06/02/2018, 10:26

Bài 9 – Viết bài tập làm văn số 2 – Văn kể chuyện (làm tại lớp)

Bài 9 – Viết bài tập làm văn số 2 – Văn kể chuyện (làm tại lớp) Hướng dẫn Đề bài: Kể về một việc tốt mà em đã làm. Bài làm Mở bài: Trong buổi họp lớp vào cuối tuần vừa qua, cô giáo chủ nhiệm đã bất ngờ thay mặt Hội đồng giáo viên của nhà trường tuyên dương tôi về "một việc ...

Bài 9 – Viết bài tập làm văn số 2 – Văn kể chuyện (làm tại lớp)

Hướng dẫn

Đề bài: Kể về một việc tốt mà em đã làm.

Bài làm

Mở bài: Trong buổi họp lớp vào cuối tuần vừa qua, cô giáo chủ nhiệm đã bất ngờ thay mặt Hội đồng giáo viên của nhà trường tuyên dương tôi về "một việc tốt" mà tôi đã làm. Thế là cả lớp nhao nhao đòi tôi phải kể thật rõ câu chuyện đó. Thấy vậy, cô giáo cũng yêu cầu tôi kể lại chuyện đã xảy ra cho cả lớp cùng nghe. Không thể từ chối được, tôi đành phải đứng lên và kể…

Thân bài: Hôm ấy, trời mưa to lắm. Con đường đi đến trường rất lầy và trơn. Tôi đang thận trọng ôm chặt chiếc cặp sách vào ngực và cẩn thận bước đi để khỏi bị ngã thì chợt thấy ở trước mặt tôi có một em nhỏ, có lẽ là học sinh lớp ba hoặc lớp bốn cũng đang tới lớp. Em bị trượt chân ngã rồi bị rơi tuột xuống con mương nhỏ ở ngay cạnh đường. Mọi ngày, con mương nhìn thật hiền lành. Nó chỉ rộng chừng ba mét và lòng mương luôn cạn, tôi có thể dễ dàng lội qua vì chỗ sâu nhất, nước cũng chỉ tới ngực. Nhưng hôm nay mưa lớn dội xuống ào ào, dòng nước đục ngầu trong mương đã dâng cao mấp mé mặt đường và đang cuồn cuộn chảy. Em bé bị ngã hoảng hốt thét lên rồi bị dòng nước cuốn ngay đi. Không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, tôi vứt cặp sách và nhảy xuống mương, sải nhanh tới tóm được em bé lại. Thấy có người xuống cứu mình, em bé cứ bám chặt lấy tôi. Nước mương thì lại sâu, tôi thả chân xuống không thấy đáy và dòng nước cứ xô tới đẩy cả hai chúng tôi đi. Tôi còn đang loay hoay chưa ngoi được lên bờ thì cũng may lúc đó có một anh thanh niên gánh rau đi qua. Anh đặt vội gánh rau xuống đường rồi nhảy ùm xuống lôi được hai đứa chúng tôi lên. Tất nhiên là cả ba người đều ướt như chuột lột. Tôi cảm ơn anh thanh niên. Anh cười rồi lại gánh rau đi tiếp. Tôi và em bé đành phải quay về vì không thể mặc bộ quần áo vừa dơ vừa sũng nước vào lớp được. Tôi dẫn em bé về tận nhà em rồi mới quay về nhà mình.

Buổi học đó tôi đành phải nghỉ nên đến chiều tôi đến nhà cô xin phép với lí do là buổi sáng bị ngã ướt hết quần áo. Nhưng khi tôi đang trình bày chuyện nghỉ học buổi sáng với cô thì bất ngờ có một người đi vào và đó chính là anh thanh niên bán rau buổi sáng. Anh là em họ của cô giáo, nhà ở ngay cạnh nhà cô. Thấy tôi, anh reo lên: "Ồ, lại gặp chú mày?". Rồi anh quay sang kể rõ chuyện tôi đã cứu em bé cũng như chuyện tôi suýt chết đuối cho cô nghe. Cô rất vui, cầm tay tôi và nói: "Em đã làm một việc tôt. Thật đáng khen".

