Thời đại và cốt cách Giáp Hải
Khổng Đức Thiêm Giáp Hải sinh năm Bính Tý (1516) trong một gia đình có học thức và giàu tinh thần dân tộc, vốn đã cư trú nhiều đời ở nam Xương Giang – nay thuộc Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Theo Tiên khảo Thái bảo Giáp Phủ quân mộ chí khắc năm Cảnh Lịch 2 (1549) thì ...
Khổng Đức Thiêm
Giáp Hải sinh năm Bính Tý (1516) trong một gia đình có học thức và giàu tinh thần dân tộc, vốn đã cư trú nhiều đời ở nam Xương Giang – nay thuộc Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang.
Theo Tiên khảo Thái bảo Giáp Phủ quân mộ chí khắc năm Cảnh Lịch 2 (1549) thì muộn nhất vào cuối thời Trần, tổ tiên của Giáp Hải đã cư trú ở đây. Đầu thế kỷ XV, vì không theo sự sai khiến phu dịch của người Minh nên tằng tổ của ông mới đem gia đình lánh cư về Như Thiết Thượng (xưa thuộc Yên Dũng, nay thuộc Việt Yên, Bắc Giang). Khi người Minh bị đuổi ra khỏi bờ cõi, gia đình hồi cư.
Có lẽ các sách Công dư tiệp ký, Dã sử tạp biên, Đại Nam kỳ truyện, Đăng khoa lục sưu giảng, Lịch đại danh hiền phả, Lịch đại danh thần sự trạng, Nam thiên trân di tập, Phong tục sử, Thiên Nam long thủ lục, Việt Nam danh nhân sự tích liệt truyện, Lịch triều hiến chương loại chí… đều cho rằng Giáp Hải quê gốc ở Gia Lâm vì căn cứ vào mộ tổ Giáp Hải hiện hữu ở Bát Tràng và văn chỉ của huyện đã ghi danh của ông như sách Nam Hải dị nhân liệt truyện diễn âm đã chép.
Về năm sinh của Giáp Hải, sách Địa chí Bắc Giang – Từ điển, tr.260 và Địa chí Bắc Giang – Lịch sử và văn hóa, tr.557 đều nói ông sinh năm Đinh Mão – 1507. Chúng tôi căn cứ vào lời Giáp Hải viết ngày 2 tháng 8 năm Bính Tuất (1586): “Nay hạ thần đã 70 tuổi, đáng nên về hưu, một niềm mong muốn, không nói gì khác” (Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.346) và lời văn của Phan Huy Chú khi viết về ông: “Năm 23 tuổi đỗ thứ nhất Tiến sĩ nhất giáp khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538)” (Lịch triều hiến chương – Nhân vật chí, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.209) để tính tuổi Giáp Hải.
Ở vào thời điểm ngôi sao sáng chói của thế kỷ XVI xuất hiện trên bầu trời xứ Bắc thì trong thiên hạ lan truyền lời sấm ngữ: Phương Đông có khí thiên tử. Cũng vào thời điểm ấy, Lê Tương Dực cho xây đắp tại Đông Đô tòa thành rộng mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ. Lại sai thợ vẽ kiểu làm thuyền chiến cho các nữ sử trần truồng bơi thuyền chơi trên hồ Tây. Dưới sự chỉ đạo của Vũ Như Tô, tòa điện hàng trăm nóc và Cửu trùng đài dần dần hiện lên, làm hao tổn biết bao của cải và sức lực dân lành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Dân chúng đau khổ, quân lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành, tập hợp nhau lấp hồ khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên niên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.117).
Cùng với việc nhà Minh nghiêm cấm người Hoa giao thương trên biển, chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Lê khiến cho bao hải cảng như Vạn Ninh, Vân Đồn trở nên điêu tàn. Mong ước hướng biển, vươn ra biển Đông trở thành khát vọng cháy bỏng của nhiều lớp cư dân thông qua lời sấm truyền Phương Đông có khí thiên tử chưa có đáp số.
