Huyện Trạm Tấu
Khổng Đức Thiêm Cùng với việc Khu tự trị Thái Mèo được đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc , Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II, ra ngày 27-12-1962, còn cho phép lập tỉnh Nghĩa Lộ – mà hầu hết đất đai thuộc tỉnh Yên Bái cũ (Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn) và một phần ...
Khổng Đức Thiêm
Cùng với việc Khu tự trị Thái Mèo được đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II, ra ngày 27-12-1962, còn cho phép lập tỉnh Nghĩa Lộ – mà hầu hết đất đai thuộc tỉnh Yên Bái cũ (Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn) và một phần tỉnh Sơn La (Phù Yên).
Để tăng cường sự đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc, phát huy sức mạnh hướng tới xây dựng khu tự trị Tây Bắc xứng đáng với tầm vóc của nó, Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo khảo sát quy hoạch lập các huyện mới tại vùng đồng bào Mông từ khu vực 99 đến xã Trạm Tấu, do ông Chi Mai – Bí thư Huyện ủy Phù Yên làm Trưởng ban; các ông Hoàng Công Tác, Giàng A Páo – Huyện ủy viên Văn Chấn làm Phó trưởng ban cùng 24 cán bộ của tỉnh và khu là thành viên. Qua 4 tháng nghiên cứu, khảo sát những đặc trưng về kinh tế – xã hội, phong tục tập quán, địa bàn cư trú và các vấn đề về dân tộc, dân số; Ban đã lên phương án lập hai huyện mới ở phía bắc Phù Yên và vùng cao Văn Chấn. Các luận chứng đưa ra đã được khu và Trung ương chấp nhận. Ông Chi Mai trở lại Phù Yên; hai ông Hoàng Công Tác và Giàng A Páo về Văn Chấn chuẩn bị cho việc chia tách.
Ngày 17-8-1964, theo đề nghị của Ủy ban hành chính khu tự trị Tây Bắc, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 128-CP chia hai huyện Phù Yên, Nghĩa Lộ thành hai huyện: Bắc Yên (8 xã), Phù Yên (thị trấn Vạn Yên và 22 xã); huyện Văn Chấn thành 2 huyện Văn Chấn (31 xã), huyện Trạm Tấu (11 xã: Túc Đán, Hồ, Trạm Tấu, Pá Lau, Pá Hu, Bản Công, Bản Mù, Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Suối Láng(1) và Hát Lừu (2).
Kể từ thời điểm lịch sử này, Trạm Tấu trở thành huyện vùng cao của tỉnh Nghĩa Lộ, nằm ở vị trí 21021′ – 21040′ vĩ bắc, 104017′ – 104040′ kinh đông, độ cao trung bình so với mặt biển là 800m – trong đó huyện lỵ tọa lạc ở độ cao 1.058m; phía bắc và phía đông giáp huyện Văn Chấn, phía nam giáp 3 huyện Bắc Yên, Phù Yên và Mường La (Sơn La). Nằm áp mình vào dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Trạm Tấu có diện tích 746km2, quang cảnh khá hùng vĩ và đặc sắc. Nếu đứng từ cánh đồng Mường Lò ngước nhìn cánh cung chạy từ ngã ba Vực Tuần đến Sơn Lương ta sẽ thấy trên lưng chừng núi cao lấm tấm các bản Mông, quanh năm được ủ trong mây mờ và màu xanh thẫm của rừng cây. Sự chinh phục của con người đối với vùng này hình như mới bắt đầu độ một vài thế kỷ lại đây nên thiên nhiên vẫn còn giữ được nhiều khả năng lớn lao cho tương lai.
Các khối núi nằm trong khu vực Trạm Tấu đều rất cao, trong đó cao nhất là đỉnh Xà Phình tới 2.853m. Các đỉnh cao này đều có sườn rất dốc tại các thung lũng hẹp chia cắt rất sâu, nhìn chung biên độ giữa chỗ cao và chỗ thấp cách biệt đến 1.000 mét. Nó như đan vào nhau khiến cho đường đi đã dốc lại thêm dốc và hết sức ngoắt ngoéo. Suối chảy băng băng rồi bất ngờ đổ xuống thành thác nước réo sôi.
Vùng núi Xà Phình – Pú Luông nằm trong sơn hệ Hoàng Liên Sơn được cấu tạo bằng đá nguồn gốc marma (granit) hoặc đá phún trào axit (túp, riôlit, ôtôphia), có lớp vỏ phong hóa khá dày. Trong khi hoạt động nông nghiệp ở đây chỉ có thể phát triển ở một số nơi có điều kiện thì rừng núi Trạm Tấu lại cho nhiều hứa hẹn về lâm sản. Khu vực này vốn tồn lưu nhiều rừng gỗ quý. Trong rừng có măng, song móc, nấm hương, mộc nhĩ. Khí hậu cho phép trồng nhiều loại rau củ và cây á nhiệt đới như hồi, chè, trẩu, quế, bông và nhiều loại cây thuốc khác. Nhiều bãi cỏ rộng lớn phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc, phục vụ cho mở mang công nghiệp du lịch hoặc làm nơi an dưỡng.
Trạm Tấu cũng là nơi dãy Hoàng Liên Sơn kết thúc một cách đột ngột về phía đông nam – bắt đầu từ Nghĩa Lộ và đèo Lũng Lô nổi tiếng ở cuối dãy Xà Phình. Các đỉnh núi ở đây chỉ lặp lại một cách mơ hồ hình dạng các đỉnh ở phía bắc, chỉ còn sàn sàn từ 800 – 1.000m. Các thung lũng mở rộng và ngoằn ngoèo. Đường rừng được đo bằng khoảng cách hai ba “tay dao” để đi từ bản này đến bản khác phải từ sáng đến chiều. Rừng có nhiều re, dẻ xen kẽ là pơ mu, chò chỉ ở các núi trung tâm. Tại các nơi núi thấp hơn chỉ còn rừng thứ sinh (rừng tre, rừng nứa hoặc toàn lau sậy, cỏ sắc).
