18/06/2018, 15:28

Tên dân gian đường phố Hà Nội

Nguyễn Khôi Ủy viên BCH Hội VNDG Hà Nội I. VÀI NÉT LỊCH SỦ : Năm 1009, Thân Vệ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1010 dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La gặp điềm Rồng vàng đón, nên đổi tên là thành Thăng Long (tên nôm = tên dân gian là ...

Nguyễn Khôi
Ủy viên BCH Hội VNDG Hà Nội

phoco_hanoi 

I. VÀI NÉT LỊCH SỦ:

Năm 1009, Thân Vệ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Thuận Thiên.

Năm 1010 dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La gặp điềm Rồng vàng đón, nên đổi tên là thành Thăng Long (tên nôm = tên dân gian là Kẻ Chợ).

Qua các đời vua (Lý Thái Tông, 1028 – 1138), Lý Anh Tông (1054 – 1072).

Lý Nhân Tông (1072 – 1127), Lý Nhân Tông (1128 – 1138), đến Lý Anh Tông (1138- 1175).

Một sự kiện đặc biệt: Năm Giáp Thân 1164 (Niên hiệu Chính Long – Bảo Ứng) Vua nhà Tống (Hoàng đế Trung Hoa) tấn phong vua Lý Anh Tông làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ quận làm An Nam Quốc, Nước ta gọi là nước (Quốc, kể từ đây, nguyên khi trước Trung Hoa gọi ta là Giao Chỉ Quận), rồi sau đó là Giao Châu, đến đời Đường đặt An Nam đô hộ phủ, nhà Đinh đặt tên là Đại Cồ Việt, Vua Lý Thánh Tông đã đổi là Đại Việt, nhưng Hoàng đế Trung Hoa vẫn chỉ phong cho vua ta là Giao Chỉ Quận Vương…

Thăng Long là Kinh thành của Đại Việt ta, là thành phố Thủ đô: trong đó có thành (Tử Cấm Thành – nơi ở của triều đình), ngoài có phố: dần dần hình thành nên 36 phố phường….đến đời Nhà Lê (với 27 đời vua kéo dài từ 1428 đến 1788 – dài hơn 3 thế kỷ) là thời kỳ “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.

Rủ nhau chơi khắp Long thành

36 phố rành rành chẳng sai:

Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai

Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay

Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy

Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn

Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang.

Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng

Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè

Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre

Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà

Quanh đi đến phố Hàng Da

Trải xem hàng phố thật là cũng xinh

Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ

Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

. Các tên phố hiện không còn:

Hàng Áo, hàng Bừa, hàng Cam, hàng Chè, hàng Cuốc, hàng Đàn, hàng Gạo, hàng Giò, hàng Hài, hàng Kèn, hàng Khóa, hàng Lam, Hàng Màn, hàng Mây, hàng Mụn, hàng Nâu, hàng Sắt, hàng Sơn, hàng Trứng.

. Các phố  không có chữ “hàng” trong khu phố cổ:

Bát Đàn, Bát Sứ, Cần gỗ, Cầu Đông, Chả Cá, Chân Cầu, Chợ Gạo, Cửa Đông, Đông Xuân, Gầm Cầu, Gia Ngư, Hà Trung, Hài Tượng, Lãn Ông, Lò Rèn, Lò Sù, Mã Mây, Mã Vĩ, Nhà Hỏa, Ngõ Gạch, Ngõ Trạm, Ngõ Tạm Thương, Thuốc Bắc, Tô Lịch, Yên Thái, Cao Thắng, Đào Duy Từ, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Lương Văn Can, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thiện Thuật, Phùng Hưng, Tạ Hiện, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải.

. Các phố có chữ “Hàng” nhưng không nằm trong khu phố cổ theo quy định:

Hàng Bột, Hàng Bún, Hàng Cháo, Hàng Muối, Hàng Cỏ, Hàng Cơm, Hàng Đẫy, Hàng Lọng, Hàng Vôi.

CÁCH ĐẶT TÊN XƯA & NAY:

Theo các tác giả Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân, Đoan Trang thì:

Tên “địa danh” đường phố ở mỗi địa phương, quốc gia trên thế giới đều có một “Quy tắc” nhất định. Nhiều thành phố có “Chính sách” riêng cho việc này: ở Brisbane (Queensland – Úc) thì các phố trung tâm được đặt theo tên Nhà vua và Nữ Hoàng, các phố tên Vua song song nhau và cắt các phố có tên Nữ Hoàng.

