Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang
Kênh Vĩnh Tế Nguyễn Văn Hầu Trích trong tác phẩm cùng tên . Chương XI: Đào Vĩnh Tế Hà Để cho con kinh được ngay thẳng, người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, dốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cặm. Muốn điều khiển những cây ...
Nguyễn Văn Hầu
Trích trong tác phẩm cùng tên.
Chương XI: Đào Vĩnh Tế Hà
Để cho con kinh được ngay thẳng, người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, dốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cặm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy cho thật ngay hàng, người ta cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.
Đợt đầu của công tác đào kinh kéo dài ba tháng, suốt từ rằm tháng năm năm Mẹo cho đến rằm tháng ba năm Thìn. Việc tạm ngưng không rõ được bao lâu, rồi sau đó lại tiếp tục đợt kế, đợt kế nữa. Trong mỗi đợt đào kinh, lại có những đợt nhỏ được luân lưu nhau giữa những người làm xâu, gọi là phiên. Chúng ta ngày nay lấy làm khó khăn khi muốn biết rõ được tất cả các thời gian ngừng nghỉ, tiếp nối của công tác vĩ đại nầy.
Theo Quốc triều chánh biên toát yếu , thì vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) tháng 10, nhà vua đã dụ rằng:
“Đường sông Vĩnh Tế liền với tân cương, xe thuyền qua lại đều là tiện lợi, Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta mưu sâu, tính xa, chú ý việc ngoài biên. Công việc đào kinh mới bắt đầu chưa xong. Nay ta theo chí tiên hoàng, cố nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài về sau”.
Đoạn vua Minh Mạng ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt bắt binh dân ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 39.000 người, binh dân Chân Lạp hơn 16.000 người, chia làm 3 phiên để hoạt động. Nhưng hết xuân sang hè thì công tác lại tạm hoãn nữa vì hạn hán. Trong đợt nầy, phụ lực với Thống chế Thoại , có Thống chế Nguyễn văn Tuyên và Thống chế Trần công Lại .
Đợt cuối cùng đúng vào tháng hai năm Giáp thân (1824). Số lượng bề dài của con kinh còn lại chỉ 1.700 trượng kể từ cuối rạch Giang Thành trở vào tới nơi đã đào xong. Công tác lại tích cực với sự hỗ trợ của Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và binh dân bị bắt làm xâu lên tới 25.000 vừa Miên vừa Việt. Họ hoạt động có khi thâm vào đêm. Đến tháng năm năm ấy thì xong cả .
Như vậy, nhân công đào kinh tổng số lên đến trên 80 ngàn người. Thời gian công tác dai dẳng 5 năm trường, từ tháng chạp năm Mẹo (1819) cho tới tháng 5 năm Thân (1824) mới hoàn tất.*
Việc đào xong kinh Châu Đốc –Hà Tiên đã được thừa nhận xem là một thành quả to tát. Dân chúng mừng vì lợi việc thông thương. Giới chức biên phòng nhẹ bớt gánh nặng nhờ có đường nước án ngữ. Riêng vua Minh Mạng thì lấy làm mãn nguyện vì nối được chí cha và đã đạt được một quốc sách. “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên, cho tới dân buôn bán, đều được tiện lợi vô cùng”. Đó là lời nhận xét của Đại Nam nhất thống chí, ghi chép trước đây gần trăm năm.
Ngày nay, nhìn trên bản đồ, duyệt lại chuyện cũ, chúng ta cũng thấy được sự lợi ích lớn của việc làm thời đó. Nó không những chỉ làm một đường nước lưu thông bằng thuyền để buôn bán đi lại, hoặc để giữ gìn đường ranh giới mà thôi. Nó còn có tác dụng quan trọng khác là đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào các khu đồng ruộng mênh mông để rửa sạch chất muối, chất phèn cho mùa màng thêm tươi tốt.
Nhưng đi đôi với thắng lợi của công tác, sự tổn hại cũng khá nhiều. Tương truyền trong thời gian sưu dịch, muốn cho mau rồi, nhà chức trách có khi phải bắt dân binh làm việc thâu đêm. Đất ở gần chân núi, lắm chỗ có đá sỏi dày đặc, cho nên sưu dân phải đem xuổng sắt lưỡi dày rồi dùng chày vồ mà đóng mạnh cho đất sỏi văng lên. Công việc lâu ngày mòn mỏi, lại buồn ngủ vì thức đêm, nên nhiều khi ngủ gục, người ta đập lầm chày vồ vào đầu nhau đến vỡ sọ mà chết.
Lại còn bị nạn thú dữ làm hại.
