18/06/2018, 16:01

Thanh binh nhập quan

Nguyễn Duy Chính LỊCH SỬ Triều Minh khởi đầu khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đuổi được người Mông Cổ lên ngôi hoàng đế năm 1368, niên hiệu Hồng Võ và chấm dứt khi vua Tư Tông, niên hiệu Sùng Trinh thắt cổ chết năm 1644, tổng cộng 276 năm bao gồm 18 đời. Tuy sau đó còn một số ...

thanh binh

Nguyễn Duy Chính

LỊCH SỬ

Triều Minh khởi đầu khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đuổi được người Mông Cổ lên ngôi hoàng đế năm 1368, niên hiệu Hồng Võ và chấm dứt khi vua Tư Tông, niên hiệu Sùng Trinh thắt cổ chết năm 1644, tổng cộng 276 năm bao gồm 18 đời. Tuy sau đó còn một số hậu duệ họ Chu tiếp tục chiến đấu xưng vương xưng đế nhưng không được coi là chính thống. Sự thành công của Chu Nguyên Chương được nhiều sử gia đánh giá là do quân đội nghiêm minh và có tài tổ chức. Minh Thái Tổ cũng làm vua một thời gian khá dài (1368-1398) nên xây dựng được một cơ cấu chính quyền qui mô làm nền tảng cho đế quốc Ðại Minh. Tuy nhiên, ngay từ đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) thì triều chính đã có phần suy bại và liên tiếp 150 năm sau đó, triều Minh càng lúc càng xuống dốc.

Triều đình

Ðời Minh khác với những triều đại khác là hoạn quan được trọng dụng mặc dầu ngay từ đầu, Chu Nguyên Chương đã có chỉ thị con cháu không được tin dùng thị thần đồng thời giảm thiểu vai trò của các văn quan, gia tăng quyền lực cho hoàng đế.

Ðứng đầu của lục bộ là Trung Thư Lệnh, một chức vụ tương đương như thừa tướng của các triều đại trước nhưng bị tiết giảm nhiều, chỉ còn là một cơ quan hành chánh. Năm 1380, vua Hồng Võ giết Hồ Duy Dung (胡維庸) và bãi bỏ cơ cấu này vì e ngại quyền hành của Trung Thư Lệnh có thể ra ngoài tầm kiểm soát đưa đến việc soán ngôi. Trong một chiếu chỉ, Minh Thái Tổ viết rõ là”nếu sau này người nào đưa ra ý kiến lập lại chức thừa tướng thì kẻ đó sẽ bị lăng trì, toàn tộc tru di”.8

Tuy các đại học sĩ có thể có nhiều quyền hành nhưng vẫn tuỳ thuộc vào sự tin cậy và chọn lựa của nhà vua nên không thể nào can gián hay khuyến nghị một khi thiên tử phạm sai lầm. Bên cạnh vua có Nội Các (Grand Secretariat), trên danh nghĩa cũng lớn nhưng thực tế chỉ là một số thư ký của hoàng đế, cấp bậc thấp kém (ngũ phẩm). Càng về sau, nhà vua càng ỷ lại vào đám cận thần này để thay mình lo việc triều chính nên họ tìm mọi cách để gia tăng quyền hành trên thực tế.

Một trong những nguyên nhân suy vi của triều Minh là nạn hoạn quan chuyên quyền. Nhà Minh tuyển hoạn quan theo bốn cách:

– Mỗi khi đem quân đi chinh phục các bộ lạc thiểu số hay các quốc gia chung quanh, nhà Minh chủ trương một đường lối diệt chủng rất tàn ác. Ngoài việc chém giết rất dã man, quân Minh còn bắt đi rất nhiều thanh, thiếu niên đem về làm hoạn quan phục vụ trong triều. Ngay nước ta cũng có nhiều hoạn quan bị bắt buộc sinh sống tại kinh đô trong đó Nguyễn An là một kỹ sư nổi tiếng, đóng góp nhiều công lao trong việc hoạ kiểu và kiến tạo thành Bắc Kinh. Hai người khác cũng thuộc dân tộc thiểu số mà chúng ta nghe danh là Trịnh Hoà và Uông Trực.

– Triều đình nhà Minh cũng bắt các phiên thuộc hàng năm phải triều cống một số hoạn quan trong đó nước ta và Triều Tiên là hai quốc gia chính, có lẽ vì hình dáng người Việt và người Cao Ly gần gũi với người Hán hơn cả.

– Một số tội nhân và thân tộc của những người bị hình án cũng bắt buộc phải thiến để nhập cung làm quan thị.

– Ðông hơn hết là những trẻ em con nhà nghèo phải bán mình vào cung, tự nguyện yêm cát coi như một nghề sinh nhai.
Ngay từ đầu, Minh Thái Tổ đã cho khắc một tấm bia ngay trước cung điện, ghi rõ:”Hoạn quan không được tham dự triều chính, ai vi phạm sẽ bị tử hình”. Về sau ông lại còn nghiêm khắc hơn ra lệnh không cho hoạn quan mặc triều phục và không được cao hơn tứ phẩm.

Thế nhưng ngay sau khi ông qua đời, vua Vĩnh Lạc cướp ngôi của cháu (vua Kiến Văn) vì có đám nội thị làm tay trong nên đã thay đổi chính sách, ban cho hoạn quan tước vị và giao cho họ cả những nhiệm vụ quân sự. Số hoạn quan được tuyển dụng cũng tăng vượt mức từ trước tới giờ và đời Vạn Lịch ngay tại kinh đô có đến trên 10,000 người. Vì vua chúa suốt ngày ở trong cung cấm, hoạn quan trở thành đường dây duy nhất truyền đạt mệnh lệnh và tin tức giữa hoàng đế và các quan nên vai trò của họ thành quan trọng. Những ai muốn được lòng nhà vua đều phải thông qua thái giám trước.9

Từ cuối thế kỷ XVI thì hoạn quan càng lúc càng nhiều quyền hành, lập nên Ðông Xưởng để khống chế binh quyền và tra tấn các quan lại chống lại họ. Quyêàn hành của hoạn quan càng lúc càng lớn, về sau tham dự vào cả quyết định của nhà vua. Các vương tử cũng cấu kết với hoạn quan để làm giàu, trở thành một giai cấp quí tộc sống xa xỉ và cách biệt với quần chúng. Tài sản của nhiều thân vương và hoạn quan lên đến mức không thể tưởng tượng nổi trong khi ngoài đường dân chết đói.

Quân sự

Ðầu đời Minh, tổ chức binh bị của Trung Hoa khá chu đáo và có nhiều cải tiến về huấn luyện cũng như về trang bị. Nhà Minh tổ chức theo phép gọi là”vệ sở cheá”tương tự như”phủ binh cheá”đời Ðường. Mỗi đơn vị gọi là một sở có 1128 người, bốn sở thành một vệ vào khoảng 5600 người. Những đơn vị đó được chia ra trấn giữ những khu vực hiểm yếu, nhiều vệ họp lại dưới quyền một đô chỉ huy sứ là chức võ quan cao cấp nhất tại địa phương.

Tất cả các vệ sở trong toàn quốc đặt dưới quyền của Ngũ Quân Ðô Ðốc Phủ nhưng phủ Ðô Ðốc lại do Bộ Binh điều động trong thời chiến. Nói tóm lại Bộ Binh đưa ra mệnh lệnh và các nguyên tắc, phủ Ðô Ðốc chỉ làm nhiệm vụ thi hành. Việc điều động quân đội từ vùng này sang vùng khác, đề cử cấp chỉ huy mỗi khi có chiến dịch cốt để tránh việc tập trung quyền hành vào một cá nhân gây ra nạn chuyên quyền như trong các triều đại cũ.

