18/06/2018, 16:29

Sử thi Aeneid của Virgil

Aeneas chạy trốn khỏi thành Troy—tranh của Batoni Pompeo /1750 Vĩ Như (*) Aeneid là tác phẩm thể hiện các chủ đề lớn của văn học sử thi: người anh hùng và cuộc lưu vong, sự tương giao của con người với các vị thần, tình yêu, cái chết, sự hy sinh, chiến tranh, công bình và chính ...

Batoni_Pompeo_—_Aeneas_fleeing_from_Troy_—_1750

Aeneas chạy trốn khỏi thành Troy—tranh của Batoni Pompeo /1750

Vĩ Như (*)

Aeneid là tác phẩm thể hiện các chủ đề lớn của văn học sử thi: người anh hùng và cuộc lưu vong, sự tương giao của con người với các vị thần, tình yêu, cái chết, sự hy sinh, chiến tranh, công bình và chính nghĩa

La Mã lập quốc khi Hy Lạp cổ đại đang ở đỉnh cao của văn minh, văn hóa. Văn học La Mã cổ đại được biết đến như một sự tiếp nối, kế thừa các tinh hoa của văn học Hy Lạp. Nếu từ giai đoạn khởi đầu, văn học gần như là sự mô phỏng của văn học Hy Lạp, thì sau đó bằng những nỗ lực lớn lao, văn học La Mã đã khẳng định được bản sắc riêng của mình. Thực hiện chức năng phản ánh xã hội, văn học La Mã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu, phác họa khách quan, chân thực đời sống văn hóa tinh thần nhiều đối cực của xã hội lúc bấy giờ. Thực tế đời sống với các mặt đối lập đó, được tái hiện trong nhiều tác phẩm của nhiều tác giả, qua nhiều kiểu loại sáng tác như: văn chính luận, sử ký, thơ trữ tình, thơ khoa học, thơ châm biếm và anh hùng ca.

Nếu Plautus được biết đến với thể loại hài kịch, Lucretius với thơ khoa học, Ovid với thơ trữ tình, thì Virgil được nhắc đến như một hình mẫu đặc trưng của thể loại anh hùng ca. Thiên anh hùng ca La Mã – ánh hồi quang của sử thi Hy Lạp, Aeneid được ngọn  cờ của thi ca La Mã Virgil viết, với hi vọng tiếp nối truyền thống 2 bộ sử thi Hy Lạp.

Là người dẫn đầu cho Dante Alighieri, được coi như một huyền thoại, một hiền triết, một bậc tiên tri, Virgil đã “sáng tạo ra con người thiếu phụ yêu đương”, phác họa một cách tinh tế mà hoành tráng đế quốc La Mã hùng mạnh với vị lãnh tụ vinh quang Augustus.

Qua 12 tập của thiên anh hùng ca Aeneid, Virgil đã phác họa rõ nét về việc lập quốc của đế quốc La Mã hùng cường với bút pháp đượm đầy trí tuệ, sâu sắc, uyên bác nhưng cũng không kém phần lãng mạn, thơ mộng

Nếu so sánh AeneidIliad, Odyssey, nhận thấy rằng mặc dù Aeneid có kế thừa kết cấu, cốt truyện, mô phỏng kiểu mẫu của Homer, nhưng vẫn có thể nhìn thấy ở đó một thế giới gắn liền với tinh thần La Mã, thuộc về hiện thực La Mã. Không chỉ vậy, nhà thơ huyền thoại của La Mã đã đóng góp một giá trị hoàn toàn mới: Nhân vật Dido – hình tượng người phụ nữ 2 lần bị phản bội bởi khát vọng công danh của “những kẻ anh hùng”, một tinh thần nhân văn sâu sắc trong tiếng thơ La Mã còn ngân vang mãi đến muôn đời.

  1. Sơ lược về Virgil và Aeneid
    • Sơ lược về Virgil
      • Cuộc đời

Publius Vergilius Maro (Virgil) sinh ngày 15-10-70 TCN tại Andes, nay là Pietola, gần Mantua, Bắc Ý.  Ông không phải là công dân La Mã chính gốc.

Là con của một điền chủ trung lưu với nguồn thu nhập từ ruộng đất và việc nuôi ong, ông đã cố gắng học tập đến nơi đến chốn các môn ngữ pháp, tu từ học và nhất là triết học. Sau đó, ông được gửi đi Milan để học thêm, rồi từ đó đi Naples – nơi Virgil bắt đầu làm thơ. Cuối cùng, năm 53 trước CN, ông đến La Mã, tại đây, thầy dạy có ảnh hưởng nhiều nhất đến ông là Siro, một người theo thuyết Epicurus.

Ngoài văn chương, Virgil còn nghiên cứu sâu về triết học, toán học và y khoa. Trong vài năm sau đó, người ta không biết gì thêm về Virgil. Có lẽ ông trở về quê nhà và dành thì giờ vào việc quản lý đất đai và nghiên cứu.

Năm 43 trước CN, ông gặp khó khăn lớn vì ruộng đất của cha ông bị các cựu tướng lĩnh chế độ tam hùng La Mã tịch thu.

Năm 19 trước CN, tại Hy Lạp, ông có cuộc gặp mặt với vua Augustus và có một  quyết định quan trọng là không trở về quê hương. Nhưng trong những năm cuối đời, lúc bị ốm nặng, Virgil đã thay đổi và làm một cuộc trở về. Tiếc rằng, ông đã không thực hiện được ước muốn. Khi về bến cảng Brundisium, nước Ý, ông đã từ giã cõi đời ngày 21-9-19 trước CN, hưởng thọ 51 tuổi.Bottom of Form

  • Sự nghiệp và thành tựu nổi bật

Virgil có ba tác phẩm chính:

  • Mục ca (còn gọi là Eclogues hay Bucolics)được viết trong những năm 42 – 39 tr. CN; Tập thơ này rất thành công, gồm 2 phần – phần những bài thơ đồng quê thuần túy, nói về cuộc sống và tình yêu của các mục đồng, và phần những bài thơ trong đó Virgil và các nhà thơ cùng thời xuất hiện trong lốt người dân nông thôn.
  • Nông ca (Georgics) viết trong những năm 36 – 30 tr. CN, là loại thơ giáo huấn về đề tài nông nghiệp được viết để ca ngợi lạc thú của cuộc sống nông thôn. Tác phẩm này được coi là tập thơ hoàn hảo nhất của Virgil đã thực hiện.
  • Anh hùng ca Aeneidlà tác phẩm cuối đời của Virgil. Vì cơn bạo bệnh và ám ảnh về sự toàn mỹ, ông đã có ý định tiêu hủy tác phẩm. Nhưng bị vua thời bấy giờ là Augustus ra lệnh ngăn cản nên Aeneid vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Chính nhờ Aeneid mà Virgil được lên hàng những nhà thơ bậc nhất của mọi thời đại.

Ngoài 3 thiên sử thi nói trên, Virgil còn được coi là tác giả của một số trường ca tập hợp dưới tên gọi Appendix Vergiliana (tạm dịch: Phần phụ lục của Virgil) gồm : Ciris, Moretum và Сора.

