Quang Trung trong tâm trí kẻ sĩ Bắc Hà
Đặng Việt Bích Quang Trung – Nguyễn Huệ và cuộc tiến công lịch sử đại thắng quân xâm lăng Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu diễn ra vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đã vĩnh viễn đi vào lịch sử dân tộc như một trang chói lọi. Không phải chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh thì Quang Trung mới ...
Đặng Việt Bích
Quang Trung – Nguyễn Huệ và cuộc tiến công lịch sử đại thắng quân xâm lăng Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu diễn ra vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đã vĩnh viễn đi vào lịch sử dân tộc như một trang chói lọi.
Không phải chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh thì Quang Trung mới có một vị trí cao trong tâm hồn dân tộc mà ngay khi chiến công năm Kỷ Dậu diễn ra, nghĩa là đối với những người sống cùng thời với ông, chiến công đó đã được nhân dân ta hoan nghênh, khâm phục, ghi nhớ, khắc sâu vào tâm khảm.
Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu một số thơ văn của sĩ phu Bắc Hà viết về Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng chiến công lừng lẫy của ông.
Nhưng trước hết, chúng ta bàn qua về thái độ của giới kẻ sĩ Thăng Long và Bắc Hà đối với Nguyễn Huệ trước khi ông lập nên chiến thắng vĩ đại Kỷ Dậu.
Khi ba anh em nhà Nguyễn ở ấp Tây Sơn (Bình Định) dấy nghĩa (1771) thì lúc này hai miền của đất nước Bắc Hà và Nam Hà hay Đàng Ngoài và Đàng Trong – trạng huống phân ly non sông diễn ra cũng đã khoảng hai thế kỷ nếu tính từ 1558 là năm mà Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) dẫn đầu một tập đoàn người Việt từ Thanh Hóa vượt sông Gianh vào Nam. Còn nếu kể từ khoảng 1620 – 1627 là thời gian mà Nam Hà chính thức chia ly với triều đình Lê – Trịnh ở Thăng Long thì lúc này cũng là gần 150 năm. Tình trạng chia cắt san hà cũng đã diễn ra rất lâu, trong dân gian tâm lý coi sự phân lập về chính trị giữa hai Đàng – Đàng Trong và Đàng Ngoài – là hiển nhiên.
Bản thân Cống Chỉnh (Nguyễn Hữu Chỉnh) nghĩ Đàng Trong – Nam Hà – Quảng Nam Quốc – lãnh địa của các chúa Nguyễn – cũng là ngoại quốc. Khi Chỉnh bị triều đình Lê – Trịnh sức quân bắt thì y tìm cách chạy trốn. Bộ hạ của Chỉnh hỏi y định trốn nơi nào thì Chỉnh trả lời: Trên đời có vạn quốc, trốn sang nước nào mà chẳng được! Sau đó Cống Chỉnh trốn vào Nam, sung vào hàng quần thần của Nguyễn Huệ, lúc này là Bắc Bình Vương, trấn giữ mạn Bắc của lực lượng Tây Sơn.
Khi Nguyễn Nhạc gặp vua Lê Chiêu Thống trong lần đầu Tây Sơn tiến ra Bắc, thì sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái chép là “Cuộc hội kiến này dùng lễ hai vua gặp nhau, không phải ai lậy ai”.
Nói qua như thế để thấy tâm lý của dân chúng và giới thống trị Đàng Ngoài vốn coi Đàng Trong là lãnh thổ của nước khác, đã được xác lập, sau khoảng hai thế kỷ giang sơn bị chia cắt.
Nguyễn Huệ ra Bắc nhiều lần, ông hiểu khá rõ tình hình Bắc Hà và vị trí của giới kẻ sĩ – Nho gia – tại đây. Cho nên Nguyễn Huệ đã nhiều lần xin yết kiến La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp), một danh sĩ và một cao sĩ của đất Hồng – Lam (Nghệ – Tĩnh) nói riêng và đất Bắc nói chung. Song Nguyễn Huệ đều bị khước từ. Chắc chắn vì là trung thần Lê triều, nên La Sơn Phu tử vẫn chưa thực sự đánh giá cao Nguyễn Huệ và dù thế nào vị phu tử danh tiếng này vẫn mơ tưởng tới chuyện khôi phục địa vị chính thống của vua Lê trong nền chính trị nước nhà.
Song một khi ông vua cuối cùng của nhà Hậu Lê là Chiêu Thống dẫn đại binh Mãn Thanh gồm hai mươi vạn quân mã sang chiếm Thăng Long thì bộ mặt yếu hèn, bán nước một cách nhục nhã của Chiêu Thống đã lộ rõ, đông đảo kẻ sĩ và dân chúng Bắc Hà quay ra căm ghét Lê Chiêu Thống và tìm thấy ở Quang Trung – Nguyễn Huệ như lực lượng cứu tinh duy nhất của đất nước, qua bao phen binh hỏa.