Nhà Minh cũng phối hợp binh chế với hệ thống”đồn điền”là phép nuôi binh mà người Trung Hoa đã dùng từ xưa. Mỗi binh sĩ được cấp phát một số ruộng đất, cả nông cụ để tự canh tác và nuôi sống bản thân, gia đình để nhẹ gánh cho quốc gia. Việc phối hợp đó khiến cho nhà Minh vừa có thể dãn dân ra những nơi đất rộng người thưa, vừa gia tăng canh tác và sản xuất. Theo Minh Sử, 70% quân sĩ đóng ở biên giới làm nghề nông trong khi chỉ có 30% đóng vai trò canh gác còn trong nội địa thì số binh sĩ trở về làm ruộng lên đến 80%.

Chính vì hệ thống này, nhà Minh có đến hơn một triệu quân, sản xuất ra được hơn 5 triệu đảm10 gạo, không những đủ ăn mà còn có thể nuôi cả các cấp chỉ huy. Mỗi lần viễn chinh, nhà Minh cũng có thể điều động một đội quân khá lớn mà các triều đại khác không thể bì kịp, chẳng hạn như đem 25 vạn quân đánh chiếm Vân Nam (Ðại Lý cũ) năm 1382 rồi năm 1406 lại đem hơn 20 vạn quân sang đánh nước ta (sử nhà Minh chép là tổng số quân điều động lên đến 80 vạn, có lẽ gộp chung cả việc đánh Miến Ðiện, Lan Na và Vân Nam).

Tuy nhiên chỉ sau khi nhà Minh được thành lập vài chục năm, quân đội không còn uy thế như lúc đầu mà dần dần trở thành một loại sai dịch cho triều đình và quan lại. Các quan địa phương cũng dần dần coi sóc luôn cả việc binh bị và những chức vụ văn võ càng ngày càng chồng chéo lên nhau khiến cho việc điều động trở nên khó khăn và phức tạp.

Nhà Minh lại chia quân đội ra làm hai loại: Ở hai kinh (Nam Kinh và Bắc Kinh) có nội vệ hay kinh vệ còn ở bên ngoài có ngoại vệ đóng rải rác khắp nơi trên toàn quốc. Nội vệ bao gồm ba doanh: Ngũ Quân Doanh, Tam Thiên Doanh và Thần Cơ Doanh. Ngũ Quân và Tam Thiên được tổ chức khi đánh nhau với Mông Cổ còn Thần Cơ Doanh tức binh đội chuyên sử dụng súng đại bác được tổ chức từ sau khi chiếm được nước ta và nhà Minh đã thu được một số súng ống của nhà Hồ, bắt chước chế tạo để thành lập ra đội quân này12. Chính một kỹ sư có tài người nước ta là Hồ Nguyên Trừng, con trai lớn của Hồ Quí Ly, đã bị bắt giải về Bắc Kinh để trông coi việc chế tạo súng ống trang bị cho Thần Cơ Doanh.13

Kinh quân lên đến cao điểm thời Thành Tổ (Vĩnh Lạc) khoảng 1 triệu quân và đã đánh với Mông Cổ sáu lần từ năm 1403 đến 1435. Thế nhưng sau đó đoàn quân này bị thảm bại và trong trận Thổ Mộc Bảo năm 1449 bị giết sạch chỉ còn chưa đầy một vạn. Chính vua Minh lúc đó là vua Anh Tông (Chính Thống) cũng bị bắt làm tù binh, người em lên nối ngôi tức vua Thái Tông (Cảnh Thái).

Cũng như nhiều triều đại khác, nhà Minh rất e ngại việc các dân tộc miền bắc trở thành một lực lượng đe dọa nên ngoài việc tu bổ trường thành, triều đình cũng tập trung một lực lượng phòng vệ thường trực rất lớn đóng dọc theo biên cảnh tới sát tận Liêu Ðông vòng qua Bắc Hải. Vào thế kỷ thứ XV, họ có đến 25 địa điểm đồn trú (vệ sở) nhưng đến thế kỷ thứ XVI thì về phẩm lẫn lượng càng ngày càng kém dần, nhiều đơn vị chỉ còn là những đội quân ma chỉ hiện hữu trên giấy tờ. Nhà Minh lúc này phải trông cậy vào những phiên trấn (frontier feudalism) – một loại chúa tể của từng vùng để chống giữ. Những lãnh chúa đó được cha truyền con nối và trên danh nghĩa họ là quan chức triều đình nhưng thực tế quân đội là thân binh riêng của họ.

Kinh nghiệm của quá khứ cho thấy người Trung Hoa rất sợ những bộ tộc vùng bắc trường thành có thể kết hợp được với nhau để thành một lực lượng thống nhất và họ có thể xâm lăng miền nam. Thành thử cũng như nhiều triều đại trước đây, nhà Minh tìm đủ mọi cách để chia rẽ và mỗi bộ tộc coi như một tiểu quốc chư hầu. Nếu có ai trở nên vượt trội thì họ sẽ tìm một thế lực khác cùng được phong tước hiệu làm miếng mồi nhử cho họ cấu xé lẫn nhau. Chính sách chia để trị đó đã giữ Trung Hoa được yên ổn trong một thời gian khá lâu.

Từ đời Vạn Lịch, hầu hết các vệ sở được coi như những đoàn lính đánh thuê (mercenaries). Trên giấy tờ, tổng số quân vào khoảng gần một triệu trong đó khoảng 30 vạn trấn đóng biên phòng, 60 vạn còn lại đóng ở hai kinh và các tỉnh nhưng khả năng cũng như lương bổng đều thấp kém. Nhiều lần chính binh sĩ nổi lên giết quan lại và cướp bóc dân chúng vì không được trả lương, các võ quan thì”tống tiền”văn quan để có đủ chi phí14. Albert Chan miêu tả quân đội nhà Minh như sau:

Nói chung, quân lính đánh thuê của nhà Minh cũng kém cả về phẩm (low quality). Họ được trưng binh từ dân nghèo, bọn vô lại du thủ du thực, và về sau cả đến bọn cướp nữa. Họ cũng chẳng được huấn luyện quân sự bao nhiêu, thành ra chẳng có kỷ luật. Lương đã thấp mà trang bị lại kém cỏi nhưng triều đình không còn biết sao nếu không dựa vào họ.
Ngay cả đến quân đội trấn đóng tại kinh thành – vốn dĩ là thành phần tinh nhuệ nhất – cũng chẳng hơn gì:

Trên giấy tờ thì kinh doanh (京營) vào khoảng 120,000 người nhưng một nửa số đó không có mặt, còn lại là thành phần lưu manh, không thể nào tin cậy để bảo vệ kinh thành được một khi có chiến tranh. Triều đình cũng không dám cải tổ hay huấn luyện gì cả, e ngại họ nổi loạn.15

Trong nhiều trường hợp, danh sách lính chỉ có trên giấy tờ, khi quân đội được điều động đến nơi trú đóng đều trốn cả. Việc triều đình không tin cậy vào lính, lính mất niềm tin ở cấp trên đã trở thành một trong những nguyên nhân chính yếu về sự thoái trào của nhà Minh vào thế kỷ XVII.

Vũ khí

Nhà Minh đã có một thời đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển hoả khí, điển hình là việc xâm lăng Ðại Việt trong đó quân Minh sử dụng nhiều loại vũ khí nặng. Chiến tranh luôn luôn tạo nên những nỗ lực cải tiến về quân sự và việc người Mông Cổ xâm chiếm Trung Hoa đã đưa đến nhiều thành tựu mới cho cả hai phía. Ngay cả các quốc gia vùng Ðông Nam Á, trong đó có nước ta, cũng đã chủ động nhiều canh tân quốc phòng nhất là về hải phòng nên đánh bại được đoàn quân viễn chinh vào cuối thế kỷ XIII.