Sự nghiệp sáng tác của Virgil đối với văn học La Mã rất lớn lao. Nhà thơ lỗi lạc Ý Dante đã tôn Virgil làm thầy và xây dựng ông thành nhân vật chính trong tác phẩm Thần khúc của mình.

Virgil được mến mộ và đạt đến vinh quang khi còn sống. Các thời đại sau đều xem ông như một nhân vật huyền thoại, một nhà hiền triết, một bậc tiên tri lỗi lạc và có tầm ảnh hưởng. Từ thời cổ đại, tác phẩm của ông đã được giảng dạy ở nhà trường và đã được dịch sang tiếng Hy Lạp cổ.    

1.2. Sơ lược về Aeneid

aeneaswanderings-1

The journey of Aeneas

Tác phẩm kể về trên câu chuyện sau cuộc chiến thành Troy. Sau khi thành Troy bị chiếm, những người dân Troy còn lại trên đường lưu lạc tìm ra vùng đất mới cùng với người anh hùng Aeneas. Tác phẩm gồm 12 quyển, được chia làm hai phần:

Phần 1: Tình yêu của Aeneas và Dido

Aeneid của Virgil là câu chuyện kể về người anh hùng Aeneas và cuộc hành trình tìm ra vùng đất mới cho dân tộc Troy sau khi thành Troy bị sụp đổ do trúng phải mưu kế của Odyssey. Trong cuộc hành trình đó, những người dân còn lại của Troy cùng với Aeneas đã trải qua muôn vàn khó khăn. Khi mới bắt đầu lên đường họ đã gặp phải cơn bão biển do vua Eole – người canh giữ gió gây ra theo lệnh nữ thần Junon. Nhờ có thần Nepture giúp đỡ, Aeneas vượt qua được bão tố. Gặp mẹ mình là thần Venus, Aeneas biết được định mệnh cuộc đời và dân tộc mình. Trôi dạt đến xứ Carthage, Aeneas được nữ hoàng Dido tiếp đón nồng hậu. Nàng cảm mến Aeneas ngay từ cái nhìn đầu tiên. Aeneas kể cho nàng nghe về câu chuyện đau thương của thành Troy và hành trình của đoàn người lưu lạc. Nữ hoàng Dido dùng mọi mưu kế mong giữ chân Aeneas nhưng cuối cùng, Aeneas vẫn quyết tâm ra đi vì “tương lai dân tộc, danh dự giống nòi”. Đau khổ, uất ức, oán hận, Dido tìm cách trả thù Aeneas nhưng không thành, nàng tự vẫn.

Phần 2: Cuộc chiến trên đất La Mã

Sau những ngày lênh đênh trên biển, Aeneas và đoàn người đến Aceste, được những người dân cũ của thành Troy nhiệt tình giúp đỡ. Sau đó, họ lại tiếp tục lên đường, cuối cùng đến được Italy. Vua Latinus thành Laurente muốn gả con gái mình là Lavinie cho Aeneas và giúp chàng xây dựng một đất nước hùng mạnh. Nhưng Junon đã lập mưu kế gây ra hiểu lầm giữa các dân tộc, dẫn đến cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc Italy với dân thành Troy. Được sự giúp đỡ của vua Evandre xứ Arcadie, Vénus cùng tinh thần chiến đấu ngoan cường, Aeneas và dân thành Troy đã chiến thắng. Trong trận giao tranh cuối cùng, Aeneas đã giết chết Turnus – kẻ đứng đầu bộ lạc Rutulle, để trả thù cho bạn mình là Pallas. Nữ thần Junon đành chấp nhận định mệnh. Aeneas hoàn thành được sứ mệnh của mình.

2 . Hình tượng người anh hùng La Mã trong Aeneid

2.1. Vấn đề anh hùng từ sử thi Hy Lạp đến sử thi La Mã

Từ trường ca Hy Lạp đến La Mã, hình tượng anh hùng luôn ở vị trí trung tâm. Những tác phẩm trường ca của hai nền văn học, để trình bày tường tận quan điểm, phát triển và lý giải cốt truyện, đều thông qua những hình tượng anh hùng. Hình tượng trung tâm ấy chính là cách thức, con đường chính thống, kinh điển nhất để văn học Hy – La trình bày mọi cái hay, cái đẹp của mình trong cảm nhận, trong tư tưởng về thế giới và con người. Professor Robert Parker đã viết: “Tôn thờ anh hùng là một trong những nét đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Hy Lạp cổ đại”. Và trường ca/ anh hùng ca (epic poem) chính là phần thể hiện trọn vẹn nhất nét đẹp văn hóa, tư tưởng ấy. Còn Kevin McGrath có nói: “Ý nghĩa thực sự của từ “anh hùng” trong tiến trình của Hy Lạp cổ đại là là một dạng “thần ngôn” – lời nói, từ ngữ mang theo sức nặng của tư tưởng – là religious figure, nói theo lập luận logic, là khái niệm bắt nguồn từ triết học Socrates”[1].

Với tư cách là tác phẩm kinh điển, nền tảng của văn học La Mã, vấn đề anh hùng, đối với Aeneid, không chỉ là hình tượng trung tâm, mà còn thể hiện trọn vẹn những đúc kết tư tưởng, triết lý, quan niệm từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội ra đời tác phẩm. Người anh hùng của Aeneid thừa kế rất nhiều những nét đẹp đã có từ thời người anh hùng của Homer. Nhưng đó cũng là người anh hùng hoàn toàn đặc trưng cho văn hóa, tư tưởng La Mã. Roger Dunkle đã khẳng định vấn đề này: “Mặc dùAeneid có rất nhiều đặc trưng tương đồng với sử thi của Homer, nhưng nó cũng là một sử thi rất khác biệt trên nhiều điểm quan trọng”[2].

2.1.1. Sự kế thừa những quan niệm anh hùng cổ điển từ thời Hy Lạp

Người anh hùng trong anh hùng ca Aeneid ra đời từ những biến động lịch sử cực kỳ quan trọng của La Mã, nhưng cơ bản vẫn là sự thoát thai từ người anh hùng của văn hóa, văn học Hy Lạp. Những quan niệm anh hùng trong trường ca Aeneid đều kế thừa những nét tinh hoa làm nên bản chất của quan niệm anh hùng có từ thời Homer.