Suối khe ở Trạm Tấu có mật độ khá dầy đặc, chảy chằng chịt gấp khúc, bắt nguồn từ nhiều đỉnh cao trong vùng:
– Suối Nậm Tung gồm 2 nhánh. Một nhánh khởi từ vùng rừng núi Tà Xùa. Một nhánh từ Kháo Chu. Hai nhánh này chảy đến gần huyện lỵ thì nhập lại thành suối Nậm Tung.
– Suối Nậm Hát cũng hợp thành hai nhánh (một nhánh phát sinh từ Căng Chua Khúa, một nhánh từ Sán Chá) tại Bản Hát.
– Suối Nậm Lìu bắt nguồn từ Cảu Sóng nhập với Nậm Tung, Nậm Hát.
– Suối Nậm Tăng có 3 nhánh bắt nguồn lần lượt ở Háng Chi Mua, Tàng Ghềnh và Mù Nước rồi hợp nhau ở Mảnh Tâu gọi là Nậm Mù. Khi dòng chảy theo hướng xuống Ngòi Thia mới gọi là Nậm Tăng.
– Suối Nậm Nhì phát nguyên từ Go Làng Sáng giữa hai xã Tà Xi Lãng và Làng Nhì.
– Suối Nậm Đông có 2 nhánh bắt nguồn từ Cao Pá Lau, Điểm Cao chảy qua Túc Đán, nhập lại ở thôn Pa Te.
Các suối khe của huyện đều chảy theo hướng đông tây, tuy có gây cách trở cho giao thông đi lại nhưng lại là một nguồn thủy năng rất lớn. Các suối khe này còn cung cấp cho con người một lượng cá phong phú như cá sậu dưa, rùa.
Ngoài ra, còn phải kể đến các thác nước Đề Chợ, suối Chống Chụa, suối Háng Xùa, suối Phình Hồ ngày đêm tiếp thêm nước cho Nậm Thi. Các suối Nậm Que, Nậm Lừu, Nậm Tung, Nậm Tăng hợp thành Ngòi Thia rộng lớn. Suối Nậm Cò Noòng ở Pá Lau – nguồn tưới chính cho cánh đồng lúa, đồng màu ở Văn Chấn. Thác nước Bản Mù, Xà Hồ cùng các suối lớn có độ dốc cao, là nguồn điện năng đầy hứa hẹn cho việc lắp đặt các trạm thủy điện trong vùng.
Trong các cánh rừng đại ngàn quanh năm xanh tốt xưa kia, những xóm Mông Khấu Li, Tà Suối Láng, Bản Mù, Trạm Tấu nằm rải rác trên các triền non. Xen kẽ với khung cảnh ấy là các thung lũng hẹp ở Hát Lìu, Nậm Dạ, Búng Tầu, Xà Hồ, Làng Nhì… rất thuận lợi cho việc khai phá ruộng bậc thang để cấy lúa, trồng màu. Các đồi cỏ cuộn sóng rập rờn mở ra hướng phát triển cho chăn nuôi.
Rừng và đồi trọc ở Trạm Tấu chiếm tới 97,1% diện tích tự nhiên. Toàn huyện chỉ có 659,6 ha ruộng nước, 3.088 ha nương luân canh. Đất đai chia ra làm 4 loại chính, chiếm tỷ trọng cao nhất là đất feralit phân bố ở các độ cao trung bình 900m. Địa hình có độ dốc từ 3-100 chiếm 11%; từ 12 -150 chiếm 4%; từ 160 trở lên chiếm 85%. Đất feralit đỏ khá phù hợp cho việc trồng dược liệu như đẳng sâm (ca bu, trí phó), táo mèo (sơn tra), hà thủ ô, sa nhân và nhiều loại cây công nghiệp như màng tang, cây đen.
Trải qua 4 thời kỳ kiến tạo địa chất, Trạm Tấu nằm ở dạng địa hình ngăn cách phức tạp thuộc dải Hoàng Liên Sơn. Với hình dạng của một vành đai thiên nhiên gồm nhiều dãy núi cao không liên tiếp ôm trọn lấy cánh đồng Mường Lò của huyện Văn Chấn, theo hướng bắc – tây – nam và cao dần từ đông sang tây, trong thực tế nhiều kinh tế, Trạm Tấu như bị biệt lập, tách ra khỏi sự sôi động của cuộc sống hàng ngày.
Trong thời kỳ vận động tạo núi, các trầm tích lắng đọng đã tạo ra ở khu vực này những uốn nếp khổng lồ kèm theo hàng loạt những nứt gãy chờm nghịch làm cho đá vôi tầng giữa có tuổi cổ hơn lại nằm trên đá phiến. Thời kỳ tạo núi, xuất hiện nhiều hiện tượng xâm nhập macma làm cho đá trong vùng bị biến chất và đến đại trung sinh, cách đây 30 triệu năm, quá trình này coi như đã chấm dứt tuy các khối đá xâm nhập vẫn còn hung hãn tìm cách chọc xiên qua nhiều nơi ở dài Phan Xi Păng và Xà Phình – Pú Luông. Do vậy, đá ở cả hai khối núi này đều được cấu tạo bằng đá nguồn gốc macma. Điều kiện khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới ẩm đã làm các lớp đá này có vỏ phong hóa khá dầy ở chân núi. Nước hoạt động mạnh ở các sườn dốc làm cho đá gốc lộ ra trơ trụi nên đỉnh núi ở đây trông lởm chởm như răng cưa.
Đến vận động tạo núi tân sinh, tuy mọi thứ không còn mãnh liệt nhưng nó vẫn còn đủ mạnh để đội cao chỗ này, làm đứt gãy chỗ kia, sông suối bị đào xử xuống rất sâu. Các sườn núi trở nên dốc và bị chia cắt hơn. Các vận động tạo núi và đặc tính của đá không đồng nhất trên những khoảng ngắn càng làm cho hướng và chiều rộng của thung lũng thay đổi một cách bất ngờ.