Kết bài: Thưa các bạn, câu chuyện của tôi chỉ đơn giản có thế. Việc làm của tôi cũng chẳng có gì là to tát. Nhưng cô giáo đã báo cáo lại với ban giám hiệu nhà trường và nhà trường đã quyết định tuyên dương tôi. Tất nhiên là tôi rất vui nhưng tôi nghĩ, khi gặp một tình thế khẩn cấp như tôi đã gặp, có lẽ tất cả các bạn trong lớp cũng sẽ nhảy ùm xuống nước để cứu em bé khỏi bị dòng nước cuốn trôi đi, phải không các bạn?

ĐỀ THAM KHẢO

Đề 1: Kể về một việc tốt mà em đã làm.

Đề 2: Kể về một lần em mắc lỗi (bỏ học, nói dối, không làm bài,…).

Đề 3: Kể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến.

Đề 4: Kể về một kỉ niệm hồi ấu thơ làm em nhớ mãi.

Đề 5: Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết.

BÀI THAM KHẢO

Đềbài: Ai cũng có lần mắc phải những lỗi lầm. Hãy kể lại một lần em mắc lỗi (bỏ học, nói dối, không làm bài…) và nói lên sự ân hận của em. Nêu bài học kinh nghiệm cần rút ra.

Dàn bài

I. Mở bài: Giới thiệu thời gian xảy ra câu chuyện.

II. Thân bài

– Mẹ cho tiền đi tham quan.

– Đi chơi hội chợ chơi xổ số lô tô thua hết tiền, về nói dối mẹ. Mẹ cho số tiền khác.

– Nhìn mẹ cực khổ gánh chè bán để kiếm tiền, em ân hận và thú thật với mẹ.

III. Kết bài: Em cương quyết không làm mẹ buồn lòng nữa.

Bài làm tham khảo

Việc xảy ra đã mấy năm rồi. Vậy mà em còn nhớ mãi.

Năm ngoái nhà trường tổ chức đi tham quan bến Nhà Rồng và Thảo cầm viên. Mỗi học sinh phải đóng hai mươi ngàn đồng cho chuyến tham quan đó.

Mẹ em không ngần ngại đưa cho em tiền để sáng vào lớp đóng cho lớp trưởng.

Tối hôm đó tiếng loa vang lên từ bãi đất trống gần nhà làm em bồn chồn. Người ta tổ chức hội chợ với nhiều trò vui. Tiếng ca tiếng nhạc cứ mãi thúc giục khiến em vào xin phép cha mẹ. Em định bụng đến khu hội chợ một lát rồi về.

Đến nơi, quả thật là vui. Ở đây có nhiều trò chơi, từ thảy vòng, chọi lon đến trò xổ số lô tô. Hấp dẫn nhất là trò quay số. Một vòng quay mười hai con số thi nhau chớp tắt. Dễ trúng quá, trò chơi này thật hấp dẫn, khiến em mua một con số hai ngàn đồng. Trật rồi, và em ngập ngừng mua con số khác. Lại trật nữa. Em đã mua hết nhẵn hai mươi ngàn đồng mẹ vừa cho.

Thấy em về với vẻ mặt buồn hiu, mẹ em hỏi:

– Có việc gì vậy con?

Trên đường về, em dự định sẽ nói dối, nên em giả vờ mếu máo khóc:

– Con đánh rơi hai mươi ngàn đồng rồi. Thôi vậy con không đi tham quan nữa đâu.

Mẹ em thở dài, ngần ngừ một lúc rồi móc túi áo lấy ra những tờ giấy bạc nhàu nát.

Mẹ nói:

– Lâu lâu mới có dịp đi xa, con lấy tiền này mai đóng cho nhà trường.

Tối hôm đó, ngồi học bài, em thấp thỏm chờ mẹ về. Mọi khi, giờ này mẹ đã về. Chắc bữa nay bán ế nên mẹ về trễ.

Mãi đến mười giờ đêm, mẹ em mới về. Gánh chè còn lưng lưng phân nửa. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của mẹ, em không sao cầm được nước mắt. Lòng dấy lên nỗi hối hận, em chạy đến ôm chầm lấy mẹ và nức nở kể hết sự thật.

Nghe xong, mẹ vuốt đầu em và nói:

– Con biết hối lỗi như vậy là tốt rồi. Mẹ còn xoay xở được. Con cứ giữ lấy tiền này cho mẹ vui.

Từ đó, mỗi lần nghe loa hội chợ là lòng em lại dây lên niềm hối hận. Em cương quyết từ nay không làm mẹ buồn và giấu mẹ bất cứ điều gì nữa.

