18/06/2018, 17:03

Thiền sư Đại Sán với chúa Nguyễn Phúc Chu

Bùi Quang Hùng Đại học Thành Công, Đài Loan 1. Mở đầu Thiền sư Đại Sán được đánh giá là một trong những vị sư nổi tiếng không chỉ về Phật giáo mà còn nổi tiếng cả về thi họa thời kỳ cuối Minh đầu Thanh của Trung Quốc. Tiếng tăm của ông không chỉ nổi ở vùng Lưỡng Quảng và ...

thien su Dai San.jpg

Bùi Quang Hùng

Đại học Thành Công, Đài Loan

1. Mở đầu

Thiền sư Đại Sán được đánh giá là một trong những vị sư nổi tiếng không chỉ về Phật giáo mà còn nổi tiếng cả về thi họa thời kỳ cuối Minh đầu Thanh của Trung Quốc. Tiếng tăm của ông không chỉ nổi ở vùng Lưỡng Quảng và kinh thành Trung Quốc mà còn đến tận Việt Nam và được chúa Nguyễn thỉnh mời đến Quảng Nam. Hai trước tác của ông còn lưu lại đến nay là Ly lục Đường thi tập (離六唐詩集) và Hải ngoại kỷ sự (海外紀事).Trong đó Ly lục Đường thi tậpviết trước khi ông sang Quảng Nam. Còn Hải ngoại kỷ sự thì được viết trong thời gian ở Quảng Nam. Về họa, hiện vẫn còn một số bức danh họa đang lưu giữ trong bảo tàng Quảng Đông và bảo tàng Mỹ thuật Quảng Châu (Trung Quốc).

Về con người của Đại Sán cũng như văn thơ của ông, cho đến nay còn nhiều tranh cãi, trong đó có thể phân làm hai phái: ca ngợi và phản bác. Cụ thể, phái ca ngợi cho rằng ông là người đắc đạo, tài hoa lỗi lạc, thông minh dĩnh ngộ. Ngược lại phái phản bác thì cho rằng ông là người mưu tính lợi lộc, bút cùn tài mọn.

Khi sang Quảng Nam, thiền sư Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu nhất mực trọng dụng. Đáp lại tấm thịnh tình đó, thiền sư Đại Sán cũng có những đóng góp không nhỏ trong việc thay đổi tình hình Phật giáo Đàng Trong cũng như tư tưởng chính trị của chúa Nguyễn Phúc Chu. Có thể nói mối lương duyên của họ tuy ngắn ngủi những cũng đã đủ để tạo nên một dấu ấn lịch sử.

2, Thương gia Trung Quốc ở Đàng Trong trong mối liên hệ giữa chúa Nguyễn và thiền sư Đại Sán

Đầu thế kỷ XVII, sau khi nhà Nguyễn tách ra khỏi Đàng Ngoài, đã tự thiết lập một đế chế, chính vì vậy mâu thuẫn hai miền thường xuyên xảy ra. Do bối cảnh lịch sử như vậy, việc bang giao với bên ngoài của Đàng Trong có nét đặc thù như sau, phía bắc luôn phải đối phó với Đàng Ngoài; phía nam luôn phải đối phó với Chiêm Thành, nhưng lại giao lưu thân thiết với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây qua con đường thương mại hàng hải. Vì vậy “Từ góc độ chính trị mà nhìn thì lịch sử Đàng Trong chủ yếu là quá trình cát cứ với hai hoạt động bắc cự và nam tiến của tập đoàn phong kiến họ Nguyễn, song rõ ràng lực lượng thống trị này chỉ có thể làm được điều đó trên cơ sở những kết quả xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ tổ quốc của các tầng lớp nhân dân Đàng Trong (Đại Nam liệt truyện tiền biên. tr.14).”

Do bối cảnh đất nước phân chia, xã hội loạn lạc, nên mọi vấn đề của xã hội bị mai một xuống cấp, trong đó phải kể đến tình hình Phật giáo của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, lúc này chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều ra sức khôi phục lại Phật giáo nhằm mục đích phục vụ cho chính trị, nhưng nó vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc. Đây cũng là ngọn nguồn của mối lương duyên giữa Đại Sán và hai đời chúa Nguyễn.

Trong việc mời thiền sư Đại Sán đến Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XVII của chúa Nguyễn Phúc Thái và chúa Nguyễn Phúc Chu, thì thương gia Trung Quốc ở Quảng Nam lúc đó có một vai trò hết sức quan trọng trong việc mai mối để chúa Nguyễn biết đến đại danh của thiền sư Đại Sán cũng như trong việc thỉnh mời ông đến Việt Nam. Vậy trong số những thương gia Trung Quốc đến Quảng Nam lánh nạn và buôn bán đó, họ là ai, thuộc tầng lớp nào, và vai trò của họ ra sao?