Rừng cũng xuất hiện dưới nhiều dạng khá đặc sắc. Có loại cây lẽ ra chỉ có ở phương nam nhưng cũng có mặt ở đây như gụ, săng lẻ, kền kền. Từ 700 – 1.800m, rừng á nhiệt đới núi cao đã xuất hiện với những loại cây họ sồi, giẻ, giổi và một số cây lá kim. Thế giới động vật cũng khá phong phú với sơn dương, mèo rừng, gấu, nai, hoẵng, hổ, báo. Trong các hóa thạch tìm được người ta còn thấy có cả hóa thạch của voi, đười ươi… ở các hang Thẩm Lé, Thẩm Thoong, Thẩm Han, Khe Thắm thuộc Văn Chấn cùng nhiều công cụ được chế tác từ đá phun trào, đá ba dan. Điều này cũng có nghĩa là Trạm Tấu và Văn Chấn có nhiều khả năng đã từng diễn ra quá trình chuyển biến từ vượn thành người ở hàng chục vạn năm trở về trước.
Khí hậu trong vùng khá khắc nghiệt. Nhiệt độ bình quân hàng năm là 180C, cao nhất là 300C và thấp nhất là 00C; biên độ chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn. Ở một số thời điểm và một số vùng thường xuất hiện gió tây nam khô nóng. Lượng mưa bình quân 2.000m, thấp nhất từ tháng XI đến tháng III – chỉ có từ 120m – 200mm, chiếm 6 – 10% lượng mưa cả năm. Độ ẩm trung bình là 84%. Thời gian có nắng từ 1.980 – 2.000 giờ/năm. Các yếu tố khí hậu của Trạm Tấu mang đặc trưng của khí hậu á nhiệt đới thích hợp đối với các loại cây ăn quả như mận hậu, đào, mơ cũng như những loại dược liệu quý không trồng được ở các nơi khác. Tuy nhiên có một số loại cây ăn quả và cây lấy hạt không thích hợp nên sinh trưởng và phát dục thường chậm.
Trong phạm vi toàn huyện, diện tích rừng tự nhiên chiếm chừng41% (30.438 ha) và diện tích đất lâm nghiệp lên tới 45.578 ha. Túc Đán là xã còn nhiều hơn cả (9.695 ha) tiếp đến là Bản Công, Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì. Đặc biệt diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản của Trạm Tấu là thực tế thấp, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 5.117 ha.
Với trên 50% đất chưa sử dụng, nhiệm vụ trồng và khoanh nuôi rừng trở nên một yêu cầu cấp bách, nhất là đối với các xã có một diện tích quá lớn như Bản Mù, Xà Hồ, Tà Xi Láng, Làng Nhì, Pá Hu, Phình Hồ. Hiện tại, Lâm trường Trạm Tấu quản lý diện tích 4.323 ha và 30 lao động trồng và chăm sóc rừng.
Dưới đây là vài số liệu về diện tích giành cho sản xuất nông nghiệp từ 1976-1997.
Năm
Môn loại |
1976 | 1980 | 1985 | 1990 | 1997 |
Diện tích gieo trồng (ha) | 2091 | 2751 | 2924 | 3186 | 3255 |
Trong đó: Trồng lúa (ha) | 1397 | 1795 | 2058 | 2185 | 2239 |
Trồng ngô (ha) | 383 | 473 | 470 | 501 | 527 |
Tổng sản lượng: Lúa (tấn) | 1853 | 2475 | 2985 | 2961 | 3964 |
Ngô (tấn) | 329 | 378 | 494 | 602 | 791 |
Năng suất: Lúa (tạ/ha) | 13,0 | 13,9 | 14,5 | 13,5 | 17,7 |
Ngô (tạ/ha) | 8,6 | 8,0 | 10,5 | 12,1 | 15,0 |
Cùng với tiềm năng về lâm sản, tiềm năng đất đai, việc tìm thấy các tài nguyên quý trong lòng đất đã làm cho vùng đất xa xôi hẻo lánh này có phần hấp dẫn và nâng cao giá trị hơn. Ngoài mỏ bạc ở Căng Chùa Khúa đã từng khai thác từ giữa thế kỷ XIX còn phải kể đến mỏ chì ở Xà Hồ, mỏ nước nóng ở huyện lỵ – độ nóng, hàm lượng vi chất và nguyên tố vi lượng cao, có khả năng chữa được nhiều loại bệnh.
Ngày trước, việc đi lại trong khu vực chủ yếu dựa vào hệ thống đường mòn từ Kế Khau Ly vắt chéo về Bản Mù, Làng Nhì, Phình Hồ hoặc đi Bản Công rồi sang Mường Chiến (Sơn La), từ Bản Công sang Xà Hồ đi Nậm Khắt (Mù Cang Chải). Kế Khau Ly còn có đường về Bản Lìu, Bản Hát lên Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán và đường đi bản Mông ở Kim Vàng (Bắc Yên). Cách đây hàng trăm năm, khi rừng núi còn hoang vu rậm rạp, những đường mòn đất đỏ vắt trên lưng chừng núi chạy từ ngọn này sang ngọn khác, leo qua bao dốc cao vực thẳm chính là con đường mà các thương nhân đã dùng để qua lại, len lỏi vào các bản để cung ứng, trao đổi hàng hóa với nhân dân địa phương. Các thương nhân này cũng thường đi theo con đường từ Nghĩa Lộ qua xã Trạm Tấu, xuống Bản Hát rồi qua suối Tung. Trong các năm từ 1966-1968, ngành giao thông tỉnh Nghĩa Lộ đã mở con đường vận chuyển dài 32km từ thị xã lên huyện lỵ Trạm Tấu. Đến thập kỷ 90 huyện lại có thêm con đường đến Bản Hát, Bản Lìu, trải nhựa đoạn đường ở huyện lỵ dài chừng 1km. Nhiều đường liên xã, cầu treo, cầu gỗ được xây dựng thêm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân.
