Tấm Bia Quảng Khai Thố Thái Vương: Hoàn Cảnh và Hệ Quả cho Các Học Giả Hiện Đại
Tượng Quảng Khai Thố Thái Vương Anh Khoa Trong thời gian trị vì của Quảng Khai Thố Thái Vương hay Vĩnh Nhạc Thái Vương (Gwanggaeto the Great) (391-412), Cao Câu Ly-Koguryo (37 TCN-668 SCN), vương quốc nằm phía bắc trong số ba quốc gia thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên, đã mở mang lãnh thổ ...
Anh Khoa
Trong thời gian trị vì của Quảng Khai Thố Thái Vương hay Vĩnh Nhạc Thái Vương (Gwanggaeto the Great) (391-412), Cao Câu Ly-Koguryo (37 TCN-668 SCN), vương quốc nằm phía bắc trong số ba quốc gia thời kỳ Tam Quốc Triều Tiên, đã mở mang lãnh thổ một cách kinh ngạc kéo dài từ Hắc Long Giang đến tận sông Hán (Encyclopedia Britannica 2016). Theo một số nguồn, vị vua thứ 19 này đã chinh phục 64 pháo đài, 1,400 ngôi làng; theo các nguồn khác, số lãnh thổ bao gồm 128 pháo đài, 3 quận và 2,800 ngôi làng (Bok 2009: 202). Mặc dù số liệu thống kê không thống nhất, các học giả đều đồng ý rằng triều đại Quảng Khai Thố, quốc gia Cao Câu Ly đã trở thành một thế lực chính tại Đông Á, bao trùm 2/3 lãnh thổ của bán đảo Triều Tiên hiện nay, một phần lớn Mãn Châu, một phần Nội Mông và một phần lãnh thổ của Nga.
Mâu thuẫn giữa các quốc gia trong thời kỳ Nam-Bắc Triều tại Trung Quốc đã cho phép Cao Câu Ly nắm lấy thời cơ để mở rộng lãnh thổ về phía bắc và tây. Cũng như chính sự xung đột chính trị và quân sự giữa triều đại Hậu Yên và Bắc Ngụy tạo điều kiện cho Quảng Khai Thổ sát nhập bán đảo Liêu Đông mà không cần một cuộc chiến đẫm máu và bạo lực.
Tấm Bia của Vĩnh Nhạc Thái Vương
Tên thụy của Quảng Khai Thổ Thái Vương có nghĩa là “Đức Vua vĩ đại, người mở rộng lãnh thổ, được mai táng ở Quốc Khương Thượng” (國岡上廣開土境平安好太王) (Hatada và Morris 2011: 1). Một tấm bia đã được dựng lên năm 414 sau khi Vĩnh Nhạc Thái Vương qua đời bởi Trường Thọ Vương, con trai của ngài nhằm ghi nhớ những chiến tích vĩ đại (Suh 1995: 150-151). Tấm bia này nằm tại lăng mộ của ngài tại thủ phủ Cao Câu Ly, nay là Tập An, Cát Lâm (Trung Quốc) (Hatada 1). Một bản sao của tấm bia được đặt tại Seoul hay Hán Thành ngày nay.
Mặc dù ban đầu được đặt tại cố đô của Cao Câu Ly, tấm bia dần bị lãng quên và phá hoại sau khi vương triều sụp đổ. Theo Young-Soo Suh, bia từng là vật tượng trưng cho sự thịnh vượng và quyền lực của Cao Câu Ly và được một số nông dân khi đang khai hoang phát hiện vào cuối thế kỷ XIX. Tấm bia đã bị hư hỏng nặng và gây nhiều tranh cãi trong quá trình phục dựng.[1] Cụ thể, các nhà lịch sử và khảo cổ không thể nào đọc được các ký tự được khắc trên bia dẫn đến nhiều tranh luận về nội dung hoàn chỉnh về Vĩnh Nhạc. Chiều rộng của bia thay đổi từ 1,35 đến 2 mét ở mỗi bên, với chiều cao là 6,39 mét và được xem là lớn nhất trong lịch sử Triều Tiên. Tấm bia này mang hơi hướng kiến trúc của vương quốc Cao Câu Ly với một mái nhà đặt trên đỉnh hay gae seok (Suh 151). Nội dung bia có 44 dòng, 1,802 ký tự, được chia thành 3 phần: phần đầu kể về các huyền thoại của vương triều Cao Câu Lý, cuộc đời của Vĩnh Nhạc Thái Vương và lý do dựng bia. Phần hai mô tả các chiến công vĩ đại của ngài và phần thứ ba ghi lại nguồn gốc của những người giữ mộ cho nhà vua khi họ lập nên các làng mạc gần các phần mộ hoàng gia để bảo vệ khỏi những kẻ trộm mộ (Hatada 2).
