18/06/2018, 17:06

Bàn về người thân của Trần Quốc Tuấn- Bài 1

Thiên Thành công chúa- tranh của Phan Thanh Nam Đặng Thanh Bình (1) Toàn thư chép: “Tân Hợi [1251] Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương, con trai Yên Sinh vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn (…) Trước đó, vua cho công chúa Thiên ...

thien thanh cong chua

Thiên Thành công chúa- tranh của Phan Thanh Nam

Đặng Thanh Bình

(1) Toàn thư chép: “Tân Hợi [1251] Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương, con trai Yên Sinh vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn (…) Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo vương [Nhân Đạo vương là cha của Trung Thành vương] Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa mà thông dâm với nàng. Công chúa Thụy Bà [chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con] Liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu”.

Toàn thư chép: “Đinh Dậu [1237] Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc, nhân đất được phong mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh vương”.

Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục của Trần Nhân Tông có bản dịch giải của tác giả Lý Việt Dũng viết: “Thượng sĩ là con đầu lòng của Khâm Minh Từ Thiện đại vương và là anh cả của hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi đại vương mất, hoàng đế Thái Tông cảm nghĩa, phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh vương [Thượng Sĩ] thọ 62 tuổi. Bấy giờ nhằm đời Trùng Hưng thứ 7, năm Tân Mão, tháng 4 ngày mồng 1”.

Toàn thư chép: “Ất Mão [1315] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hễ ai cùng tên đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ, Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh vương [con trưởng của An Sinh vương] Lại các tên của chú bác, cô cậu khi nói đến vẫn kiêng cả”.

– Như vậy Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, cháu nội của Thái Tổ Trần Thừa, con nuôi cũng là cháu ruột gọi công chúa Thụy Bà bằng cô, anh trai cả là Tuệ Trung thượng sĩ, có vợ là trưởng công chúa Thiên Thành. Công chúa Thiên Thành là ai ?

