Suy nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo ngày nay.
Những năm gần đây, bên cạnh những thành tựu, ngành Giáo dục của đất nước chúng ta cũng không ít hiện tượng tiêu cực. Có những thầy, cô đứng trên bục giảng mà không dành cho sự nghiệp trồng người tình yêu và trách nhiệm. Có nhiều học trò đã không tìm thấy ở thầy giáo, cô giáo của mình chỗ dựa tinh ...
Những năm gần đây, bên cạnh những thành tựu, ngành Giáo dục của đất nước chúng ta cũng không ít hiện tượng tiêu cực. Có những thầy, cô đứng trên bục giảng mà không dành cho sự nghiệp trồng người tình yêu và trách nhiệm. Có nhiều học trò đã không tìm thấy ở thầy giáo, cô giáo của mình chỗ dựa tinh thần.
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học và coi trọng người thầy. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nhắc nhở con người về thái độ tôn sư trọng đạo: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.... Ngày nay, đặt trong bối cảnh của xã hội hiện đại, truyền thống ấy cần được nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo.
Tôn sư trọng đạo là tư tưởng bắt nguồn từ Nho giáo, Nho giáo đặc biệt đề cao sự học và vai trò của người thầy. Người thầy đại diện cho những gì tôn kính nhất; đạo thầy trò là một trong những rường mối đạo đức quan trọng nhất của xã hội phong kiến (quân, sư, phụ)... ông cha ta đã tiếp thu tư tưởng này theo tinh thần “thiết thực, linh hoạt, dung hòa”; lược bớt các nghi lễ mang tính hình thức khắt khe, rườm rà, chú trọng đến nội dung nhân bản của thái độ coi trọng tri thức và mối quan hệ thầy trò. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một truyền thống văn hóa, đạo đức quý giá của người Việt. Nhờ coi trọng việc học, tôn kính người thầy, nhân dân ta đã góp phần tạo dựng nền văn hiến của đất nước. Thời đại nào cũng có nhiều tấm gương hiếu học, nhiều người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Có những người thầy đã xa khuất mà tài năng, nhân cách vẫn tỏa sáng cho baonhiêu thế hệ mai sau. Có những học trò đỗ đạt, làm quan to nhưng khi trở về thăm thầy cũ nơi làng quê hẻo lánh vẫn lễ phép, khiêm nhường như người trò ngày xưa....
Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được tiếp nối, phát huy. Nhà nước, xã hội luôn có sự quan tâm đến giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của người thầy. Giáo dục được coi là quốc sách: tăng ngân sách giáo dục, tăng lương giáo viên và tích cực tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp... Các gia đình cũng luôn chú trọng đến việc học hành của con em mình. Không khí dân chủ giúp mối quan hệthầy - trò gần gũi, chan hòa hơn, tạo điều kiện để thầy giúp trò phát huy vai trò chủ động trong học tập. Ở cấp học nào, tiếng nói của thầy giáo, cô giáo vẫn có tác động vô cùng lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Nhiều khi, học trò có thể tâm sự, chia sẻ với thầy, cô nhiều điều không nói được với cha mẹ và người thân. Phụ huynh học sinh tin cậy gửi gắm con em cho nhà trường và thầy cô...
