Triều Nguyễn có đặt ra lệ “Bất lập Trạng Nguyên” không?
Nguyễn Văn Nghệ Trong mục “Chuyện Đông, Chuyện Tây” đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 260 phát hành ngày 10/10/1997, ông Trịnh Hồng Lĩnh sau khi đọc một số sách báo đã nêu thắc mắc về việc triều Nguyễn có quy định “ngũ bất”( năm không): ...
Nguyễn Văn Nghệ
Trong mục “Chuyện Đông, Chuyện Tây” đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 260 phát hành ngày 10/10/1997, ông Trịnh Hồng Lĩnh sau khi đọc một số sách báo đã nêu thắc mắc về việc triều Nguyễn có quy định “ngũ bất”( năm không): Không phong vương; không thái tử; không hoàng hậu; không tể tướng; không trạng nguyên, hoặc “tứ bất”: không tể tướng; không nội các; không trạng nguyên; không phò mã. Vấn nạn trên được An Chi trả lời rõ ràng và cuối phần trả lời có đoạn: “Cứ như trên thì Vương triều Nguyễn Phúc không những không thực hiện “ngũ bất” mà cũng chẳng thực hiện “tứ bất”. Vì thực tế chỉ có “tam bất” mà thôi. Đó là: không lập hoàng hậu, không đặt tể tướng và không lấy trạng nguyên”
Không riêng gì ông An Chi mà còn rất nhiều nhà nghiên cứu khi đề cập đến vương triều nhà Nguyễn đều nhắc đến “tam bất lập” hoặc “tứ bất lập”. Tập 1, bộ Lịch sử Việt Nam, trang 370 do nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1971 ghi:“ Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị bằng cách tăng cường chế độ chuyên chế. Các vua Nguyễn muốn thâu tóm vào tay tất cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát…không muốn cho một ai chia sẻ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình. Vì mục đích đó, Gia Long đặt ra lệ “bốn không” là không đặt tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc( mà đối với người trong hoàng tộc cũng chỉ phong tước danh dự mà thôi)”
Trong tác phẩm “Pháp chế sử” (Cử nhân Luật khoa năm thứ nhất) của Vũ Quốc Thông ở Thiên thứ hai, chương I, phân tiết III ghi: “Trong hàng Văn quan dưới Triều Nguyễn, người ta thấy Nhà Vua không đặt chức Tể tướng” và ở cuối trang, tác giả chú thích: “cũng như không lập ngôi Hoàng Hậu, không chấm ai đậu Trạng nguyên cả(người ta gọi là TAM BẤT LẬP “Ba điều chẳng lập dưới Nguyễn Triều: Bất lập Hoàng Hậu, bất lập Tể Tướng, bất lập Trạng Nguyên”.(1)
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ nghiên cứu triều Nguyễn có định ra lệ “bất lập trạng nguyên” mà thôi
Từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên dưới triều Nguyễn là khoa Nhâm Ngọ (1822) cho đến khoa thi cuối cùng là khoa Kỷ Mùi (1919) có tất cả 39 khoa thi và số người lấy đỗ tiến sĩ và phó bảng là 558 vị. Trong số 558 vị không thấy vị nào đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) cả! Vì sao vậy? Do triều Nguyễn có quy định “bất lập Trạng nguyên” chăng?
-Thang điểm để tuyển người đỗ Trạng nguyên
Tháng tư năm Nhâm Ngọ (1822) định phép thi Điện: “…Đến ngày thi Điện, vua ra đề văn sách, hoặc cổ văn 10 đoạn, hoặc kim văn 5,6 đoạn. Cống sĩ mang mũ áo, làm bài ở bàn thi nơi tả hữu vu, lấy chiều hôm làm hạn. Quan độc quyển hội duyệt rồi dâng vua xem để định đoạt giáp đệ thứ tự như: đệ nhất giáp đệ nhất danh, đệ nhị danh, đệ tam danh đều cho Tiến sĩ cập đệ; đệ nhị giáp có bao nhiêu tên, đều cho Tiến sĩ xuất thân; đệ tam giáp bao nhiêu tên đều cho đồng Tiến sĩ xuất thân, ban cấp mũ áo”.(2)
Tháng sáu năm Kỷ Sửu (1829) định lại phép thi Điện, bộ Lễ tâu rằng: “ Khoa trước duyệt quyển, chia làm ưu, bình thứ, xin theo như phép thi Hội mới định, đổi làm phân số, duy văn đình đối sự lý quan trọng hơn, nên cho phân số nghiệt hơn một bậc( như văn lý thi Hội được 2 phân, thì thi Điện chỉ được 1 phân). Phàm văn lý được 10 phân thì xin cho đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên); 9 phân thì đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn); 8 phân thì Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh( Thám hoa); 7 phân, 6 phân thì Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp); 5 phân trở xuống thì Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ)”(3).
