Miền Bắc dưới mắt Trương Vĩnh Ký
Nguyễn Văn Trung Từ nhan đề chúng ta đã biết được rõ thời gian tác giả viết bản văn. Tác giả cho in lần đầu tại nhà in Guilland et Martinon bằng quốc ngữ, 32 trang. Văn bản mà chúng tôi được đọc là ấn bản trong Bulletin de la Société des études indochinoises (nouvelles séries, tome ...
Nguyễn Văn Trung
Từ nhan đề chúng ta đã biết được rõ thời gian tác giả viết bản văn. Tác giả cho in lần đầu tại nhà in Guilland et Martinon bằng quốc ngữ, 32 trang. Văn bản mà chúng tôi được đọc là ấn bản trong Bulletin de la Société des études indochinoises (nouvelles séries, tome III, No 3, Saigon 1929). Trong tập san này, hồi ký được in nguyên văn bằng quốc ngữ, kế đó là bản dịch Pháp ngữ của N. Trương Vĩnh Tống, con trai tác giả.
Tiếng Việt và chữ quốc ngữ trong tập bút ký
Xét về phương diện ngôn ngữ, hồi ký này không phải là văn bản văn học viết bằng quốc ngữ cổ nhất, nhưng nó vẫn cho ta một mẫu điển hình về tiếng nói và chữ quốc ngữ giữa thế kỷ XIX. Phần mở đầu như sau:
“Năm Ất Hợi 1876, bãi trường Tham-biện vừa xong, vùng muốn tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng cũng muốn đi đã lâu, nên xin với quan trên, nhơn diệp chiếc tàu Duchaffau đi mà đi. Về sấm hòm rương áo quần. Rủ thầy ba Hớn với ông sáu Thìn, nguyên một người ở tỉnh Bắc ninh, một người ở Sơn tây mà vào trong Nam kỳ đã lâu, đi theo trước là cho có bạn, sau là cho họ về thăm quê quán.
Qua ngày 18 tháng chạp đề huề xuống tàu. Sớm mai giờ thứ 9 rưỡi nhổ neo. Vợ con đi đưa, ngồi xe đi rảo trên bờ cho đến tàu quày trở rồi riu ríu chạy xuống đồn Cá-trê, mới về. Xế giờ thứ hai ra cữa Cần-giờ, chỉ mũi chạy ra mũi Né.”
Đoạn văn trên chúng tôi đã chép nguyên văn, chính xác từng dấu và gạch nối. Khảo sát đoạn văn, chúng ta thấy:
— Tác giả viết chính tả gần đúng như hiện nay về hỏi ngã, chỉ có một từ khác (cửa viết là cữa), về chính tả thì chỉ có một vài chỗ sai biệt với chính tả phổ thông, do sai biệt trong phát âm địa phương mà ra (sắm viết là sấm, dịp viết là diệp). Đọc toàn thể bài bút ký cũng thấy một tình hình tương tự. Trương Vĩnh Ký viết theo cách phát âm địa phương và đã tuân thủ nguyên tắc chính tả theo phát âm như thế.
— Về sử dụng gạch nối cho các từ ghép và danh từ chỉ nhân danh địa danh, tác giả đã không dùng gạch nối cho những tên nôm na như ba Hớn, sáu Thìn, mà chỉ dùng cho nhân danh chính cống: Lê Lợi, Hồ Quý Ly. Về địa danh, ông thường chỉ viết hoa chữ đầu: Sơn tây, Cần giờ, Cá trê…
Xét chung, nếu ta che nhan đề và tác giả tập bút ký rồi đưa cho một người học vấn trung bình hiện nay đọc thì chắc người ấy sẽ nhận xét là “văn hơi cổ đấy”, nhưng khó mà đoán được đó là văn của năm 1876, và là của Trương Vĩnh Ký.
— Về cách đặt câu, tác giả đặt câu tương đối ngắn, theo ngữ pháp Tây Phương. Đó là lối đặt câu như chúng ta hiện nay. Sự kiện này đáng suy nghĩ thêm, vì ở miền Bắc, đến tận 1925, Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm, Nhất Linh viết Nho Phong, cách đặt câu còn biền ngẫu, dùng nhiều sáo ngữ của văn phong thời Nho học. Các sách khảo về văn học sử cận–hiện đại cho tới nay thường ghi rằng: phải đợi tới Hoàng Tích Chu đi du học Pháp về mới du nhập lối đặt câu ngắn theo cấu trúc của phương Tây. Khẳng định này sở dĩ có là vì có lẽ trước đây ít ai biết tới những bài văn như Chuyến đi Bắc kỳ của Trương Vĩnh Ký.
Trong một bài ký dài như thế, Trương Vĩnh Ký ghi lại chỉ có 3 bài thơ. Nhưng thể loại thơ làm chúng ta phân vân. Chúng không phải lục bát, thất ngôn bát cú, cũng không phải tứ tuyệt, hát nói, và dĩ nhiên cũng chưa ra thơ mới. Thí dụ một bài như sau:
Trần thiệt
Sực xem thấy nhà thờ Phát-diệm,
Thật nguy nga cung điện hẳn hòi,
Đọc kinh rồi đứng đó mà chơi,
Hồ sơn thủy lầu đài như tạc,
Sách có chữ rằng: Thị chu lưu bàn bạc (1)
Bất dĩ Tần nhi bất dĩ Hán, (2)
Nhờ đội ơn trên ra sức phù trì,
Cho người thế biết đường giữ đạo,
Sách có chữ: Hữu công vi văn giáo. (3)
Thị thánh hiền, vi vạn thế sanh dân, (4)
Chữ rằng: đức dữ nhật tân, (5)
Bài trên, nếu xét rộng rãi, có thể coi như hát nói biến thể, vì thấy có chi tiết ghi trong hồi ký này là tác giả có tham dự rất nhiều buổi hát “nhà trò” (hát cô đầu). Nhưng bài sau này thì khó giải đoán hơn:
Hiếu sơn cao đình (6)
Ngoài hồ trong lại có hang,
Rõ ràng thay, hà xứ bất giang san, (7)
Ấy mới biết: Thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, (8)
Thơ rằng: Hoà khí dũ xuân phong, (9)
Nhớ có câu: đạo vị vô cùng, (10)
Sách có chữ: địa dĩ nhân chi thắng, (11)
Tứ phương giai ngã cảnh, (12)
Nhân dĩ đức nhi long, (13)
Hữu thiên hà xứ bất, (14)
Chú giải mấy câu thơ Hán Việt:
(1) Dứt khoát là nổi danh khắp xứ sở.