Trong cảnh rừng núi thâm u, ban đêm cọp rình bắt người xé xác mà ăn thịt. Quân lính cũng mỏi mòn không kém gì sưu dân, nên sự canh phòng chểnh mảng, không bảo vệ nổi những tai nạn kinh khủng ấy. Nạn rắn độc cũng nhiều. Rắn bò nhung nhúc trong bưng biền, bờ bụi, hang hốc. Thời đó có nhiều tay chuyên lấy nọc rắn thần diệu. Nhưng rủi ro chạm phải nọc độc của mái gầm, hổ mây mà không có thầy thuốc bên lưng thì cầm chắc là mất mạng. “Mái gầm tại lỗ, rắn hổ về nhà”. Nhưng về được tới nhà mà chưa có linh dược thì chết tức tốc còn gì!
Thêm vào đó người ta còn chết vì bệnh. Dưới chân thì đất khô cằn, chai cóng, trên đầu thì nắng thiêu nóng bức. Thiếu nước uống, thiếu thuốc men. Nạn lam chướng trong rừng che đá vách làm sao mà tránh. Bởi vậy nhiều người phải bỏ việc mà trốn, mặc dù sự trốn xâu lậu thuế là điều không ít nguy hiểm.
Hầu hết các bô lão miền Hậu Giang không ai lạ gì với những điều tôi vừa kể qua. Chính tổ tiên của phần đông các vị ấy là nạn nhân của đương thời. Sự bỏ trốn làm xâu như vậy, theo họ, vẫn là nguy quá. Nhưng sự ham sống sợ chết đã thúc đẩy mọi người hành động để chọn lấy con đường tương đối dễ bảo đảm cho cái sống hơn. Nếu lính canh bắt được một người trốn xâu thì người ấy phải bị phạt đòn, phạt làm việc gia bội và sau đó còn bị phạt tù. Mà tù rất nặng, rất khó sống vì phải làm xâu thâu đêm và phải khổ sai liên tục, không cho mãn phiên. Nếu may mà thoát khỏi tay lính canh, thì còn sợ lạc vào rừng chết đói và chết vì ác thú. Nếu cả hai cái nguy kể trên đều được tai qua nạn khỏi thì khi về tới Vàm Nao, họ còn sợ nạn cá mập là khủng khiếp hơn cả.
Vàm Nao là một nhánh sông ăn thông giữa Tiền và Hậu Giang, giữa địa giới Long Xuyên – Châu Đốc, nơi từng chứng kiến biết bao thảm kịch lịch sử trong thời chiến tranh Xiêm Việt, chiến tranh Miên Việt.
Một nơi nước xoáy cuộn vòng cầu, đánh đắm nhiều thương thuyền và trong năm 1700, nó từng được Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tứ danh là “Thuận Vàm” với ứơc mong tai nạn nhân dân giảm thiểu . Sông Vàm Nao hồi ấy hẹp, nhưng độ sâu đáng sợ. Cá mập tránh sóng to của đại giang, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân đa số là người ở miệt dưới, tức Sa Đéc, Long Hồ, Trà Vang … Họ muốn trốn phải về đường đó, vì đường đó rừng bụi nhiều và nó là nẻo tắt, cách xa đường dịch trạm (tức công lộ), không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy mà khi đáo bỉ ngạn, mười người chỉ còn sống sót được có năm ba và có khi tay chân còn bị cụt mất nữa là khác.
*
Khi đào kinh xong và được tâu lên, vua Minh Mạng mừng, giáng chỉ khen ngợi công khó của Bảo Hộ Thoại, ban thưởng tiền bạc the lụa cho ông, đồng thời sắc cho quan hữu tư địa phương làm bia dựng ở bờ sông để đánh dấu cho một công tác lớn lao của Nguyễn Văn Thoại.
Nguyên trước kia, vì đã lấy tên là Thoại Ngọc Hầu mà đặt tên cho kinh và núi (Thoại Hà và Thoại Sơn) sau khi ông đào xong kinh Đông Xuyên – Kiên Giang, nay không lẽ lại cho lặp lại cùng một tên cũ. Nhà vua xem thấy bên bờ kinh mới đào có núi Sam y như bên bờ kinh trước kia có núi Sập, lại xét thấy Thoại Ngọc Hầu phu nhân, dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế, vốn là người đàn bà đức độ, từng tận lực giúp chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kinh là Vĩnh Tế Hà và tên núi ở bờ kinh là Vĩnh Tế Sơn.