Tháng ba năm Mậu Tuất (1838) vua Minh Mạng “ngự xem trường thi Hội, gặp lúc trời rét mướt, quan trường ra đón, sai ban cho rượu, lại chia cấp cho sinh viên đi thi ăn cơm uống rượu và lò sưởi đệm cỏ, rồi miệng đọc một bài thơ tự viết lấy để bảo: “ Tuyết trung tống thán kim triêu hữu/ Thổ tận anh ba tác Trạng nguyên/ Tùng bách tuế hàn phương thức hảo/ Các tu miễn lệ báo quân ân”. (Dịch nghĩa: Sáng nay trời rét mướt ban cấp than cho/ Hãy nhả hết anh hoa để đỗ Trạng nguyên/ Vào năm rét mướt mới hay tùng, bách là giỏi giang/ Các người nên cố gắng để báo đáp ơn vua). Dịch thơ: Trời tuyết cho than buổi sớm nay/ Anh hoa nhả hết, Trạng khoa này/ Mới hay tùng, bách càng ưa rét/ Cố gắng cùng nhau báo đức dày.(4)
Kỳ thi Đình tháng sáu năm Nhâm Dần (1842) vua Thiệu Trị hỏi Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên: “ Xưa nay thi Đình, lấy đỗ vào bậc Tam khôi(5) thì văn lý như thế nào là được?”. Bọn Quế thưa rằng: “văn cổ, văn kim đều phải 10 phần ý đủ, lời đẹp, mới xứng đáng vào bậc ấy”. Vua nói: “Văn lý mà làm được vẹn cả 10 phần, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta mở giáp khoa(6) để ý cầu người có học, nhưng về nhất giáp vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ, chứ không phải câu nệ về mực thước đâu”(7)
Kỳ thi Đình kế tiếp- tháng năm năm Quý Mão( 1843)- vua Thiệu Trị bảo Trương Đăng Quế: “…bản triều từ khi mở khoa thi đến nay, chỗ đình giáp(8) bỏ không đã lâu, là vì trọng sự lấy đỗ”(9)
Tháng ba năm Giáp Thân ( 1884-Kiến Phúc năm thứ nhất) lại định lệ thi Hội, thi Đình về bên văn: “ về thi Điện: năm Minh Mạng thứ 10 lệ định ai thi Đình, văn lý được 10 phân thì cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, ai được 9 phân thì cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, ai được 8 phân thì cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh… Đến nay chuẩn định người 10 phân cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, người 8-9 phân cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhi danh, người 6-7 phân cho đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh”(10)
Năm Duy Tân thứ 4 (Canh Tuất- 1910) lại quy định: “ ngoài ra cứ tính thông cả các kỳ Hội và kỳ Điện thí, cộng lại rồi chia 6 thành. Người nào mỗi thành được 20 điểm, thì cho trúng đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh( Trạng nguyên); người nào mỗi thành được 18, 19 điểm thì cho trúng đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhị danh( Bảng nhãn);người nào mỗi thành được 16, 17 điểm thì cho trúng đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh( Thám hoa)…”(11)
-Triều đình quy định sẳn quan phục cho người đỗ Trạng nguyên.
