18/06/2018, 15:25

Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa

CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA (NGÀY 5 TẾT KỶ DẬU TỨC NGÀY 30-1-1789 ) Đánh cho nó chích luân bất phản, Đánh cho nó phiến giáp hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ. – QUANG TRUNG – Lời hiểu dụ tướng sĩ Quân Thanh xâm lược Cuối năm Mậu ...

CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA (NGÀY 5 TẾT KỶ DẬU TỨC NGÀY 30-1-1789 )

ngochoi

Đánh cho nó chích luân bất phản,

Đánh cho nó phiến giáp hoàn.

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

QUANG TRUNG – Lời hiểu dụ tướng sĩ

Quân Thanh xâm lược

Cuối năm Mậu Thân (1788) nhân dân Thăng Long và nhiều vùng ở Bắc Hà đang trải qua những ngày tháng cực kỳ đau thương và tủi nhục, căm hờn và phẫn nộ (Nói chung trong tập sách này, chúng tôi đổi ngày âm lịch ra dương lịch và trình bày theo ngày, tháng dương lịch, khi cần thiết ghi chú thêm ngày tháng âm lịch. Nhưng riêng trận Ngọc Hồi – Đống Đa xảy ra trong những ngày Tết Nguyên đán. Điếu đó có ý nghĩa quan trọng vế thời cơ và đã khắc sâu vào ký ức của nhân dân, nằm trong truyền thống mùa Xuân chiến thắng của dân tộc. Vì vậy trong chương này, chúng tôi trình bày theo ngày tháng âm lịch, có ghi chú ngày tháng dương lịch).

Lợi dụng hành động “rước voi về giày mồ” của bè lũ phong kiến phản động Lê Chiêu Thống, quân Thanh đã tràn sang xâm chiếm nước ta. Một lực lượng viễn chinh lớn gồm 29 vạn quân chiến đấu và quân phục dịch ào ạt vượt qua biên giới. Chính sử nhà Thanh như Đại Thanh lịch triều thực lục Đông Hoa toàn lục… đều cố tình hạ thấp số quân Thanh sang xâm lược nước ta để giảm bớt thất bại nhục nhã của triều Thanh. Ví dụ Đại Thanh lịch triều thực lục chép số quân Thanh cả thảy chỉ 15.000 (q. 1.314 và q. 1.317). Rõ ràng con số đó quá xa sự thật.

Chính những đoạn ghi chép trong bộ sử biên niên đồ sộ đó của nhà Thanh (gồm 1.220 quyển) cũng bộc lộ nhiều điểm mâu thuẫn và thiếu sót. Không có lý do gì, nếu đạo quân 15.000 người mà nhà Thanh phải cử tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị, một viên đại thần vào cỡ thượng thư của triều đình, làm thống soái và dưới trướng của Tôn Sĩ Nghị có nhiều võ quan cao cấp đến thế. Cũng không có lý do gì, nếu quân số chỉ có 15.000 người mà nhà Thanh phải cử những đại thần như Phúc An Khang, tổng đốc Vân Quý (Vân Nam, Quý Châu) là Phú Cương lo liệu quân lương và số lương thực cấp phát buổi đầu theo yêu cầu của Tôn Sĩ Nghị đã đến 9 vạn thạch. Riêng chi phí cho đạo quân xuất phát từ Quảng Tây, số bạc của kho Quảng Tây không đủ, nhà Thanh phải sai Bộ hộ lấy 50 vạn lạng bạc của các tỉnh lân cận bổ sung thêm. Số quân 15.000 là mới tính riêng số quân tinh nhuệ gồm bộ binh, kỵ binh thuộc đạo quân của Tôn Sĩ Nghị và Ô Đại Kinh điều động từ quân chủ lực các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, hoàn toàn chưa kể đạo quân của Sầm Nghi Đống, các lực lượng gọi là “thổ binh”, “nghĩa dũng” mới tổ chức thêm và lực lượng dân phu phục dịch.

Theo bài hịch của Tôn Sĩ Nghị thì tổng số quân Thanh là 50 vạn (Hoàng Lê nhất thống chí, Nhà xuất bản văn học, Hà Nội, 1964, tr. 336). Con số đó có thể có phần khoa trương và bao gồm cả quân chiến đấu lẫn dân phu. Theo điều thứ 8 trong quân luật của Tôn Sĩ Nghị thì “mỗi người lính được cấp một tên phu (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr . 335). Theo Lê sử toàn yếu và Minh đô sử, thì trong quân xâm lược Thanh lúc đó cứ mỗi chiến binh có đến ba lương binh. Theo sự trù tính của tồng đốc Phú Cương và tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh thì sau khi chiếm được Thăng Long, nếu quân Thanh tiếp tục tiến quân vào Nam, phải điều động thêm trên 20 vạn phu tải lương.

Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập (q. 30) cho biết trong cuộc xâm lược này, nhà Thanh đã huy động đến 20 vạn quân chiến đấu từ các lộ Lưỡng Quảng và Vân Quý. Đặc biệt tờ Chiếu phát phối hàng binh của nội địa của Quang Trung do Ngô Thì Nhậm viết, còn chép lại trong bộ Ngô gia văn phái tuyển (q.XV), cho biết số quân Thanh sang xâm lược nước ta là 29 vạn.  Những tài liệu trên tuy không hoàn toàn thống nhất nhưng cũng cho phép bác bỏ những điều ghi chép quá sai sự thật của chính sử nhà Thanh. Theo tờ chiếu của Quang Trung là văn bản chính thức, đại đương thì tổng số quân Thanh xâm lược là 29 vạn, có lẽ bao gồm cả quân chiến đấu và số phu phục dịch đã điều sang nước ta.

Quân Tây Sơn đồn trú ở Bắc Hà lúc bấy giờ do đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy, chỉ có khoảng bảy, tám nghìn (Theo lời khai của Chu Đình Lý vốn là một viên quan của Tây Sơn bị thổ ty trấn Mục Mã (Cao Bảng) là Bế Nguyên Luật bắt nộp cho nhà Thanh (Đại Thanh lịch triều thực lục, q. 1312, tr. 26). Trước tình thế bất lợi về nhiều mặt, quân Tây Sơn theo chủ trương đúng đắn của Ngô Thì Nhậm, tạm thời rút lui về giừ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn.

Tối ngày 19 tháng mười một năm Mậu Thân (ngày 16-12-1788), quân Thanh bắt đầu vượt sông Nhị tiến vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long. Giành được thắng lợi tương đối dễ dàng, thống soái của giặc là tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, với chức Chinh Man đại tướng quân, tỏ ra rất chủ quan, khinh địch. Hắn cho việc chiếm Thăng long tiêu diệt quân Tây Sơn dễ như “nhổ nước bọt xoa tay là làm xong việc”, như “thò tay lấy đồ vật ở trong túi, đến sớm lấy sớm, đến muộn lấy muộn đó mà thôi” (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1964, tr. 346 và 350). Nhận được tin thắng trận, vua Càn Long nhà Thanh cũng hết lời khen Tôn Sĩ Nghị là một “Đại thần toàn tài”, là người “một mình gánh vác, điều khiển có phương pháp, cho nên không đầy một tháng mà đã thành công, thật xứng đáng với sự ủy nhiệm của trẫm” (Đại Thanh lịch triều thực lục, q. 1.318, tr. 21 và 241). Hoàng đế nhà Thanh liền phong cho Tôn Sĩ Nghị tước Mưu dũng công hạng nhất và thưởng cho quân linh mỗi người thêm từ một đến hai tháng lương.

