Mấy suy nghĩ về đề xuất thay đổi Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền
Huỳnh Thiệu Phong Trong những ngày vừa qua, hàng loạt các trang thông tin đại chúng đã liên tục đưa tin về một ý tưỡng khoa học liên quan đến việc “thay đổi” chữ viết tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Sư phạm Hà Nội, nguyên ...
Huỳnh Thiệu Phong
Trong những ngày vừa qua, hàng loạt các trang thông tin đại chúng đã liên tục đưa tin về một ý tưỡng khoa học liên quan đến việc “thay đổi” chữ viết tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy – học phổ thông (ở đây tôi xin được sử dụng cụm từ “thay đổi” để thay thế cho cụm từ “cải tiến” mà một số trang báo đã sử dụng vì tôi cho rằng “Cải tiến” phải mang tính tích cực, còn trong đề xuất này của ông Bùi Hiền, tôi cho rằng chúng “lợi bất cập hại”).
Trước hết, tôi xin phép khẳng định, tôi không phải là người có chuyên môn về ngữ học. Song, bằng sự quan tâm thực sự và bằng vốn kiến thức hạn hẹp trong quá trình học tập và công tác của mình, cùng những trăn trở của bản thân với ngôn ngữ dân tộc hiện nay, xin được chia sẻ một vài ý kiến cá nhân xung quanh vấn đề này. Và cũng xin được đề cập ngay từ đây rằng: “Tôi cũng không đồng tình với đề xuất này của PGS. TS Bùi Hiền, nhìn trên tổng thể vấn đề”.
Khoan hẳn bàn đến tính “đúng-sai” của vấn đề, trước tiên, phải thừa nhận một thực tế rằng, người Việt Nam chúng ta có một đặc trưng tâm lí là rất ngại thay đổi. Các nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trước nay đều có những nhận định rất đích xác về tâm lí ấy, chẳng hạn như cố GS. Đào Duy Anh từng có nhận xét về tính cách người Việt như sau: “Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý (HTP nhấn mạnh) (…) Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài (…) Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo” (Việt Nam văn hóa sử cương (2010), Nxb Thời đại, tr.22-23). Các tính cách ấy của người Việt không phải được hình thành một cách ngẫu nhiên, mà nó chính là hệ quả ảnh hưởng từ chính nền văn hóa nông nghiệp lúa nước (ưa sự ổn định do sự chi phối từ phương thức sản xuất) đã có từ lâu trong sự tiến diễn của lịch sử dân tộc.
Phản ứng của dư luận trong những ngày vừa qua càng góp phần khẳng định đặc trưng tâm lí ấy. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu dư luận (đặc biệt là giới trẻ) có những làn sóng chỉ trích, phản ứng cực kì thái quá, cùng những bình luận (comment) với những lời lẽ, từ ngữ hết sức dung tục, thậm tệ để phản ứng với ý kiến của PGS. TS Bùi Hiền. Thực tế ấy không chỉ đơn thuần phản ánh tâm lí của người Việt (ngại thay đổi), mà còn cho thấy một đặc điểm giáo dục hiện nay ở nước ta đó là chưa xây dựng được một nền văn hóa học thuật với sự tự do trong nghiên cứu đúng nghĩa, và quan trọng hơn, người học chưa được rèn luyện tư duy phản biện khoa học. Có lẽ đó là lí do dẫn đến một hiện tượng (trong quá khứ lẫn hiện tại) đó là khi đứng trước một phát kiến có sự ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, nếu phát kiến đó đi ngược và đối nghịch với hiện trạng thì tâm lí của chúng ta sẽ bị kích ứng một cách mạnh mẽ.
Thực ra, nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tôi cho rằng mỗi chúng ta, nếu không phải là nhà khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ (đặc biệt là lí thuyết về ngôn ngữ học), tôi tin chắc rằng chúng ta chỉ sử dụng tiếng Việt vì đơn giản nó là ngôn ngữ chính thức của chúng ta. Ta được “tắm” trong dòng sông “tiếng Việt” ngay từ thuở lọt lòng, ngay từ những ngày còn bập bẹ vài ba chữ “ba”, “mẹ”. Chính vì vậy, nó là ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi một người Việt. Còn nếu đi sâu vào việc phân tích tiếng Việt (về ngữ âm, cấu trúc, ngữ pháp, từ vị…) thì chúng ta đều chẳng biết gì. Có thể dẫn chứng thực tế trên khi với đặc thù giảng dạy tiếng Anh của nước ta: chủ yếu dạy nội dung về ngữ pháp mà rất thiếu các nội dung về phản xạ, giao tiếp, người Việt chắc chắn sẽ giỏi ngữ pháp trong tiếng Anh hơn chính người Anh, người Mỹ. Đến đây, có thể khẳng định rằng: một bộ phận sử dụng các lời lẽ thóa mạ, xúc phạm ông Bùi Hiền đã rất thiếu cơ sở khoa học để có thể phản biện một cách công tâm, khách quan vấn đề mà ông đặt ra. Nó cho thấy sự thiếu tư duy trong phản biện khoa học mà tôi đã đề cập ở trên. Sự việc này, một cách vô thức, khiến tôi bỗng tìm thấy bóng dáng của vua Gia Long đâu đó trong con người của cụ Hiền. Cách phản ứng của dư luận những ngày gần đây gần giống với cách mà ta đã lên án Gia Long với nhiều tội danh trong lịch sử, trước khi có được cái nhìn công tâm hơn như bây giờ. Vì vậy, có lẽ ta hãy để cho các nhà nghiên cứu sử dụng tri thức khoa học của mình để phản biện lại quan điểm trên của PGS. TS Bùi Hiền. Chúng ta không nên lên đồng chửi bới vô cớ chỉ vì phát kiến đó không thuộc phạm vi nhận thức, không thuộc chuẩn mực xã hội hiện tại.