Ở Mỹ: đặt theo con số, quang cảnh, cây cối (OaKhill = Đồi Sồi) Ở Trung Quốc rất hiếm dùng tên người.

Truyền thống đặt tên: danh nhân

Đặt theo nghề kinh doanh: Hàng cỏ

Ở Hà Nội: Tên Hà Nội do vua Minh Mạng nhà Nguyễn đồi từ “Thăng Long” (Thịnh Vượng) ra “Hà Nội” vào năm 1831.

Năm 1902 Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp (đô hộ) xây dựng và quy hoạch lại.

Tên đường và phố Hà Nội phổ biến nhất là đặt theo các danh nhân, anh hùng…

Cách đặt tên theo một trật tự rõ ràng (với Hà Nội khi chưa mở rộng): được đặt theo từng cụm (khu vực), mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử – vì thế có thể nói là tạo ra 1 cách học lịch sử trên đường phố: ví dụ:

– Quanh Hồ Gươm – Trung tâm Thủ đô là khu vực các triều đại mở đầu lịch sử đất nước “Ngô, Đinh, Lý như các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ đều là những đường lớn, đẹp và nằm gần nhau”. Đi về hướng cung văn hóa Hữu Nghị (Việt Xô) là địa phận của Nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành.

– Phía Tây Thành phố là khu vực các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân.

Dọc các doanh trại đường Trường Chinh (Đường Tàu Bay) là các vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam: Vương Thừa Vũ, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, đội trưởng du kích Nguyễn Ngọc Nại – người chỉ huy cản địch để trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, đêm 17 rạng 18-2-1947, trong trận đánh ở bãi Giữa, anh đã hy sinh cùng với 9 đồng đội, sau khi cho nổ quả lựu đạn cuối cùng.

Tuy nhiên “quy tắc” cũng chỉ là tương đối như đường phố Nguyễn Khuyến lại “gối đầu” vài đường phố Lê Duẩn…hoặc đặt tên có sự gần gũi lễ liên tưởng (dễ nhớ) như Trần Quang Khải gần Trần Nhật Duật…

TÁC GIẢ CỦA SÁNG KIẾN ĐẶT TÊN:

– Trước thời Pháp thuộc: dựa theo một số cách như: Phố Cầu Gỗ là do phố có cầu bằng Gỗ bắc qua con ngòi vào Hồ Gươm.

– Phố Tràng Tiền là nơi đúc tiền (bằng đồng, kền) cho Nhà vua (Trường đúc tiền xây dựng năm 1807)…hoặc lấy tên đặc điểm, sản vật, người buôn bán (phường) như Hòe Nhai (lối có cây Hòe), phố Hàng Điếu chuyên bán Điếu, hàng Dầu bán Dầu (thắp đèn)…

– Thời Pháp thuộc: chính quyền thực dân đã dịch tên phố sang tiếng Pháp:

Hàng Điếu = Rue des Pipes

Hàng Muối= Rue de Sel

Lấy danh nhân Pháp (mẫu quốc) đặt cho đường phố Hà Nội: Laveran (nay là Lê Văn Hưu), Henri Riviere (nay là Ngô Quyền), F. Garner (Đinh Tiên Hoàng mới mở), phố Tràng Tiền = Rue Paul Bert.

Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp.

Ngày 20 – 7 – 1945 bác sĩ Trần Văn Lai nhận chức Đốc Lý Hà Nội (còn chưa đầy 1 tháng là tới ngày tổng khởi nghĩa 19 – 8 – 1945).

Ông đã làm được một việc đáng ghi công với lịch sử Thủ đô ta:

1 – Sửa đổi lại toàn bộ hệ thống tên đường phố.

2 –  Kéo đổ 1 loạt tượng đài thực dân như tượng Bà Đầm Xòe (Thần tự do) ở vườn hoa cửa Nam, tượng Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Cùng với các việc trên, chính quyền Trần Văn Lai đã bỏ hết các tên phố do Pháp đặt, đổi thành tên các danh nhân, anh hùng nước ta theo quy tắc cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực: Tên các danh nhân lớn đặt tên cho phố lớn, phố chính; tên các danh nhân khác hoặc tên vùng đất (đã có từ xưa), có liên quan thì đặt cho các phố thứ, phố xương cá – Ví dụ:

– Trần Hưng Đạo là phố chính thì có 1 loạt phố nối vào mạng tên Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Đinh Lễ.