Tự mãn trước thành công bước đầu, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tạm thời đóng quân, cho quân sĩ nghỉ ngơi chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán. Hắn xin vua nhà Thanh đặt thêm trạm vận chuyển lương thực và tăng thêm quân số để sau Tết, khoảng ngày mồng 6 tháng giêng Kỷ Dậu (ngày 31-1- 1789) sẽ tiến quân “vào tận sào huyệt của giặc, bắt sống Nguyễn Huệ” (Theo Thánh vũ ký của Ngụy Nguyên thì quân Thanh đã lập 70 trạm vận chuyển lương thực trên hai động từ Vân Nam và Quảng Tây đến Thăng Long (q. 6 tờ 35a). Theo Đại Thanh lịch triều thực lục thì từ Thăng Long vào Quảng Nam, quân Thanh trù tính phải lập thêm 123 trạm lương thực và cần thêm 20 vạn phu (q. 1319)). Hắn tuyên bố một cách ngạo nghễ: “Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân xa xôi tới đây, cần phải nghỉ nghợi không nên đánh vội. Giặc gầy mà ta đang béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 350). Hắn đóng đại bản doanh tại cung Tây Long (Cung Tây Long ở trên bến Tây Long phía ngoài cửa Ô Tây Long (hay Tây Luông), nay là khoảng phía trên Viện Bảo tàng lịch sử) bên bờ sông Nhị về phía đông nam thành Thăng Long và bố trí các đạo quân thành thế phòng ngự tạm thời vừa để bảo vệ đại bản doanh, vừa để phòng sự tiến công bất ngờ của đối phương. Đạo quân chủ lực gồm quân lính Lưỡng Quảng do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy, đóng doanh trại ở bãi cát hai bên bờ sông Nhị, khoảng bến Bồ Đề, ở giữa có cầu phao qua lại. Đại quân Điền Châu, Triều Châu do tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống chỉ huy, đóng ở Đống Đa (thuộc trại Phương Thượng, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Đạo quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, đóng ở Sơn Tây (Hà Tây). Đạo quân Khâm Châu theo đường ven biển sang, đóng ở Hải Dương (Chính sử và các tài liệu của ta không ghi chép đạo quân này. Nhưng có một số tài liệu nhà Thanh có đề cập đến. Chúng tôi tạm thời đưa ra để tiếp tục nghiên cứu thêm).

Kinh thành Thăng Long và một bộ phận đất Bắc Hà dã bị quân giặc chiếm đóng, giày xéo. Tôn Sĩ Nghị buông lỏng cho quân lính “mặc sức làm điều phi pháp” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 350). Hàng ngày, bọn chúng kéo nhau đi cướp bóc, hãm hiếp, giết người, gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân ta. Bọn chúng “kiếm mọi cách vu hãm những người lương thiện, áp bức, cướp bóc những thà giàu có, thậm chí giữa chợ giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà, không còn kiêng sợ gì cả” (Hoàng Lê nhất thống chí, tr. 348).

Bè lũ Lê Chiêu Thống cũng bám gót quân xâm lược trở về kinh thành. Lê Chiêu Thống hiện nguyên hình là một tên vua bù nhìn ươn hèn, đốn mạt. Nhân dân Thăng Long than thở với nhau: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa thấy bao giở có ông vua luồn cúi đê hèn như thế” (Hoàng Lê nhất thống chí, tr. 348). Dựa vào thế quân Thanh, bọn phong kiến bán nước này chỉ lo trả thù báo oán một cách ti tiện, dã man và tìm cách vơ vét lương thực của nhân dân để cung đốn cho hàng chục vạn quân xâm lược. Nhân dân Bắc Hà đã mấy năm liền mất mùa, đói kém, nay lại càng khốn khổ vì nạn đốc thúc quân lương của bọn chúng.

Càng căm ghét quân cướp nước và bán nước, nhân dân Bắc Hà càng sôi sục căm thù, hướng về lá cờ cứu nước sáng người chính nghĩa của quân Tây Sơn. Đó là cơ sở chính trị quan trọng để phong trào Tây Sơn phát huy đến cao độ sức mạnh đoàn kết toàn dân, vươn lên hoàn thành sứ mạng chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Quân Tây Sơn tạm thời rút lui, như Ngô Thì Nhậm đã nói, chẳng qua là để “cho chúng (chỉ quân Thanh) ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi” (Hoàng Lê nhất thống chí, tr. 342). Cuộc rút lui chủ dộng và có tính toán đó, không những bảo toàn được lực lượng của ta mà còn kích động thêm tính kiêu căng, khinh địch của Tôn Sĩ Nghị và tạo ra thời cơ, chuẩn bị điều kiện cho cuộc phản công chiến lược quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi. Vì vậy, Nguyễn Huệ tán thành hành dộng chiến lược của quân Tây Sơn ở Bắc Hà và đánh giá cao chủ trương của Ngô Thì Nhậm, coi đó là một kế “rất đúng”.

Trong lúc Tôn Sĩ Nghị say sưa, tự mãn với thắng lợi đã giành được và quân Thanh đang mải mê chuẩn bị ăn Tết, thì cả dân tộc ta được phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn cổ vũ mạnh mẽ, và dưới sự tổ chức, lãnh đạo tuyệt vời của người anh hùng “áo vải” Nguyễn Huệ, đã vùng đứng dậy, kiên quyết và khẩn trương bước vào cuộc giao tranh quyết định với quân thù.

Quân Tây Sơn phản công

Ngày 20 tháng mười một (ngày 17-12-1788), khi quân Thanh tiến vào Thăng Long thì quân Tây Sơn ở Bấc Hà đã rút về Tam Điệp – Biện Sơn. Quân ta lợi dụng địa hình lợi hại ở vùng này, xây dựng thành một chiến tuyến vững chắc vừa có thề chặn đứng cuộc tiến công của quân địch vào Nam, vừa chuẩn bị địa bàn tập kết cho đại quân và căn cứ xuất phát cho cuộc phản công này.

Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn đến nay vẫn còn di tích khá rõ. Tam Điệp là một dãy núi đá vôi nằm giữa Thanh Hóa – Ninh Bình (nay thuộc xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình), phía trên nối liền với núi rừng Hòa Bình, phía dưới ăn ra sát biển. Những đường giao thông thủy bộ từ Thăng Long vào Nam đều phải di qua dãy núi này: đường “thượng đạo” qua Phố Cát, đường thiên lý qua đèo Tam Điệp, đường thủy qua cửa biền Thần Phù. Bộ binh Tây Sơn lui về giữ Tam Điệp trước hết nhằm chiếm lĩnh một tuyến chướng ngại thiên nhiên lợi hại, giành nơi đứng chân vững chãi trong phòng ngự cũng như tiến công. Quân Tây Sơn lợi dựng dãy núi Tam Điệp như một bức thành tự nhiên và bố trí phòng ngự ở những vị trí xung yếu nhằm bịt kín các đường giao thông thủy bộ qua đây mà quan trọng nhất là đường thiên lý qua đèo Tam Điệp. Ở đây còn di tích cửa ải Tam Điệp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Kẽm Đó” và thành, lũy xưa. Biện Sơn là một hòn đảo ở phía nam Thanh Hóa, nằm trên con đường ven biền từ bắc vào nam. Trên hòn đảo này còn di tích ba tòa thành nhỏ hình tròn và bán nguyệt, xây từ đời Lê, sau này nhà Nguyễn sửa chữa tu bổ lại. Thủy binh Tây Sơn rút về đóng ở Biện Sơn để khống chế con đường ven biển và chuẩn bị một căn cứ thủy quân cho cuộc phản công chiến lược nay mai.

