Phong Tục Bó Chân: Hàm Ý ở Những Triều Đại Cuối Cùng của Trung Hoa
Anh Khoa Quan điểm về phong tục bó chân và nhận thức của mọi người trong xã hội Trung Quốc cũng rất đa dạng, cho dù đó là một tập quán để kiểm soát người phụ nữ thời phong kiến. Thời điểm mà đa số phụ nữ phải bó chân cho đến cuộc Cách mạng Văn hoá, khi mà đôi chân phụ nữ được cho ...
Anh Khoa
Quan điểm về phong tục bó chân và nhận thức của mọi người trong xã hội Trung Quốc cũng rất đa dạng, cho dù đó là một tập quán để kiểm soát người phụ nữ thời phong kiến. Thời điểm mà đa số phụ nữ phải bó chân cho đến cuộc Cách mạng Văn hoá, khi mà đôi chân phụ nữ được cho phép tự do. Các học giả Tây phương đã rút ra kết luận rằng phong tục bó chân chỉ là một hình thức áp bức và thể hiện quan niệm gia trưởng nhưng họ đã không dành nhiều thời gian để nghiên cứu một cách cẩn thận về những ảnh hưởng của phong tục lên cuộc sống của phụ nữ Trung Quốc. Ngoài việc xem xét phong tục này là một hiện thân đơn giản về ham muốn của nam giới, nó còn là yếu tố quyết định cách phụ nữ thể hiện sự nữ tính và thể xác của họ và mong muốn nâng cao vị thế xã hội chochính bản thân.
Dưới thời phong kiến Trung Hoa, một bé gái khi mất răng sữa thường là dấu hiệu cho sự trưởng thành hay cho thấy bé gái sẽ sớm bước vào thế giới phụ nữ; tham gia cùng mẹ, chị cả và bà ngoại với những điều luật khắc nghiệt và đau đớn, bắt đầu với việc bó chân và được giáo dục thành một cô dâu tương lai lý tưởng. Thông thường khoảng bảy tuổi (nhưng đôi khi sớm hơn khoảng bốn tuổi, hay trễ hơn vào lúc mười bốn tuổi (Rupp 2012)), một bé gái sẽ có đôi chân bị bó chặt cho đến khi trở nên hoàn hảo, khoảng ba tấc hay “kim liên tam thốn.” Một số người mẹ, như Tang Yaoqing đã nỗ lực rất lớn để “bảo vệ [con gái] […] bằng cách cho mời một số nữ đại phu dày dạn kinh nghiệm nhất trong việc điều trị và massage đôi chân nhỏ cho con gái” (Mann 2007: 24). Trong khi ở các vùng nông thôn, người mẹ tự bó chân cho con gái cũng như dạy con cách chăm sóc và bảo vệ.
Thực tế, phong tục bó chân sẽ gây ra nỗi đau đơn gấp ngàn lần cho người phụ nữ, không những về thể chất mà lẫn tinh thần. Nếu không vệ sinh thường xuyên, đôi chân sẽ bị thối rữa và hoại tử nhanh chóng và ảnh hưởng đến sức khỏe cho những cô gái (O’Brien 2009). Đối với họ, những điều cấm kị sau khi bó chân sẽ cản trở họ có thể kiểm soát cơ thể. Việc bó chân sẽ hạn chế di chuyển và giới hạn những nơi mà họ có thể đi (Blake 1994).[1] Học cách tuân theo những điều luật bó chân đã dạy những cô gái trẻ biết cách nghe lời, đặc biệt sau khi kết hôn và biết tuân theo gia đình chồng.[2] Sự đau đớn này cũng được cho là một bước chuẩn bị cho các cô gái trẻ cảm nhận được cơn đau khi bắt đầu có kinh nguyệt, động phòng và sinh con. Đôi chân nhỏ sẽ giúp họ hoàn thành nghĩa vụ mà xã hội quy định để trở thành mẹ cũng như tiếp tục duy trì nòi gióng cho gia đình và dòng họ. Theo Fred Blake, sự hy sinh và đau đớn của phong tục bó chân sẽ “cho phép những người mẹ một phương tiện hữu hiệu để hướng dẫn con gái làm thế nào để đối phó với tất cả các hình thức hành hạ về thân thể” (Blake 1994). Lòng hy sinh từ khi còn nhỏ được xem là một lời nhắc nhở cho người phụ nữ trong hệ thống Nho giáo và gia trưởng bằng cách khuyến khích người phụ nữ xem mình như một thân thể có ý thức để phục vụ cho những người khác cũng như làm hài lòng về khoái cảm cho chồng và duy trì thế hệ tiếp theo, mở rộng ra là tiếp nối sự tồn tại của đất nước.
