) Hơn thế nữa, họ kết tội Bảo Đại là đã hỗ trợ các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên phá hoại chính phủ của Diệm vào Tháng 3 & 4 năm 1955. (70) Một vài nhóm cáo buộc rằng sở dĩ Bảo Đại tham gia vào nhóm phản quốc này là vì ông ta không đủ đầu óc khôn ngoan để chỉ định một người đạo đức. Thay vào đó ông ta đã đưa vào chính quyền những kẻ hư đốn chỉ biết vơ vét cho đầy túi tham. Dù sao đi nữa, những cáo buộc thân-Pháp, chống-Diệm không đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều bởi vì Hoàng Đế thật sự hợp tác với người Pháp để thay thế Diệm bằng một chính phủ quốc gia khác giữa cơn khủng hoảng giáo phái vào mùa Thu. (72) Thế nhưng việc này khiến những người theo chủ nghĩa xét lại coi đây như thái độ phản bội, thiếu khôn ngoan chính trị giữa lúc chế độ của Diệm lung lay.

Những người theo Diệm coi hành vi bán nước không thể tha thứ được của Bảo Đại là cấu kết với Bắc Việt chứ không phải chuyện hợp tác với Thực Dân Pháp hay xúi dục các giáo phái chống lại Diệm. Vào Tháng Chín, 1955 trong cuộc phỏng vấn với Tạp Chí Collier, Bảo Đại xác nhận sẽ có cuộc tiếp xúc với Việt Cộng. Sự kiện này được nội bộ của Diệm khuếch đại thành việc Bảo Đại đang có kế hoạch đưa đất nước vào vòng nô lệ (cộng sản) một lần nữa. (73) Hoàng Đế luôn luôn không giữ đúng vị thế của mình trong những cuộc tranh chấp chính trị của nội tình Miền Nam, nhưng âm mưu cấu kết với cộng sản thì hoàn toàn bất chính. Vì vậy Diệm nhất quyết phải tước bỏ quyền hành của Bảo Đại.

Công Bố Dân Chủ

Rõ ràng Diệm đã dựa trên luân lý Khổng Mạnh để tấn công vào nhân cách của Bảo Đại như đã nói ở trên. Bảo Đại bị cáo buộc là thiếu luân lý và đạo đức, điều này khiến Việt Nam suy yếu và lâm vào vòng nô lệ. Mặc dù những người của Diệm có thể đã giải thích như thế này trong khuôn phép của Khổng Giáo, nhưng Diệm và đồng minh của ông ta chưa bao giờ công khai tuyên bố Bảo Đại đã bị tước đoạt thiên mệnh. Partha Chatterjee – một lý thuyết gia thời hậu-thuộc- địa viết rằng “Ngay cả những chế độ phi dân chủ nhất hiện nay cũng đều tuyên bố quyền hành của họ không phải phát xuất từ thần linh, hoặc từ quyền nối ngôi hoặc đi chinh phạt mà do ý chí toàn dân.” (74) Cũng vậy, Diệm tìm cách chứng tỏ rằng trách nhiệm chọn lựa lãnh đạo là do toàn dân quyết định.

Thật vậy, nếu Bảo Đại một khi đã mất thiên mệnh thì người ta có thể kết luận từ những chiến dịch của Diệm là nền quân chủ cũng không còn được người dân ưa chuộng nữa. Diệm và đồng minh của ông ta là tiêu biểu cho nền dân chủ và là người lèo lái để chống lại nền quân chủ xấu xa. Trong khi các sử gia có khuynh hướng (traditionally) cho rằng những lời tuyên truyền ồn ào (rhetoric) về dân chủ của Diệm là để trực tiếp nhắm vào Hoa Kỳ. Những tài liệu Việt Ngữ cho thấy những ý tưởng này được quảng bá rộng rãi trong khối quần chúng dưới vĩ tuyến 17. (75) Thủ Tướng đã dùng cuộc trưng cầu dân ý như là một cơ hội để khởi xướng một chiến dịch rộng rãi giáo dục người dân Miền Nam về sự tốt đẹp của nền dân chủ và sự độc ác của chế độ phong kiến.

Vào ngày 6 Tháng 10, khi chính thức công bố kế hoạch của cuộc trưng cầu dân ý, Diệm đã mô tả đây là tiếng kêu khẩn thiết từ người dân chống lại Bảo Đại. Diệm đưa ra vô số kiến nghị từ các nhóm chính trị, tôn giáo và quần chúng gửi lên chính phủ thỉnh cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại và ổn định tình hình chính trị Miền Nam. Chính vì thế mà Thủ Tướng đã quảng cáo cuộc trưng cầu dân ý như là một đáp ứng cho những đề nghị “dân chủ và hợp pháp”. (76)

Tuy nhiên Diệm đã mường tượng thấy cuộc trưng cầu dân ý không phải là một hình thức đơn thuần. Nó có thể là sự khởi đầu gia nhập vào thế giới tự do. Diệm tuyên bố “Nó chính là bước khởi đầu của người dân được tự do hành xử quyền hạn chính trị.” (77) Trong bản tuyên bố của chính phủ vào ngày 19-10-1955 Diệm đã tha thiết kêu gọi người dân hãy nắm lấy những quyền hạn dân chủ này: “Quốc dân đồng bào, hãy mạnh dạn bày tỏ ý chí của mình! Hãy dũng cảm tiến lên con đường Tự Do, Dân Chủ và Độc Lập!” (78) Và trước cuộc trưng cầu dân ý một ngày, Diệm đã kêu gọi trên đài phát thanh, “Ngày 23 Tháng Mười tới đây là ngày đầu tiên trong lịch sử đất nước, nam cũng như nữ được hành xử một trong những quyền hạn của người dân trong chế độ dân chủ, đó là quyền bỏ phiếu.” (79)

Vì Việt Nam không có truyền thống chính trị dân cử cho nên Bộ Thông Tin của Miền Nam phải vạch ra (chỉ rõ cho người dân) nếu Diệm thật sự mong muốn người dân hành xử quyền đầu phiếu. Ban tham mưu khởi đầu chiến dịch với những mô tả cặn kẽ thế nào là một chính quyền dân chủ và cấu trúc của nó. Một tờ truyền đơn do chính quyền tung ra nêu rõ câu hỏi

0