18/06/2018, 17:06

Đằng Ngoài dưới thời Trịnh Tráng

Cochinchine et Tonkin- Charles Douniol, Paris, 1858, tr. 389-395 Nguyễn Khắc Xuyên Đàng ngoài vào năm 1626 Năm 1626 là cao đỉnh của tình hình căng thẳng giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, giữa Bắc Hà và Nam Hà, giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Về phía Cao Bằng thì tạm yên. Năm ...

image_1

Cochinchine et Tonkin- Charles Douniol, Paris, 1858, tr. 389-395

 Nguyễn Khắc Xuyên

Đàng ngoài vào năm 1626

Năm 1626 là cao đỉnh của tình hình căng thẳng giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, giữa Bắc Hà và Nam Hà, giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Về phía Cao Bằng thì tạm yên. Năm 1623 nhân việc nước có đại tang Trịnh Tùng mất, Mạc Kính Khoan cầm quân dấy loạn, nhưng Trịnh Tráng [1] đem quân đi dẹp được. Trái lại giữa hai bên, bắt đầu có tranh chấp lớn.

Toàn Thư và Cương Mục không nói gì, nhưng Thực Lục tiền biên viết:

“Năm giáp tý, Trịnh Tráng nhà Lê sai Công bộ thượng thư Nguyễn Duy Thì và nội giám Phạm Văn Trị đến đòi thuế đất. Chúa triệu hai người ấy bảo rằng: ‘hai xứ Thuận Quảng liền mấy năm không được mùa, dân gian túng đói, vì thế không nỡ thu thuế. Khi khác được mùa sẽ nộp cũng chưa muộn’. Sứ Trịnh không nói sao, bèn từ biệt về”. (Đó là năm 1624) (Thực Lục tiền biên q.2, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB Sử học Hà Nội, 1962, tr.51).

Đây chỉ là một lý do thoái thác, không muốn thần phục chúa Trịnh. Trong khi đó chúa Nguyễn thu phục nhân tài và củng cố doanh trại để đương đầu với chúa Trịnh.

Sang tới năm 1626, Toàn Thư và Cương Mục vẫn không nói gì, nhưng Thực Lục chép: “Bính dần năm thứ 13 (1626) mùa thu tháng tám, Trịnh Tráng sai thái bảo Nguyễn Khải và thiếu bảo Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân đóng đồn ở xã Hà Trung (thuộc huyện Kỳ Anh) làm kế xâm lấn miền Nam.”

Rồi “mùa đông tháng 10, Trịnh Tráng sai Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bảo vâng sắc dụ vua Lê đến đòi số thuế từ năm Giáp tý về sau và mời chúa đến Đông Đô.” (Sd, tr.52)

Nhưng Nguyễn Phúc Nguyên từ chối không chịu nộp. Ông hậu đãi sứ giả rồi cho về.

Tình hình căng thẳng như vậy, thế mà giáo sĩ Baldinotti vì nhiệt tình truyền giáo, khi thấy mình không biết tiếng để có thể truyền giáo cho người bản xứ được, thì đã sai lầm lớn, mặc dầu cũng đã biết sự nguy hiểm, phái người kín đáo cầm thư từ Bắc đưa vào Nam để xin sai người thông thạo tiếng ra Bắc truyền đạo.

Mặc dầu đã hết sức bí mật nhưng sự việc đã bại lộ. Trong bản Tường trình, Baldinotti không nói tới việc đưa thư vào Nam. Ông chỉ nói đã có người vu cáo với nhà chúa. Đó là một người Hồi thù địch của người Bồ. Hẳn là có sự cạnh tranh giữa người Hồi và người Bồ, nhưng nếu không có việc đưa thư trên đây thì chắc cũng không thể xảy ra vụ đáng tiếc mà Baldinotti kể như sau:

“Nhưng tức giận vì bị trục xuất khỏi xứ này và thấy đã chớm mở một công cuộc truyền giáo mới khởi sự, ma quỷ nhất định ngăn cản, qua trung gian một người Hồi, người này phao tin vu khống cho người Bồ, trong những tin đó có tin vu cho người Bồ làm gián điệp cho chúa Đàng Trong, thù địch của chúa Đàng Ngoài. Nó còn vu cho thuyền trưởng người Bồ đã nhận của chúa Đàng Trong một món tiền lớn. Vì những tin bày đặt mà người Hồi này một đàng tìm cách báo thù mấy người Bồ, đôi bên có sự bất hoà, và đáng khác để chiếm đoạt những đồ vật của người Bồ còn lại khi bị trục xuất vì là gián điệp hay kẻ gian.