Đối với bản thân tôi, tuy cũng nằm trong đại đa số người là không đồng tình với ý kiến thay đổi tiếng Việt của ông Bùi Hiền đã đề xuất, nhưng tôi vẫn dành một sự kính trọng ít nhiều đối với đề xuất của ông. Lí do đó là:
1/ Tôi tin rằng ông cũng thừa biết và đã chuẩn bị sẵn tâm thế sẽ bị búa rìu dư luận bủa vây khi đề xuất vấn đề này, song ông vẫn mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, điều này chứng tỏ ông là người tâm huyết với chuyên môn, và đây không phải là một ý kiến mang tính bốc đồng, ngẫu hứng.
2/ Nghiên cứu khoa học không phải là “nghề” và không phải ai cũng đã từng kinh qua quá trình nghiên cứu khoa học. Đây là một hoạt động rất đặc thù, mang một số nguyên tắc nhất định mà nếu không phải là những người chuyên làm “nghề” nghiên cứu (nhà nghiên cứu) sẽ không thể biết được. Ở vấn đề này, tôi rất tán đồng với Phạm Hiệp – Nghiên cứu sinh của Đại học Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan) khi anh cho rằng có hai nguyên tắc trong quá trình nghiên cứu: “(1) làm nghiên cứu có phương pháp; tức là trước khi làm anh phải đề ra quy trình, các bước kiểm soát, đối tượng thực hiện, các điều kiện kèm theo, các kỹ thuật sẽ sử dụng … trong quá trình anh nghiên cứu; (2) Phải làm thử; nếu sai quay lại (1) điều chỉnh để tiếp tục làm tiếp” (bài “Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?” trên Baomoi.com). Ông Hiền cũng đang trong qui trình như vậy. Chuyện thất bại trong khoa học cũng hết sức bình thường, nếu qui trách nhiệm, tôi cho rằng báo chí mới là đối tượng phải gánh lấy, vì như đã nói, việt giựt tít có thể chỉ là nội dung một phần nhỏ trong cả một đề tài lớn.
3/ Để đạt được học vị tiến sĩ của ngành Ngôn ngữ học, đó là một quá trình gian lao; vì vậy, tôi tin ông là một người có năng lực thực sự chứ không phải dạng “ất ơ” như một số ý kiến đánh giá ông là “tiến sĩ giấy”. TS. Huỳnh Văn Thông – Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM) rất có lí khi cho rằng: “chúng ta không nên chê bai, khích bác ý kiến của người khác. Mọi người nên có cái nhìn tôn trọng đối với những người làm nghiên cứu. Họ không phải nhà quản lý, ý kiến đưa ra không phải chủ trương hay quyết sách bắt buộc phải làm theo”.
Vậy nên, về vấn đề này, tôi cho rằng dư luận đã có những phản ứng thái quá. Điều này xuất phát từ tâm lí ngại thay đổi, và chúng ta chưa có thói quen tạo ra một văn hóa tranh luận-văn hóa phản biện phù hợp.
