23/05/2018, 15:04

Tìm hiểu hệ hô hấp của động vật

Giải phẫu hệ hô hấp Đường dẫn khí Xoang mũi Xoang mũi nhỏ ở vùng đầu được giới hạn phía trước là hai lỗ mũi, sau có hai lỗ thông với yết hầu, trên là xương mũi, dưới là vòm khẩu cái ngăn cách với xoang miệng. Ở chính giữa có một vách sụn và xương lá mía chia xoang mũi thành hai phần giống ...

Giải phẫu hệ hô hấp

Đường dẫn khí

Xoang mũi

Xoang mũi nhỏ ở vùng đầu được giới hạn phía trước là hai lỗ mũi, sau có hai lỗ thông với yết hầu, trên là xương mũi, dưới là vòm khẩu cái ngăn cách với xoang miệng.

Ở chính giữa có một vách sụn và xương lá mía chia xoang mũi thành hai phần giống nhau là xoang mũi phải và trái.

+ Lỗ mũi: là hai hốc tròn hoặc hình trứng, là nơi cho không khí đi vào xoang mũi. Cấu tạo bởi một sụn giống neo tầu thủy làm chỗ bám cho các cơ mũi. Bên ngoài phủ bởi lớp da.

+ Cấu tạo xoang mũi:

– Xoang mũi được cấu tạo khung xương gồm các xương: xương mũi, xương hàm trên, liên hàm, khẩu cái, lá mía. Trong xoang mũi từ thành bên đi vào trong có 3 đôi xương ống cuộn là ống cuộn mũi (ở trên), ống cuộn hàm (ở dưới), ống cuộn sàng (ở sau). Đây là các xương rất mỏng cuộn lại và được phủ bởi niêm mạc nhằm tăng diện tích tiếp xúc không khí với niêm mạc mũi.

– Niêm mạc: niêm mạc bao phủ toàn bộ mặt trong xoang mũi chia làm hai khu:

Khu niêm mạc hô hấp: bao phủ 2/3 phía trước mặt trong xoang mũi. Niêm mạc màu hồng, có các lông để cản bụi, tế bào biểu mô phủ có lông rung, dưới là các tuyến tiết dịch nhầy và mạng lưới mao mạch dày đặc.

Chức năng: cản bụi, lọc sạch, tẩm ướt và sưởi nóng không khí trước khi đưa vào phổi.

Khu niêm mạc khứu giác nằm ở phía sau có màu vàng nâu. Trên niêm mạc chứa các tế bào thần kinh khứu giác, sợi trục của chúng tập trung lại thành dây thần kinh khứu giác liên hệ với bán cầu đại não.

Chức năng: nhận cảm giác mùi trong không khí.

Yết hầu

Yết hầu là một xoang ngắn, hẹp nằm sau xoang miệng và màng khẩu cái, trước thực quản và thanh quản, dưới hai lỗ thông lên mũi. Yết hầu là nơi giao nhau (ngã tư) giữa đường tiêu hóa và đường hô hấp. Nó có nhiệm vụ dẫn khí từ xoang mũi xuống thanh quản, dẫn thức ăn từ miệng xuống thực quản. Ngoài ra từ yết hầu còn có hai lỗ thông lên xoang nhĩ (bên trong màng nhĩ tai) nh ờ hai ống nhĩ hầu.

Thanh quản

Là một xoang ngắn hẹp nằm sau yết hầu và màng khẩu cái, trước khí quản, dưới thực quản. Thanh quản vừa là đường dẫn khí vừa là cơ quan phát âm.

– Cấu tạo: gồm một khung sụn, cơ và niêm mạc.

+ Khung sụn gồm 5 sụn:

Sụn tiểu thiệt giống như nửa lá cây nằm sau yết hầu.

Sụn giáp trạng giống như quyển sách mở nằm giữa sụn tiểu thiệt và sụn nhẫn tạo thành đáy thanh quản.

Sụn nhẫn giống cái nhẫn mặt đá nằm sau sụn giáp trạng, trước các vòng sụn khí quản.

Hai sụn phễu giống như hai tam giác nằm trên giáp trạng, hai đầu trên gắn liền nhau cùng với sụn tiểu thiệt làm thành hình vòi ấm.

– Ở giữa nhô vào lòng thanh quản là hai u tiếng.

– Hai đầu dưới cùng gắn lên mặt trên sụn giáp trạng. Hai u tiếng có hai bó dây tiếng (là hai bó sợi đàn hồi cao), cùng đi xuống bám vào đầu dưới hai sụn phễu.

+ Cơ thanh quản: gồm cơ nội bộ là các cơ nhỏ mỏng liên kết các sụn với nhau, cơ ngoại lai có chức năng vận động thanh quản.

+ Niêm mạc: phủ bề mặt thanh quản chia làm 3:

Vùng trước cửa thanh quản rất nhạy cảm. Vật lạ rơi xuống sẽ tạo phản xạ ho và bị đẩy ra ngoài.

Vùng giữa cửa thanh quản: ở đó có hai bó dây tiếng tạo nên cửa tiếng, sẽ phát ra âm cao thấp khác nhau.

Vùng sau của thanh quản: niêm mạc có tuyến nhầy để cản bụi.

Khí quản

Là ống dẫn khí từ thanh quản đến rốn phổi chia làm hai đoạn là đoạn cổ và đoạn ngực.

