23/05/2018, 15:55

Sự phát triển của cây điều

Cây điều có thân mộc to cao, nếu trồng lâu năm, khoảng vài mươi năm, cây có thể vươn cao trên mười thước, tán lá sum sẽ tỏa rộng không khác gì cây bàng, cây đa cổ thụ. Với cây đã cao to như vậy thì đoạn thân cây phía gốc có thể có đường kính năm sáu mươi phân, một người ôm không xuể! Vào một vườn ...

Cây điều có thân mộc to cao, nếu trồng lâu năm, khoảng vài mươi năm, cây có thể vươn cao trên mười thước, tán lá sum sẽ tỏa rộng không khác gì cây bàng, cây đa cổ thụ. Với cây đã cao to như vậy thì đoạn thân cây phía gốc có thể có đường kính năm sáu mươi phân, một người ôm không xuể! Vào một vườn điều trồng lâu năm, ta có cảm tưởng như lạc vào một khu rừng già, đó đây toàn là cây cao bóng cả…

Gỗ điều rất tốt, ngang hàng với gỗ dầu, điên điển, nhiều nước dùng vào việc xẻ ván đóng thuyền bè, bàn ghế tủ giường và nhiều đồ gia dụng chắc bền. Trong khi đó, tại nước ta hiện nay nhiều vùng chỉ đơn giản coi đây là một thứ chất đốt. Nhiều vườn điều già lão được người ta cưa xuống để bán theo giá củi chụm! Thật không còn gì uổng phí hơn.

Cũng như cách trồng tiêu, thời gian bỏ ra để chăm lo cho vườn điều được vươn lên tươi tốt nặng nhất là vài năm đầu. Đây là giai đoạn phải vun phân tưới nước, tỉa cành tạo tán… công việc vừa nhiêu khê vừa nặng nhọc. Qua năm tuổi thứ ba thì điều đã cho thu hoạch trái. Mỗi năm sau đó chỉ còn lo diệt cỏ và bón thúc cho cây mà thôi.

Như vậy, trồng điều nhà vườn chỉ tập trung sức và của cải trong vài ba năm đầu. Những năm dài sau đó sự tốn kém cho việc chăm sóc không tốn phí quá nhiều nữa.

Điều đang trồng tại nước ta có nhiều giống: có giống cây thấp, có giống cây cao, giống có sắc trái này hay sắc trái khác. Giống thấp khi trưởng thành, chiều cao của cây chỉ sáu bảy thước, trong khi loại cây cao ngọn nó có thể vươn lên trên mười thước. Từ trước đến nay đa số nhà vườn thích trồng loại cây thấp tiện cho việc thu hoạch hơn.

Mặt khác, vấn đề thân điều vươn cao hay mọc thấp cũng còn tùy vào cách trồng của ta nữa. Nếu vườn trồng với mật độ quá dày thì cây cứ vươn đọt cao lên và nguợc lại. Đây chính là điều quan trọng mà chủ vườn điều nào cũng cần biết rõ trước khi vỡ đất lập vừơn. Việc này mà tính toán sai lúc đầu thì sau này khó sửa đổi lại được.

Nếu trồng vói mật độ dày, khoảng cách giữa hai cây hoặc hai hàng chỉ bốn năm thước thì sau này thân cây cứ nhong nhỏng mọc cao lên. Cây đã dồn lực cho chiều cao thì thân phải yếu ớt, gốc sẽ nhỏ, nhánh không thể vươn dài nên tán hẹp. Điều này rất dễ hiểu, vì đúng như ông bà mình đã nói: “Cây chạm lá cá chạm vi” là chuyện nên tránh. Câu này ngụ ý khuyên mọi người khi trồng cây không nên trồng quá gần, để sau này khi cây lớn, tàn lá của chúng vươn ra không đụng chạm vào nhau. Như vậy, toàn thân cây từ ngọn đến gốc mới hấp thu được đầy đủ ánh sáng mặt trời để tốt tươi và đến mùa sẽ sai hoa nhiều trái. thưa thì bộ rễ của chúng dưới đất cũng không tranh đất mà sống, nên nhờ đó mà cây nào cũng mau phát triển.