(2) Không cần đến Tần đến Hán.
(3) Phải kiên trì mới có được kiến thức khôn ngoan.
(4) Chính nhờ kiến thức, sự khôn ngoan mà thánh hiền sống xuyên vạn đời.
(5) Chính nhờ thực hiện đạo đức mà con người đổi mới hàng ngày.
(6) Trên núi Hiểu Sơn.
(7) Có xứ nào lại không có sông có núi.
(8) Dưới bầu trời này, đâu lại chẳng là đất nhà vua.
(9) Mùa ôn hoà trở thành đẹp hơn dưới gió xuân.
(10) Ý nghĩa của đạo là vô cùng (không thể dò tới đáy.
(11) Đất đai phải nhờ bàn tay người lao động mới thành tốt đẹp.
(12) Trong bốn cõi, con người có thể sống trong bất cứ cảnh nào.
(13) Con người muốn sống lâu thì phải bảo vệ đạo đức mình.
(14) Ngày nào còn trời thì còn xứ sở.
Có một chi tiết đáng ghi nhận: Cả hai bài đều chấm dứt bằng dấu phẩy, không hiểu ý tác giả là thế nào, hay chỉ là là sơ ý về dấu chấm câu?
Lối viết hoàn toàn theo Tây phương nhằm ghi người thực việc thực thuộc đời sống hằng ngày của dân chúng. Trương Vĩnh Ký ít chú ý đến làm văn, nên cuốn du ký này đúng ra là một du khảo.
Về cách trình bày bài hồi ký
Điểm đầu tiên đáng chú ý là tác giả trình bày theo thứ tự thời gian, đi đến đâu ghi, tả đến đó.
— Về lộ trình, dù tác giả không nói, người đọc cũng thấy Trương Vĩnh Ký đi Bắc kỳ không phải là du lịch, mà cũng không phải là du khảo đơn thuần. Những chỗ đến và nghỉ của ông cũng đều có đặc điểm: ăn nghỉ ở nhà, cơ sở của Thiên chúa giáo, tiếp xúc và được đón tiếp như sứ giả với các quan lại cao cấp Việt, Pháp tại mỗi nơi.
— Giữa các dòng hồi ký đang xuôi chảy, ông xen vào các tài liệu phong phú như một địa phương chí hiện nay với các mục: vị trí tỉnh, tổ chức hành chánh, nguồn gốc lịch sử, tên đặt qua thời gian, hình thể, núi sông, khí hậu, thành trì, hộ khẩu dân số, ghi kỹ và chính xác. Thí dụ như điền phú tỉnh Nam Định, ông ghi: “Ruộng đất được 524.977 mẫu; thuế: lúa được 478.712 đấu, tiền: 229.637 quan, bạc được 175 lượng.”
Vì bài ký không có mục lục nên chúng tôi ghi lại các đề mục của tác giả như sau:
— Phần mở: Tới cửa Hàn – Tới Hải Phòng – Lên Hải Dương – Đi lên Hà Nội – Tới Hà Nội.
— Ở tại thành Hà Nội: Đi thăm lãnh sự – Coi chùa Nguyễn Đăng Giai – Hồ Hoàn gươm – Đền Kính Thiên – Cột cờ – Đền Công – Ông thánh đồng đen – Chùa Một Cột – Hồ Tây – Văn Thánh miếu.
— Tỉnh Hà Nội: Giáp giới – Danh tích và tổ chức hành chánh – Hình thể – Khí hậu- Phong tục – Nhà trò – Hội – Hát dúm – Cổ Nhắm – Thành trì – Chợ – Cầu – Thổ sản đất Hà Nội – Điền phú.
— Tỉnh Hải Dương: Giáp giới – Lịch sử và tổ chức hành chánh – Hình thể – Khí hậu – Phong tục – thành trì – Hộ khẩu – Điền phú.
— Tỉnh Nam Định: Như trên. Sau đó tác giả kể tiếp đến thăm Phát Diệm, gặp cụ Sáu làm thơ, rồi đi tiếp về Thanh Hoá. Lã Vọng – Hang Thị – Động Hang Dơi – Cụ Đệ.
— Tỉnh Thanh Hoá: Các mục như trên. Nhưng sau mục “điền phú” có thêm mục: Nhà chung Kẻ Sở – Lên Hà Nội lại, đi qua Hưng Yên ông cho tài liệu luôn về Hưng Yên.
— Tỉnh Hưng Yên: Ghi sơ lược về giáp giới – Lịch sử – Tổ chức hành chánh, rồi tới Hộ khẩu, điền phú, tới Hà Nội, xuống Hải Phòng.
Những điểm đáng chú ý về nội dung: Năm 1876, một chức vị cao cấp như Trương Vĩnh Ký, khi tới Hải Phòng rồi lại lên Hà Nội như thế nào, xin ghi lại bốn đoạn ở phần đầu:
Tới Hải phòng: “Lên bờ đi tham quan lãnh sự (M. Rure), rồi qua bên kia sông tới trọ nhà chú khách Wan sing. Sáng bữa sau lại qua ăn cơm nhà quan lãnh sự, rồi đi thăm các thày làm việc ở đó cho luôn.”