Trong bài Các công chúa của vua Trần Thái Tông của tác giả Bùi Văn Tam đăng trên Tạp chí xưa và nay viết: “Thôn Tiền xã An Lạc huyện Thiên Bản [Tam Thanh, Vụ Bản] có đền thờ Trần Quốc Tuấn (…) theo lời cụ từ Nguyễn Văn Mỹ thì trước đây đền có lưu giữ (…) bộ Trần triều hiển Thánh chính tập biên gồm 6 quyển, mỗi quyển khoảng 200 trang (…) Quyển này không ghi niên đại, không có tên tác giả, nhưng có thể biết sách viết về đời Nguyễn (hoặc đến đời Nguyễn thì bổ sung thêm) vì có nói đến việc vua Minh Mạng phong sắc cho Phạm Ngũ Lão (…) Trong quyển 3 này có chép lại Ngọc phả hệ bảo tích nội dung ghi sự phát tích của vương triều Trần và ghi chép đầy đủ hệ phả của Trần Hưng Đạo và của vua Trần Thái Tông (…) Theo Ngọc phả hệ bảo tích của vương triều Trần, thì vua Trần Thái Tông có 5 công chúa: Đó là Trưởng công chúa Thái Đường do Hoàng hậu Lý Thuận Thiên sinh ra và 4 công chúa Thiều Dương, Thụy Bảo, An Tư, Hoa Dung do ba bà phi khác sinh ra. Qua đó, Thiên Thành công chúa, vợ của Trần Quốc Tuấn, không phải là công chúa con của Trần Cảnh, càng không phải là Trưởng công chúa của Trần Cảnh (Thái Tông) như một số bài viết gần đây hư tạo ra (…) Về công chúa Thái Đường, Ngọc phả hệ bảo tích ghi rõ là công chúa trưởng của vua Trần Thái Tông. Trưởng công chúa Thái Đường cùng mẹ là Thuận Thiên Hoàng hậu với hai anh là vua Trần Thánh Tông (sinh năm 1240) và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (sinh năm 1241). Sau khi sinh tiếp Thái Đường trưởng công chúa ít lâu thì Hoàng hậu Thuận Thiên qua đời (năm 1248) thọ 32 tuổi (…) Lớn lên, vua Thái Tông gả Trưởng công chúa cho hầu tước Vũ Tỉnh ở Lục Ngạn xứ Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Công chúa sinh một con trai là Vũ Thành. Hầu tước Vũ Tỉnh qua đời, Trưởng công chúa Thái Đường một mình nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, tập ấm cha cai quản miền Lục Ngạn (…) Nhà vua đã phong Vũ Thành là Trung dũng hầu Thượng tướng quân. Ông hy sinh năm 1288 trong trận chiến đấu ngăn chặn giặc Nguyên xâm lược nước ta lần thứ ba tại Lục Ngạn. Khi chồng và con không còn nữa, Trưởng công chúa Thái Đường về trông coi thái ấp cho anh là Thái úy Trần Quang Khải (…) Khi bà mắc lỗi, vua thu hết ruộng đất, bà xuống tu ở chùa Viên Quang, làng Hộ Xá [Nghĩa Xá phía nam sông Ninh Cơ] Chùa này có tấm bia đời Lý (1122) nhưng mặt sau mới khắc thêm đời Lê (Quang Hưng, Hoằng Định đời Lê) ghi tiếp tục việc công đức vào đền. Đặc biệt, mặt bia này có ghi: “Ruộng triều Trần một khoảnh, các cháu của Thái (Đường) trưởng công chúa là Vũ Khắc Cần, Vũ Khắc Trị cúng ruộng, ao, tha ma gồm 30 mẫu ở xã Đồng Kỹ huyện Tây Chân”. Điều này càng khẳng định chồng bà họ Vũ nên cháu (tôn điệt) của bà là người họ Vũ cúng ruộng vào chùa. Đền Miễn Hoàn thờ Quốc Mẫu Thái Đường trưởng công chúa, có tượng của bà và 4 nữ tì hầu bà, có sắc phong từ đời Lê Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Thần vị của bà ghi: “Trần triều Thái Tông hoàng đế Thái Đường trưởng công chúa Quý mỹ Tiết hạnh Dung quang Đại Vương thần vị”. Công chúa Thụy Bảo là em cùng mẹ với công chúa Thiều Dương. Bà là vợ của Uy Văn Vương Trần Toại”.