Giải mã lời sấm truyền kể trên, Trần Cảo và Mạc Đăng Dung đều vận vào sứ mệnh lịch sử của từng chủ thể để có những phương thức hóa giải khác nhau. Trần Cảo, vốn là người vùng biển Thủy Nguyên, thuộc lớp quý tộc của nhà Lê, cho rằng mình là hậu duệ 5 đời của Trần Thái Tông và ngoại thích của Quang Thục Hoàng Thái hậu, đã nổi dậy xưng là Đế thích giáng sinh khiến cho một vùng Hải Dương đều rạp xuống như cỏ gặp gió, không ai chống cự nổi (Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử). Mạc Đăng Dung, cũng là dân chài vùng biển Cổ Trai – Nghi Dương xuất thân tầng lớp bình dân, nhanh chóng chớp cơ hội, thâu tóm quyền bính vào trong tay, tự mình thống lĩnh và tiết chế các dinh thủy bộ, tiêu diệt các công thần và các phe chống đối, giết vua, dựng đặt Dương Kinh để chuẩn bị cho công cuộc hướng ra biển Đông của mình. Tiếc thay, chí khí của Mạc Đăng Dung chưa đủ lớn nên khi thấy thần dân thất vọng, thiên hạ nôn nao, lòng người còn nhớ vua cũ nên lại tiếp tục tuân theo pháp độ triều Lê, phủ dụ quần thần, trấn áp nhân dân, đi lại hoàn toàn vết xe xưa cũ. Vì thế khí thiên tử – tức khí phách lớn lao của một con người xuất chúng một lần nữa bị tự giam hãm trên bờ.
Từ năm 1527 đến năm 1541 – trong vòng 14 năm, lần lượt Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải nối tiếp nhau trị vì. Và có một điểm đáng lưu tâm là, tuy chưa đầy 50 tuổi, Mạc Đăng Dung đã tự nhận mình là già cả, tự nhường ngôi cho con rồi lui về Dương Kinh trấn giữ chỗ cơ bản. Phải chăng, chính mối quan hệ chính trị phức tạp giữa nhà Mạc và nhà Minh cho nên Mạc Đăng Dung muốn tĩnh tâm trong vai trò Thái thượng hoàng để ngoại viện và quyết định những điều hệ trọng của quốc gia một cách minh mân nhất.
Đúng vào lúc nước sôi lửa bỏng ấy, Giáp Hải bước vào tuổi 23 giành được học vị Trạng nguyên tại khoa thi năm Mậu Tuất (1538), để từ đó, như Phan Huy Chú ghi nhận trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Ông thường qua Nam Quan bàn việc, ứng đáp tinh nhanh, người Minh gọi là Giáp Tuyên phủ mà không gọi tên”. Sự hiện diện của Giáp Hải trong đội ngũ quan lại nhà Mạc đã khiến bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn phải hết sức nể vì.
Đáng tiếc, những hoạt động ngoại giao nổi tiếng của ông chỉ được dân giao nhận trong buổi thù tạc bài thơ Bèo với Mao Bá Ôn và Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, ngày 25 tháng giêng năm Bính Dần (1566) triều Mạc cử Thượng thư Lại bộ kiêm Đông các Đại học sĩ Giáp Hải và Đông các Hiệu thư Phan Duy Quyết lên địa phận Lạng Sơn đón tiếp sứ thần Lê Quag Bí về nước. Kể từ thời điểm này trở đi, quan hệ chính trị giữa nhà Mạc và nhà Minh đã bớt căng thẳng. Giáp Hải không còn phải thường xuyên trổ tài ứng đáp tinh nhanh phục vụ cho các cuộc đấu tranh ngoại giao với nhà Minh. Ông chuyển dần sang giúp rập vua tôi nhà Mạc trong lĩnh vực nội trị.
Sử sách ghi lại rằng, tháng 12 năm Tân Dậu (1-1562) Mạc Phúc Nguyên cử ông cùng Thái bảo Nguyễn Phú Xuân đem quân đi đánh Hoàng Đình Ái ở Lạng Sơn. Tháng 3 năm Nhâm Tuất (4-1862), ông được cử giữ chức Thượng thư Lại bộ, tước Kế khê hầu.
Xã hội thời Mạc trong những năm đầu khá tốt đẹp và lý tưởng, như Lê Quý Đôn mô tả trong Đại Việt thông sử: “Những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”.
