18/06/2018, 17:06

Trấn Thuận Thành thời Gia Long (1802-1820)

Đổng Thành Danh Mở đầu Trấn Thuận Thành là một danh xưng, được sử dụng trong các sử liệu, văn bản của triều Nguyễn như Đại Nam Thực lục , Đại Nam Liệt truyện , Đại Nam Nhất thống chí , Minh Mạng Chính yếu …, để chỉ vùng định cư rải rác – theo một quy chế bán tự trị ...

1802.jpg

Đổng Thành Danh

  1. Mở đầu

Trấn Thuận Thành là một danh xưng, được sử dụng trong các sử liệu, văn bản của triều Nguyễn như Đại Nam Thực lục, Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Nhất thống chí, Minh Mạng Chính yếu…, để chỉ vùng định cư rải rác – theo một quy chế bán tự trị đặc biệt – của người bản địa (Chăm, Raglai, Churu…)thuộcvùng đất cực Nam Trung bộ ngày nay(nay tương đương với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, một phần Lâm Đồng)dưới thời chúa Nguyễn và 30 năm đầu vương triều Nguyễn.

Trấn Thuận Thành là một vùng hành chính đặc biệt –tồn tại xem lẫn nhưng độc lập với phủ Bình Thuận, tức là khu vực định cư của người Việt, do các quan lại người Việt đứng đầu– được chúa Nguyễn thành lập vào năm 1697, đứng đầu bởi một Thuận Thành vương (người Chăm) do chúa Nguyễn thụ phong. Trong suốt thời kỳ đó cho đến khi bị giả thể vào năm 1832, trấn Thuận Thành trở thành phiên quốc riêng với một nền hành chính, quân đội, luật pháp, thuế khóa… riêng nằm dưới sự bảo hộ củachính quyền Đàng Trong[1].

Trrong đó thời đại Gia Long (1802 – 1820) là một giai đoạn hết sức đặc biệt của trấn Thuận Thành. Trong đó, trấn Thuận Thành nói chung và người đứng đầu trấn Thuận Thành nói riêng đã được trao những đặc quyền, những ưu đãi đặc biệt mà trước và sau thời kỳ đó chưa hề có. Những chủ trương, chính sách thân thiện của triều đình Gia Long đã đem lại sự bình yên và phồn thịnh cho nội trấn sau một giai đoạn dài chiến loạn, và cũng từ đây mối quan hệ hữu hảo giữa triều đình và chính quyền Thuận Thành được chấp nối, mối tình đoàn kết giữa các dân tộc bản xứ với người Việt cũng không ngừng được thúc đẩy theo hướng tích cực.

  1. Vua Gia Long với trấn Thuận Thành

Thắng lợi của Nguyễn Ánh trước triều đình Tây Sơn vào năm 1802 là một bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam trung đại. Thắng lợi đó đã tác động một cách mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử sau này. Trong bối cảnh đó, lịch sử của trấn Thuận Thành cùng bước vào một giai đoạn mới, với những chuyển biến quan trọng liên quan đến vị thế của trấn Thuận Thành trong mối quan hệ với chính quyền của nhà Nguyễn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh khôi phục lại Phú Xuân, lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Gia Long. Nhưng mãi đến năm 1804, vua nhà Thanh mới sai sứ sang phong vương cho Gia Long, cũng từ đó, vị vua này chính thức đặt quốc hiệu là Việt Nam. Hai năm sau, tức là năm 1806, Gia Long mới chính thức làm lễ xưng đế hiệu ở điện Thái Hòa, từ đây vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn được xác lập một cách đầy đủ[2].