Trong bài Thiên Thành Công chúa phu nhân Hưng Đạo Đại Vương là con ai đăng trên Tạp chí xưa và nay viết: “Trong cuốn Nhà Trần và con người thời Trần của Viện Sử học – Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (Hà Nội, 2004) xuất bản, tôi lại thấy có sự nhận định tương tự trong bài “Trần Hưng Đạo” của tác giả Nguyễn Thành Long (…) viết: “Trần Quốc Tuấn là cháu gọi Trần Cảnh (…) bằng chú ruột. Năm 1251 lấy Thiên Thành Công chúa, trở thành con rể của Thái tổ Trần Thừa, em rể của vua Trần Thái Tông”. Người đọc không thấy tác giả Nguyễn Thành Long dẫn chứng những cứ liệu lịch sử! Trong khi chờ ý kiến của qúy vị và ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học đương đại, tôi xin được nêu những nhận thức của mình: Trưởng Công chúa Thiên Thành không phải là con Thượng hoàng Trần Thừa mà là con gái Thượng hoàng Trần Thái Tông và Trần Quốc Tuấn lấy em con ông chú ruột làm vợ (phu nhân) chứ không phải lấy cô ruột làm vợ (…) Cứ liệu thứ hai dẫn tới sự nhận định của tôi như đã nêu ở trên là: Tại trang 23 tập II bộ Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn) nuôi Quốc Tuấn làm con”. Như vậy Thụy Bà là chị của Trần Cảnh và em của Trần Liễu. Mà Thiên Thành – Trưởng Công chúa – nếu là con cụ Trần Thừa, thì còn là chị của Công chúa Thụy Bà và chị Hoàng đế Trần Cảnh. Lễ nào anh trai Quốc Tuấn ngoài 20 tuổi đầu làm con nuôi bà em lại đi lấy bà chị của mẹ nuôi làm vợ và lại là cô ruột của mình ? Cứ liệu thứ ba: Theo sách Trần Gia thế tộc ký sự (gia phả ghi chép các dòng họ Trần – bản chữ Hán, lưu giữ tại Viện Hán Nôm) có ghi: “Trần Thừa lấy Lê Thị sinh ra 3 người con trai. Con trưởng là Trần Liễu làm thái uý, được phong là An Sinh Vương. Con thứ là Trần Cảnh sau lấy Lý Chiêu Hoàng, được lập làm Trần Thái Tông. Con thứ 3 là Trần Nguyệt Cải (còn gọi là Trần Nhật Hiệu) làm thái uý. Và người con gái là Thụy Bà Công chúa có công nuôi cháu là Trần Quốc Tuấn làm con nuôi trong 8 năm”. Công chúa Thụy Bảo (Thụy Bà) con gái Thượng hoàng Trần Thừa; Chồng Công chúa là Uy Văn Vương Toại (tự Sầm Lâu) là người ham học, có kiến thức rộng, hay thơ, đã để lại cho đời “Sầm Lâu tập”. Không may ông bị chết sớm. Có lẽ vì sự mất mát đó mà Thụy Bà nuôi Trần Quốc Tuấn để khoả lấp nỗi trống vắng (…) Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn, theo lễ phải thế. Thái Tông đem Thiên Thành Công chúa gả xuống cho Trung Thành Vương, nhưng Công chúa lại về với Hưng Đạo Vương”. Cụ Trần Thừa mặc dù được con trai thứ – vua Trần Thái Tông – tôn lên làm “Thượng hoàng” nhưng thực tế thì cụ chưa một ngày làm vua. Chỉ có 8 năm ở ngôi vị Thượng hoàng (từ tháng 10 năm Bính Tuất (1226) đến tháng giêng năm Giáp Ngọ (1234) thì mất. Bởi vậy mà câu nói “con gái vua” của Sử thần Ngô Sĩ Liên theo tôi chỉ Công chúa Thiên Thành con gái vua Trần Cảnh [dẫn lại từ Internet và nguồn không đề tên tác giả]

Trong bài Công chúa đời Trần của tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh tại ghi chú số 5 viết: “Trưởng công chúa là chị em ruột của vua, con của Thượng hoàng, chứ không phải là công chúa lớn nhất”.

Cương mục chép: “Tân Hợi [1251] Lời chua: Thiên Thành là con gái Thượng hoàng. Quốc Tuấn là con An Sinh vương Liễu. Thụy Bà là chị Thiên Thành và là mẹ nuôi Quốc Tuấn”.

– Như vậy là có 2 giả thuyết về thân phụ của công chúa Thiên Thành, giả thuyết trước cho rằng Thiên Thành là con gái của Thái Tổ Trần Thừa, giả thuyết sau cho rằng Thiên Thành là con gái cả của Thái Tông Trần Cảnh. Sách Cương mục thì chép rõ rằng: Thiên Thành là con của Thượng Hoàng, mà năm 1251 nằm trong quãng thời gian trị vì của Thái Tông, nên thượng hoàng phải là Trần Thừa, do đó Thiên Thành là con gái của Thái Tổ. Nhưng rồi, Quốc sử quán triều Nguyễn dựa trên cơ sở nào để chép như vậy ? Theo Tân Đường thư thì chị em gái của hoàng đế là trưởng công chúa và quy chế này đã trở thành căn bản cho các triều đại nên rất có thể Quốc sử quán triều Nguyễn đã cứ vào đó để chép Thiên Thành là con gái của thượng hoàng. Nhưng quy chế ấy ra đời ở phương bắc còn vào thời Trần ở phương nam thì quy chế ấy có thực sự được tuân thủ 1 cách nghiêm ngặt hay không ?