Ngày 24 tháng mười một (ngày 21-12-1788), tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo của tướng Ngô Văn Sở do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa mang vào. Và ngày hôm sau – ngày 25 (ngày 22-12-1788) – Nguyễn Huệ trịnh trọng làm lễ đăng quang, chính thức lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức hạ lệnh xuất quân. Quang Trung tự thống lĩnh đại quân theo hai đường thủy bộ, tiến ra Bắc.

Ngày 20 tháng chạp (ngày 15-l-1789), đại quân Tây Sơn tập kết tại phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn. Thủy binh tập kết tại căn cứ Biện Sơn. Bộ binh tập kết ở phía sau phòng tuyến Tam Điệp, chủ yếu là vùng huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Ở đây còn nhiều di tích  và truyền thuyết phản ánh dịa bàn tập kết của quân Táy Sơn như Gò Bia, đồi ông Đùng – nơi pháo binh Táy Sơn tập bắn; Thung Voi – nơi nhốt voi chiến; đồng Cắm Quân – nơi đóng quân; làng Gạo – nơi chứa lương thực; đồng Cán Cờ, đồng Con Chuối – nơi quân Tây Sơn bày cờ tập trận và tập chém đổ cả một vùng chuối, v.v.

Tại khu vực tập kết, Quang Trung đã hoàn thành công việc chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược và đề ra kế hoạch tác chiến cụ thể nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long và giải phóng cả đất nước. Quyết tâm sắt đá và kế hoạch mưu trí đó dựa trên sự nghiên cứu tường tận, phân tích và đánh giá đúng đắn toàn bộ tình hình và so sánh lực lượng địch ta lúc bấy giờ.

Quân Thanh đã chiếm được kinh thành và khống chế cả vùng đồng bằng Bắc Hà. Quân địch ngoài 29 vạn quân Thanh, còn có khoảng 2 vạn quân “cần vương” của bù nhìn Lê Chiêu Thống (Việt sử thông giám cương mục cho biết vài vạn quân Lê Chiêu Thống bao gồm “nghĩa binh các đạo” và “cựu binh Thanh Nghệ” (Chính biên, q. 47, tờ 38b). “Nghĩa binh” là quân lính mới tuyển mộ, “cựu binh” là quân lính của vua Lê, chúa Trịnh trước đây (gọi là “ưu binh”, hay quân tam phủ, hay quân Thanh Nghệ) đã bị tan rã, nay tập hợp lại). Trong lúc đó, ở Phú Xuân quân đội Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ chỉ có khoảng 6 vạn quân (Theo thư của Doussain gửi Blandi ngày 6-6-1787. Nguyên bản trong Archives des Missions étrangères, số 746, tr. 29; L. Cadière dẫn trong Documents relatifs à l’epoque de Gia Long, B.E.F.E.O., 1912). Tất nhiên Nguyễn Huệ phải để một bộ phận quân đội đó ở lại bảo vệ Phú Xuân và đề phòng sự quấy rối của bè lũ phong kiến phản động Nguyễn Ánh ở mặt Nam. Nguyễn Huệ biết rằng “quân lính thì cốt hòa thuận không cốt đông, cốt tinh nhuệ không cốt nhiều” và thắng bại của chiến tranh “không phải lấy mạch đè yếu, lấy nhiều hiếp ít” (Ngô gia văn phái, Bang gia lục, sách chữ Hán). Nhưng mặt khác Nguyễn Huệ cũng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của số lượng quân đội trong chiến tranh và sự cần thiết phải khắc phục tình trạng so sánh quá chênh lệch về quân số giữa ta và dịch. Do dó, trên đường hành quân từ Phú Xuân ra Tam Điệp, Nguyễn Huệ đã cố gắng bổ sung và tăng cường quân số, giải quyết vấn đề số lượng quân đội một cách đúng mức, hợp lý.

Với truyền thống yêu nước nồng nàn, hàng vạn thanh niên trai tráng đã tự nguyện gia nhập hàng ngũ quân Tây Sơn hăng hái góp phần diệt giặc cứu nước. Chỉ hơn 10 ngày dừng quân lại ở Nghệ An, Nguyễn Huệ đã tuyển thêm được hàng vạn tân binh, đưa số quân Tây Sơn lên 10 vạn quân và vài trăm voi chiến (Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, q 30).  Ở Thanh Hóa, lúc đó xuất hiện một bài ca kêu gọi nhân dân nhập ngũ đến nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian:

Thùng thùng trống đánh quân sang,

Chợ Già trước mặt, quán Mau bên đàng.

Qua Chiêng thì rẽ sang Giàng

Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Huơng.

Anh đi theo chúa Tây Sơn,

Em về cày cuốc mà thương mẹ già.

 (Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1963, tr. 38. Chợ Già, quán Mau, Chiêng thuộc huyện Hoằng Hóa; Giàng, Đông Thổ, Đình Hương thuộc huyện Đông Sơn. Đó là những địa điểm nằm trên con đường thiên lý cũ đi về làng Thọ Hạc, nơi Quang Trung dừng quân lại làm lễ thệ sư trên đường tiến quân ra Bắc diệt quân Thanh).

 Tại Tam Điệp, Quang Trung đã có một lực lượng quân đội hùng hậu trên 10 vạn quân. Sự chênh lệch về số lượng vẫn tồn tại ở mức độ đáng kể. Quân đội Tây Sơn bước vào cuộc quyết chiến với so sánh lực lượng gần như một chọi ba. Nhưng bên cạnh thế yếu về số lượng đó, Quang Trung đã tạo ra và phát huy nhiều ưu thế hơn hẳn địch.

Quân đội Tây Sơn

Phong trào Tây Sơn vốn bắt nguồn từ một cuộc khởi nghĩa nông dân lúc bấy giờ đã phát triển lên thành một phong trào dân tộc. Quân đội Tây Sơn từ tổ chức vũ trang của nông dân và các tầng lớp dân nghèo đã phát triển lên thành ‘quân đội của nông dân, về sau trở thành quân đội của dân tộc” (Võ Nguyên Giáp, Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973. tr. 80). Trải qua 17 năm (1771-1788) tôi luyện trong ngọn lửa của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc quyết liệt quân đội đó đã trưởng thành và lớn mạnh vế mọi mặt. Nguyễn Huệ đã đưa trính độ tổ chức và trang bị của quân đội Tây Sơn lên một bước phát triển rất cao.