Mặc dù là khu vực cư trú chủ yếu của người Mông nhưng khi mới thành lập, số người Mông chỉ có 997 người, có mặt ở các chòm bản như Nhì Trên, Nhì Dưới, Háng Đề, Háng Đay, Tà Xi Láng, Chống Chòa, Tà Đằng Sắn Nhu, Làng Mảnh, Phình Hồ, Chí Lư, Tà Chử, Tấu Dưới, Tấu Giữa, Tấu Trên, Mo Nhàng, Pá Lau, Pá Hu, Tà Tầu, Căng Dông, Háng Giàng, Hàng Thồ, Súa Giao, Giao Khấu, Háng Sê, Tà Chử, Chống Khùa, Mù Thấp, Mù Cao, Giàng Lao Pán, Háng Đề, Tà Xua, Bản Công, Sáng Chá, Kế Khau Ly và phố huyện. Dần dần, người Thái và người Kinh cũng đến sinh sống ở địa phương ngày một đông. Số liệu điều tra dân số cho biết, tính đến ngày 1-4-1989, toàn huyện có 14.569 người (Mông 10.902 người, Thái 2.262 người, Kinh 1.037 người, Tày 185 người, Khơ Mú 111 người, Mường 34 người…) chia theo các xã như sau:
Hát Lìu: 3.417 người | Túc Đán: 1.025 người | Làng Nhì: 881 người |
Bản Mù: 1.789 người | Bản Công: 1.099 người | Pá Lau: 798 người |
Xà Hồ: 1.519 người | Pá Hu: 987 người | Phình Hồ: 641 người |
Trạm Tấu: 1.305 người | Tà Suối Láng: 818 người | Cộng: 14.569 người |
Tính đến 31-12-1993, toàn huyện có 15.527 người (Mông 11.223 người, Thái 2.386 người, Kinh. 1061 người, Tày 286 người). Số liệu gần đây nhất là thời điểm 1-4-1999 toàn huyện có 19.007 người với mật độ bình quân 25 người/km2, vào loại thưa dân nhất tỉnh Yên Bái(3). Đến cuối năm 2008, toàn huyện có 4.274 hộ với 25.119 nhân khẩu.
Vốn là vùng hoang vắng, hẻo lánh không có người ở, mãi đến tận đầu thế kỷ XVII Trạm Tấu mới có một nhóm người Khơ Mú đến cư trú. Lớp cư dân đầu tiên này còn gọi là người Xá, chủ yếu sinh sống bằng nương rẫy, bản làng nhỏ bé, nhà cửa tạm bợ, giỏi đan lát nhưng lại không biết dệt vải, chỉ biết trao đổi vật phẩm một cách thô sơ bằng cách đến vỏ ốc. Nhìn chung trồng trọt chỉ đủ cung cấp lương thực cho họ độ 6-7 tháng nhưng sản xuất lại quá phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống bấp bênh theo kiểu “năm được trâu, năm bán con”. Hái lượm và săn bắn còn đóng một vai trò rất quan trọng vì chăn nuôi không phát triển, gia súc nuôi được chỉ đủ cho tế lễ, cưới xin, ma chay. Người Khơ Mú quan niệm có ma trời, ma đất và hai loại ma này có quyền lực cao nhất. Họ cũng có tục thờ cha mẹ, tổ tiên.
Khi bước vào kỷ nguyên độc lập của Nhà nước Đại Việt, địa phương thuộc đất của trấn Thiên Hưng. Đây cũng là thời kỳ người Thái đến khai thác lòng chảo Mường Lò mênh mông hoang vắng như trong sách TÁY PÚ SẤC của họ đã để lại:
“Tiếng đồn có người tới Mường Lò
Một vùng rộng lớn đất phì nhiêu
Có đồng Hốc, đồng Uôn quanh đất phủ(4)
Một đồng bằng thả sức ngựa phi
Có đồng Dạ Cói Nàng
Ngồi không cũng được của
Có ao Hôm, ao Hang hàng cau trĩu buồng
Người Mường Lò làm ruộng thu thóc lúa”
Khi người Thái Đen đến Mường Lò thì ở đây đã có người Xá La Ngạ tụ cư đông đảo ở Nậm Xia (Ngòi Thia); người Xá Khun Lù ở Mường Min (Gia Hội – Văn Chấn). Nhiều nhóm Xá trong quá trình cộng cư đã bị Thái hóa như nhóm Xá ở Bản Có (Phúc Sơn – Văn Chấn).
Thời thuộc Minh, trấn Thiên Hưng đổi gọi là Hưng Hóa, Trạm Tấu lúc này nằm trong huyện Văn Chấn của châu Quy Hóa. Song thời Lê – Nguyễn, Trạm Tấu thuộc sách Thạch Lương của châu Văn Chấn, dân cư thưa thớt, rừng núi hoang vu.
Từ mùa xuân năm 1886, vùng đất Hưng Hóa bị đội quân viễn chinh Pháp tràn lên xâm chiếm. Chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân Mông, Dao, Thái, Tày tại Đại Lịch, Mường Lò, Khe Thắc, Đèo Ách. Nhân dân đã chiến đấu dưới lá cờ nghĩa của Giàng Nư Cư Lâu, Đặng Phúc Thành. Cũng vào thời điểm trên, nhân dân các dân tộc ở Trạm Tấu còn phải chiến đấu chống giặc Cờ Vàng từ Trung Quốc tràn sang. Đây là một lũ thổ phỉ vô cùng tàn ác và dã man; đi đến đâu là giết hết đàn ông, cướp đàn bà, dùng dây thép xâu tay hàng trăm người rồi đẩy xuống suối. Từ Mường Lò, giặc Cờ Vàng tràn đến Trạm Tấu, đóng đồn ở Bản Hát, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, lùa dân đi khai thác mỏ bạc và cống nạp sản vật. Dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Giàng A Của, Giàng Thào Sáng ở Bản Công, nhân dân địa phương đã dũng cảm và mưu trí đánh tan nhiều toán giặc, bắt tên chỉ huy Gu Tông phải đền tội. Bọn phỉ tăng cường viện quân nhưng vẫn bị đẩy lùi. Tuy nhiên, sau nhiều đợt tấn công, chúng đã bắt được thủ lĩnh Giàng Thào Sáng đem giết ở bờ sông Đà. Thủ lĩnh Giàng A Của rút lực lượng lên Giao Phình, Nậm Khắt, Mù Cang Chải tiếp tục chống phỉ.