Khi mở khoa thi tiến sĩ, triều đình cũng quy định quan phục cho các vị tiến sĩ, riêng “Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh(Trạng nguyên) mũ làm bằng sa đen, đằng trước một cái hoa bằng vàng, đằng sau hoa bằng bạc, một cái bái sơn bằng bạc, hai cái cánh chuồn hai bên bọc bạc, áo bào màu lục bằng đoạn hoa to 8 tơ, bổ tử nền đỏ thêu con nhạn và mây, quần màu đỏ sa hoa rắc, đai bằng tre hoa bọc đoạn vũ màu đỏ, chung quanh có 10 mảnh hình vuông,trên mặt khảm sừng có hoa, trong 10 cái miếng vuông thì 5 cái bịt bạc, 5 cái bịt đồng và võng, khăn, giày, tất , hốt gỗ”(12)
Minh Mạng năm thứ 3 (1822) có nghị chuẩn ban mũ áo cho các tiến sĩ, và “ cho riêng đệ nhất giáp đệ nhất danh, một bộ mũ áo lục phẩm”(13)
Tháng tư nhuận năm Mậu Tuất (1838) định lại mũ áo tiến sĩ: “ đệ nhất giáp đệ nhất danh(Trạng nguyên) theo lệ cũ cấp cho mũ áo lục phẩm”(14)
Thiệu Trị năm đầu (1841) có nghị chuẩn định mũ áo các tiến sĩ: “ mũ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh bằng sa đen, đằng trước một cái hoa bằng toàn vàng, một cái hoa đằng sau và lá sơn làm bằng bạc, hai bên cánh mũ bọc bạc; áo bào may bằng đoạn tám tơ hoa to màu lục, đai bằng tre hoa, bọc đoạn vũ đỏ có trang sức 10 miếng hình vuông có màu giáng( một miếng đằng trước mạ vàng, hai miếng bọc bạc đều bằng vảy đồi mồi, còn bảy miếng bằng sừng đen bọc đồng) quần dùng lương sa đoạn hoa rắc bảng sắc màu lam, bổ tử nền đỏ thêu con nhạn trắng và võng khăn giày, tất, hốt gỗ đủ bộ”(15)
Thiệu Trị năm thứ 7(1847)lại có nghị chuẩn định cấp mũ áo cho các tiến sĩ: “ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh mũ bằng sa đen đằng trước một cái hoa bằng vàng, đằng sau một cái hoa bằng bạc và một cái bái sơn bằng bạc, hai bên cánh chuồn bịt bạc, áo bào may bằng đoạn tám tơ hoa to màu lục, bổ tử nền đỏ, thêu mây và con nhạn; quần bằng sa màu hồng hoa rắc, đai bằng tre bọc đoạn màu đỏ; chung quanh có 10 miếng hình vuông đều mặt khảm sừng hoa, trong đó có 5 miếng bọc bạc, 5 miếng bọc đồng và võng, khăn, giày, tất, hốt gỗ”(16)
Tháng chín năm Tân Hợi( 1851) định rõ lại bổ quan cho các tôn sinh và ấm sinh: tôn sinh đỗ Tam khôi thì đợi Chỉ vua cất lên dùng không phải theo thứ tự; ấm sinh đỗ đệ nhất giáp là người đỗ đầu khoa giáp, tới kỳ sẽ đợi Chỉ chọn dùng(17).
Tháng hai năm Ất Sửu(1865) định rõ lại lệ bổ quan cho những viên tiến sĩ và phó bảng. Những cử nhân, giám sinh, ấm sinh, huấn đạo cùng chánh, tòng bát phẩm trở xuống mà trúng nhất giáp đệ nhất danh(tức Trạng nguyên) bắt đầu thụ hàm Thị độc; những tôn sinh , giáo thụ cùng với chánh, tòng thất phẩm trúng đệ nhất giáp đệ nhất danh(Trạng nguyên) bắt đầu thụ hàm Thị giảng học sĩ(18).
-Nguyên nhân dưới triều Nguyễn không có Trạng nguyên: do văn lý chưa đạt được 10 phân.
Tháng ba năm Bính Tuất(1826) thi Hội. Lúc đầu quan trường chỉ lấy đỗ 9 người, quyển dâng lên đều hạng thứ. Vua Minh Mạng bảo bộ Lễ rằng: “ Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, để ý đến văn trị, làm nhà học, thêm sinh viên, sai quan giữ việc giáo dục, bồi dưỡng nhân tài không phải là mới một ngày. Nay thi Hội hơn 200 người mà không được một người nào hạng ưu, khiến ta không được vui lòng lắm. Hữu ty cân nhắc, câu nệ điểm duyệt quá khắc mà như thế chăng?”(19). Sau đó quan trường lấy đỗ thêm một người nữa nâng tổng số lên 10 người. Người được lấy thêm là Phan Thanh Giản và ông là người đỗ đại khoa của vùng đất Lục tỉnh Nam Kỳ.