Với một tư tưởng hướng ngoại mạnh mẽ và chủ đạo, nhờ luôn bám sát nhịp điệu kinh tế của khu vực Dương Kinh nên ngoại thương có bước phát triển ngoạn mục, tác động mạnh mẽ tới các trung tâm gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ. Sản phẩm từ những nơi này đã tập kết về Phố Hiến, theo các thuyền buôn đến với Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin, Brunei, Inđônêxia, Malaixia và nhiều nước phương Tây.
Tuy nhiên, diện mạo thanh bình và yên tĩnh bắt đầu nhạt nhòa từ sau cái chết của Mạc Phúc Hải vào năm 1546. Sự biến loạn của Phạm Tử Nghi khiến cho một vùng đông bắc rơi vào nạn binh lửa và lưu vong, mãi đến năm 1551 mới chấm dứt. Nhưng tiếp liền ngay sau đó là cuộc biến loạn do Thái tể Lê Bá Ly – người nắm trong tay bao nhiêu hùng binh trọng trấn, chuyên quyền hết mực nhờ kết thân bè đảng với hầu hết quan lại trong triều – cầm đầu, về hàng Nam triều, khiến cho thế lực Bắc triều rơi vào thế suy yếu.
Cuộc chiến Nam triều – Bắc triều diễn ra từ khi Lê Trang Tông được dựng nên ở Lào và trở thành khốc liệt kể từ năm 1546 khi Nam triều chiếm được và cai quản toàn bộ địa bàn Thanh – Nghệ. Sau các sự kiện Phạm Tử Nghi và Lê Bá Ly, Nam triều tổ chức tới 11 đợt tấn công vào khu vực do Bắc triều quản lý, làm chủ nhiều vùng ở hữu ngạn sông Hồng còn Bắc triều cũng 4 lần đánh vào Thanh – Nghệ khiến cho một vùng rộng lớn bao gồm Sơn Nam – Thanh Hóa tan hoang. Lợi dụng việc Trịnh Kiểm chết (3-1570), Trịnh Cối – con người làm nhiều sự thất nhân tâm, ham tửu sắc và chơi bởi phóng túng, kiêu ngạo, không biết xót thương binh lính – lên thay, tính đến năm 1583, Bắc triều lạigiành về thế chủ động, Nam triều bị đẩy vào thế phòng thủ, bị động.
Với tư cách là Thượng thư Hộ bộ kiêm Đô ngục sử, tháng 12-1577 Giáp Hải đã dâng sớ lên Mạc Mậu Hợp lấy cớ điềm gở do sự xuất hiện của sao chổi để can gián nhà vua:
“Hạ thần xét trong truyện có chép rằng:
Sao chổi là một loài sao yêu quái! Khi nó hiện ra vừa to vừa dài, thì trong nước sẽ có tai biến nặng nề mà thời kỳ ứng nghiệm còn xa ngày, trái lại, nếu hình nó nhỏ và ngắn, thì trong nước sẽ có tai biến xoàng thôi, mà thời kỳ ứng nghiệm rất gần.
Hiện nay, chính sự càng ngày càng suy đồi, mà suy đồi không phải chỉ một vài điểm mà thôi. Kinh Thư có câu rằng: Dĩ thừa thượng đế thần kỳ, võng bất chỉ túc (lễ vật dùng dâng tế thượng đế, các thần nơi xã tắc, và cúng tổ tông ở trong nhà tôn miếu, không nơi nào là không thành kính rất mực). Thế mà những lễ phẩm dùng để tế ngày nay, thì con lợn cỗ xôi quá đơn giản, đồ lễ cẩu thả không thành kính. Đó là điểm đáng sợ thứ nhất.
Sách Mạch Tử có câu: Quân nhân mạc bất nhân (nếu vua có lòng nhân, thì bề dưới không kẻ nào không nhân). Nay những kẻ cận thần ở bên nhà vua, chỉ toàn nịnh nọt, bày sự chơi bời, mong thỏa chí vua. Trong cung là nơi rất tôn nghiêm, thế mà chúng thường ra vào tự do không ai ngăn cấm…”.
Tháng 3-1578, cảm động trước tấm lòng thành của Giáp Hải, Mạc Mậu Hợp cử ông làm Thượng thư Lại bộ, phong thêm hàm Thiếu bảo, Luân quận công.