Ngoài việc tổ chức được một đạo quân có lưu động tính cao, người Mông Cổ cũng sử dụng nhiều loại súng bắn đá và thuốc nổ để công hãm thành trì và kỹ thuật chế tạo súng được nhà Minh kế thừa (kể cả việc họ thu dụng những kỹ thuật tối tân hơn của vùng Ðông Nam Á trong đó có Hồ Nguyên Trừng là một kỹ sư cơ giới có tài của nước ta). Chính vì thế mà thế kỷ XIV được nhiều nhà nghiên cứu coi như một thời kỳ cách mạng quân sự (military revolution) của Trung Quốc.16

 Cuộc cách mạng đó phát xuất từ nhu cầu trang bị cho hải thuyền để có thể tấn công từ xa thay vì cận chiến, khởi đầu từ đời Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) khiến người Trung Hoa đã có một thời nổi tiếng trên mặt biển.17Vào thế kỷ XV, các chiến thuyền của họ đã trang bị 50 súng ống đủ loại cùng 1000 viên đạn. Thế nhưng dù họ có nhiều tàu bè lớn nhưng hải quân nhà Minh lại không thể đối phó hữu hiệu với cướp biển vì cồng kềnh và khó tiếp vận khi đã ra khơi và điều đó khiến cho họ mất tin tưởng vào súng ống nên lại quay trở về với vũ khí cổ điển và chiến tranh trên bộ.18

Tới trung diệp nhà Minh, vũ khí của họ dần dần bị lạc hậu và họ phải dựa vào súng ống mua của người Bồ Ðào Nha để phòng ngự miền bắc.

“… Loại súng thần công mạnh có xuất xứ từ hồng di (red-haired barbarians). Người di Hào Kính Áo (濠鏡澳) (tức người Bồ Ðào Nha ở Macao) ở Quảng Ðông biết cách làm. Trời đã thương chúng ta nên mới có bọn di ở Áo giúp ta giữ thành…”19

Thế nhưng người Mãn Châu cũng tìm cách để mua súng ống của Tây phương và nhờ thế họ chiến thắng quân Minh, tịch thu được nhiều súng ống. Theo một báo cáo của quan nhà Minh thì”bọn đông di đã lấy mất 5, 60 khẩu súng và vài triệu cân thuốc nổ để thực tập và đánh lại quân ta (tức quân Minh)…”. Cũng theo tấu thư này thì Nurhaci (1559-1626) nhà Thanh có dưới tay 2 vạn lính và tìm đủ cách để trang bị cho họ.20 Và nào phải chỉ kẻ thù từ bên ngoài mới có nhiều súng ống, chính những đám lưu khấu21 nổi lên ở trong nước cũng được trang bị hùng hậu. Lạ lùng nhất, Trương Hiến Trung có đủ loại vũ khí mua được từ… Việt Nam.22

Năm 1640 khi quân nổi dậy tấn công Sơn Ðông họ cũng có rất nhiều súng và ở Bộc Châu (濮州) quân Minh tịch thu được 203 khẩu đại pháo và hơn 500 súng tay. Năm 1642, Tả Lương Ngọc bị Lý Tự Thành đánh bại chỉ vì hoả lực kém đối phương.

Súng thần công của quân Thanh

Việc đối phó với các lực lượng Mãn Châu lại còn nặng nề hơn. Ngay từ năm 1564, nhà Minh đã thay thế các loại đạn đất sét bằng đạn chì, tới năm 1568 lại thay bằng đạn sắt và liên tục củng cố trường thành, xây thêm lỗ châu mai (pill-boxes) và thần công có bánh xe (battle wagons) để tăng lưu động tính, mỗi xe có hai chục binh sĩ đảm trách.23 Theo những hình vẽ trong Thái Tổ thực lục đời Thanh thì quân Minh được trang bị rất nhiều đại pháo đủ loại nhưng lại thất bại trước kỵ binh Mãn Châu chỉ dùng cung tên. Tuy nhiên, ưu thế của quân Thanh không phải do vũ khí vì mãi đến sau năm 1629, khi họ bắt được một số pháo đội của quân Minh trấn đóng ở các thành phố bảo vệ trường thành thì súng ống mới dần dần chuyển giao sang đối phương.

Kinh tế – Xã hội

Cuối đời Minh, để có đủ ngân sách chi phí cho chiến tranh, nhà Minh nhiều lần gia tăng thuế khoá, gọi là Liêu hướng (tiền để đánh quân Liêu -遼餉), tổng cộng chỉ trong ba năm đời Vạn Lịch đã lên tới 5,200,000 lượng bạc. Ðến khi lưu khấu nổi lên thì triều đình lại đánh thuế mới gọi là tiễu hướng (勦餉) 2,800,000 lượng và luyện hướng (鍊餉) 7,300,000 lượng. Tổng số trước sau lên đến 16,950,000 lượng bạc.24 Theo báo cáo của triều đình, trong khoảng từ 1480 đến 1520 chi phí biên phòng vào khoảng 430,000 lượng hàng năm nhưng tới đời Gia Tĩnh (1522-1566) con số lên đến 1,100,000 lượng, còn đời Long Khánh lên đến 2 hoặc 3 triệu lượng.25 Vậy mà cũng chưa đủ nên nhiều khi Bộ Binh phải mượn tiền các nơi khác để mua ngựa chiến. Người ta tính ra có đến 1/3 lợi tức quốc gia được dùng để chi trả cho binh bị.

So sánh với đời Chính Thống trở về trước, mức thuế gia tăng đến 7, 8 lần, gây ra cảnh dân cùng tài tận, từ đó thành loạn lạc. Binh sĩ có khi đến 6, 7 tháng không có lương, riêng Diên Tuy (延綏) thì hai năm rưỡi chưa được trả.26

Riêng các vùng Thiểm Tây, Diên An người dân đói quá phải ăn cả vỏ cây và đất, có nơi ăn thịt trẻ con. Sử chép rằng dưới đời Thành Hoá, nhiều vùng cả nghìn dặm bỏ hoang, người chết đầy đồng, không biết bao nhiêu mà kể. Ðời Gia Tĩnh ba năm đại hạn, đi hơn một trăm dặm không nghe một tiếng gà gáy, cha con vợ chồng đổi cho nhau để ăn thịt (hỗ dịch nhất bão – 互易一飽) nên gọi là chợ người (nhân thị – 人巿).27 Người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì có thể bị vu oan giá hoạ để tống tiền như gia đình nàng Kiều đời Gia Tĩnh mà chúng ta đã quen thuộc qua tác phẩm của Nguyễn Du.

Tình hình trở thành một cái vòng luẩn quẩn, giặc giã nên phải tăng thuế, tăng thuế dân chúng đói khổ, binh lính đào ngũ đi làm giặc. Vậy mà triều đình vẫn đổ tiền ra chi phí vào những việc đâu đâu, chẳng hạn như lễ đăng quang của vua Sùng Trinh đã chi hết 2 triệu rưỡi lạng bạc để khao quân (mỗi người lính 2 lạng bạc). Nhiều tướng lãnh khai số quân tăng vọt chỉ cốt để thâm lạm tiền của triều đình.

Theo qui chế, ruộng của các vương tử và các quan lại được miễn thuế. Theo giáo sĩ Mateo Ricci thì:

Những người có liên hệ huyết thống với hoàng gia đều được trợ cấp bằng tiền của quần chúng. Hiện nay số người đó tính ra khoảng trên 60,000 và vẫn tiếp tục tăng lên, đủ biết gánh nặng là chừng nào. Những người đó không giữ chức vụ hành chánh, chỉ sống một cuộc đời nhàn hạ và hoang đàng…28

Nói chung, tình hình Trung Hoa vào giữa thế kỷ thứ XVII là một tình hình hết sức bi đát. Nạn đói xảy ra khắp nơi, cộng thêm loạn lạc và thiên tai khiến cho ruộng bỏ hoang rất nhiều. Năm 1645, số ruộng cày cấy của cả nước Tàu là 405,690,504 mẫu (khoảng 66,800,000 acres) chỉ bằng 35% số ruộng canh tác năm 1602 là 1,161,894,881 mẫu (176,000,000 acres)29. Chín mươi phần trăm dân chúng tại nông thôn không có ruộng đất chỉ là tá điền.