Đó là một tưởng thưởng trọng đại mà Thoại Ngọc Hầu đã tiếp nhận với một niềm sướng thoả vô biên. Ta hãy đọc ông trong bia Vĩnh Tế Sơn, đoạn nói về núi:
“Khi được lên bản ngọc, vua xem qua, ban cho tên tốt để đặc biệt nêu lên, thật là một chuyện ít có. Huống gì núi ở cõi Phiên, nơi ranh giới xa xôi hoang rậm, thì lại càng thêm đặc biệt lắm.
Triều đình nghiêm đặt đồn doanh tại địa giới Châu Đốc để khống chế nước Phiên. Phía sau đồn có núi, mà lời tục thường quen gọi núi Sam. Nơi đây, đầm ao rừng rú mênh mông rậm rạp, cũng là chỗ Thổ dân, Khách trú, người Lào nương ngụ. Tuy có cảnh đẹp chuyện hay, nhưng cũng vẫn là một nơi rừng sâu, đá rối, nổng gò mà thôi. Chừng như đất trời có hẹn, nên mới khiến xui sắp bày những điều tốt đẹp, mới lạ như vậy chăng?”
Nguyễn Văn Thoại cũng cho ta biết rõ nguyên do vì sao mà tên của Thoại Ngọc Hầu phu nhân lại được tứ danh cho sông lẫn núi:
“Thần vẽ hoạ đồ dâng lên, ngưỡng mong vua soi xét. Năm trước đây thần phụng mạng xem sóc việc đào kinh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kinh núi Sập , đặt là núi Thoại. Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là bíêt tề gia hợp hoà khí, lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là núi Vĩnh Tế.
Người nhờ núi nêu danh mà trâm tóc vẻ vang, ân vua gội rửa, núi nhờ người được hiệu mà cỏ hoa tươi tốt, ân chúa thấm nhuần. Trước ân đức cao thâm đó, nhỡn não thần mở rộng, tâm quan thần thầm ghi. Thật là: vận núi được hội tốt tao phùng, lão thần có duyên may tế ngộ. Nếu không phải vậy, núi vì đâu mà được thiêng liêng như thế?”.
Và đây là đoạn cuối bài bia tả cảnh đẹp trên kinh:
“Đến nay, ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà ráng rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ là đà phô thắm. Bụi sạch trên đường lên cao ngắm nghía dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh cùng nói với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế, do vua ban tên đó”
Bia Vĩnh Tế Sơn dựng vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), sau khi kinh được đào xong 4 năm. Bấy giờ Thoại Ngọc Hầu đã 67 tuổi. Bà Nhất phẩm Phu nhân Châu Thị Tế, ngươn phối của ông đã mất trước đó 2 năm và được an táng tại triền núi Sam. Tấm bia đá to và cao ngang đầu người, khắc 730 chữ, đã sửa soạn từ lâu. được đem cắm trong vòng lăng mộ, lúc đó đã được chôn Thoại Ngọc Hầu phu nhân, và cũng là nơi dự định làm chốn yên nghỉ cuối cùng của ông sau nầy.
Ngày làm lễ cặm bia hình như đã được chọn cùng lúc với một ngày cải táng tập thể các binh dân tử nạn trong việc đào kinh. Chính trong ngày ấy, Thoại Ngọc Hầu cũng đứng ra chủ tế các cô hồn tử sĩ và một bài văn tế nhan đề: Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh, cũng gọi là Tế nghĩa trủng văn, được đem tuyên đọc.*
Độc giả theo dõi công việc đào kinh Vĩnh Tế, tất đã biết sự tổn hại nhân mạng là bởi nguyên do nào. Chính vì có sự tổn hại đó mà cùng một lúc với việc khen thưởng công lao của người còn, triều đình đã biểu lộ cái trắc ẩn chi tâm đối với kẻ khuất.
Một sắc chỉ ban xuống cho Thoại Ngọc Hầu, đương kim Thống chế Bảo Hộ Cao Miên quốc, lại có trách nhiệm trấn giữ đồn Châu Đốc, kiêm quản quân vụ trấn Hà Tiên, nhân danh chánh quyền lấy cốt tất cả những mồ mả của những người dân binh đã chết vì thừa hành công vụ đào kinh.
Công việc bốc mộ phải đi thuyền tìm kiếm từ vàm kinh ở hữu ngạn Hậu Giang (Châu Đốc) đến ngả ba Giang Thành (Hà Tiên) gần 100 cây số. Tôi không rõ có bao nhiêu ngôi mộ được bốc lên. Nhưng bằng vào những mồ mả còn thấy chung quanh lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, nơi được xem là vị trí cải táng các “nghĩa trủng”, thì ít nhất cũng phải có đến hàng bốn, năm chục.