Chúa không để ý tới kẻ vu khống, vì chúng tôi viết bài tường trình để tự thanh minh cho chúng tôi và vì có người họ hàng gần với chúa, người này đã quen biết người Bồ ở nhiều nơi, nên ông đã cho chúa biết thực hư, nhưng cũng chưa đủ để chúa yên tâm hoàn toàn. Chúa muốn cho chúng tôi phải thề là không còn tới Đàng Trong và không gặp chúa thù địch, trái lại là bạn tốt và trung thành với chúa.”

Baldinotti viết trong bản Tường trình của mình như thế. Còn De Rhodes trong Lịch sử Đàng Ngoài thì lại khác. Ông viết:

“Tất nhiên cha không phải không biết có sự thù địch giữa hai chúa làm cho việc di chuyển các cha từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài thêm khó khăn. Cha còn ngại nếu chúa Đàng Ngoài biết có sự trao đổi thư tín của chúng ta từ xứ này qua xứ kia thì ngài đâm nghi ngờ có mưu cơ bí mật nào giữa chúng ta và chúa Đàng Trong, mà ngài biết từ lâu đã liên kết với người Bồ. Sau khi đã trao phó mọi sự thành công trong việc này cho Thiên Chúa thì cha hết sức giữ bí mật sai một sứ giả và hứa trả công rất hậu, đem thư viết cho cha Gabriel de Matos lúc ngày giữa chức vụ Kinh lý Đàng Trong. Cha cho biết trong khắp xứ Đàng Ngoài người ta rất sẵn sàng nhận hạt giống đức tin…”

Mà vì có khó khăn và nhất là có nguy cơ nếu thợ nào đi thẳng từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, bởi vì giữa hai chúa có sự chia rẽ và hai bên đang sửa soạn giao chiến sắp tới đây, nên cha nhắn người nào trong chúng ta được chọn làm việc này thì nên rẽ về Macao phía Trung Quốc, rồi mới từ Macao tới Đàng Ngoài để tránh cho người Đàng Ngoài khỏi nghi ngờ về việc đến lãnh thổ họ.” (De Rhodes, Lịch sử Đàng Ngoài q.2 ch.2)

Kết quả, một đàng cha De Rhodes được cử ra Đàng Ngoài, nhưng trước khi đem ra thi hành thì phải về Macao đã, và đàng khác Baldinotti bị vướng vào vụ “nghi ngờ làm gián điệp cho chúa Đàng Trong” và vì thế chúa Trịnh Tráng bắt tất cả phái đoàn người Bồ phải thề trung thành, như có kể trong bản tường trình. Nhịp cầu sau đó được nối lại và thịnh tình của Trịnh Tráng còn nguyên vẹn vì một đàng ông tin vào lời thành thực của phái đoàn và đàng khác ông vẫn muốn giữ liên hệ để thông thương buôn bán. Dẫu sao, người Bồ vẫn phải rất thận trọng. Baldinotti viết tiếp: “Chúa rất có thể còn giữ chúng tôi mấy tháng nữa nếu cần, chỉ vì sợ chúng tôi vào Đàng Trong”.

Cái chết của Trịnh Tùng năm 1623

Trong bản Tường trình, nhân dịp có lễ giỗ Trịnh Tùng là thân phụ Trịnh Tráng, Baldinotti viết: “Có lần tôi thấy năm trăm chiếc hội lại để dự lễ giỗ đức thân phụ chúa đương thời (23), vị này mấy năm trước đây đã do người con út ám sát vì muốn tranh ngôi báu, nhưng người em út này lại bị người anh cả giết đi, đó là vị chúa đương thời, vị thế tử đích thực và nối ngôi trị nước.”