Người Pháp chiếm được Hưng Hóa, vùng đất này được giao cho Lữ đoàn 1 của tướng Jamer phụ trách. Đến ngày 15-4-1888, chúng phân Bắc Kỳ thành 14 quân khu. Từ ngày 5-4-1890 địa phương nằm trong Tiểu quân khu Yên Bái, trực thuộc sự quản lý của giới quân sự. Từ ngày 3-10-1896 phần đất Trạm Tấu thuộc Tiểu quân khu Nghĩa Lộ trong Đạo quan binh thứ 4.
Sau hơn 10 năm đặt trong sự cai trị của chế độ quân quản, ngày 11-4-1900, Trạm Tấu được đưa về tỉnh Yên Bái dân sự. Tuy rộng lớn như vậy nhưng Trạm Tấu chỉ là 1 xã trong 3 xã của tổng Hạnh Sơn huyện Văn Chấn. Năm 1907 tổng Trạm Tấu được thành lập gồm 4 xã Trạm Tấu, Làng Tống, Làng Nhì, Xà Hồ của người Mèo và Bản Hát và Bản Lìu của người Thái. Theo Niên giám thống kê, năm 1932 số người Mông trong khu vực Văn Chấn là 1.646 người mà phần lớn tập trung ở tổng Trạm Tấu.
Một thời gian sau, Trạm Tấu lại chia làm đôi. Tổng Trạm Tấu gồm Xà Hồ, Bản Mù và thôn Trạm Tấu do Giang A Giao làm Thống lý. Tổng Phình Hồ gồm các thôn Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Suối Láng do Lý Tráng làm Thống quán. Cùng thời gian ấy, họ Đồng của người Thái ở Bản Khem (Thanh Lương) đến ở ven suối Hát và Nậm Lìu, lập ra xóm Hát có 8 gia đình do Lò Văn Mẹo làm tạo bản, xóm Lìu có 13 gia đình do Lò Văn Lế làm tạo bản.
Tại Trạm Tấu – Phình Hồ cũng như bao vùng khác có người Mông sinh sống, thực dân Pháp cũng cho tổ chức một đội ngũ chức dịch riêng, ngoài Thống Lý (Chánh tổng), Thống quán (Lý trưởng) còn có Chống chụa (Trưởng bản), Sa thầu (Trưởng bản nhỏ). Tùy theo chức vụ, mỗi người đều có một số đất riêng lấy từ người bị tuyệt tự, du cư, có tội để làm đất tiếp khách mà nhân dân phải đảm nhiệm sản xuất, thu hoạch. Họ có quyền sử dụng Tỷ súng (người tạp dịch, chăn ngựa, liên lạc), Thú dung (lính dõng), Cai (điều khiển ỷ súng, Thú dung). Mức độ phân hóa trong xã hội người Mông ở Trạm Tấu – Phình Hồ chưa cao.
Trong xã hội người Thái, ngoài tầng lớp Thổ ty và Phìa còn có các Tạo bản. Tạo bản tuy chỉ trông coi bản nhưng cũng được phép buộc những nông dân tự do phải đóng góp lao dịch hoặc hiện vật; nông dân bán tự do suốt đời phụ thuộc.
Các Thống lý, Thống quán, Chống chụa, Sa thầu, Tạo bản đã tập hợp thành tầng lớp quý tộc, ra sức bóc lột nông dân và câu kết với đế quốc phong kiến nhằm giữ vững địa vị của mình trong xã hội.
Dưới nhiều tầng áp bức và bóc lột hết sức nặng nề như vậy đời sống của nhân dân trong vùng hết sức khổ cực. Người Mông nay đây mai đó mà vẫn chịu biết bao sưu cao, thuế nặng. Ngoài thuế muối, thuế thuốc phiện chúng còn khuyến khích mở sòng bạc để vét nốt những gì còn lại của người dân. Các sắc thuế ở Trạm Tấu và nhiều vùng cao khác xem ra còn nặng nề hơn cả vùng đồng bằng. Mỗi gia đình dù có hay không trồng thuốc phiện mỗi mùa đều phải nộp 0,3kg thuốc. Tất cả đàn ông từ 18 – 60 tuổi còn phải nộp mỗi người một suất sưu sau 1$50 – nếu một hộ có 2 người đàn ông phải nộp sưu và một suất thuốc phiện thì trị giá bằng 2 con trâu. Đó là chưa kể các khoản phù thu lạm bổ do Thống lým Thống quán đặt ra. Cứ đến vụ thuế là làng bản lại bao trùm một không khí hãi hùng, căng thẳng. Lính dõng được đốc đi thu thuế bằng roi gân bò, ba toong, dùi cui và cả bằng súng ống. Ai không có thuốc, không có tiền nộp thuế phải gán vợ đợ con. Đấy là chưa kể những khoản cống nạp mỗi khi bắn được thú rừng, những đợt đến phục dịch ở nhà Thống lý, Thống quán. Đi đâu bọn chúng cũng như một tiểu triều đình, ăn mặc sang trọng, giày tàu mũ phớt, người dắt ngựa, kẻ bê bàn đèn, người vác súng gươm.
Trong hoàn cảnh sản xuất bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nhưng hàng năm người Mông vẫn phải nộp thuế hàng trăm kg thóc dù được mùa hay mất mùa, thời tiết không thuận, hạn hán kéo dài. Không còn thóc ăn, người Mông phải tìm mua ngô, sắn hoặc ăn lá rừng, củ dại, củ mài, củ nâu cầm hơi. Bệnh tật dày vò không có một viên thuốc chữa. Đói cơm, rách áo, thiếu vải, thèm muối. Họ đã phải lấy vỏ cây làm vải, da trâu bò và cỏ tranh làm chiếu, manh áo rách làm chăn, ăn than thay muối để qua ngày đoạn tháng. Gia đình người Mông nào cũng xơ xác, tiêu điều, quanh quẩn chỉ có cái bát bằng tre, cái muôi bằng gỗ.