Do đó La Sơn Phu tử đã nhận lời mời của hoàng đế Quang Trung hạ sơn và ông đã cười mà rằng với nhà vua trẻ tuổi: Chuyến này nhà vua chỉ cần 5 ngày là đại thắng quân Thanh. La Sơn Phu tử hiểu rõ tâm thế của xã hội lúc này quá mệt mỏi với cảnh binh đao, với bao biến cố trọng đại, với sự hỗn loạn, vô chủ kéo dài của kinh thành Thăng Long và đặc biệt là quá chán ghét, quá khinh bỉ tên vua Chiêu Thống phản nước, hại dân, vì quyền lợi ích kỷ của bản thân mà cõng rắn cắn gà nhà.
Sự kiện trọng đại Quang Trung đại phá quân Thanh với trận Đống Đa đã đi vào lịch sử cũng như lịch sử thơ văn dân tộc.
Ở đây, tôi không muốn nhiều đến bài Ai tư vãn vốn đã rất nổi tiếng của bà Ngọc Hân công chúa, vợ vua Quang Trung, ca ngợi người “người anh hùng áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình” mà chúng ta đều đã được học qua chương trình phổ thông trung học.
Sau chiến thắng đó đã xuất hiện rất nhiều thơ ca, hò vè, văn tế, văn bia… ngợi ca người anh hùng của lịch sử Quang Trung cùng chiến công vang dội của ông.
Ngô Ngọc Du, người quê Hải Dương, sinh sống và dạy học ở kinh thành Thăng Long cuối thế kỷ XVIII đã thể hiện sự kính phục của bản thân và của nhân dân Bắc Hà nói chung trong một bài thơ tự sự tuyệt vời bằng chữ Hán có tiêu đề – Long thành quang phục kỷ thực (Ghi chép việc khôi phục thành Thăng Long):
Bọn giặc vì cớ gì mà điên cuồng đến đây!
Quân của nhà vua nêu cao uy vũ.
Rồi thần tốc xông thẳng tới,
Như từ trên trời giáng xuống, không ai kháng cự nổi.
Một trận “rồng lửa” làm cho giặc tan tành,
Chúng bỏ thành cướp đò tìm cách chạy trốn.
Ba quân chỉnh tề đội ngũ tiến lên.
Ta thấy tác giả họ Ngô vừa căm ghét quân địch xâm lăng – đặt câu hỏi: Bọn giặc vì cố giữ mà điên cuồng đến đây!, vừa nêu cao sự chính nghĩa của quân đội hoàng đế Quang Trung: Quân của nhà vua nêu cao uy vũ.
Đặc biệt tác giả miêu tả sự đón tiếp hân hoan của trăm họ trước chiến công của Tây Sơn với tất cả sự hào sảng:
Trăm họ mừng rỡ đón tiếp đầy đường
Mưa quang mây tạnh, thấy lại mặt trời,
Đầy thành trẻ già mặt tươi như hoa,
Họ chen vai thích cánh tranh nói với nhau:
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta…
Trong một bài thơ không dài song tác giả Ngô Ngọc Du đã mô tả một cách thần tình, trung thực và rất hàm súc từ ý nghĩa của chiến thắng, sự hoan nghênh và sự tâm phục, khẩu phục Quang Trung của nhân dân Thăng Long, và miêu tả cuộc tiến công chớp nhoáng, thần tốc, hiệu quả như là “rồng lửa” của quân đội Tây Sơn. Một bài thơ rất đỗi hàm súc, nói đúng và nói đủ những điều cần nói.
Phan Huy Ích (1570 – 1822), thuộc dòng họ Phan Huy danh tiếng, có làm một bài phú Sơ văn Tôn tổng đốc thoái sư Xương Giang ngẫu phú (Nghe tin Tổng đốc Tôn lui quân về Xương Giang ngẫu hứng phú), trong đó tác giả đã mô tả trung thực sự thất bại thảm hại của Tôn Sĩ Nghị:
Người ngựa qua cầu lạc mất thần,
Mấy vạn xương khô đành để lại,
Xương Giang oán khí gió theo chân.
Bia ở chùa Thúy Lâm, thôn Lương Xá (xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Tây) có viết ca ngợi chiến công hạ đồn Đống Đa của đô đốc Đặng Tiến Đông – tức đô đốc Long:
“Năm Mậu Thân (1788) đầu đời Quang Trung, quân Bắc (Thanh) xâm chiếm nước Nam. Ông phụng chiếu cầm đạo quân tiên phong tiến đánh làm cho quân Bắc ta vỡ. Ông một mình một ngựa tiến lên trước dẹp yên nơi cung cấm…”
Có một bài văn cúng, cúng cô hồn quân sĩ Thanh triều chết trận tại Đống Đa và Thăng Long ngày 5 tháng Giêng Kỷ Dậu, đã miêu tả rất sinh động thảm bại của quân Thanh và khí thế chiến thắng trời long đất lở của quân Tây Sơn:
Chú sang cứu viện nước Nam,
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay.