Mạn bờ sông Hồng thì vinh danh các tướng thủy chiến như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái.

Các nhà nghiên cứu  (Hà Nội học) cho rằng: Tầm nhìn quy hoạch đường phố Hà Nội của BS Trần Văn Lai thuộc loại “có những phút làm nên lịch sủ” là thật đáng kính nể, do cách đặt tên có tính khoa học (hợp lý) khiến cho đường phố Hà Nội được hệ thống lại, nhờ đó những tên phố chính thì vẫn giữ ổn định (tồn tại) cho đến ngày nay, mặc dù chính quyền (chính thể) đã qua bao lần thay đổi (thăng trầm).

Ngay cái tên “Quảng trường Ba Đình” không ít người nhầm tưởng là do chính phủ Hồ Chí Minh đặt …thực là có từ Bác sĩ Trần Văn Lai.

QUY HOẠCH TÊN PHỐ THỜI NAY

Có một thời tùy tiện: nên có trường hợp như đường phố Lê Duẩn gối đầu vào đường phố Nguyễn Khuyến….Tuy vậy, về tổng thể thì từ thời đã qua cho đến hiện nay vẫn tuân thủ đặt tên theo cụm:

– Phố nhà văn: Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… luôn có sự cân nhắc đặt ai vào đầu cho hợp lý? (sự không hợp lý, nổi cộm gây phản cảm vẫn được nhà đương cục xem xét dư luận xã hội rồi điều chỉnh, sửa đổi để tên đường phố Hà Nội ngày một hoàn thiện).

II. TÊN DÂN GIAN ĐƯỜNG PHỐ HÀ NỘI.

Thăng Long – Hà Nội đã trải qua 1000 năm lịch sủ, trải qua nhiều triều đại (chế độ), mỗi thời chính quyền (nhà đương cục) Thủ Đô đều đặt tên đường và phố theo chính kiến của mình. Tuy nhiên, song song với tên do chính quyền đặt (ghi trên địa bạ, bản đồ hành chính) vẫn luôn có cái tên do Dân gian đặt (truyền mồm) gần như bất tử nó mang ký ức thời gian, nhân chứng lịch sử gắn với các giai thoại lịch sử (gốc gác tại sao gọi như vậy) rất tiện cho việc hỏi thăm, tìm địa chỉ. (ví dụ: Khu tập thể thành công, Kim Liên, Trung Tự, Bãi Phúc Xá, bờ sông, bờ hồ, khu văn công Mai Dịch, khu Cao Xà Lá, cây đa Nhà Bò, bến Nứa, dốc hàng than – Yên Phụ, Bưởi, Ngã Tư Vọng, Mơ – Táo…..), cụ thể là:

1) Đường An Dương Vương: dài 3,5km từ ngã ba Nhật Tân đến đường Phạm Văn Đồng – tên dân gian: đê Nhật Tân – Phú Xá.

2) Đường Bà Triệu: dài 1,9 Km từ Hồ Gươm tới đường Đại Cồ Việt.

Tên dân gian: đoạn đầu có các tên phố hàng giò, đoạn giữa là dốc Hàng Kèn hoặc dốc Miếu cây thị, Đoạn cuối xưa là Trường bắn.

3) Bạch Mai: Xưa là vùng kẻ Mơ

4) Bãi Than Vọng: tên dân gian nay là khu tập thể văn phòng Quốc hội ở trọn 2 ngõ 255 và 259 Phố Vọng.

5) Bát Đàn: thời Pháp là Phố hàng chén (Rue Vielle des Tasses).

6) Bùi Thị Xuân: trước gọi là Huyền Trân Công chúa.

7) Bùi Xương Trạch: trước đây gọi là Xóm Cò.

8) Chương Dương Độ: phố dài 400m ngoài đê là đất xóm chài Thủy Cơ, thôn Đồng Trạch xưa.

Tên dân gian là: Phố Cầu Đất (thực ra bến Chương Dương nơi Thượng tướng Trần Quang Khải đánh thắng quân Nguyên năm 1285 thuộc xã Chương Dương bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Thường Tín).