Cũng theo giáo sĩ Ricci thì những người không nuôi nổi con đều đem bán chúng làm nô lệ. Người ta bán cho người cùng xứ đã đành mà còn bán cho các thương nhân Bồ Ðào Nha hay Tây Ban Nha để đưa ra nước ngoài. Ông ta cũng ghi nhận một tệ trạng rất độc ác của người Trung Hoa (còn lưu lại đến tận ngày nay) là việc giết những hài nhi nữ (female infants) bằng cách trấn nước cho chết.

Nhà Minh trong những năm cuối cùng tứ bề thọ địch. Những cuộc nổi dậy liên tiếp khiến cho binh lực bị phân tán không còn đủ sức chống giữ những vị trí hiểm yếu. Không chỉ cứ người Hán, những dân tộc sống tại các vùng biên giới phía tây và phía nam cũng nổi lên chống lại triều đình, thành phần thực là phức tạp. Một số đông lại chính là tướng lãnh cấp nhỏ và binh sĩ đào ngũ vì quá cơ cực và lương bổng bị xén bớt. Thành phần đó chủ yếu lại chính là những người trấn đóng ở biên tái để ngăn chặn các giống rợ từ phương bắc và phương tây nên vô hình chung mở lối cho ngoại tộc tấn công. Nhà Minh vừa giảm thiểu binh sĩ lại gia tăng cường khấu nghĩa là vừa cả thù trong lẫn giặc ngoài.

NHỮNG VỤ NỔI DẬY CUỐI ÐỜI MINH

Năm 1633 tình hình xã hội và kinh tế của Trung Hoa trở nên cực kỳ bi đát. Nông nghiệp ở miền Nam sút giảm nghiêm trọng. Trước đây, triều đình nhà Minh thường trông cậy vào sản lượng từ phương nam để cung cấp cho kinh đô, mỗi năm khoảng 4 triệu thạch gạo, đến nay thì không còn nữa. Tình trạng khó khăn đó hiện hữu từ đời Vạn Lịch, đến đời Sùng Trinh thì không còn cách gì cứu vãn nữa.

Những tỉnh miền bắc lại luôn luôn bị các giống dân du mục như Mông Cổ, Nữ Chân (Mãn Châu sau này) từ quan ngoại vào xâm chiếm, trong triều thì hoạn quan gần như thao túng mọi quyền lực. Người dân không đủ ăn nên không cách gì đóng thuế, quan lại nhũng nhiễu khiến cho một số đông phải bỏ nhà đi theo những đám giặc.

Nhiều tỉnh trù phú dọc theo duyên hải và sông Dương Tử, các vùng Dương Châu, Thông Châu lại bị hải khấu vào cướp bóc khiến các thương nhân buôn muối, khai thác hầm mỏ nay không còn cách gì sinh sống cũng trở thành ăn cướp.
Trong số những đám”giặc”cuối đời Minh, hai tay kiệt hiệt nhất là Trương Hiến Trung (張獻忠) và Lý Tự Thành (李自成) mà các sử gia Hoa lục vẫn đề cao như”nông dân khởi nghĩa”.

Trương Hiến Trung (1606-1647)

Trương Hiến Trung sinh năm 1606, người gốc Thiểm Tây (陝西), thuở trẻ làm lái buôn, sau làm một chức quan nhỏ. Ðầu đời Sùng Trinh, Trương theo Cao Nghinh Tường (高迎祥) cho tới năm 1636 khi họ Cao bị triều đình bắt được đem ra xử tử thì tự lập riêng một cõi. Tuy nhiên trong hai năm liên tiếp, quân của Trương bị quân Minh đàn áp nên năm 1638 y phải về hàng nhưng chỉ ít lâu sau lại nổi dậy.

Trong một thời gian ngắn, lực lượng của Trương Hiến Trung bùng lên rất mạnh, có lúc dưới tay đến vài chục vạn quân, làm chủ một vùng rộng đến vài tỉnh. Ðến mùa thu năm 1641, Trương Hiến Trung bị Tả Lương Ngọc (左良玉) đánh bại suýt nữa thì bị bắt sống. Thế nhưng chỉ đến cuối năm, họ Trương lại tập hợp được với một bọn giặc ở An Huy và lực lượng lại phát triển rất nhanh chóng. Việc Trương Hiến Trung và Lý Tự Thành cứ bị đánh gần tan lại trỗi dậy được một phần cũng vì chính sách của nhà Minh muốn chiêu an nên khi nào suy yếu thì họ lại ra hàng để xây dựng lực lượng đến khi đủ mạnh lại nổi lên.

Năm 1643, y đưa quân về Hán Dương và Vũ Xương cướp phá cung điện của Sở vương Chu Hoa Khuê (朱華奎) lấy được rất nhiều tài vật. Theo Bình Khấu Chí, quyển 6 thì Trương”thu hết mấy trăm vạn lượng vàng bạc trong cung, vài trăm xe chở không đủ”30. Sở vương và toàn gia bị giết, Trương Hiến Trung tự xưng là Ðại Tây Vương. Thế nhưng chỉ ba tháng sau, Trương Hiến Trung lại bị đánh bại phải chạy về Tràng Sa mặc dầu vẫn giữ đế vị và bắt đầu xây dựng đền đài cung viện. Năm 1644, họ Trương chiếm được Thành Ðô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, chọn nơi đây làm kinh đô.

Ở đây, Trương Hiến Trung thiết lập một chính quyền với đầy đủ các cơ quan như một triều đình thực sự, mở khoa thi, đúc tiền… để tính kế lâu dài. Theo sử sách Trung Hoa thì Trương Hiến Trung chỉ là một tên giặc lớn, tàn nhẫn và khát máu nhưng đối với một số giáo sĩ ngoại quốc đã sống tại Trung Hoa thời đó thì y lại được đánh giá khá cao. Theo tường thuật của Thomas Ignatius Dunin Spot trong”Collectanea Historiae Sinensis 1641 ad 1700”(tài liệu của Society of Jesus tại Rome) thì:

… Trương cai trị khá cởi mở, công bằng và rộng rãi nên nhiều quan lại nổi tiếng cả văn lẫn võ được lòng và rời những nơi ẩn lánh để ra cộng tác với y. Và chắc chắn y có nhiều đức tính – nếu không bị tật hay nổi nóng, thiếu khoan dung với những hành vi tàn nhẫn rất thú vật, thiếu nhân tính – thì quả thực là kẻ trời sinh ra để làm hoàng đế.31

Nói về thể lực, Trương Hiến Trung”thân hình cao mà gầy, mặt vàng, râu dài một thước sáu tấc”, có sức khoẻ hơn người nên vẫn được thủ hạ gọi là”con hổ vàng”(hoàng hổ – 黃虎)32. Y cũng nổi tiếng là có biết đôi chút chữ nghĩa, mưu trí hơn người. Mỗi khi Trương Hiến Trung đánh chiếm nơi nào y đều dùng một số tài vật thu được đem phát cho dân chúng để thu phục nhân tâm, chính vì thế nên số người đi theo rất đông. Khi lấy được Tràng Sa, Trương Hiến Trung miễn thuế cho dân ba năm. Ngoài ra, Trương Hiến Trung còn thiết lập được một hệ thống tai mắt làm tình báo và nội ứng rất hiệu quả. Mỗi khi đến đâu, y liền phái người đi khắp chúng quanh 200 dặm để dò thám, mỗi dặm phải cử người quay trở về báo tin nên dù bên địch hay bên bạn, y đều nắm rất vững.