Còn trồng thưa, khoảng cách từ mười đến mười hai thước, lúc đầu tuy thấy “hao” đất thật, nhưng vài năm sau cây trưởng thành, tàn lá của chúng vươn rộng ra lại vừa.

Điều trồng với mật độ thưa thì cây nào cũng đủ đất sống mà phát triển đều đặn, cành lá sum sê tươi tốt, do hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, đồng thời hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng trong đất. Trồng thưa thì chiều cao của các cây trong vườn không cao lắm, nhưng thân to, cành lớn, tán lá vươn rộng. Đây cũng là những yếu tố cần thiết để cho cây tăng năng suất sau này.

Thế nhưng, việc trồng khít hay trồng thưa, xét trên một số khía cạnh nào đó, chúng cũng có mặt lợi và hại của nó :

re cay dieu

– Cái lợi của việc trồng khít là diệt được cỏ dại trong vườn điều. Do trồng khít nên cành nhánh các cây sớm giao nhau dày đặc phủ kín đất trồng do đó cỏ mọc không nổi. Nói đến cỏ dại vườn điều thì ai nhìn cũng phải ngán. Chúng mặc sức mọc tràn lan cố tranh giành chất dinh dưỡng trong đất với cây, diệt trừ cho bằng hết quả là tốn nhiều công sức. Đã thế, nhiều khi đám này vừa giẫy cỏ xong tuần trước, thì tuần sau chúng đã mọc xanh um! Nhưng trồng với mật độ dày lại có điều hại ià cây phải chen nhau tìm đất sống nên tán hẹp, nhánh nhỏ, sau này năng suất không cao.

– Cái lợi của việc trồng thưa là cây mọc mạnh, cành to, tàn lá vươn rộng, khắp cây hấp thu đầy đủ được ánh sống mặt trời nên mùa nào cung sai hoa nhiều trái. Tuy nhiên, trồng thưa thì có điều hại là những năm đầu đất đai còn quá trống trải nên cỏ dại mọc nhiều…

Tuy vậy, nếu đem so sánh sự lợi và hại của hai cách trồng vừa kể, chắc quí vị cũng dễ dàng thấy được phương pháp nào nên áp dụng hơn.

Trong kỹ thuật trồng điều còn một điẻu cần đề cập đến nữa là nên trồng có hàng có lối như cách trồng cao su hay cà phê vậy. ngay hàng thẳng lối rất tiện cho việc chăm sóc như khi cuốc xới cày bừa cho tầng đất mật được tơi xốp, như làm cỏ vô phân cũng như lúc thu hoạch được dễ dàng. Cây trồng theo hàng lối còn thuận tiện cho nhà vườn trong việc sửa cành tạo tán, mà công việc này tuy không cấp bách nhưng cũng là việc cần làm thường xuyên…

Đứng trước một vườn điều mà cây trồng đúng kỹ thuật, người có kinh nghiệm về trồng điều có thể đoán trước được sự thành đạt sau này sẽ lên đến mức độ nào…

Rễ điều: Cây điều sở dĩ sống lâu năm trên vùng đất cằn cội khô hạn được là nhờ vào bộ rễ đặc biệt khá tốt của nó. Nếu trời không phú cho bộ rễ quá khoẻ này thì cây điều cũng chết héo như các giống cây khác mà thôi.

Trường hợp này cũng giống như cây thốt nốt. Cây thốt nốt nhờ có rễ cái cắm thật sâu vào lòng đất nên lúc nào nó cũng đứng vững được trước mưa gió bão bùng mà không bao giờ bị nghiêng ngả hay trốc gốc ! Mặt khác, cũng nhờ đó mà cây mới có khả năng cung cấp được nhiều nguyên liệu để nấu ra đường thốt nốt nổi tiếng hương vị thơm ngon.