9) Cổng Đục: phố dài 110m từ cuối phố Hàng Mã thông sang phố Hàng Vải (xưa có cổng đục thông ra tường thành phía đông) đó là tên dân gian, thời Pháp là ngõ Hàng Vải (Ruelle des étoffes).

10) Ngõ Cột Cờ: do dân đặt ở phường Đồng Tâm, nay là 1 ngõ của đường Lê Thanh Nghị.

11) Phố Dịch Vọng: dân gian gọi làng Vòng có món đặc sản “Cốm vòng” nổi tiếng.

12) Ngõ Đại Đồng (160 Khâm Thiên) nhân dân gọi Ngõ Giếng.

13) Phố Đại Từ: tên dân gian “làng Đầm” (Linh Đàm – Khu đô thị mới).

14) Đường Điện Biên Phủ: tên dân gian: Đường Cột Cờ.

15) Ngõ Đoàn Kết (304 Khâm Thiên) tên dân gian “ngõ ăn mày”.

16) Phố Đội Cấn: xưa gọi là đường Quần Ngựa

17) Phố Đông Các: thường gọi là “ngõ Lao động Thịnh Hào” hoặc ngõ giếng.

18) Phố Đông Thái, tên dân gian “Ngõ Hàng Trứng”.

19) Ngõ Đồng Tâm: 3 ngõ do dân gian đặt xế cổng bệnh viện Bạch Mai.

20) Phố Gia Ngư: dân gọi “Ngõ Gia Ngư”.

21) Đường Giải Phóng: dài 3,3 km từ cuối phố Lê Duẩn đến Đuôi Cá (ga Giáp Bát) là 1 đoạn QL 1A, tên dân tự đặt ở đoạn cuối là phố Giáp Bát.

22) Phố Hàm Tử Quan, dân gian gọi phố Cầu Đất.

23) Ngõ Hàng Hương dài 65m từ Phùng Hưng qua gầm cầu lan sang phố Lý Nam Đế, còn có 1 phố Hàng Hương khác xưa chuyên làm hương đen, nay là phố hàng cháo.

24) Phố Hàng Khay – xưa là phố Thợ Khảm, thời Pháp là phố Anh Quốc (Great Britain Street).

25) Ngõ Hàng Lọng ở 102 Nguyễn Du rẽ vào còn phố Hàng Lọng xưa là đoạn đầu đường Lê Duẩn đến ga Hàng Cỏ.

26) Phố Hàng Lược – xưa là phố sông Tô Lịch.

27) Phố Hàng Mã – xưa gọi là phố Hàng Đồng.

Dân gian gọi thành 2 phố: Mã Mây, hàng Đồng.

28) Phố Hàng Ngang:

Tên dân gian là Hàng Lam, Đường nhân (Hoa Kiều) phố người Quảng Đông. Tên truyền thống là Hàng Ngang do 2 đầu phố có cổng chặn ngang đường, tối đóng lại thành 1 khu riêng cho người Tàu Quảng Đông cư trú.

29) Phố Hoàng Đạo Thành: tên nôm Lủ Cầu (đất làng Lủ – Kim Lủ).

30) Đường Hoàng Hoa Thám: tên dân gian là Đường Thành dài 3,3 km.

31) Đường Hoàng Mai: Tên cũ ngõ 103 Trương Định.

32) Đường Hoàng Văn Thái: Trước dân tự đặt là đường Đông Tây 2.

33) Ngõ Hồ Giám: 25 Tôn Đức Thắng rẽ vào.

Tên dân gian: Ngõ Hương Miến.

34) Phố Hồ Hoàn Kiếm dài 50m từ phố Cầu Gỗ tới Phố Đinh Tiên Hoàng – dân gian gọi là ngõ Hàng Chè.

35) Đường Hồ Tùng Mậu dài 2 km

Dân tự gọi: Phố Mai Dịch và phố Cầu Diễn.

36) Phố Hồng Mai: trước là ngõ Mai Hương (mới) ở số 421 Bạch Mai rẽ vào. Ngõ Mai Hương (cũ) ở 335 rẽ vào còn gọi là Ngõ Bạch, Ngõ Cổng Gạch.

37) Đường Khuất Duy Tiến: dân gian gọi đoạn cuối là đường bê tông Thanh Xuân.