Quân đội Tây Sơn bao gồm đủ các binh chủng: bộ binh, kỵ binh, tượng binh, thủy binh. Tượng binh với hàng trăm con voi chiến hùng hổ là một binh chủng tiến công và đột phá rất lợi hại mà quân Thanh không có. Thủy binh được trang bị nhiều loại thuyền chiến và thuyền vận tải lớn. loại thuyền to của Tây Sơn có thể chở được voi chiến, có thể mang đến 60 khẩu đại bác (loại 24 livres) và chở 700 người (Theo thư của Barizy gửi Letondal trong Archives des Missions étrangères de Pari, Cochinchine, tài liệu đã, t. 801, tr. 867). Sau này một sĩ quan người Pháp là Se-nhô (Jean Baptiste Chaigneau) đã có dịp chạm trán với thủy quân Tây Sơn, thừa nhận rằng: “Trước khi tận mặt thấy thuỷ quân của địch (tức quân Tây Sơn), tôi có ý khinh thường, nhưng xin thú thực tôi đã lầm, địch có những tàu mang đến 50, 60 khẩu đại bác…” (Thư của Jean Baptiste Chaigneau gửi Baizy trong Archives des Mission étrangères de Paris, Cochinchine, tài liệu đã dẫn, t. 801, tr. 857).

Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, thủy binh Tây Sơn giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển quân đội, bảo đảm tốc độ hành quân nhanh và được Quang Trung sử dụng có hiệu quả làm những mũi vu hồi bao vây và chặn địch rút chạy. Quân đội Tây Sơn được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân lúc đó như hỏa hồ (một loại súng phun lửa) và đại bác các cỡ. Đặc biệt Quang Trung có một cải tiến quan trọng là không những đặt đại bác lên chiến thuyền, dùng voi kéo đại bác cỡ lớn, mà còn đặt dại bác lên voi chiến như một thứ “pháo tự hành”.

Tổ chức và trang bị của quân đội Tây Sơn không những không thua kém quân Thanh mà còn có những mặt ưu việt hơn quân địch. Nhưng ưu thế chủ yếu của quân Tây Sơn là tinh thần chiến đấu dũng cảm, khí thế tiến công mãnh liệt và sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Quang Trung thấy rõ sức mạnh định đoạt của những ưu thế chính trị đó và ra sức phát huy tác dụng của nó trong lúc chuẩn bị cũng như thực hành phản công.

Vốn từ quân đội nông dân trở thành quân đội dân tộc, quân Tây Sơn đã mang sẵn trong mình tinh thần quật khởi của nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc. Bằng nhiều hình thức động viên phong phú tác động sâu sắc đến tư tường và tình cảm con người, Quang Trung chỉ rõ kẻ thù nguy hiểm bậc nhất của cả dân tộc lúc này là quân xâm lược Thanh và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống để từ đó, khơi sâu chí căm thù và quạt bùng lên ngọn lửa yêu nước trong toàn thể quân sĩ và nhân dân.

Trong lễ đăng quang cử hành tại Phú Xuân trước lúc xuất quân, Quang Trung đã lên án hành động phản bội của Lê Chiêu Thống để xóa bỏ những ảnh hưởng cuối cùng của tên vua bán nước này và kêu gọi nhân dân đoàn kết lại dưới lá cờ cứu nước của Tây Sơn: “Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ bước đi bôn vong; sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào Trẫm” (Chiếu lên ngôi hoàng đế do Ngô Thì Nhậm soạn, bản dịch trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII – giữa thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1963, tr. 222).

Tại trấn doanh Nghệ An (thành phố Vinh), Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn và đọc bài hịch kêu gọi quân sĩ. Quang Trung đã khẳng định sự tồn tại bền vững của đất nước: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị…” và nêu cao lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho đến các cuộc kháng chiến chống Tống, chống Nguyên, chống Minh với truyền thống  “thuận lòng người, dấy nghĩa quân, để chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc”. Tiếp tục những trang sử vẻ vang đó, Quang Trung kêu gọi: “Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 360).

Trên cơ sở tư tưởng và tình cảm đó, Quang Trung nâng cao ý chí chiến đấu, xây dựng cho quân đội tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm và niềm tin mãnh liệt. Tại Thọ Hạc (thành phố Thanh Hóa), Quang Trung làm lễ “thệ sư” và ra lệnh: “Bớ chư quân! Phàm ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn người trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm làm đâu” (Nguyễn Thu, Lê quý kỷ sự, sách chữ Hán, chép tay). Cũng trong buổi lễ tuyên thệ trang trọng đó, Quang Trung đọc bài hiểu dụ tướng sĩ với những lời tuyên bố đanh thép biểu thị cao độ ý chí độc lập tự chủ và quyết tâm tiêu diệt địch:

Đánh cho để dài tóc,

Đánh cho để đen răng.

Đánh cho nó chích luân bất phản,

 Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,

 Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

 

(Nguyên văn chữ nôm của Quang Trung. Hai câu trên nói lên ý thức đánh giặc để bảo vệ nền văn hóa dân tộc lâu đời, để gìn giữ những phong tục tập quán của nhân dân. Hai câu giữa nói lêu quyết tám đánh tiêu diệt khiến cho quân giặc không còn chiếc xe nào trở về, không còn một mình giáp nào nguyên. Câu cuối nghĩa là: đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ.).

 

Lễ “thệ sư” ở Thọ Hạc là một hình thức động viên chính trị có tác dụng bồi dưỡng thêm bước nữa ý chí, nghị lực và khí thế của quân đội, nâng cao tầm vóc của quân đội lên ngang với yêu cầu của sứ mạng lịch sử. Sách Lê kỷ sự mô tả không khí buổi lễ đó như sau: “Huệ dứt lời, chư quân dạ ran như sấm, rung động cả hang núi, trời đất đổi mầu. Rồi chiêng trống đồng thời khua vang, quân lính gấp đường ra Bắc”.

Trước nạn ngoại xâm, Quang Trung đã biết nắm lấy và giương cao ngọn cờ dân tộc để tổ chức và động viên quân đội để cổ vũ toàn dân đứng lên chống giặc. Quang Trung đã đưa phong trào nông dân Tây Sơn lên đỉnh cao của phong trào dân tộc, chuẩn bị một cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược rất sâu rộng. Nhân dân đã tự nguyện tham gia vào quân đội trực tiếp chiến đấu, đã ủng hộ quân đội về mọi mặt, đã cung cấp lương thực, tạo thành lực lượng hậu cần tại chỗ cho quân dội. Một giáo sĩ người Pháp có mặt ở nước ta thời đó là Bít-xa-se (De la Bissachère) viết trong tập hồi ký của mình: khi được tin quân Thanh xâm lược, Quang Trung lập tức tiến ra Bắc Hà, “ông đi suốt ngày đêm, dọc đường dùng quyền lực thu nạp tất cả những người có thể cầm được vũ khí, ông không có lương thực nào khác ngoài lương thực tìm thấy trong các làng mà ông đi qua” (Ch. Maybon, La relation sur le Tunkin et la Cochinchine de M.De la Bissachère, Paris, 1920, tr. 182. Tài liệu này còn được ghi chép trong État actuel du Tunkin, de la Cochichine et des autres royames de Cambodge, Laos et Lac Tho par M. De la Bissachère, Paris, 1812, t. II, tr. 170, và Voyage commercial et politique aux Indes orientales aux iles Philippines, à la Chine avec des notions sur la Cochinchine et le Tonquin pendant les années 1803, 1804, 1805, 1806 ét 1807, Paris, 1810, t. III, tr. 230).