Nét kế thừa quan trọng hơn hết, thậm chí là nét đặc trưng nền tảng làm nên người anh hùng của cả kho tàng văn học Hy – La, đó chính là sự tập trung những nét đẹp hoàn mỹ, lý tưởng nhất trong hình dung của con người thời ấy. Người anh hùng chính là cá nhân mang theo những nét đẹp hình thể, phẩm cách tài hoa, tốt đẹp hơn hết thảy mà người đương thời có thể đạt tới. Người anh hùng chính là tượng trưng, đại diện cho những gì tốt đẹp, làm nên bản chất của cộng đồng, mang những vẻ đẹp, phẩm chất mà con người của xã hội, cộng đồng ấy tự hào. Robert Packer đã nói rất rõ về vấn đề này: “Một người anh hùng đứng cao hơn con người nhưng thấp hơn thần thánh, và rất nhiều đặc điểm phi thường khác nhau của con người trở thành những thành phần tạo nên bản chất của người anh hùng, sự phân biệt giữa anh hùng và thần thánh đôi khi không chắc chắn, trừ trường hợp của Heracles, anh hùng tiêu biểu, nổi bật nhất”[3]. Quan niệm nền tảng này về người anh hùng trong Aeneid, trong cả Iliad và Odyssey, thậm chí cả văn học Hy – La, cũng làm nên sự phân biệt với hình tượng “anh hùng” trong văn học, văn hóa cổ điển phương Đông. Cả phương Tây và phương Đông, Hy Lạp, La Mã và Trung Hoa đều có khái niệm “anh hùng”, nhưng người anh hùng của phương Đông chưa bao giờ đứng cao hơn vua, còn người anh hùng của phương Tây thì chạm đến gần cả thần thánh, đôi khi thách thức cả thần. Aeneid, với những tạo tác về người anh hùng, đã kế thừa rất đầy đủ và tiếp tục phát triển một khái niệm rất đặc trưng của văn học, văn hóa phương Tây từ thời Hy – La đến hiện đại.

Đến Aeneas trong Aeneid, hình tượng người anh hùng là sự tiếp nối xứng đáng những phẩm chất của Achiles, Hector (người anh hùng can đảm của chiến trận), Odysseus (người anh hùng mưu trí của thời bình), cũng là người đại diện, biểu trưng cho những vẻ đẹp lý tưởng của con người đương thời. Người anh hùng ấy gìn giữ rất nhiều nét đẹp hoàn thiện có từ thời Hy Lạp, và tiếp tục mang nó theo, để nó trưởng thành trên con đường đi vào văn hóa La Mã. Đó là con người lý tưởng của tập thể, cộng đồng, người mang lại chiến công và chiến thắng.

Nét kế thừa tiếp theo chính là tư tưởng, quan niệm về vai trò, khả năng của người anh hùng đối với xã hội, cộng đồng, nghĩa là khả năng dẫn dắt cộng đồng, tạo nên lịch sử. Hành động của người anh hùng đại diện cho ý chí, suy nghĩ của số đông, được số đông chấp nhận nên người anh hùng cũng trở thành người tạo dựng, làm nên một phần định mệnh của số đông. Anh hùng, ở biên giới rộng nhất của khái niệm, chính là cái đẹp của khả năng con người trong quyết định chính mình, dẫn dắt chính mình, tạo dựng phồn vinh, hạnh phúc và ý nghĩa sống của chính mình. Gregory Nagy đã nói rõ hơn về vấn đề này: “Đầu tiên và hơn hết, người anh hùng của Hy Lạp cổ đại là một hình tượng tôn giáo, một cá nhân nhận được sự tôn kính, vinh danh của cộng đồng và ngược lại, có trách nhiệm đem đến sự phồn vinh, đặc biệt trong hình thái của hoa trái, lương thực giàu sức sống và gia súc, tới cộng đồng”[4]. Nghĩa là khả năng, hành động của người anh hùng còn gắn liền với một tư duy cũng rất quan trọng của văn hóa Hy – La, văn hóa phương Tây, là tư duy về “trách nhiệm”. Người anh hùng không chỉ là một biểu tượng để tôn thờ, kính trọng như những tượng thần, mà trên hết phải là người rất có trách nhiệm với cộng đồng. Achiles, Hector, Odysseus và dĩ nhiên, Aeneid chính là những cá nhân kiệt xuất đã luôn cống hiến hết mọi khả năng của mình cho những thời khắc mà xã hội, lịch sử của dân tộc mình cần đến.

Một nét kế thừa quan trọng khác chính là bản chất bên trong của người anh hùng. Đó là người anh hùng của Hy Lạp hay La Mã đều là những cá nhân rất đặc trưng cho tâm lý, tâm hồn, cảm xúc của con người. Họ đứng giữa người và thần thánh, nhưng những thể hiện trong Aeneid, Iliad hayOdyssey cho thấy họ gần với con người hơn. Nói rõ hơn, họ là những cá nhân luôn chịu ràng buộc rất mật thiết bởi những quan hệ tình cảm, gắn bó giữa con người với con người. Sự lãng mạn đã tồn tại một phần ở vẻ đẹp của họ và theo vào tận bản chất của họ, thúc đẩy một phần hành động của họ. Như sự gắn bó của Hector, Odysseus với người vợ, tình đồng đội đã đưa Achiles vào cuộc chiến với Hector, tình cảm đắm say giữa Aeneas với người tình. Đó chính là đặc trưng hoàn thiện bản chất, vẻ đẹp lý tưởng của người anh hùng, từ Iliad đến Aeneid.

Nét kế thừa quan trọng cuối cùng là đặc trưng hoàn chỉnh sự gắn bó giữa người anh hùng với cộng đồng trong văn hóa. Đặc trưng này đã được nhà triết học Herbert Spencer trình bày rất rõ trong luận điểm: “Trước khi người anh hùng làm nên xã hội, xã hội làm nên người anh hùng” trong tác phẩm The Study Of Sociology. Đối với văn học, văn hóa Hy – La, người anh hùng xuất hiện bởi cộng đồng, và người anh hùng trở thành huyền thoại cùng với một lịch sử.

2.1.2. Những quan niệm mới về người anh hùng trong thời La Mã

Ngay từ nội dung, anh hùng ca Aeneid đã cho thấy đồng thời cả bóng dáng của Iliad và Odyssey, với hành trình của người anh hùng đi tìm một miền đất hứa và một cuộc chiến khốc liệt để khẳng định chủ quyền. Kiệt tác Aeneid đã chứng tỏ sự kế thừa rất nhiều từ cả Iliad và Odyssey, và do đó phải phát triển nhiều hơn quan niệm anh hùng từ thời Homer. John D.Cox đã khẳng định rất rõ: “Ông – Virgil – đã đối mặt với một thử thách rất gay go. Tất cả những người từng tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp đều nhận ra nó đã được định hình nhiều thế nào bởi Homer. Để viết một tác phẩm tương xứng với Iliad và Odyssey đòi hỏi một chiều sâu suy nghĩ, tài năng ngôn ngữ và khả năng kể chuyện để sáng tạo một anh hùng ca có thể làm cho La Mã những gì Homer đã làm cho Hy Lạp”[5]. Và Virgil đã làm được, chiều sâu suy nghĩ của ông đã sáng tạo những quan niệm, hình dung mới về người anh hùng của văn học La Mã.