Cả khu vực Trạm Tấu khi đó chỉ có một lớp tiểu học với một hương sư và khoảng 20 học trò con cái Thống lý, Thống quán. Nạn thất học mù chữ, nạn lấy nhiều vợ và nghiện hút, quanh năm quanh quẩn bên bàn đèn thuốc phiện đã làm cho xã hội người Mông ngày thêm trì trệ. Từ trồng thuốc phiện đến nghiện hút, từ đời ông cho đến đời cha, không ai dứt được. Các thầy mo, thầy cúng được tự do hành nghề, làm cho mọi người u mê tin vào thần linh ma quỷ, con người phải khuất phục trước một ảo giác về sức mạnh vô hình đó. Tinh vi và xảo quyệt hơn chúng đã chuyển hóa các điều mê tín dị đoan thành tập tục; biến rượu chè, cờ bạc, trai gái, nghiện hút thành thứ ăn chơi nhằm thủ tiêu tinh thần phản kháng, khuyến khích tính cam chịu nhằm xóa nhòa ranh giới giữa kẻ đi áp bức và người bị áp bức, giữa kẻ cướp nước và người dân mất nước.
Trong nhiều năm liên tục, các thương nhân vận chuyển hàng hóa lên bán cho người Mông, người Thái hoặc thuê người trồng và hái chè, thu mua thuốc phiện, mở sòng bạc, cho vay nặng lãi. Bên cạnh tác động tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu, việc làm trên đã góp phần làm cho quá trình bần cùng hóa và du canh du cư của người Mông diễn ra nhanh hơn.
Đạo thiên chúa được truyền vào người Mông khá sớm và từ hướng Lào Cai tràn vào. Sau khi các nhà thờ Sa Pa (1905), Lao Chải (1917 – 1920) được xây dựng thì việc truyền đạo càng lan rộng. Năm 1936, cha đạo Dasoy từ Sa Pa về Phình Hồ truyền đạo vào 5 hộ người Mông và năm sau thì xây dựng nhà thờ. Từ Phình Hồ, đạo Thiên chúa lan tỏa tới 8 xã nay thuộc Trạm Tấu (Túc Đán, Sà Hồ, Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì, Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau), 7 xã thuộc Văn Chấn (Cát Thịnh, Sơn Thịnh, Nghĩa Tâm, Nậm Lành, Suối Bu, Sùng Đô, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ), 1 xã thuộc Văn Yên (Mỏ Vàng), 1 xã thuộc Trấn Yên (Hồng Ca) một số hộ ở Mù Cang Chải(5).
Dưới thời Pháp thuộc, 4 xã vùng Trạm Tấu và 2 bản Hát – Lìu nằm trong vùng xa xôi hẻo lánh gần như biệt lập của huyện Văn Chấn. Do chính sách ngu dân, chia để trị của thực dân Pháp nên nền kinh tế ở đây khép kín mang nặng tính tự cung tự cấp.
Đầu năm 1945 khi giặc Pháp chuyển hàng trăm tù chính trị từ căng Bá Vân (Thái Nguyên) về giam ở Nghĩa Lộ thì một số thanh niên Mông, Thái tiến bộ mới biết đến cách mạng – nhất là khi các chiến sĩ tù chính trị phá căng Nghĩa Lộ chạy lên Trạm Tấu được ông Hoàng Văn Cán đón về nhà nuôi thì một số người mới hiểu biết về Việt Minh. Những ngày sống ở đây các tù chính trị đã tuyên truyền cách mạng, gieo vào lòng thanh niên tinh thần yêu nước, yêu quê hương. Sau khi các chiến sĩ bình phục, ông Hoàng Văn Cán đã đưa các đồng chí đó ra Cửa Nhì để về cơ sở hoạt động. Tiếp sau đó lại có một số chiến sĩ khác chạy lên nhà ông Páo, được nhân dân nuôi dưỡng rồi về Xím Vàng (Bắc Yên). Được tuyên truyền và trao nhiệm vụ, ông Cán và ông Páo đi vận động tổ chức được đội thanh niên trung kiên gồm các ông Yên, Xúm, Lõi, Lòn. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên ở vùng này.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) Trung ương Đảng có chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện chỉ thị, Ban cán sự đảng Phú – Yên (Phú Thọ – Yên Bái) nhận thấy hàng ngũ địch ở Văn Chấn đang rệu rã; Tri phủ Đặng Phạm Lộc rất hoang mang nên đã quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Ông Ngô Minh Loan, , Trưởng ban cán sự Đảng Phú – Yên trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, dưa tối hậu thư và buộc Đặng Phạm Lộc Quản Nhương và một số tên khác phải viết thư xin hàng.
Sáng ngày 6-7-1945 lực lượng cách mạng tiến vào Nghĩa Lộ, được đồng bào đón chào và một số thanh niên gia nhập đoàn quân cách mạng. Sáng 25-7-1945 một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại sân trường kiêm thị xã Nghĩa Lộ. Sau khi tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền tay sai của Nhật – Pháp, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện đã được thành lập gồm 25 vị do ông Cầm Ngọc Lương làm chủ tịch.
Thời gian này, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban chỉ huy khu Vân – Hiền Lương còn cử ông Phan Đạo Xích về làm Bí thư huyện bộ Việt Minh huyện Văn Chấn. Mặc dù mọi công việc ở huyện đã tạm ổn nhưng ở xã lúc này vẫn còn tồn tại bộ máy chính quyền cũ tuy các tổng lý hầu hết theo ta nhưng cũng có một số nằm yên chờ đợi, một số ít tuyên truyền xuyên tạc tiếp tục chống phá cách mạng. Vì vậy nhiệm vụ trước mắt lúc này là phải thành lập được chính quyền xã. Huyện bộ Việt Minh đã thành lập đoàn cải tổ hương thôn xuống các xã làm nhiệm vụ để xóa bỏ chính quyền cũ và mọi thể chế mà Pháp – Nhật đã đề ra; giải tán xã đoàn, thu vũ khí của lính dõng; vận động hướng dẫn nhân dân thông qua phổ thông đầu phiếu bầu ra Ủy ban cách mạng lâm thời. Những nơi trình độ dân trí thấp ta để nguyên và chuyển họ sang làm việc cho cách mạng kết hợp vận động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giữ gìn trật tự an ninh trong làng bản.