Cây điều thường được trồng ở vùng khô hạn, các vùng đất đồi, có nơi mạch nước ngầm sâu tít trong lòng đất, đào giếng phải đến độ sâu vài ba mươi thước mới có nước mà dùng. Thế đất như vậy, nhưng cây điều vẫn sống lâu, sống khoẻ, nổi tiếng gan lì chịu hạn cực kỳ tốt, chung qui cũng nhờ vào bộ rễ của nó. Điều vừa có rễ chuột, vừa có rễ bàng.

Rẽ chuột tức là rễ cái của điều vừa to vừa mạnh, cắm sâu vào lòng đất cho đụng mạch nước ở dưới độ sâu để hút nuớc nuôi cây. Nhờ vào công năng của cái rễ chuột này mà quanh năm cây điều được tươi tốt, sống lâu và chịu được gió bão.

Còn rễ bàng của điều thì mọc ngang, chúng tủa ra trong một chu vi khá rộng, có khi xa gốc đến ba bốn thước, và cách tầng đất mặt một vài tấc xuống đến sáu bảy tấc. Nhiệm vụ của hệ rễ bàng là hút hết những chất dinh dưỡng có sẵn trong đất để nuôi cây.

Trong trường hợp cuộc đất trồng điều quá nghèo nàn chất dinh duỡng thì cây sẽ phát triển chậm. Vì vậy, hằng năm, ít ra cùng một lần, chủ vườn nên cày hoặc cuốc xới, làm cỏ vô phấn bón thúc cho từng gốc điều để giúp cây được tươi tốt hon, năng suất trái được tăng hơn.

Việc cày cuốc nhằm vào mục đích làm cho tầng đất mỏng bên trên được thông thoáng, tơi xốp, vừa hấp thu được dưỡng khí, vừa tống khứ ra ngoài được những loại khí độc thường ẩn chứa trong đất, vốn công là tác nhân gây hại cho sự sinh trưởng của cây.

Việc làm sạch cỏ dại thì ai cũng biết là nhằm vào mục đích tiêu diệt kẻ thù cạnh tranh không khoan nhượng chất dinh dưỡng trong đất với cây điều, cỏ dại đối với cây trồng cũng chẳng khác gì giống ký sinh rận mạt ngoài da thú vật vậy.

Còn việc bón thúc phân tro thì công dụng của nó cần thiết ra sao chắc ai cũng biết đến. Ông bà xưa mình có câu: “Người đẹp về lụa, lúa tốt về phân” ngụ ý khuyên ta trồng cây thì nên bón phân cho đầy đủ, như vậy cây mới có sức mà tươi tốt, mới sai bông trĩu trái sau này. Cây trồng thiếu phân chẳng khác nào con người thiếu ăn, yếu ớt vì suy dinh dưỡng !

Tât cả những công việc vừa kể đều nhằm tạo điều kiện sinh thái giúp vườn điều phát triển tốt, chứ không là việc làm thừa thãi…

Xin được lưu ý là việc cày cuốc cho tơi xốp đất chỉ nên nhắm vào lớp đất mỏng bên trên tầng mặt mà thôi, độ sâu khoảng vài tấc là đủ. Vì nếu cuốc cày sâu hơn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lớp rễ bàng chằng chịt.

Rễ bàng là rễ mọc ngang để hút chất dinh dưỡng trong đất mà nuôi cây. Rễ bàng tuy nhiều, tỏa ra chằng chịt, nhưng nếu bị cày cuốc đứt ra từng đoạn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sự sống của cây.

Lá điều: Lá điều to bản hình trứng. Lá non ăn được và có dược tính. Tùy từng giống mà lá non có màu xanh đọt chuối, hoặc đỏ, nhưng khi lá già thì có chung màu xanh thẫm. Lá điều mọc dày nên lúc nào vườn điều cũng râm mát.

Cây điều có thân to nên cành nhánh của nó cũng to, tán lá rất rộng, chiếm một chu vi có đường bán kính đến bốn năm thước, Vì vậy, nếu trước đây trồng với mật độ dày thì không sao tránh được cành lá của các cây chạm nhau, khiến ánh sáng khó lòng soi rọi tới cùng khắp.