Trước khi công thành, Trương Hiến Trung sai người giả dạng làm sư sãi, đạo sĩ, thương nhân hay khách phương xa trà trộn vào trước. Vào đến nơi, họ sẽ tung tiền ra để mua chuộc các thành phần bất hảo làm nội ứng. Nếu bắt được một nhân vật quan trọng nào ở ngoài thành, Trương Hiến Trung luôn luôn cho tìm hiểu thật cặn kẽ về gia thế, sinh hoạt, sau đó sai người giả vờ đi theo vị quan đó đưa tù nhân vào trong thành rồi ra tay.33

Cũng có khi y làm giả các văn thư của triều đình và nhiều thành thị đã rơi vào tay y. Về sau Minh triều phải dùng một loại ám hiệu đặc biệt trên các văn thư để tránh sự mạo hoá. Nhiều lần, Trương Hiến Trung cho thủ hạ ăn mặc như y phục quan quân triều đình, giả bại trận đang bị truy kích. Nhiều thành thị không ngờ nên mở cửa thành đón vào rồi bị họ làm nội ứng nên trở tay không kịp.

Một hình thức thông dụng khác là dùng trẻ con để do thám hay loan truyền những tin tức có lợi cho mình. Trương Hiến Trung cũng tìm cách làm cho lòng người kinh động, chẳng hạn như lén bỏ phẩm đỏ vào các hồ ao và hào chung quanh thành giả làm điềm báo hiệu triều Minh sắp cáo chung, hay cho một đám trẻ con kêu khóc lúc canh khuya, in những bàn tay máu lên nhà cửa trong thành. Những bài đồng dao, những lời sấm truyền là vũ khí đánh vào quần chúng rất hiệu quả. Những chiến dịch đó không phải chỉ một vài ngày mà có khi nhiều tháng luôn luôn thay đổi để cho binh lính và dân chúng hoang mang. Phải nói rằng họ Trương rất tinh thông chiến tranh tâm lý, có lẽ do ảnh hưởng của những bộ tiểu thuyết lịch sử đời Minh như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử… khá phổ biến trong thời kỳ này.

Một kỹ thuật cũng rất… thâm hiểm của lưu khấu là mỗi khi chiếm được thành trì nào, Trương Hiến Trung bắt trẻ con nơi đó làm đồ tể để tàn sát các tù binh, đứa nào không chịu thi hành đều bị giết. Tập trẻ con chém giết cho quen với máu chảy thịt rơi, gia tăng ác tính, mặt khác cốt để một khi đã nhúng tay vào máu thì không thể quay trở về đời sống bình thường được.34

Sau khi đã ràng buộc được họ, Trương Hiến Trung bắt đầu tổ chức huấn luyện chủ yếu là kỵ thuật (horsemanship) và các kỹ thuật chiến đấu đồng thời”đoàn ngũ hoaù”thành một đội quân gọi là tôn nhi quân (孫兒軍).35 Những kế hoạch tâm lý và bổ xung lực lượng đó không những khiến cho Trương Hiến Trung gia tăng thanh thế một cách mau chóng mà còn gây dựng được nhiều căn cứ hậu phương khiến cho người dân những vùng đã chiếm được dù sau này có bị quân triều đình tái chiếm thì cũng không còn như xưa và quan với dân trở thành thù nghịch.

Sau khi thành lập một triều đình ở Thành Ðô, để ngăn ngừa những lời dèm pha hay phê phán về y, Trương Hiến Trung tung ra rất nhiều do thám, một số đông là trẻ con, trà trộn trong dân chúng. Không những cá nhân người không đồng ý với chính quyền mới mà thường thì toàn gia bị cáo cũng bị xử tử. Nỗi kinh hoàng reo rắc khắp nơi nên người trong nhà cũng không dám nói chuyện khi gặp nhau ở ngoài đường. Không khí nghi kỵ càng làm cho người dân ghê sợ vì ở đâu cũng nhìn thấy nguy hiểm và không biết ai đang làm việc cho loạn quân.

Nhờ chính sách triệt để như thế, Trương Hiến Trung tập trung được một tài sản kếch sù để mua khí giới, đạn dược. Năm 1644, họ Trương tiến đánh Trùng Khánh nhưng bị kháng cự mãnh liệt. Sau khi chiếm được thành rồi, họ Trương ra lệnh tàn sát để trừng trị. Trên mười ngàn người bị cắt mũi, cắt tai, chặt tay rồi lôi đi các nơi để làm gương cho kẻ khác. Theo sách Tội Duy Lục (罪惟錄) dù nơi nào chỉ kháng cự một đôi ngày, khi loạn quân chiếm được thì ít ra một phần ba, một phần tư cũng bị giết, chỉ nơi nào biết thế đầu hàng ngay mới được yên. Còn như kháng cự từ sáu ngày trở lên thì khi vào thành, họ Trương sẽ ra lệnh giết sạch, không chừa một ai. Chính vì thế nhiều nơi vừa thấy loạn quân kéo đến là mở cửa kéo cờ trắng.36

Sự tàn nhẫn của Trương Hiến Trung được ghi chép trong sách vở và những câu chuyện người ta còn truyền lại. Trong một lần bị ốm nặng, Trương nguyện rằng nếu trời thương mà khỏi bệnh, y sẽ tạ thiên ân bằng hai”ngọn nến trời”(heavenly candles). Không ai hiểu y muốn nói gì nhưng khi y hồi phục, Trương ra lệnh cho chặt chân rất nhiều phụ nữ chất thành hai đống lớn. Hai bàn chân một tiểu thiếp của y được đặt trên cao làm bấc rồi sau đó đổ dầu lên thắp thành hai cây nến trời.37
Câu chuyện này không biết có thực hay không nhưng trước khi triệt thoái khỏi Tứ Xuyên, Trương Hiến Trung cho mở một khoa thi rồi ra lệnh tru diệt tất cả sĩ tử ứng thí, tổng cộng lên đến mấy nghìn người. Sự tàn nhẫn của Trương không phải chỉ đối với dân chúng mà cả với thủ hạ. Không ít lần y tàn sát chính quân lính dưới quyền, không hiểu vì nghi họ mưu toan nổi loạn hay vì mâu thuẫn. Cái chết của Trương Hiến Trung cũng đầy kịch tính. Cuối năm 1646, khi quân Thanh do Haoge chỉ huy đuổi theo, Trương không tin rằng địch có thể tiến nhanh đến thế. Khi biết ra, theo giáo sĩ Martini thì”… bản tính dũng mãnh, y chạy vụt ra khỏi lều, chụp lấy một cây thương, đầu không khăn, ngực không giáp cùng vài thủ hạ quan sát quân địch.”Trương Hiến Trung và thủ hạ đụng độ với quân Thanh nơi một dòng suối và y bị một xạ thủ Mãn Châu bắn chết.38

Sau khi y chết rồi, Lý Ðịnh Quốc, phó tướng của Trương vẫn tiếp tục chiến đấu ở biên giới Vân Nam – Miến Ðiện và là một trong những khuôn mặt nổi bật trong những nỗ lực chiến đấu chống lại người Mãn Thanh khi mới vào trung nguyên.

Lý Tự Thành (1606-?)

Qua tiểu thuyết kiếm hiệp và phim ảnh, thanh niên Việt Nam có lẽ quen thuộc với cái tên Sấm Vương Lý Tự Thành hơn cả những danh nhân nước ta trong lịch sử. Hình ảnh về Lý Tự Thành rất oai hùng vì được chính quyền Trung Cộng miêu tả như một thủ lãnh nông dân khởi nghĩa, mẫu người cách mạng đứng lên chống lại triều đình phong kiến. Thế nhưng có lẽ nét đậm nhất vẽ cho họ Lý có lẽ là do Kim Dung trong Tuyết Sơn Phi Hồ với truyền tụng bất hủ – giết một người (ta coi) như giết cha ta, làm nhục một người (ta coi) như làm nhục mẹ ta – khắc trên thanh quân đao. Chúng ta thử xem chính sử chép về ông ta như thế nào.