Ngay sau khi lên cầm quyền, vua Gia Long đã bắt tay vào công việc xây dựng nhà nước, củng cố quyền lực của triều đại mới từ trung ương đến tận địa phương. Riêng về việc xây dựng chính quyền địa phương, vua Gia Long là người rất quan tâm đến thể chế phân quyền, chủ trương duy trì các đặc tính truyền thống của địa phương, đồng thời muốn phân chia quyền lực cho những chiến hữu đã chung vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giành chính quyền. Để thực hiện chính sách này, vua Gia Long chia đất nước Việt Nam thành 3 khu vực chính trị rõ rệt[3]:

  • Khu vực Bắc Hà (từ Thanh Hóa ngoại, tức là Ninh Bình bây giờ, trở ra) trở thành Bắc Thành, do một vị quan nhất phẩm trực tiếp cai quản dưới chức danh Tổng trấn. Bắc Thành có 11 trấn[4], bao gồm 5 nội trấn (các trấn ở đồng bằng) và 6 ngoại trấn (các trấn miền cao và biên giới)[5].
  • Khu vực miền Trung (Từ Thanh Hóa ngoại đến Bình Thuận) là khu vực nằm dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình trung ương. Bao gồm 7 trấn và 4 doanh ở quanh Kinh kỳ[6].
  • Ở Nam Hà (Nam Bộ ngày nay) gọi là Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn, cũng nằm dưới sự cai quản trực tiếp của một Tổng trấn và triều đình trung ương chỉ quản lý các trấn một cách gián tiếp, thông qua vị Tổng trấn[7].

Cơ chế phân quyền được thể hiện rõ nét qua việc vua Gia Long tạo nên hai vùng hành chính là Bắc Thành và Gia Định thành, dưới sự cai quản của một vị tướng nhất phẩm, những người đã từng sát cánh bên cạnh Gia Long trong thời chiến như Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Lê Chất… Chức danh của vị quan này là Tổng trấn, nghĩa là người cai trị các trấn, bên cạnh Tổng trấn còn có các Phó tổng trấn hay Hiệp tổng trấn, Ký lục, Cai bạ phò giúp cho ông. Quyền lực của các vị Tổng trấn với địa hạt mình quản lý tương đối lớn, có toàn quyền về luật pháp, kinh tế lẫn quân sự, ngoài ra quan Tổng trấn còn có quyền quyết định tố tụng, chỉ định và sa thải các quan lại dưới quyền…[8].

Sở dĩ có sự phân quyền như thế là vì vua Gia Long lên ngôi trong bối cảnh vừa chấm dứt phân tranh, đất nước sau nhiều năm chia cắt, tính chất địa phương vốn còn in đậm, nhất là ở Bắc Hà và Gia Định. Chính vì thế không thể ngay lập tức thiết lập nền cai quản trực tiếp của trung ương đến các địa phương có nhiều nét đặc thù này mà phải gián tiếp thực hiện thông qua hệ thống cai quản của Tổng trấn[9]. 

Trấn Thuận Thành trong bối cảnh vừa chấm dứt phân tranh cũng có những nét đặc thù tương tự như khu vực Bắc Hà và Gia Định, tất nhiên là ở một cấp độ nhỏ hơn. Như đã biết, trấn Thuận Thành và phủ Bình Thuận là một địa bàn đặc biệt, nơi sinh sống và tụ cư của đông đảo người Việt, Chăm, Raglai… Từ cuối thế kỷ XVIII bước sang đầu thế kỷ XIX, cư dân bản địa ở Bình Thuận vẫn còn đông đảo với số lượng tương đương với người Việt. Do đó mà khu vực này cũng có những nét đặc thù tương tự như vùng đất Nam Bộ, nơi mà đông đảo người Khmer, người Hoa cùng sinh tụ bên cạnh người Việt.

Từ những nét đặc thù của một địa bàn phức tạp về thành phần dân cư, nhân chủng cũng như bản sắc, văn hóa của các tộc người đa dạng. Bên cạnh đó, nhầm duy trì các tính chất tự trị vốn có trước đây của các tộc người bản địa, vua Gia Long quyết định phục hồi và duy trì sự tồn tại của trấn Thuận Thành với [10]các quy chế mà các chúa Nguyễn đã ban cho trấn Thuận Thành trước đó. 