Nét sáng tạo đầu tiên và quan trọng nhất là sự mở rộng quan niệm về vai trò của người anh hùng, thậm chí đó là sự mở rộng gắn liền với thay đổi về nhận thức, tư tưởng. Người anh hùng trong Iliadhay Odyssey đều là những cá nhân kiệt xuất rất quan trọng với cộng đồng, tham gia nhiều vào những chiến công, chiến thắng của xã hội, quốc gia. Nhưng người anh hùng của Aeneid không chỉ là cá nhân tham gia vào mà còn là cá nhân quyết định trực tiếp đến số phận của cộng đồng. Mặc dù Achiles, Hector hay Odysseus đều có vai trò, công lao dẫn dắt cộng đồng, nhưng vai trò ấy chưa mở rộng đến triệt để như Aeneas, người quyết định và dẫn dắt cộng đồng ra khỏi một quá khứ cực kỳ bi đát, và phải đưa được đồng bào đến một tương lai tươi sáng. John D.Cox đã trình bày rất tường tận, chi tiết vấn đề này trong luận điểm: “Nhưng quê nhà mà Aeneas hướng tới là quê hương hoàn toàn mới, và nhiệm vụ của anh là sáng lập một điều gì chưa từng tồn tại, hoàn toàn khác với việc trở về một quê nhà anh biết, như Odysseus đã làm. Anh hùng ca Aeneid, vì vậy, là một huyền thoại mang tính sáng lập, câu chuyện về một sự vật vừa được bắt đầu, và mỗi chương gần như mang theo huyền hoặc sức nặng của định mệnh lịch sử của Aeneas”[6]. Hành trình của Aeneas, ngay từ nội dung, đã phản ánh một tầm vóc mới của người anh hùng được nâng tầm từ hành trình người anh hùng của những trường ca Hy Lạp.

Khái niệm “founding myth” mà John D.Cox sử dụng chính là từ khóa quan trọng nhất gọi tên sự phát triển vượt bậc của Aeneid so với quan niệm của thời Homer về người anh hùng, vai trò và hành trình của người anh hùng. Công lao mà Achiles, Hector hay Odyssey thể hiện trong Iliad và Odysseycho thấy những anh hùng ca ấy, dù là kiệt tác, vẫn chưa là “founding myth”, nhưng Aeneid thì thực sự là “founding myth”. Do vậy, Aeneas, dù tầm vóc có thể không bằng Achiles, Hector hay Odysseus, nhưng vẫn là một “founding hero” – người anh hùng với khả năng sáng lập. Quan niệm mới của Virgil về người anh hùng với khả năng sáng lập chính là bước tiến vượt bậc trong quan niệm anh hùng của người La Mã.

Một bước phát triển quan trọng tiếp chính là sự mở rộng tư duy, tư tưởng về bản chất của người anh hùng. Về mặt khái niệm, đó là sự phát triển tư tưởng về tiến trình của người anh hùng. Dù khởi đầu hay kết thúc, người anh hùng Hy Lạp vẫn là người chiến thắng, được hào quang vây bọc. Nhưng sự khởi đầu của Aeneas thì khác biệt về bản chất: anh dẫn đầu một nhóm đồng bào của mình chạy trốn khỏi quê nhà đang thất thủ là Troy, anh phải ra đi, tìm đường từ thất bại đau đớn, thậm chí là sự diệt vong của thành lũy quê hương. Roger Dunkle đã trình bày về bản chất của vấn đề này: “Một khác biệt quan trọng khác giữa Aeneid và sử thi của Homer là người sáng tạo – tác giả Virgil – có một nền tảng triết học căn bản, trong khi người kia – Homer – sáng tác trong một thời đại hoàn toàn thanh thản về triết học. Trường ca Aeneid đưa ra chứng cứ về sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Khắc kỷ, một triết học xuất phát từ thời Hy Lạp đã trở thành nền triết học phổ biến nhất trong giáo dục ở La Mã”[7].

Khái niệm “Stoicism” – Chủ nghĩa Khắc kỷ chính là từ khóa quan trọng nhất để làm rõ những tư tưởng về anh hùng của Aeneid. Bởi “Stoicism” có thể bắt nguồn từ từ thời Hy Lạp, nhưng không hề có bóng dáng trong Iliad và Odyssey. Sự cam chịu của Aeneas trước sự sụp đổ, suy vong của quê hương chỉ là một phần nhỏ trong “Stoicism” biểu hiện bởi Aeneid, bởi tiếp sau đó là một loạt những bi kịch, mất mát khác mà Aeneas phải chịu đựng, tiêu biểu còn có mối tình đau khổ giữa người anh hùng và nữ hoàng Dido, kết thúc bằng cái chết của nữ hoàng. Người anh hùng trong Aeneid, trước khi vươn lên thay đổi hoàn cảnh, phải là người anh hùng cam chịu những thử thách cay đắng, phải vượt qua máu và nước mắt của đồng bào, người thân, người tình luôn quanh quẩn trong cuộc hành trình. Người anh hùng của văn học La Mã, vì vậy hiện thực và tâm lý hơn rất nhiều so với người anh hùng của văn học Hy Lạp.

Bước phát triển quan trọng cuối cùng là những sáng tạo, nâng cao trong tư duy về khả năng, tư thế của người anh hùng. Một biểu hiện quan trọng là mối quan hệ giữa anh hùng và thần linh. Trong những anh hùng ca Hy Lạp, anh hùng thường được dẫn dắt bởi thần linh. Nhưng trong anh hùng caAeneid, thần linh dù vẫn quan trọng, nhưng mối quan hệ giữa thần linh với con người nhường chỗ hơn cho quan hệ giữa con người với con người, biểu hiện qua những thông điệp cho Aeneas nói lên định mệnh của anh đến từ linh hồn của người cha đã khuất. Nhưng biểu hiện quan trọng nhất là những tư thế của người anh hùng trong tương tác với cộng đồng, với người xung quanh và với định mệnh của chính mình. Robert Dunkle đã trình bày về vấn đề này: “Hai trong số những từ quan trọng nhất của Aeneid là furor, nghĩa là “sự điên rồ”, “đam mê nồng nhiệt” và nó liên hệ với động từ furegenghĩa là “cuồng loạn”. Những từ này có ý nghĩa quan trọng đối với những nhân vật trong Aeneidqua cách họ dùng chúng và hành xử của họ được đánh giá thông qua chuẩn mực đạo đức về Stoicism”[8]. Không chỉ là vị thế người lãnh đạo, cách người anh hùng giải quyết sự việc, hướng đến định mệnh của đồng bào, đối mặt với những mất mát luôn dữ dội, gay gắt, nghiệt ngã hơn so với thế giới của anh hùng ca Hy Lạp. Đó đích thực là người anh hùng của những cuộc chiến, những thử thách, lựa chọn quyết định sự phát triển hay suy vong của quốc gia. Aeneas trong Aeneid, vẫn là người anh hùng của vẻ đẹp có phần lý tưởng, hoàn thiện nhưng đã là người anh hùng gần với thực tại, với con người, với một lịch sử đầy biến động, thử thách.

Từ những người anh hùng của thần thoại đến những người anh hùng của hiện thực. Virgil thực sự đã sáng tạo nên người anh hùng của Đế chế La Mã, thoát thai từ người anh hùng của thành bang Hy Lạp. Sự sáng tạo ấy phản ánh một đặc trưng cực kỳ quan trọng trong tư duy của người La Mã mà người Hy Lạp không có, đó là tư duy của những công dân thuộc về một đế chế chứ không phải một quốc gia thành bang. Và tên tuổi của Aeneid cũng trở thành bất tử cùng với một thời kỳ đầy biến động nhưng oai hùng của lịch sử phương Tây.