Ngày nay, quan sát kỹ lưỡng các mồ mả ấy, chúng ta biết có một số đã bị nắng mưa làm lì mất, một số được đắp lên bằng vôi cát và nước cây ô dước theo kiểu hình con voi phục. Trừ vài ngôi mộ của mấy người có thể lực, được đem chôn lẫn vào đó sau nầy (một Pháp kiều và vài phú gia), chúng ta có đếm được 55 ngôi mộ. Trong số đó không nhất thiết là mồ mả của những người đã chết vì nghĩa vụ đào kinh, mà còn có những người thân tín của Thoại Ngọc Hầu được cho chôn ở đó. Mồ mả được trùng tu nhiều lượt, nên có cái tuy dáng dấp còn theo xưa, mà hồ tô mả đã là xi măng với cát. Dù sao, trong tất cả những ngôi mộ còn lại nầy, chắc chắn có lối một nửa là nghĩa trủng.
Như tôi đã nói, một bài văn tế đã được lệnh soạn ra để cho Thoại Ngọc Hầu đứng chủ tế các chiến sĩ, các sưu dân đã bỏ mình trong công tác đào kinh Vĩnh Tế. Trong dịp tế cáo nầy, vì phải “thừa đế lịnh”, lại phải làm một cuộc cải táng tập thể, cho nên chắc phải được tổ chức chu đáo và to. Nhưng tôi đã tra tìm trong các tài liệu liên hệ, không thấy có bút tích nào nói đến địa điểm cuộc hành lễ, do quân binh và sưu dân tử nạn đã được tạm chôn, nay đem đi di táng ở đâu. Tôi đã căn cứ vào nhiều lẽ để suy đoán, thứ nhất là khu mộ nói trên và nội dung bài Tế Nghĩa Trủng văn để mà quyết định được sự kiện.
Mở đầu bài tế, ta thấy ngay cái bơ vơ của các cô hồn.
Trời xanh thẳm mồ hoang lợp lợp,
Trăng soi nhoà mấy lớp bia tàn!
Mây che bao nắm đất vàng,
Sương sa sao giọi, gò hang đổi dời!
Máy tạo thể trò chơi lũ trẻ,
Bóng quang âm như kẻ qua đường.
Lúc sanh khi lớn không tường,
Là trai hay gái khó lường họ tên?
Hiền hoặc dữ, hư nên nào rõ,
Cha anh đâu, còn có cháu con?
Việc ngươi ta hiểu chưa tròn,
Xưa làm chi đấy, hãy còn nghĩ suy!
Đào kinh trước mấy kì khó nhớ,
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Bình man máu nhuộm chiến trường,
Bọc thây da ngựa gởi xương xứ nầy.
Rồi sau đó một đoạn, Thoại Ngọc Hầu kể đến công đức của vua cho lệnh cải táng, để cho các cô hồn từ rày được thụ hưởng việc thờ phượng, cúng lễ.
Nếu không gặp được ông Tây Bá,
Nắm xương khô tan rã khắp đồng.
Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời người an táng nằm chung chốn nầy.
Chọn đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hằng năm cúng tế dồi dào,
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi.
Nơi đoạn cuối bài tế, người đứng chủ tế vừa nói lên cái tình cảnh ngậm ngùi đối với kẻ chết, vừa gián tiếp chỉ điểm địa chỉ cuộc hành lễ cải táng:
Mắt chạm thấy lòng càng tưởng nhớ,
Dầu đưa tay vớt đỡ được đâu!
Tỏ lòng ghi nhớ ơn sâu,
Điếu người thiên cổ mấy câu ca rằng:
“Đỉnh núi Sam gió xuân thổi ngót,
Triền núi Sam móc ngọt đượm nhuần.
Hợp nơi mồ vắng reo mừng,
Hồn ơi! Hồn hỡi! mựa đừng luyến xa.
Cỡi văn báo hay là xe ngựa,
Cảnh chia ly gợi ứa lệ hồng.
Phương tây thoả dạ ruổi dong,
Núi Sam sừng sựng như mong hồn về”.
Nhờ có bài Tế Nghiã trủng văn, khiến chúng ta xác nhận được nhiều sự kiện. Việc trước hết là Thoại Ngọc Hầu vâng chỉ đào kinh, quả thật có chết mất nhiều người (Thiên nhai lạc lạc, khách trủng luy luy) và có mất lòng dân như tương truyền. Ông bẩm tính siêng năng, cả quyết, làm việc gì cũng cầu toàn, cho nên việc đào kinh vì quá hăng say với công tác, chắc không thể không mắc vào sự chuyên quyết như những việc làm 1úc ông bảo hộ Cao Miên mà trong Đại Nam chính biện liệt truyện, quyển 27, từng nói đến. Việc tế cáo nầy là một “trắc ẩn chi tâm” và cũng là một trong những chính sách làm yên lòng người.