Để thực hiện chủ trương của mình, vua Gia Long đã trao quyền cai quản trấn Thuận Thành cho Nguyễn Văn Chấn, một người từng đóng trò như những người phò trợ cho Nguyễn Ánh trong sự nghiệp chống lại quân Tây Sơn. Cũng cần nhắc lại, trong thời điểm diễn ra phân tranh, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Hào và Nguyễn Văn Chấn là những người xuất phát từ trấn Thuận Thành đã đứng về phe của Nguyễn Ánh để chống lại quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh phong cho Chiêu làm Chưởng cơ, còn Hào và Chấn làm Cai cơ trợ giúp cho Chiêu, sau khi Nguyễn Văn Chiêu bị miễn chức, Nguyễn Văn Hào được thăng Chưởng cơ, Chấn vẫn là Cai cơ.

 Đến khi quân Nguyễn Ánh khôi phục Bình Thuận thì Hào, với công tiêu diệt Thuuận Thành vương Tá (là người theo Tây Sơn) được phong chức Chánh trấn Thuận Thành và Cai cơ Nguyễn Văn Chấn là Phó trấn Thuận Thành (1794)[11]. Sang năm sau, Cai cơ Nguyễn Văn Chấn được thăng lên Chánh trấn, nhưng Chưởng cơ Nguyễn Văn Hào vẫn là người lãnh đạo trấn Thuận Thành[12], có lẽ do vị Chưởng cơ này đã tuổi cao, sức yếu nên cần chia sẽ quyền lực cho phụ tá của mình Chăng? Đến năm 1804, sáu năm sau khi Chưởng cơ Hào qua đời, Chấn mới được thăng chức Chưởng cơ, dù trước đó, năm 1799, Biên niên sử Chăm đã ghi nhận Chấn như là người thay thế Hào[13].

Ngay sau ngày chiến thắng và lên ngôi Hoàng đế, Gia Long đã trao cho Nguyễn Văn Chấn, mà Biên niên sử Chăm gọi là Po Soang Nyung Ceng[14], toàn quyền cai quản trấn Thuận Thành, nơi mà vị Chánh trấn có quyền điều hành mọi công việc từ tư pháp, kinh tài, quân sự, quyền bổ nhiệm các thuộc hạ dưới quyền… Xét về khía cạnh nào đó quyền của vị Chưởng cơ Chánh trấn này có thể so sánh như các Tổng trấn cả Bắc Thành hay Gia Định Thành, tất nhiên quyền lực này chỉ giới hạn trong phạm vi trấn Thuận Thành.

Trên bình diện ngoại giao, dù tài liệu của Nội các triều Nguyễn là Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, một tài liệu có tính quy phạm đối với các hoạt động của triều đình trong đó có ngoại giao, triều đình phân biệt rất rõ các thuộc quốc (các nước chư hầu, lân bang) như Cao Miên, Nam Chưởng, Vạn Tượng và các thuộc man (các bộ tộc thiểu số)[15]. Nhưng trấn Thuận Thành lại không được nhắc đến trong tài liệu này, do đó ta không thể biết chính xác được vị trí ngoại giao của trấn đối với triều đình Huế.

Nhưng thông qua các nguồn sử liệu của nhà Nguyễn, ta nhận thấy một điểm quan trọng là triều đình phân biệt rất rõ hai bộ phận bên trong trấn Thuận thành là phiên (phiên thuộc, phiên quốc) và man: đối với các cư dân ở đồng bằng thì gọi là Phiên, như dân phiên, quan phiên (chỉ cho người Chăm); đối với các sắc dân miền núi Thuận Thành, thì gọi là man (người Raglai, Churu…) như dân man, hay các sách man. Hay nói cách khác, triều đình, ít nhất là ở thời Gia Long, không xem trấn Thuận Thành như là một thuộc man mà là một thuộc quốc, trong cách họ gọi người những đứng đầu trấn là quan Phiên, gọi một bộ phận dân Thuận Thành là dân phiên.