Lên Hải dương: “Tối lại, đi theo thuyền ông Thương biện Lương quen khi đi sứ bên Tây năm 1863 mà lên tỉnh Hải dương, 27 tới tỉnh. Vào thành ra mắt quan lớn là ông Phạm Phú Thứ làm Thương Chánh Đại Thần kiêm Tổng Đốc tỉnh Hải dương và tỉnh Quảng yên, có quen thuở đi sứ bên Tây. Người mầng rỡ lắm. Nội ngày cũng tới viếng ông Tuần Phủ Nguyễn Doãn, nguyên trước có quen khi người vô giao hoà lần sau tại Gia định.”
Đi lên Hà nội: “Các quan lại cầm ở lại đó ăn tết rồi hãy lên Hà nội, khi ấy là mùa đông, trời rét lạnh nên ăn ngon cơm lắm. Mấy bữa ấy, hội các quan lớn nhỏ đủ mặt, khi ăn uống chuyện vãn cả đêm cả ngày. Quan lại lại bày rạp hát cho ba bữa luôn, coi hát bội cho no, rồi lại hát nhà trò. Vui vầy với nhau thể ấy cho tới mùng 6 tết, chiều giờ thứ nhứt mới lên võng lên cáng mà đi đường bộ lên Hà nội. Trước hết nghỉ chơn tại cái chùa kia. Qua cung sau, nghỉ Ngạt kéo, mặt trời chơn lặng tới huyện Cẩm giàng. Ông Huyện tên là Dương Xuân ra rước vô nhà ngủ đó. Sáng, cơm nước rồi, giờ thứ tám từ giã ra đi.”
Tới Hà nội. “Từ Cẩm Giàng lên Hà nội nghỉ bốn chặng:1/ Quán Cầu đất (giờ thứ 10).
2/ Tại Đồng súng (giờ thứ 12 trưa).
3/ Ngã Tư dầu (giờ thứ nhứt rưỡi).
4/ Chợ Bún hoa (giờ thứ 3 rưỡi).
Giờ thứ tư rưỡi chiều ra tới bờ đê, đi trên đường quai xuống mé sông Bồ đề, mướn đò đưa qua cửa Phố mới. Giờ thứ 6 tới nhà Hương – công là khách thương Gia định ra mua hoa chi nha phiến đó.”
Những ghi chép về phong tục tập quán
Vốn là một học giả có trí nhớ tốt, quan sát cao, cái gì cũng muốn biết tận mắt nghe tận tai, nên Trương Vĩnh Ký đã ghi lại cho hậu sinh nhiều điều đáng chú ý:
Ghi về Hà Nội, ông nhận xét kỹ y phục thời đó như sau: “đàn ông ăn mặc cũng thường, diều áo vắn tới đầu gối, đầu hay đội nón ngựa, bịt khăn đen.
Đờn bà mặc áo có thắt lưng làm bìu (bọc), yếm đỏ, không gài nút nịt, nút vai thả không ra mà thôi, đầu đội nón giấu (ba tầm) lớn gần bằng cái nia, hai bên có hai quai tụi vấn toòng ten, lấy lược nhiễu quấn tóc mà khoanh vần theo đầu. (Có một làng Kẻ lỏi có đờn bà bới tóc); dưới mặc váy, chơn đi dép son, nước da mịn màng trắng trẻo, má hồng, da ửng, gót son, phốp pháp người, răng nhuộm đen cánh gián.
Thói trật áo thắt lưng là nhơn bởi trời đồng thiên rét lạnh, đờn bà có con phải mở nhiều áo khó lòng, hay de luôn như vậy cũng bắt chước làm theo, mùa nào mùa nấy cũng de luôn như vậy mà thành phong tục.”
Về hát ả đào, hậu sinh thường chỉ biết về lối giải trí này qua thời kỳ thoái trào của nó, nên tưởng các cô đào chỉ có hát mà thôi. Sự thực không phải vậy. Trương Vĩnh Ký đã tham dự nhiều buổi hát ả đào trong chuyến đi này nên ông nhớ cả tên các cô đào trong buổi hát và đúc kết lại trong mục sau:
Nhà trò: “Khi đám tiệc, hội hữu, tôn tế, kỳ yên, chạp miễu, thường hay dựng nhà trò. Nhà trò là con gái đương xuân sắc chuyên tập nghề ca xướng, tục kêu là cô đào. Có đám tiệc thì người ta rước tới hát, thường hát theo ca trù, giặm Thúy Kiều, câu hát, thơ phú hoặc kể truyện. Hát cũng khi ngồi khi đứng, tay nhịp canh, miệng hát nhiều cung bậc, giọng thấp giọng cao ngân nga hay và êm tai lắm; có chú kép ngồi bên khảy cái đờn đáy, lại có người đánh trống nhỏ cầm chầu. Có khi lại đứng bắt bộ múa và hát. Có khách thì chủ đám lại bắt quỳnh tương rượu. Tay bâng chén rượu, miệng hát câu chi, hoặc tình ái, hoặc nhân ngãi, để mời cho khách uống đi. (Câu hát là giọng quỳnh, chén rượu là chén quỳnh tương, tích chén nước Vân Anh đưa Bùi Hàng uống….)
Giọng nhà trò thường là những giọng sau đây: mấu dụng, thiết nhạc, ngâm vọng, tì bà, tắt phản, hát nói, gởi thơ, hùng, hãm, cung bắc, của quyền, non mai, nương hạnh, chữ khi, thơ, thống…”
Cũng vấn đề phong tục, tác giả đã ghi chép khá kỹ, có những điều hậu sinh đã biết, nhưng cũng có nhiều điều nếu không nhờ tác giả thì cũng không hiểu rõ hoặc không ngờ là có. Thí dụ như khi ghi về các trò vui mùa hè, tháng tám âm lịch, tác giả viết: “Dịp ấy thường coi nhà trò, đánh gậy (đánh huờn [1], nghề võ), vật, múa rối cạn (hát hình), múa rối nước, leo dây, bài điểm, cờ người, nấu cơm thi, dệt cửi thi, bắt chạch, tạc tượng, dục (giục) tượng, thảy đều có ăn cuộc ăn đãi cả”.