 Toàn thư chép: “Đinh Sửu [1277] Hôm thượng hoàng băng, công chúa Thiều Dương [con gái thứ của thượng hoàng tên là Thúy] đang ở cữ (…) thương khóc, kêu gào, nhắm mắt nghiền rồi mất (…) Bấy giờ Uy Văn vương Toại lấy con gái của thượng hoàng là công chúa Thụy Bảo. Toại ham học, hay thơ (…) tự hiệu là Sầm Lâu”.

Cương mục chép: “Đinh Mão [1267] Lời cẩn án: Thể lệ phong ấm triều nhà Trần, theo sử cũ chép lại, phần nhiều không hiểu rõ được, như con thứ của vua phong là thượng vị hầu, mà con trưởng của các tước vương thì phong vương, con thứ cũng phong là thượng vị hầu, như thế đã không theo thế thứ. Đến như việc tập ấm, mà cháu 3 đời của vương hầu, công chúa cũng phong đến quận vương, thì thật là lộn xộn”.

Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Xét từ đời Trần trở về trước, cấp bậc phong ấm không thể kê cứu, mà việc phong ấm của đời Trần chỉ thấy ở đây [1267] Còn lệ phong ấm cho các quan văn võ cũng không thể kê cứu được”.

– Năm 1277 thuộc quãng trị vì của Trần Thánh Tông nên thượng hoàng được nhắc đến là Thái Tông Trần Cảnh, Thánh Tông là con trai của Thái Tông, do đó mà công chúa Thiều Dương và công chúa Thụy Bảo là chị em gái của Trần Thánh Tông, nhưng theo như Toàn thư thì Thiều Dương và Thụy Bảo được gọi là công chúa chứ không phải là trưởng công chúa. Ngay như mục năm 1251 thì Thụy Bà là chị gái của Trần Thái Tông, tức là theo quy chế thì phải gọi là trưởng công chúa như Thiên Thành nhưng Toàn thư chỉ chép là công chúa. Có phải do sử gia Ngô Sĩ Liên chép nhầm không ? Rõ ràng là không thể nhầm rất nhiều trường hợp như vậy được. Có phải do sử gia Ngô Sĩ Liên không biết về quy chế ? Ngô sử gia khảo sách các đời không thể không biết. Như thế rõ rằng các sử quan thời Nguyễn đã không khảo cứu được quy chế tập ấm đời Trần và thậm chí ngay cả Ngô Sĩ Liên cũng không kê cứu được, tác giả của Toàn thư khi ấy chỉ thực hiện duy nhất chức năng là sao chép ? Lại thêm, giả sử Ngô Sĩ Liên biết về quy chế và khi biên soạn Toàn thư đã cố tình sử dụng thuật ngữ trưởng công chúa cho đúng với quy chế thì chúng ta có thể chắc chắn rằng Sĩ Liên biết về thân thế của Thiên Thành, thì mới dám vận tước trưởng công chúa cho Thiên Thành nhưng lạ thay, không giống với các công chúa khác, liền sau tên hiệu Thiên Thành không hề có bất ký ghi chép thêm nào của sử gia về thân thế, như trường hợp của Thụy Bà là “chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn từ nhỏ” hay của Thiều Dương là “con gái thứ của thượng hoàng tên là Thúy”. Xem ra, bản thân Ngô Sĩ Liên cũng không biết về thân thế của Thiên Thành, tước hiệu trưởng công chúa chẳng qua là do Ngô sử quan chép lại từ sử cũ mà thôi. Nhưng sử cũ, giả như được soạn vào thời Trần thì tước hiệu trưởng công chúa là như thế nào ?

Bài ký chuông thông thanh quán ở Bạch Hạc viết: “Sau đó có trưởng công chúa Thiên Thụy họ Trần, trưởng hoàng cơ của vua thứ 3 là hoàng đế Thánh Tông (…) Từ sau khi trưởng công chúa Thiên Thụy qua đời, hương dân ruộng đất ở đây đều thuộc quyền chưởng quản của trưởng công chúa Thiên Chân, trưởng hoàng cơ của vua thứ 5 là hoàng đế Anh Tông (…) Thái thượng hoàng, thái hậu ủy cho đường chủ là công chúa Bảo Vân họ Trần (…) Năm Đại Khánh thứ 8 [1321] đời vua thứ 6 triều Trần nước Hoàng Việt … Hứa Tông Đạo cẩn chí” [dẫn theo sách Chữ trên đá chữ trên đồng của tác giả Hà Văn Tấn]