Từ quan điểm đó, trong thực tế, vua Gia Long giành cho Nguyễn Văn Chấn những đặc quyền mang tính cách tượng trưng như ngồi bên cạnh những vua chúa nước ngoài (Lào, Khmer, v.v.) vào những nghi lễ chính thức trong cung đình Huế, chứ không ngồi chung với các quan đại thần của Việt Nam…[16].  Tuy vậy, như đã phân tích, những đặc quyền về ngoại giao mà triều đình giành riêng cho vị Chánh trấn, mà cụ thể là cho Nguyễn Văn Chấn là một đặc quyền bất thành văn, không hề được quy định cụ thể. Chính vì vậy, đây chỉ là một đặc quyền cá biệt mà Gia Long ban cho cá nhân Nguyễn Văn Chấn, chứ không phải cho trấn Thuận Thành nói chung. Những đặc quyền đó có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào, nhất là khi một vị vua khác kế vị Gia Long hay một người khác lên thay Nguyễn Văn Chấn làm Chánh trấn.

Về thuế vụ hoặc nạp cống cho triều đình Huế, trấn Thuận Thành cũng được hưởng một quy chế đặc biệt. Nếu như người Việt phải đóng thuế theo đầu người hay Thuế thân (tức là tính theo suất đinh), thuế đất (ruộng) và thuế theo sản vật làm ra cho làng xã theo quy định chung của triều đình, rồi làng sẽ nộp lại cho cấp trên[17]. Thì người dân bản địa ở trấn Thuận Thành không phải đóng thuế theo đầu người và sẽ chỉ đóng thuế ruộng hay sản vật theo quy định riêng[18], và họ chỉ có nghĩa vụ nạp thuế hay sản vật cho Chánh trấn Thuận Thành và vấn đề còn lại là thuộc về vị Chánh trấn. Như vậy, người dân Thuận Thành sẽ nạp cống hay thuế cho người đứng đầu trấn và ông sẽ nộp lại cống phẩm cho vua Gia Long theo định kỳ tương tự như hình thức nạp cống của quốc gia này với quốc gia khác[19].

Trên bình diện quân sự, Vua Gia Long ban cho Nguyễn Văn Chấn quyền tuyển mộ binh lính địa phương để thành lập một quân đội riêng để bảo vệ an ninh và dập tắt những phong trào chống đối trong trấn, cũng như phải sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quyền lợi và an ninh Việt Nam nếu triều đình Huế yêu cầu[20]. Trong thực tế, đội quân này đã hoạt động rất hiệu quả trong việc giữ an ninh ở địa phương, chẳng hạn, như cuộc dẹp loạn Tù trưởng (1796), dẹp loạn người Man ở Băng Lỗ, Nha Dạ (ở miền cao trấn Thuận Thành) năm 1800[21]…

Những gì mà vua Gia Long ban cho trấn Thuận Thành cho thấy rõ ràng thái độ khoan hòa, ban ơn cho những người đã từng sát cánh bên mình trong cuộc chiến chống Tây Sơn. Cũng như cho thấy chủ trương của Gia Long vẫn là duy trì các đặc tính địa phương hay bản sắc tộc người vốn có của trấn Thuận Thành từ trước đó, như ông đã làm với Bắc Hà và Gia Định, khi xây dựng hai vùng này thành vùng quản lý gián tiếp của triều đình thông qua các vị Tổng trấn của Bắc Thành và Gia Định Thành.

Hành động khôi phục và mở rộng quyền hạn của trấn Thuận Thành đã cho thấy thiện chí của Gia Long trong việc đối đãi với các tộc người thiểu số ở trấn Thuận Thành. Nó cũng cho thấy chủ trương ôn hòa, chính sách mềm dẻo và khôn khéo của triều đình Gia Long với trấn Thuận Thành, một khu vực hành chính có nhiều nét đặc thù so với các vùng khác trong quốc gia Việt Nam (thời Gia Long).

  1. Tình hình trấn Thuận Thành trong giai đoạn 1802 – 1820

Sau khi nhà Nguyễn được thiết lập cho đến hết thời Gia Long (1820), trấn Thuận Thành nằm dưới quyền cai trị của Chưởng cơ Chánh trấn Nguyễn Văn Chấn. Nguyễn Văn Chấn, cũng như Nguyễn Văn Hào không thuộc về dòng dõi hoàng gia Chăm đã nắm quyền ở trấn Thuận Thành, các ông vốn xuất thân là những quan lại bình thường phò tá cho các Phiên vương Thuận Thành trước khi xảy ra cuộc phân tranh Nguyễn – Tây Sơn.