Dệt cửi không phải là thi dệt nhanh hay khéo, mà là:
“Còn dệt cửi thì làm sàn ra ngoài ao vừa để cái khung cửi, ả chức ra đó ngồi lên dệt, đâm thoi bắt thoi cho liền cho lẹ, nếu trật thoi văng rớt xuống ao thì thua.”
Còn tạc tượng thì ly kỳ hơn nhiều, đáng tiếc tác giả không ghi ở làng nào vùng nào:
“Tạc tượng là bắt một cô đào nhan sắc có duyên đẹp đẽ mặc áo lượt thua rêu, quần lãnh bưởi có ngời ngồi ra tạo giữa giàn làm trên bờ hồ. Trai lãnh chàng đục, đóng khố giấy ra đó làm bộ đẽo chạm, hễ giữ không được thì tâm hoa động, dương vật dậy rách khố mất ăn, khi ấy đâm đầu xuống ao lặn đi đỡ xấu.”
Về địa lý cũng có lúc tác giả làm ta ngạc nhiên. Thí dụ như vào năm 1867, Hà Nội không phải “36 phố phường” như chúng ta đã được nghe kể. Theo Trương Vĩnh Ký thì:
“Thuở xưa còn đô thành thì có 36 cửa ô phường phố, dời nay ra tỉnh thành, phía Đông nam có 21 đường phố tỉnh nhà ngói cả:
1/ Hàng-buồm, Ngõ khách bán sách vở, đồ tàu, thuốc bắc.
2/ Quảng-đông, Minh hương Khách bộ ở.
3/ Hàng-mã bán minh y minh khí.
4/ Hàng-mâm.
5/ Báo-thiên-phố, bán vải đen vải xanh.
6/ Phố-nam hay Hàng-bè, gần đó có chợ hòm, hai bên dân làm thùng cây, thùng tre.
7/ Phố Hàng-bồ.
8/ Hàng-bạc.
9/ Hàng giày, hia.
10/ Hàng mây choại.
11/ Đồng-lạc phố.
12/ Thái-dục phố tức phố Hàng-đào.
13/ Đông Hà phố tức Phố hàng-hát.
14/ Phước-kiến phố, bán đồ đồng, đồ thiếc.
15/ Phố Hàng muối.
16/ Đồng-xuân phố.
17/ Thanh-hà phố.
18/ Hàng gai.
19/ Hà-bao phố.
20/ Hàng-trà.
21/ Quảng-minh-đình phố.
Về dân số, những tỉnh Trương Vĩnh Ký đi qua là những vùng đông dân. Chúng ta thử ghi lại để có một ý niệm về miền Bắc trước khi bị Pháp chiếm. (Nên ghi nhận: Từ “hộ khẩu” đang dùng hiện nay, đã có từ thời đó.)
Hộ khẩu:
Hà-nội: 60.257 tên.
Hải- dương: 43.900.
Nam-định: 70.898.
Thanh-hoá: 51.379.
Ninh-bình: 3192.
Hưng-yên: 160730.
Về ruộng đất và thuế má: Dân số ít quá, so với hiện nay. Bởi thế về ruộng và thuế má cũng không đáng kể. Trương Vĩnh Ký ghi nhận:
Tỉnh | Ruộng | Thuế, lúa | Tiền | Bạc |
---|---|---|---|---|
Hà- nội | 393.066 mẫu | 245.650 đấu | 20.775 quan | 1.276 lượng |
Hải dương | 425.547 mẫu | 260.319 đấu | 54.417 quan | 1.840 lượng |
Nam định | 524.977 mẫu | 470.712 đấu | 229.637 quan | 175 lượng |
Thanh hoá | 292.129 mẫu | 147.252 đấu | 133.679 quan | 515 lượng |
Ninh bình | 132.855 mẫu | 99.044 đấu | 58.339 quan | 7 lượng |
Hưng yên | 200.796 mẫu | 145.517 đấu | 119600 quan | 1.036 lượng |
Về địa danh, tác giả rất kỹ về lịch sử mỗi miền. Thí dụ như Hà Nội, Trương Vĩnh Ký cho biết tên gọi qua các thời đại như sau:
Hùng Vương, Hán, Tuỳ, Đường : Bộ Giao Chỉ.
Đinh: phân làm đạo.
Tiền Lê: phân làm lộ.
Lý: lập đô thành tại đó, gọi là Nam Kinh, sau đổi là Thăng Long.
Trần: Trung Kinh.
Minh (Trong thời tạm chiếm): Đông Quan thành.
Hậu Lê: Đông Kinh, Trung Đô, Đông Đô.
Tây Sơn: Bắc Thành.
Đối với phủ, ông cũng tìm hiểu kỹ như thế. Thí dụ phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội, tên gọi qua các thời đại như sau:
Lê: Phụng Thiên.
Hán: Long Biên.
Tống: Tống Bình.
Minh: Đông Quan.
Hậu Lê: Vĩnh Xương.
Minh Mạng chia làm hai huyện: Vĩnh Thuận và Từ Liêm
Về tổ chức hành chánh, ông ghi đủ chi tiết: Tỉnh có bao nhiêu phủ, phủ có bao nhiêu huyện, huyện có bao nhiêu tổng, tổng có bao nhiêu xã, thôn, phường. Thí dụ: Hà Nội có 4 phủ, 15 huyện (căn cứ theo triều Minh Mạng)
(1) Hoài Đức Phủ:
1/ Vĩnh Thuận.