38) Đường Khương Đình: dân gian tự đặt là phố Thượng Đình.

39) Phố Khương Thượng: dân gian gọi là ngõ xóm Tân Khương.

40) Đường Lạc Long Quân: đoạn cuối chợ Bưởi, dân gian gọi là phố Trích Sài.

41) Đường Lê Duẩn: 2,6km

Trước là 2 đường phố: Hàng Lọng (đến ga Hàng Cỏ) và đến phố Hàng Cỏ, sau 1954 là đường Nam Bộ và phố Kim Liên.

42) Phố Lê Trọng Tấn: dân gọi đường SânBay.

43) Ngõ Lệnh Cư (127 Khâm Thiên rẽ vào) dân gọi Ngõ Đội Khánh (tên người có nhiều nhà đất ở đây).

44) Phố Lý Thái Tổ dài 880km dân gian trước gọi phố Hàng Vôi trong.

45) Phố Mai Động: Tên nôm Mơ Đậu (Đậu Phụ ngon nổi tiếng).

46) Phố Minh Khai:

Xưa có các phố Mai Động, phố Hưng Ký (Chùa mới).

47) Phố Chợ “19/12” dài 150m dân gian gọi “chợ Âm phủ”, sau cách mạng là phố Lê Chân (đây là mồ chôn chung của các chiến sĩ ở đồng bào ta bị Pháp giết trong 60 ngày đêm Liên khu I).

47) Ngõ Mỹ Ký: Ngõ rẽ từ 403 Bạch Mai vào, xưa chuyên làm đồ vàng bạc giả.

48) Phố Ngô Sĩ Liêm 260m từ phố Nguyễn Khuyến đến phố Quốc Tử Giám. Dân gọi phố Hàng Đũa.

49) Phố Ngô Tất Tố: 100m từ Văn Miếu chạy vào, có thời gọi là phố Trạng Bùng.

50) Phố Nguyễn Công Trứ: Tên cũ phố Nghĩa Trang (có mả Tây) rồi là phố Yécxanh.

51) Phố Nguyễn Hữu Huân: Tên dân gian là phố Bê Thượng, phố Đê rồi đổi là Phố Bắc Ninh.

52) Phố Nguyễn Khắc Cần: Từng được gọi là phố Yên Đổ, Nguyễn Khuyến.

53) Phố Nguyễn Khắc Hiếu dài 230m chạy dọc bán đảo Ngũ Xã, từng gọi là phố Tản Đà.

54) Phố Nguyễn Khắc Nhu: Từng được gọi là phố Tiền Quân Thành (Nguyễn Văn Thành), Xứ Nhu.

55) Phố Nguyễn Khoái (Lương Yên) tên dân gian là phố Lò Sát Sinh.

56) Phố Nguyễn Khuyến: Cũ gọi là sinh từ (thời Pháp trong ngõ Hàng Đũa có “sinh từ”- đền thờ sống tên Việt gian Nguyễn Hữu Độ – Kinh lược sứ Bắc Kỳ) còn có tên là phố Bùi Huy Bích.

57) Phố Nguyễn Lương Bằng: tên dân gian là Nam Đồng, đường Đống Đa.

58) Phố Nguyễn Thái Học dài 1,7 Km tên dân gian là phố Hàng Đẫy. Có ngõ Nguyễn Thái Học, tên dân gian là Ngõ Bảo Anh.

59) Phố Nguyễn Thiếp dài 270m từ phố Nguyễn Trung Trực ra phố Hàng Khoai, bị gọi nhầm là Nguyễn Thiệp (Nguyễn Thiếp là viện trưởng viện sùng chính chăm lo công việc giáo dục cho vua Quang Trung).

60) Đường Nguyễn Tri Phương: dài gần 1km trước gọi là đường cửa nam, phố trong thành.

61) Phố Nguyễn Văn Siêu trước gọi là Nguyễn Siêu.

62) Phố Nguyễn Viết Xuân tên dân gian là phố Khương Mai.

63) Phố Nguyễn Xí: Từng gọi là phố chùa Quang Thượng (xưa có chùa Báo Ân).

64) Phố Nhà Chung: Trước gọi là phố Hội Truyền Giáo.

65) Ngõ Nhà Dầu: đầu phố Khâm Thiên rẽ vào xưa có nhà đầu hàng Sell cũ- nay là Tổng công ty xăng dầu.