– Xem bài kí thì sẽ nhận ra việc tuân thủ rất ngặt nghèo cách viết tước hiệu từ đầu tới cuối. Các trưởng công chúa Thiên Thụy và Thiên Chân đều là các con gái cả của các hoàng đế Thánh Tông và Anh Tông. Nếu phỏng theo quy chế lấy Minh Tông làm hiện tại thì Thiên Chân nhận tước hiệu trưởng công chúa là hợp lẽ nhưng còn Thiên Thụy về bề bậc Minh Tông phải gọi bằng bà nên khắc tước hiệu trưởng công chúa là không đúng. Thiên Thụy mất năm 1308, nằm trong quãng thời gian trị vì của Anh Tông nên theo đúng quy chế phải ban tước hiệu thái trưởng công chúa.

Bia tháp viên thông chùa Thanh Mai viết: “Năm ấy [1308] Sư [Pháp Loa] ở chùa Siêu Loại, phụng sắc trao cho Tuyên hoàng thái hậu, cùng với đế cơ Thiên Trinh [Chân] trưởng công chúa bồ tát giới (…) Tháng 10 năm Kỉ Mùi niên hiệu Đại Khánh thứ 6 [1319] trao cho Hoa Dương công chúa được trai giới tại gia, Hoa Dương là công chúa thứ 6 của Thái Tông, gả cho Cụ Trí vương (…) Ngày tháng 11 năm Nhâm Dần niên hiệu Đại Trị thứ 5 [1362] khắc xong niên phả” [dẫn theo sách Văn bia thời Lý Trần của nhóm tác giả Lâm Giang, Phạm Văn Thắm, Phạm Thị Thoa]

– Rõ ràng là không có bằng chứng kể cả qua sách sử và văn bia cho sự tồn tại của quy chế định rằng trưởng công chúa là tước hiệu ban cho chị em gái của hoàng đế. Nên trưởng công chúa sẽ được hiểu theo nghĩa là con gái cả của vua. Do đó, trưởng công chúa Thuận Thiên là con gái cả của hoàng đế Trần Thái Tông và là em họ của Hưng Đại vương Trần Quốc Tuấn. Cũng có nghĩa là mới tạm xác định được các con của Thái Tổ Trần Thừa gồm: Phụng Càn vương Trần Liễu, Thái Tông Trần Cảnh, Hoài Đức vương Trần Bà Liệt, Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu và Thụy Bà công chúa.

– Nhưng rồi, mẹ của trưởng công chúa Thiên Thành là ai ? Theo Toàn thư thì vào năm 1237, trong khi vợ của Hoài vương Liễn là Thuận Thiên công chúa đang mang bầu Trần Quốc Khang được 3 tháng thì Thái Tông Trần Thừa cướp về. Năm 1240, hoàng đích trưởng tử là Hoảng được sinh. Năm 1241, hoàng tử thứ 3 Quang Khải được sinh. Theo An Nam chí lược thì “Cảnh lấy người em vợ, sinh được 3 người con trai”. Như thế, cả Toàn thư và An Nam chí lược đều chép rằng Thuận Thiên có với Thái Tông 3 người con trai và không thấy chép đến người con là trưởng công chúa Thái Đường. Theo Toàn thư thì năm 1248 hoàng hậu Thuận Thiên băng. Nếu giả sử Thiên Thành công chúa sinh sau năm 1241 thì vào năm 1251, trưởng công chúa mới có 10 tuổi, cái tuổi rất nhỏ để gả cho Trung Thành vương. Như thế Thiên Thành không thể là con của Thuận Thiên hoàng hậu.

(2) Toàn thư chép: “Giáp Thân [1224] Mùa đông tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm hoàng thái tử để truyền ngôi. Vua xuất gia tại chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng trước tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của Huệ Tông (…) Ất Dậu [1225] Tháng 12, Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, mời [chồng] Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng [hoàng đế được nhường ngôi] sau đổi là Văn Hoàng”.