2/ Từ Liêm.
(2) Thường Tín phủ:
3/ Thượng Phước.
4/ Thanh Trì.
5/ Phú Xuyên.
(3) Ứng Hoà phủ:
6/ Sơn Minh.
7/ Hoài An.
8/ Chương Đức.
9/ Thanh Oai.
(4) Lý Nhơn phủ:
10/ Kim Bảng.
11/ Duy Tiên.
12/ Thanh Liêm.
13/ Nam Xang.
14/ Bình Lục.
Bảng kê trên đây mới chỉ có 14 huyện. Huyện 15 có lẽ là chính Hà Nội (Huyện Hoàn Long)?
Những nhân vật xuất hiện trong du ký của Trương Vĩnh Ký
— Những người lính vô danh:
Ngày 16 tháng giêng âm lịch năm 1876, khi qua tỉnh Bắc Ninh, Trương Vĩnh Ký tình cớ chứng kiến cảnh một đoàn quân Việt kéo vô thành. Tác giả chỉ ghi nhận giản dị có một câu: “Vừa đâu thấy quân gia kéo đỏ đường vô thành; ấy là quân đội nhập thành.”
Không ai hiểu tình trạng hiểm nghèo của Bắc Kỳ hơn Trương Vĩnh Ký, không ai hiểu hơn Trương Vĩnh Ký là nếu đoàn quân mà ông nhìn thấy hôm đó mà thất trận trước Soái phủ Pháp Nam Kỳ – nơi ông đang phục vụ như một viên chức – thì Bắc kỳ sẽ mất, kéo theo sự mất nước của toàn thể Việt Nam. Vậy trong lòng ông thực sự cảm thấy gì? Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi không có ghi gì thêm ngoài câu đó, và báo cáo mật ông gửi Soái phủ Nam kỳ cũng không nhắc thêm…
— Ba người con gái vô danh:
Trong lúc chờ đợi chuyến tàu vô Nam, Tham biện Cù hay đi vắng khỏi nhiệm sở đi săn hoặc cấm phòng, nên nhờ Trương Vĩnh Ký thay quyền lúc vắng mặt. Nhờ đó tác giả có thể chấm dứt du ký của mình bằng một hành động rất là “Lục Vân Tiên”, mô tả trong đoạn văn kết thúc sau:
“Có bữa cụ Thông là cụ địa phận Y Pha Nho đi qua đò vắng nghe tiếng con gái nhỏ sau lái tàu bổng kêu cứu. Cụ biết nó bị quân Ngô bắt, chạy qua Tham biện báo. Ta liền chạy lại thương chánh nói với quan võ túc cho triệt cái tàu ấy lại. Nó không muốn ghé, cho theo bắt. Cho lính xuống soát, nó cự không cho, gặp tây làm chưởng đình kêu cậy xuống với lính mà đem ba đứa con gái lên. Nó khai rõ rằng Ngô bỏ thuốc bắt nó, còn một đứa nhỏ còn mê thuốc chưa dã. Dạy núm co các chú Ngô đem lên đóng gông lại, tịch tàu nó đi. Mượn hai tên lính tây canh tàu. Sau giải về tỉnh Hải Dương trị tội. Lại có gặp chiếc tàu Hồng-mao có quan khâm phái lãnh sự tới đó, lên thăm trên thương chánh, sau có mời xuống coi tàu (tàu tên là Egeria).
Sau hết từ giã quan huyện Tây nam và kẻ quen biết hết cả, ngày thứ 7, 21 tháng 3 (Le 15 Avril), giờ thứ 1 xuống tàu, qua giờ thứ ba chạy ra ngã cửa Cấm, chạy luôn qua ngày thứ hai, giờ thứ 10 vô Vũng Hàn bỏ neo đậu lại; trên Thủ ngữ đem ông trạm xuống; giờ thứ 1 lấy neo chạy ngay về Gia Định, giờ thứ 5 sáng ngày thứ 5 là 26 tháng ba (Le 20 Avril) vào cửa Cần giờ. Giờ thứ 11 lên tới Saigon gieo neo đậu lại, mướn đò chở đồ và người về thẳng nhà. Trong nhà không ai dè, vô tới bến mới hay.”
***
Trong tập ký, du khảo này, Trương Vĩnh Ký đã chỉ làm việc quan sát, ghi nhận một cách khách quan, trung thực những nơi đã thăm viếng về các mặt: Địa danh, số liệu, bút tích, như các câu đối, ca dao, tích truyện, liên quan đến các thắng cảnh, di tích lịch sử. Nhưng những điều ông viết ra trong tập này không phải là tất cả những gì ông ghi chép được trong chuyến đi. Trong những tác phẩm in về sau và những bản thảo chép tay chưa in, có những câu, bài văn học nói chung, văn học dân gian nói riêng xuất xứ từ miền Bắc.
Chẳng hạn những chuyện tiếu lâm về Tú Xuất, về các nhà tu Thiên chúa giáo in trong Truyện khôi hài xuất bản năm 1882, hoặc một số bài thơ, bài vè mà chúng tôi ghi chép lại từ các bản thảo của Trương Vĩnh Ký để lại ở thư viện đường Gia Long cũ ở Saigon, những bài thơ mà có lẽ chưa được ai ghi chép lại, đăc biệt các bài thơ tục mà Trương Vĩnh Ký không bỏ qua, như: Gái chửa hoang, Gái lỡ thì, Gái trách phận, Gái đi tiểu, học trò ve con
thày, Hồ Xuân Hương khi đã giá chồng, Gái hư, Trai với gái đánh cờ bạc đêm, Thợ đúc bà goá, Bà Nữ Oa vá lỗ, Bối cung, Mất chồng nhảy quanh, Thợ hàn lỗ đàn bà, Lấy đao chộc gái, Lo bông lông, Tú Nhi hậu dĩ…
Thực ra, Trương Vĩnh Ký đã đi cả ba miền Trung Nam Bắc và đã ghi rất nhiều truyện, bút tích, văn học dân gian theo đúng phát âm của địa phương, nhất là những chuyện khôi hài, tiếu lâm. Chẳng hạn trong Chuyện khôi hài ông đã chép đúng những lời nói nặng của Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên trong những chuyện tiếu lâm ghi được của miền này.