Đời sau tôn vinh ngài là Vĩnh Nhạc Vương vĩ đại vì ngài là một người thích đi chinh phục, xâm chiếm để mở rộng lãnh thổ. Quảng Khai Thổ Thái Vương đã đi chinh chiến bảy lần khi còn tại vị và chính tấm bia đã mô tả chi tiết các khu vực mà ngài đã chinh phục.[2] Tấm bia còn được xem là một biểu tượng để nói lên lòng tự hào của con dân Triều Tiên về các cuộc chinh phục và xâm lấn của nhà vua vì đã thể hiện sức mạnh quân sự của Cao Câu Ly (Bok 191).
Liêu Đông: Vùng Chiến Lược
Vĩnh Nhạc Thái Vương đã cố công chiếm được bán đảo Liêu Đông. Bởi vì đối với vương quốc Cao Câu Ly, khu vực này có vị trí chiến lược về quân sự cũng như cung cấp một khối lượng sắt để chế tạo vũ khí cần thiết cho các cuộc viễn chinh cho nhà vua. Về mặt địa lý, Liêu Đông có nghĩa là phía đông của Liêu. Liêu Hà là một con sông thời Chiến Quốc phân chia Liêu Tây và Liêu Đông. Về mặt chiến lược, khi chiếm được đồng bằng của bán đảo, Cao Câu Ly sẽ có sông Liêu Hà như một phòng tuyến ngăn chặn những cuộc ngoại xâm có thể tấn công vương quốc. Chính phòng tuyến này cùng với sông Áp Lục tạo nên một hàng phòng ngự kép bảo vệ bán đảo Triều Tiên.[3]
Về mặt tài nguyên, vùng Liêu Đông có một lượng lớn về quặng sắt. Theo Jung Hoon Shin, Cao Câu Ly cần một nguồn sắt khổng lồ chế tạo vũ khí để phòng vệ những cuộc xâm lược từ Mãn Châu (Shin 2013: 6). Thêm vào đó, vương quốc cũng đang liên tục đối mặt với những cuộc chiến, dù là xâm lược, bảo vệ thành trì hay duy trì trật tự trên bán đảo khi chống lại Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla), hai vương quốc còn lại của Tam Quốc Triều Tiên. Patricia Ebrey và Anne Walthall giải thích rằng Cao Câu Ly cũng như hai vương quốc khác trên bán đảo đều được sáng lập bởi các chiến binh quân đội, và vương quốc luôn phòng ngừa cho bất cứ cuộc tấn công đột ngột nào từ kẻ thù. Do vị trí địa lý chiến lược và nguồn tài nguyên phong phú, khu vực Liêu Đông luôn những cuộc chiến đẫm máu giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Mối Bang Giao của Cao Câu Ly với Các Nước Lân Cận
Dưới thời trị vì của Quảng Khai Thổ Thái Vương, Cao Câu Lý Koguryo có quan hệ bang giao với ba vương quốc, bao gồm Hậu Yên (384-409), Bắc Ngụy (386-534), và Bắc Yên (Ngũ Hồ) (409- 436). Cuộc viễn chinh chớp nhoáng của Vĩnh Nhạc Thái Vương diễn ra từ năm 394 đến năm 410 hay rõ ràng hơn là vào cuối thời nhà Hậu Yên và đầu thời kỳ nhà Bắc Yên.
Mộ Dung Thùy, con út của Mộ Dung Hoảng-khai quốc Hoàng đế Tiền Yên- chiếm Liêu Hà lập nên nhà Hậu Yên và tự xưng là Hoàng đế năm 386 (Graff 2002: 69). Trong khi đó, nhà Trạch Ngụy được thành lập bởi Địch Liêu, cùng năm với thời kỳ khai quốc của triều đại Hậu Yên (Graff 69). Giai đoạn này của lịch sử Trung Quốc được biết như là sự thành lập và sụp đổ nhanh chóng của các quốc gia khác nhau cũng như thay đổi liên tục về biên giới do chiến tranh liên miên. Với sự thù địch giữa các quốc gia láng giềng và bất ổn định trong việc duy trì triều đại mới, hai triều đại Hậu Yên và Trạch Ngụy xem nhau như kẻ thù. Tuy nhiên, trước năm 391, nhà Trạch Ngụy luôn trợ giúp nhà Hậu Yên chinh phục các bộ lạc và lãnh thổ nhằm mở rộng sâu hơn vào đại lục (Graff 69).