– Vì Thiên Thành không phải là con gái của Thuận Thiên hoàng hậu, lại do trưởng công chúa được gả cho Trung Thành vương vào năm 1251 thì hẳn Thiên Thành cũng khoảng 15 tuổi nên tôi đặt giả thuyết: trưởng công chúa là con gái của Chiêu Thánh. Bằng chứng khác là cả trưởng công chúa và Chiêu Thánh đều có tên hiệu bắt đầu bằng chữ Thiên [Thiên Thành và Thiên Hinh] Nàng Chiêu Hoàng có lẽ là người phụ nữ bất hạnh nhất Việt Nam chăng ? Nàng lên làm vua với vai trò là một diễn viên trong vở kịch do người đã giết cha nàng đạo diễn, nàng bị hẩy ra để cho chị gái của nàng thế chỗ trong những toan tính của chính mẹ đẻ nàng và cuối cùng nàng là phần thưởng mà người chồng trước của nàng ban cho người chồng sau. Nhưng rồi chúng ta có thể hiểu vì sao, những nỗi bất hạnh lại vận vào vị nữ hoàng duy nhất của Việt Nam hay không ? Câu trả lời cũng tương tự như trường hợp của chính cha nàng là Lý Huệ Tông chằng ? Mẹ của Lý Huệ Tông đã sát hại 3 người con trai của chồng nên chính con đẻ của bà lại bị sát hại và mẹ của Lý Phật Kim đã toan tính để lấy ngôi vua cho họ Trần nên người con gái của bà phải trả món nợ vay mượn. Cả 2 trường hợp này đều vận vào câu “Phúc đức tại mẫu”.

Việt sử lược chép: “Ất Dậu [1225] Mùa đông tháng chạp, Thượng vương thấy nữ vương còn bé mà lo, với Phùng Tá Chu đến bàn rằng: “Cứ như ta thấy, không gì bằng bắt chước Đường Nghiêu ngày xưa, noi theo Nhân Tổ mới rồi, chọn người hiền mà trao ngôi. Nay ta thấy con trái thứ thái úy là mỗ, tuổi tuy còn bé, nhưng tướng mạo phi thường, tất có thể cứu đời, yên dân nên ta muốn lấy làm con, để làm chủ xã tắc, mà lấy Chiêu vương gả cho”.

Toàn thư chép: “Giáp Ngọ [1234] Mùa xuân tháng giêng ngày 18, thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi. Mùa thu tháng 8 ngày 28, táng ở Thọ Lăng phủ Long Hưng, miếu hiệu là Huy Tông (…) Mậu Thân [1248] Mùa xuân tháng giêng, đổi miếu hiệu của Huy Tông gọi là Thái Tổ, Thọ Lăng gọi là Huy Lăng”.

– Thực của việc Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thành rồi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh đều là vở diễn do Trần Thừa đạo diễn. Vào thời điểm diễn ra sự chuyển giao quyền lực từ họ Lý sang họ Trần, các thế lực khắp nơi nổi lên, phía bắc có Nguyễn Nộn phía đông có họ Đoàn, rồi thêm các man. Thành ra để hạn chế sự chống đối của người dân trong cả nước thì vở diễn của Trần Thừa cũng phải rất hay mới có thể đạt được mục đích. Trần Cảnh không chỉ nhận thiền vị của Chiêu Hoàng với tư cách là chồng mà còn là anh, bởi vì Trần Cảnh được Huệ Tông nhận làm con và việc nhường ngôi mang phảng phất của Lý Nhân Tông chọn Lý Thần Tông làm người kế vị. Rồi khi lên ngôi, Trần Cảnh xưng là Thiện Hoàng với nghĩa là vua được nhường ngôi, rõ là rất khiêm tốn và mang dáng dấp của Đường Nghiêu xưa kia. Rõ là Trần Thừa đã toan tính rất khéo! Về danh chính thì không thể chê được. Thú vị hơn, khi Trần Thừa chết vào năm 1234 thì miếu hiếu chỉ là Huy Tông chứ chưa phải là Thái Tổ và đó như là lời tuyên cáo của họ Trần với thiên hạ rằng: họ chỉ là người kéo dài triều Lý chứ không phải đã kiến tạo 1 triều đại khác. Cho đến năm 1248, khi chính thức đổi miếu hiệu của Trần Thừa từ Huy Tông thành Thái Tổ, họ Trần mới chính thức tuyên cáo với thiên hạ về 1 triều đại độc lập, riêng biệt và khác với triều Lý. Triều đại mới này là của họ Trần chứ không còn là của họ Lý và người sáng lập triều đại ấy là vị Thái Tổ.