Lý Tự Thành người đất Thiểm Tây, cùng tuổi với Trương Hiến Trung, nhũ danh Hoàng Lai Nhi (黃來兒), còn có tên là Hồng Cơ (鴻基). Có giả thuyết cho rằng Lý Tự Thành là người Hồi (Mohammedan)39. Gia đình họ Lý giàu có, Lý Tự Thành đi học đến năm 14 tuổi thì bỏ học văn theo nghề võ. Theo dã sử, Lý Tự Thành sức khoẻ hơn người, võ nghệ cao cường, cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi. Sau khi cha chết, Lý chia hết gia tài rồi bỏ đi làm một dịch phu (người đưa thư ở dịch trạm) nhưng vì phạm tội nên phải trốn sang Cam Túc đăng lính ở đó.

Lý Tự Thành tháo vát và can trường nên chẳng bao lâu được lên một chức quan nhỏ nhưng vì một chuyện cãi vã sinh ra án mạng khiến Lý Tự Thành và quân sĩ dưới quyền đào ngũ.

Năm 1631, Lý Tự Thành đi theo Cao Nghinh Tường (Sấm Vương) khi ấy là một thủ lãnh phiến loạn. Năm 1635, Cao Nghinh Tường, Trương Hiến Trung và Lý Tự Thành đem quân đánh vào Phượng Dương là cố kinh của nhà Minh, đốt phá lăng miếu để chứng tỏ quyết tâm lật đổ đương triều. Trương Hiến Trung đem quân qua mặt đông còn Cao và Lý quay trở về phương nam đánh với quân Minh còn ở đó.

Năm 1636, Sấm Vương Cao Nghinh Tường bị tuần phủ Thiểm Tây là Tôn Truyền Ðình (孫傳庭) đem quân phục kích tại Hắc Thuỷ Cốc bắt sống áp giải về Bắc Kinh xử tử. Từ nay toàn bộ lực lượng thuộc về Lý Tự Thành – thừa hưởng luôn cả cái tên Sấm Vương của Cao để lại40 – nhưng yếu đi nhiều. Năm 1638, quân của Lý Tự Thành bị đánh tan, chỉ mình ông ta và 18 kỵ binh thân tín chạy thoát được, trốn vào trong núi Thương Lạc (商雒). Năm 1639, khi Trương Hiến Trung nổi lên ở Hồ Bắc, Lý Tự Thành liền tới để hợp binh nhưng hai bên không hợp nên Lý phải tách ra làm riêng. Vào thời kỳ đó, Hà Nam đang bị hạn hán, mất mùa, dân tình đói kém”một đấu gạo giá cả vạn tiền”nên khi Lý Tự Thành khởi binh, từ thế lực vài chục người khi ở trên núi, nay dưới tay có đến mấy vạn người đi theo.41

Một mưu sĩ rất có khả năng dưới tay Lý Tự Thành là Lý Nham (李巖) khuyên Lý Tự Thành đưa ra khẩu hiệu hứa hẹn sẽ giảm thuế cho dân chúng và phân chia lại đất đai cho đồng đều42. Những mục tiêu đó rất được lòng người, nhất là tại một khu vực dân chúng sống nghèo khổ và bị bóc lột quá đáng bởi thành phần quí tộc và địa chủ như tại Hà Nam. Người ta còn truyền tụng một bài hát có hai câu cuối như sau:

Mở toang cửa thành đón Sấm Vương,
Sấm Vương đến đây không nạp lương.43

Chỉ trong mấy tháng, quân của Lý Tự Thành lên đến mấy chục vạn người.

Quân đao của Lý Tự Thành

Năm 1643, Lý Tự Thành chiếm được Hoàng Châu (黃州), tuyên bố miễn thuế trong ba năm. Nhiều nơi nghe tin lập tức tự nguyện đi theo khiến thanh thế họ Lý đại tăng. Ði đến đâu, Lý Tự Thành cũng bố yết cho dân chúng biết về sự xa hoa, nhũng lạm của quan lại nhà Minh, nhất là tình trạng sưu cao thuế nặng. Phải nói là những gì Lý Tự Thành đưa ra vào giai đoạn này quả là cách mạng, hợp lòng dân và đáng làm kiểu mẫu cho các nơi khác khiến cho ngay cả tôn thất nhà Minh về sau khi xây dựng lực lượng cũng phải bắt chước.

Thù ghét quan lại, rộng rãi với dân chúng là hai yếu tố quan trọng trong cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành khiến cho đâu đâu cũng hướng về y. Quân lệnh của họ Lý cũng rất nghiêm, không cho binh sĩ nhũng nhiễu và nhiều địa phương thay vì tổ chức chống lại phiến quân thì lại trông ngóng ngày họ Lý đến”tiếp thu”. Nhiều nơi dân chúng tự động đánh đuổi quan quân nhà Minh để đón người của Lý Tự Thành cử đến.

Không như Trương Hiến Trung, Lý Tự Thành sống rất đơn giản và thanh bạch, bên cạnhn chỉ có một người vợ cả và một bà vợ thứ. Khi có thì giờ rảnh rỗi, Lý đọc sách và đàm luận văn chương với các nhà nho. Ông ta cũng am hiểu nguyên tắc cai trị, khi cần hội nghị với tướng lãnh thường chỉ ngồi lắng nghe từ đầu đến cuối, sau cùng mới đưa ra quyết định dựa theo ý kiến nào mà ông cho rằng thích hợp nhất. Quyết định chính xác, hoà đồng với thuộc hạ là hai đức tính nổi bật của Lý Tự Thành mà nhiều sử gia – kể cả những người thân triều đình – đều đồng ý. Nhiều nhân chứng kể rằng khi dẫn quân tiến vào Bắc Kinh, Lý Tự Thành chỉ ăn mặc rất bình dân, không khác gì binh sĩ dưới quyền ông.

Quân số dưới tay Lý Tự Thành chừng độ sáu vạn người, chia làm năm đội, có độ năm mươi kỵ binh nhưng có đến 20, 000 lừa ngựa. Họ Lý có lối chỉ huy và hành quân khá độc đáo, xây dựng được một hệ thống tình báo không kém gì của Trương Hiến Trung và xâm nhập vào được nhiều cấp trong triều đình, sẵn sàng mua chuộc để trà trộn vào quan trường ngõ hầu có được những tin tức cần thiết. Nhiều người ngạc nhiên khi quân của Lý chiếm được kinh thành, số lượng quan viên cộng tác và làm việc cho Lý Tự Thành rất đông đảo, ở mọi cấp kể cả một số thương nhân, nông dân từ các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây trà trộn vào sống như dân chúng từ bao giờ không ai biết.

Mộ Lý Tự Thành

Một trong những lý do quan trọng mà người ta nhận định về cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành là ông đã tập hợp được một số khá đông những người có học, nhìn được thế cục một cách sáng suốt hơn, biết khai thác thời cơ và thu phục được nhân tâm.

Bên cạnh Lý Nham chúng ta cũng thấy một số khuôn mặt khác. Ngưu Kim Tinh (牛金星), một thầy khoá ở Hồ Nam đã đóng một vai trò quân sư khá quan trọng. Năm 1643 người ta lại thấy có thêm Dương Vĩnh Dụ (楊永裕), người sau này chuyên viết văn thư và hịch cho Lý Tự Thành. Văn hoá Trung Hoa luôn luôn coi thiên mệnh là một điều tất yếu và người lãnh đạo – nhất là lãnh đạo một cuộc nổi dậy để cướp chính quyền – thì phải làm sao chứng minh được rằng mình chính là”chân long thiên tử”. Lý Tự Thành đã đóng vai trò đó khá xuất sắc và một phần lớn cũng nhờ có các nho sĩ tìm cách tạo cho ông ta một vẻ dáng cho phù hợp.