Dù thế thì sự hợp tác giữa hai vương quốc không kéo dài: năm 391, nhà Trạch Ngụy từ chối triều cống nhà Hậu Yên và từ đây xuất hiện những mầm móng mâu thuẫn giữa hai triều đại. Năm 394, Địch Chiêu, con của Địch Liêu, quyết định mở rộng lãnh thổ về phía Bắc khi quyết định khai chiến với nhà Hậu Yên (Graff 70). Chiến tranh giữa nhà Trạch Ngụy và Hậu Yên thời Ngũ Hổ thập lục quốc giúp vương triều Cao Câu Ly tránh khỏi các cuộc xâm lược của ngoại bang từ một phía cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tập trung quân đội để đối phó với các vương quốc còn lại từ phía khác trên bán đảo. Theo Shin Jung Hoon, Cao Câu Ly không chiếm hữu được Liêu Đông vào năm 395 nhưng vương triều có thể trao đổi thông thương tự do với khu bán đảo này và các vùng lân cận. Đồng thời, nhà Hậu Yên đã thất bại trong cuộc chiến với nhà Bắc Ngụy trong cùng năm.
Triều đại Vĩnh Nhạc Thái Vương bắt đầu năm 391, khoảng thời gian đó trùng với những cuộc chiến liên tiếp giữa nhà Bắc Ngụy và Hậu Yên. Mặc dù Cao Câu Ly được phép tự do thông thương gần biên giới Hậu Yên nhưng do diện tích lãnh thổ quá lớn cũng như quyết định của nhà Hậu Yên khi điều động quân đội chống lại Bắc Ngụy, Vĩnh Nhạc Thái Vương đã không tấn công Hậu Yên vào năm 395. Nhiều học giả tranh cãi nguyên nhân vì sao quân đội Cao Câu Ly thiếu hăng hái đối với nhà Hậu Yên. Một số cho rằng Vĩnh Nhạc Thái Vương quyết định tấn công chiến lược tấn công vương quốc Bách Tế trước vì đây là nơi có lực lượng quân đội yếu nhất (Shin 16). Một giải thích khác thì nhấn mạnh rằng nhà Hậu Yên không thể kiểm soát hoàn toàn bán đảo Liêu Đông vì lo tập trung đối phó với nhà Bắc Ngụy. Vì thế, Vĩnh Nhạc sẽ không gửi quân đội đến bán đảo và sa vào một cuộc chiến không cần thiết (Park 2015: 45).
Vì cuộc xung đột giữa Hậu Yên và Bắc Ngụy ngày càng trở nên phức tạp, Vĩnh Nhạc Thái Vương tiến hành những cuộc viễn chinh về phía bắc, ngày nay là Mãn Châu và Nga cũng như mở rộng về phía Nam bán đảo Triều Tiên khi liên tục tấn công Tân La và Bách Tế (Ebrey và Walthall 2013: 103). Như Bok mô tả, tổng diện tích lãnh thổ mà Vĩnh Nhạc chinh phục trong thời kỳ trị vì lên đến 128 pháo đài, ba địa hạt và 2,800 ngôi làng. Việc mở rộng nhanh chóng này có khả năng xảy ra, tương tự như trường hợp Liêu Đông, bởi vì Hậu Yên đang mắc kẹt trong các cuộc tấn công chống lại Bắc Ngụy. Giải thích thứ nhất có vẻ hợp lý: không có một ghi chép nào cho thấy quân đội Cao Câu Ly tấn công Hậu Yên nhưng nhiều sách sử thì vẫn hay phân tích về cuộc chiến với Bách Tế. Cũng như, giải thích thứ hai không hợp lý khi phủ định việc chiếm hữu Liêu Đông được nhượng từ nhà Hậu Yên cho Vĩnh Nhạc Thái Vương của Cao Câu Ly. Vào năm 396, Quảng Khai Thổ chiếm quyền quản lý Liêu Đông từ nhà Hậu Yên (Shin 18). Hai yếu tố quan trọng cần suy xét ở đây. Thứ nhất, triều đại Hậu Yên đang có chiến tranh với Bắc Ngụy. Bằng cách nhượng lại khu Liêu Đông, Hậu Yên có thể tránh được một cuộc chiến tranh khác từ Cao Câu Ly và dồn quân để giải quyết một mặt trận duy nhất là Bắc Ngụy. Thứ hai, Cao Câu Ly cũng không hi vọng sẽ sa vào một cuộc chiến tranh ở cả hai mặt trận. Sự chuyển nhượng hòa bình vùng Liêu Đông từ Hậu Yên đã cho phép Vĩnh Nhạc Thái Vương tập trung giải quyết vấn đề Bách Tế.