Thường những cây có tán rộng cành nhiều là cây đạt năng suất cao. Còn những cây tuy mọc cao nhưng cành ngắn, tán hẹp thì không cho sai hoa nhiều trái được. Những cành đậu trái thường là những cành ở gần chóp ngọn.

Do lẽ đó, việc tỉa cành tạo tán là việc phải lưu tâm chú ý từ lúc cây điều còn non, và vẫn được coi là việc phải làm thường xuyên sau này.

Với những nhánh điều mọc không đúng kỹ thuật, như nằm khuất trong những nơi tối tăm, như mọc la đà sát gốc chẳng hạn thì cần phải tỉa bỏ không thương tiếc. Sự hiện diện của chúng không ích lợi gì cả, vì chúng không có khả năng ra hoa đậu trái, đã thế còn hút bớt chất dinh dưỡng của cây.

Và cũng chính vì điểm này nên chúng tôi xin được phép nhắc lại là trồng điều tuy thấy…dễ ăn, nhưng nếu thiếu bàn tay chăm sóc của nhà vườn, kết quả sẽ không được như ý mình mong muốn.

Hoa điều: Sau mùa mưa, thường thì trước Tết Nguyên Đán một vài tháng, điều bắt đầu trổ hoa. Nhìn cây điều đang dày đặc những chùm hoa chắc chắn ai thấy cũng ham, vì hoa mọc thành chùm ở đầu cành, sai hơn cả hoa nhãn.

Mỗi chùm hoa như vậy, ít thì vài ba chục, mà nhiều thì chi chít đến vài ba trăm hoa túm tụm lại với nhau.

Hoa điều không đẹp lắm nhưng cũng tạo được mộc nét riêng dễ nhìn. Khi mới nở thì cánh hoa màu trắng hoặc vàng lọt có sọc đỏ, rồi chuyển dần qua hồng đậm. Hoa thì nhiều, thế nhưng đâu phải mỗi hoa sẽ sinh ra được một trái, vì trong cùng một chùm hoa có cả hoa đực và hoa lưỡng tính, và hoa đực bao giờ cũng chiếm số nhiều, có khi hơn chín mươi phần trăm!

hoa dieu

Tắt nhiẽn là tùy theo mỗi cây, và cũng tùy theo giống tốt hay xấu mà tỷ lệ giữa hoa đực và hoa lưỡng tính nhiều ít ra sao. Có giống hoa lưỡng tính chiếm tới mức vài mươi phần trăm, nhưng có giống con số này lại lùi xuống vài ba phần trăm mà thôi. Vì vậy mới có chuyện chùm thì trĩu quả, chùm chỉ vỏn vẹn có năm ba trái lủng lẳng mà thôi !

Thực tế cho thấy có nhiều chùm hoa chỉ toàn là hoa đực không thôi, hoặc lơ thơ vài ba hoa lưỡng tính. Vì vậy, thấy điều ra hoa nhiều, nhưng cuối cùng số trái đậu được trên cây không được bao nhiêu, chính là do lẽ đó.

Hoa đực có bao phấn chứa toàn nhị đực.

Hoa lưỡng tính thì có 8 đến 12 nhị đực và nhụy cái ở giữa. Nhụy cái gồm có bầu noãn bên trong chứa một noãn (nếu việc thụ tinh thành công thì sau này sẽ là hột điều) và một cái vòi.

Hoa điều có đặc tính là chỉ nở vào buổi sáng chẳng mấy chốc đến trưa thì tàn. Trong một chùm hoa, không nhất thiết tất cả các hoa đều nở một lúc, mà có hoa nở trước hoa nở sau. Sự chênh lệch thời gian truớc sau đó có thể là một vài ngày hoặc trễ hơn. Vì vậy, trong cùng một chùm, ta mới thấy trái già nằm cạnh trái non, chứ không phải cùng một lứa.