66) Ngõ Nhà Giáo: 135 Nguyễn Lương Bằng rẽ vào, trước đây là Nhà giảng đạo lý của nhà thờ Nam Đồng. (Còn gọi là nhà 85 phố Nam Đồng cũ).

67) Phố Phạm Đình Hổ: dân gian gọi sai là Phạm Đình Hồ.

68) Phố Phạm Huy Thông: dân gọi là phố quan hồ Ngọc Khánh.

69) Phố Phạm Ngọc Thạch: dân gọi là phố Trung Tự.

70) Phố Phạm Ngũ Lão: có nhà Bác cổ, đồn Thủy – còn gọi “phố Nhượng Địa”

71) Phố Phạm Sư Mạnh: vốn xưa là Tràng Đúc Tiền (Bảo Toàn Cục) thời Nguyễn, gọi là phố Xưởng Đúc Tiền.

72) Phố Phạm Tuấn Tài: tên cũ dân tự đặt: Ngõ A76 dài 500m từ số 117A Hoàng Quốc Việt đến ngã tư phố Trần Quốc Hoàn.

73) Đường Phạm Văn Đồng dài 5,2km dân gọi trước là đường Nam Thăng Long.

74) Phố Phan Bội Châu: tên dân gian là Phố Nhi.

75) Phố Phan Chu Trinh: sau cách mạng là phố Trạng Trình, có ngõ cùng tên (còn gọi là ngõ Bạch Vân).

76) Phố Quang Trung: dài 1,1Km

Tên dân gian đoạn đầu là Phố Hàng Kèn.

77) Đường Quảng Bá: do dân tự đặt

78) Ngõ Quỳnh dài 1,48 Km/169 Bạch Mai rẽ vào – là gọi tắt chữ Quỳnh Lôi.

79) Phố Tạ Hiện thường bị đọc lệch là Tạ Hiền – liệt sĩ chống Pháp (1841 – 1893) quê Thái Bình làm Đốc Binh ở Tuyên Quang.

80) Phố Tạ Quang Bửu: dân tự gọi ngõ Bách Khoa.

81) Phố Tây Sơn: xưa gọi Phố Thái Hà và phố Ngã Tư Sở.

82) Đường Tây Tựu: tên nôm là làng Đăm.

83) Phố Thanh Hà gần cửa Ô Quan Chưởng, xưa gọi Ngõ Hàng Nâu.

84) Đường Thanh Niên: vốn là con đập tên Cố Ngự (giữ vững) bị đọc chệch là Cổ Ngư.

85) Phố Thiền Quang: dân quen goi là Thuyền Quang.

86) Ngõ Thọ Xương: trước đây dân gian gọi cả 2 ngõ: Huyện và Thọ Xương là Ngõ Huyện (lỵ sở huyện Thọ Xương xưa).

87) Phố Thợ Nhuộm: dân gian gọi là Hàng Bông Nhuộm.

88) Phố Tô Tịch dài 95m từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai, xưa bán “chiếu trắng”.

89) Phố Tôn Đức Thắng dài 1,24Km từ phố Nguyễn Thái Học tới ô Chợ Dừa, dân gian gọi là phố Hàng Bột.

90) Phố Tôn Thất Tùng: dân gian gọi là phố Khương Thượng.

91) Phố Tống Duy Tân: tên cũ là Kỳ Đồng.

92) Phố Trần Cao Vân: tên cũ là Phố Chùa Vua.

93) Phố Trần Hưng Đạo: tên dân gian đoạn giáp ga là phố Hàng Cỏ.

94) Đường Trần Khát Chân: đoạn từ Ô Đống Mác đến Ô Cầu Dền, dân gian gọi là đê Bình Lao.

95) Phố Trần Nhân Tông: Tên dân gian là phố Nhà thương đau mắt (nay là viện mắt ở góc phố Bà Triệu).

96) Phố Trần Tế Xương dài 85m chạy ngang bán đả Ngũ Xã, xưa gọi là phố Tú Xương.

97) Đường Trương Định: Tên dân gian trước đây là các đoạn phố Hoàng Mai, phố Giáp Lục, Đuôi Cá….