Căn cứ theo các tư liệu còn lưu lại trong Hải ngoại kỷ sự và Đại Nam liệt truyện tiền biên, thì có thể chia ra làm hai nhóm người, đó là các tăng sư và các thương gia Trung Quốc lúc đó. Trong hai nhóm người Trung Hoa này, nhóm có thể tiếp cận chúa Nguyễn một cách dễ dàng và được tin dùng hơn cả là những tăng sư di dân từ Quảng Đông đến, vì chúa Nguyễn lúc đó rất sùng đạo Phật và coi trong tăng sư. Thành phần thứ hai, đó là thương gia người Trung Quốc đến từ Lưỡng Quảng bằng đường biển. Những thương gia này thường xuyên qua lại từ Lưỡng Quảng đến Đàng Trong để buôn bán, họ không chỉ có vai trò tích cực trong việc liên lạc giữa Lưỡng Quảng và chúa Nguyễn đặc biệt là với Đại Sán, mà còn là những người trực tiếp giúp Đại Sán đến Đàng Trong cũng như các sứ giả của nhà Nguyễn sang thỉnh mời Đại Sán.

Khởi nguồn cho việc biết đến danh tiếng của Đại Sán không ai khác chính là các thương gia người Trung quốc ở Đàng Trong, bởi Đại Sán vốn là người nổi tiếng không chỉ trong giới Phật giáo vùng Lưỡng Quảng mà còn nổi tiếng về cả thơ họa, trong giới Phật giáo và văn đàn vùng Lưỡng Quảng, Đại Sán thường giao du với những người nổi tiếng, quý tộc và quan lại. Theo ghi chép của Đại Nam liệt truyện tiền biên thì nguyên do Đại Sán xuất gia là vì không phục nhà Minh (Sđd, tr.262). Rất có thể vì vậy mà Đại Sán được các nhà sư người Trung Quốc vốn bất mãn với nhà Minh hết sức tung hô ca ngợi Đại Sán với chúa Nguyễn.

Cho đến nay, tư liệu ghi chép về những người Trung Quốc tại Đàng Trong giúp chúa Nguyễn đi mời Đại Sán được ghi chép trong thư tịch của Trung Quốc như Hải ngoại kỷ sự và Việt Nam trong Đại Nam liệt truyện tiền biên (ĐNLTTB). Trong đó gồm 3 lần và cả ba lần đều do người Trung Quốc đảm nhiệm, điều này cũng dễ hiểu vì vấn đề ngôn ngữ và thông thổ.

Người được ân huệ và trọng dụng nhất thời Anh Tông Hoàng đế phải nói đến Tạ Nguyên Thiều. Tạ Nguyên Thiều tên tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi xuất gia đến ở chùa Báo Tư, là môn đồ của Khoáng Viên hòa thượng.

Thái Tông Hoàng đế, Ất Tỵ (1665) năm thứ 17, Nguyên Thiều theo thuyền buôn sang nam, cắm gậy thiếc ở phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, mở rộng tượng giáo. Sau đó Nguyên Thiều đến núi Phú Xuân ở Thuận Hóa, dựng chùa Quốc Ân xây tháp Phổ Đông. Rồi vâng mệnh Anh Tông Hoàng đế đi sang Quảng Đông đón thiền sư Đại Sán Thạch Liêm và lấy pháp tượng, pháp khí về, được sắc sai trụ trì ở chùa Hà Trung (Đại Nam liệt truyện tiền biên, bản đánh máy do tổ Cổ sử phiên dịch, quyển 6, tr.190) .

Cũng theo Đại Nam liệt truyện tiền biên thì Anh Tông Hoàng đế từng sai Tạ Nguyên Thiều qua đất bắc cầu cao tăng, nghe Liêm giỏi thiền học bèn mời tới, Liêm vui mừng liền cùng Nguyên Thiều vượt biển qua Nam, khi tới được cho ở chùa Thiên Mụ (tr.262). Nếu căn cứ vào hai dẫn chứng nêu trên chúng ta thấy rằng, Đại Sán đã sang Quảng Nam từ thời Anh Tông, và là thành quả của Nguyên Thiều đi mời.

