18/06/2018, 13:15

THUẦN VU Ý ( 205 trước CN - ?)

Họ của ông là Thuần Vu, tên Ý, người Lâm Tri (nay là tỉnh Sơn Đông, (Trung Quốc), từng làm quan Thái thương (Trưởng kho) nước Tề, cho nên người đều gọi là Thương công (ông giữ kho). Đầu đời Tây Hán, ông là thầy thuốc nổi tiếng, người đầu tiên xướng ra việc làm y án. Từ nhỏ, ông ham chuộng nghề ...

 Họ của ông là Thuần Vu, tên Ý, người Lâm Tri (nay là tỉnh Sơn Đông, (Trung Quốc), từng làm quan Thái thương (Trưởng kho) nước Tề, cho nên người đều gọi là Thương công (ông giữ kho). Đầu đời Tây Hán, ông là thầy thuốc nổi tiếng, người đầu tiên xướng ra việc làm y án.

Từ nhỏ, ông ham chuộng nghề y, từng theo Công Tôn Quang học các cổ phương. Sau đó, bái sư Công Thừa Dương Khánh. Dương Khánh đã trên 70 tuổi, cũng là người Lâm Tri, không có con, rất yêu mến Thuần Vu Ý, đem sách thuốc các loại đã cất giữ bao gồm chẩn mạch, bí phương v..v... và toàn bộ kinh nghiệm về chẩn đoán trị liệu, truyền dạy hết cho. Sau ba năm học tập, Thuần Vu Ý tinh thông y thuật, chẩn bệnh người ta, phán đoán được sống chết, trị liệu rất kinh nghiệm. Đời Hán Văn đế năm thứ 4 (trước Công nguyên 176), vì ông không chịu xem bệnh cho một quí tộc, bị nhà quyền quí ấy vu tội giam vào ngục, giải đi Trường An. Ông có năm đứa con gái đau buồn tức giận đến cực độ vì việc này. Người con út là Đề Oanh đi theo cha, đồng thời dâng thư lên vua Hán hiến thân làm cung nữ để chuộc tội cha già. Hán Văn đế rất cảm động xuống lệnh tha Thuần Vu Y và đòi vào triều hỏi minh bạch quá trình học y, trị những bệnh nào, hiệu quả ra sao. Ông trả lời rành mạch từng câu hỏi, đồng thời giới thiệu từng chi tiết 25 ‘chẩn tịch’ (tên xưa gọi là y án) của mình, được vua rất khen ngợi. Nội dung câu chuyện này, về sau Tư Mã Thiên có ghi chép rõ ràng trong quyển Sử Ký. Sổ ‘chẩn tịch’ (y án) này ghi chép lại: danh tính của người bệnh, chức nghiệp, địa chỉ, bệnh lý, biện chứng, quá trình trị liệu và bệnh khỏi v.v... Nội dung thể lệ của sổ ‘chẩn tịch’ thực là một sáng tạo về y án cho đời sau vậy.

Xem số y án của ông có thể thấy được, ở mặt chẩn đoán, ông và Biển Thước giống nhau, rất xem nặng ‘vọng sắc’ (xem sắc mặt người bệnh) và ‘thiết mạch’ (bắt mạch). Trong 25 trường hợp có 10 trường hợp căn cứ vào việc xem mạch mà phán đoán sống chết. Đối với một số nguyên nhân tật bệnh, ông có nhận thức tương đối khá chính xác, như: bệnh sâu răng, ông cho là vì ‘ăn rồi không súc miệng’ mà sinh ra. Khi trị bệnh, đã dùng thuốc thang, thuốc hoàn, thuốc tán, thuốc ngậm súc, thuốc rượu, v..v... Lại có các phương pháp châm, cứu, đắp lạnh....

Điểm đáng quí trọng của  ông là thái độ khoa học ‘thực sự cầu thị’ của ông trong các y án. Ông ghi chép trung thực các kết quả trị liệu, chẳng những ghi thuật những bệnh thành công mà cũng ghi thuật những bệnh thất bại (trong 25 y án, thành công: 15, thất bại: 10). Hán Văn đế hỏi Thuần Vu Ý rằng: ‘Bệnh nhân đều có thể trị khỏi hết hay không? Ông thành thực trả lời: ‘Cũng có bệnh không khỏi, ý tôi không thể biết trị hết các bệnh’. Thái độ khoa học nghiêm túc cẩn trọng của ông đến ngày nay vẫn đáng cho người ta noi gương.

0