Tháng 7-1581, Đô cấp sự trung 6 khoa là Nguyễn Phong, Ngô Vĩ, Mạc Đình Dự, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viết Thảy và Nguyễn Quang Lượng cũng dâng sớ lên Mạc Mậu Hợp:
“Hiện nay, thời sự gian nguy, có những điềm đáng lo: kỷ cương rối loạn, chính sự hững hờ; hình ngục oan uổng; pháp lệnh sai lầm; tưởng chưa hòa hợp; binh chưa chỉnh tề. Khi quân địch mạnh kéo đến đánh phá phía tây nam, nhân dân địa phương bị khốn khổ, tạo nhiễu cả đến kinh thành. Thế mà lúc ấy, triều đình không đặt một phương lược hoặc một kế hoạch gì để chống địch, mặc cho chúng tự do tiến tự do lui, tha hồ thi thố hết các mưu kế, rình lúc sơ hở mà làm bại ta, khiến cho dân ta ở miền chân núi rất là khốn đốn, không được yên ổn.
Về phần bệ hạ, hiện chưa tự thân điều khiển chính sự, các bản tấu chương của đình thần, hết thảy đều ủy cho vị phụ chinh Ứng vương quyết đoán, mà Ứng vương lại thường về Dương Kinh luôn. Bởi thế các công việc trong triều đều bê bối, quân sự cũng theo đà đó mà trễ nải, quân bản doanh có việc đến yết kiến thường không được gặp, vị tướng các doanh không biết bẩm báo xin lệnh ở đâu. Bậc công bảo đại thần như Lễ quận công Trần Thì Thầm, thì e sợ hiềm nghi, thường né tránh không chịu quyết đoán: Luân quận công Giáp Hải thì lấy sự quá thịnh làm răn, thường luôn luôn xin giải chức; Đốc phủ trưởng quan Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn và Thạch quận công Nguyễn Quyện, thì hoặc thoái thác không tới công đường, hoa tránh né không chịu bàn việc, cho nên các quan tả hữu không dám bàn bạc; văn thần trọng trách như Nghĩa sơn bá Trần Văn Nghi, Vịnh kiều bá Hoàng Sĩ Khải, An khê bá Mai Công, Đàm xuyên bá Nguyễn Triệt, thì đều giữ vẻ khoan hậu, không cần nghĩ tới việc sâu xa. Bởi thế các liêu thuộc nhân đó mà trễ nải. Có viên về thăm quê hương đến hàng tuần, hoặc có cuộc bàn luận mà chỉ có một viên họp, hoặc có viên hiện có mặt ở Kinh mà không tới họp, hoặc có viên dự họp mà không phát biểu ý kiến. Ngày nay thảo luận, ngày mai bàn tán, chỉ toàn những việc lặt vặt ở các nha môn, còn việc chính trị trọng đại của triều đình, không hề nói tới. Như vậy, việc nước sẽ một ngày một suy đồi, đó là cái cơ nguy loạn không thể không cấp cứu. Những người giữ việc nước, biết mà không chịu nói, hoặc nói mà không hết lời, một khi triều đình đã thất kế, thì thiên hạ quốc gia sẽ như thế nào?”.
Cuối tháng 8-1581, Giáp Hải lại vào triều yết kiến để xin về quê. Mạc Mậu Hợp không nghe, ban chỉ dụ buộc ông phải tiếp tục tham bàn chính sự. Trong triều, giúp quyết đoán cơ mưu quân sự, lấy yêu nước, quên nhà đặt lên hàng đầu. Nhân đó, Giáp Hải dâng sớ tâu bày:
“Hiện nay giặc giã chưa yên, quân dịch nặng nề, cả đến việc thu thuế và cho dân vay thóc cũng rất phiền phức, sớm mới buông tha, chiều đã thôi thúc, suốt năm không ngày nào yên, cứ đếm đầu người mà thu, rồi lại tính lời từng phân từng ly. Từ niên hiệu Sùng Khang thứ 6 tới nay, trong khoảng 9 năm đó, các xứ thu vét sưu thuế để chi dùng chỉ đòi hỏi ở dân nghèo; đến chi dùng trong điện cũng chỉ đòi hỏi đám dân ấy, các quân thần vũ hiệu lực cũng đòi hỏi ở đám dân ấy, các quân uy nỗ thần tý cũng gọi bắt ở đám dân ấy, các vệ sở châu hoặc có điều bệ hạ nghe theo mà vẫn không cải cách, hoặc có sở bệ hạ lại cự tuyệt không nhận. Các vị đại thần sư bảo cùng các quan công khanh, đều chưa thể tất ý bệ hạ, không tu chỉnh chức nghiệp, không cải cách lệ chính, không giữ đạo trung bình. Bởi thế trời lại cảnh cáo bằng trận gió bão vừa rồi. Điều đó không có gì lạ.