Thực ra sử của ta không ghi là Trịnh Tùng bị con là Trịnh Xuân ám sát và cũng không nói là Trịnh Xuân bị Trịnh Tráng là anh giết đi. Toàn Thư viết khá tỉ mỉ về vụ này (bản kỳ q.18, bản dịch tập 4, tr.248-249). Cương Mục viết vắn tắt:

“Tùng mắc bệnh, họp trăm quan bàn chọn người lập làm thế tử, cho con trưởng là Thanh quận công Trịnh Tráng giữ binh quyền, Xuân giữ chức phó. Xuân ấm ức không hài lòng, định mưu nổi loạn, hắn bèn phóng lửa đốt nhà cửa phố xá trong kinh thành. Tùng hay tin có biến động, gượng bệnh lên xe ra khỏi kinh thành, đến làng Hoàng Mai huyện Thanh Trì, vào nhà riêng Trịnh Đỗ, rồi sai người giả vờ bảo Xuân vào hầu sẽ cho giữ binh quyền. Bấy giờ Xuân, miệng cắn cỏ, phủ phục ở sân, Tùng kể tội lỗi của Xuân. Trịnh Đỗ sai chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm dùng giáo giết chết Xuân. Vì cớ con là Xuân nổi loạn, Tùng phải chạy vạy ở bên ngoài bệnh nặng, mất ở chùa Thanh Xuân”. (Sd. chb.31, 18-19).

Thực lục cũng chỉ kể vắn tắt, nhưng có thêm một vài chi tiết về cảm tưởng của chúa Nam Hà và những dự tính trong dịp đại tang của Bắc Hà này:

“Quý hội năm 10 (1623), mùa hạ tháng 6, Trịnh Tùng nhà Lê bệnh nặng, con thứ của Tùng là Xuân nổi loạn, phóng lửa đốt Đông Đô, bức dời Tùng đến quán Thanh Xuân (ở huyện Thanh Trì). Tùng chết ở dọc đường. Con trưởng là Tráng lên nối, lập vợ là Ngọc Tú làm Tây cung. Chúa nghe tin Tùng chết, bảo các tướng rằng: ‘Tùng không biết có vua, Xuân không biết có cha, đạo trời báo ứng, thật chẳng lầm vậy’. Rồi sai bắn 3 phát súng và kêu 3 tiếng.” (Thực lục q.2, Sd tập 1, tr.50).

Dự tính của triều thần chúa Nguyễn là đem quân nhân dịp này đi đánh, nhưng chúa cho như vậy là không có tinh thần thượng võ, trái lại vì hai bên là thông gia, chúa cho người đi phúng viếng và nhân thể dò la tình hình đất Bắc.

Cương Mục và Thực Lục không nói tới ngày mất của Trịnh Tùng, chỉ nói về tháng, đó là tháng 6 âm lịch tức vào tháng 7 dương lịch. Và như Baldinotti đã viết, ông tới Đàng Ngoài mồng 7 tháng 3 và bỏ đất Bắc ngày 11 tháng 8 năm 1626. Như vậy, Baldinotti là chứng nhân trong ngày giỗ chúa Trịnh Tùng, tháng 6.

Xứ Đông Kinh

Trong tình hình đất Bắc lúc này khá căng thẳng, Baldinotti và một thầy trợ sĩ người Nhật tên là Giuliô Piani đã theo đoàn thương gia người Bồ tới Đông Kinh, thủ đô nước Đại Việt ta.

Thực ra người ngoại quốc chưa biết quốc hiệu chính thức của ta. Họ nói với nhau là đi Đông Kinh, Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay), đối với họ còn có nghĩa là đến xứ Bắc hay Đàng Ngoài. Baldinotti viết:

“Xứ Đông Kinh được gọi theo một thành phố cùng tên, nơi chúa ngự.”

Thủ đô nước ta từ năm 1010 đời Lý đã được gọi là Thăng Long, tới đời Lê, Thuận thiên năm thứ 1 (1421) thì gọi là Đông Đô, còn Thanh Hoá là Tây Đô. Tới Canh tuất năm thứ 3 (1430) thì “đổi Đông Đô làm Đông Kinh, Tây Đô làm Tây Kinh” (Toàn thư, q.10, Sd tập 3 tr.74).

