Quan niệm của anh (chị) về một bài thơ hay
Nhà văn Đê-gôcx đã từng khẳng định: “Chừng nào tâm hồn một con người còn cần đến một tâm hồn khác thì chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần đến con người”. Có lẽ là như vậy. Từ khi nhân loại sinh ra đã xuất hiện những loại hình nghệ thuật phong phú như thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc... Chính ...
Nhà văn Đê-gôcx đã từng khẳng định: “Chừng nào tâm hồn một con người còn cần đến một tâm hồn khác thì chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần đến con người”. Có lẽ là như vậy. Từ khi nhân loại sinh ra đã xuất hiện những loại hình nghệ thuật phong phú như thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc... Chính những tác phẩm nghệ thuật đã đưa con người đi từ “chân trời một người đến chân trời của tất cả” bằng con đường dẫn đến xứ sở của cái đẹp. Vậy như thế nào thì được coi là bài thơ hay?
Trước hết, ta có thể hiểu thơ là một hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc. Mối giao hoà giữa con người với con người là rất lớn nên thơ sinh ra như một lẽ tất yếu thật tự nhiên để những tâm hồn tìm đến những tâm hồn. Xét một bài thơ cũng như bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào, ta phải xét đến hai mặt: nội dung và hình thức. Nội dung được biểu hiện qua hình thức và hình thức cũng quyết định đến nội dung. Cái tài của nhà thơ thể hiện ở chỗ biết kết hợp nội dung và hình thức sao cho nhuần nhuyễn, khéo léo, tạo nên những cảm xúc thẩm mĩ trong lòng người đọc.
Véc-len cho rằng: “Thơ hay là thơ phải nhắm tới cái phần mờ nửa sáng nửa tối, cái phần xa khuất, cái phần bất định của tâm hồn”. Điều đó hoàn toàn có lí. Tôi cũng từng đọc được những bài thơ như thế:
“Chiều rung chuông...
Chiều rung chuông
Có con chim nhỏ bị thương cuối trời
Tôi nhớn nhác đi tìm người
Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa”
(Hữu Thỉnh - Tìm người)
Bài thơ súc tích khiến người đọc cứ bị lưu luyến, ám ảnh bởi cái gì đó, là tiếng chuông rung? Tiếng con chim nhỏ? Hay là bóng dáng “nhớn nhác đi tìm người” của nhân vật “tôi”? Đây chính là nỗi đau nhân thế, nỗi đau của sự bất lực mà con người không thể làm gì được cho đồng loại đồng thời cũng là tiếng thức tỉnh lương tri cho những ai còn có tấm lòng, những ai còn muốn nghe, muốn giúp làm một điều tốt đẹp trước những nỗi đau khi họ có thể. Mà cuộc đời này bên cạnh hạnh phúc còn bao nhiêu nỗi đau như những tiếng rung chuông đây đó.
Thư Hàn Mặc Tử, những bài thơ như là ẩn số với bao đời nay, càng đọc càng thấy mình chưa hiểu mà vẫn có sức lôi cuốn kì lạ, một thứ thơ ám ảnh:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.”
Hay:
“Một chiều xanh - một chiều xanh huyền hoặc,
Sáng bao la vây lút cõi thiên không;
Xuất thế gian chưa có tại trong lòng,
Muôn ý tứ say chìm nơi Bất giác.”
Thơ chính là tâm hồn con người. Mỗi bài thơ là một cung bậc cảm xúc khác nhau tạo nên những âm thanh riêng trong bản nhạc thi ca. Mỗi nốt nhạc lại có một cái hay riêng, độ ngân riêng và cảm xúc cũng thật phong phú. Cảm xúc trải lên trang thơ không phải bao giờ cũng luẩn quẩn trong chử “tôi” cô đơn, đau đớn mà đó là xúc cảm chung. Tiếng nói của trái tim thi sĩ trở thành tiếng lòng của mọi người. Hãy lắng nghe Xuân Quỳnh nhập hồn yêu của người phụ nữ vào sóng để cất lời tâm sự:
“Sóng bất đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Nhà thơ Xuân Diệu trước đó đã mượn “Biển” để nói về tình yêu. Xuân Quỳnh mượn sóng để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú phức tạp vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, khao khát yêu thương. Những vần thơ vừa mãnh liệt, sổi nổi, vừa đằm thắm, dịu dàng như thế ai không quý, không yêu?
Không cầu kì, bóng bẩy, những bài thơ trên vẫn tạo lập chỗ đứng trong lòng người đọc. Nhưng nói như thế không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của yếu tố nghệ thuật trong thơ. Quay trở lại với tứ thơ của Hàn Mặc Tử:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.”