Lý Tự Thành cũng tự cho rằng mình chính là cứu tinh của người dân và ra nghiêm lệnh không cho binh lính quấy nhiễu. Năm 1641, Lý Tự Thành chiếm được Lạc Dương, Phúc Vương bị bắt và bị giết. Sau đó quân của Lý tiến đánh Khai Phong, gặp kháng cự mạnh mẽ nên sau đó y ra lệnh cho phá vỡ đê Hoàng Hà khiến thành này bị lụt. Việc công hãm Khai Phong kéo dài 5 tháng và kết quả là mấy trăm nghìn người dân bị chết, vừa đói khái, bệnh tật và cả chết đuối.44
Cũng khi đó, Trương Hiến Trung chiếm được Hán Dương, Võ Xương, Lý Tự Thành nghe tin không vui nên treo bảng trọng thưởng cho ai lấy được đầu họ Trương và viết thư hăm doạ. Trương Hiến Trung sau đó chuyển xuống đánh Hồ Nam, Giang Tây nhưng không phải vì sợ họ Lý mà vì bị tướng nhà Minh là Tả Lương Ngọc đem quân tấn công.

 Gần đây nhất, năm 1938, để ngăn quân Nhật tiến xuống phía nam, thống chế Tưởng Giới Thạch cũng ra lệnh phá đê sông Hoàng Hà, gây ra một trận lụt lớn 17 triệu mẫu ruộng bị ngập, 1.5 triệu căn nhà bị phá huỷ, 470,000 người chết đuối (những con số này theo các tác giả Hoa lục thì còn lớn hơn nhiều). Elizabeth J. Perry, Rebels and Revolutionaries in North China 1845-1945 (California, 1980) tr. 15 và Frederic Wakeman, Jr., The Fall of Imperial China (New York, 1975) tr. 18

Một trong những tướng lãnh của Lý Tự Thành là Cố Quân Ân (顧君恩) khi đó mới khuyên y đem quân lấy Quan Trung là quê cũ của Lý làm căn bản, sau đó sẽ theo Sơn Tây mà đánh vào kinh đô. Lý Tự Thành nghe lời, tự mình dẫn đại quân ra khỏi Tương Dương theo Hà Nam vào Thiểm Tây đánh với đốc sư nhà Minh là Tôn Truyền Ðình (孫傳庭) mới được cử đến đây. Tôn Truyền Ðình là một văn quan có tài, trước đây đã bắt được Sấm Vương Cao Nghinh Tường nhưng sau bị thất sủng, đang bị giam trong ngục thì được thả ra cho đi cầm quân chống giặc.

Quân Minh được Tôn Truyền Ðình tái tổ chức, gia tăng kỷ luật, trang bị vũ khí nên chẳng bao lâu trở thành một đoàn quân thiện chiến, đáng kể nhất là một đoàn”hoả quân”hơn ba vạn chiến xa, vừa chống được chiến mã vừa có thể tập hợp thành đội hình tự vệ.45

Nhờ khéo điều quân, Tôn Truyền Ðình thắng liên tiếp, lấy lại được những khu vực đã mất khiến Lý Tự Thành lại phải quay về Tương Dương. Ngờ đâu, khi đem quân vây đánh Tương Dương, trời mưa liên tiếp bảy ngày đêm khiến cho quân lương không thể chuyển đến kịp, hậu quân có biến khiến họ Tôn phải rút lui bị Lý Tự Thành truy kích, tới Vị Nam thì tử trận. Thuận quân thừa thắng xông lên, chiếm Thiểm Tây, Diên An, Du Lâm, Ninh Hạ, Khánh Dương.

Vĩnh Xương thông bảo Lý Tự Thành xưng vương

Ðầu năm Sùng Trinh 17 (1644), Lý Tự Thành tuyên bố thiết lập một triều đại mới đặt tên là Thuận (順), niên hiệu Vĩnh Xương (永昌) cải Tương Dương thành Tương Kinh (襄京) tự xưng là Tân Thuận Vương (新順王) kiêm Phụng Thiên Xướng Nghĩa Văn Võ Ðại Nguyên Soái (奉天倡義文武大元帥). Lý Tự Thành thành lập triều chính, các bộ hạ đều được phong tước vị. Họ Lý cũng ra lệnh cho Ngưu Kim Tinh mỗi ngày vào giảng cho y nghe một chương trong kinh, một đoạn trong sử, tính tình cũng không còn vẻ giang hồ thảo khấu như trước nữa.46

Quân của Lý Tự Thành từ nay đánh đâu thắng đó, quan lại nhà Minh lục tục ra hàng. Ngày 19 tháng 3 năm Giáp Thân (25 tháng 4 năm 1644), khi Thuận quân tiến vào Bắc Bình (kinh đô), vua Sùng Trinh treo cổ tự tử ở một cái gò gần cung điện tên là Môi Sơn (煤山). Mặc dù một số tôn thất nhà Minh còn tiếp tục chiến đấu ở miền nam, sử sách coi như triều đại từ đây chính thức cáo chung.

MINH TƯ TÔNG SÙNG TRINH HOÀNG ÐẾ

Sùng Trinh (崇禎) là niên hiệu, sử gọi ông là Minh Tư Tông (思宗), tên thật là Chu Do Kiểm (朱由檢), khi lên ngôi lập tức loại trừ yêm đảng Nguỵ Trung Hiền (魏忠賢), một lòng cố gắng trung hưng cơ nghiệp nhà Minh nhưng không thành, phải tự ải khi Lý Tự Thành vào Bắc Kinh. Người ta vẫn bảo rằng ông”tâm hữu dư nhi lực bất túc”, có lòng muốn xây dựng lại cơ đồ nhưng tính tình nhu nhược, không quyết đoán, chẳng phải là người có thể làm chuyện đội đá vá trời.
Ấn Ngọc vua Sùng Trinh 

Quần thần trong cảnh xã tắc nguy nan lại ít có người hết lòng phò tá, đa số chỉ ngồi yên, bảo sao làm vậy. Ðiều đó cũng dễ hiểu vì vua Sùng Trinh là người đa nghi sợ người dưới hai lòng nên không ai dám đưa lời trung ngôn can gián, ngay cả lúc quân giặc đã tiến sát đến kinh thành cũng chẳng làm gì, chỉ chuẩn bị để đầu hàng địch.

Tháng ba năm Sùng Trinh 17 (1644), trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, vua Tư Tông cho triệu các đại thần để bàn kế sách, có ngày thiết triều đến ba lần. Ðông Các đại học sĩ Lý Kiến Thái (李建泰) khuyên nên di chuyển triều đình xuống Nam Kinh, bỏ ngỏ kinh thành, tạm thời né tránh mũi nhọn của địch nhưng nhà vua không nghe. Lâu dần, từ vua chí quan, bàn ra tán vào không còn biết làm sao để đối phó. Mỗi khi thất vọng, vua Sùng Trinh quay về cung ngồi ôm mặt khóc, than rằng”Triều đình không có người”.

Ngày 18, thái giám Tào Hoá Thuần (曹化淳) mở Chương Nghi môn cho quân của Lý Tự Thành kéo vào. Ðêm hôm đó, vua Sùng Trinh và hoạn quan Vương Thừa Ân trèo lên gò Vạn Thọ (Môi Sơn) nhìn ra thấy lửa đuốc đầy trơì than rằng:

“Thương thay cho bách tính!”

Ông quay về cung, sai người hộ tống thái tử Từ Lang và các vương tử đi tị nạn nơi khác, sau đó gọi hoàng hậu, cung phi bảo tự lo lấy mình. Hoàng hậu và Viên quí phi liền thắt cổ tự tử. Nhà vua cũng gọi công chúa đến, năm đó mới 15 tuổi, vỗ về rồi than:

“Sao con sinh ra trong nhà ta làm gì!”

Nói xong, một tay che mặt, tay kia vung đao, chém đứt cánh tay trái công chúa.

