Hai Bà Trưng và Đại tướng Vũ thị Thục Nương
Vũ Ngọc Phương 1. Bối cảnh lịch sử Kinh tế Việt Nam thời Bắc thuộc lần 1 : Xét về trình độ phát triển cùng quy luật phát triển từ thời đại đồ đá cũ đến thời kim khí sau Công nguyên đến năm 40 Hai Bà Trưng khởi nghĩa, với các cứ liệu lịch sử đã công bố, được ...
Vũ Ngọc Phương
1. Bối cảnh lịch sử
Kinh tế Việt Nam thời Bắc thuộc lần 1:
Xét về trình độ phát triển cùng quy luật phát triển từ thời đại đồ đá cũ đến thời kim khí sau Công nguyên đến năm 40 Hai Bà Trưng khởi nghĩa, với các cứ liệu lịch sử đã công bố, được khoa học thế giới xác nhận thì có nhiều điểm về công cụ sản xuất, về kỹ thuật phát triển, về chữ viết, triết học tôn giáo,… của người Việt phát triển có phần sớm hơn văn minh Hoa Hạ. Đây là một sự thật lịch sử khách quan, rất tiếc không hiểu vì nguyên cớ gì có không ít các học giả Việt nam ngày nay vẫn viết rằng người Việt được các vương triều Trung Quốc giáo hóa !
Xét về tổng quan, trong khoảng thời gian Bắc thuộc lần thứ nhất từ Triệu Đà chiếm Âu Lạc nhập vào Nam Việt năm 187 Tr.CN, tiếp luôn là Nhà Tây Hán thống trị đến năm 40 sau Công Nguyên, nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này chưa có nhiều thay đổi cũng như chưa có bằng chứng khoa học xác đáng nào để đối chứng là người Việt có tiếp thu thêm kỹ thuật kinh tế của người Hán, ngoài sự chép lại theo cách “ Khai hóa” Man – Di từ sách của người Hán.
Sản xuất và sản phẩm Nông nghiệp, Thủ công và Kim khí:
Về trình độ văn minh của nông nghiệp Việt trước Công nguyên đã được chứng minh và phân tích ở các Chương trên (Việt Nam Sử Liệu 1470 trang, sắp xuất bản) . Canh tác nông nghiệp Việt vừa chủ động sáng tạo ra những công cụ nông nghiệp như cuốc, lưỡi hái, lưỡi cầy – Các kiểu lưỡi cầy Việt khác hẳn lưỡi cây Hán khi so sánh phân tích các hiện vật khảo cổ. Vừa biết tận dụng lợi thế của khí hậu gió mùa và điều kiện tự nhiên vùng đất Giao Chỉ ( Bắc Việt Nam ngày nay). Vậy nên có nhiều Sử gia do hạn chế của lịch sử chép lại sách Trung Quốc là do hai quan thái thú người Hán là Tích Quang – Nhâm Diên sang cai trị nửa đầu thế kỷ thứ I sau CN, đã khai hóa văn minh trồng lúa, chăn nuôi,…cho người Việt là trái sự thật lịch sử nước ta đã được khoa học Khảo cổ chứng minh bằng hiện vật và đã được khoa học thế giới công nhận.
Trồng trọt và chăn nuôi
Đã được phát triển từ rất sớm, Việt Nam là nơi phát sinh phát triển kỹ thuật trồng lúa nước, lúa cạn từ thời kỳ Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn có niên đại hơn từ 10,000.năm đến 8,000.năm Tr.CN, Sách Lĩnh Nam trích quái viết:” Đất Giao chỉ nhiều gạo nếp, lấy ống bương để nấu ăn”. Cũng từ khi kỹ thuật trồng lúa phát triển, vì một lý do nào đó do để giành cơm bị mốc gây ra rượu gạo. Rượu gạo Giao chỉ cũng phải cống nộp cho phương Bắc. Vì vậy, đến thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, kinh tế nông nghiệp của Việt Nam (Giao chỉ, Cửu Chân) đã ở trình độ cao lúc bấy giờ trong khu vực. Sách Quảng Đông tân ngữ có ghi:” Giao chỉ hàng năm cống nộp 13,600,000. hộc lúa”. Theo đơn vị đo lường cổ Việt Nam có một phần danh từ giống với Trung quốc nhưng khác nhau về định lượng. Một hộc bằng 26 thăng tương đương với 71,905 lít ngày nay, về trọng lượng là 68Kg. Vậy Giao chỉ hàng năm phải cống nộp 924,800,000. Kg ( 924.000. Tấn thóc) con số không nhỏ với một nước có 746.237 người.Tính ra không phân biệt người già trẻ con mỗi người nộp 1,239.28 Kg thóc! Khi tra cứu và đối chiếu, chúng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về năng suất lúa thời kỳ này vì đây thuần túy chỉ là chép từ sách cổ Trung Quốc và hệ đo lường cổ Việt Nam là từ tài liệu của Liên Hiệp quốc. Để phân tích khoa học sẽ chờ ý kiến của các nhà khoa học. Về suy luận chủ quan, chúng tôi cho rằng năng suất lúa cao thời kỳ này có thể do nguyên nhân khí hậu tốt, ruộng đất phì nhiêu,….đây chỉ là sự suy diễn từ các tài liệu nghiên cứu khủng long của các nhà khoa học Phương Tây lý giải sự to lớn của loài này do thời kỳ đó thức ăn dồi dào và lượng oxy cao hơn bây giờ.
Nghề dệt, ngay từ Văn hóa Phùng Nguyên,Văn điển, Lũng Hòa đã phát hiện được rất nhiều dọi xe chỉ bằng đất nung, sau này làm bằng gốm có độ lửa cao. Trong mộ táng Lũng Hòa đã có dọi xe chỉ chôn theo người. Trên một số mảnh gốm và đồng còn dấu vết của vải thô. Hình người trên trống đồng, thạp đồng Văn hóa Đông Sơn cho thấy đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy. Làm ra vải, thủa ban đầu có lẽ từ nhiều loại cây như vỏ cây sui, bẹ chuối,…sau là bông, gai, đay.