Cúi mong bệ hạ, trên kính mệnh trời, trong sửa đức vua, quyền binh tất phải từ trên ban ra, chinh lệnh chớ để trong cung ban phát; quyết nghe lời can gián trung trực, ngăn lấp mọi đường tà vẹo, ban sắc lệnh cho tổng súy phụ chính Ứng vương, phải hằng ngày tới triều, để cùng các vị đại thần và công khanh đại phu cùng bàn chính trị, tu chỉnh việc quân. Biết việc gì là trái, thì nên bỏ ngay đi, đừng bảo rằng “cái đó có hại gì?”; biết việc gì là phải thì nên làm tức khắc, đừng cho rằng điều đó rất là nhỏ mọn. Mỗi khi bàn luận, tất phải sửa sai, đừng tự cho mình phải cả; mỗi khi can ngăn, tất phải theo lẽ, đừng cam chịu là nịnh thần. Như vậy trên giữ đạo ngay, dưới giữ pháp luật, tự nhiên tai qua phúc lại, sẽ chuyển loạn thành trị, chuyển nguy làm yên. Nếu trên dưới vẫn cứ nhân tuần cẩu thả, tự cho việc thiên hạ là không thể làm gì được nữa; không thể cứu vãn được nữa, thì nguy vong sẽ tới ngay tức khắc”.
Đây là thời kỳ Giáp Hải phân tâm nhất. Việc nước cảm thấy không làm tròn. Việc nhà có nhiều bối rối. Con trai cả là Giáp Lễ, từng đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu thìn (1568), đang làm Hàn lâm viện Hiệu thảo đột ngột ra đi (1574). Sự trắc trở của Giáp Hải có thể còn thấy được qua sớ của Nguyễn Năng Nhuận: “Hiện nay, các công việc bị bỏ bê, trăm tệ phát sinh. Nói ngay như trách nhiệm bộ Lại của hạ thần, mỗi khi thăng chức cho quan lại, trừ những người được lệnh chỉ nhà vua truyền cho, ngoài ra chỉ toàn những người có thân tình và có thế lực, còn những kẻ hàn sĩ viễn thần, thì chỉ độ một hai phần trăm được dự mà thôi. Việc này cả thiên hạ ai ai cũng biết, không thể bưng bít được công luận. Chức nhiệm của hạ thần, biết là bậy đấy, mà vẫn cứ làm, đã cam chịu tội không xứng chức vụ. Xin trình bày mấy điểm rất quan hệ về sự trông vào của thiên hạ như sau:
Luân quận công Giáp Hải, là một vị văn thần trọng chức, triều trước cũng đã trọng dụng. Thế mà gần đây, chỉ vì có sự trắc trở của con cái trong gia đình, mà mấy lần ông dâng sớ xin ở nhà. Như vậy không phải là điều một vị đại thần lịch duyệt thế sự đáng làm. Ôi! Các vị lão thần thường chung vui chung lo với quốc gia, nước còn thì thân còn, nước nguy thì thân nguy. Đâu có thể cứ ở nhà mà không biết tới việc triều đình được?”.
Tháng 3-1582, Giáp Hải được thăng lên tước Sách quốc công. Ông nói với Mạc Mậu Hợp: “Hạ thần là một kẻ thư sinh, không phải là dòng dõi công thần, cũng đã là quá mức, trong lòng lúc nào cũng lấy làm tự bẽn lẽn, huống chi là tước Quốc công to lớn, hạ thần đâu có thể kham nổi”.
Tháng 6-1582, nhân có tranh chấp biên giới với nhà Minh ở Lạng Sơn, Mạc Mậu Hợp sai sứ đến nhà Giáp Hải, mời ông đi phúc định lại ranh giới.
Tháng 9-1582, Giáp Hải tiếp tục dâng sớ bày tỏ việc gia đình, xin vẫn giữ chức hàm như cũ, nhưng được ở nhà, khi nào có nghị luận về chính sự trọng đại sẽ phụng chỉ dụ về triều. Mậu Hợp không cho.