Dù Trương Vĩnh Ký không nói là mình đi công tác đặc biệt quan trọng, nhưng qua bài ký, cứ xét các nhân vật mà ông đã gặp và thái độ của họ, là những viên chức Pháp, quan lại Việt Nam, các linh mục Thiên chúa giáo, và cả giới thương gia Hoa kiều giàu có, chúng ta cũng có thể đoán ra.
Về phía Việt, có những nhân vật có tên trong lịch sử Việt Nam hậu bán thế kỷ XIX như: Phạm Phú Thứ, Nguyễn Hữu Độ, Trần Đình Túc là các đại thần, ai cũng đón tiếp ông như một sứ giả đặc biệt.
Về phía Pháp và hàng linh mục thiên chúa giáo Pháp cũng vậy: Lãnh sự Pháp tại Hải Phòng M. Ture, lãnh sự Pháp tại Hà Nội M. De Kergaradec, điều lộ Jardon, Giám mục Puginier, các cha Landais, Bonfils của Hà Nội, Ravier, Thorol, Rousein của Ninh Bình… “Đến nhà chung Kẻ Sở thì có các cha cố tới mầng, là: Mathevon, Dumoulin, Bon, Yerreau, Godard, Poligné, Le Page”.
Quan lại cao cấp Việt đón tiếp tác giả một cách ân cần long trọng, coi Trương Vĩnh Ký cũng như là đại thần như họ. Thương chánh đại thần kiêm Tổng đốc Hải Dương-Quảng Yên Phạm Phú Thứ giữ lại ăn tết linh đình thì dễ hiểu, vì tác giả có mặt trong phái bộ đi Pháp do Phan Thanh Giản cầm đầu; nhưng Tổng Đốc Hà Nội Trần Đình Túc, đã ngoài 70 tuổi, cũng “trong thành ra, đi tiền hô hậu ủng” đến nơi tác giả tạm trú. Khi đến Nam Định, thì: “Trong tỉnh quan Tổng đốc là Nguyễn Trọng Hiệp đã đi hồi khuya có việc gấp rồi. Còn ông Nguyễn Đức Trạch là quan bố chánh, và ông Nguyễn Tải là quan Án sát ở nhà. Các quan cứ lời ông Tổng đốc dặn, cho một ông đội, một ông thông phán và 10 tên lính ra hầu.”
Còn các chức sắc Thiên chúa giáo Pháp xôn xao và đến gặp Trương Vĩnh Ký trong khi ông chỉ là một tín đồ Thiên chúa giáo và viên chức người Việt của Soái phủ Nam kỳ Pháp, hẳn là họ phải có lý do.
Tất cả các điều ấy phải có lý do xuất phát từ nhiệm vụ không chính thức Soái phủ Sài gòn đã trao cho Trương Vĩnh Ký. Nhiệm vụ này có tính chất mật đến nỗi những người Pháp còn không rõ, họ phải dùng cách gián tiếp để tìm hiểu. Ngay chính một người Pháp viết tiểu sử Trương Vĩnh Ký, ông Jean Bouchot (trong Un savant et un patriote Cochinchinoise Petrus Trương Vinh Ky, 1837-1898, Saigon. Ed. Nguyen văn Cua, 1927, 3è ed), cũng phải mở sổ lương bổng ra, thấy Trương Vĩnh Ký đã nhận một lần 3 tháng lương quý 1/1876 để xác nhận ông là viên chức đi công tác, chứ không phải đi chơi mà thôi.
Ông Jean Bouchot đã tìm ra và đăng nguyên văn trong cuốn sách đã dẫn bản báo cáo của Trương Vĩnh Ký gửi Đề Đốc Thống Đốc Nam Kỳ ngay sau khi đi Bắc Kỳ về. Chính bản báo cáo này cho thấy Trương Vĩnh Ký đã đưa ra những nhận xét về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở miền Bắc. Bản báo cáo đề ngày 28/2/1876, gửi cho đề đốc Dupré qua ông Reynault de Premesnil, tham mưu trưởng.
Mở đầu Trương Vĩnh Ký nhắc tới mục đích yêu cầu của chuyến đi và tường trình tình hình chính trị ở Bắc Kỳ. Trước khi làm việc này, ông xin phép lược tóm chuyến đi đã qua những nơi nào, gặp những ai, được đón tiếp như thế nào, và không quên lưu ý tầm quan trọng của mỗi địa phương. Chẳng hạn Thanh Hoá là cái nôi của triều đình hiện nay và của triều đình trước đó, hoặc dãy núi Ninh Bình có thể có mỏ kẽm.
Sau đó ông cũng xin phép được bày tỏ thái độ trí thức của mình: Nói thẳng, nói thực trong việc trình bày các sự kiện và cảm tưởng của mình vì tôn trọng phẩm cách của người cầm quyền yêu cầu mình, tôn trọng phẩm cách của chính ông là người thực hiện yêu cầu trên.