Trong khi bó chân nhằm mục đích thực thi kỷ luật và kiểm soát cơ thể, phong tục này cũng nhằm ràng buộc phụ nữ trở nên lệ thuộc vào người đàn ông. Có nhiều lý do cho việc kiểm soát này tồn tại nhưng sự tương ứng giữa Đạo giáo Trung Quốc và cơ thể của người phụ nữ là không thể bỏ qua. Các khái niệm về cơ thể và Đạo giáo gợi ý rằng tính âm (Yin) thuộc về phụ nữ và bản chất này có thể tìm được trong máu của họ. Phong tục này sẽ đẩy máu chảy ra từ các điểm cao nhấtcủa cơ thể và đi vào chân và hông, truyền vào tử cung và thúc đẩy tỷ lệ có thai cao hơn (O’Brien 686). Vì thế, những đôi chân nhỏ sẽ tăng khả năng sinh sản và sức chịu đựng khi sinh con cũng như một cách thức làm đẹp để thu hút chồng (Furth 1999: 131).Tương truyền rằng việc rửa chân được xem như là một hành độngkín đáo mà phụ nữ chỉ làm bí mật và người chồng thường không bao giờ được nhìn thấy đôi chân trần của vợ hay con gái, kể từ ngày đầu tiên họ bắt đầu bó chân. Việc che giấu đôi chân đi đôi với sự riêng tư phòng khuê của những cô gái trẻ trong các gia đình giàu có; cũng giống như một người đàn bà không bao giờ tiết lộ chân của cô ấy nhằm tuân theo tư tưởng Nho gia. Ngược lại, phụ nữ ở các vùng nông thôn thường không bị ràng buộc với phong tục này vì bó chân sẽ ngăn cản họ ra đồng làm việc cũng như không có đủ lao động để giúp đỡ gia đình.
Trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội Trung Quốc là kết hôn và sinh con trai nối dõi; một cô gái chưa lập gia đình thường không được xem trọng,[3]vì cô ấy chưa được người chồng xác nhân.Những cô gái trẻ thường được nói rằng họ sẽ không tìm được chồng trừ khi chân phải được bó (Rupp 2012), vì không ai muốn một cô dâu với đôi bàn chân to và thô kệch. Và những phụ nữ có bàn chân tự nhiên thường bị chế giễu trong các câu hát dân gian (Blake 692). Đôi chân nhỏ được xem như là một biểu tượng về kỷ luật của người phụ nữ, sự nghe lời và có giáo dục, cũng như báo hiệu rằng họ có khả năng sinh con và chuẩn bị một cơ thể mạnh khỏe trước khi làm mẹ. Tất cả những phẩm chất này đều phù hợp với Khổng giáo về hình tượng của một người vợ lý tưởng, hay niềm tự hào khi làm cô dâu hay con dâu. Những người đàn ông có học thức thường không chú ý vào yếu tố đạo đức liên quan đến đôi chân có bị bó hay không, mà là về bản chất thu hút và khiêu gợi, đặc biệt là trong những bài thơ khắc họa những đôi chân nhỏ (Yates 2012). Quan niệm cho rằng một người phụ nữ không có một cuộc hôn nhân tốt, trừ khi cô ấy phải tự nguyện bó chân và người đàn ông ít khi ép buộc họ làm vậy. Thật vậy, vào những năm 1800, một số đàn ông đã tham gia vào các phong trào chống bó chân, trong đó những người chồng đã cam kết rằng sẽ không yêu cầu vợ phải bó chân cho con gái hay áp đặt con trai phải lấy những cô gái bó chân (Ebrey 1999). Tuy nhiên, quan niệm phổ biến về phong tục này đã thể hiện một mong muốn nhằm nói lên phẩm giá của một cô dâu tương lai, và do đó khuyến khích phụ nữ phải bó chân cho con gái để có thể tìm được một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Đối với phụ nữ, họ chỉ là những người không có danh tính và không ai thương tiếc cho đến khi lấy chồng và sinh con trai. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là bước quan trọng nhằm giúp họ tìm được sự công nhận từ xã hội, và điều này tùy thuộc vào đôi chân có bị bó hay là không?