Thực hiện nhiệm vụ trên, đoàn cán bộ cải tổ hương thô được cử lên khu vực Trạm Tấu. Đoàn gồm có các ông Bùi Đức Lạc, Cầm Tuy, Khánh, đã tổ chức mít tinh ở Bản Hát, tuyên truyền cho nhân dân hiểu về đường lối chính sách của Mặt trận Việt Minh, vạch trần tội ác của Pháp – Nhật và bọn tay sai; tuyên bố xóa bỏ mọi thể chế của Pháp – Nhật, thu dung các chức dịch cũ vào làm việc; vận động thanh niên tham gia sản xuất, bảo đảm đời sống, giữ gìn trật tự an ninh, phát hiện bọn phản động. Sau cuộc mít tinh nhân dân rất phấn khởi. Một số Thống lý, Thống quán đã làm việc cho Pháp – Nhật vẫn được làm việc cho ta nên cũng yên tâm.
Trong lúc nhân dân các dân tộc đang vui mừng vì được sống trong bầu không khí độc lập tự do thì bọn Việt Nam Quốc dân đảng núp dưới bóng quân Tàu Tưởng vào cướp chính quyền của ta ở huyện Văn Chấn. Ngày 22-2-1946 tên Triệu Quốc Lộc và Nguyễn Vĩnh đưa một tiểu đoàn từ Than Uyên kéo xuống cướp huyện lỵ, lập bộ máy cai trị.
Xứ ủy Bắc Kỳ đã điều động một tiểu đoàn về đánh dẹp Quốc dân đảng. Quân ta đánh thắng một trận ở Ba Khe quét sạch bọn Quốc dân đảng, lập lại trật tự an ninh. Tuy nhiên bọn Quốc dân Đảng đã lôi kéo được một số người nhẹ dạ cả tin đi theo chúng làm phỉ, gieo rắc trong dân tộc Mông một mối nghi ngờ về đường lối chính sách của Việt Minh.
Khi bọn Quốc dân Đảng bị quét sạch, chính quyền các xã vùng Trạm Tấu được củng cố, xã nào cũng có cán bộ lên chỉ đạo, tìm hiểu giáo dục, bồi dưỡng một loạt thanh niên trung kiên để tạo nguồn cán bộ sau này, tiêu biểu như Mù A Hồ, Giàng Vàng Lao, Giàng Thào Của, Sùng Dúa Páo, Sùng Dúa Tu, Sùng Vàng Tổng, Sùng Bua Chinh, Giàng A Páo… Lò Văn Sa, Hoàng Văn Ói, Lò Văn Yên, Hoàng Văn Quý.
Người Mông tuy đến sau người Xá hàng thế kỷ nhưng thực sự họ mới là chủ nhân trong vùng và Trạm Tấu có thể gọi là huyện của người Mông. Ở đây họ sống tập trung thành vùng rõ rệt tuy không gắn liền với nhau thành một dải, còn bị ngăn cách bởi nhiều khu vực cư trú của các dân tộc khác. Điều này rất dễ nhận biết qua tỷ lệ đa số của họ (so sánh với Mù Cang Chải, số liệu hết năm 1993).
Dân tộc
Huyện |
Mông | Thái | Kinh | Tày | Khác |
Mù Cang Chải | 91% | 3,8% | 3,9% | 0,3% | 1% |
Trạm Tấu | 72% | 16% | 7% | 1,7% | 3,3% |
Theo thống kê, đến cuối năm 2008, người Mông chiếm trên 77% dân số, tỷ lệ người Thái không thay đổi nhưng người Kinh chỉ còn gần 2%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở thời điểm cuối năm 2009 chiếm 48,15% số hộ (2.217/4.604 hộ).
Đến Trạm Tấu từ Pu Nhi, Pu Cai, Điện Biên, Xim Vàng, Háng Chủ, Phù Yên, Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, Mường Khương… người Mông đã gọi vùng này là Tủa Mùng chứ không phải là Sáy Mùng. Nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc họ Vàng rồi đến họ Thào, Giàng, Sùng, Trang, Cứ, Hờ, Hảng, Chơ, Mua, Lý, Phàng, Lầu… trong đó họ Giàng là đông nhất.
Người Mông Trạm Tấu coi tiếng Mông là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất: 100% trong sinh hoạt gia đình của người Mông (các nơi khác 93,5%); 95% trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng (các nơi khác 74%), 89% ở các nơi công cộng (các nơi khác 84%, 93% trong các cuộc họp của bản và xã (các nơi khác 97,8%); 72% với người đồng tộc từ xa đến (các nơi khác 69,6%); 50% để giao tiếp với các dân tộc xung quanh (các nơi khác 75,5%).
Có tới 49,55% người Mông trong huyện nói được tiếng Kinh nhưng tình trạng nói không thạo còn phổ biến. Ngay cả trong nhà trường, ngoài giờ học, học sinh người Mông cũng đều dùng tiếng Mông để giao tiếp. Điều này chỉ có thể giải thích là do thiếu môi trường giao tiếp bằng tiếng Kinh nên sự phát triển tiếng Kinh trong khẩu ngữ còn rất hạn chế.
Ở khu vực người Mông cư trú thường không có các tụ điểm văn hóa, thương mại, chợ búa. Tuy trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt là phụ nữ, nhưng các thành viên trong cộng đồng người Mông nếu có trình độ văn hóa hết bậc tiểu học trở lên thì hầu hết lại thoát ly ra khỏi cộng đồng. Những người sống tại các thôn bản hầu như mù chữ (không biết tiếng và chữ quốc ngữ) hoặc trình độ chưa qua tiểu học. Các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh… hoạt động khó khăn. Vai trò và chức năng của các tổ chức này trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong cộng đồng có nhiều hạn chế.