Khớp nối 1

nha tran 1.jpg

Khi Thuận Trinh hoàng hậu bị giáng thì vì sao lại được ban tên hiệu là Thiên Cực ?

Khớp nối 2

nha tran 2.jpg

Lý Thái Tông có người chị em gái tên hiệu là An Quốc công chúa, như thế An Quốc công chúa là cô của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung. Còn Trần Thái Tổ có người em họ là An Quốc đại vương, như thế An Quốc đại vương là chú họ của Phụng Càn vương Trần Liễu

Khớp nối 3

nha tran 3

– Trong bài Bàn về cái chết của Tô Trung Từ, tôi có dẫn ra những ghi chép sử liệu cho thấy về lễ nghi họ Trần giữ nguyên như thời nhà Lý và bên cạnh đó họ Trần cũng có những hành động như đắp tượng phật ở các đình trạm cũng như việc thiết yến và ban lụa cho các bô lão để cho giống với Thái Tổ nhà Lý xưa kia. Họ Trần cố gắng tạo ra không khí quen thuộc đối với người dân, để họ khỏi bỡ ngỡ, xa lạ và vẫn đang nghĩ rằng mình được cai trị bởi triều Lý. Bằng chứng rõ nhất cho việc họ Trần sợ dân chúng thức tỉnh và suy tư [xin lỗi bạn đọc vì không biết phải dùng từ nào cho vị trí từ suy tư nên mới buộc phải dùng từ khá hiện đại này, bạn đầu tính dùng từ nhận biết, nhưng người dân thì luôn biết vị vua đang cai trị là họ Trần nên từ nhận biết chỉ thể hiện được 1 lớp, ở đây tác giả muốn dùng từ mà ở đó sau khi người dân nhận biết về vị vua cai trị không phải người họ Lý thì người dân tiếp tục truy vấn về việc vị vua ấy người họ Trần đang cai trị có hợp lý không, chính sự truy vấn này mới kích động sự phản kháng rất mạnh, cũng giống như ngày nay khi nghe tới rút ruột công trình thì ai cũng thấy quen thuộc, thấy rất đỗi bình thường, nhưng nếu nghĩ về nó, rằng chúng ta làm khổ cực, vui vẻ đóng thuế nhưng số tiền thuế đó bị chúng chia nhau bỏ vào túi riêng và lừa chúng ta bằng 1 công trình chất lượng kém, chính sự suy nghĩ đó mới thổi bùng sự tức giận và thôi thúc sự phản kháng, nên suy tư hiểu theo nghĩa là biết về nó và suy nghĩ về nó] về người đang cai trị không phải là người họ Lý qua đoạn chép trong Toàn thư tại mục năm 1226: “Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem [sự biết] có người thương khóc [suy tư] Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo, bên ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt”.

Toàn thư chép: “Nhâm Thìn [1232] Mùa hạ tháng 6, ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Vì Nguyên Tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý”.

–  Nếu như buổi đầu nhận thiền vị của họ Lý mà họ Trần chưa dám xưng là Trần triều mà vẫn phải xưng là Lý triều thì không thể nào có chuyện “đổi triều Lý làm triều Nguyễn” được. Trước hết, Toàn thư không cho biết những chữ quốc húy và miếu húy là chữ nào, sau cùng là đoạn chép về việc đổi triều Lý làm triều Nguyễn rất có thể cũng giống như trường hợp của Thuận Thiên công chúa.