Tháng sáu năm Ất Mùi(1835) thi Đình, vua Minh Mạng ngự nhà Duyệt Thị, bảo Phan Huy Thực ở bộ Lễ rằng: “Thi Đình rất khó lấy được người đỗ đệ nhất giáp(20). Nếu không lấy thì thiếu nhân tài, mà lấy phiếm, e không làm thỏa được nguyện vọng của sĩ phu…”(21). Vua Minh Mạng cũng thấu hiểu được lý do vì sao “khó lấy được người đỗ đệ nhất giáp”. Vua Minh Mạng nói: “ Ra đầu bài dễ, làm bài văn khó. Vì quan trường ra bài thi có sách để tra cứu, mà học trò làm văn chỉ nhờ ký ức mà thôi. Trước đây có câu hỏi “Phó Nê Trường Lệ là vật gì?”, người bị hỏi không biết là vật gì cả,(trước đây đầu bài sát hạch cử nhân Cao Bá Quát có hỏi: “Phó Nê Trường Lệ hà vật” Cao Bá Quát không trả lời được. Phó Nê, Trường Lệ là tên ngôi sao, xuất xứ ở sách Sự vật dị danh), vì sách vở ở nước ta có ít, tuy người có tài học rộng, cũng không lấy đâu mà đọc được. Từ nay về sau, hễ có phái người đi sang nhà Thanh nên mua nhiều sách ban bố cho các người đi học, để họ mắt thấy tai nghe rộng ra mới được”(22).
Tháng ba năm Mậu Tuất(1838) vua Minh Mạng ngự xem trường thi Hội bảo quan trường là bọn Trương Đăng Quế rằng: “ Trẫm từ lên ngôi đến nay, để ý trọng việc văn đã lâu, mà học thức của học trò, chưa thấy ngày được cao sáng, là vì thầy, bạn nguồn gốc không bằng đời trước, không phải nhân tài có khác? Vả sự học quý ở có kiến thức, đem ra làm việc mới có thực dụng, bài thi không cần tìm tòi sự lạ lùng, bí ẩn, dù đem việc nay ra hỏi,nhưng kiến thức sâu hay nông cũng định được”(23).
-Như vậy triều Nguyễn đã có quy định thang điểm và quan phục cho những ai đỗ Trạng nguyên bằng văn bản hẳn hoi. Đến thời vua Kiến Phúc thang điểm chọn người đỗ Bảng nhãn, Thám hoa có hạ xuống nhưng đối với người đỗ Trạng nguyên thang điểm vẫn giữ như cũ, văn lý bắt buộc phải đạt 10 phân.
Trải qua 39 khoa thi Tiến sĩ chưa có ai văn lý đạt được 10 phân, nên triều Nguyễn không chọn người nào đỗ Trạng nguyên.Chính vì không thấy người nào đỗ Trạng nguyên nên hậu thế lầm tưởng và gán ghép cho triều Nguyễn là “bất lập Trạng nguyên”.
Chú thích:
Bài này đã được đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 634 phát hành ngày 20/03/2008 trong mục “ Chuyện Đông, chuyện Tây”.
1-Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử, Nxb Tủ sách Đại học Sài Gòn, tr. 103
2;3- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 287; 863
4- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 287-288
5- Tam khôi: ba bậc đỗ nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
6- Giáp khoa: khoa thi Tiến sĩ.
7;9- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr. 373; 497.
8- Đình giáp: thi Đình, ba người đỗ nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
10- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 9, Nxb Giáo dục, tr. 67
11- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 592
-Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, tr. 261-262
12; 13; 15; 16- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điểnsự lệ, Nxb Thuận Hóa Huế 1993, tr. 354; 355; 356; 357.
14- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 328
17; 18- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.221; 905.
19- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr.489
20- Đệ nhất giáp: tức là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
21; 22- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr.674; 675
23-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr.288