Chữ VẢI ngày nay là một tàn dư của tiếng Việt cổ còn thấy ở ngôn ngữ một số dân tộc thiểu số như Xá Cẩu, Xá Khao gọi là PHẢI, bông cũng là PHẢI. Người Puộc gọi bông là PÔ, vải là PHẢI. Tiếng Tầy thì cả bông và vải đều là PHẢI,… còn có thể dẫn chứng hàng chục dân tộc ở Việt Nam và Lào có cách nói tương tự. Sách Ngô Lục chí ( thế kỷ IV sau CN) viết:” Huyện Định An, quận Giao Chỉ có cây bông cao hơn một trượng, quả như chén rượu, miệng có tơ như tơ tằm, dệt thành vải được”. Sách Dị vật chí cũng viết rằng:” cây bông ở Quảng châu, Nhật Nam, Giao chỉ,…đều có cả”. Đối với Trung Quốc, cây bông đến thời kỳ này vẫn là một vật lạ. Lịch sử cho thấy đến đời nhà Tống ( 960 ~ 1279 sau CN) vẫn chưa dùng vải bông, chỉ dùng vải đay,gai, lụa và da thú. Theo chính tài liệu của các Học giả Trung Quốc thì bông là truyền từ Việt Nam vào Trung Quốc khoảng gần 2000,năm trước đây. Nhiều sách cổ cho biết bông là đặc sản cảu Châu Ái và Châu Hoan
( Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay).
Sách Sử ký ghi:” Vải thạp là bạch diệp. Xét bạch diệp là từ bông dệt ra. Sản vật đó Trung Quốc không có”, sách Nông thư đời nhà Nguyên cũng nói xưa Trung quốc chỉ có nghề trông dâu, nuôi tằm, không biết trồng bông, bông là sản vật quý của Phương Nam đưa vào. Sách Hán thư và Thái Bình hoàn vũ ký ghi: “ Người Việt đã dùng tơ dệt nhiều loại sản phẩm đặc sắc: lụa, sa, the,…”.
Một loại vải đặc sắc khác của Việt Nam là vải sợi chuối. Sách Văn hiến thông khảo, Nguyên Hóa quận huyện chí, Quảng chí đều có viết:” Thân chuối xé ra như tơ dệt thành vải gọi là Tiêu cát.Vải ấy dễ rách, mầu vàng nhạt sản xuất ở Giao Chỉ”. Sách Nam Phương dị vật chí, An Nam chí nguyên dẫn rằng:” Đem thân chuối nấu lên lấy tơ dùng để dệt,…. Phụ nữ lấy tơ chuối dệt ra loại vải Giao chỉ cát như the lượt, có hai loại là Hỉ và Khích”.
Ngay từ khi bước vào trung kỳ Đá Mới ( niên đại 4.000 năm Tr.CN), các bằng chứng di chỉ khảo cổ học tại tầng trên của Văn hóa Hòa bình, Bắc Sơn, Đa Bút ( năm 1926) Đông Khối ( năm 1960) chuyển tiếp sang Hậu kỳ Đá Mới được nghiên cứu tại Đậu Dương ( Vĩnh phú – phát hiện năm 1967) có công xưởng chế tác đá rất lớn và tinh sảo gồm có khoan, cắt, mài, tiện đã cho thấy kỹ thuật chế tác đá của người Việt đã được sản xuất hàng loạt với trình độ rất cao.Thời kỳ này có các sản phẩm rìu, cuốc có vai đặc sắc Việt Nam không nơi nào trên thế giới có được. Xét về Quy Luật tiến hóa, khi có sản xuất hàng loạt đồng thời với sự xuất hiện toán học và chữ viết đầu tiên với mục đích để gi chép số lượng và phân loại sản phẩm được sản xuất ra.Cũng vào hậu kỳ Đá Mới, người Việt đã biết nhuộm vải và vẽ gốm bằng mầu chế từ cây vang ( Tô phương) và loại cát bá nhuộm đỏ, Lâm ấp thì nhuộm mầu ngũ sắc, … được ghi trong Nam phương thảo mộc trạng. Vải lụa của người Việt cũng là một trong những vật cống nộp thời Bắc thuộc lần thứ nhất. Không rõ với hiện thực về trình độ sản xuất vải của người Việt cổ có được các thương nhân Trung Quốc đem tham gia vào con đường tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử thế giới hay không?
Về chăn nuôi, với đặc điểm của gia súc, gia cầm Việt đều chăn nuôi bằng sản phẩm phụ của lương thực nên không có số lượng gia súc lớn như những dân tộc có đồng cỏ, tuy nhiên, vật nuôi ở Việt Nam có đặc tính thuần chủng, chăn thả tự nhiên nên chất lượng thịt, trứng, các loại cá, ….có độ dinh dưỡng cao. Đặc tính chăn nuôi này vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay với những gia súc, gia cầm thuần chủng thì chất lượng cao, thơm ngon và rất sạch không nhiễm hóa chất như của Trung quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Trong các cống vật lên phương Bắc không thấy nhắc đến cống gia súc, gia cầm,… có lẽ do đường xa không thể chuyển vận tươi sống được.
Cây ăn quả của Việt Nam từ thời cổ đến nay vẫn có những đặc sản mà khu vực không có, hoặc có chất lượng không cao. Trong các cống vật cũng có nói tới một số loại quả đặc sản của Giao chỉ.
Đồ gốm – một loại sản phẩm tiêu dùng, gần như chịu ảnh hưởng của quy luật tiến hóa nguyên thủy cho gần hết các dân tộc trên thế giới, đồ gốm đã xuất hiện vào thời đá mới. Lúc ban đầu là do ngẫu nhiên trát đất sét vào đồ đan để đựng nước đem đun, sau khi cháy hết lớp nan thì còn lại đất đã cứng. Phần lớn đồ gốm thời kỳ này đều nung nhẹ lửa, sang đến hậu kỳ đá mới tại các di chỉ Văn hóa Phùng Nguyên, Văn điển, Đồng Đậu ,… đã thấy di vật gốm được sản xuất bằng bàn xoay, có độ nung cao tới hàng nghìn độ chứng tỏ lúc đó đã nung gốm trong lò kín. Hoa văn rất phong phú.
Sang thời kỳ văn hóa Đông Sơn, đồ gốm Việt đã phát triển cao với các hiện vật khảo cổ có đường kính miệng tới 50cm như vò, bình, chậu,vại, nồi,…Đặc biệt, xuất hiện cả khuôn đúc gốm đối với những sản vật gốm không thể làm bằng bàn xoay. Xét về chất lượng, kỹ thuật gốm Việt và gốm Hán đều đạt đến một trình độ kỹ thuật tương đương và gần nhưng ít ảnh hưởng tác động lẫn nhau đến gần thời cận đại. Tuy nhiên, đồ gốm, nhất là sự phát kiến đồ sứ Trung Hoa đã phát triển vượt bậc trở thành một giá trị lịch sử mỹ thuật lớn của thế giới với nhiều bí quyết đến nay Việt Nam vẫn chưa tiếp thu được. Có lẽ vì gốm trong một thời gian dài có chất lượng như nhau nên gốm Việt cũng không thấy nhắc đến trong các vật cống nộp thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.