Chưởng cơ Nguyễn Văn Chấn, với tư cách Chánh trấn, luôn bày tỏ sự trung thành, không ngừng thực hiện nghĩa vụ chư hầu với Gia Long. Cũng như luôn chú tâm xây dựng mối quan hệ thân thiết với triều đình Huế, đồng thời không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu hảo giữa các tộc người bản địa ở Thuận Thành với người Việt ở Bình Thuận.

Cũng nhờ những quy chế đặc biệt mà triều đình Huế giành cho trấn Thuận Thành, mà vùng đất này đã trải qua một thời kỳ an binh và ổn định. Nguyễn Văn Chấn biết tận dụng những ưu thế đó để củng cố vững chắc uy quyền của mình, tiếp tục xây dựng lại trấn Thuận thành đã đổ nát vì chiến tranh và xóa bỏ những hậu quả tang thương của cuộc chiến với quân Tây Sơn, kéo dài suốt hơn 30 mươi năm, từ 1771 đến 1802.

Trấn Thuận Thành trong thời kỳ này, không chỉ bao gồm các thôn, làng của người Chăm ở đồng bằng mà còn có cả các làng của người Raglai, Churu… ở khu vực miền cao phía Tây của trấn mà ngày nay là một phần tỉnh Lâm Đồng, nơi hiện có đông đảo các sắc dân thiểu số sinh tụ. Hoạt động sản xuất chủ yếu của các cư dân bản địa ở đây vẫn là các ngành nghề truyền thống chuyên về nông nghiệp như nghề làm lúa nước và làm rẫy…

Người Chăm ở đồng bằng vốn nổi tiếng với nghề trồng lúa và xây dựng các hệ thống thủy lợi, mà dấu tích còn đến tận ngày nay. Người Chăm sinh tụ ở một vùng đất khô hạn nhất nước, sở dĩ họ thành công trong nghề trồng lúa nước là do từ xa xưa họ đã sáng tạo nên giống lúa Chiêm hai vụ có khả năng chịu hạn rất cao[22]. Bên cạnh đó, họ còn biết cách xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi, đảm bảo cung cấp nguồn nước cho sản xuất như các đập Nha Trinh, Maren (Ninh Thuận) ngày nay vẫn là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các thôn xóm người Chăm[23].  

Nhưng một trong hoạt động kinh tế quan trọng và nổi tiếng nhất của các cư dân bản địa ở trấn Thuận Thành đó là nghề khai thác các sản phẩm rừng như gổ, sừng tê, ngà voi… mà phổ biến và được nói đến nhiều nhất là khai thác kỳ nam hay trầm hương[24]. Trầm hương và kỳ nam cũng chính là sản phẩm chủ yếu mà địa phương này phải cống nạp theo thường lệ cho các chúa Nguyễn trước đây cũng như cho triều đình Huế sau này mà các sử liệu hay ngay cả trong các văn bản Chăm cũng thường nhắc đến[25]. 

Ngành khai thác trầm hương là một trong những hoạt động quan trọng mà trong nhiều thế kỷ do nhà nước quản lý và độc quyền khai thác, dưới thời chúa Nguyễn hay nhà Nguyễn sau này, việc tổ chức khái thác trầm hương sẽ được giao toàn quyền cho trấn Thuận Thành.

