23/05/2018, 15:38

Các phong cách đối ngược trong tạo hình tổng thể cây xanh

Tuỳ theo chủ đề tác giả thể hiện mà sử dụng phong cách nào cho hợp lý. Một tác phẩm chậu cảnh được gọi là thành công thì nó phải là một chỉnh thể thống nhất, thống nhất giữa nội dung và hình thức, thống nhất giữa cục bộ và tổng thể, sự thống nhất giữa các mặt đối lập. Từ “phong ...

Tuỳ theo chủ đề tác giả thể hiện mà sử dụng phong cách nào cho hợp lý. Một tác phẩm chậu cảnh được gọi là thành công thì nó phải là một chỉnh thể thống nhất, thống nhất giữa nội dung và hình thức, thống nhất giữa cục bộ và tổng thể, sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

Từ “phong cách” ở đây muốn chỉ cái tư thái biểu hiện bên ngoài. Trong chậu cảnh, sự đối lập giữa cái biểu hiện bên ngoài khác nhau thường dễ gây được cảm mĩ. Thông thường sử dụng các phong cách dưới đây:

Động và tĩnh

Động là thông qua sự đối kháng giữa lực (chiều của lực) và hướng của thân cành để thực hiện, từ sự không cân bằng để tìm sự cân bằng, hình thái có biến động lớn. Tĩnh là thông qua dáng ổn định cân bằng của thân cây, cành cây (giá đỡ) mà đạt được. Kết cấu hình thái nói chung không biến đổi lớn, lộ rõ tư thái ôn hoà.

Cương và nhu

Cương thể hiện cứng rắn, dứt khoát; Thường qua việc xử lý thân, cành, rễ để thực hiện, ở các chỗ cắt tỉa cần thể hiện rõ góc cạnh. Còn nhu thể hiện sự dịu dàng, mềm dẻo, ít góc cạnh, giống như người tập quyền dưỡng sinh vậy.

Ổn và dao (ổn định và dao động)

Thể hiện ổn định thường dùng gốc cây to khoẻ, hùng hậu kết hợp tía cành cân đối sẽ gây cảm giác trên nhẹ dưới nặng để đạt được sự ổn định.

Dao động thì ngược lại làm sao cho có cảm giác trên nặng dưới nhẹ; thường thì gốc cây không to, có khi làm rễ nổi, kết hợp tỉa cành không đều sẽ cây cho ta cảm giác dao động, thiếu ổn định.

Hư và thực

Hư trong chữ Hán khác với “vô”, “hư” không phải là không có mà là không dễ nhận biết, không nhìn thấy được. Hư ở đây (chậu cảnh) có nghĩa là tinh lược, gỉam khiết, lấy ít nói nhiều như kiểu vẽ cách điệu. Còn thực thì chi tiết, được khắc hoạ rõ làng, đậm nét.

Thưa và dày

Thưa tức là cành lá ít, thông thoáng. Ngoại hình thì phân tán nhưng ý cành không thay đổi, không phân tán, sẽ gây cho người xem cảm giác đẹp nhẹ nhàng, bóng bẩy.

Dày thì cành lá rậm rạp, um tùm nhưng không lộn xộn. Dày cũng gây cho ta cảm giác mạnh mẽ, đầy sức sống.

Lộ và tàng

Lộ là phơi bày ra, cho người xem thấy chính diện. Tàng là dấu đi, người xem còn có chỗ tưởng tượng. Trong một tác phẩm, lộ và tàng là sự thống nhất, đồng thời là sự so sánh tương hỗ. Lộ và tàng trong không gian là thể hiện sự sắp xếp trước sau, độ sâu không gian.

Già và trẻ

Phân biệt ở chỗ cây già thường khô nẻ, có u bướu, có hang hốc, thân cành thường bị gấp khúc, rễ lộ ra ngoài. Cây non thân cành thường nhẵn, phản quang.

Nhẹ và nặng

Cảm giác nhẹ và nặng thì gốc cây chiếm phần chủ yếu. Nếu tán cây có cành lá hợp lý, gốc cây thanh thoát thì sẽ có cảm giác nhẹ. Ngược lại, gốc cây so với cành lá chiếm tỷ trọng lớn, gốc to thì ta sẽ cảm thấy “nặng”.

Phủ và ngưỡng

Phủ là cúi, ngưỡng là ngẩng. Bằng mắt nhìn ta cảm giác có sự cao thấp khác nhau của sự vật. Trong chậu cảnh chủ yếu người ta thông qua sự điều chỉnh hướng của cành lá để biểu hiện. Ngưỡng thể hiện sự hân hoan, phấn khởi. Phủ thể hiện sự trầm lắng, ung dung, tự tại.

Khổ và vinh

Ở chậu cảnh cây xanh thường tạo dáng khô cằn, già cỗi, cành xù xì thô ráp để biểu hiện khổ. Ngược lại, vinh thì nhấn mạnh sự cường tráng của thân, cành lá rậm rạp xanh tươi, đầy sức sống.

Phác và mị

Phác nghĩa là chất phác, nền nã; mị là mĩ miều, bay bướm. Đặc điểm của phác là đoan chính, trang nhã. Ngược lại, nét thanh tú, nhẹ nhõm, bay bướm là mị. Sự khác biệt giữa phác và mị chủ yếu biểu hiện ở các cành nhỏ; cắt tỉa sao cho cành ngắn, khoẻ, cương trực làm chính thì đấy là biểu hiện phác. Ngược lại, cành cắt dài, thanh, gấp khúc làm chính thì đấy là biểu hiện mị.

Trên đây là nói tới một số phong cách đối ngược trong tạo hình tổng thể cây xanh, có thể người sáng tác còn nghĩ ra một số phong cách khác nữa. Khi thực hiện thì các phong cách giữa nặng và nhẹ, già và trẻ, lộ và tàng v.v… thường dễ thể hiện hơn.

Ngược lại, những phong cách như cương và nhu, khổ và vinh, phủ và ngưỡng v.v… thường đòi hỏi có óc tưởng tượng lớn, tay nghề cao mới thế hiện được. Giống như hội hoạ, cùng một khuôn mặt, người hoạ sĩ có thể thể hiện khi vui vẻ, hớn hớ (ví như ngưỡng trong chậu cảnh cây xanh) khác với khi trầm lắng, suy tư (ví như phủ trong chậu cảnh cây xanh)

0