Luyện kim, như đã phân tích các di vật khảo cổ học cho thấy nhiều ngạc nhiên thú vị về sự phát triển sớm, trình độ kỹ thuật cao như đồ đồng Đông Sơn và sự phong phú về loại hình từ công cụ nông nghiệp, vũ khí, đồ trang sức đến vật dụng. Có nhưng loại hình như mũi qua, lẫy nỏ liên châu, áo giáp, kiếm,…Trước đây và cho đến hiện nay vẫn còn không ít học giả Việt Nam ngộ nhận là của Trung Quốc đưa sang để giáo hóa văn minh cho người Việt, thì chính bằng chứng khảo cổ học và các nghiên cứu của học giả Trung Quốc lại xác nhận là sản phẩm thuần Việt. Lịch sử trung quốc ghi nhận các loại bảo kiếm nổi tiếng trong thời cổ đều do người Việt sản xuất.
Hiện chưa có các tài liệu xác nhận các đồ khí vật đồng của Việt được sử dụng tại Trung quốc? Hay vì một lý do quan điểm Hoa Hạ không dùng đồ Man – Di nên các đồ đồng Việt Thường bị các triều đại phương Bắc thu gom rồi nấu chẩy đúc ra các loại dụng cụ, vũ khí Hán. Tiêu biểu nhất là Mã Viện sau khi đánh bại Hai Bà Trưng đã thu gần hết các đồ đồng người Việt đem về Trung Quốc.
Dù thế nào, có một chuỗi các sự kiện trong suốt lịch sử Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến thời độc lập, hàng năm sự cống nộp ngoài các đặc sản Việt không thể có ở Trung Nguyên, thì Việt Nam thường phải cống nộp các thợ lành nghề, các nhà chiêm tinh, thầy tướng, thầy số, thầy thuốc cho các vương triều Trung Quốc. Chỉ như vậy thôi đã chứng tỏ văn minh Việt, truyền thống kinh tế Việt phát triển rực rỡ đến thế nào để có những thợ lành nghề, các nhà “ Khoa học, Kỹ thuật” cao đến mức đời nào, năm nào Trung Quốc cũng phải cần.
Vậy mà ngay chính không ít học giả Việt Nam không xét thấy hoặc không thể thấy, khi viết bất cứ cái gì về lịch sử Nước Nhà đều chép không suy xét theo tư tưởng nô dịch:” Học tập từ Trung quốc” (!). Chúng ta hoàn toàn công nhận, chiêm ngưỡng và khâm phục những phát minh lớn thời cổ đại của Trung quốc, cũng như khâm phục sự lao động sáng tạo và kỷ luật của dân tộc Trung Hoa – một Dân tộc vĩ đại, Đất nước vĩ đại. Nhưng chúng ta cũng cần xét mình một cách khách quan khoa học cho đúng Văn minh Việt sớm, nghèo khổ lâu dài, khó phát triển để tìm ra nguyên nhân sâu xa mà chấn hưng Dân tộc để
“ Sánh vai với các Cường quốc năm châu” – Hồ chí Minh tuyển tập.
Thật buồn cho Dân Việt khi thấy sách của một số nhà sử học Việt Nam lập luận “ khoa học” rằng đến đầu Công nguyên người Việt vẫn chưa có họ, họ tên là do Trung Quốc đưa sang! Nhận định này còn được nhiều “Sử gia” cùng không ít “ Học Giả”là Giáo sư – Tiến sỹ tán đồng. Còn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng gần hết toàn nữ tướng, nữ binh,… thì được các vị này lý giải là Việt Nam lúc đó vẫn còn là CHẾ ĐỘ MẪU HỆ (?): “Các câu chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và các nữ tướng khác được một số sử gia trích dẫn để làm bằng chứng cho luận điểm rằng xã hội Việt Nam trước khi bị Hán hóa là một xã hội mẫu hệ ( hay còn gọi là chế độ mẫu hệ), trong đó phụ nữ có thể giữ vai trò lãnh đạo mà không gặp trở ngại. Nếu cứ theo luận điểm “Khoa Học” của những người này để giải thích vai trò Phụ Nữ lãnh đạo là do chế độ Mẫu hệ thì chế độ Mẫu hệ Việt nam kéo dài đến tận những năm 60 thế kỷ XX với cuộc Đồng khởi do Nữ tướng Nguyễn thị Định lãnh đạo ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Duy vật lịch sử của khoa học thế giới đã xác nhận hiện thực quy luật tiến hóa xã hội loài người hình thành, phân chia giai cấp khi chuyển vào thời đại kim loại, khởi đầu là giai đoạn đồ đồng. Xét thời sơ kỳ đồ đồng văn hóa Phùng Nguyên, Văn điển ( niên đại 2,000 năm đến 1,500 năm Tr.CN) sau đó là Văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, về hiện vật khảo cổ, di vật tùy táng, … đã cho thấy xã hội Việt lúc đó đã phân hóa giầu nghèo. Đây cũng là thời kỳ cuối kỷ băng hà, nước biển dâng cao đột ngột khoảng 130m tính từ tâm băng hà là Bắc Mỹ. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nước biển ngập đến tận Vĩnh Phúc vào thời gian 15,000.năm Tr.CN ( Địa chất học kỷ Canh tân – Late Pleistoncene ) và đang rút dần để phơi lộ vùng đồng bằng sông Hồng. Như vậy, nhà nước Việt cổ đại đã hình thành, phát triển văn minh ở khu vực Đông, Đông Nam châu Á và trải qua các quốc hiệu Việt Thường,Văn Lang, Âu Lạc.
Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy về trình độ tổ chức nhà nước và kinh tế xã hội Việt thời kỳ này đã phát triển cao so với khu vực. Vì vậy Triệu Đà làm Vương ở nước Nam Việt, đã thừa hưởng tổ chức nhà nước và quân đội của Nhà Tần, sau đó là Nhà Tây Hán, cũng không thể dùng lực lượng quân sự đánh thắng được nước Âu Lạc của An Dương Vương, mà phải dùng mưu như truyền thuyết Mị Châu, Trọng Thủy. Sau khi chiếm Âu Lạc và sát nhập vào Nam Việt, đến năm 111 Tr.CN bị Nhà Tây Hán thôn tính, dân số ở Giao chỉ ( Âu Lạc) được sách Hán thư ghi lại:
” Năm thứ ba mươi hai đời Hán Vũ Đế( 108 Tr.CN, Hán Vũ Đế lên ngôi vào năm 141Tr.CN khi 16 tuổi, trị vì 54 năm, kết thúc năm 91 Tr.CN) đã đặt bộ Giao Chỉ, thống suất 7 quận ở lục địa, trị sở đặt tại quận Giao Chỉ là quận lớn và quan trọng nhất. Quận Giao Chỉ gồm có 10 huyện: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái. Kê Tử, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên. Theo Hán thư, quận Giao Chỉ thời Tây Hán có 92.440 hộ – 746.237 người” – Trong cơ cấu dân số này, số người ở độ tuổi lao động nhiều lắm chỉ khoảng trên dưới 223,870. người, còn lại là người già và trẻ con.
Thời cổ, chiến tranh được thực hiện với số quân đông giao chiến bằng vũ khí giáo mác thì với lực lượng áp đảo của quân Đông Hán đối với một nước nhỏ, dân thưa thớt như Giao chỉ đã bị cai trị hà khắc từ Triệu Đà đến hết triều đại Tây Hán làm cho suy yếu, lại không có người tài giỏi xuất chúng lãnh đạo, đương nhiên là thua trận, mất nước là điều dễ hiểu.
Thời thuộc Nhà Tây Hán và các vương triều phong kiến phương Bắc sau này, chế độ cai trị đối với Việt nam rất hà khắc, vừa khai thác tài nguyên sản vật quý của Giao Chỉ, vừa thực hiện chính sách ngu dân, chia để trị, vừa Hán hóa từ chữ viết, giáo dục, nếp sống, phong tục, đưa tội nhân người Hán vào ở lẫn với người Việt đồng hóa cả về nòi giống,…. Những chính sách này được tất cả các vương triều phương Bắc sau này áp dụng triệt, sau này đến mức tàn khốc như thời Nhà Đường, Nhà Minh. Đây chính là nguyên nhân sâu sắc nhất khởi đầu cho tất cả các cuộc nổi dậy của người Việt chống ngoại xâm trong suốt lịch sử Dân tộc Việt Nam.
2 . Khởi nghĩa của người Việt – Hai Bà Trưng và các Nữ Tướng
Trong thời Bắc thuộc lần nhất từ khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc sát nhập vào Nam Việt đến trước năm 39 sau Công Nguyên của thời kỳ này có ghi nhận các cuộc nổi dậy của người Việt. Chỉ biết rằng các cuộc nổi dậy của người Việt có xuất hiện trong một số năm đã khiến nhà Hán phải điều động quân đội từ vùng Kinh Sở (Hoa Nam) xuống đàn áp, các cuộc nổi dậy nhỏ lẻ không đủ mạnh và rộng khắp để đánh thắng được sự thống trị của Nhà Tây Hán.
Phần nhiều quan lại Nhà Hán đều tham lam, vơ vét các của quý ở Giao Châu như vàng, ngọc trai, long trả, tê, voi, đồi mồi, hương sạ, gỗ quý,… rồi xin đổi đi làm quan nơi khác. Đã thế sưu thuế nặng nề nên người Việt thường xuyên nổi dậy làm loạn. Đến năm 34 sau CN, khi Tô Định sang làm Thái thú quận Giao chỉ, chính lệnh tham bạo, cướp giết nhiều người Việt thì trước cuộc Đại khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 39 sau CN, tại Giao chỉ đã có nhiều cuộc nổi dậy trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình của Bà Vũ thị Thục Nương.
Sự nghiệp:
Bà Vũ thị Thục Nương là Nữ Tướng xuất chúng, văn võ song toàn, sau này tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng và là người đứng đầu các Vị Nữ Tướng của Hai Bà Trưng. Ngày 17/3 Âm lịch năm 43 sau Công Nguyên trong trận chiến cuối cùng chống với hàng vạn quân Đông Hán do Mã Viện cầm quân, Bà đã quyết chiến đến cùng và tử tiết khi mới 26 tuổi.
Thần phả và truyền kỳ dân gian ghi rằng: Bà Vũ thị Thục Nương sinh vào giờ Dần ngày Rằm tháng Tám năm (năm 17 S.CN) tại xã Phượng Lâu – Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ( Là vùng đất Phong Châu xưa, Hùng Vương đóng đô ở đấy. Thời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ). Trước Công Nguyên, nơi đây là cố đô nước Văn Lang độc lập. Bà là con gái Nhà Nho Vũ Công Chất, ông còn là thầy thuốc, ngày nay ở Phú Thọ có đền thờ ông là một trong những thầy giáo Việt thời bấy giờ. Mẹ là Bà Hoàng thị Mầu, cả hai vợ chồng đều là người gốc Việt Thường. Sinh thời Bà Vũ thị Thục Nương là một người phụ nữ có nhan sắc tuyệt vời, đoan trang, trung hậu, đảm đang, văn hay võ giỏi nên hiệu là Ngọc Hoa Công chúa. Bà đã dậy dân phát triển nghề Nông, sáng tác dậy hát đối, hát xoan, hát đúm vẫn còn truyền lại đến nay ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Bà còn chỉ bảo dân thời ấy quần tụ lại để xây dựng, phát triển Xã – Thôn Việt từ những năm đầu sau Công nguyên.
Thời ấy, bên kia sông Bạch Hạc ở xã Nam Chân có chàng trai rất có tài đức là Phạm Danh Hương đã đặt lễ đính hôn Bà, chờ đến mùa Thu thì làm lễ rước dâu. Bên Châu Bạch Hạc có một Tù trưởng họ Trần giầu sang quyền thế nhất vùng đã nhiều lần mang lễ vật lớn xin cưới Bà không được, khi biết Bà đã hứa hôn với Phạm Danh Hương, họ Trần liền xui giục Tô Định chiếm đoạt Bà. Trước đó, Tô Định được vua Nhà Đông Hán sai làm Thái thú Quận Giao chỉ từ năm Giáp Ngọ (Năm 34 sau Công nguyên). Được mưu, Tô Định bèn giả làm khách buôn đến tận nơi chiêm ngưỡng dung nhan Bà thấy như Tiên Nữ giáng trần liền sai quân lính bắt Cha Bà – ông Vũ Công Chất và Phạm Danh Hương tới phủ đường bắt dâng Bà và từ hôn. Dụ dỗ không được, Tô Định đã dùng cực hình giết cả hai người rồi kéo quân tới bắt Bà. Được tai mắt dân cả Châu báo, đang đêm Bà vượt sông về đến Tiên La là vùng đất chưa bị quân Tây Hán chiếm đóng, thì dừng lại, kéo cờ khởi nghĩa. Nghe lời hiệu triệu người Việt đã nô nức kéo về theo Bà. Có một đặc điểm là binh sỹ của Bà kén chọn toàn là con gái, luyện tập trở nên đội quân rất tinh nhuệ. Vừa chiêu binh mãi mã, vừa dậy dân khai khẩn đất hoang,…. chỉ mấy năm Tiên La trở thành một vùng trù phú, binh lực ngày một mạnh.Nhiều lần quân Đông Hán tiến đánh đều thua trận rút chạy khỏi vùng Thái Bình.
