24/10/2017, 09:16

Thời kì ở miền tây Thanh Hoá (1418 -1423)

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch Sử 7, bài 19: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427). Thời kì ở miền tây Thanh Hoá (1418 -1423). Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. 1. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Câu hỏi: Tóm tắt vài nét về Lê Lợi. Lê Lợi (1385 - ...

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch Sử 7, bài 19: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427). Thời kì ở miền tây Thanh Hoá (1418 -1423). Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn.

1. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa
Câu hỏi: Tóm tắt vài nét về Lê Lợi.
 
Lê Lợi (1385 - 1433) là một người thông minh, mạnh khỏe “dáng người tinh anh, mạnh mẽ; mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, vai có nốt ruồi, tiếng nói như chuông, đi như rồng, bước như hổ” và có uy tín lớn trong vùng. Ông có lòng yêu nước thiết tha, có ý chí đánh đuổi quân Minh để giải phóng dân tộc, cùng với công việc chuẩn bị khởi nghĩa đã làm cho tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp nơi. Ông là người khởi xướng, tổ chức, người lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
 
Câu hỏi: Lê Lợi đã làm gì để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa?
 
Lê Lợi đã dốc hết tài sản của mình để chiêu tập nghĩa sĩ, bí mật liên lạc với các hào kiệt, xây dựng lực lượng, chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa.
 
Câu hỏi: Vì sao Lê Lợi chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa?
 
Lam Sơn nằm bên tả ngạn sông Chu, nối liền đồng bằng với miền núi và có địa thế hiểm trở. Đây cũng là nơi tiếp giáp giữa các dân tộc Việt, Mường, Thái.
 
Câu hỏi: Hội thề Lũng Nhai được tổ chức ở đâu? Với mục đích gì?
 
- Hội thề Lũng Nhai được tổ chức ở Lũng Nhai (Thanh Hoá).
- Mục đích: thề sống chết cùng nhau, chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước, chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc.
 
Câu hỏi: Em hãy trình bày tóm tắt về Nguyễn Trãi.
 
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là con của Nguyễn Phi Khanh. Cả hai cha con đều đỗ đại khoa và làm quan thời nhà Hồ. Ông học rộng, tài cao, có lòng yêu nước thương dân hết mực. Quân Minh tìm đủ mọi cách để dụ dỗ ông nhưng đều thất bại. Từ thành Đông Quan, ông bí mật trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa và dâng bản Bình Ngô sách (kế sách đánh quân Ngô). Ông trở thành một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
 
Câu hỏi: Vì sao hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn?
 
Sau nhiều năm sống dưới ách đô hộ tàn bạo của quân Minh, những người dân yêu nước mong muốn đứng dậy lật đổ ách thống trị tàn bạo đó, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng thất bại, mặc dù kẻ thù khủng bố, đàn áp tàn bạo nhưng không thể tiêu diệt được tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc ta. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Son, hào kiệt khắp nơi đã hưởng ứng đông đảo, tụ họp về Lam Sơn để cùng Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh.
 
2. Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn
Câu hỏi: Trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn gian khổ, đã có nhiều tấm gương chiến đấu hi sinh dũng cảm. Một vị tướng đã liều mình phá vòng vây cứu nguy cho Lê Lợi. Ông là ai? Em biết gì về ông?

- Ông là Lê Lai.
- Lê Lai là người dân tộc Mường, quê ở Dựng Tú (Ngọc Lặc - Thanh Hoá). Gia đình ông có 5 người tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì 4 người đã hi sinh trong chiến đấu. Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả. Ông có tham gia Hội thề Lũng Nhai.
- Giữa năm 1418, quân Minh huy động một lực lượng bao vây chặt căn cứ Chí Linh, quyết bắt sống Lê Lợi. Trước tình hình nguy cấp đó, Lê Lai đã cải trang làm Lê Lợi, chỉ huy một toán quân liều chết phá vòng vây giặc. Lê Lai cùng toán quân cảm tử dã anh dũng hi sinh. Quân Minh tưởng rằng đã giết được Lê Lợi nên rút quân.
 
Câu hỏi: Hành động hi sinh của Lê Lai liều mình cứu chúa có ý nghĩa gì?
 
Hành động này đã nói lên niềm tin, lòng trung thành, tinh thần hi sinh vì sự nghiệp chung của đất nước, của các tướng lĩnh nghĩa quân. Với sự hi sinh của Lê Lai, nghĩa quân Lam Sơn không chỉ bảo toàn được lực lượng chỉ đạo nòng cốt mà còn giữ vững được tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường, buộc kẻ thù phải chấp nhận giảng hoà.
 
Câu hỏi: Tại sao Lê Lợi đề nghị tạm hoà với quân Minh?
 
Trong tình thế so sánh lực lượng giữa ta và địch: Lực lượng ta còn ít và yếu, quân Minh đang mạnh và làm chủ cả nước, nghĩa quân đã phải trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ. Đã ba lần nghĩa quân phải rút lui lên núi Chí Linh, cố gắng để bảo toàn lực lượng. Trước những khó khăn về lương thực, cảnh đói rét, để có thời gian cùng cố lực lượng, Lê Lợi đã đề nghị tạm hoà với quân Minh vào mùa hè năm 1423.
 
Câu hỏi: Tại sao quân Minh chấp nhận đề nghị tạm hoà của Lê Lợi?
 
Trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất, hi sinh, vượt qua bao khó khăn gian khổ của nghĩa quân, mặc dù mạnh hơn ta nhưng quân Minh không thể tiêu diệt được nghĩa quân mà chúng buộc phải chấp nhận đề nghị tạm hoà của Lê Lợi là để thực hiện âm mưu dụ hoà, mua chuộc Lê Lợi, hòng làm mất ý chí chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn.
 
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về tinh thần chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm 1418 -1423?
 
Nghĩa quân Lam Sơn trong những năm 1418 - 1423 chiến đấu trong một hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, lực lượng của ta còn yếu, nghĩa quân đã gặp rất nhiều khó khăn, nguy nan, có những lúc thiếu lương thực trầm trọng, bị bao vây, Lê Lai phải liều mình cứu chúa... Ba lần nghĩa quân phải rút lên núi Chí Linh để bảo toàn lực lượng. Nhưng nghĩa quân với một tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất, chịu đựng gian khổ, hi sinh không hề nao núng. Họ tin tưởng vào bộ chỉ huy đứng đầu là Lê Lợi, họ tin tưởng vào sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.
0