Bản viết tay ghi Đông Kinh đầu tiên hẳn là bản của Borri vào năm 1621. Ông viết Tunchim trong bản viết tay bằng tiếng Ý. Bản này đã được in thành sách năm 1631. Còn về chữ in thì hẳn phải kể bản của Baldinotti này, bản tiếng Pháp năm 1626 ghi Tunquin (thực ra chúng tôi chưa được coi chính bản bằng tiếng Ý hoặc chính bản bằng tiếng Pháp. Chúng tôi mới chỉ căn cứ vào bản in trong Tạp Chí Viễn Đông bác cổ học mà thôi). Từ ngữ này về sau được dùng qua tiếng Pháp trong thời Pháp thuộc là Tonquin (Bắc Kỳ, Bắc Bộ). Về vị trí thì tác giả viết:

“Phía bắc giáp giới Trung Hoa, phía nam liền với Đàng Trong, phía tây là người Lào và phía đông là biển Trung Quốc. Tính ra chừng một trăm dặm vuông.”

Baldinotti không ghi vĩ tuyến bắc nam như Borri đã làm trong sách của ông hoặc De Rhodes cũng vậy, ông này đã chép rõ vĩ tuyến về phía bắc và phía nam của Đông Kinh.

Khi nói về quyền hành của chúa Đàng Ngoài thì Baldinotti viết:

“Vua xứ Đàng Ngoài đứng đầu chính lãnh thổ, có ba quốc vương đến triều cống đó là vua xứ Lào, chúa Đàng Trong và vua Cao Bằng. Còn chính ngài thì phải triều cống Trung Quốc, mỗi năm cống ba tượng vàng và ba tượng bạc.”

Có một điều thiếu sót trong bản Tường trình, đó là tác giả không nói tới cái chế độ vua Lê chúa Trịnh ở đất Bắc thời bấy giờ. Ông chỉ nói về một người có thực quyền là chúa Trịnh Tráng mà thôi.

Chúng tôi chưa thấy rõ “chín lãnh thổ” ở đây gồm những tỉnh nào. Theo bản đồ của De Rhodes năm 1651, người ta thấy có ghi: Kẻ Bắc (Kinh Bắc), Kẻ Đông (Hải Dương), Kẻ Tây (Sơn Tây), Kẻ Nam (Sơn Nam), Thanh Hoá, Nghệ An và Bố Chính, tức 7 tỉnh. Còn theo Baldinotti thì Cao Bằng và Đàng Trong, tức Nam Hà, thì được kể như nước ít ra tự trị và phải triều cống xứ Bắc. Hay là chúng ta hiểu chín lãnh thổ nếu thêm vào đó hai tỉnh Thuận Hoá và Quảng Nam (Thuận Quảng)?

Về lệ triều cống Tàu, sử của ta viết:

“Đinh mùi (1427), mùa đông tháng 11… đến đây sai… đem tờ biểu và sản vật địa phương (tượng người vàng thay mình hai pho, lọ hương bạc một chiếc, bình hoa bạc một đôi, lụa thổ 300 tấm, ngà voi 14 đôi, hương xông áo 20 lọ, hương nén 2 vạn nén, trầm hương, tốc hương 24 khối.” (Toàn Thư q.10, Sd tập 3, tr.49).

Cương Mục ghi trong lời chú giải tức lời chua về những lễ phẩm cống nhà Minh như sau:

“Sản vật địa phương: người vàng thế mạng 2 pho, lư hương bằng bạc 1 chiếc, bình hoa bằng bạc 1 đôi, lụa ta (thổ quyến) 30 tấm, ngà voi 14 đôi, hương xông (huân hương) 12 bình, hương vòng (tuyến hương) 20.000 vòng, trầm hương và tốc hương 24 cân”. (Cương Mục, chb.24, 14)

Đó là khởi đầu việc triều cống khi Lê Lợi lên nắm chính quyền. Về sau hẳn cũng có thay đổi trong lệ triều cống. Baldinotti nói tới “ba tượng vàng và ba tượng bạc”. Có thể ông chỉ nghe người ta nói, cũng như về vụ tương tàn của anh em họ Trịnh kể trên. Sách vở lúc đó đâu có dễ dàng như ngày nay.