Trở lại với lí do cho việc không tán đồng phương án thay đổi tiếng Việt của PGS. TS Bùi Hiền, nhiều chuyên gia đầu ngành Ngữ học của Việt Nam đã có những ý kiến phản đối về vấn đề này khi trao đổi với báo chí (đơn cử như của cụ Bùi Khánh Thế: “cải tiến tiếng Việt như đề xuất của ông Bùi Hiền sẽ làm mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc, phát âm tiếng Việt”, hay như cụ Nguyễn Hữu Hoành thì cho rằng: vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều nhưng không thể thay đổi được vì chữ viết liên quan tới văn hóa, lịch sử và nhiều vấn đề khác”…). Tôi xin phép viện ra một vài lí do từ góc nhìn cá nhân để phản biện một cách cầu thị về đề xuất của PGS như sau:
Một là, ngôn ngữ là một phần của văn hóa, là chứng tích của lịch sử, là một dấu chấm phá trong bức tranh bản sắc văn hóa. Nhìn vào diễn trình lịch sử phát triển của dân tộc, ta thấy nổi cộm lên các cột mốc quan trọng trong sự định hình và phát triển của tiếng Việt ngày nay của chúng ta. Đó là một quá trình biến đổi do chịu nhiều tác động. Từ việc sử dụng chữ Hán, cho đến việc vay mượn vàxây dựng hệ thống chữ Nôm, chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ phương Tây đem vào và sự định hình của tiếng Việt ngày nay là một quá trình khắc nghiệt. Vậy nên, sẽ không quá khi nói rằng tiếng Việt là chứng nhân của lịch sử dân tộc. Hơn nữa, nếu theo ý kiến của cụ Bùi Hiền thì chúng ta chỉ thay đổi về phương diện chữ viết, trong khi cách đọc là hoàn toàn tương đồng với cách đọc hiện nay. Vậy, việc thay đổi này sẽ đem lại hiệu quả gần như không lớn so với cách viết hiện nay.
Hai là, thay đổi chữ viết sẽ kéo thêm những hệ lụy. Hệ lụy to lớn nhất theo tôi mà nó có thể được nhìn thấy rõ mồn một đó là toàn bộ tư liệu hiện hành đều mất đi giá trị sử dụng, kéo theo đó là tiêu tốn một khoản kinh phí cực lớn cho việc soạn thảo lại các tài liệu cần thiết. Nguồn kinh phí đó sẽ do ai cấp, ai quản lí, quản lí như thế nào, giải quyết các tư liệu cũ ra sao? Đặt giả thiết là có thể tìm thấy nguồn kinh phí (khổng lồ) đó thì tôi cho rằng, hiện nay có nhiều vấn đề cấp thiết hơn cần đến số tiền đó, nếu so với việc giải quyết một vấn đề trên trời rớt xuống do cụ đặt ra (!). Về khía cạnh giáo dục, việc thay đổi này sẽ dẫn đến việc biên soạn sách giáo khoa cho các cấp đều phải điều chỉnh lại. Học sinh cấp 1 sẽ phải tiếp thu và học lại một nguyên tắc mới trong cách viết tiếng Việt. Điều này có thực cần thiết hay không, thưa PGS. TS Bùi Hiền?
Ba là, tự thân ngôn ngữ vốn dĩ đã mang tính biến đổi, thích ứng với thời đại. Thực ra, ngôn ngữ luôn biến đổi (vì vậy mới gọi là “sinh ngữ”, trái ngược với tử ngữ). Việc thả nổi ngôn ngữ là một qui luật. Từ nào cũ, không còn phù hợp sẽ mặc nhiên tự biến mất và được thay thế bằng các từ khác. Do vậy, tôi cho rằng đề xuất ý kiến là tốt, nhưng cần có mức độ xem xét cho phù hợp, chứ không thể triển khai vào thực tế một cách vội vàng vì ngôn ngữ muốn là “sinh ngữ” thì nó phải được quần chúng nhân dân chấp nhận. Ví dụ như “teencode” đã từng có một thời gian tung hoành trong giới trẻ (tôi cũng từng có một thời sử dụng teencode trong giai đoạn học cấp II), thế nhưng về sau, tự động tiếng Việt theo kiểu “Teencode” dần dần biến mất vì nó không còn phù hợp với đông đảo nhân dân.
Tóm lại, tôi cho rằng đề xuất này của cụ Hiền không phải xuất phát từ dụng ý xấu, nhưng chẳng qua nó xuất hiện không đúng thời điểm, nhất là trong tình hình cả nước có nhiều vấn đề cấp bách hơn, nan giải hơn và cần nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều hơn. Hơn nữa, với người Việt, chúng ta chưa có văn hóa phản biện, một bộ phận có tâm lí chuộng sự ổn định, ngại thay đổi; vì vậy đã dẫn đến những phát ngôn mang tính thóa mạ như thể ông Hiền gây ra một tội ác man rợ, trong khi những ý kiến phản biện mang tính khoa học, tính lí do lại thiếu trầm trọng. Với Việt Nam, tôi nghĩ rằng cần phải có 1000 sáng kiến, ý tưởng thì khi đó, may ra mới có được một, hai ý kiến được chấp nhận. Thế thì tại sao ta không làm và cứ mãi ù lì để cho đến cuối cùng, một hay hai sáng kiến cũng không có! Vậy nên, thiết nghĩ ta cần bao dung hơn với cụ Hiền khi nhìn nhận vấn đề này vì suy cho cùng, nó cũng chẳng tốn đồng thuế nào của chúng ta cả!
Sài Gòn, 26.11.2017