Trước mặt quân Thanh không phải chỉ có 10 vạn quân Tây Sơn thiện chiến mà là cả một dân tộc anh hùng đang vùng dậy chống ngoại xám. Đó là bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của trận tập kích chiến lược sắp tới Quang Trung đã tiến hành bước chuẩn bị đó trong một thời gian rất khẩn trương (khoảng hơn 1 tháng) và tiến hành ngay trên đường tiến quân từ Phú Xuân ra Bắc Hà. Bằng những cố gắng lớn lao, Quang Trung đang làm thay đổi dần so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo nên những điều kiện chính trị, quân sự cần thiết để chiến thắng quân thù bằng những đòn phản công sấm sét.

Với khối óc nhạy cảm và tầm mắt sắc bén của nhà quân sự kiệt xuất, Quang Trung không những đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của địch mà còn nhanh chóng phát hiện ra ý đồ và sai lầm của địch. Quân Thanh với ưu thế binh lực, đang trên đà tiến công thắng lợi, bỗng dừng lại ở Thăng Long trong thời gian hơn một tháng. Tôn Sĩ Nghị muốn để cho quân lính nghỉ ngơi ăn Tết và chuẩn bị thêm lực lượng rồi dự định sau Tết, ngày mồng 6 tháng giêng sẽ tiếp tục tiến công. Bộ chỉ huy quân địch đã phạm một sai lầm chiến lược nghiêm trọng là đánh giá quá thấp lực lượng đối phương, và từ thế tiến công chuyển sang hình thái phòng ngự tạm thời. Do đó, chúng đã tự để mất quyền chủ động ban đầu và không phát huy được tác dụng của ưu thế binh lực. Từ đại tướng Tôn Sĩ Nghị cho đến các tướng lĩnh và quân lính đều hết sức chủ quan, khinh địch, chỉ lo cướp bóc, vơ vét và chuẩn bị ăn Tết. Tôn Sĩ Nghị “mặc cho quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang, không còn có kỷ luật gì cả. Có kẻ đi ra khỏi thành đến hơn mười dặm để kiếm củi đun, có kẻ đi tới các chợ búa dân gian để buôn bán, hàng ngày sớm đi tối về xem như việc bình thường. Bọn tướng tá cũng ngày ngày chơi bời, tiệc tùng, không hề để ý gì đến việc quân. Hễ ai nhắc đến tình hình giặc giã thì bọn họ đáp rằng: chúng nó như cá chậu chim lồng, còn chút hơi thừa thoi thóp, không đáng nói đến” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 3 53). Kỷ luật và tinh thần chiến đấu của quân lính gần như bị tê liệt. Còn bọn bù nhìn Lê Chiêu Thống thì từ ngày 25 tháng chạp đã làm lễ “phong ấn” (cất ấn để nghỉ việc ăn Tết). Từ đó “các quan và quân lính cũng đều cho phép nghỉ mười ngày để cùng vui đón tiết xuân” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 354).

Quang Trung tìm cách khoét sâu thêm sai lầm của địch, kích động thêm tinh thắn chủ quan của Tôn Sĩ Nghị. Khi tiến quân ra đến Nghệ An, Thanh Hóa, Quang Trung sai người “đưa thư đến Sĩ Nghị để xin đầu hàng, lời lẽ trong thư rất là nhũn nhặn, khiêm tốn” (Việt sử thông giám cương mục, sách đã dẫn, q. 47, tr. 40, bản dịch, t. XX, tr. 61). Tôn Sĩ Nghị càng ngạo mạn, ra lệnh cho Quang Trung: “Hãy rút quân về Thuận Hóa để chờ phân xử” (Lê quý kỷ sự, sách đã dẫn).

Phát hiện và chớp được thời cơ chiến lược có một không hai đó, Quang Trung quyết định giành quyền chủ động, mở cuộc tập kích chiến lược chớp nhoáng, tung toàn bộ lực lượng ra đánh tan quân địch vào lúc chúng bất ngờ nhất. Quang Trung biết thời cơ đó chỉ đóng khung trong quãng thời gian khi quân địch chuyển sang phòng ngự tạm thời cho đến trước khi chúng tiếp tục tiến công nghĩa là trước ngày 6 tháng giêng Tết Kỷ Dậu. Thực hành phản công và quyết chiến chiến lược vào dịp đó, nhất là vào những ngày Tết, tức là giành lại được quyền chủ động tiến công địch và tạo nên sự bất ngờ lớn của hành động chiến lược.

Ý đồ quyết tâm chiến lược trên đây của Quang Trung hình thành khá sớm. Trong những ngày dừng quân lại ở trấn doanh Nghệ An, Quang Trung đã có ý định đó. Điều này được thể hiện rõ trong buổi nói chuyện giữa Quang Trung với Nguyễn Thiếp – một danh sĩ có tiếng của đất Nghệ An. Bàn về mưu kế đánh giặc, Nguyễn Thiếp nói: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không hiểu rõ thế nên đánh nên giữ ra sao. Chúa công đi ra chuyến này, không quá mười ngày, giặc Thanh sẽ bị dẹp tan” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 359). Quang Trung tỏ ý tán đồng ý kiến đó vì đấy cũng chính là tư tưởng chiến lược đã hình thành rõ nét trong sự phán đoán và suy nghĩ của Quang Trung. Càng nghiên cứu kỹ tình hình địch, Quang Trung càng củng cố và khẳng định quyết tâm chiến lược trên.

Vừa ra đến Tam Điệp, Quang Trung đã tuyên bố với các tướng lĩnh ở Bắc Hà : “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chằng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 361). Sau đó, trong bữa tiệc khao quân trước giờ xuất trận, Quang Trung khẳng định lại một lần nữa quyết tâm đánh tan quân giặc, giải phóng thành Thăng Long trước ngày mồng 5 tháng giêng để ngày 5 sẽ mở tiệc mừng chiến thắng giữa kinh thành (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 362; Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, sách đã dẫn, q. 30, tr. 33).

Nhưng từ quyết tâm chiến lược, xây dựng thành kế hoạch tác chiến cụ thể, Quang Trung còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp. Quân Thanh tuy chủ quan, khinh địch và bộc lộ những sai lầm chiến lược, nhưng lực lượng vẫn nguyên vẹn và giữ ưu thế về số lượng. Tình hình đó đòi hỏi Quang Trung phải tìm hiểu đầy đủ sự bố trí lực lượng của địch, địa hình từng khu vực, thấy rõ chỗ mạnh, chỗ yếu trong thế trận phòng ngự của địch để xác định hướng tiến công đúng đần, sử dụng binh lực một cách hợp lý nhất, tạo nên một thế trận tiến công lợi hại nhất bảo đảm đánh tan và tiêu diệt địch một cách nhanh chóng, bất ngờ, triệt để.