Thành Đông Kinh, Hà Nội ngày nay

Chúng ta rất ít có tư liệu nói về Kẻ Chợ hay thủ đô nước Đại Việt vào đầu thế kỷ 17. Baldinotti viết:

“Kinh thành ở vào vĩ tuyến hai mươi mốt. Khí hậu rất nóng khi không có gió thổi, nhất là vào tháng sáu. Kinh thành không có tường không có luỹ. Trong phủ chúa có nhà lợp ngói và xây gạch lớn, ngoài đó ra thì chỉ bằng thứ cây sậy của xứ này gọi là tre, mái lợp gianh và không có cửa sổ. Trong thành có nhiều hồ lớn để có thể giập tắt đám cháy cách nhanh chóng, có những vụ hỏa tai thiêu trụi tới năm sáu ngàn mái nhà, nhưng sau đó bốn năm ngày lại dựng được ngay. Vòng quanh thành chừng năm sáu dặm và dân cư thì rất đông.”

Trong mấy dòng chữ vắn tắt, Baldinotti đã cho chúng ta biết rõ Kẻ Chợ của ta hồi đó. Đặc biệt ở đây ông ghi rõ vị trí của kinh thành vào vĩ tuyến 21, điều mà ông không đề cập tới khi định vị trí của xứ này.

Về khí hậu, thật không còn gì đích đáng bằng. Những ai ở Hà Nội đều biết cái nóng thiêu đốt vào những tháng hè, tháng sáu và tháng bảy. Người Âu Châu đến xứ ta vào đầu thế kỷ 17 này, họ đều sửng sốt khi thấy đô thành của ta như thể một thành bỏ ngõ cửa. Bởi vì trong nước họ, các thành trì lớn và quan trọng, thường có thành luỹ bao bọc, được xây bằng đá tảng rất kiên cố.

Thực ra, kinh thành của ta thời xưa cũng có luỹ cũng có tường, như sử sách có ghi chép. Đó là thành Đại La mà ngày nay còn giữ được tên gọi và một chút dấu vết.

“Bính tuất (866), tháng 11, Biền giữ phủ xưng vương, đắp La thành vòng quanh là 1982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng hai trượng 5 thước, tường nhỏ trên bốn mặt thành cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường đi bộ 34 sở. Lại đắp đê vòng quanh 2125 trượng 8 thước, thân cao hơn một trượng 5 thước, chân rộng 2 trượng. Lại làm hơn 40 vạn gian nhà” (Toàn thư, ngoại kỷ, q.5, Sd, tập 1, tr.140-141).

Cương Mục tb.5, 10 cũng ghi tương tự. Đến thời nhà Lý, có nói tới xây đắp Thăng Long thành, nhưng hình như chỉ là kiến thiết hoàng thành nơi nhà vua ở mà thôi. (Toàn Thư bản Kỷ q.2, Sd, tập 1 tr.191)

Tới thời Hồng Đức, Đinh Dậu năm thứ 8 (1477) Toàn Thư chỉ ghi vắn tắt là vào tháng 2 “xây thành Đại La” (Sd tập 3, tr.235). Cương Mục nói dài hơn vài ba chữ: “Đinh dậu, năm thứ 8 (1477) (Minh năm Thành Hoá thứ 13), tháng 2 nhuận, mùa xuân. Đắp thành Đại La cho kiên cố thêm”.

Và ở lời chú giải, người ta lại nhắc tới Tiền biên 5, 10 nói ở trên. Thực ra, thành luỹ của ta hồi đó chỉ là những ụ đất cao, cắm chông cắm nhà, chứ không xây bằng đá tảng kiên cố như những thành luỹ ở Âu Châu cũng vào thời kỳ đó. Ngày nay còn thấy lờ mờ vết tích của thành Đại La kể trên và người ta còn giữ được những đường phố như phố Đại La, đường La Thành.