Sau thất bại trong việc đưa quân vào đánh cướp các huyện ven sông ở Thanh Hóa (8-1583), Mạc Mậu Hợp phải từ bỏ ý đồ tấn công vào địa bàn do Nam triều kiểm soát. Qua những lần đánh thăm dò diễn ra vào cuối năm 1583 và đầu năm 1584, từ năm 1585 trở đi, Trịnh Tùng nhiều phen đem quân ra Bắc, thu cướp lương thực. Để đối phó lại, tháng 7-1585, Mạc Hậu Hợp cho sửa đắp, củng cố lại thành Thăng Long.
Tháng 9-1586, Giáp Hải đem toàn bộ những hiểu biết bấy lâu chất chứa trong lòng, nhất là về nghệ thuật quốc phòng để tâu bày với người đứng đầu triều Mạc:
“Cổ nhân lấy câu: Tri túc bất nhục (Biết đủ sẽ không nhục) làm răn; tiên hiền thường tự xử theo câu: Niên chi tiện quy (Đến tuổi già thì về hưu). Nay hạ thần đã 70 tuổi, đáng nên về hưu, một niềm mong muốn, không nói gì khác. Kính mong bệ hạ, xét lòng chi thành của hạ thần, cho hạ thần trí sĩ, để toàn tiết muộn và giữ hơi tàn của hạ thần. Đó là hạ thần rất mong vậy.
Hiện nay, các quan trong triều đình, thảy đều là các bậc hiền tài, việc nước thi thố, đã có kế hoạch. Nhưng hạ thần lo ngại về điều: đang lúc thịnh trị cũng nên nghĩ tới sự nguy vong. Đó là lòng chí thành của bầy tôi già này cần bày tỏ. Kính mong bệ hạ, tính việc trị an, cung kính phép trước, chuyên về chính học, thân cận người tốt, thực ý ngay lòng, phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không mưu lợi về tiền của, không ham rượu, không mê nhạc, ngăn kẻ nịnh nọt, răn sự rong chơi. Khiến cho chính trị giáo hóa trở nên tốt, nhân dân nhà nwớc đều yên vui, để tiến tới một nền thịnh trị.
Hạ thần lại nghĩ: Việc dụng binh là một việc rất cần thiết hiện nay. Kính mong bệ hạ, giữ thói kiệm ước, giảm sự tiêu bừa, tích của để dùng vào việc binh. Ủy cho phụ chính Ứng vương phải nghiêm hiệu lệnh, đặt tướng tá trong các doanh, phải chọn bậc anh dũng; quân sĩ phải tuyển hạng tinh nhuệ; sắm thuyền bè, duyệt thủy quân, luyện voi ngựa, chuẩn bị khí giới, súng ống và cung nỏ, để làm kế sách đánh địch.
Về phương tây nam, những chỗ xung yếu giáp giới bên địch, thì nên đắp lũy cao, đào hào sâu, đặt bẫy nỏ, nghiêm phòng bị và đặt thêm đồn trại, chia quân giữ nơi hiểm yếu.
Thành Đại La, từ Cửa Nam, Ông Mạc đến Nhật Chiêu, những lũy đất nên đắp cao thêm và khai sâu thêm những con hào ở đấy.
Trên mặt hoàng thành, từ cửa Nam đến cửa Bắc, nên tu sửa những bức tường thấp ở trên mặt đường cho thật cao, để bảo hiểm trong thành.
Một khi chiến cụ đã đầy, phòng vệ trong ngoài đã chu đáo, thì giữ sẽ vững, đánh sẽ thắng. Giặc ngoài đã dẹp, trong nước tự yên. Hạ thần tuy chưa dưỡng tại nơi điều viên, cũng được dự hưởng phúc thái bình”.
Mậu Hợp đáp rằng:
“Ông là bầy tôi kỳ cựu, đã từng khó nhọc, theo lẽ, đáng nên về hưu. Nhưng hiện nay đang cần hiền tài giúp nước, ông là bậc lão thành am luyện, đối với nghĩa, chưa nên đi vội. Vậy phiền ông hãy ngồi lại làm việc tại đình, giữ công thần, giúp đỡ chính trị, chấn chỉnh lại phong khí của nhà nước. Đến lúc ấy sẽ về hưu cũng chưa muộn”.