Tô Định ngày càng bạo ngược, chính trị tàn ác, dân Việt đã oán giận chồng chất. Năm Kỷ Hợi ( 39 sau Công nguyên,nhà Đông Hán, vua Quang Vũ Lưu Tú, năm Kiến Vũ thứ 15) Tô Định lại giết Thi Sách Quận Châu Diên, Phủ Vĩnh Tường (Nay thuộc Vĩnh Yên) . Vợ Thi Sách là Trưng Trắc ( quê ở làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) là con gái Lạc Tướng Mê Linh cùng với em là Trưng Nhị cất quân khởi nghĩa.
Bà Vũ thị Thục Nương cùng dấy nghĩa binh hưởng ứng đánh Tô Định bại trận phải chạy về quận Nam Hải. Bà Vũ thị Thục Nương đã cùng các Nữ Tướng khác trong đội quân của Hai Bà Trưng giải phóng cả một vùng duyên hải của Giao chỉ Bộ ( miền Bắc Việt Nam ngày nay đến vùng lưỡng Quảng, quận Nam Hải). Quân của Hai Bà Trưng hạ được 65 thành trì, quan quân Tây Hán phải bỏ chạy, sau khi Hai Bà Trưng lên ngôi Vua xác lập quyền tự chủ của người Việt, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Hai Bà Trưng có phong cho Bà Vũ thị Thục Nương làm Đông Nhung Đại Tướng quân – xếp hạng công đầu. Nhưng Bà xin từ quan về Tiên La, Thái Bình ( Thời Hùng Vương là Bộ Lục Hải, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc Giao Chỉ).
Năm Tân Sửu ( Năm 41 sau Công Nguyên) vua Quang Vũ nhà Đông Hán lại sai Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân cùng với Lâu thuyền Tướng quân là Đoàn Chí kéo hơn mấy chục vạn quân tinh nhuệ sang đánh Hai Bà Trưng. Bà Vũ Thị Thục Nương lúc đó là Đốc lĩnh toàn quân đã cùng các nữ tướng của Hai Bà Trưng chia quân đón đánh quân Đông Hán. Nhưng thế quân Đông Hán quá lớn, sau nhiều tháng giao tranh, các cánh quân Hai Bà Trưng lần lượt tan vỡ. Hai Bà Trưng chạy về đến xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây thì thế phải bức quá, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông tự tận, bấy giờ nhằm ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão ( Năm 43 sau Công nguyên), tướng Đô Dương rút quân về đến huyện Cư Phong thì ra hàng ( Cư phong tương ứng vào huyện Đông Sơn và Thọ xuân tỉnh Thanh Hóa ngày nay).
Duy nhất chỉ còn lại đội quân tinh nhuệ của Bà Vũ thị Thục Nương cố thủ tiếp tục cầm cự ở vùng Lục Hải ( tỉnh Nam Định, Thái Bình ngày nay) khi đó là vùng sình lầy và rừng ngập mặn. Quân Đông Hán kéo tất cả đến vây kín mấy vòng. Sau 39 ngày chiến đấu, quân của Bà hết lương, tướng sỹ cầm binh khí ngắn đánh giáp công quyết tử không còn một người nào. Ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão, Bà tay cầm mộc, tay cầm kiếm, một mình một ngựa xông vào tả xung hữu đột chém giết quân Đông Hán như vào chỗ không người, khi sức đã kiệt Bà tự vẫn không để giặc bắt. Bà Vũ thị Thục Nương là một trong những Nữ Anh Hùng đầu tiên của Dân tộc Việt Nam.
Công đức của Bà sâu dầy, uy linh hiển hách đến mức Bà được dân Việt tôn thờ là một trong 3 vị Thánh Mẫu trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam. Vì thế mà lịch sử của Bà rõ và chi tiết. Sau khi Bà Vũ thị Thục Nương tử tiết hiển linh, nhân dân nhớ thương Bà đã lập đền thờ chính của Bà tại xã Tiên La, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngày nay, ngay trong hậu cung đền Tiên La vẫn còn mộ Bà. Sau đền Tiên La, Thái Bình, suốt một giải các tỉnh duyên hải Bắc Bộ cũng đều có đền thờ Bà có tên là Tiên la Hải Phòng, Tiên La Nam Định,…Trải gần hai nghìn năm qua, hàng năm đều có tế lễ, nhân dân nói rằng hàng năm vào ngày chính kỵ, ban đêm trên nóc hậu cung rực sáng một vầng hào quang. Bà còn có hàng chục bài chầu văn lưu truyền trong dân gian ca ngợi Thánh tích, công đức của Bà khi cử hành Thánh Lễ Đạo Mẫu Việt Nam. Trong đó có bài văn chầu kể lại khá đầy đủ Thánh tích của Bà đã trở thành trường ca truyền khẩu dân gian như sau:
VĂN CHẦU THÁNH MẪU BÁT NÀN TƯỚNG QUÂN
Hàng năm mười bẩy tháng Ba,
Ai về đến huyện Hưng Hà
Tới thăm Lễ Hội tên Bà Thục Nương
Chuyện xưa kể vào đầu thế kỷ,
Sau Công Nguyên ở xứ Giao Châu,
Cố đô Việt mấy nghìn năm trước,
Nước Việt Thường lại đến Văn Lang,
Vua Hùng cùng với Thục Vương Tây Âu Lạc
Dẫn đầu quân Đại tướng Tuần Tranh
Chống nhà Tần năm chục vạn quân
Diệt Đồ Thư giữ yên nước Việt
Xây Cổ Loa nơi cũ Việt Thường
Triệu Đà dùng kế hiểm sâu
Xui con Trọng Thủy làm chồng Mị Nương
Nỏ thần mất lẫy bị quân cướp thành,
Nước Âu Việt mất,
Lại thuộc quyền Nam Vương
Đến khi Tây Hán tìm đường tiến sang,
Dân nước Việt chịu bao tầng áp bức,
Lặn biển sâu mò ngọc tìm trai,
Vào sâu rừng tìm bắt tê ngưu
Vàng bạc, gỗ thơm, hương liệu quý, …
Phải tìm cho bằng thấy mới xong,
Rồi gom hết lại cho phường xâm lăng
Người dân Việt không còn tuấn kiệt
Khấn Trời xin được Thánh giáng lâm
Năm mười bẩy ngày Rằm tháng Tám,
Đúng canh Dần, Tiên Chúa giáng sinh,
Một Nàng công chúa xuống trần
Sinh vào họ Vũ ở miền Phượng Lâu
Ở vùng đất cổ Phong Châu
Cha là Công Chất từ lâu đức dày
Mẹ họ Hoàng tên tự Thị Mầu
Đặt tên con gái là nàng Thục Nương
Mười sáu tuổi sắc soi gương nước,
Vẻ xinh tươi mặt ngọc ánh đào
Thướt tha sắc diện nhường nào,
Tây Thi còn thẹn, sánh sao cho bằng
Phận gái đẹp nhưng tài văn võ
Lại đoan trang bao việc đảm đang,
Khi đến tuổi trăng Rằm có lẻ,
Đã bao người dạm hỏi,
Biết sao trả lời.
