22/06/2018, 09:30

Tiberius – Người mở rộng đế chế La Mã

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 29/6/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Tiberius là vị hoàng đế thứ hai của La Mã và là một chiến binh vĩ đại. Những ghi chép về tính khí kiêu ngạo và lối sống trụy lạc của ông có lẽ là không có căn cứ. Tiberius Claudius Nero ...

tiberius_marble

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 29/6/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Tiberius là vị hoàng đế thứ hai của La Mã và là một chiến binh vĩ đại. Những ghi chép về tính khí kiêu ngạo và lối sống trụy lạc của ông có lẽ là không có căn cứ.

Tiberius Claudius Nero sinh ngày 16 tháng 11 năm 42 TCN. Năm 39 TCN, mẹ ông Livia đã ly dị với cha ông và đến năm 27 TCN bà kết hôn với Octavian – hoàng đế Augustus tương lai. Tiberius có một sự nghiệp quân sự xuất chúng. Cùng với em trai Drusus, ông đã góp phần mở rộng đế chế La Mã dọc theo sông Danube tới tận nước Đức ngày nay (trong các giai đoạn từ năm 16-7 TCN và từ năm 4-9 SCN).

Năm 11 TCN, Augustus buộc Tiberius ly hôn với vợ ông là Vipsania và kết hôn với Julia, con gái của Augustus. Năm 6 TCN, Tiberius đột ngột lui về vùng Rhodes. Đến năm 2 SCN, ông trở lại thành Rome. Năm 4 SCN, do cả hai cháu trai của Augustus đều đã mất, Tiberius được nhận làm con nuôi của hoàng đế. Tiberius cũng nhận nuôi người cháu Germanicus (chắt của Augustus). Sau đó Tiberius tham gia chiến dịch ở phía bắc nước Đức, củng cố lại biên giới và trở lại La Mã với tư cách một người anh hùng.

Năm 14 SCN, Tiberius nối ngôi Augustus. Ban đầu sự cai trị của ông đem đến kết quả tích cực. Ông cải thiện dịch vụ công và phục hồi lại nền tài chính của La Mã. Tuy nhiên, Tiberius không có được mối quan hệ hòa hợp với Viện nguyên lão như Augustus, do đó ông ngày càng mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Điều này tương phản rõ rệt với sự ủng hộ dành cho Germanicus – người được cho là sẽ thừa kế ngai vàng. Khi Germanicus mất năm 19 SCN, nhiều người cho rằng Tiberius đã đầu độc cháu mình để con trai ruột của ông là Drusus Julius Caesar lên ngôi. Tuy nhiên đến năm 23 SCN, Drusus chết và câu hỏi về người thừa kế ngai vàng bị để ngỏ.

Tiberius lệ thuộc quá nhiều vào Sejanus, người đứng đầu đội cận vệ Praetoria (vệ binh của hoàng đế) và là một người nhiều tham vọng và tàn bạo. Điều này dẫn đến những lời buộc tội chính quyền chuyên chế. Năm 27 SCN, Tiberius rút khỏi chính trường về Capri và không bao giờ quay trở lại Rome. Hai năm sau, nhận thấy Sejanus có âm mưu tiếm quyền, Tiberius ra lệnh hành quyết Sejanus. Năm 35 SCN, Tiberius chỉ định Gaius (con trai của Germanicus) và cháu trai ruột là Gemellus cùng thừa kế ngai vàng.

Tiberius qua đời vào ngày 16 tháng 3 năm 37 SCN. Gaius (được biết đến với tên Caligula) lên ngôi trị vì đất nước.

0