Các tư liệu của Hoàng gia Champa[26], mô tả rất kỷ cách thức tổ chức của người bản địa để khai thác trầm hương, nhà nước sẽ giao cho một vị Cai đội, mà tiếng Chăm gọi là Po Gahlau thành lập một đội khai thác trầm hương khoảng mười hai người (phần lớn là người Raglai). Ngoài ra, người ta còn thành lập nhiều đội khai thác trầm hương trong các thôn của người Raglai, mỗi thôn như vậy có một đội có từ sáu đến bảy người tham gia khai thác trầm hương rồi nạp lại cho nhà nước[27]…

Aymonier, một vị Công sứ, nhà nghiên cứu người Pháp, cũng mô tả việc khai thác và buôn bán kỳ nam kéo dài đến tận thế kỷ XIX, trong các tác phẩm của mình. Theo ông, một viên chức cao cấp người Chăm được gọi là Po Gahlau đã tổ chức việc khai thác trầm hương vào mùa khô, ông sẽ được vua Chăm, chính là các Thuận Thành vương hay Chánh trấn sau này, cử đi đến các làng của người Raglai, tại đây, người đứng đầu sẽ mộ những người giúp ông đi tìm loại gỗ này. Những mô tả của Aymonier phần nào trùng khớp với mô tả trong tư liệu hoàng gia Chăm[28].

Cũng theo mô tả của Aymonier, trước khi đi vào rừng sâu tìm trầm, người Chăm và Raglai phải dâng lễ cúng thần linh bằng một con dê và bản thân người đi tìm phải thực hiện nhiều kiêng cữ như không sinh hoạt tình dục, không nói bậy… Thời gian đi kiếm trầm mỗi đợt khoảng hai đến ba tháng, thu hoạch từ khoảng 5 – 6 kg trầm.  Khi đội tìm trầm về làng, thì Po Gahlau thực hiện lễ đón rước rất long trọng và không quên cúng dê để tạ ơn thần linh và thết đãi những người có công tìm trầm, ngoài ra những người có công còn được ban thưởng rất nhiều phẩm lộc[29].

 Khác với thời kỳ trước, dưới thời Gia Long, người dân trấn Thuận Thành sau khi thu hoạch lương thực hoặc các lâm, thổ sản như lúa, trầm hương, kỳ nam… sẽ phải nộp Thuế bằng tiền hoặc bằng hiện vật cho nhà nước. Trước đây, vào thời chúa Nguyễn, người dân Thuận Thành sẽ nộp thuế (có thể bằng hiện vật hoặc tiền) cho Thuận Thành vương, quy định hay cách thức nộp thuế tùy ở trấn, các chúa Nguyễn không hề can thiệp.

Năm 1790, lúc Nguyễn Ánh đang ở Gia Định để chổng quân Tây Sơn, ông tiến hành thu thuế hương (kỳ nam và trầm hương) ở một số vùng ở trấn Thuận Thành nhưng quy thuận theo Nguyễn Ánh[30]. Đến năm 1793, khi đem quân tấn công Bình Thuận, Nguyễn Ánh cử các quan ở Bình Thuận là Lưu thủ Trần Văn Búa, Cai bạ Nguyễn Đàn, Ký lục Hồ Văn Giáo thu thuế bằng gạo ở trấn Thuận thành để cung lương thực cho quân đội[31]. Sang năm sau, khi tiến hành khôi phục lại trấn Thuận Thành, Nguyễn Ánh giao quyền thu thuế lại cho các quan người bản địa là Nguyễn Văn Hào và Nguyễn Văn Chấn. Tuy vậy, khác với thời chúa Nguyễn, lần này Nguyễn Ánh quy định rõ các khoảng thuế phải nộp trong đó có thuế ruộng và trực tiếp cử quan lại người Việt đi khám xét ruộng đất[32].

Như vậy, dù quy định các loại sản phẩm phải thu thuế cho trấn Thuận Thành, nhưng triều đình Huế giao quyền thu thuế trực tiếp cho vị Chánh trấn. Chính vì thế, ngoài thời gian ngắn trong chiến tranh cư dân bản địa phải đóng thuế bằng hiện vật cho các quan lại người Việt, còn thì từ năm 1694, họ chỉ đóng thuế cho những người đứng đầu trấn Thuận Thành mà bản thân người dân địa phương xem như vua của mình.