Còn có kẻ giầu sang cậy thế,
Ép cha nàng để cưới Thục Nương
Vừa hay sính lễ đến nhà,
Có chàng tuấn kiệt Phạm Hương hỏi nàng.
Lời ước hẹn sang thu Loan Phượng
Ai cũng mừng tuyệt thế giai nhân
Ngờ đâu sự biến bất thần
Quan tham Tô Định kéo quân tức thì,
Bắt cha cùng với bắt chàng,
Thoái hôn để cướp lấy Nàng Thục Nương
Thà một chết quyết không hàng giặc,
Đã quyết không cho giặc cướp nàng
Than ôi, cơ sự nhỡ nhàng
Chưa xong lời nói lưỡi gươm cắt rồi.
Thương thay số phận của người trung lương
Giặc kia cường bạo không thường
Vây quân quanh khắp một vùng Phượng Lâu
Truy cho bằng được bắt nàng Thục Nương
Giặc đâu ngờ nàng cao võ nghệ
Tuốt gươm nàng phá vòng vây
Đang đêm thoát hiểm sông này,
Thuyền chèo một mái đến miền Tiên La
Dựng cờ nghĩa Anh tài Vũ dũng
Dân khắp nơi nô nức theo về
Tập binh, mở rộng cõi bờ,
Giáo gươm sáng đất, ánh cờ đỏ mây
Một vùng thoát khỏi đời nô lệ,
Dân ấm no quyết chống bạo tàn
Mấy lần giặc cướp kéo sang,
Phải thua rút chạy vì Nàng Tướng Quân
Thói tham ác việc không dừng
Năm ba mươi chín lại gây thêm thù
Tô Định giết chết chàng Thi Sách
Để răn đe dân Việt lầm than
Vợ Thi Sách là nàng Trưng Trắc
Cùng với em Trưng Nhị xuất quân
Cho người về Tiên La trưng tập
Mời Tướng quân Thục nữ trinh Nương
Cùng chung việc nước, thù nhà
Hai vai gánh vác sơn hà,
Quyết một trận quét đời nô lệ,
Đem máu xương phá bẻ xiềng gông
Xuất quân đánh trận thành công,
Sáu lăm thành cũ, cõi bờ về tay.
Xét công trạng trong hàng Nữ tướng,
Nàng Thục Nương xếp hạng công đầu
Ban phong hiệu Ngọc Hoa Công chúa,
Đông nhung Đại Tướng toàn quân Hai Bà
Nàng bái tạ xin về chốn cũ,
Cởi giáp binh để lại thường dân
Tiên La bái tạ Phật đình,
Lại lo canh cửi, phận mình Nữ nhi.
Trưng Nữ Vương hiển vinh công trạng
Kinh đô này thành cũ Mê Linh
Giao châu độc lập từ đây
Danh xưng Đại Việt lần này có yên?
Vua Quang Vũ dẹp xong Vương Mãng
Lại giao quan tập hợp quân lương
Chọn tất cả hùng binh tinh nhuệ
Lệnh thêm cho Lưỡng Quảng nam chinh,
Thống quân tướng Phục Ba Mã Viện
Phù lạc hầu phó tướng Lưu Long
Chia đường thủy bộ ầm ầm kéo sang
Hai Bà Trưng chia quân đón đánh
Nàng giáp y dẫn đội tiền quân
Dọc ngang chiến trận khói đen chiến bào,
Quân Đông Hán bạt ngàn đồi núi,
Sức quân đông mạnh mấy quân mình,
Trong vòng trận thế đao binh
Đến khi sức kiệt gieo mình xuống sông
Hai Bà đã vào trong đất Mẹ,
Trôi về đến bến Đồng Nhân,
Nhân dân thương vớt lập thờ tại đây.
Tướng Đô Dương cũng đã theo hàng giặc kia,
Toàn quân chỉ có mình nàng lĩnh binh,
Rút quân về giữ Thái Bình.
Sau khi triệt phá binh dân Việt
Mã Viện đưa quân vượt sông Hồng
Đông Nhung Đại Tướng Bát Nàn,
Còn trăm quân sỹ trong vòng giặc vây
Nàng đâu tiếc tấm thân đài các
Vốn là dòng Nữ phiệt Trâm Anh
Một phen nợ Nước, thù Nhà
Ba chín ngày quyết xông pha,
Lương binh đã hết đoản đao giết thù,
Nữ binh giữ tiết trinh tuẫn tiết,
Trong hàng quân đã chết hết rồi.
Oai phong hùng khí còn nàng,
Tả xung hữu đột một mình xông pha,
Giữa rừng gươm giáo sáng lòa
Vung gươm giặc đổ đất hòa máu tươi.