Điều gi khiến những câu thơ khó hiểu ấy hấp dẫn chúng ta? Dù cho không thể cắt nghĩa được hết cái ý tứ sâu xa nhưng qua câu chữ cũng có thể hiểu được phần nào điều nhà thơ muốn bộc lộ. Tiếng thơ đau đớn thể hiện qua những động từ mạnh, những từ ngữ lạ lùng, khó hiểu, nhịp thơ gấp gáp và cái ước nguyện cũng thật điên cuồng đớn đau dị thường cho thấy một tâm hồn cô đơn đến mức giao tiếp với hư vô, “khạc” hồn ra khỏi xác, đi tìm một cõi huyền sáng láng, thơm tho giải thoát được số phận. Cái gọi là “thơ điên”, là quái đản, kì ảo, thực chất là nỗi đau trần thế khủng khiếp. Một giọng thơ hoảng loạn, rơi nước mắt.
“Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy mỏng manh;
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh”...
Có người đã ví một bài thơ hay giống như một bức tranh đẹp, một bản nhạc thánh thót. Bởi “thơ là thơ đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng). Chất liệu của hội hoạ là màu sắc, chất liệu của âm nhạc là âm thanh, giai điệu còn chất liệu của thơ ca là ngôn từ. Mà ngôn từ của thơ ca cùng mang cả giai điệu và màu sắc nữa nên thơ luôn vi vu hình ảnh và nhạc điệu.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo...”
(Nguyễn Khuyến - Thu Điếu)
Áng thơ thu của Nguyễn Khuyến quả xứng đáng là một trong những bài thơ viết về mùa thu hay nhất của nền thi ca Việt Nam. Câu thơ thể hiện bức tranh sống động với đầy đủ không gian, thời gian, đường nét, màu sắc, thần thái, linh hồn của mùa thu. Một ao thu trong veo, một chiếu thuyền câu bé tẻo teo, một chiếc lá vàng khẽ đưa vèo và tiếng cá đớp động dưới chân bèo... Bức tranh không thể đẹp hơn thế. Một bức tranh vừa động vừa tĩnh, một cái giật mình khéo léo ẩn trong câu thơ cuối, tất cả thật ý vị. Cảnh trong tình, tình trong cảnh...
Thư thu của Xuân Diệu, một chàng thi sĩ thơ mới, lại mang vẻ đẹp khác:
“Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.”
Một vẻ đẹp rất khó cắt nghĩa, một cảnh tượng tuyệt vời có sự mơ mộng, duyên dáng mà huyền ảo, lung linh hoà quện vào nhau tạo nên thơ, nên nhạc. Đọc câu thơ lên, những hình ảnh cứ chầm chậm thấm vào hồn ta bằng tất cả nỗi xao xuyến dâng đầy.
Nhiều người vì cho rằng thơ là một phương tiện, là một khí giới đắc lực để phản ánh cuộc sống, diễn đạt tư tưởng nên đã quá lạm dụng. Một số khác thì lại quá chú trọng vào hình thức nên thơ họ trở nên trống rỗng, vô vị. Tôi cho rằng một bài thơ muốn hay thì trước hết nó phải thực sự là thơ đã. Mà “thơ chỉ trào ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy” (Tố Hữu), do vậy muốn có thơ thì người viết phải có cảm hứng trước cuộc sống. Nhà thơ phải có tài năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh sao cho phù hợp với đối tượng, chúng phải được sử dụng với tất cả những phẩm chất thẩm mĩ, ngôn ngữ thơ bão hoà cảm xúc và bao giờ cũng giàu nhạc tính. Hình tượng nghệ thuật trong thơ phải là sự thống nhất cao độ giữa khách quan và chủ quan, giữa lí trí và tình cảm, giữa tài năng và tâm hồn, giữa cái cá biệt và cái khái quát, hiện thực và hiện thực mang tính lí tưởng, giữa tính tạo hình và tính biểu biện, giữa cái hữu hình và cái vô hình mới tạo nên một thế giới nghệ thuật có sức hấp dẫn.
Tóm lại, bài thơ hay giống như một bông hoa đẹp, vẻ đẹp của bông hoa do nhiều yếu tố tạo thành: từ màu sắc, cánh hoa, hình dáng, kiểu cách..., cho đến cành lá, mùi hương. Làm được một bài thơ hay cũng không hề đơn giản. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, không ngừng sáng tạo, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao).
Cảm ơn cuộc đời đã sinh ra các nhà thơ. Cảm ơn các thi sĩ đã cho nhân loại này thấy chất thơ của cuộc sống, và cùng xin cảm ơn những bài thơ hay của họ, những viên kim cương mãi lấp lánh trong tâm hồn chúng ta.