Tuy vậy Chen Jing Ho trong quyển Thất thập tế kỷ Quảng Nam chi tân sử liệu sau khi phân tích so sánh tư liệu giữa Đại Nam liệt truyện tiền biên  Hải ngoại kỷ sự lại cho rằng Đại Sán sang Quảng Nam không phải do Nguyên Thiều đi mời, nghĩa là thời Anh Tông Hoàng đế không mời được Đại Sán sang (Chen Jing Ho: 17). Điều này không phải không có căn cứ vì theo Hải ngoại kỷ sự Đại Sán ghi: “Ngày mồng 4 tháng 8 năm Giáp Tuất, người nhà gõ cửa tin cho biết có khách là sứ giả nước Đại Việt đến. Sứ giả người tỉnh Phúc Kiến, tay nâng phong thư giấy vàng cung kính, sụp lạy dâng lên cùng với các lễ vật… thưa rằng “Đại Việt quốc vương từ lâu ngưỡng mộ hòa thượng. … Kể từ tiên vương (tức Nghĩa vương) đã có thư mời, đến nay nữa là ba lần cả thảy. Mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy…”. Hiển nhiên thấy rằng chính Đại Sán cũng cho rằng việc ông chấp nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu sang Quảng Nam là do cảm động tấm thịnh tình của nhà Nguyễn mời đến lần thứ ba. Và việc đi mời một lần nữa lại do hai nhà thương gia người đất Mân Nam là Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan.

Từ những vấn đề ở trên ta thấy rằng, trong việc đi mời Đại Sán thì Anh Tông Hoàng đế và Hiển Tông Hoàng đế đã sử dụng triệt để tính ưu việt là ngôn ngữ và thông thổ cũng như tiện lợi trong giao thông của thương gia Trung Quốc để phục vụ cho mục đích phục hồi Phật giáo của mình. Đặc biệt là Hiển Tông Hoàng đế không chỉ dùng thương gia người Mân Nam đi mời mà còn cho một nhà sư người Trung Quốc đích thân viết thư cùng Hiển Tông Hoàng đế mời Đại Sán sang Quảng Nam để nhấn mạnh tấm thịnh tình của mình.

Mối quan hệ của các thương gia người Trung Quốc với chúa Nguyễn Phúc Chu không chỉ dừng lại sau khi đã mời được Đại Sán, mà ngay cả khi Đại Sán đã trở về Quảng Đông. Sau khi trở về Quảng Đông, cảm động trước mối thịnh tình của chúa Nguyễn Phúc Chu, Đại Sán còn viết thư gửi các thương gia Trung Quốc sang cho chúa Nguyễn Phúc Chu (ĐNLTTB: 262~263).

Như vậy có thể nói, trong vai trò của những người môi giới, các thương gia Trung Quốc tích cực giúp Anh Tông Hoàng đế và Hiển Tông Hoàng đế trong việc mời Đại Sán đến Đàng Trong.

3, Sự ảnh hưởng của thiền sư Đại Sán đối với chúa Nguyễn Phúc Chu

Nói đến thiền sư Đại Sán, người ta thường đánh giá cao sự ảnh của thiền sư với Phật giáo Đàng Trong, mà quên đi ảnh hưởng của ông đối với chúa Nguyễn Phúc Chu lúc bấy giờ.

Khi đến Quảng Nam, Thiền sư Đại Sán vốn được chúa Nguyễn Phúc Chu coi trọng, giao phó cho việc khôi phục lại Phật giáo ở Đàng Trong, thường xuyên được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đàm đạo việc Phật pháp (ĐNLTTB: 262). Ở địa vị như một quốc sư khi đó, thiền sư Đại Sán không chỉ đưa ra những ý kiến phục hồi Phật giáo, mà còn muốn Nguyễn Phúc Chu làm nên cơ đồ nhà Nguyễn. Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi: “Liêm khéo can gián, cũng có nhiều điều có ích. Nhà dân ngoài đô thành thường ban đêm hay bị cháy, chúa tự mình đốc suất quân binh cứu hỏa. Liêm can rằng “Đêm hôm tăm tối, xe rồng há lại có thể khinh dị mà ra ngoài sao. Chuyện rồng tráng mang lốt cá người xưa còn răn, xin chúa lưu ý chỗ ấy”, chúa rất khen ngợi và nghe theo từ đó không ra khỏi cung ban đêm nữa (ĐNLTTB: 262).

Trong thời gian ở Quảng Nam, sau những lần diện kiến với chúa Nguyễn Phúc Chu, thiền sư Đại Sán cảm thấy không bày tỏ được hết tâm ý của mình với chúa Nguyễn vì vấn đề bất đồng ngôn ngữ, thiền sư Đại Sán đã dùng phương pháp bút đàm viết sớ tấu trình chúa Nguyễn những chính kiến của mình về vấn đề lập quốc và giữ nước, trong đó gồm 4 điều, nội dung tập chung vào 3 điểm chính đó là: chính danh, quân sự, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Khi nhìn thấy tình hình Nam Bắc phân tranh, chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn vẫn chưa được chính thức được phong vương, thiền sư Đại Sán đã nhân cơ hội này bày cho chúa Nguyễn đi cống triều Thanh để xin phong vương, từ đó có thể dựa vào thế mạnh của Quảng Đông để làm uy cho các nước nhỏ láng giềng thuần phục. (Chen Jing Ho 1960: 22).