Chuyện xưa kể xiết bao đau xót,
Vũ thị Thục Nương Đại Tướng Đông Nhung
Chiến bào thắm máu hồng liệt nữ,
Ánh chiều xuân sáng đỏ một vùng,
Tiên La, ngày ấy oai hùng,
Ánh chiều bảng lảng sáng bừng bóng gươm
Giặc kinh hãi rẽ ra trốn chạy
Một mình nàng cưỡi ngựa truy phong,
Phút giây đã vượt muôn trùng giặc vây
Ngựa phi đến cây tùng cổ thụ,
Nơi này xưa Đại tướng qua chơi
Giờ đây trở lại máu tươi đẫm mình,
Nàng vẫn quyết không cho giặc bắt,
Tuốt gươm kề tuẫn tiết cho xong
Một dòng máu đỏ lên trời,
Hỡi ôi, thân xác hóa người nghìn thu.
Nàng thầm gọi:
Mẹ ơi có biết, lúc này con đã thác về Trời.
Đông Nhung Liệt nữ ở đời
Chết thiêng chiến trận tuổi đời thanh xuân!
Uy linh nàng hóa về Trời,
Thành ngôi Thánh Mẫu để đời nhớ thương!
Dân gian dựng đền thờ nơi cũ,
Hai nghìn năm nghi ngút khói hương
Tôn Bà Vũ thị Thục Nương,
Đông nhung Đại tướng lên hàng Thượng Thiên,
Những người đã hóa về Trời,
Trong hàng bất tử để đời tôn vinh,
Bà hiển linh về nơi trần thế, thăm chúng sinh, cứu khổ dân mình
Những người được đức ân tình
Vẫn thường thấy rõ Bà trong tháng ngày
Trung trinh, Thanh thoát, Thánh linh,
Bà đi dạo khắp non xanh, sóng ngàn,
Bóng Bà muôn dặm trời cao,
Giảm bao cảnh khổ nỗi đau cõi đời
Bà đưa Xuân đến muôn nơi,
Như Bà mãi trẻ, Xuân tươi chẳng già!
Đến lại nơi xưa Bà tuẫn tiết,
Hai nghìn năm mộ phủ hoa tươi,
Khói hương không dứt mây trời,
Nhớ Tiên giáng thế,
Nhớ Người cứu dân,
Nhớ buổi ấy nước nhà độc lập
Nhớ công lao, ơn đức của Bà,
Nhớ ngày mười bẩy tháng ba
Là ngày kỵ giỗ giờ Bà hóa thân,
Ngày Mười Ba tháng Giêng Âm lịch,
Trời mưa phùn tịch mịch vào Xuân
Mịt mù khói tỏa màn sương,
Mái đền thấp thoáng còn vương ánh chiều
Tiếng chuông đồng vọng đâu đây,
Tiếng ngân thánh thót như dây tơ vàng.
Chúng con xin được vào cung lễ Bà,
Bà ngồi tĩnh lặng như trong Phật đài
Lâm râm khấn xin Bà phù hộ,
Trong phút giây tưởng thấy Bà cười,
Nhẹ nhàng Bà bảo:
Con ơi,
Sửa lòng thanh sạch,
Thì đời con nhẹ bước trần gian
Tổ ban cho phép tu thân,
Để con không bị trầm luân kiếp này
Nghe lời Bà dậy sâu xa,
Xin thưa, con hiểu, từ rày cố hơn.
Xin Bà một chút chứng tâm,…!
Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng (chữ Nôm: 婆徵; mất ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão 43) là tên gọi chung của Trưng Trắc (chữ Hán: 徵側) và Trưng Nhị (徵貳), hai chị em Bà Trưng có một số sách ghi là chị em sinh đôi. Hai Bà Trưng là một trong những Nữ Anh Hùng đầu tiên Dân tộc Việt. Hai Bà Trưng khởi binh chống lại quân Đông Hán, dựng nền độc lập đặt tên nước là Đại Viêt, với kinh đô tại Mê Linh. Hai Bà được quân dân tôn lên làm vua, hiện là Trưng Nữ Vương. Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, truyền rằng vì không chịu khuất phục, Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn không để giặc bắt. Tương truyền sau đó xác Hai Bà Trưng nổi lên giạt vào bãi sông Hồng vì thế gọi là Bãi Đồng Nhân Hà Nội) nhân dân thương xót làm tượng, lập Đền thờ. Sau Lý Anh Tông cho dựng lại vào năm 1160 tại phường Bố Cái tức bãi Đồng Nhân cũ. Năm 1819 thời Nguyễn Gia Long, do bãi bị sạt lở nên dân dời đền vào trường Giảng Võ cũ của thời Lê, thuộc đất thôn Hương Viên, tổng Thanh Nhàn huyện Thọ Xương tức địa điểm hiện nay. ( nay là quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội)
Sự nghiệp
Dưới sự cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định, một số Lạc tướng Mê Linh và Chu Diên bàn mưu chống lại. Để trấn áp các thủ lĩnh Việt, Tô Định bắt giết Thi Sách chồng của Trưng Trắc, là một trong những thủ lĩnh Việt. Tháng 3, năm Canh Tý (40 sau CN ), để trả thù nhà, đền nợ nước, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị cùng với các Nữ Tướng đã hiệu triệu người Việt ở quận Giao Chỉ nổi dậy đánh chiếm trị sở quận Giao Chỉ ở Mê Linh. Quan quân Tây Hán bại trận, Tô Định phải bỏ chạy về quận Nam Hải. Theo lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, dân Việt ở các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nổi dậy hưởng ứng. Hai Bà đã thu phục được 65 thành trì. Sau khi thắng trận, bình định trong các vùng đã giải phóng, với sự ủng hộ của quân và dân Việt, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, lấy Vương hiệu là Trưng Nữ Vương. Hai Bà đã miễn thuế cho dân trong 2 năm.
Lúc đó bên Trung Quốc, sau khi đánh bại Nhà Tân của Vương Mãng, Lưu Tú lên ngôi Hoàng đế hiệu là Quang Vũ Đế phục hưng nhà Hán, đóng đô ở Lạc Dương ở phía Đông nên gọi là Nhà Đông Hán.
Ngày 30 tháng 1 năm Tân Sửu (41 S.CN), Vua Quang Vũ nhà Đông Hán đã ra lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu, chuẩn bị lương thảo, quân đội để cất quân sang đánh Hai Bà Trưng. Nhà Đông Hán lúc đó có rất nhiều mưu sỹ và tướng giỏi, đã sai Mã Viện là một tướng giỏi nhất của Đông Hán, làm Phục Ba Tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó Tướng, tuyển mấy vạn quân tinh nhuệ, và 2000 thuyền chiến chia hai đường thủy bộ sang đánh Hai Bà Trưng. Khi đến Hợp Phố để hội quân thì Đoàn Chí chết bệnh. Năm Nhâm Dần ( năm 42 sau CN), quân Mã Viện tiến theo đường ven biển, mở núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành) thì gặp quân Hai Bà Trưng đánh mấy trận, vì ít quân nên Hai Bà Trưng phải rút lui.