Việc thứ hai là trong số người đào kinh, ngoài binh và dân, còn có cả đàn bà con gái phụ trách những việc nhẹ nhàng như nấu ăn, gánh nước, mà tai nạn có khi đã đưa đến cho họ (Vi nam vi nữ, tánh thậm danh thuỳ). Điều nầy được soi sáng thêm vào việc vua khen bà Châu Thị Tế đã từng giúp chồng nhiều việc cho nên chồng mới được cái vinh dự thành công và bà mới được lấy tên đặt cho kinh cho núi (tất nhiên công tác của bà phải có nữ giới trợ lực).
Việc thứ ba là xác nhận cuộc cải táng tập thể, trong đó có cả lính lẫn dân. Mà trong số quân lính đó, trước kia họ đã từng góp công giúp triều đình vào việc chinh phạt (Sung biên chi hộ, bình man chi sư. Sa trường huyết chiến, lý dĩ mã bì).
Và việc sau cùng cũng đã cho ta biết quả quyết địa điểm hành lễ cũng như nơi cải táng hài cốt của các “nghĩa trủng” không đâu khác hơn là tại khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ngày nay (Sam sơn chi thượng hề, xuân phong xuy. Sam sơn chi hạ hề, cam lộ ti. Sam sơn chi tây hề, khả dĩ toại xu trì).
Sự tiện lợi của con kinh Vĩnh Tế càng về lâu càng thấy rõ. Do đó mà sau khi Thoại Ngọc Hầu mất được bảy năm, đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi triều đình cho lệnh đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, vua cho chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh.
Cao đỉnh là một trong số chín cái đỉnh hiện nay còn để trước nhà Thế miếu tại Đại nội của cố đô Huế. Tất cả các đỉnh đều có tên riêng: Huyền, Tuyên, Nghị, Chương, Cao. Nhơn, Anh, Thuần, Dụ. Tám chiếc đặt thẳng một hàng ngang và đều khoản, đứng ra hai bên, riêng Cao Đỉnh được đặt ở chính giữa, ngay đường vào Thế miếu và được đưa về phía trước các đỉnh kia.
Trên Cao đỉnh, hình kinh Vĩnh Tế được chạm vào hông rất mỹ thuật. Dãy Thất Sơn lô nhô trùng điệp, có điểm lác đác những gò đất, lùm cây và lạch nước Vĩnh Tế lăn tăn gợn sóng. Trên bờ kinh, dưới chân núi, ba chữ Vĩnh Tế Hà khắc theo Hán tự khá sắc sảo và rõ ràng, phô lộ tầm quan trọng của một việc làm bất hủ.*
Cho đến ngày nay, kinh Vĩnh Tế vẫn là một thủy đạo hữu ích lớn cho việc thông thương vận tải. Từ vàm kinh ở bờ Hậu Giang (Châu Đốc) thẳng đến cửa Giang Thành (Hà Tiên), dài 98.300m, sở dĩ lưu thông được, là nhờ nơi dòng nước đào tay nói trên.
Tổ tiên ta chỉ bằng những khí cụ thô sơ: Một ít cây sào tre đầu có lửa đuốc để nhắm hướng; năm ba cuộn dây thừng để đo chiều dọc, chiều ngang va bề sâu cho mỗi phiên xâu; một số cuốc, xuổng, chày vồ do dân xâu tự túc để tự tay đào đất. Công quĩ thì chỉ giúp cho muối, gạo và một ít tiền. Thế mà đã thành công tốt đẹp và để lại sự tiện lợi mãi mãi cho chúng ta về sau.
Ngày nay, những buổi chiều đẹp trời hay những đêm trăng sáng, nếu ta thả thuyền trên kinh hoặc trèo lên trên chót vót các ngọn núi Sam, núi Cấm hay một trái núi cao nào khác ở vùng Thất Sơn mà ngắm xuống dòng nước dưới kinh, thả hồn mơ về cố sự, chắc chúng ta không khỏi bồi hồi thán phục người xưa đã chịu khổ công khai phá cõi hoang vu cho thành nơi lưu thông trù mật, và nhất là đường kinh thẳng tắp, không thua gì nhắm bằng máy nhắm của khoa học bây giờ…