23/05/2018, 15:53

Tình hình công tác bảo quản hàng nông sản của Việt Nam hiện nay

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp nước ta có bước phát triển vượt bậc nhưng thiếu tính bền vững, khiến nông sản xuất khẩu bị “thua thiệt” khi ra thị trường thế giới. Thông tin từ Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xung quanh ...

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp nước ta có bước phát triển vượt bậc nhưng thiếu tính bền vững, khiến nông sản xuất khẩu bị “thua thiệt” khi ra thị trường thế giới. Thông tin từ Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xung quanh nguyên nhân và hướng giải quyết vấn đề này như sau: Việt Nam hiện có gần 400.000ha trồng rau sản lượng đạt gần 6 triệu tấn/năm với nhiều loại rau, quả nhiệt đới và á nhiệt đới như: cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ, dưa chuột,… Diện tích trồng cây ăn quả đạt gần 600.000ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm với nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới và á nhiệt đới như: nhãn, vải, xoài, chồm chôm, , thanh long, bưởi, lê, dứa,…

Nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, sản xuất và tiêu thụ rau quả ở Việt Nam vẫn ở dạng quy mô hộ gia đình, rất ít trang trại sản xuất rau quả chuyên canh vổi quy mô lớn để phục vụ chế biến và xuất khẩu. Phần lớn các sản phẩm rau quả ở Việt Nam được sử dụng dưới dạng tươi sống. Năng lực chế biến chỉ khoảng 200.000 tấn/năm (2% sản lượng), chủ yếu là các loại rau quả đóng hộp, nước quả đóng lon.

Tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở Việt Nam khoảng hơn 25% đối với các loại quả và hơn 30% đối với các loại rau, 15-20% với các loại lương thực khác… Như vậy với tỷ lệ tổn thất này, mỗi năm chúng ta bị mất khoảng 3.000 tỷ đồng – số tiền lớn hơn tổng thu ngân sách trên địa bàn nhiều tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là về mặt nhận thức. Chỉ vài năm gần đây, công nghệ sau thu hoạch mới được quan tâm, nhất là khi sản lượng nông nghiệp nước ta đã đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước và có xu hướng xuất khẩu.

Ngay việc hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ sau thu hoạch cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tổn thất này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trước thu hoạch như: giống, phân bón, cách thức chăm sóc và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,… Ngay chính nông dân, những người trực tiếp sản xuất cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng về bảo quản nông sản sau thu hoạch, khiến cho mức độ và giá trị tổn thất lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Có nhiều nguyên nhân làm cho mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới bị thua kém so với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy bên cạnh việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam thì chất lượng nông sản của chúng ta chưa thể sánh được so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc,… Đơn giản là vì các khâu trước và sau thu hoạch của họ được chuẩn bị và triển khai rất đồng bộ nên chất lượng nông sản sau thu hoạch rất cao và tổn thất sau thu hoạch cũng không đáng kể. Ở Việt Nam, công nghệ sau thu hoạch do mới được quan tâm nên vẫn còn kém phát triển. Có thể phải mất 15 – 20 năm nữa, công nghệ sau thu hoạch ở nước ta mới theo kịp Thái Lan ngày nay.trai cay viet nam

Một thực tế rất bức xúc là: Tại sao giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam lại luôn thấp hơn Thái Lan? Đó phải chăng là vì công nghệ sấy thóc gạo của chúng ta chưa phát triển, thóc thường phơi trên các sàn đất, bê tông hay trên đường rải nhựa dẫn đến độ rạn, gãy rất cao (30 – 40%), bên cạnh đó tỷ lệ sạn, cát vượt quá tiêu chuẩn cho phép nên giá gạo của nước ta thường thấp hơn loại cùng phẩm cấp của Thái Lan từ 20 – 30 USD/tấn, gây thiệt hại cho nhà sản xuất mỗi năm tới 50 – 60 triệu USD.

Để tiến tới hội nhập, rõ ràng chúng ta phải quan tâm hàng đầu đến chất lượng sản phẩm, chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định. Muốn có sản phẩm nông nghiệp tốt thì các khâu trước, trong và sau thu hoạch đều rất quan trọng. Một sản phẩm tốt, an toàn, tiêu chuẩn thì công nghệ bảo quản rất thuận lợi. Bên cạnh đó, chất lượng nông sản tốt cũng góp phần để khách hàng quốc tế biết đến thương hiệu hàng Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta cần xây dựng các vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu.

Hiện nay, hệ thống kiểm tra chất lượng nông sản của nước ta chưa thống nhất. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng các phòng kiểm tra chất lượng nông sản đủ năng lực phân tích các chỉ tiêu về thành phần dinh dưỡng, chất phụ gia, chất kích thích, độc tố, thực phẩm chiếu xạ và nông sản chuyển gen,… Mặt khác, cần khuyến cáo người dân áp dụng các quy trình quản lý chất lượng sản xuất hàng nông sản. Điều đó góp phần đưa nông sản nước ta đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

0