TPHCM quy định nơi ĐKDT của thí sinh tự do thi THPTQG 2017

I. Tổ chức Đăng ký dự thi - Hồ sơ dự thi - Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước) đăng ký dự thi tại trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện nơi cư trú. -Các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên cần hướng dẫn và tạo điều kiện ...

I. Tổ chức Đăng ký dự thi - Hồ sơ dự thi

- Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước) đăng ký dự thi tại trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện nơi cư trú.

-Các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên cần hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký dự thi nhưng phải kiểm tra cẩn thận hồ sơ khi nhận.

- Hiệu trưởng trường phổ thông bố trí nơi tiếp thí sinh đến làm hồ sơ đăng ký dự thi tại trường mình thật lịch sự và thuận lợi; phân công cán bộ, nhân viên đã được huấn luyện nắm vững nghiệp vụ và  thái độ giao tiếp, ứng xử văn hóa làm công tác hướng dẫn và thu nhận hồ sơ; bố trí máy móc, thiết bị, ấn phẩm, ấn chỉ phục vụ cho việc đăng ký dự thi và thu nhận hồ sơ dự thi của thí sinh.

- Khi nhập Phiếu đăng ký dự thi, phải nhập cả ảnh của thí sinh (theo đúng các yêu cầu quy định tại Công văn số 417/BGDĐT-KTKĐCLGD). Ảnh màu cỡ 4x6 cm kiểu chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng. Ảnh thí sinh đưa vào hệ thống có độ phân giải là 40x600 pixels và được gắn đúng với tên của thí sinh

II. Kiểm tra hồ sơ thí sinh

1. Thủ trưởng các trường phổ thông (nơi đăng ký dự thi) chịu trách nhiệm hướng dẫn đăng ký dự thi, thu phiếu đăng ký dự thi, nhập thông tin thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và chuyển hồ sơ, dữ liệu đăng ký dự thi cho Sở Giáo dục và Đào tạo đúng thời gian quy định trong lịch công tác kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 (đính kèm bên dưới).

2. Các trường phổ thông cần kiểm tra kỹ hồ sơ dự thi (đối chiếu giữa học bạ, giấy khai sinh, các văn bằng, chứng nhận,...  đảm bảo chính xác tuyệt đối họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh (ghi đủ quận, huyện, tỉnh, thành phố), ghi đầy đủ các cột mục, không bị rách nát, tẩy xóa, có đầy đủ chữ ký của người chịu trách nhiệm từng phần và của cấp quản lý...), lập danh sách người học (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đúng với khai sinh, học bạ, ghi chú các trường hợp được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của thí sinh; quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện hoặc hồ sơ không hợp lệ. Hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều kiện dự thi của người học trong trường.

3. Hiệu trưởng trường phổ thông phải chú ý cho kiểm tra, kiểm tra chéo nhiều lần: in ra danh sách để kiểm dò và yêu cầu người học ký tên xác nhận đã đọc rõ các chi tiết; đặc biệt lưu ý: môn tự chọn, diện ưu tiên chính sách, điểm khuyến khích cộng thêm, ngoại ngữ,... Giáo viên chủ nhiệm phải dành thời gian nêu rõ và đủ các chi tiết của hồ sơ người học để từng người học kiểm tra lại và có ý kiến.

4. Các trường phổ thông tổ chức tập hợp hồ sơ thí sinh theo từng Điểm thi (tách riêng theo thứ tự phòng thi của môn thi đầu tiên); trước ngày thi 2 ngày (chậm nhất 8 giờ 00 ngày 20 tháng 6 năm 2017) thủ trưởng trường phổ thông ủy nhiệm cho cán bộ, giáo viên mang hồ sơ đến các Điểm thi mà thí sinh đăng ký tại đơn vị mình dự thi để phục vụ cho việc kiểm tra hồ sơ tại điểm thi và đối chiếu thông tin khi cần thiết. Phó trưởng Điểm thi sở tại chịu trách nhiệm nhận, bảo quản, giao trả hồ sơ với các trường phổ thông sau khi thi xong (phải lập biên bản giao nhận đầy đủ lúc nhận và giao trả hồ sơ).

5. Việc tổ chức kiểm tra hồ sơ dự thi tại điểm thi do Trưởng Điểm thi quyết định vào ngày họp lãnh đạo, thư ký Điểm thi (ngày 20 tháng 6 năm 2017) hoặc ngay sau phiên họp toàn thể cán bộ làm công tác coi thi tại Điểm thi (ngày 21 tháng 6 năm 2017). Trưởng Điểm thi phải có Báo cáo tổng hợp việc kiểm tra hồ sơ tại Điểm thi và gửi Báo cáo này (bằng văn bản giấy) về Ban coi thi trong ngày kiểm tra hồ sơ; trong đó đề xuất các biện pháp xử lý từng trường hợp sai sót hay không đủ điều kiện dự thi của thí sinh để lãnh đạo Ban coi thi xem xét quyết định kịp thời.

6. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.

7. Những trường hợp miễn thi

Thực hiện theo Điều 32, Điều 33 của Quy chế thi 04.

Hồ sơ miễn thi:

- Công văn đề nghị của trường phổ thông nơi thí sinh đang học.

- Bản sao học bạ (trường phổ thông chứng nhận sao y bản chính).

- Các loại hồ sơ có liên quan xác nhận thuộc đối tượng miễn thi.

Trường phổ thông có người học miễn thi lập danh sách và gửi toàn bộ hồ sơ về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 21 tháng 4 năm 2017.

Theo thethaohangngay

0