Toàn thư chép: “Mậu Thân [1248] Tháng 6, hoàng hậu Thuận Thiên băng, truy tôn là Hiển Tử Thuận Thiên hoàng thái hậu”.

Cương mục chép: “Lời bàn của Nguyễn Nghiễm: Hoàng hậu Lý thị nguyên là vợ của An Sinh vương Liễu, Thái Tông nhân Lý thị đã có thai, cướp lấy làm vợ mình, như thế đã thương luân bội lý lắm rồi, lúc mất lại tôn làm Thái hậu, thì còn có nghĩa lý gì ? Có lẽ sau này Thái Tông lên nối ngôi vua, mới truy tôn Lý thị là mẹ đẻ của mình, mà nhà chép sử đem chép lầm ở đây, cũng chưa biết chừng ? Nếu không thế thì cướp chị dâu làm vợ, tôn vợ lên như mẹ, lại còn có nhân đạo gì nữ dư”.

– Như thế có ý kiến cho rằng, do nhân cái chết của Thuận Thiên hoàng hậu mà nhà làm sử đã đem sự kiện xảy ra sau này, chính là việc truy tôn của đời sau mà chép vào, chứ thực ra tại thời điểm năm 1248 Thuận Thiên mới chỉ dừng lại ở tước hiệu hoàng hậu chứ chưa phải là hoàng thái hậu. Việc tương tự trong Toàn thư xảy ra nhiều. Nhưng rồi việc đổi triều Lý làm triều Nguyễn có giống như trường hợp của Thuận Thiên được truy tôn làm hoàng thái hậu hay không ? Xem Toàn thư thấy rằng sử chỉ chép rằng ban bố các chữ quốc húy và miếu húy nhưng lại không hề liệt kê cụ thể như những trường hợp sau này [Năm 1294 gồm 10 chữ: Thuyên, Khâm, Hoảng, Cảnh, Thừa, Lý và Phong, Diệu, Oanh, Hâm. Năm 1298 gồm 2 chữ: Ngụy và Châu. Năm 1299 gồm 10 chữ: Liễu, Nguyệt, Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng. Năm 1314 gồm 3 chữ của 3 vị: Ninh Hoàng, Tuyên Từ, Bảo Từ] Tác giả Ngô Đức Thọ viết “năm 1232 Toàn thư không ghi rõ chữ húy, nhưng lệnh cấm năm 1294 sẽ nhắc lại, so sánh có thể xác định năm này lệnh nêu 3 chữ húy: Lý, Thừa, Cảnh” [Bước đầu nghiên cứu chữ húy đời Trần] Nếu xem Toàn thư sẽ nhận ra hầu hết những năm ban chữ húy, gần như không có sự lặp lại chữ húy của lần ban trước, trừ chữ húy Ngụy. Tuy nhiên chữ húy Ngụy của lệnh ban năm 1299 là chỉ phải viết bớt nét nên rất có thể trong lệnh ban năm 1298 là kiêng không được viết, sau do đổi lại cách kiêng nên mới có mặt trong lệnh ban năm 1299. Nên rất khó để biết chính xác các chữ húy của lệnh ban năm 1232 là gì ? Nhưng Thừa và Cảnh thì hẳn là có rồi, cũng có thể năm 1232 không hề tồn tại lệnh ban chữ húy như Toàn thư chép. Dù thế nào thì chúng ta có thể chắc chắn rằng: tác giả của Toàn thư đã không biết các chữ húy của lệnh ban năm 1232 nên mới không chép rõ như các năm khác và vì không biết rõ các chữ húy của lệnh ban năm 1232 nên hoặc là tác giả của Toàn thư chỉ thực hiện công việc sao chép từ tài liệu cũ hoặc đã tự ý chép bổ sung thông tin “đổi họ Lý làm họ Nguyễn” vào mục năm 1232. Rất khó để xác định chính xác lệnh “đổi họ Lý làm họ Nguyễn” diễn ra khi nào, xin phép sẽ trở lại vấn đề này trong bài khác.

0