+ Đoạn cổ: 2/3 phía dưới đi dưới thực quản, 1/3 phía sau đi song song bên trái thực quản.

+ Đoạn ngực đi dưới thực quản

Khí quản được cấu tạo bởi 50 vòng sụn hình chữ C, hai đầu chữ C quay lên trên, nối với nhau bằng một băng sợi. Niêm mạc khí quản có tế bào biểu mô phía trên có lông rung, tuyến tiết dịch nhầy.

Phổi

+ Vị trí: gia súc có hai lá phổi hình nón, chiếm gần hết lồng ngực, nằm chùm lên tim, lá phổi phải thường lớn hơn phổi trái.

+ Cấu tạo:

– Ngoài cùng là lớp màng phổi bao bọc.

– Trong là mô phổi, mỗi lá phổi gồm nhiều thùy phổi. Thùy phổi là tập hợp của các đơn vị cấu tạo bởi tiểu thùy phổi.

Mỗi tiểu thùy hình đa giác có thể tích khoảng một cm³  bên trong gồm các chùm phế nang (giống chùm nho) và các túi phế nang (giống quả nho). Trong mỗi thùy phổi hệ thống phế quản phân nhánh dẫn khí vào đến chùm phế nang và túi phế nang. cấu tạo phổi gia súccấu tạo phổi gia súc

– Đi song song với hệ thống ống phế quản là các phân nhánh của động mạch phổi mang máu đen chứa CO2 đến lòng túi phế nang tạo thành màng lưới mao mạch, ở đây máu thực hiện sự trao đổi khí thải khí CO2 và nhận O2 trở thành máu đỏ tươi rồi theo hệ thống tĩnh mạch đổ về tim đi nuôi cơ thể.

– Số lượng phế nang ở phổi rất nhiều. Tổng diện tích bề mặt phế nang (để trao đổi khí) ở đại gia súc khoảng 500m 2 , ở tiểu gia súc: 50 – 80 m 2 Ảnh chụp phổi gia súcẢnh chụp phổi gia súc

– Mô phổi về cơ bản được lát bởi các sợi chun có tính co giãn, đàn hồi cao. Vì thế, khi hít vào phổi phồng lên, không khí chứa đầy trong các phế quản, phế nang. Khi thở ra thể tích phổi thu nhỏ, phổi xẹp xuống tống khí ra ngoài.

Hoạt động sinh lý hệ hô hấp

Hít vào

– Khi các cơ hít vào co rút sẽ làm cho lồng ngực được kéo căng sang hai bên và từ trước về sau, đồng thời cơ hoành chuyển từ cong lồi về phía ngực thành một góc nhọn ép xuống các cơ quan trong xoang bụng.

– Kết quả của động tác hít vào là thể tích lồng ngực được mở rộng, áp lực âm trong khoang màng ngực tăng làm cho phổi giãn nở ra, áp lực trong phổi giảm nhỏ hơn áp lực không khí làm cho không khí theo đường dẫn khí, tràn vào các chùm phế nang của phổi và làm thể tích của phổi tăng lên.

Thở ra

– Khi thở ra các cơ thở ra (chiều cơ sắp xêp ngược chiều với cơ hít vào) co rút (trong khi đó các cơ hít vào giãn ra) ép lồng ngực vào trong, đồng thời có hoành chuyển từ trạng thái co sang giãn lại cong lồi lên phía ngực, thu hẹp thể tích lồng ngực từ sau ra trước.

– Kết quả của động tác thở ra làm cho lồng ngực bị thu hẹp lại theo cả 3 chiều không gian, phổi bị ép xẹp lại, áp lực trong phổi tăng lên, đẩy không khí thoát ra ngoài.

Tần số hô hấp

Là số lần hít vào và thở ra trong một phút.

Ví dụ: Ng ựa 8 – 16;  bò 10 – 30;  l ợn 20 – 30;  dê; 10 – 18; trâu 18 – 21; gà 22 – 25.

Tuy nhiên tần số hô hấp còn phụ thuộc vào trạng thái sinh lý, nhiệt độ môi trường, sự vận động của cơ thể.

Sự trao đổi khí khi hô hấp

+ Sự kết hợp và vận chuyển khí ô xy

– Khi gia súc hít vào lượng ô xy ở trong phổi cao hơn lượng ô xy ở trong máu cho nên ô xy khuyếch tán trong máu, kết hợp với sắc tố của hồng cầu và  được hồng cầu vận chuyển đến các mô bào của cơ quan trong cơ thể động vật. Tại mô bào do lượng ô xy giảm nên ô xy từ hồng cầu khuyếch tán vào mô bào, ô xy hóa các chất dinh dưỡng giải phóng ra năng lượng cho cơ thể hoạt động

+ Sự kết hợp và vận chuyển CO2

– Ở mô bào tổ chức do quá trình oxy hóa các chất dinh dưỡng cho nên giải phóng ra nhiều khí CO2, do đó lượng khí CO2 cao hơn ở máu nên khuyếch tán vào máu kết hợp với sắc tố của hồng cầu và được hồng cầu vận chuyển về phổi, tại đây lượng CO2 thấp hơn ở máu nên CO2 được khuyếch tán vào phổi rồi được đẩy ra ngoài cơ thể .Trung khu điều khiển hệ hô hấp là hành tủy của thần kinh trung ương .

0