Đi vào nội dung vấn đề, trước hết ông đề cập tới tình hình tôn giáo: Ông nói ông không muốn dài dòng về những căng thẳng giữa các giáo sĩ bản xứ và giáo quyền (chỉ các linh mục, giám mục người Pháp), vì ông ít được thông báo về điểm này. Nhưng ông nói ông rất khổ tâm trước cách thảm hại của những đố kỵ tôn giáo. Người Công giáo và không Công giáo thù ghét nhau một cách trầm trọng và trong những biến cố vừa qua, nếu các nho sĩ và người Lương đã phạm những tội ác kinh hoàng thì sự thật là các người Công giáo không thua gì họ trong việc trả thù. “Trong những buổi thăm viếng giáo quyền, tôi đã nói với họ về những lo ngại của tôi bằng cách làm cho họ hiểu những tác hại do hành động thiếu khôn ngoan của một số người Công giáo gây ra. Tôi còn nghĩ rằng hàng giáo sĩ đã đi quá xa, để bảo vệ quyền lợi của mình trong việc cứ nhất định đòi những bồi thường thiệt hại trước một thái độ rất đúng đắn và vô vị lợi của nhà cầm quyền không công giáo đôi khi bị đau khổ vì những bạo hành do những người công giáo xấu gây ra. Ở đây tôi chỉ kể ra trường hợp quan đầu tỉnh Nam Định đã chứng kiến cảnh làng sinh quán của ông bị cướp phá đốt cháy và nhiều người trong gia đình bị chết vì bạo hành của người công giáo. Nhưng thôi tôi xin phép không nói nữa các cách thảm hại những chiến tranh tôn giáo”.
Sau đó ông thú nhận tình hình mà ông sắp trình bày thật đáng buồn lòng khi ông thấy cảnh lầm than của dân chúng Bắc Kỳ. Ông nói ông đã nghiên cứu cẩn thận xã hội miền Bắc ở nhiều cấp bậc và ông cảm thấy một nỗi niềm thương xót vô cùng.
Ông đã trao đổi nhiều với những viên chức chính và nhận thấy hầu hết đều chán chường với vị trí, chức vụ mà họ phải tuân giữ một cách nô lệ, những phong tục, nề nếp cổ hủ đi ngược lại đà tiến bộ của tư tưởng và yêu cầu cởi mở của các quan lại trong các quan hệ với người nước ngoài. Tóm lại, các viên chức đều có xu hướng thiên về cải tổ, tiến bộ. Trương Vĩnh Ký nhận xét:
“Không thiếu những quan lại thông minh, có tài cai trị đã hiểu rằng lối thoát nằm ở một cuộc thay đổi toàn diện chính sách của triều đình. Họ đã chiến đấu bằng tất cả niềm tin và khả năng để xoay đổi hướng chính trị của triều đình, nhưng tới nay họ vẫn là phe yếu. Thứ mà phe bảo thủ đã đẩy ông này từ triều đình ra Bắc kỳ. Phạm Phú Thứ mà tôi được biết, đã dâng biểu về triều, đề nghị các biện pháp và các cải tổ thích ứng với nhu cầu hơn là các sai lầm cố cựu của nền hành chánh cũ. Ngay cả các vị thượng thơ cũng nhấn mạnh theo chiều hướng này. Nhưng nhà vua, bị khống chế bởi triều đình và sợ đi xa các nguyên tắc tổ chức cổ truyền của vương quốc, đã ngần ngừ rồi sau cùng bỏ qua không xét. Các thượng thư muốn từ chức nhưng nhà vua đã yêu cầu ở lại tại chức”.
Nhưng về phương diện hành chánh, tệ tham nhũng hối lộ khá trầm trọng, lý do chính là vì các quan lại không đủ sống bằng đồng lương, buộc phải nhận quà cáp, đặc biệt là trong những việc cấp giấy phép cho buôn bán, thuyên chuyển, đi lại… Và Trương Vĩnh Ký ghi nhận là chính những thương gia người Hoa nuôi dưỡng quan lại.
Còn tình hình dân chúng gồm những người thợ, làm ruộng thì sao? Họ nghèo cực khốn cùng vì không có gì ăn, cũng như không có việc gì làm. Sự lầm than này ở khắp mọi nơi và ở đâu cũng vang lên những đòi hỏi cải tổ để có một nền hành chánh có khả năng bảo đảm trật tự, tài sản, làm cho thương mại kỹ nghệ phát đạt và do đó lôi kéo dân chúng ra khỏi vực sâu đói nghèo mà họ đang cảm thấy đưa họ đến chỗ chết.
Nguyên nhân vì sao? Có phải vì thiên nhiên bạc đãi? Theo Trương Vĩnh Ký không phải như vậy. Miền Bắc không thiếu gì tài nguyên, có thể so sánh với nước Pháp, hay ít ra với Algérie, đủ làm cho xứ sở phồn thịnh. Đất rất thuận lợi cho việc trồng trọt nhiều loại. Những thí nghiệm trồng nho và lúa mì rất có hứa hẹn. Do đó Trương Vĩnh Ký kết luận: Dân chúng xứ này chết đói trên một giường vàng.
Nhưng xét về phong tục, tính tình, thì có lẽ dân chúng đáng chịu những khổ hạnh. Người dân hiền lành, chăm chỉ nhưng lúc nào cũng lo sợ, sống trong tình trạng bất an vì sự ức hiếp hay vì chiến tranh, nên không tin tưởng và trung thành với những người lãnh đạo mới và vì thế dễ tin theo những người nổi lên kêu gọi họ. Những người này thực ra chỉ là những bọn phiêu lưu, nên cuối cùng thất bại, họ lại tin ở những người khác mặc dù đã bị lừa bịp. So sánh tình hình miền Bắc với miền Nam, thật dễ hiểu dân chúng miền Bắc thèm muốn được số phận của dân chúng Nam kỳ.