Mối bang giao giữa nhà Hậu Yên và Cao Câu Ly sau khi Vĩnh Nhạc Thái Vương được cho phép tiếp quản Liêu Đông đã dấy lên một số nghi vấn. Nếu mối bang giao thứ bậc như vậy tồn tại giữa hai quốc gia, vì sao tấm bia của Vĩnh Nhạc lại trở thành một biểu tượng vĩ đại và tự hào dân tộc đối với người dân Cao Câu Ly? Hơn nữa, nếu một mối quan hệ thù địch tồn tại trên biên giới giữa hai nước, tại sao Vĩnh Nhạc Thái Vương lại được người đời sau gọi là Đại Đế? Để trả lời những nghi vấn này, cần phải phân tích thêm về triều đại của Vĩnh Nhạc Thái Vương hay Quảng Khai Thổ Thái Vương.
Vĩnh Nhạc Thái Vương lên ngôi khi thời kỳ Ngũ Hổ Thập Lục Quốc đang xảy ra ở Trung Hoa đại lục. Những triều đại phương Bắc hay Bắc Triều, bao gồm Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, liên tục sa vào các cuộc chiến giành lãnh thổ. Thật không bình thường khi lịch sử phải chứng kiến một triều đại thường phải trải qua các giai đoạn từ sáng lập, diệt vong rồi lại tái tạo bởi các nhánh khác nhau của các bộ lạc du cư. Các cuộc xung đột quân sự diễn ra không chỉ ở đại lục, mà cả ở bán đảo Triều Tiên, vì Cao Câu Ly, Tân La và Bách Tế liên tục tranh chấp và dẫn đến các cuộc chiến liên tục. Một ví dụ rõ ràng về các cuộc xung đột này là khi Bách Tế đứng về phía nước Oa (một nước Nhật Bản cổ và cho đến nay bản sắc của vương triều này vẫn gây ra tranh cãi trong giới học thuật) và cùng tấn công Tân La, sau khi Cao Câu Ly hỗ trợ Tân La chống lại mối đe dọa quân sự năm 391 (Hatada 11). Trong khi, như Takashi Hatada tranh luận, cuộc xâm lược Tân La nêu lên rằng Bách Tế đã vi phạm trật tự quốc tế và Cao Câu Ly phải bảo vệ đồng minh nhằm thiết lập sức mạnh cường quốc của bản thân trên bán đảo.
Mục đích của tấm bia là để khắc họa lại những thành tựu của Vĩnh Nhạc Thái Vương, và sử dụng như một phương tiện tuyên truyền về ảnh hưởng và quyền lực của chế độ và từ đó xác định các vùng lãnh thổ được chinh phục. Bằng cách xác định Cao Câu Ly là cường quốc hàng đầu trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời huy động một chiến dịch xâm lược vĩ đại, Vĩnh Nhạc đã đưa triều đại của bản thân thành một đất nước nhiều quyền lực thông qua sức mạnh và ảnh hưởng quân sự.