Kế hoạch tấn công của quân Tây Sơn

Tuy đã chuyển sang thế phòng ngự tạm thời trong những ngày Tết nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn giữ ý đồ tiếp tục tiến công. Bốn đạo quân Thanh với tổ chức, phiên chế không thay đổi, đóng ở bốn vị trí: Tây Long, Đống Đa, Hải Dương, Sơn Tây. Gần hai vạn quân của Lê Chiêu Thống thì một bộ phận quan trọng đóng trong nội thành Thăng Long, còn chia nhau đóng giữ một số trấn ở Bắc Hà. Như vậy Thăng Long là khu vực tập trung binh lực, là trung tâm phòng thủ của địch. ở đây có đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long, có đại quân chủ lực tinh nhuệ do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy đóng ở bãi cát hai bên bờ sông Nhị, có đạo quân Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa và đội quân Lê Chiêu Thống trong thành nội. Hai đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây và Hải Dương cũng để bảo vệ hai cạnh sườn phía tây – bắc và đông – nam của Thăng Long. Ba khu vực đóng quân của địch: Thăng Long, Sơn Tây, Hải Dương, hình thành một thế trận phòng ngự có thể tiếp ứng cho nhau khi bị tiến công và đồng thời, có thể triển khai đội hình tiếp tục tiến công đánh vào phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn của quân Tây Sơn.

Theo sự xét đoán của Tôn Sĩ Nghị, nếu quân Tây Sơn có dám tiến công thì hướng tiến công chủ yếu chỉ có thể là con đường thiên lý qua Tam Điệp ra Thăng Long. Do đó, từ Thăng Long về phía nam chừng 60 dặm, Tôn Sĩ Nghị lập ba đồn lũy, chia quân đóng giữ. Đó là đồn Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Tây), đồn Nhật Tảo (Duy Tiên, Nam Hà) và đồn ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết (Thanh Liêm, Nam Hà). Nhưng như Tôn Sĩ Nghị đã nói, chỉ là “canh gác từ xa để đề phòng bất trắc vậy” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 350). Mãi đến khi được tin Quang Trung đang tuyển quân ở Nghệ An, Thanh Hóa, chuẩn bị tiến công ra Bác, Tôn Sĩ Nghị mới lo tăng cường lực lượng phòng thủ xung quanh Thăng Long, chỉ yếu là mặt Nam.

Hắn ra lệnh “đề phòng trước, cho quân đi đóng giữ ở tất cả các nơi hiểm yếu tại trên khắp bốn ngả đường” (Trần Nguyên Nhiếp, An Nam quân doanh kỷ yếu, sách viết tay của Quốc lập đồ thư quán Bắc Kinh, do Trần Văn Giáp sưu tầm). Đặc biệt, phía nam Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị sai lập thêm nhiều đồn lũy mới, tạo thành một nệ thống phòng thủ dài gần 90 ki-lô-mét từ Gián Khẩu (Ninh Bình) đến Thăng Long. Đồn tiền tiêu của địch đặt ở Gián Khẩu, tiếp theo đó là các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi, Ngọc Hồi, Văn Điển. Đề đốc Hứa Thế Hanh là phó tướng của Tôn Sĩ Nghị được giao trọng trách trực tiếp chỉ huy mặt trận phía nam, phụ trách hệ thống phòng thủ chủ yếu này.

Đặc điểm của hệ thống phòng thủ phía nam Thăng Long là bao gồm nhiều đồn binh bố trí theo những cự ly nhất định trên một tuyến dài theo hướng đường thiên lý. Những dồn binh đó nói chung càng gần Thăng Long càng dày hơn, kiên cố hơn và có binh lực lớn hơn.

Trong cả hệ thống phòng thủ, đồn Hà Hồi giữ vị trí quan trọng, và đặc biệt đồn Ngọc Hồi là cứ điểm then chốt đóng vai trò quyết định. Đó là một hệ thống phòng thủ có chiều sâu, có trọng điểm, nhưng cũng có nhược điểm là bố trí thành tuyến dài, nhô về phía đối phương, hai bên sườn bị hở, dễ bị chia cắt hoặc vu hồi. Cách bố phòng thể hiện rõ ý đồ chia Tôn Sĩ Nghị là buộc đối phương phải giao chiến từ xa Thăng Long, phải đột phá liên tục và càng tiến sâu càng phải đột phá những cứ điểm mạnh hơn. Do đó, tốc độ tiến công của đối phương sẽ chậm dần, lực lượng bị tiêu hao, sức chiến đấu bị giảm sút. Đồn Ngọc Hồi với binh lực lớn và công sự kiên cố có thể tiếp ứng cho các vị trí bị uy hiếp và đủ sức ngăn chặn cuộc tiến công của đối phương. Trong trường hợp xấu nhất, đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long cũng có thể kịp thời cơ động chi viện cho các mặt trận, phá tan cuộc tiến công đó.

Quang Trung quyết định chọn khu vực Thăng Long làm mục tiêu tiến công chủ yếu. Chỉ có đánh vào sào huyệt địch, đập nát thế trận phòng ngự, tiêu diệt những lực lượng chủ lực tinh nhuệ của địch thì mới tranh thủ được thời cơ phát huy cao độ yếu tố bất ngờ, giành thắng lợi quyết định nhanh, gọn nhất. Nhưng đánh vào Thăng Long lúc đó là đánh vào trung tâm phòng thủ của địch, phải đương đầu với chủ lực của Tôn Sĩ Nghị, cánh quân Hứa Thế Hanh, cánh quân Sầm Nghi Đống và quân Lê Chiêu Thống. Vậy nên tiến công trên một hướng hay nhiều hướng và chọn hướng nào là chủ yếu? Đó là một vấn đề quan trọng đòi hỏi phải tính toán, cân nhắc một cánh thận trọng, khoa học, nhất là trong tương quan lực lượng: quân số Tây Sơn chỉ bằng khoảng một phần ba quân Thanh. Tiến công trên một hướng thì Quang Trung có thể tập trung binh lực tiêu diệt từng bộ phận quân địch, nhưng mặt khác, Tôn Sĩ Nghị lại có điều kiện điều dộng quân từ các hướng khác đến tiếp ứng.

Tiến công trên nhiều hướng thì quân Tây Sơn dễ bị phân tán lực lượng, khó bảo đảm giành được thắng lợi quyết định. Để giải quyết những mâu thuẫn đó, Quang Trung chủ trương tiến công địch trên hai hướng và làm sao phải chia cắt cô lập các đạo quân địch, đặc biệt là không cho Tôn Sĩ Nghị kịp thời sử dụng một cách tập trung đạo quân chủ lực đóng ở hai bên bờ sông Nhị. Quang Trung chọn hệ thống phòng thủ phía nam Thăng Long của địch làm hướng tiến công chủ yếu. Chủ lực của Tây Sơn sẽ tiến công chính diện, hết sức mãnh liệt, phá tung hệ thống phòng thủ chủ yếu này, tiêu diệt cánh quân Hứa Thế Hanh rồi tiến lên Thăng Long.

Đồng thời, một bộ phận quân Tây Sơn sẽ bất ngờ tập kích, nhanh chóng tiêu diệt đạo quân Sầm Nghi Đống ở Đống Đa. Đạo quân này không tinh nhuệ nhưng giữ một vị trí quan trọng: bảo vệ cửa ngõ phía tây nam thành Thăng Long và gần đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị. Sau khi tiêu diệt đạo quân này, quân Tây Sơn sẽ lập tức tràn vào Thăng Long và thọc sâu uy hiếp dại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị. Đây là hướng tiến công thứ yếu nhưng rất quan trọng vì nó sẽ giáng một đòn hết sức bất ngờ làm tan rã đội quân Lê Chiêu Thống trong nội thành Thăng Long và dồn Tôn Sĩ Nghị cùng dạo quân chủ lực của hắn vào tình trạng tê liệt không kịp trở tay đối phó.