Thái độ đối với nước Pháp thì sao? Trương Vĩnh Ký ghi nhận: Các quan thường hỏi ông nước Pháp có ý định xâm chiếm Việt Nam không? Ông trả lời không vì đã có những thỏa hiệp về thương mại có lợi cho cả đôi bên. Sự có mặt của các lãnh sự quán Pháp với các đồn canh ở Bắc Kỳ đã là một bảo đảm an ninh cho dân chúng trong vùng không sợ bị bọn Tàu ô cướp biển hoành hành dọc duyên hải. Các quan cũng hỏi nên xử trí thế nào với người Pháp để có lợi tối đa? Trương Vĩnh Ký trả lời: các vị đều biết rõ nếu người Pháp muốn chiếm xứ này thì họ đã làm từ lâu và thật dễ dàng, vì các vị cũng thấy rõ là mình yếu, do đó nên có thái độ cộng tác thẳng thắn, chứ không nên chìa một tay ra bắt, còn tay kia thì giấu đi để thọc người ta.
Trương Vĩnh ký kết luận: Nói chung hầu hết các viên chức đều ưng theo những tư tưởng mới, mong muốn cải tổ, nhưng tập tục truyền thống còn chi phối nặng nề. Trương Vĩnh Ký cũng xác nhận triều đình Huế thật bất lực không thể cải tổ được nếu không có sự tiếp tay của nước Pháp.
Một vài nhận xét:
Trong chuyến đi thăm và quan sát miền Bắc, điều trước hết đập vào mắt Trương Vĩnh Ký là tình hình đố kỵ, chiến tranh tôn giáo, một điều ông không thấy ở miền Nam. Các sách sử do người công giáo miền Nam chép đều cho thấy ngay trong cả thời kỳ cấm đạo nghiêm ngặt, người Lương thường che giấu, đùm bọc người công giáo, còn các quan không muốn xét xử, tìm cách giảm tội hay tha tội những người công giáo bị bắt vì theo đạo. Những vụ đối xử tàn bạo như vụ thảm sát ở Bà Rịa đều do quan quân gốc người Bắc, Trung vào gây ra. Những người công giáo Bắc, Trung bị khủng bố chạy vào Nam đều được đón tiếp chăm lo.
Về tình hình chính trị, Trương Vĩnh Ký nhận xét :
Dân chúng đói khổ, bị bóc lột áp bức, lầm than cơ cực không phải vì thiên nhiên không ưu đãi mà vì một chế độ chính trị. Chính chế độ bất lực không cải tổ được guồng máy hành chánh quan liêu đã làm hư hỏng lớp quan lại và vì tự bản thân họ đều chán ngán vai trò của mình, tha thiết muốn có cải tổ, tiến bộ nhưng sự bất lực từ trên, và vì nhu cầu sinh sống, họ đành cam phận để khỏi mất địa vị và bị đẩy vào sa đoạ, bởi đồng lương không đủ sống, đôi khi còn phải đợi hai ba năm mới được trả lương. Giới Hoa thương, giới trung gian nuôi sống giới quan lại bằng cách đóng góp, chia chác lợi nhuận với các quan lại đưa tới tình hình như Trương Vĩnh Ký mô tả:
“Kẻ có lợi nhuận thì run sợ cho số tiền mình cất giấu, thương gia thì lo lắng cho công cuộc làm ăn gần như che giấu của mình, kỹ nghệ gia thì lo cho các cơ sở sản xuất của mình vì tất cả tài sản đều là miếng mồi ngon cho cả một hệ thống viên chức tham tàn”.
Dân chúng bị áp bức bóc lột, mong muốn có một chính quyền đảm bảo an ninh để làm ăn, nhưng chịu cam phận vì bị lừa dối từ nhiều kẻ nổi dậy làm khởi nghĩa thực sự chỉ là một bọn phiêu lưu cơ hội.
Đối với người Pháp, họ biết rất rõ không thể chống lại bằng quân sự, nhưng con đường hợp tác cũng không phải dễ vì đụng độ với thế lực bảo thủ cố chấp của một số quan lại có thần thế trong triều đình làm tê liệt cả ý muốn thay đổi của nhà vua và các cận thần cởi mở khác. Bức tranh miền Bắc mà Trương Vĩnh Ký phác hoạ trong bản báo cáo khá trung thực, chính xác. Những nhận định phê phán của ông vượt khỏi lãnh vực những hành động các cá nhân, cho thấy những yếu tố cấu tạo tình hình đen tối là: Một thế lực chính trị, một truyền thống thủ cựu nặng nề và một tâm lý dân chúng thụ động, cam phận…
Ở đây, chưa phải chỗ trình bày đầy đủ và nhận định về thái độ chính trị của Trương Vĩnh Ký, một thái độ xuất phát từ chỗ xác nhận không thể chống Pháp bằng vũ lực, nên tạm thời hoà hoãn. Cộng tác, thoả hiệp ngay từ đầu khi người Pháp chưa có ý định xâm chiếm hẳn thì chỉ phải nhượng bộ ít hơn là về sau này cứ vừa đánh vừa đàm, một tay chìa ra bắt còn một tay kia ngấm ngầm phá như Trương Vĩnh Ký đã ghi. Cho đến khi Tây định xâm chiếm thực sự, thì phải nhượng bộ nhiều hơn và hầu như là mất tất cả, vi lúc đó cũng vẫn không thể chống cự được bằng vũ lực. Nhưng vai trò trung gian của Trương Vĩnh Ký chấm dứt rất nhanh chóng vì ông bị những người rất có thế lực ở cả hai phía chống lại đường lối trên, và vì ông không phải là nhà chính trị, nên chán nản, tự ý rút lui ngay, trở về với việc làm văn hoá [2].
Trích Chương VI trong HỒ SƠ VỀ LỤC CHÂU HỌC
Chú thích:
[1] huờn, đúng ra là quờn (trại âm của (múa) quyền. Ông ghi theo phát âm nên bị nhầm.
[2] Chúng tôi đã trình bày riêng trong một tập biên khảo về Trương Vĩnh Ký. Xem: Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký, nhà văn hoá. Hà Nội: Nxb. Hội nhà văn, 1993.
Nguồn bài đăng