Mối bang giao của Cao Câu Ly và Hậu Yên đã bắt đầu thay đổi. Vĩnh Nhạc Thái Vương từng bước chiếm dần lãnh thổ của Hậu Yên và cuối cùng đe dọa thủ đô của triều đại này. Vào năm 406, Vĩnh Nhạc ký kết một hòa ước với Hậu Yên nhằm gửi quân đội để chống lại quân Bắc Ngụy để kết thúc những mâu thuẫn về biên giới giữa hai vương triều. Đây cũng là thời kỳ mà Vĩnh Nhạc đã chiếm hữu hoàn toàn khu vực Liêu Đông (Ebrey và Walthall 103). Ý nghĩa của những thay đổi này như sau. Với sự bành trướng nhanh chóng về lãnh thổ của Cao Câu Ly và những cuộc chiến liên miên ở đại lục, nhà Hậu Yên đã tự nguyên dâng Liêu Đông cho Vĩnh Nhạc Thái Vương nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh không đáng có và tập trung quân lực để giải quyết Bắc Ngụy. Trong khi hành động tuyên bố chủ quyền của Vĩnh Nhạc trên bán đảo Liêu Đông như một phương thức bình định thì hòa ước năm 406 như là các thiết lập liên minh giữa Hậu Yên và Cao Câu Ly. Sau khi thiết lập hiệp ước, Hậu Yên dần xem Cao Câu Ly là một đối tác ngang bằng hay là một siêu cường đang dần nổi lên trong khu vực. Vĩnh Nhạc Thái Vương đã đưa Cao Câu Ly trở thành một quốc gia với cương thổ rộng lớn và một tiềm lực về quân đội thiện chiến nhất trong khu vực.
Vai Trò của Bia Vĩnh Nhạc Thái Vương với Các Học Giả Hiện Đại
Tấm bia về Vĩnh Nhạc Thái Vương đã đóng vai trò như một bia mộ, kể về những chiến công của nhà vưa và cho người dân Cao Câu Ly một niềm tin rằng không có một thế lực ngoại bang nào có thể xâm chiếm lãnh thổ. Đồng thời, các học giả hiện đại cũng gặp phải khó khăn khi tiến hành nghiên cứu các văn tự trên tấm bia do sự bào mòn của tự nhiên hay do con người qua năm tháng. Những khó khăn khác liên quan đến việc nghiên cứu tấm bia bao gồm: sự thiếu rõ ràng của các văn tự, thiếu văn bản chứng thực các sự kiện trên tấm bia, và vị trí của tấm bia nằm mở một vùng xa xôi và không dễ tiếp cận. Ngoài ra, các học giả chỉ bắt đầu tiến hành phân tích tấm bia từ năm 1985 khi chính phủ Trung Quốc cho phép các học giả nước ngoài đến và thực hiện các cuộc quan sát.[4]
Như có thể thấy trong một phần của phiên bản trong phụ lục C, nhiều ký tự đã bị mất trên bia. Sự mơ hồ và thiệt hại không đáng có đã cho phép các học giả Đông Á diễn dịch các văn bản khác nhau và sử dụng chúng để quảng bá cho lợi ích quốc gia. Ba phiên bản được phân tích đến từ Minh Trị-Nhật Bản, hậu Đế quốc ở Trung Quốc và hậu thuộc địa trên bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản là nước sử dụng các văn bản có được từ tấm bia nhằm tìm kiếm lợi ích quốc gia. Tấm bia về Vĩnh Nhạc Thái Vương được tìm thấy bởi một người nông dân Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh (1644-1922) vào thế kỷ XIX. Kể từ đó, các bản sao của tấm bia đã trở thành mối bận tâm lớn nhất của Nhật hoàng Minh Trị. Hatada mô tả cách Sakao Kagenobu, một sĩ quan Nhật Bản đã tiến hành điều tra Mãn Châu và Trung Quốc thời điểm đó, đã mang một bản sao của những dòng chữ trên bia về Nhật để nghiên cứu, nhất là phần đề cập đến nước Oa (Hatada 3). Chính phủ Nhật Bản đã xuất bản nhiều nghiên cứu về các phiên bản trên tấm bia, nhấn mạnh về sự tồn tại của vương triều Oa. Vào thời điểm đó, từ Oa được cho là đại diện cho nhà nước Yamato Nhật Bản cổ đại, và thông qua cách giải thích tự do, các học giả Nhật Bản lập luận rằng bán đảo Triều Tiên là lãnh thổ của Nhật Bản trong thời kỳ cổ đại, do đó biện minh cho kế hoạch xâm lược Triều Tiên (Suh 161).