98) Đường Trường Chinh: dài 2,3Km từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng (cũ) thời Pháp gọi là “Đường Vòng” gồm có phố Đại La, sau 1981 là đường chiến thắng B52, 1990 là Trường Chinh. Tên dân gian là đường TàuBay.

99) Phố Vạn Bảo dài 550m từ phố Đội Cấn sang Kim Mã – xưa là trại Vạn Bảo rồi đổi là Vạn Phúc, là ngõ 222 Đội Cấn.

100) Phố Vạn Hạnh: dài 1,1Km từ ngã 3 rẽ vào phố Trường Lâm, cạnh trụ sở UBND quận Long Biên.

101) Phố Văn Miếu: dân gian gọi Phố Hậu Giám.

102) Phố Vọng: dài 800m vốn là 1 đoạn QL 1A từ cửa bệnh viện Bạch Mai lượn vòng cắt ngang Ngã Tư Vọng rồi nhập vào với đường Giải Phóng (chỗ khu nhà ở Phương Liệt) – tên dân gian là phố Đồng Tâm (nay có phường Đồng Tâm).

103) Phố Vũ Hữu Lợi dài 100m từ phố Yết Kiêu tới phố Lê Duẩn – xưa gọi phố Vũ Lợi.

104) Đường Xuân Diệu dân đặt là đường Tây Hồ.

105) Phố Y Miếu dài 90m từ phố Ngô Sĩ Liên tới phố Trầm Qúy Cáp – Thời Pháp gọi là đường 253, sau đổi là phố 224.

106) Đường Yên Phụ: thường gọi đê Yên Phụ.

NHẬN XÉT

– Khảo sát trong số 696 đường phố, ngõ ở Hà Nội thì 106 phố có tên do dân gian đặt (hoặc tương tự như vậy chiếm 15,2%); trong số 106 đường phố ngõ ấy có 54 là mang tên danh nhân, anh hùng (50,9%) còn 52 mang tên đặc điểm, sản vật, ngành nghề (49,1%).

– Tên mới (do chính quyền đặt) thường được người dân dùng kèm với tên dân gian hay địa danh cũ (tên nôm làng xã xưa) nó có tác dụng thuận lợi cho việc thăm hỏi, tìm địa chỉ (không cần bản đồ hành chính) trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân Thủ đô.

Ví dụ: hỏi thăm “Khu tập thể văn phòng Quốc hội – Bãi Than Vọng” thì nhiều người biết hơn là hỏi ngõ 255 và 259 phố Vọng.

III. KIẾN NGHỊ:

Tên dân gian đường phố Hà Nội là di sản văn hóa dân tộc (của người Thăng Long – Hà Nội). Nó vừa có ý nghĩa thực dụng vừa có ý nghĩa bảo tồn, trải qua những thăng trầm lịch sử, thử thách qua thời gian đến nay nó vẫn tồn tại trong tiềm thức người dân Thủ Đô, gợi nhớ (hoài niệm) về cội nguồn quê hương xứ sở mà ông cha ta về “về nơi hồn thiêng sông núi tụ bến bờ” với biết bao công lao (kể cả xương máu) để xây dựng, bảo vệ Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tên dân gian đường phố Thủ đô còn thể hiện nét đẹp truyền thống, gần gũi với cuộc sống lao động và chiến đấu – tình yêu và nỗi đau của dân tộc (ngõ Tạm Thương, chợ Âm Phủ…..). Nó có ý nghĩa lịch sử gắn với các giai thoại kỷ niệm của người xưa (ông cha) truyền lại cho người nay (con cháu), là 1 thứ của báu về văn minh tinh thần của người Hà Nội, cần được giữ gìn để khỏi mai một.

KIẾN NGHỊ:

1. Thành phố mỗi lần đặt tên (hoặc đổi tên) các đường phố mới cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các địa danh (bản địa) – Nó là dấu ấn của cư dân ở đó từ xưa tới nay…mà ưu tiên chọn để đặt tên.

2. Các tên đường, phố, ngõ khi làm biển hiệu in nét to do chính quyền đặt bằng chữ in, nét to ở trên, nên có tên dân gian nhỏ để trong ngoặc đơn ở phía dưới, với ý nghĩa vừa hiện tại vừa tôn trọng lịch sử.