2.2. Vẻ đẹp của người anh hùng La Mã trong Aeneid

2.2.1. Vẻ đẹp ngoại hình của người anh hùng La Mã trong Aeneid

Vẻ đẹp hình thể của Aeneas được khắc họa hoàn toàn phù hợp theo truyền thống của văn học Hy – La, là vẻ đẹp lý tưởng của con người về bề ngoài. Vẻ đẹp hoàn mỹ ấy được hình dung trong sự hòa hợp giữa con người và thần thánh, giữa cái đẹp thực tế và sự huyền hoặc, huyền ảo.

Người anh hùng Aeneas vốn là con của của vị nữ thần tình yêu Venus xinh đẹp tuyệt trần và Anchise – một người trần dũng mãnh. Vì thế chàng mang dòng máu của thần và người, một vị á thần mang “một vẻ đẹp uy nghi lạ lùng”, vẻ đẹp ấy khó mà tìm  thấy ở người trần, nó làm cho bao chàng trai phải ước ao, bao cô gái phải say đắm. Chàng đẹp đến nỗi làm cho nữ vương Dido “sững sờ như bị sét đánh” vì nàng nhận thấy những người đàn ông xung quanh nàng dù có dũng mãnh, tài ba đến mấy cũng không thể so sánh được với chàng-một người đàn ông đẹp đẽ lạ thường, oai phong lẫm liệt.

Tuy nhiên, tác giả miêu tả vẻ đẹp của chàng hoàn toàn không phô trương, nó rất chân thực, sinh động và sắc sảo. Nó khác với việc miêu tả của phương đông, lối miêu tả phóng đại, tăng gấp. Vẻ đẹp của người anh hùng Aeneas trước hết được nhìn nhận dưới con mắt của vị nữ hoàng xinh đẹp, góa chồng, trái tim nàng vốn chai sạn, tâm hồn nàng vốn khô cằn từ khi phu quân chết đi nhưng nó đã được hồi sinh, được tưới mát, được sống dậy từ khi Aeneas xuất hiện. “Nàng lặng ngắm gương mặt có đôi mắt sâu thẳm u buồn, mái tóc màu nắng phủ từng lọn dài trên đôi bờ vai rắn chắc và đường bệ. Dáng dấp hiên ngang, bộ giáp đỏ chói với móc gài bằng vàng khiến nàng chóa mắt”. Trong cuộc chiến với quân Turnus, Aeneas lại được mẹ chàng – vị nữ thần muôn vàn xinh đẹp trang bị cho “cái khiêng khổng lồ ghép bằng bảy thẻ vàng, cái mũ sắt lấp lánh như tóe lửa, bộ giáp sáng chói”.

Vẻ đẹp của chàng là một sự thật hiển nhiên, nó phù hợp với mọi thứ: phong thổ, hoàn cảnh, di truyền, sự tập luyện… Sự cao to của chủng tộc Ơropeoit là điều không cần phải bàn cãi, cũng không cần phải chứng minh vì nó đã hiện ra trước mắt. Aeneas, người anh hùng đã trải qua sự đau buồn vì mất nước, mất người thân; trải qua biết bao nguy nan khi phải cùng đồng đội chống chọi với những cơn thịnh nộ của thánh thần, những trận cuồng phong của bầy quỷ dữ; vượt những đại dương muôn trùng sóng vỗ mới đến được bến bờ tạm bợ. Aeneas là một vị tướng chỉ huy tối cao, lãnh đạo đoàn thuyền vong quốc đi tìm bến bờ trường lạc. Sự sống hay cái chết của tất cả mọi người đều nằm trong quyết định của chàng, hơn nữa người anh hùng ấy lại phải chịu sự chi phối của số mệnh. Do đó, hoàn cảnh đã làm cho nét u buồn hiện lên trên đôi mắt, sự suy tư và gian khổ đã làm cho con người chàng nhuốm vẻ phong trần, những tháng ngày lênh đênh vật lộn với bão táp mưa sa đã làm cho bờ vai chàng rắn chắc và đường bệ, kinh nghiệm và sự gian khổ khắc vào từng đường gân thớ thịt của chàng. Bộ giáp đỏ chói là một gam màu sáng, nó được ánh mặt trời chiếu vào, nó lấp lánh, nó bao lấy tấm thân lực lưỡng của vị anh hùng, nó càng làm cho phong thái chàng thêm uy nghi, càng làm cho con người chàng thêm vĩ đại. Nó làm cho nữ vương Dido-một cô gái say mê, người anh hùng ấy có thể vực dậy sinh khi trong nàng, có thể làm điểm tựa cho phần đời còn lại của nàng, nàng tìm thấy ở chàng một cảm giác êm ái nhẹ nhàng, dịu dàng quyến rũ, hấp dẫn say mê và an toàn tuyệt đối.

Giọng nói của chàng dõng dạc, rõ ràng, hào sảng, một tiếng thét “tiến lên” của chàng làm “vang dội khắp đồi núi chung quanh”,  “dáng dấp cao lớn của chàng sừng sững uy nghi như một thiên thần”. Người anh hùng mang tố chất anh hùng, đó là một vẻ đẹp kì vỹ, từng trải, mạnh mẽ, am tường cuộc đời chứ không ủy mị, yếu đuối. Chữ “dũng” đã bao trùm lấy nhân vật người anh hùng từ cái nhìn đầu tiên, một con người như vậy thì tuyệt đối không thể tầm thường, tuyệt đối không thể xem nhẹ, nó là cơ sở làm nên những chiến công lừng lẫy của chàng, là tiền đề của sự nghiệp bền vững hàng thế kỉ.

Vẻ đẹp của chàng còn thể hiện ở vai trò của một người chỉ huy đảm nhận sứ mệnh cao cả. Từng ánh mắt, nụ cười của chàng đều toát lên vẻ đẹp thân thiện, gần gũi với mọi người. Từng hành động của chàng đều thể hiện khí chất của người lãnh đạo tinh anh sáng suốt. Con người ấy có sức mạnh kinh người, vung đao đâm chém đều thể hiện sự dũng mãnh, trác tuyệt. Trong cuộc chiến tranh xây dựng tổ quốc, chàng là người nổi bật và quan trọng nhất không chỉ ở sứ mệnh, vai trò lãnh đạo mà còn ở sức lực của mình. Tác giả miêu tả “kiếm trên tay, chàng lướt đến đâu là đầu rơi máu đổ, tay mải mê đâm chém, môi mấp máy những lời uất nghẹn”, hay “chàng tiến như vũ bão mặc sau lưng đầu rơi máu chảy”. Những chi tiết rất thực vừa miêu tả cảnh tan tóc, khốc liệt của chiến tranh vừa thể hiện sức mạnh khiến người ta kinh tâm động phách của người anh hùng Aeneas. Thế vẫn chưa hết “Aeneas phóng cây thương của mình mạnh đến nỗi nó đâm thủng ba lớp da bò mộng và ba mảnh đồng trên chiếc khiêng tên bạo chúa”. Sức mạnh như thế thì trên đời mấy ai làm nổi, nó làm cho quân địch khiếp sợ vô cùng. Một cuộc chiến đang đến lúc cam go thì những giây phút xuất thần như vậy sẽ gây nên tâm lý hoang mang cho địch và làm lợi cho ta, nhất là đối với một vị chỉ huy thì điều đó lại càng quan trọng và ý nghĩa, nó khẳng định tài năng của người lãnh đạo, tạo lòng tin nơi ba quân, làm cho họ dám sống dám chết vì chủ tướng. Cuộc chiến của chàng có sự can thiệp của thần thánh nhưng vai trò con người là không thể thay thế và chàng là nhân tố vô cùng quan trọng, cuộc chiến ấy thắng lợi là ở mưu trí và sức mạnh của con người. Vẻ đẹp hoàn mỹ này đã gần hơn với vẻ đẹp hoàn mỹ của con người trần thế, thể hiện một sự chuyển biến trong quan niệm về mỹ học từ thời Hy Lạp đến La Mã.