Quân Hán tiến đến Long Biên hai bên đã giao chiến dữ dội. Quân Hán không hợp thủy thổ phương Nam, nhiều người bị chết, trong đó có Bình Lục hầu Hàn Vũ. Hai Bà Trưng mới dựng nước, quân binh chưa được rèn tập, quân khí, lương không đủ, có sách ghi rằng một số tướng lĩnh không phục, trong quân chia rẽ, nên không tập trung được binh lực chống lại quân Đông Hán đã được rèn luyện lại quen chiến trận. Hai Bà Trưng thấy thế giặc mạnh lắm, đánh mấy trận phải thua, lại lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê). Tại Cấm Khê, quân của Hai Bà tiếp tục bị đánh bại. Quân Hán chém hơn nghìn người, bắt hàng hơn 2 vạn quân của Hai Bà Trưng. Theo sử Việt và truyền thuyết thì ngày 6 tháng 2 năm 43 sau CN, Hai Bà chạy đến xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc ( nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) thế bức quá, không để cho giặc bắt, Hai Bà gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận.
Sau khi Hai Bà Trưng mất, cuộc chiến của người Việt còn kéo dài một thời gian là 39 ngày nữa với sự cầm cự kiên cường của đội nữ binh tinh nhuệ do Đông Nhung Đại Tướng quân Vũ thị Thục Nương thống lĩnh, dựa vào địa hình đầm lầy hiểm trở của rừng ngập mặn ven biển Lục Hải (nay là vùng duyên hải tỉnh Thái Bình). Quân Đông Hán đã phục kích khi đội quân Bà Vũ thị Thục Nương vận chuyển lương thực. Trận chiến cuối cùng đội quân của Bà trong vòng vây quân Đông Hán kéo dài đến ngày 17 tháng Ba năm 43 sau CN thì kết thúc khi Bà cùng tất cả binh sỹ đều tử tiết. Nhân dân vùng duyên hải miền Bắc Việt nam lấy ngày này làm ngày chính kỵ Bà Vũ thị Thục Nương cùng binh sỹ của Bà.
Một số sách Thống chí và Hậu Hán Thư thì Hai Bà Trưng đều bị chém. Theo sách Hậu Hán Thư phần Lưu Long truyện thì Lưu Long đốc quân đuổi theo bắt được Trưng Nhị còn trong Mã Viện truyện thì cho biết quân Mã Viện khi truy sát quân nổi dậy tới Cấm Khê đã chém được cả Trưng Trắc lẫn Trưng Nhị và đem đầu về Lạc Dương.
Sử Việt và truyền thuyết dân gian Việt Nam đều ghi nhận Hai Bà Trưng nhẩy xuống tuẫn tiết tại sông Hát Môn. Xem xét các tượng thờ cổ của Hai Bà Trưng đều thấy Hai Bà giơ hai tay lên trời – rõ nhất là Đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân – Hà nội là nơi tương truyền xác Hai Bà Trưng trôi dạt về đây. Hình tượng này khá điển hình của người chết đuối. Lại xét các binh khí, đồ thơ tế tự trong đền thờ Hai Bà Trưng đều sơn mầu đen,…Những học giả thiên về việc Hai Bà chết vì vũ khí cho rằng vì kiêng mầu vũ khí là đỏ (?) nên sơn đen. Có một câu hỏi tại sao vũ khí lại là mầu đỏ ? Theo thuyết ngũ hành về mầu thì đỏ là Hỏa, không có liên quan gì đến vũ khí. Mầu đen là Thủy, và lễ giỗ gần 2000 năm qua của dân gian Việt phải xuất phát từ hiện thực lịch sử về cái chết, ngày chết của Hai Bà Trưng cũng như các ngày lễ giỗ các tướng lĩnh của Hai Bà như Bà Vũ thị Thục Nương, Lê Chân,…. Truyền thống tín ngưỡng Việt từ xưa cấm, kỵ nói sai, hiểu sai về Thánh, Thần, phải rất trung thực, tôn kính các bậc tiên liệt.
Thực hiện chế độ cai trị trực tiếp của quan lại Nhà Đông Hán. Sau khi đã chiếm lại được nước Việt từ Hai Bà Trưng, Mã Viện mới rút quân trở về nước năm 44 SCN. Quân Hán bị thương vong rất nhiều, khi tàn quân trở về chỉ còn một phần ba quân số ban đầu vào đất Việt là còn về đến Trung nguyên.
Đánh giá
Sử gia Lê Văn Hưu viết:” Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật nam, Hợp phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương, dễ như trở bàn tay, đủ biết hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm thần bộc cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà ư!”
Sử gia Ngô Sỹ Liên bàn:” Họ Trưng giận Thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta xuýt được khôi phục, khí khái anh hung không những lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa; phàm gặp việc tai thương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không ứng. Cả
bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sỹ, cái khí hung dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi”.
Vua Dực Tông Hoàng đế nhà Nguyễn (1847 – 1883, Niên hiệu Tự Đức) viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm” !
Thời kỳ Hai Bà Trưng là một trang sử vàng oanh liệt trong lịch sử dựng nước, giữ nước của Dân tộc Việt Nam. Vì trải qua nhiều thăng trầm của thời thế nên sách sử Việt chỉ còn lưu mấy trang ngắn, những tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng gần hết đều được nhân dân lập đền thờ phụng. Nhưng công trạng của các Bà đã cùng Hai Bà Trưng lập nên công trạng hiển hách lại chưa được ghi vào chính sử nước nhà thật là sơ xuất với Tiền Nhân Nước Đại Việt !
Tại phương Bắc, Hán Quang Vũ Đế mới hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc sau chiến tranh kéo dài từ cuối thời nhà Tân. Trong nước chỉ còn những cuộc nổi dậy chống đối nhỏ, vì vậy vua Hán có thời gian chú tâm đến việc cướp lại đất Giao Chỉ của người Lạc Việt.
Xét lịch sử Thế giới cũng như Việt Nam, nhân vật lịch sử Hai Bà Trưng cùng các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng đều là những Nữ Anh Hùng kiệt xuất vượt lên trên nhiều bậc Anh hùng của mọi thời đại. Nhất là các Bà