Chú thì thắt cổ trên cây,
Chú thì tự vẫn ở ngay trong nhà.
Chú thì thác xuống Diêm la,
Chú nào còn sống về nhà đại minh.
Ai ai là chẳng đau tình,
Di đà tiếp dẫn chúng sinh cô hồn.
Chú nào có vợ, có con,
Có cha, có mẹ hãy còn giỗ chung.
Thiều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông,
Nam Kinh, Quảng Bắc có lồng sang đây.
Trời làm một trận gió lay,
Sống làm tướng mãnh, thác rầy tâm linh…
Trong kho tàng dân ca sưu tầm được ở xứ Thanh có một bài ca dao đáng chú ý nói về thời kỳ Tây Sơn:
Thùng thùng trống đánh quân sang,
Chợ Già trước mặt, quán Ngang bên đàng,
Qua Chiêng rồi lại về Giàng,
Qua quán Đông Thổ về làng Đình Hương.
Đáng chú ý là câu kết:
Anh đi theo chúa Tây Sơn,
Em về cầy cuốc mà thương mẹ già.
Cuộc đại thắng quân Thanh của quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của hoàng đế Quang Trung đã chiếm lĩnh được khối óc và con tim của người đương thời, của sĩ phu Bắc Hà và nhân dân, như qua một số thơ văn mà tôi đã dẫn.
Chúng ta đều biết triều Nguyễn (triều đình Huế) luôn coi Quang Trung và nhà Tây Sơn là kẻ nghịch tặc. Các bộ quốc sử Nguyễn triều như Đại Nam thực lục… của Quốc sử quán đều gọi Tây Sơn là giặc, giặc chiếm chỗ này, giặc chiếm chỗ nọ… Gia Long và nhà Nguyễn đã trả thù hèn hạ con cháu, dòng họ Quang Trung và các tướng lĩnh của triều Tây Sơn. Nhưng thiên tài Quang Trung, sự anh minh của ông, cùng thắng lợi năm Kỷ Dậu (1789) giải phóng Thăng Long vẫn đi vào tâm hồn dân tộc như một cái gì đó hết sức lớn lao, kỳ vĩ, không thể xoá bỏ được.
Nguyễn Văn Siêu (1796-1872) một danh sĩ và cao sĩ của Thăng Long và toàn quốc, thời Nguyễn. Mặc dầu Nguyễn triều cấm đoán mọi sự ngợi ca quân Tây Sơn, nhưng tất cả điều ấy không ngăn được Nguyễn Văn Siêu ca ngợi một cách trung thực và dũng cảm sự nghiệp chính nghĩa của Tây Sơn trong Phương Đình thi tập.
Bài thơ Điếu thành Tây Loa Sơn cổ chiến trường xứ, dịch ra Tiếng Việt là Viếng Loa Sơn (tức Đống Đa), nơi chiến trường xưa ở Tây Thành (Hà Nội). Đây là một bài thơ đáng chú ý vì tác giả của nó là một nhà thơ mà danh tiếng lừng lẫy, được thiên hạ xếp vào hạng thánh thi (thần Siêu, thánh Quát):
Việc nước đã như làn nước đổ xuôi, không ai chống lại được nữa.
Gặp khi quân Tây Sơn vùng dậy, tình thế lại chuyển biến theo.
Dựa vào sức người khác, khó lòng làm nên việc nước.
Rõ ràng tác giả khẳng định Tây Sơn và tỏ ý chê bai Lê Chiêu Thống định ỷ vào ngoại lực (Triều Thanh).
*
* *
Quang Trung – Nguyễn Huệ, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, là tập đại thành của tinh hoa, trí tuệ, văn hóa dân tộc trong thế kỷ XVIII và có thể nói của cả ba thế kỷ liên tiếp của thời kỳ Trung đại (TK XVI, TK XVII và TK XVIII), thời kỳ mà không gian sinh tồn và hoạt động của dân tộc đã vượt qua dãy núi Hải Vân để phát triển tới tận Cà Mau, Phú Quốc. Đáng tiếc ông chỉ sống tới tuổi bốn mươi (1792), nếu không lịch sử phát triển của dân tộc có cơ may diễn theo nhịp điệu khác. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng do đồng chí Trường Chinh khởi thảo lại phân kỳ lịch sử văn hóa nước nhà một thời kỳ dài từ cổ đại đến thực dân làm hai giai đoạn:Trước Quang Trung và sau Quang Trung. Có thể nói đây là sự đánh giá rất cao, rất tuyệt vời và thú vị của Đảng ta cũng như của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đối với người anh hùng dân tộc Quang Trung va triều đại Tây Sơn.
Hà Nội, 11 – 12/12 2003