Tóm lại, vẻ đẹp bên ngoài của người anh hùng Aeneas là một vẻ đẹp tuyệt vời tiêu biểu cho thời đại, phù hợp với những gì mang tính chất tự nhiên. Chàng là á thần nhưng chàng mang vẻ đẹp của trần thế, sự đặc biệt của mình làm cho vẻ đẹp chàng hơn hẳn mọi người. Nó không kiêu sa lộng lẫy như thần tiên nhưng thực tế và sinh động. Nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố  như ngoại hình, giọng nói, trang phục, sức mạnh, nó làm tiền đề cho những thắng lợi vẻ vang, nó khẳng định vai trò quyết định của con người trong cuộc chiến…Sức mạnh của chàng chưa thể so sánh với người anh hùng Hercules nhưng những chiến công của chàng có ý nghĩa rất to lớn đến tương lai của một dân tộc anh hùng.

2.2.2. Phẩm chất người anh hùng La Mã trong Aeneid

Aeneas, người anh hùng thành Troy, đẹp một vẻ uy nghi lạ lùng, khác hẳn những chiến binh khác. Nơi người anh hùng ấy đã toát lên những vẻ đẹp của một tâm hồn cao thượng, giàu lòng thương người, bao dung nhưng không kém phần thông minh và tài giỏi. Nơi người anh hùng ấy ta ta bắt gặp đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của mẫu người anh hùng vượt qua mọi thời đại.

Người anh hùng đa cảm và bao dung

Mỗi lần được hỏi về thành Troy thân yêu chịu nhiều đau thương thì Aeneas đã mỉm cười với nụ cười rất điềm đạm, nhưng mặt chàng đã đầm đìa nước mắt khi hồi tưởng lại những giờ khắc bi thương và đau đớn. Ngày nào còn sống, chàng vẫn còn nghe “tiếng kêu thảm thiết của người đàn bà bị đoạt mất con, tiếng rên la ai oán của những chiến sĩ thành Troy bị cắt cổ họng trong cơn mê ngủ, tiếng những bức tường rực lửa, đổ sập bên những vũng máu”. Đã bao lần, thanh đoản kiếm của Aeneas lút sâu vào ngực kẻ thù! Khi được hỏi chàng chẳng còn nhớ nữa. Có những phút giây chàng đã tựa hồ điên loạn. Chàng chém, chàng giết, mải mê, với hi vọng hồn mình lìa khỏi xác bay lên, trước khi nhìn thấy quê hương bị hủy diệt.

Khi người vợ thân yêu của chàng ngã xuống chàng đau đớn đến tột đỉnh, chàng đã rất muốn xiết chặt vào đôi bàn tay ẩn chứa bóng hình của Creusa để mà khóc nức nở. Nhưng như sương như khói người vợ yêu quí đó đã chập chờn biến mất để lại cho Aeneas sự đau đớn và niềm tiếc thương không nguôi. Một người anh hùng từng tung hoành trong trận chiến, chẳng hề run sợ trước lần tên mũi đạn, cũng phải giật mình thảng thốt trước mỗi tiếng động khẽ khi nghĩ đến bao nhiêu sinh mạng quí báu mà chàng có trách nhiệm đùm bọc, che chở.

Đó là người anh hùng biết yêu thương người khác và sẵn sàng hi sinh vì những người dân thành Troy thân yêu. Khi Andromaque hỏi về Hector và nàng đã khóc thì Aeneas cũng nất nghẹn, và không cầm được nước mắt. Hay khi chị của Dido đến năn nỉ Aeneas ở lại và sánh đôi với em gái là Dido:

“Cử chỉ cô gái khiến Aeneas xúc động.Vị anh hùng rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào hồi lâu không thốt nên lời”.

Nhiều nỗi đau xảy ra cho người anh hùng trẻ tuổi nhưng chàng đã quyết tâm và cố luyện cho lòng mình trước bao nỗi đau khổ vờn quanh. Nhưng có những niềm hạnh phúc, vui sướng chàng không thể che giấu được:

“Aeneas không nén được tiếng reo mừng khi nhìn thấy hình bóng thân yêu của cha già. Chàng chạy đến bên Anchise, vừa khóc nức nở, vừa đưa hai tay ra toan ôm siết vào ngực, nơi con tim đang đập lên rộn rã, cái hình dáng đục mờ phủ bên ngoài vong hồn người cha. Nhưng trước cái hôn của chàng như gửi vào hư vô, trước một hiện hữu hư vô, trước một hiện hữu hư vô lung linh linh thánh”. Đó chỉ là ảo mộng được gặp lại người cha dấu yêu nhưng cũng đã khiến Aeneas sống thực với cảm xúc nhất, nơi người anh hùng can đảm ra bắt gặp một trái tim giàu tình yêu và cung bậc cảm xúc.

Dẫu cho có giết kẻ thù hại mình thì trong trái tim chàng cũng ngập tràn lòng thổn thức, giàu lòng khoan dung và vị tha đến đỉnh điểm của tình yêu dành cho người khác. Như khi chàng giết Mezence thì những phẩm chất tốt đẹp ấy cũng không hề mất đi hoặc thuyên giảm chút nào.

“Bây giờ, chàng mới rú lên đau đớn nước mắt tuôn lã chã. Mặc những mũi tên vẫn bay vun vút về phía mình, chàng cúi xuống, nắm lấy bàn tay bất động đang lạnh dần. Tội nghiệp cậu bé, ta biết dâng cúng gì cho xứng với hào khí của em đây? Kẻ xấu hổ, em đáng tuổi con ta, thế mà ta đã đâm em, đã giết em!”

Chàng đã đau đớn, xấu hổ, ăn năn, hối hận khi đã giết một cậu bé đáng tuổi con mình mặc dù đó là kẻ thù và cũng chính cậu bé đó quyết tâm giết chàng cho bằng được. Chàng đã hét lên với đồng đội Lausus, kinh hoàng vì cái chết bi thảm, không dám đến gần để mang xác đi. Chàng đã quắc mắt tìm kiếm kẻ đã gây ra cái chết vô tội, chàng đã không dám đối diện với sự thật mình chính là kẻ đã giết cậu bé.