Ngoại trừ các cuộc hôn nhân không được công nhận hay chính thống, một đám cưới có nghĩa là một cô gái sẽ phải rời bỏ gia đình thân sinh, và hạn chế tiếp xúc với bố mẹ ruột từ khi bước vào nhà chồng. Đôi chân nhỏ sẽ chuẩn bị cho cuộc hôn nhân tương lai bằng cách báo hiệu trước rằng cô gái sẽ phải sớm xa bố mẹ và sống ở một gia đình khác cho đến cuối đời (Yates 2012). Nếu người vợ sinh được con gái, người con gái ấy sẽ được nuôi dưỡng và giáo dục để trở thành một người vợ lý tương và tiếp tục một chu kỳ: rời khỏi bỏ gia đình thân sinh, về nhà chồng và nuôi dạy con cái thành người. Do đó, truyền thống bó chân đã được truyền dạy từ những người phụ nữ cao niên trong gia đình hoặc từ người mẹ, như một phong tục truyền thừa về thể chất và tinh thần nhằm tiếp tục giáo dưỡng những người phụ nữ có thể sinh con “nối dõi tông đường.”
Sau khi xem xét tục bó chân như là một nhân tố quan trọng liên quan đến địa vị xã hội của người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc, câu hỏi ở đây là phải nghiên cứu truyền thống này ảnh hưởng như thế nào đến sự tham gia của phụ nữ vào kinh tế gia đình, dù ở tầng lớp thượng lưu hay ở những gia đình nông thôn nghèo. Tuy phong tục này có nguồn gốc từ lầu xanh, sau đó dần lan rộng đến những gia đình giàu có, và cuối cùng là ở những gia đình nghèo phải bó chân cho con gái nhằm hi vọng sẽ cưới được một nhà giàu có để thoát nghèo và nâng cao địa vị xã hội. Dù thế thì phong tục này ít nhiều gây ra khó khăn cho các gia đình nông dân vì những người con gái bị bó chân hiếm khi ra đồng đỡ đần gia đình và vì thế tục bó chân này đã được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh.Trong một gia đình, con gái đầu lòng có thể sẽ là người duy nhất được bó chân hoặc có thể bó sau hay ít chặt hơn nếu gia đình cần con gái tham gia đồng án. Hoặc một số gia đình khác khi mà những người con gái chỉ cần tham gia sản xuất thủ công, dệt hoặc thêu thì việc bó chân là không thể tránh khỏi (Turner 1997: 449). Bất kể tục bó chân có hoàn thành hay không thì đôi chân của họ đã trở nên khuyết tật và không thể cử động dễ dàng, nhiều khi còn bị nhiễm trùng và hoại tử. Hơn nữa, những điều luật khắc khe về trinh tiết và đạo đức đòi hỏi những người phụ nữ không được tham gia các công việc mà có khả năng lộ đôi chân trần; dù thế thì quy định cũng không thể ngăn cản họ tham gia trồng trọt và thu hoạch các vụ mùa khô (Turner 451). Ngoài công việc đồng án, phụ nữ cũng tham gia tích cực vào kinh tế gia đình nhờ các công việc thủ công và sản phẩm làm ra có thể được dùng trực tiếp hay mang ra chợ để bán nhằm kiếm thêm thu nhập.
Trong khi nam giới Trung Quốc phải làm việc trên đồng cùng với sự trợ giúp của người phụ nữ, nhất là trong thời kỳ có nhiều cônng việc nặng nhọc (chẳng hạn như gieo trồng và thu hoạch), thì công việc của phụ nữ trong gia đình cũng đóng một vai trò cần thiết cho sự sống còn. Phụ nữ chịu trách nhiệm quay, dệt, may và thêu để cung cấp quần áo và giày dép cho các thành viên gia đìnhcũng nhưtăng thêm lợi nhuận thông qua việc bán hàng thủ công. Thỉnh thoảng, trong trường hợp thất mùa thì công việc của phụ nữ được xem là một sự thúc đẩy lợi nhuận (Blake 704). Các công việc tăng gia có thể được làm ở khuê phòng, phổ biến nhất là ở các gia đình giàu, khi phụ nữ thường đóng góp vào kinh tế gia đình bằng cách sản xuất những đồ thủ công như giày và quần áo mà sau đó có thể đem bán hoặc trao đổi để lấy thức ăn (Mann 67).