Cho nên, từ năm 1802 trở đi, ngoài các sản phẩm do quan trấn tổ chức khai thác và quản lý, còn lại tất cả các sản vật do các cư dân khai thác hoặc sản xuất như lúa, ngà voi, sừng tê, gỗ… đều phải nộp một phẩn cho Chánh trấn, xem như là thuế (thuế sản vật), do người dân Thuận Thành chưa hề biết đến thuế bằng tiền hoặc thế đánh trên đầu người (thuế thân) và cũng không phải trả thuế đất. Sau khi đã thu đủ các sản vật theo quy định, người ta sẽ chứa đồ trong các kho chứa của nhà nước gọi là Galeng, từ những sản phẩm có trong kho này, trấn Thuận Thành sẽ trích ra và đem dâng nộp cho triều đình Huế dưới hình thức cống nạp hoặc dâng lễ[33].    

Trên bình diện xã hội, cũng nhờ những chính sách ưu đãi của Gia Long và sự cai trị sáng suốt của Nguyễn Văn Chấn, trấn thuận Thành đã trải qua một giai đoạn yên bình, các sử liệu hay văn bản cổ không nhắc nhiều đến các mối bất hòa về chính trị, xung đột về tộc người trong suốt giai đoạn từ 1802 đến 1820. Bên cạnh đó, mô tả của các văn bản Chăm cho thấy Nguyễn Văn Chấn là người rất quan tâm đến việc duy trì và bảo tồn các phong tục tập quán truyền thống cả các dân tộc sinh tụ bên trong trấn[34].

Đời sống của các tộc người trong giai đoạn này cũng rất an vui, họ có một đời sống khá giả và sung túc như những mô tả trong văn bản CM 29 (1), mà chúng tôi dân lại của Po Dharma:

 “…Mỗi người dân chỉ làm phục dịch một tháng trong nhà quan của mình, còn lại thì ở với gia đình [câu 161]

Gia Long là vị vua đầu tiên ban cho người Chăm chức Po Cang [ngài chưởng cơ] mà ai cũng biết trong khắp xứ sở [câu 162].

… Người Churu và Chăm hưởng bao tốt lành, người có tiền của xây dựng cả nhà “sang lam”[35] và nô dịch cũng không có [câu 165].

… hai quan lại do triều đình Huế bổ nhiệm giúp người Chăm, Churu làm ăn phát đạt và an vui [câu 167]…”[36]. 

Tóm lại, trấn Thuận thành trong giai đoạn 1802 – 1820, là một vùng đất thanh bình, các cư dân Thuận Thành được hưởng những ưu đãi và đã không ngừng vươn lên lao động sản xuất, xây dựng đời sống của mình thêm an vui và sung túc, đồng thời không quên đóng góp vào ngân quỹ quốc gia thực hiện vai trò thần dân cả mình với vị Chánh trấn và đến lược ông cũng không quên cóng nạp cho triều đình Huế như một nghĩa vụ của bề tôi với tôn chủ. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Chấn, Thuận Thành đã bước vào một thời kỳ ổn định và phát triển, văn hóa, phong tục được bảo tồn.

  1. Kết luận

Ngay sau ngày giành thắng lợi trước Tây Sơn và lên ngôi vua ở Phú Xuân, Gia Long đã khôi phục lại trấn Thuận Thành, ban cho Nguyễn Văn Chấn và thần dân của ông những quyền lợi và địa vị mà họ xứng đáng nhận được vì đã sát cánh với mình trong cuộc đối đầu với Tây Sơn. Trấn Thuận Thành được duy trì các đặc thù của mình, có nền hành chính riêng, quân đội riêng, chế độ thuế khóa riêng… Nhưng họ cũng không quên thực hiện nghĩa vụ của mình với triều đình trung ương.

  Chính nhờ những ưu đãi đó, trấn Thuận thành đã trải qua một giai đoạn yên bình, ổn định sau một thời gian dài trở thành chiến trường tranh đấu giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Các cư dân trấn Thuận Thành đã tận dụng hoàn cảnh đó để sản xuất, lao động, xây dựng cuộc sống sung túc, hạnh phúc, họ không ngừng xây dựng mối quan hệ thân thiện với các cư dân người Việt ở Bình Thuận, nhưng đồng thời vẫn lưu giữ được các phong tục, tập quán tốt đẹp vốn có của dân tộc mình.

0