Chàng đã bảo với đồng đội đừng quên cử hành nghi lễ mai táng các tử sĩ, và chàng cũng như đồng đội không cho phép bản thân để những vong hồn kia phải lang thang trọn kiếp bên dòng Acheron. Ngoài ra chính việc Aeneas cho dân Arcadie được phép mang thi thể hoàng tử về Pallantée. Không những thế chàng còn khóc nức nở rồi còn nghĩ đến nỗi đớn của người cha khi mất đi người con trai giấu yêu sẽ như thế nào, nghĩ đến đó chàng đã vô cùng đau đớn và hối lỗi vì việc làm của mình. Tận sâu trong cõi lòng người anh hùng đó vẫn khát khao mang đến hòa bình cho mọi người, cho cả người sống lẫn kẻ chết.

Người anh hùng kiên cường, can đảm, hết lòng vì vận mệnh dân tộc

Aeneas đã gặp nhiều hiểm nguy ven biển Trinacrie, hay bờ biển hiểm trở dọc Acsonie, hồ hỏa ngục với những tảng đá khổng lồ và ngọn núi phun lửa, hòn đảo của nữ yêu Circé con gái thần mặt trời. Nhưng rồi sự mạnh mẽ và can đảm cộng với sự giúp đỡ của các thần đã khiến chàng vượt qua tất cả. Nơi người anh hùng đó ta bắt gặp sự hi sinh cao cả, dám chấp nhận và sống với quyết định chỉ nghĩ đến tương lai dân tộc, danh dự giống nòi, vượt lên trên hạnh phúc riêng tư của bản thân. Trái tim chàng đâu phải gỗ đá, chàng đã cảm động trước tình yêu của nàng Dido nhưng chàng đã quyết định ra đi tìm lại nền độc lập, tự do cho thành Troy bằng cách nghe theo các thần tếp tục chiến đấu. Chàng đã đau đớn, mạnh mẽ để đủ lý trí gạt đi sự van xin thảm thiết của người chị gái đi tìm kiếm hạnh phúc monh manh dành cho em gái Dido và tiếp tục cho đoàn quân tiến lên phía trước.

“Đi ngay! Đi ngay! Dân Troy hò hét vang trời, khi nhìn thấy khi nhìn thấy vẻ đau khổ của Aeneas, họ ngỡ chàng dao động và có thể từ bỏ chuyến viễn du chinh phục. Nhưng vị anh hùng, dù cõi lòng tê tái, vẫn không thay đổi quyết định. Không thể cãi lời thần thánh, chàng thở dài ngoảnh mặt đi để khỏi phải nhìn thấy ánh mắt khẩn cầu của cô gái. Ta không thể nghe nàng, chàng nói với vẻ cố làm ra vẻ cứng cỏi. Ta phải đi”.

Chàng đã yêu mà không dám nói, dám hi sinh hạnh phúc cá nhân vì đoàn quân, vì sứ mệnh lớn lao. Lòng người anh hùng Aeneas đâu phải gỗ đá, lòng chàng tan nát đăm đăm nhìn theo làn khói bốc lên từ giàn hỏa đang ngùn ngụt cháy trên sân thượng lâu đài.

Người anh hùng Troy đã can đảm vượt qua cả những cảnh ghê tởm nhất nơi bóng tối và sự chết ngự trị, nơi chỉ có khóc lóc và cảnh tượng của tra tấn. Đường xuống địa ngục lắm nguy hiểm và nhiều điều sợ hãi như vậy nhưng chàng đã can đảm dám đối diện và vượt qua. Nhiệm vụ của quân đội, những người theo Aeneas là chiến đấu bảo vệ tổ quốc, không được cúi đầu trước khó khăn hoặc thử thách. Người anh hùng thành Troy luôn nhắc anh và đồng đội phải cố gắng và mạnh mẽ hơn nữa. Trước hiểm nguy, quân Troy tỉnh trí lại. Họ đã quen với cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ bên những chiến lao. Chẳng những Aeneas và đồng đội phóng ra những mũi tên làm điên đảo quân thù mà còn sử dụng đao mác đẩy bật chúng ra, ném đá, lăn từng tảng xuống làm vỡ nát những chiếc mai sắt thép. Chàng và đồng đội  đã hiên ngang và quật cường đã lăn xá vào nhưng trận đánh với những mảnh phi thường của tuyệt vọng.

Không những thế, Aeneas còn là người rất có tài lãnh đạo, điều khiển binh lính.

“Trong chớp mắt, theo lệnh Aeneas, quân Troy tập hợp thành từng khối theo hình mũi nhọn, rồi lầm lì, hùng hục, thọc sâu vào hàng ngũ quân Rutales. Aeneas không buồn dừng lại, để kết liễu những kẻ bị chàng đánh bật ra”.

Và sự mạnh mẽ nhất, can đảm nhất đã thể hiện khi Aeneas chiến đấu với Turnus, chàng dũng sĩ Troy dũng cảm bước tới. Dáng cao lớn của chàng sừng sững uy nghi như một thiên thần. Dưới trần, qua đám bụi mù quay cuồng dưới gót chân hai đối thủ, thoát biến, thoắt hiện, hai gương mặt tái xanh vì hờn căm và mỏi mệt. Tiếng thở quyện vào nhau. Tiếng gươm chạm vào khiên nghe rợn người.

Người anh hùng hiếu thảo với cha mẹ, người chồng chung thủy yêu thương vợ

Khi thành Troy gặp đám cháy, đoàn người chạy tán loạn thì Aeneas đã năn nỉ cha của chàng rằng:

“Cha ơi! Tôi nói, hãy để con cõng cha. Như thế, cha con ta sẽ cùng sống hoặc cùng chết với nhau”.

Thật đó là con người hiếu thảo với cha, người đã sinh ra cậu. Ngay trong khi đứng trên bờ vực thẳm của sự sống và cái chết chàng vẫn hết mực yêu thương cha, điều đó chứng tỏ ẩn sâu trong trái tim người anh hùng mạnh mẽ đó là tình yêu chan chứa dành cho cha mẹ.

Không những thế chàng cũng là người anh hùng rất mực yêu thương vợ, chung thủy với người mình yêu. Khi được Anchise hỏi vợ chàng đâu? Chàng đã nói trong nghẹn ngào và đầy xúc động: “Vợ tôi, Creusa yêu quí của tôi đã biến mất”. Chàng đã tìm kiếm nàng nhưng chẳng còn có thể gặp. Chàng đã chạy về nhà và mải miết tìm nàng nhưng không thể gặp, chỉ còn đống gạch và nỗi tuyệt vong của chàng khi lo sợ mất đi một người đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời chàng. Hoặc khi chàng yêu Dido cũng vậy, khi gặp nàng dưới địa ngục chàng đã đau đớn đến nỗi không thể nói nên lời. Nhìn Dido, đôi mắt chàng nhòa lệ khi thấy cái bóng đang lướt tới, dữ tợn, rồi lẩn trốn vào rừng sim, rồi chàng thốt lên: Có phải là Dido không? Rồi chàng đau đớn khi nghĩ mình là người tội lỗi khi đã làm hại đến cả thanh xuân người con gái đã yêu chàng thiết tha, nữ hoàng thông minh và xinh đẹp. Bóng dáng người con gái xanh xao, lang thang, tội nghiệp, và và rồi chàng đã thốt lên chàng sẽ chẳng bao giờ thôi yêu em. Dẫu thời gian có thể làm tình yêu con người thay đổi thì trong trái tim người anh đó vẫn nóng bỏng, yêu thương nàng thiết tha. Tình cảm chung thủy ấy bộc lộ đầy đủ vẻ đẹp lãng mạn vốn đã có từ lâu trong văn hóa Hy – La, và cả sự chung thủy, đắm say nồng nhiệt trong tình yêu rất đặc trưng cho một phần tâm hồn người La Mã.