Còn đền đài dinh thự của vua chúa thời đó, cũng không có gì là nguy nga đồ sộ. Baldinotti chỉ nói sơ lược nhưng hẳn là rất chính xác. Ngoài một số nhà xây bằng gạch, thì chỉ là thứ nhà bằng tre, mái lợp gianh. Theo những hình ảnh người ta còn giữ được từ hồi người Pháp xâm chiếm nước ta, thì thấy Hà Nội ba sáu phố phường không có gì là đặc biệt lắm: một số nhà ngói lẹt đẹt.

Có một điều tác giả để ý đó là nhà không có cửa sổ. Hay là ông có ý nói nhà không có cửa kính cho sáng, vì thực ra lúc đó chúng ta chưa có sản phẩm này. Ngay bây giờ, vào ngưỡng cửa thế kỷ 21, mà ở chốn thôn quê và cả trong một số khu nhà tập thể ở Hà Nội, cửa kính vẫn là một thứ hiếm, có khi còn không có nữa, huống hồ vào cái thế kỷ chúng ta đang nói ở đây. Sử ta vào đời Lý đề cập tới việc xây cất hằng ngàn chùa chiền, nhưng thực ra những cơ ngơi đó cũng rất nhỏ hẹp. Nói ra thì có vẻ lớn lao lắm nhưng trong thực tế thì quá nhỏ hẹp thô sơ, tỉ như chùa Diên Hựu Một Cột danh tiếng. Chùa Diên Hựu ngày nay còn đó, nhưng bé nhỏ khiêm tốn, còn chùa Một Cột chỉ như một đồ chơi cỏn con, so thế nào được với những lâu đài dinh thự hoặc những thánh đường bề thế trong thời Trung cổ Au Châu.

Về các hồ lớn ở thành Đông Kinh thì quả là xác đáng. Thăng Long nằm giữa một vùng xình lầy với nhiều hồ ao mà ngày nay người ta vẫn còn trông thấy. Cạnh hoàng thành cổ về mạn bắc thì có hồ Tây, hồ Trúc Bạch với sông Tô Lịch, về phía Tây thì có những hồ đầm thuộc khu Giảng Võ, xuống về phía Nam thì có hồ Bảy Mẫu, hồ Thuyền Quang. Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm ngày nay ở vào giữa thành phố nhưng thời xưa nó còn ăn lan ra tới bờ sông, đây là nơi thi đua và tập luyện thuỷ quân. Người ta đã đắp ngăn lại, chỉ còn giữ một nửa làm thành hồ Gươm thơ mộng của chúng ta ngày nay.

Còn về nhận xét về những vụ hỏa tai thường xảy ra trong kinh thành thì cũng chỉ là kết luận hiển nhiên của thành phố đông người ở trong những nhà tranh vách ván hay liếp. Borri trong cuốn Tường trình Đàng Trong cũng nhận thấy sự việc này: khi có hỏa tai người ta cho voi đến phá đổ tường và rỡ mái nhà. Và trong một trường hợp xây cất nhà thờ, người ta đã trong một thời gian chưa đầy một ngày đem hết các vật liệu bằng gỗ làm sẵn để lắp ngay trước mắt một ngôi thánh đường bằng gỗ. Lạ hơn nữa, bởi vì vội lắp nên ngôi nhà có vẻ nghiêng, làm cho ngừơi ta phải rỡ ra và lắp lại cho ngay ngắn (Sd bản Việt ngữ Hồng Nhuệ, tr.76-77).

Về sông Hồng hay Hồng Hà nằm ngay cạnh kinh thành, Baldinotti ghi mấy nét độc đáo:

“Có một con sông lớn thuyền bè đi được chảy ra biển xa chừng mười tám dặm, nước sông rất đục, nhưng người ta vẫn uống vì trong thành không có vòi nước, không có giếng, không có bể chứa nước. Một năm hai lần, nước sông dâng lên vào tháng sáu và tháng một, làm ngập một nửa thành phố, nhưng không lụt lâu.”

Tác giả cũng đã ghi, lúc mới tới cửa biển thuộc hải phận nước ta thì đã “qua một con sông chảy từ đất liền dài mười tám dặm.”