Đề bài: Em có lần từ chối không cho tiền một người nghèo khổ. Hãy kể lại chuyện ấy và nói lên sự ân hận của em.

Dàn bài

I. Mở bài: Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện.

II. Thân bài:

– Diễn biến câu chuyện.

– Một ông lão nghèo khổ đến xin tiền. Tôi không những từ chối mà còn nặng lời. Sau đó nghĩ lại, tôi thấy hối hận vô cùng.

III. Kết bài: Quyết không kiêu căng, khinh người nữa.

Bài làm tham khảo

Trưa hôm qua, tôi đang ngồi học bài bỗng nghe giọng ai khàn khàn ở ngoài cửa ngõ: "Cô bác ơi! Làm ơn bố thí cho tôi chén gạo, bát cơm".

Tôi nhìn ra, đó là một ông lão độ 70 tuổi, mình mặc một bộ đồ bà ba đen đã rách nát, đầu đội nón lá cũ, vai mang bị, tay chống gậy lần bước từ nhà này lê sang nhà khác để xin tiền.

Tôi ngồi trong nhà nhìn ra, giọng lạnh lùng:

– Nhà tôi hết gạo rồi ông ơi, ông đi chỗ khác đi.

Ông lão vẫn đứng yên, miệng lẩm bẩm:

– Cô làm ơn cho tôi chén gạo thôi cô à.

Tôi hết sức bực mình và liền dùng những từ nặng nề đuổi ông lão ấy đi:

– Cái ông này kì quá. Ông có đi nơi khác cho tôi học bài không? Ai biểu đi xin chi cho khổ thân vậy, tối ngày cứ gặp ăn xin mãi.

Tội nghiệp cho ông cụ, tay run run chống gậy bước sang nhà khác, bước đi có vẻ nặng nhọc lắm. Tôi lại bàn lấy quyển sách giáo dục công dân ra học. Tôi học được một đoạn rồi lật sang trang khác, ở trang này tác giả có in hình một đứa bé đang bưng gạo ra cho một ông lão ăn mày. Tôi sực nhớ đến lúc nãy, tôi đã tỏ ra khinh bỉ ông cụ, không cho lấy một chén gạo mà còn nặng lời xua đuổi ông rất thậm tệ.

Nghĩ lại tôi rất hối hận. Tôi không xứng đáng là một người có học chút nào cả. Hằng ngày, tôi vẫn nghe thầy cô khuyên chúng tôi không nên hắt hủi những người nghèo khổ. Vậy mà giờ này tôi đã làm một việc trái với lời thầy cô thường dặn. Tôi không can đảm đọc hết trang ấy, vội vàng đem quyển sách cất đi và càng nghĩ lương tâm tôi càng day dứt. Rồi ông cụ khi nãy sẽ ra sao? Nếu chẳng may ông cụ gặp người nào cũng như tôi thì tội nghiệp cho ông biết chừng nào. Đời sống của ông chỉ nhờ vào lòng từ thiện của người đời. Thế mà ai cũng như tôi lại bạc đãi ông thì làm sao ông sống cho qua ngày tháng được? Rồi đây cơm đâu ông ăn? Chỗ đâu ông ngủ? Quần áo đâu ông mặc? Bao nhiêu câu hỏi cứ ám ảnh tôi mãi, không lúc nào để cho tôi yên.

Càng suy nghĩ tôi càng thương ông lão quá. Tôi vội vàng chạy ra cửa, hi vọng ông còn ở lại đâu đây để tôi có thể giúp ông chút nào đỡ chút ấy. Nhưng ra ngoài cửa thì ông lão đã đi mất. Sự hối hận của tôi đã muộn lắm rồi. Tôi thất thểu vào nhà trong lòng buồn bã, và tôi tự cho tôi là người xấu xa nhất đời. Tôi không xứng đáng sống chung với mọi người chút nào.

Để chuộc lại những lỗi lầm của tôi, từ nay về sau tôi quyết bỏ hẳn cái tính kiêu căng, khinh người và gặp bất cứ người nghèo khổ nào tôi cũng hết lòng giúp đỡ, mặc dù sự giúp đỡ của tôi không đem họ ra khỏi được cảnh nghèo túng, nhưng tấm lòng thành thực của tôi cũng an ủi họ bớt được phần nào.

Minh Văn – Xuân Tước

(Luận văn mới, Nhà xuất bản Sống mới, 1970)

Mai Thu

0