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực đang tác động không tốt đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tiền lương nhận được chưa đủ đảm bảo cho người thầy một mức sống trung bình. Thực trạng này khiến không ít các thầy, cô phải làm thêm để kiếm sống - vừa mất đi thời gian, sức lực lẽ ra phải dành cho việc giảng dạy, vừa làm suy giảm hình ảnh người thầy. Đây đó, cũng có những giáo viên không đứng vững trước “cơn bão thị trường” đã làm giảm sút sự trân trọng của xã hội đối với người thầy... Đồng thời mức lương thực tế được tạo nên sự so sánh với các ngành, nghề khác, khiến học sinh giỏi có tâm lí ngại làm nghề dạy học. Chẳng hạn, một sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương có thể dễ dàng tìm việc làm với mức lương khởi điểm từ ba đến năm triệu đồng một tháng; trong khi một sinh viên Trường Đại học Sư phạm ra trường chỉ có thể nhận hơn một triệu đồng một tháng. Mà cơ hội tìm việc làm lại khó khăn rất nhiều... Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh, khi chúc mừng các học trò thi đỗ đại học đã có mấy lời “cảm tác” đáng để suy ngẫm: “Các em vào đại học, thầy vui - Duy chút băn khoăn, thoáng ngậm ngùi - ít em mong muốn vào sự phạm - Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?”... Mặt khác, sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh còn mang tính thực dụng cũng làm giảm nhiệt tâm của không ít thầy, cô. Không hiếm học trò chăm chỉ đến thăm, tặng quà thầy, cô trong ngày lễ nhưng lại chểnh mảng, lười biếng trong giờ học. Có những học trò ra trường, khi thành đạt không hề nhớ đến người thầy đã tận tụy dạy dỗ mình. Có lẽ, họ không biết rằng, chỉ một lời thăm hỏi qua điện thoại cũng khiến thầy, cô hạnh phúc và yêu nghề hơn. Thậm chí, có cả những hiện tượng phụ huynh hoặc học sinh xúc phạm nặng nề đến thân thể và nhân phẩm của thầy, cô giáo... Đó là những biểu hiện hoàn toàn xa lạ đối với nếp sống, nếp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Những biến đổi phức tạp của đời sống trong xã hội hiện đại ngày càng đòi hỏi mỗi chúng ta góp phần giữgìn, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và bổ sung cho truyền thóng này những nội dung mới. về phía nhà nước và xã hội, tôi nghĩ cần có sự quan tâm hơn nữa để nâng cao mức sống cho giáo viên, đặc biệt là các thầy, cô giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa. Cần phải có những chính sách ưutiên - không chỉ khi học mà cả sau khi ra trường để thu hút nhân tài cho các trường sư phạm. Phải có các thế hệ thầy giỏi thì mới có trò giỏi; mới tạo đà cho “sự học” ở Việt Nam hội nhập cùng thế giới, về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần chú ý hơn đến việc giáo dục con em mình thái độ thực sự tôn trọng đối với các thầy giáo, cô giáo. Mỗi học sinh cũng cần biết thể hiện tình cảm với thầy, cô một cách chân thành, đúng đắn. Theo tôi, tình cảm đó không thể “gói ghém” trong một bó hoa, một chiếc phong bì hay túi quà nhân ngày lễ, tết. Trái lại, nó phải được thể hiện trước hết ở sự nghiêm túc trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng của người trò; ở thái độ quý trọng tình nghĩa thầy trò. Bởi vì, đối với người thầy, niềm vui lớn nhất vẫn là được truyền thụ tri thức; được nhìn thấy các lứa học trò trưởng thành như người làm vườn được thấy cây cối xanh tươi, đơm hoa kết trái. Yêu kính thầy, cô cũng không chỉ là biết vâng lời mà còn phải là say mê với môn học, khao khát hiểu biết và noi theo chí hướng, nhân cách của thầy...
Bản thân tôi cũng có lúc buồn khổ, thất vọng vì sự thiếu công bằng, thiếu nhiệt tình của một vài thầy, cô nhưng tôi hiểu rằng đó chỉ là thiểu số. Nhìn lại con đường học tập của mình, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết công ơn dạy dỗ của thầy, cô. Các thầy giáo, cô giáo đã lặng lẽ vượt lên bao khó khăn về vật chất, thiệt thòi về tinh thần để miệt mài bên trang giáo án, say sưa bên tấm bảng đen, tìm nguồn hạnh phúc từ những đôi mắt và gương mặt học trò... Trong lớp học nào tôi cũng thấy những thầy, cô được học trò yêu quý, kính trọng. Các thầy, cô đã cho chúng tôi không chỉ tri thức mà cả niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao quý, bền vững của cuộc đời. Trong lớp12 của tôi, có đến 6 bạn đăng kí thi vào các trường sư phạm. Mỗi người xuất phát từ những lí do riêng, nhưng tất cả giống nhau ở một điểm: đều mang trong trái tim mình hình ảnh của những thầy, cô mà họ yêu quý, ngưỡng mộ. Các bạn ấy muốn được trở thành người như thế, muốn tiếp nối con đường của thầy, cô...
Như vậy, dù ở thời đại nào, tôn sư trọng đạo vẫn là một truyền thống quý giá cần được giữ gìn, tiếp nối. Đạo thầy trò có thể tồn tại ở những trạng thái khác nhau nhưng mãi mãi vẫn là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng, không thể thiếu trong hành trang tinh thần của mỗi con người.