Tháng 10-1586, một lần nữa Giáp Hải lại dâng biểu xin về hưu trí nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn cố lưu giữ, không cho về.
Tháng 1-1587, Giáp Hải tiếp tục xin về, lời lẽ trong sớ tâu xin rất là khẩn thiết, buộc Mạc Mậu Hợp bất đắc dĩ phải nghe theo. Khi ông đã tạm yên ấm ở làng Kế, Mạc Mậu Hợp ngày đêm tưởng nhớ, lại triệu trở lại kinh thành. Nể tình, Giáp Hải lưu lại kinh đô vài ngày rồi xin trở lại quê hương. Chưa kịp hàn huyên, ông đã qua đời. Khi ấy vào khoảng tháng 2-1587.
Khi viết về thời điểm Giáp Hải qua đời, hầu hết các tài liệu đều ghi là năm 1586. Chúng tôi cho là chưa chính xác vì các lẽ sau đây:
– Năm Bính Tuất (1586), nhuận 2 tháng 9, do đó các sự kiện xảy ra từ tháng 11 năm đó sẽ tương ứng với tháng 1-1587.
– Theo sử cũ, ngày 10 tháng Chạp năm Bính Tuất, Mạc Mậu Hợp cho Giáp Hải trí sĩ và cũng chép Giáp Hải qua đời trong tháng đó. Nếu đem chuyển đổi sang dương lịch, chúng tôi chủ trương là tháng 2-1587 là thích hợp. Như vậy, Giáp Hải (1516-1587) thọ 72 tuổi.
Thấm nhuần một cách sâu sắc tư tưởng quân sự của Giáp Hải, Mạc Mậu hợp đã cho sửa ngay vòng ngoài của thành Thăng Long, chỉnh trang các đường phố. Lại sai xứ Tây và xứ Nam xây đắp tường lũy chạy dài mấy trăm dặm từ Hát Giang đến sông Hoa Đình thuộc xứ Sơn Minh, bên trên trồng nhiều tre gai. Tháng 3-1588, nhà Mạc lệnh cho binh dân tứ trấn đắp thêm 3 tầng lũy đất ngoài thành Đại La ở Thăng Long, chạy từ phường Nhật Chiêu qua Cầu Dừa, Cầu Dền.
Cho đến cuối năm 1592, tức sau khi Giáp Hải qua đời được hơn 5 năm, Mạc Mậu Hợp phải bỏ Thăng Long chạy về Bắc Giang. Cuộc chiến tranh Nam triều – Bắc triều kết thúc.
Như vậy là, chúng ta đã đi dọc cuộc đời Giáp Hải, cũng là đi gần như trọn vẹn thế kỷ XVI. Đây là một thời đại đẹp nhưng không trọn vẹn và có quá nhiều binh đao, máu lửa chặn đứng những khát vọng lớn lao. Cùng vào lúc dân tộc Việt Nam muốn kết liễu chế độ phong kiến suy tàn, bạc nhược để hướng mạnh ra biển Đông hòa cùng nhịp bước của nhân loại thì sự bế tắc đến lười biếng của những kẻ đi tiên phong như Trần Cảo, Mạc Đăng Dung lại dẫn dắt dân tộc trở lại bầu trời u ám xưa cũ. Bản thân Giáp Hải, một cốt cách uyên bác và sâu xa trong tư chất của nhà ngoại giao, thâm hậu trong vai trò của viên quan cai trị, cơ mưu và quyết đoán của nhà quân sự, nhạy cảm và bén sắc của một thi gia, biện chứng và đầy chất tư biện của một nhà triết học cũng cảm thấy vô vọng và lúng túng trước thời cuộc. Những lúc ấy, ông chỉ biết về Lam Sơn vọng bái những người anh hùng, vịn vào quá khứ và đạo đức cũ để mong một xã hội thái hòa. Nỗi buồn gia cảnh của ông cũng giống như nỗi buồn của dân tộc: nhiều mất mát, kể cả những gì sâu kín nhất. Thời đại của ông, bởi thế vẫn hoàn toàn là bế tắc. Cốt cách của ông, dù đẹp đẽ biết mấy, kết cục vẫn chỉ là một tiếng thở dài muôn thuở.
Hà Nội, đầu thu 2011
K.Đ.T