Về binh pháp, ông cũng đã có những kiến nghị cho việc tăng cường việc bảo vệ biên cương với các nước, tăng cường binh lính nơi biên giới. Với quân sỹ, thiền sư Đại Sán còn đưa ra những cách để lấy lòng quân sỹ, chiếm được lòng trung thành của quân sỹ khi có ngoại xâm. Chỉ cách sử dụng quân sỹ như: “Thời cổ, không phân biệt võ binh với dân, quốc gia vô sự thì an cư cày cấy, khi có chinh phạt thì lên lưng ngựa đứng vào quân ngũ. Mỗi khi việc nông kết thúc, thì luyện tập, hướng dẫn nghĩa tôn vương…” v.v… (Chen Jing Ho 1960: 23).

Đối với việc bồi dưỡng giáo dục nhân tài cho đất nước, thiền sư Đại Sán đã kiến nghị lập trường học để bồi dưỡng nhân tài, lấy học của Khổng Tử làm chính, trong đó lấy Tứ thư, Ngũ kinh làm việc tu thân và quản lý thiên hạ. (Chen Jing Ho 1960: 23)

Từ đó ta thấy, thiền sư Đại Sán quả là con người biết nhìn nhận thời cuộc, biết lấy lòng quân tử. Là một thiền sư được mời đến chỉ với mục đích Phật giáo, nhưng khi thiền sư Đại Sán đến Quảng Nam gặp chúa Nguyễn, thiền sư lại chủ động trình lên chúa Nguyễn những kiến nghị về chính trị, đây là một công việc đúng ra phải là của một cận thần.

Về phần chúa Nguyễn, vốn dĩ rất coi trọng thiền sư Đại Sán, sau khi nhận được những kiến nghị của thiền sư đã có những thay đổi rõ rệt về chính sách. Chúa Nguyễn đã đem những lời trình tấu của thiền sư Đại Sán biến thành những quy định luật pháp của triều Nguyễn, coi đó là một chuẩn mực luật pháp: “Nước ta phép tắc dân tình vốn bị khiếm khuyết, nay được lão hòa thượng vì chúng ta mà lấy lễ pháp của Trung Hoa chỉ dạy cho 18 điều, nay đem khắc trước phủ để văn võ bá quan và người dân biết, ngoài ra làm 24 thẻ bài phân loại ghi rõ, nếu như kẻ nào vi phạm người bị hại có thể kiện, bất luận là hoàng thân quốc thích văn võ bá quan hay thứ dân, đều căn cứ theo pháp luật mà trị tội”. (Chen Jing Ho 1960: 24)

Bên cạnh đó, đối với tăng giới trong Phật giáo, chúa Nguyễn cũng có những quy định rõ ràng, phàm là những người đã được thiền sư Đại Sán thọ giới thì sẽ được triều Nguyễn cấp giấy chứng nhận, coi đó là một chuẩn mực, đồng thời những người đó sẽ được miễn thuế thân và miễn đi lính.

Như vậy có thể thấy rằng thiền sư Đại Sán rất có ảnh hưởng đối với chúa Nguyễn, ngoài những việc đem những lời khuyên của thiền sư Đại Sán thành những quy định luật pháp của triều Nguyễn lúc đó, năm Mậu ngọ (1702) chúa Nguyễn Phúc Chu còn sai hai người Quảng Đông là Giám sinh Hoàng Thần và nhà sư Hưng Triệt mang cống vật sang cống triều Thanh để xin phong vương (Đại Nam thực lục tiền biên, Tai Bei 2000: 5).

4. Kết luận

Qua những vấn đề nêu trên, ta thấy, để có cuộc gặp gỡ giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và thiền sư Đại Sán vào cuối thế kỷ XVII, thì các thương gia Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối xúc tiến cho cuộc hội ngộ này.

Về phần chúa Nguyễn Phúc Chu, vốn dĩ là người ngưỡng mộ tài đức của thiền sư Đại Sán từ khi còn chưa được lên vương, vì lòng mộ đạo, khi mời được Đại Sán sang cũng chỉ với mục đích mộ đạo và mong muốn phục hưng Phật giáo Đàng Trong lúc đó. Tuy nhiên chính vì sự quá trọng dụng và ngưỡng mộ, mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã bị ảnh hưởng rất nhiều cả về tư tưởng chính trị của thiền sư Đại Sán, điều mà đôi khi chính chúa Nguyễn Phúc Chu không hẳn đã ngờ tới.

0