Cũng thế, không nhất thiết trong tất cả hoa của một cây điều đều trổ trong một thời gian nhất định nào đó, mà có chùm trổ trước, có chùm mãi đến…một vài tháng sau mới xuất hiện. Do đó, mùa điều kéo dài đến máy tháng mới chấm dứt

Do hoa chỉ nở trong buổi sáng rồi tàn, nên việc thụ phấn có thành công hay không, thành công đến mức độ nào cũng chỉ diễn ra trong buổi sáng ngắn ngủi đó mà thôi. Hoa chỉ thụ phấn trong trường hợp hoa lưỡng tính nở mà gặp phấn của nhị đục dính vào nhờ sức gió đẩy đưa, hoặc nhờ các loại côn trùng bu bám.

Vì trong hoa có mật nên mới kích thích các giống côn trùng nhỏ như ong bướm, ruồi nhặng đến kiếm ăn. Nếu vùng nào thiếu vắng các giống côn trùng này thì điều sẽ đậu trái rất ít.

Để cứu vãn tình trạng này không gì tốt hơn là nên kết hợp việc nuôi , vừa giúp điều sai trái, vừa có mật để dùng. Tuy nhiên, cũng nên tính kỹ lại việc này, khi ta biết cây điều chỉ ra hoa mỗi năm có một mùa, trong khi những tháng dài còn lại bầy ong sẽ dựa vào nguồn hoa nào để sống ? cần phải nghiên cứu xem các vùng phụ cận với vườn điều có nơi nào trồng các loại cây ăn trái khác không, như nhãn, dừa, cà phê, cao su chẳng hạn…

Khi hoa điều nở mà gặp thời tiết quá xấu như nhiều sương muối, mưa phùn hoặc trời đổ mưa thì bao phấn của nhị đực không nút ra được. Nếu bao phấn nở ra mà gặp nước làm cho ướt thì phấn hoa đực cũng mất khả năng đến với hoa cái. Vì vậy trong mùa điều trổ hoa mà gặp thời tiết xấu thì nhà vườn nào cũng lo rầu vì dễ dàng biết trước được mùa điều năm đó thế nào cũng bị thất bại.

Cũng xin được trình bày thêm, tùy vào điều kiện đất đai và khí hậu mà có vùng điều ra hoa sớm, có vùng điều ra hoa muộn. Chẳng hạn ở các tỉnh miền đông Nam bộ và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vào đầu tháng chạp ta, có năm sớm hơn, điều đã trổ hoa. Còn vùng duyên hải nam Trung bộ thì mùa điều chậm hơn đến mấy tháng.

Còn một chuyện đáng nói nữa, gỉống điều nào mà ra hoa ngắn ngày (trong vòng hai tháng trở lại) chì trong chùm số hoa đực ít, chỉ chiếm từ bảy mươi đến tám mươi phần trăm mà thôi. Ngược lại giống điều nào ra hoa dài ngày (khoảng ba tháng hoặc hơn) thì đa số hoa đực quá nhiều, có thể trên chín mươi phần trăm, và hoa lưỡng tính chỉ chiếm số ít.

Các nhà vườn thường chọn lựa ra những cây thuộc giống ra hoa ngắn ngày để lấy hột làm giống tạo nên vườn cây mới với năng suất cao.

Điều trồng được hai năm, có cây đã trổ trái bói (cho trái lần đầu). Trái bói thì không được bao nhiêu do cây còn yếu sức chưa tăng trưởng đúng mức. Thường thì cây mới ra hoa lần đầu, nhà vườn ngắt bỏ hết để giúp cây dồn sức tăng trưởng mạnh. Những mùa kế tiếp điều ra hoa kết trái nhiều hơn. Và từ mùa thứ sáu, thứ bảy trở đi, năng suất trái sẽ lên đến đỉnh điểm. Cây càng về già, khoảng hai mươi tuổi trở về sau, thu hoạch ít trái dần… Trên đây, chúng tôi chỉ mới đề cập đến việc ra hoa kết trái của cây điều. Còn việc chọn giống ra sao để có giống tốt, để có trái sai hột lại đúng chuẩn cấp, xin trình bày tiếp ở phần sau…

0