Người Thái Trạm Tấu sống tập trung ở xã Hát Lìu với trên 2.000 người. Theo các nguồn sử sách thì Nghĩa Lộ là nơi đầu tiên người Thái đặt chân vào Việt Nam, được coi là đất tổ của toàn bộ người Thái ở Tây Bắc.
Người Tày sống ở Trạm Tấu với một số lượng nhỏ chủ yếu là cán bộ lên công tác và gia đình vợ con cán bộ.
Người Kinh xuất hiện ở Trạm Tấu muộn nhất, tập trung ở huyện lỵ, chủ yếu là cán bộ – công nhân viên chức của Nhà nước, quê quán hầu hết ở các huyện vùng thấp trong tỉnh Yên Bái và vùng xuôi lên công tác.
Theo số liệu tính đến ngày 1-4-1989 toàn huyện có 2.157 bộ chia ra như sau:
1 người | 2 người | 3 người | 4 người | 5 người | 6 người | 7 người | 8 người | 9 người | 10 người |
32 hộ | 125 hộ | 191 hộ | 262 hộ | 294 hộ | 298 hộ | 263 hộ | 190 hộ | 148 hộ | 654 hộ |
Đội ngũ cán bộ khoa học của địa phương rất thấp. Tháng giêng 1982 toàn huyện chỉ có 273 người (công nhân kỹ thuật 17, trung học chuyên nghiệp 252, đại học cao đẳng 6). Tới ngày 1-4-1989 số lượng tăng lên không đáng kể, tổng số là 337 người (thứ tự là: 27, 277, 32). Hết năm 1993, cán bộ công nhân viên chức toàn huyện là 678 người.
Để hiểu hơn về hạ tầng cơ sở, điều kiện vật chất của Trạm Tấu so với toàn tỉnh, xin xem thêm một số biểu mẫu dưới đây tính đến thời điểm 1-7-1994.
- Cơ sở hạ tầng nông thôn
Môn loại
Đơn vị hành chính |
Tổng số xã | Số xã có đường ô tô | Tỷ lệ (%) | Số xã có điện | Tỷ lệ (%) | Số xã có trạm xá | Tỷ lệ (%) | Số xã có trạm truyền thanh | Tỷ lệ (%) |
Toàn tỉnh | 159 | 117 | 73,6 | 67 | 42,1 | 145 | 91,2 | 3 | 1,9 |
Trạm Tấu | 11 | 1 | 9,1 | 5 | 45,5 | 6 | 54,5 | 1 | 9,1 |
Trong khi 47,8% số xã trong toàn tỉnh có chợ; 22,6% có trạm biến thế; 25% có trạm bơm thì những số liệu này ở Trạm Tấu là không có. Rõ ràng cơ sở hạ tầng nông thôn của địa phương cần được tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa.
- Số xã có trường phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ:
Môn loại
Đơn vị hành chính |
Số xã có trường cấp I | Tỷ lệ (%) | Số xã có trường cấp II | Tỷ lệ (%) | Số xã có lớp mẫu giáo | Tỷ lệ (%) | Số xã có nhà trẻ | Tỷ lệ (%) |
Toàn tỉnh | 159 | 100,0 | 113 | 71,1 | 73 | 45,9 | 26 | 16,4 |
Trạm Tấu | 11 | 100,0 | 1 | 9,1 | 1 | 9,1 | – | – |
Đây là một chỉ số khá thấp của địa phương so với trình độ dân trí chung của toàn tỉnh. Tính đến niên học 1997-1998 tình hình giáo dục của địa phương như sau: cả huyện có 15 trường phổ thông (14 PTCS, 1 PTTH) với 184 lớp (181 PTCS, 3 lớp PTTH), 3.700 học sinh (3.297 HSCS, 314 học sinh cấp 2, 89 HSTH), 20 lớp mẫu giáo với 463 học sinh. Số giáo viên của toàn huyện là 210 người (10 giáo viên mẫu giáo, 189 giáo viên cơ sở, 11 giáo viên trung học)
- Nhà cửa, đất đai và đồ dùng chủ yếu
Môn loại
Đơn vị hành chính |
Đất nông nghiệp bình quân | Tỷ lệ nhà ở các loại so tổng số | Máy thu thanh tỷ lệ 100
hộ dân |
Máy thu hình tỷ lệ 100 hộ dân | Xe gắn máy tỷ lệ 100 hộ dân | |||
1 hộ nông dân (m2/h) | 1 khẩu nông thôn (m2/k) | Nhà kiên cố (%) | Nhà bán kiên cố (%) | Nhà đơn sơ (%) | ||||
Toàn tỉnh | 5.938 | 1.145 | 2,45 | 48,17 | 49,38 | 36,24 | 20,35 | 3,49 |
Trạm Tấu | 19.634 | 3.041 | 0,53 | 48,72 | 50,75 | 29,71 | 7,37 | 2,73 |
Có lẽ chỉ có các chỉ tiêu về đất đai, nhà bán kiên cố có phần cao và nhỉnh hơn các nơi khác, còn lại đều thấp hơn nhất là các chỉ tiêu về nhà kiên cố, máy thu hình.
Điều kiện thiên nhiên khó khăn và khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn… là những trở ngại không nhỏ, là những thách thức trên con đường đi tới của nhân dân các dân tộc Trạm Tấu để giành được cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Một chặng đường dài hơn 70 năm đã qua đi. Trải qua công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước và xây dựng quê hương, cuộc sống mọi mặt của người dân Trạm Tấu đang dần đi lên. Với những đề án về phát triển kinh tế – xã hội đã được phê duyệt và thực hiện ở địa phương, chắc chắn trong những năm tới, mục tiêu no đủ sẽ trở thành hiện thực đối với nhân dân địa phương.
Chú thích:
(1) Còn gọi là Tà Xi Láng.
(2) Sau, lập thêm thị trấn Trạm Tấu.
(3) Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái năm 1998.
(4) Đất phủ: Vùng trung tâm của một chẩu mường lớn.
(5) Xứ đạo Phình Hồ có 2 nhà thờ nguyện.