Ví dụ:

Đường Trường Chinh (Đường Tàu Bay)

Phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột)

Phố Phạm Ngọc Thạch (Trung Tự)

Phố Trần Cao Vân (Chùa Vua)

3. Việc in ấn xuất bản các bản đồ hành chính, du lịch về các tên đường phố Thủ Đô hiện hành cần ghi thêm tên dân gian, tên bản địa cũ… để vừa mang tính hướng dẫn và bảo tồn như những giá trị dân tộc.

4. Những thiên kiến chính trị có thời điểm mang tính thời sự khi bỏ tên cũ đổi tên mới các đường phố Thủ đô (Thiếu công bằng lịch sử hoặc đặt tên các “danh nhân”, anh hùng chưa đủ tầm cở quốc gia, chưa đáng ghi vào lịch sử Thủ Đô…) thì cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng rồi hãy làm (tuyệt đối tránh các cái tên “vô nghĩa” mơ hồ như giải phóng, chiến thắng, Đồng Tâm, Hòa Bình, Thống Nhất, Lao Động, Tiến Bộ, Tự do,… chẳng biểu tượng, ấn tượng cho một địa danh, (tên đường, phố, ngõ) cụ thể nào, mà có thể rất chung chung gắn vào đâu cũng được ?).

5. Nên xem xét điều chỉnh lại một số tên đường phố cho nó hợp lý, thỏa tình hơn, ví dụ:

– Phố Bùi Thị Xuân nên đổi trở lại là phố Huyền Trân Công Chúa, đổi phố Trung Liệt là phố Bùi Thị Xuân để gắn liền với phố Trần Quang Diệu.

– Đổi đoạn đường Giải Phóng (từ công viên Thống Nhất tới ga Giáp Bát) là đường Lê Duẩn (mới), còn đường Lê Duẩn (cũ) lấy lại tên là phố Hàng Lọng (Cái Lọng che đầu Tam Nguyên Yên Đổ – phố Nguyễn Khuyến) như vậy là rất có ý nghĩa.

Lời bàn thêm:
Tác giả Nguyễn Văn Uẩn, trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” – 1995 có đề xuất nên : điều chỉnh và thay đổi trên 60 tên đường và phố Hà Nội (4 Quận nội thành  cũ) với lý do: xét về lịch sử Hà Nội từ năm 1945 đã qua nhiều lần thay đổi tên phố, vào tháng 3 năm 1945, 2 lần thêm bớt thay đổi hoặc chuyển dịch… quan trong nhất là vào những năm 1954 và 1964.

Mặc dù vậy cũng còn tồn tại tình trạng 1 số tên phố được chọn hoặc phân bố chưa thỏa đáng. Có những tên đất và tên người có nhiều ý nghĩa lịch sử còn bị bỏ sót, không ít số tên phố đã đặt theo một hệ thống nhất định rồi, do đó không nên chắp vá làm mất sự nhất quán.

Cách đề xuất của Nguyễn Văn Uẩn khá kỹ lưỡng, hợp tình hợp lý, nhưng không có tính khả thi vì sự chuyển đổi (thay đổi)  như vậy là quá nhiều, gây đảo lộn trong sinh hoạt, rất tốn kém, phức tạp trong việc làm mới lại các địa chỉ trong sổ hộ tịch, các giấy tờ về nhà đất, chứng minh thư, hộ chiếu, giấy khai sinh và các giấy tờ khác trong các cơ quan công quyền là quá lớn.

KẾT LUẬN:

Mỗi đường phố, ngõ phố đều gắn với vận mệnh con người (cư dân) Thủ Đô… Mỗi cái tên thiêng liêng ấy, mỗi khi ta đọc lên là ta thấy thân quen, gắn bó với một phần cuộc đời của tiền nhân cũng như bản thân mình để ta thêm yêu, ta nhớ, ta bồi hồi tự hào với những đường ngõ, phố thân thương đông vui và rất có động của cái “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” ấy thật đúng là:

Nhẩm câu thơ Thăng Long thành hoài cổ

Màu thời gian còn phảng phất ưu tư.

 

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2012.

NGUYỄN KHÔI

(Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội)

 

Bài viết đã báo cáo tại cuộc hội thảo về
“phát huy di sản văn hóa dân gian – thực trạng và nhu cầu phát triển”

Của Ban chỉ đạo – Ban tổ chức “ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 8” tại Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 2012.

0