Ngày 19 tháng 3, Lý Tự Thành tiến đến Bắc Kinh, vua Sùng Trinh đích thân gióng chuông triệu tập bách quan nhưng không ai tới, quân lính giữ thành cũng bỏ trốn chẳng còn một bóng người, ông không biết làm gì khác nên thắt cổ tự tử nơi một cây hoè trên gò Vạn Thọ, còn gọi là Môi Sơn. Bên trong áo ông viết mấy hàng chữ:

Trẫm lên ngôi đến nay đã 17 năm, nghịch tặc tấn công kinh sư, chỉ vì ta đức mỏng thân hèn, trên phạm lỗi với trời cho nên các bầy tôi mới làm luỵ trẫm. Ta chết đi không còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông ở dưới suối vàng, vậy hãy lột mũ ta, lấy tóc phủ mặt, để cho bọn giặc kia băm vằm thân xác, chứ đừng làm tổn thương bách tính một người nào.
朕自登極十七年,逆賊直逼京師,雖朕諒德藐躬,上干天咎,然皆諸臣誤朕。朕死無面見祖宗於地下,去朕冠冕,以髮覆面,任賊分裂朕尸,勿傷死百姓一人!

Trẫm tự đăng cực thập thất niên, nghịch tặc trực bức kinh sư, tuy trẫm lượng đức miểu cung, thượng can thiên cữu, nhiên giai chư thần ngộ trẫm. Trẫm tử vô diện kiến tổ tông ư địa hạ, khứ trẫm quan miện, dĩ phát phúc diện, nhiệm tặc phân liệt trẫm thi, vô thương tử bách tính nhất nhân.

Thái giám Vương Thừa Ân cũng treo cổ chết bên cạnh chủ. Khoảng giờ Ngọ, Lý Tự Thành đội mũ lông cừu, áo lụa cưỡi ngựa đen, cùng bọn thừa tướng Ngưu Kim Tinh theo cửa Trường An phía tây tiến vào hoàng thành. Ðến cửa Thừa Thiên, y giương cung lắp tên bắn vào chiếc biển ngạch treo trên cao, trúng ngay dưới chữ Thiên, cười ha hả rồi giục ngựa chạy vào. Y trèo lên điện Hoàng Cực, ra lệnh cho bách quan tụ tập.

Trong cung bấy giờ đại loạn, cung nữ nhảy xuống hào tự tận đến một, hai trăm người, những ai không chết đều bị tặc nhân dày vò, hãm hiếp. Các đại thần tự tử chết đến hơn bốn mươi người, nhiều người toàn gia tự sát, thật là một thảm kịch.

TRIỀU ÐÌNH LÝ TỰ THÀNH

Thuận quân nhập kinh

Ðoàn quân của Sấm Vương vào Bắc Kinh, sử sách chép mỗi nơi một khác. Các sách vở của Hoa lục thì cố tình lướt qua những chi tiết thời gian này, hoặc giải thích một cách miễn cưỡng. Chỉ tới gần đây một số sách vở mới dám tiết lộ một phần sự thật về”nghĩa quân”và cảnh hỗn loạn của kinh thành khi đổi chủ. Sau đây là ghi nhận của một nhà nho:
Quân giặc tràn đầy phố phường từ đầu này sang đầu khác. Vài trăm tặc khấu xông tới, ruổi ngựa chạy thẳng vào Tử Cấm Thành. Dân chúng ai nấy đều bày hương án để bái vọng chúng. Những chữ Thuận hay Thuận Thiên Vương, Vĩnh Xương nguyên niên tân quân vạn tuế… được viết dán đầy cánh cửa. Nhiều người viết hai chữ Thuận dân (bầy tôi triều Thuận) dán trên trán.

Quân giặc đi bộ và đi ngựa, xục xạo khắp hang cùng ngõ hẻm để thu gom ngựa lừa. Chúng không uý kỵ gì, có người bị giết và bị cướp. Ðàn ông, đàn bà chạy nhốn nháo, gọi nhau ơi ới. Ðám đông vừa tụ lại thì tan ngay, giày đạp nhau, kẻ thì bị chặt đầu bằng kiếm, người bị bắn xuyên qua bằng tên, lôi kéo nhau lăn ra đường trong hoảng hốt.

Một số ngưới treo cổ tự tử, kẻ nhảy xuống giếng, đàn bà truỵ thai trên đường, có người quăng cả hài nhi trên tay để chạy thoát. Vì đám đông chùm nhum lại với nhau nên lắm kẻ bị ngựa xéo chết. Người thì bị chặt tay, kẻ bị chặt chân, mổ bụng, cắt tai, cắt tóc. Khắp các đường phố tưởng như đầy lang sói rên rỉ kêu gào.

Một số quân giặc thì cực kỳ hung hãn nhưng cũng có lắm kẻ tử tế. Một số giết người nhưng cũng có kẻ lại khuyến dụ. Dẫu chỉ có một tên Thuận quân mà đám đông hàng trăm người cũng quì xuống lạy van xin tha mạng mặc dù những người lính đó chỉ cầm gươm hoặc cung tên mà thôi. Bọn trẻ con trong đám Thuận quân thì chỉ có đoản kiếm vậy mà người ta cũng mất hết hồn vía khi thấy chúng, chẳng ai dám chống lại.

Thoạt đầu họ chỉ lấy vàng bạc nhưng những kẻ đến sau lấy cả trang sức và những đứa sau cùng thì lấy luôn cả quần áo.47

Cũng nên nói thêm là khi mới vào Bắc Kinh, Lý Tự Thành và các viên chức cao cấp cũng cố gắng ước thúc binh sĩ nhưng một thời gian ngắn sau vì họ phải đối phó với nhiều nguy cơ khác nhau từ nhiều phía, mặt khác không dám làm mạnh sợ binh lính nổi loạn nên đành nhắm mắt làm ngơ cho thủ hạ cướp bóc. Ðiều đáng nói hơn cả là triều đình của họ Lý tuy chỉ cầm quyền trong một thời gian ngắn ngủi cũng lại đi những bước y hệt bất cứ một thoái trào nào. Việc mua quan bán tước, dùng tiền chuộc mạng đã trở thành phổ biến không kém – có thể nói rằng hơn – thời vua Sùng Trinh. Có đến hàng ngàn người bị giết chỉ vì không đủ tiền để nạp cho họ như đòi hỏi.

Những lực lượng mà sách vở ca tụng là”nông dân khởi nghĩa”kia cũng chưa thoát khỏi tính chất thảo khấu nên khi cố gắng xây dựng một chính quyền từ quân đội, họ bị vướng mắc những trở ngại chủ yếu giữa trí thức và vũ phu, giữa lễ pháp và thói tục của giới giang hồ. Hoài Lăng Lưu Khấu Thuỷ Chung Lục (懷陵流寇始終錄) viết:

Sấm Vương ngày ngày dọn tiệc trong cung, gọi Ngưu Kim Tinh, Tống Hiến Sách, Tống Sí Giao, Lưu Tông Mẫn, Lý Quá vào uống rượu. Ngưu, Lý theo qui củ trong triều, mỗi khi (được Lý Tự Thành) hỏi đến, đều bước ra khỏi chiếu trả lời. Còn bọn kia cứ ngồi nguyên tại chỗ vừa uống vừa ăn. Tông Mẫn thì gọi là đại ca, Sấm tặc cũng chẳng thèm để ý. Bọn giặc tuy tự xưng công hầu khanh tướng đã lâu nhưng tính chất thảo khấu vẫn còn. Ngồi thì ngả ngớn chen nhau, đi thì châm chọc kẻ này người khác, chửi bới diễu cợt, hò hát xô đẩy. Mắt đọc chữ đinh (丁) không biết, tay cầm quản bút không xong… lâu dần thành thói không sao sửa được…48

Một tướng lãnh đàn em của Lý Tự Thành là Cố Quân Ân (顧君恩) mỗi khi đến bộ

0