Ngoài các mối liên hệ cá nhân và gia đình, tục bó chân cũng góp phần vào các khái niệm của Trung Quốc về quốc gia và truyền thống văn hóa, đặc biệt là khi so sánh với các xã hội “dã man.”Đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp giữa nhà Minh và Thanh, lòng trung thành với người Hán thường được thể hiện thông qua giới tính. Đặc biệt, vấn đề “đôi chân nhỏ” dần trở thành một nét văn hoá để phân biệt người Hán và người Mãn Châu. Phong tục này được nâng lên từ một truyền thống ở khuê phòng, phát triển thành một mục đích chính trị hay biểu tượng cho nền văn minh lâu đời của người Hán khi đối mặt với sự “man rợ” của dân xâm lược Mãn Châu- ở đó những người phụ nữ không phải bó chân. Người phụ nữ Hán khăng khăng giữ gìn tục bó chân nhằm thể hiện sự trung thành của bản thân với các tiêu chuẩn Nho gia về đức khiêm tốn và tôn trọng cơ thể con người, và chứng tỏ sự hoài cổ với nhà Minh và văn hóa người Hán. Bằng cách này, các gia đình có phụ nữ với đôi bàn chân nhỏ được xem là đại diện cho những giá trị cũ, gìn giữ được văn hóa và tôn trọng đạo đức Khổng giáo, và đôi chân của phụ nữ trở thành những biểu tượng vô hình của lòng trung thành với triều đại phong kiến do người Hán cầm quyền (Ko 1997: 11-13).
Có nhiều nguyên nhân lý giải vì sao tục bó chân là một truyền thống lâu đời?Bó chân giúp xác định quan niệm của người phụ nữ về bản thân cũng như là tuân theo các quy định của Khổng giáo về cơ thể và khả năng tiếp xúc ngoài xã hội. Phong tục này cho phép người phụ nữ thể hiện sự nữ tính và quyến rũ, ảnh hưởng vị trí của họ trong gia đình và xã hội cũng như đóng góp vào kinh tế nhằm giúp đỡ đấng sinh thành. Các khái niệm về cơ thể phụ nữ cũng được hình thành từ đôi chân nhỏ đã góp phần tạo nên những tiêu chuẩn riêng cho vẻ đẹp và trinh tiết. Tuy nhiên, trái với các quan điểm bình đẳng giới theo thuyết Vị Nữ hay Nữ Quyền của phương Tây, các học giả không thể phủ nhận một thực tế rằng phong tục bó chân đã làm cho người phụ nữ dần trở nên không còn giá trị, nhất là trong những gia đình mà kinh tế phụ thuộc vào nghề trồng trọt. Dù thế nào thì người phụ nữ vẫn tích cực tham gia vào kinh tế gia đình và luôn vững vàng trên đôi chân nhỏ. Phụ nữ ở các tầng lớp trên của xã hội cũng góp phần vào thu nhập của gia đình, mặc dù họ đã có một cuộc sống giàu sang và vô lo. Phong tục bó chân không phải là vấn đề cá nhân tuy có nguồn gốc từ khuê phòng, đặc biệt khi triều đại nhà Minh sụp đổ và chính “kim liên tam thốn” đã trở thành một biểu tượng của nền văn minh Trung Hoa và truyền thống người Hán.
Chú thích:
[1]Ví dụ, sự trưởng thành như vậy thúc đẩy việc học cách làm thế nào để phù hợp với những giá trị nữ tính về đức hạnh, lời nói, cách cư xử và hành vi đúng đắn (“Lessons for Women” của Ban Zhao).
[2]Đặc biệt đối với các học giả phương Tây, khái niệm “sự thoải mái cá nhân-personel comfort” thường đòi hỏi quyền không bị tổn thương về thể xác và được cho là có đặc quyền hơn, và được ưu tiên dưới cơ cấu gia đình và các mối quan hệ.
[3]Trong cuốn sách “A Pearl in the Palm,” Weijin Lu khám phá ra rằng những tác phẩm của đàn ông có học thức của thời Thanh viết về con gái của họ và mối liên hệ tình cảm giữa bố và con gái, thể hiệntuy nhấn mạnh vào giá trị của con trai, con gái thường có những tình cảm sâu sắc với người bố, nhất là sau khi kết hôn hoặc đám tang (Lu 62-97).