Ngoài ra Aeneas cũng là người anh hùng giàu lòng yêu thương người khác, biết đồng cảm, khích lệ và nâng đỡ người khác lúc họ yếu đuối hoặc đau khổ. Người anh hùng trung thành với những mối quan hệ ràng buộc không chỉ trong phạm vi cá nhân với gia đình, tình yêu mà còn với đồng đội, đồng bào. Định mệnh anh dấn thân vào, bất chấp mọi đau khổ, bi kịch là định mệnh cho hạnh phúc của những người anh phải dẫn dắt, trứ không phải cho anh.

William Anthony Camps đã tổng kết rất đầy đủ về quá trình tôi luyện những phẩm chất của người anh hùng: “Từ dòng đầu tiên của tác phẩm, Aeneas đã được miêu tả là một người tốt phải chịu đựng. Theo tiến trình tác phẩm, anh được hình dung là một người phải chế ngự những cảm xúc cuồng nhiệt của mình, kìm nén những ham muốn của chính mình, và để ý chí cá nhân của mình tuân theo mục tiêu cao cả hơn. Anh ta phải sẵn sàng thực hiện và chấp nhận những hi sinh cho một tương lai tươi đẹp cho con cháu. Anh ta phải học để đạt được “tinh thần trách nhiệm”, đức tính của người La Mã, anh ta phải hoàn thành nghĩa vụ của mình với thần linh, cha và con anh, con cháu anh, và rộng ra hơn hết, đồng bào của anh, những con người tương lai của thành Rome” trong công trình An Introduction to Virgil’s Aeneid.

Như vậy, phẩm chất anh hùng của Aeneas là sự thống nhất giữa những tình cảm bên trong rất trữ tình, say đắm với sự chịu đựng và tinh thần trách nhiệm bên ngoài, để có thể chịu đựng và vượt qua mọi nghịch cảnh, nhưng vẫn có thể hành xử như một người con, người tình, người dẫn dắt đáng kính nhất. Anh là người anh hùng đa cảm và bao dung, người anh hùng của tình thương, cũng là người anh hùng của lòng can đảm, sự chịu đựng và bền bỉ. Theo cái nhìn gần hiện thực nhất, những phẩm chất anh hùng trong chiến trận từ thời Homer đều được hoàn chỉnh trong kiệt tác này của Virgil. Tất cả những phẩm chất cao đẹp của Aeneas đã xây dựng nên người anh hùng của thời đại văn học La Mã nói riêng và nhân phẩm điển hình của cái đẹp cho hình tượng người anh hùng nói chung của mọi thời đại văn học.

3 . Giá trị nhân bản của sử thi Aeneid

Nhân bản là một quan niệm nhìn con người như một thực thể giữa đời sống, với đầy đủ những phẩm tính người của nó. Tính nhân bản trong tác phẩm văn học thể hiện ở sự tái hiện bản chất gốc rễ của con người trong một thái độ cảm thông, yêu thương và trân trọng. Xét đến cùng, một tác phẩm được xem là có giá trị nhân bản khi cứu cánh của nó là vì con người, và cho con người.

            3.1. Khía cạnh đời tư của người anh hùng

Với Aeneid, Virgil đã chứng tỏ được những nguyên tắc thẩm mỹ của mình về các chuẩn mực của người anh hùng La Mã. Nhưng điều làm nên giá trị của Aeneid, không phải chỉ là sự thích đáng của những chuẩn mực đó với khuôn khổ và quan niệm xã hội, trên thực tế Virgil đã để lại cho chúng ta, bên cạnh câu chuyện xây dựng đế quốc La Mã vinh quang, một cái nhìn nhân sinh mới mẻ. Aeneidcó một chỗ đứng sánh ngang với IliadOdyssey của Homer, không phải chỉ vì nó đã mô phỏng thi pháp sử thi của chúng. Người anh hùng Aeneas vừa có khí chất của Hector – người thủ lĩnh trung thành của thành Troy, vừa mang bóng dáng của Achilles – một thủ lĩnh của đội quân xâm lăng ngoại quốc. Aeneas không đơn thuần là một kẻ thất bại hay một kẻ chiến thắng, một người bảo vệ hay một kẻ xâm lược, mặc dù từ đầu đến cuối chàng luôn gánh vác sứ mệnh của một anh hùng sáng lập đế chế mới. Chưa kể, Aeneas cũng không phải là một người chỉ biết tiến tới mà chưa từng có ý nghĩ dừng bước hoặc thoái lui, không phải chàng chưa từng có những giây phút nản lòng, hoang mang tuyệt vọng. Những điều Aeneas trải qua trong cuộc hành trình của mình – sự thất bại, nỗi đau, tình yêu, sự chia lìa, nỗi mất mát, vinh quang, chiến thắng…, đều là những trải nghiệm nhân sinh chứ không phải những sự chinh phục mang tính chất thần thánh. Có thể nói, sự phức hợp – đó chính là giá trị nhân bản của Aeneid. Bản thân Aeneas đã là một bán thần, dòng máu của chàng đã mang dòng dõi thần linh, và Virgil đã khắc họa chàng vừa như một vị thần mang phẩm tính người vừa như một con người mang phẩm cách thần thánh. Điều đó khiến cho người anh hùng Aeneas vừa cao quý vừa gần gũi, vừa huyền thoại vừa nhân sinh.

Điều trước tiên cần phải đề cập tới khi bàn về tính nhân bản trong Aeneid là khía cạnh đời tư của người anh hùng. Chúng ta sẽ phân tích điều này, nhưng không phải với cái nhìn khu biệt vào đời sống của một cá nhân, mà trong sự xem xét đến mối tương quan không thể tách rời giữa cá thể và cộng đồng. Aeneas đã phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, trong đó có một kiểu thử thách khá xuyên suốt: sự lựa chọn giữa cái riêng tư và cái cộng đồng. Đây là một sự lựa chọn mang tính hình mẫu, nhưng cái quan trọng ở đây không phải là quyết định sau cùng của Aeneas, mà là quá trình đưa tới quyết định đó. Chính trong những suy tư của Aeneas khi đứng giữa gia đình, tình yêu và sứ mệnh mà phẩm chất người của chàng trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. S.F.Wiltshire đã từng viết: “Tôi sẽ chứng minh ở đây cái cách mà Virgil, vượt qua những trở ngại to lớn nhất, đã đem cái cộng đồng và cái riêng

0