Trước đó, sự sát nhập bán đảo Triều Tiên đã được hợp lý hóa dựa trên ý tưởng của chính quyền Mimana, hay mimana nihon fu (任那日本府) được đề cập đến trong Nhật Bản thư kỷ (日本書紀), xuất bản năm 720. Theo Hatada, mimana nihon fu là những người tin rằng Nhật Bản đã kiểm soát bán đảo Triều Tiên từ thời cổ đại; tuy nhiên, ông lập luận rõ ràng rằng mimana nihon fu là cái mà “hầu hết người Nhật tin rằng […] là một sự thật không thể chối cãi” (Suh 4) và Nhật Bản thư kỷ cũng “được chấp nhận như một văn kiện lịch sử” (Suh 5) mà không có bằng chứng chắc chắn tồn tại hay tài liệu lịch sử nào khác. Trong trường hợp này, tấm bia của Vĩnh Nhạc Thái Vương là một vật chứng đầy thuyết phục về sự hiện diện của người Nhật trên bán đảo Triều Tiên (Suh 6). Tuy nhiên, nhiều học giả kết luận rằng người Oa chỉ là những tên cướp biển Nhật Bản sống ở Kyushu và mimana nihon fu đơn giản là “không tồn tại” (Suh 17).
Chính phủ Minh Trị sử dụng tấm bia này để hợp lý hóa sự sáp nhập bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ XX, trong khi đó, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng tấm bia cho đến ngày nay vì những mưu đồ quốc gia. Trung Quốc cho rằng sự phong vương của nhà Hậu Yên với Vĩnh Nhạc Thái Vương như một bằng chứng nói lên rằng Cao Câu Ly không phải là một vương triều độc lập hay chỉ là một quốc gia phụ thuộc (Suh 167-168). Tấm bia được sử dụng để thúc đẩy sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều và Mãn Châu. Jin Yufu là một học giả nổi tiếng trong lĩnh vực này và phân chia bốn nhóm dân tộc lớn của vùng Mãn Châu và miền bắc Trung Quốc, trong đó bao gồm những người Puyo[5] “sáng lập nên Phù Dư Quốc, Cao Câu Ly và Bách Tế” (Byington 2004: 379). Hơn nữa, Yufu đã cố gắng tách riêng ý tưởng về Cao Câu Ly và Hàn Quốc ngày nay bằng cách thiết lập vương quốc Cao Câu Ly như là kẻ kế vị vương quốc Tân La, do đó tách Cao Câu Ly như là một thực thể chính trị riêng biệt trên bán đảo Triều Tiên.36 Lập luận này có thể được phân tích từ nhiều khía cạnh. Trước hết, biên giới và địa lý lịch sử của Cao Câu Ly và các khu vực lân cận không trùng với bối cảnh chính trị ngày nay. Lập luận của Jin, cùng với những học giả khác, bắt nguồn từ nền tảng địa lý chính trị và biên giới hiện đại. Lãnh thổ rộng lớn mà Cao Câu Ly chinh phục trong thời kỳ Vĩnh Nhạc bao gồm vùng Đông Bắc Trung Quốc ngày nay, tuy nhiên không thể xác định vùng này thuộc về Bắc Triều Tiên hay Hàn Quốc. Biên giới lịch sử nên được công nhận và phân tích vì tính lịch sử và không nên được sử dụng làm lý do cho tuyên bố lãnh thổ thời hiện tại.
Lý do cho những yêu cầu này là mối quan tâm chính trị cũng như về an ninh quốc gia và lãnh thổ. Theo Mark E. Byington, chính phủ Trung Quốc hiện nay cố gắng đưa Cao Câu Ly vào lịch sử Trung Quốc hoặc là một tỉnh của triều đại phong kiến Trung Quốc hoặc là một vùng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc để bảo vệ biên giới chống lại các quốc gia láng giềng và ngăn chặn bất kỳ cuộc tranh luận về phạm vi lãnh thổ. Như đã đề cập, tấm bia về Vĩnh Nhạc Thái Vương nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ngày nay. Như vậy, mối liên kết dân tộc và lịch sử của tấm bia rất không rõ ràng. Tuy nhiên, sự mơ hồ này là động lực và lý do hợp pháp để tiến hành những cuộc nghiên cứu và phân tích sâu hơn về lịch sử hơn là chính trị hóa yêu sách và mưu đồ xâm lượcvà sát nhập một nhóm dân tộc ngoại quốc vào trong các nhóm dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Như Byung cho biết, tuyên bố về Cao Câu Lynhư là một dân tộc thiểu số của Trung Quốc hoặc là một tỉnh của triều đại phong kiến Trung Quốc là vô lý và “không có bằng chứng lịch sử” (Byington 386).