Với hai hướng tiến công như vậy, Quang Trung vừa bảo đảm cô lập và tiêu diệt hai đạo quân Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống, vừa đặt Tôn Sĩ Nghị vào tình thế hoàn toàn bị động, không kịp tổ chức chống cự, không thể nào sử dụng được lực lượng chủ lực và phải chọn lấy một trong hai cách xử lý: hoặc tháo chạy tán loạn hoặc bị bao vây, tiêu diệt. Quang Trung đã xác định hướng tiến công rất tài tình và tạo nên một thế trận bao vây tiến công thật lợi hại. Trên hai hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu quan hệ mật thiết với nhau trong một thế trận thống nhất đó, sẽ diễn ra trận quyết chiến chiến lược lớn có ý nghĩa quyết định toàn bộ cục diện chiến tranh.

Ngoài mục tiêu tiến công chủ yếu là khu vực Thăng Long với hai hướng tiến công như trên, Quang Trung còn sử dụng một bộ phận lực lượng làm mũi vu hồi đánh vào đạo quân địch ở Hải Dương và một bộ phận khác vòng vào sau lưng địch, chặn đường rút chạy của tàn quân Thanh. Riêng dạo quân Ô Đại Kinh ở Sơn Tây, Quang Trung không tiến công. Đó là vì đạo quân này mới sang, lại đóng ở một vị trí hơi tách biệt ra ở phía tây – bắc, không thể phát huy được tác dụng gì khi Thăng Long bị tiến công. Quang Trung không tiến công hay ngăn chặn là dể tập trung binh lực vào những hướng quan trọng và biết chắc đạo quân Thanh này tự nó sẽ tan vỡ và tháo chạy.

Để thực hiện ý định trên, Quang Trung chia toàn quân ra làm năm đạo với sự bố trí lực lượng và phân chia nhiệm vụ cụ thể như sau:

Đạo quân chủ lực đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu do Quang Trung trực tiếp chỉ huy. Đạo quân này tập trung lực lượng cao, bảo đảm cơ động nhanh, tiến công mạnh, đột kích khỏe. Thành phần binh chủng gồm bộ binh, tượng binh, kỵ binh với nhiều voi chiến và hỏa hổ, đại bác. Đại tư mã Ngô Văn Sở, nội hầu Phan Văn Lân là những tướng Tây Sơn đã quen thuộc chiến trường Bắc Hà, chỉ huy quân tiên phong. Hám hổ hầu tức Chiêu Viễn tướng quân là người đã từng chiêu tập hàng vạn tân binh ở vùng Thanh Nghệ, đốc suất hậu quân làm đốc chiến. Nhiệm vụ của đạo quân này là tiến công thẳng vào hệ thống phòng thủ của địch ở phía nam Thăng Long, mặt trận chính của quân Thanh.

Đạo quân thứ hai do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy, đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu. Đạo quân này gồm bỵ binh và tượng binh, lực lượng không nhiều nhưng khá mạnh và cơ động. Từ Tam Điệp, đạo quân này ra Thiên Quan (Nho Quan, Ninh Bình), xuyên qua (Chương Đức, Chương Mỹ, Hà Tây), tiến thẳng đến Nhân Mục (Mọc, nay thuộc Nhân Chính, Từ Liêm, Hà Nội) tức đi theo con đường “thượng đạo” hay “lai kinh”- một con đường giao thông cổ được sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tranh thời Lý, Trần, Lê. Nhiệm vụ của đô đốc Đông là bất ngờ bao vây tiêu diệt đạo quân Sầm Nghi Đống ở Đống Đa rồi qua cửa tây – nam (ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) thọc sâu vào thành Thăng Long làm rối loạn khu trung tâm phòng thủ của dịch, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.

(Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập của sử quán nhà Nguyễn, Tây Sơn thuỷ mạt khảo của Đào Nguyên Phổ chép là đô đốc Mưu. Hoàng Lê nhất thống chí của các tác giả họ Ngô lại chép là đô đốc Long. Tên đã khác nhau, họ, quê quán và tiểu sử lại càng không biết. Gần đây chúng tôi phát hiện một số tư liệu đáng tin cậy cho phép xác định đô đốc Đặng Tiến Đông là một tướng Tây Sơn chỉ huy đạo quân này. Xem: Phan Huy Lê, Đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng Tây Sơn chỉ huy trận Đống Đa, Nghiên cứu lịch sử số l54, 1-2-1974.

 

Năm 1996, ông Nguyễn Q Thắng trong tập sách Quảng Nam đất nước và nhân vật lại cho rằng đô đốc Long chính là Lê Văn Long người làng Phú Xuân Trung, huyện Lệ Dương, châu Thăng Hoa (nay thuộc Trường Xuân, thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam). Nguyễn Q Thắng viết “trong trận Hà Hồi này, đô đốc Lê Văn Long chỉ huy đạo quân phía nam thần tốc tiêu diệt đồn Khương Thượng vào mờ sáng ngày mùng 5 (30-l-1789) trận đánh quyết định xảy ra tại làng Ngọc Hồi mà cha con ông đều có mặt từ lúc nổ súng lệnh” (tr. 170). Căn cứ tư liệu của ông Thắng là bản sao sắc phong chữ Hán phiên âm như sau:

 “Sắc! Thăng Hoa phủ, Lệ Dương huyện, Phú Xuân Trung xã, Lê Văn Long lịch tùng chiến trận cụ hữu cần lao, kim bổ võ tướng hữu quân sai bác quân vụ. Nhược tiếp thành sự vụ sở sự giải đãi phất cần hữu quân hiến tại khâm tai cố. Sắc. Quang Trung nhị niên nhị nguyệt sơ ngũ nhật” (tr. 171).

  Năm 1818 Lê Văn Long được khâm sai Lê Chất giao quyền trông coi trấn Sơn Nam Hạ. Theo chúng tôi đây là tư liệu quý rất đáng tham khảo, song với bản sắc sắc phong như trên thì chưa đầy đủ căn cứ để khẳng định Lê Văn Long là đô đốc Long trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng hai tên người này có thề là một. Xin ghi lại đây để bạn đọc tham khảo. Điều khẳng định của chúng tôi là đô đốc Đặng Tiến Đông là một tướng chỉ huy của đạo quân tiến vào Nhân Mục, Đống Đa).

Đạo quân thứ ba do đại đô đốc Bảo chỉ huy. Đây là một lực lượng cơ động gồm kỵ binh Và tượng binh, đặc biệt có đội voi chiến mạnh (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập chép đại đô đốc Bảo “chuyên đốc tượng quân”). Đạo quân này đi theo con đường qua Sơn Minh (Ứng Hòa, Hà Tây) tiến ra Đại Áng (Thường Tín, Hà Tây) ở phía tây – nam đồn Ngọc Hồi. Đây là một con đường nhỏ nằm vào khoảng giữa hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu gần đường tiến quân của đạo quân chủ lực. Đạo quân của đại đô đốc Bảo có nhiệm vụ “tiếp ứng cho cánh hữu” (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, sách đã dẫn, q 30, tr 33;Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 362), nghĩa là sẵn sàng phối hợp với đạo quân chủ lực để đối phó kịp thời với mọi tình huống và chủ yếu là bất ngờ tham dự vào trận quyết chiến tiêu diệt đồn Ngọc Hồi, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định.