“Được tin chúng tôi tới, chúa phái bốn thuyền chiến đón chúng tôi, những thuyền này đi theo chúng tôi suốt khúc sông để hộ vệ chúng tôi khỏi bọn cướp biển.” Rồi “lúc chúng tôi trảy đi ngày 11 tháng 8 có thuyền chiến của chúa tháp tùng cho tới biển.”

Theo bản đồ thì thấy con sông Hồng là đường thuỷ rất tiện lợi. Từ cửa Ba Lạt ngược lên cho tới Hưng Yên, nơi đây các thuyền tàu ngoại quốc dừng lại và người ngoại quốc đã được nhà chúa cho xây cất thương điếm, biến nơi này thành một chốn buôn bán rất sầm uất. Vì thế mới có câu ca dao tục ngữ:

“Thứ nhất Kinh kỳ thứ nhì phố Hiến.”

Phố Hiến là Hưng Yên ngày nay.

Nước sông rất đục, đúng hơn vì chở nhiều đất phù sa nên nước có mầu hồng hồng, đặc biệt về mùa nước lũ từ trên ngàn xa xăm đưa về. Nói tới vấn đề nước uống trong kinh thành, Baldinotti đã so với hệ thống dẫn nước uống ở Au Châu: người ta hẳn đã có bể chứa nước, lọc nước, đã có giếng với máy bơm tay với vòi nước được bắc ở nhiều nơi trong thành phố. Còn chúng ta thời đó, tuy chưa có hệ thống bể nước nhưng cũng đã có giếng mà Baldinotti nói là không có. Chúng tôi thiết nghĩ việc đào giếng tìm nước uống hẳn đã có từ lâu nơi dân tộc ta.

Vấn đề lụt lội vẫn là điều chính quyền thời xưa để ý canh phòng và sông Hồng là con sông có nước lũ lớn rất nguy hiểm vào hai thời điểm Baldinotti đã nói tới. Hệ thống đê điều của ta cũng đã nghiêm chỉnh hoàn bị. Sử ta cũng ghi chép ở một vài nơi:

“Mậu thân năm thứ 17 (1248), tháng 3, sai các lộ đắp đê giữ nước sông, gọi là đê đỉnh nhĩ (quai vạc), đắp suốt từ đầu nguồn cho đến bờ biển để giữ nước lụt tràn ngập. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp vào mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê đỉnh nhĩ bắt đầu từ đây”. (Toàn Thư bản kỷ q.5, sd tập 2 tr.22)

Cương Mục cũng ghi tương tự như trên (Cương Mục, chb 6, 31).

Năm 1503 còn nói tới việc đắp đê sông Tô Lịch, là con sông nhỏ chảy về phía bắc kinh thành để vào sông Hồng. Con sông Tô Lịch ngày nay không còn thông vào sông Hồng vì vào thời Pháp mới chiếm thành Hà Nội, họ đã lấp một phần làm cho sông
không còn dòng nước lớn như ngày xưa.

“Quý hợi, năm thứ sáu (1503) mùa hạ tháng 4, tả thị lang Lễ bộ Dương Trục Nguyên tâu xin đắp đê bên sông Tô Lịch trên từ xã Trát Kiều xuống đến xã Công Xuyên để phòng lụt và hạn, lợi cho việc nông, và khai cừ An Phúc xuống đến xứ cừ Thượng Phúc để tưới nước vào ruộng dân”. (Toàn Thư, q.14, sd tập 4, tr.36).

Cương Mục cũng ghi nhận như trên (chb 25, 12). Tuy vậy, thường thường vẫn có thể có những năm nước sông lên làm lụt lội thành phố, nhưng như Baldinotti nói, “không lụt lâu”.

[1] Trịnh Tráng (1623-1657), tức chúa Thanh Đô Vương. Như sẽ thấy sau, lúc này, để đương đầu với Đàng Trong, Trịnh Tráng cần sự giúp đỡ của ngoại quốc, vì biết quân chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng đã được một lực lượng về võ khí đáng kể do người Bồ cung cấp. Miền Nam tiếp xúc sớm hơn miền Bắc với người Bồ.

Nguồn bài đăng

0