Nhiều học giả Hàn Quốc cũng tiến hành nghiên cứu và xuất bản nhiều bài báo khoa học liên quan đến tấm bia của Vĩnh Nhạc Thái Vương. Theo Pankaj Mohan, có hơn một nghìn bài báo lớn nhỏ liên quan đến tấm bia đã được xuất bản ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, những hạn chế của các bài báo này vẫn còn tồn tại do thiếu các nguồn tin cậy, do đó làm cho những bài khoa học này không khả dụng đối với nhiều học giả (Mohan 2011: 207-208). Hơn nữa, tấm bia này nằm ở Trung Quốc đã ngăn cản các nhà khoa học Hàn Quốc có thể đến nghiên cứu và phục chế di vật. Bên cạnh đó, các học giả Trung Quốc thường cố gắng hạn chế tối đa những thành tựu của Vĩnh Nhạc cũng như việc mở rộng lãnh thổ nhanh chóng của Cao Câu Ly vào một phần cương thổ Trung Quốc ngày nay. Từ đó, nhằm chứng tỏ sức ảnh hưởng vĩ đại của Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên (Bok 192). Như Bok và Mohan tuyên bố, tấm bia là một hiện vật lịch sử quan trọng về việc thiết lập bản sắc dân tộc Hàn Quốc, tuy nhiên trong khi ở Hàn Quốc, việc nghiên cứu về tấm bia rất đa dạng nhưng có rất ít nỗ lực bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc với Cao Câu Ly. Lời chỉ trích phổ biến nhất về tuyên bố Trung Quốc với Cao Câu Ly là bởi sử gia Bắc Triều Tiên, Pak Sihyng, vào năm 1993 trong một hội nghị quốc tế về Cao Câu Ly ở Trung Quốc (Byington 382). Với những gia tăng tuyên bố của Trung Quốc về Cao Câu Ly là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc cũng như người dân tộc Cao Câu Ly là một trong những dân tộc thiểu số của Trung Quốc, các học giả Hàn Quốc phải trở nên tích cực hơn trong việc tìm bắng chứng để chứng minh Cao Câu Ly là một phần không thể thiếu của lịch sử và học bổng Hàn Quốc phải trở thành tích cực hơn trong việc ủng hộ quan điểm học thuật riêng của mình trên Koguryo là thành phần chủ yếu của lịch sử và bản sắc của Hàn Quốc.
Kết Luận
Tấm bia của Vĩnh Nhạc Thái Vương không chỉ là hiện vật lịch sử mà còn là biểu tượng quan trọng của bản sắc dân tộc Hàn. Tấm bia khắc họa lại về cuộc đời và thành tựu của Quảng Khai Thổ Thái Vương cũng như tình hình chính trị xã hội ở bán đảo Triều Tiên và đông bắc Trung Quốc. Mặc dù là “tam sao thất bản,” các bản ghi chép đã nhấn mạnh vai trò chính trị và quân sự của Cao Câu Ly trên bán đảo cũng như mối quan hệ với Hậu Yên. Tấm bia cũng đánh dấu sự sát nhập của Liêu Đông vào vương quốc Triều Tiên.
Như Mohan khẳng định, tấm bia được tạo ra như một phương tiện tuyên truyền cho hoàng gia, và do đó các học giả phải cẩn thận trong việc phân tích các bản khắc. Sự tàn phá của bia còn cho phép phân tích ra ba phiên bản trong thời kỳ lịch sử và hiện đại cho mưu đồ lợi ích riêng. Điều này đã dẫn đến việc Minh Trị Nhật Bản đã hợp lý hoá và minh chứng cho việc sát nhập bán đảo Triều Tiên vẫn còn là một vết nhơ trên đất nước Hàn Quốc ngay cả trong thời hiện tại, và trong trường hợp của Trung Quốc, một cuộc tranh luận gay cấn về tính hợp pháp về quyền sở hữu Cao Câu Ly.
Tấm bia về Vĩnh Nhạc Thái Vương không chỉ cung cấp thông tin lịch sử mà còn xác định vai trò ngày nay và những hệ lụy chính trị do lịch sử, tính liên kết và bối cảnh của nó. Mặc dù các tranh luận vẫn diễn ra, các học giả phải cố gắng để xác thực tấm bia dựa trên những liên kết chính trị hay chương trình nghị sự thay vì dựa trên lịch sử.