Đạo quân thứ tư là đạo quân thủy do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy. Đạo quân này vượt biển vào sông Lục Đầu, tiến công tiêu diệt lực lượng quân dịch đóng ở Hải Dương và sẵn sàng “tiếp ứng dưới mặt đông” (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, sách đã dẫn, q 30, tr 33; Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 362), nghĩa là uy hiếp sườn phía đông đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Nhị, phối hợp với hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu đánh vào Thăng Long.

Đạo quân thứ năm do đại đô đốc Lộc chỉ huy cũng là đạo quân thủy và cũng vượt biển tiến vào sông Lục Đầu. Quang Trung biết rằng: “Người Thanh nghe ta ra Bắc, tất sẽ tập trung hết quân tinh nhuệ xuống phía Nam giữ Thượng Phúc, Phú Xuyên, còn một dải Kinh Bắc phòng ngự ắt yếu. Ta sẽ xuất kỳ bất ý chia quân chẹn ở Thái Nguyên, Lạng (Sơn)…” (Lê Trọng Hàm, Minh đô sử, sách chữ Hán, bản chép tay của Viện sử học (ký hiệu H.V. 285), tập 19, q. 44. Bộ sử này gồm 100 quyển chép thành 48 tập, hiện thiếu 4 tập, còn 44 tập với khối lượng trên dưới 3.865 tờ giấy bản. Tác phẩm có nhiều nhược điềm như bố cục và trình bày lộn xộn, phương pháp biên soạn chưa thật khoa học, một số sự việc thiếu chính xác. Giá trị chủ yếu của tác phẩm là đã tập hợp được một khối lượng tư liệu khá lớn khai thác từ nhiều nguồn như chính sử, dã sử, gia phả, truyền thuyết, thơ văn, v.v. Riêng về phong trào Tây Sơn, tác giả sưu tầm được nhiều tài liệu không thấy trong những bộ sử khác, tiếc rằng nhiều chỗ tác giả không ghi rõ xuất xứ để tra cứu, xác minh.

Vì vậy khi viết chương này, chúng tôi có sử dụng một số tài liệu của Minh đô sử nhưng với thái độ dè dặt. Xin tham khảo thêm bài giới thiệu của cụ Trần Văn Giáp, Minh đô sừ và tác giá của nó, trong Nghiên cứu lịch sử số 78 tháng 9-1965). Đạo quân của đại đô đốc Lộc là một mũi vu hồi, bí mật tiến vào sau lưng địch, chặn đường rút chạy của quân Thanh từ Thăng Long về Quảng Tây. Từ Lục Đầu, đạo quân này nhanh chóng tiến lên vùng Lạng Giang, phượng Nhãn, Yên Thế chắn ngang và bịt kín đường tháo chạy của địch.

Theo phiên chế của quân đội Tây Sơn lúc đó, đạo quân chủ lực gồm tiền quân, trung quân, hậu quân; đạo quân thứ hai và thứ ba gồm hữu quân, đạo quân thứ tư và thứ năm gồm tả quân. Ba đạo quân trên làm nhiệm vụ mũi tiến công chính diện, mũi thọc sâu bất ngờ và lực lượng phối hợp, đảm đương cả hai hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu Đây cũng là những lực lượng giữ vai trò quyết định trong toàn bộ cuộc tập kích chiến lược, có nhiệm vụ thực hành những trận quyết chiến chiến lược.

Với năm đạo quân bố trí như trên, Quang Trung tạo thành một thế trận hoàn chỉnh, gồm nhiều tầng nhiều lớp, có trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công chính diện với thọc sâu, bao vây vu hồi, có hướng chủ yếu, hướng thứ yếu có lực lượng dự bị mạnh. Binh lực được sử dụng một cách khoa học nhằm tập trung lực lượng cho những hướng tiến công chủ yếu và quan trọng, nhằm phát huy cao độ tính năng và hiệu suất chiến đấu của từng binh chủng. Kế hoạch phản công mưu lược, tài tình đó là một nhân tố căn bản nữa bảo đảm cho thắng lợi của cuộc chiến đấu sắp tới.

Một ngày cuối tháng chạp năm Mậu Thân, Quang Trung mở tiệc khao quân coi như ăn Tết Nguyên đán trước. Trong buổi lễ bừng bừng khí thế chống xâm lăng đó, một lần nữa Quang Trung kêu gọi quân sĩ: “Nhà Thanh từ vua Càn Long lên ngôi đến nay, luôn luôn mưu toan khuếch trương bờ cõi, đã chiếm phía Tây, lại toan lấn phía Nam. Sự mất còn của nước ta là quyết ớ định ở trận này”. Vị thống soái 36 tuổi lừng danh đó tuyên bố trước ba quân ý chí sắt đá quyết tâm gang thép của cả dân tộc ta là phải đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, không tiếc hy sinh, quét sạch giặc ngoại xâm “làm cho quân chó Ngô từ nay về sau không dám có ý tưởng điên cuồng muốn chiếm lấy đất nước làm quận huyện của chúng nữa” (Minh đô sử, sách đã dẫn, sách 19, q. 44). Sau khi trao nhiệm vụ cho các đạo quân, Quang Trung tuyên bố với các tướng soái: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân ngày mổng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không?” (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, sách đã dẫn, q. 30, tr. 33).

Sau 35 ngày – kể từ ngày 25 tháng mười một đến ngày 30 tháng chạp Năm Mậu Thân (ngày 22-12-1788 đến 25-l-1789) vừa hành quân, vừa nghiên cứu, vừa chuẩn bị các mặt, Quang Trung đã đưa quân đội Tây Sơn cùng với toàn thể nhân dân ta tiến lên một lòng đoàn kết quyết chiến quyết thắng với quân thù, giành và giữ vững độc lập tự do cho Tổ quốc.

Đêm giao thừa kết thúc năm cũ, đón chào năm mới đã đến.

Tại cung Tây Long bên bờ sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị cùng bọn tướng soái quân Thanh đang mở “yến tiệc hát xướng” (Thánh vũ ký, sách đã dẫn, q. 6, tr. 36b) để đón xuân và mừng “chiến thắng”. Trước đó, Lê Chiêu Thống cũng đã dâng lên “quan đại soái của thiên triều” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 353) lễ vật nhiều gấp đôi lễ tết sứ thần sang phong vương. Khắp các doanh trại, đồn lũy, quân địch đều chúi đầu vào những bữa chè chén phè phỡn hay cờ bạc say mê. Bên kia biên giới, tại kinh thành nhà Thanh, theo lệnh vua Càn Long, câu đối Tết dán ở cung Trùng Hoa năm đó đều lấy đề tài “Bình định An Nam” và được sao lục gửi cho Tôn Sĩ Nghị xem (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1318, tr. 37a). Vua tôi, tướng tá, quân lính nhà Thanh đang ngây ngất trong không khí “chiến thắng” và tết nhất.

Chí

0