23/05/2018, 15:55

Đặc tính sinh học của họ mọt dài

Thức ăn của họ mọt dài Cho đến nay con người cũng đã biết tương đối đầy đủ về họ mọt dài, đây là những con mọt ăn gỗ thực sự, nó khác với mọt gỗ chân dài Platypodidae và tộc Xyleborini ( Scolytidae ) sống bằng những sợi nấm mà mọt mẹ trong quá trình đào hang để đẻ trứng đã đem bào tử vào cấy ...

Thức ăn của họ mọt dài

Cho đến nay con người cũng đã biết tương đối đầy đủ về họ mọt dài, đây là những con mọt ăn gỗ thực sự, nó khác với mọt gỗ chân dài Platypodidae và tộc Xyleborini (Scolytidae) sống bằng những sợi nấm mà mọt mẹ trong quá trình đào hang để đẻ trứng đã đem bào tử vào cấy ở vách hang. Họ mọt dài có ảnh hưởng lớn đến kinh tế rừng. Vì nó trực tiếp làm hư hỏng đối với những cây gỗ mềm và phần gỗ giác đối với gỗ có giác lõi đặc biệt, gỗ dùng để trang trí nội thất trong gia đình như bàn ghế, giường tủ, ván ốp tường và đồ dùng bằng tre nứa…Họ mọt dài thường xâm nhập vào những cây gỗ có chất lượng tốt, chưa bị nấm, mục phá hoại.

Không phải tất cả các loại gỗ sau khi chặt hạ đều bị mọt dài tấn công, mà nó phụ thuộc vào đường kính mạch gỗ của loại gỗ đó to hay nhỏ. Mọt dài Bostrychidae không đẻ trứng trên vách hang, mà con cái đẻ trứng vào những mạch gỗ thích hợp, vậy đường kính mạch gỗ phải lớn hơn máng đẻ trứng của mọt dài. Đối với những loại gỗ có đường kính từ 100 – 150µ trở lên thì thường bị họ mọt dài phá hại, vì mạch gỗ có độ lớn như vậy mọt cái mới luồn máng đẻ trứng và đặt trứng được vào trong mạch gỗ.

Điều kiện thứ nhất để mọt dài xâm nhập vào gỗ là đường kính mạch gỗ phải lớn hơn máng đẻ trứng của mọt cái. Điều kiện thứ hai không kém phần quan trọng đó là trong gỗ có đủ chất đường và bột để nuôi sâu non sau này. Gỗ trám trắng Canarium album có đường kính trung bình của mạch gỗ là 210µ. Với độ lớn của mạch gỗ như đã kể trên, mọt gỗ Xylothrips flavipes sẽ đẻ trứng được vào trong mạch gỗ, trong gỗ có đủ đường và bột để nuôi sâu non, qua giai đoạn nhộng, mọt trưởng thành và hoàn thành vòng đòi của chúng. Nhưng cũng chính loại gỗ trám trắng này sau khi khai thác đem ngâm xuống ao, hồ thời gian 6 tháng trở lên làm cho các chất đường và bột có trong gỗ trám trắng bị phân giải. Do vậy, đối với gỗ trám trắng và các loại có cấu tượng gỗ tương tự, sau khi đã ngâm trên 6 tháng trở lên thường không bị mọt dài tấn công.

Trong họ mọt dài Bostrychidae xâm nhập và phá hoại các loại gỗ, riêng loài Rhizopertka dominica thì lại xâm nhập và phá hại các loại hạt ngũ cốc, gây thiệt hại rất lớn.

hang cua ho mot dai

Hệ thống đường hang mọt dài

Tất cả mọt dài khi đục vào gổ tạo thành hệ thống đường hang có đặc điểm chung gồm có:

– Đường hang mọt mẹ.

– Đường hang sâu non.

Đường hang mọt mẹ xuất phát đầu tiên từ ngoài vỏ (đối với cây có vỏ) hoặc gỗ xuyên qua lớp gỗ giác hoặc lớp vỏ cây đi vào bên trong gỗ một đoạn ngắn tuỳ theo loài từ 1 – 4 cm, sau đó chuyển hướng, song song theo vòng năm của gỗ ở phần gỗ giác chiều dài 4 – 5 cm, chiều dài của đường hang mọt mẹ biến đổi từ 5 – 8 cm có khi dài hơn nữa tuỳ theo loài.

Đường hang mọt mẹ khác với đường hang sâu non ở chỗ đường hang mọt mẹ thường được làm sạch mùn gỗ nên bao giờ cũng rỗng.

Đường hang sâu non chứa đầy mùn gỗ mịn do sâu non bài tiết ra được nén lại, đường hang sâu non thoạt tiên nằm bên trong mạch gỗ, gần vách đường hang mọt mẹ, mà trứng của mọt mẹ đã được đặt vào trong những mạch gỗ đó thông qua những mặt cắt của mạch gỗ lộ ra trong quá trình tạo hang để đẻ trứng của mọt mẹ. Khi sâu non còn nhỏ thì hướng của đường hang sâu non thường song song với mạch gỗ, về sau sâu non lớn dần, hướng đường hang sâu non không theo một quy luật nhất định.

Cuối cùng hang sâu non là buồng nhộng, sau khi vũ hoá, mọt trưởng thành đục một lỗ vù hoá độc lập mà bay ra ngoài. Đặc điểm của đường hang sâu non của họ mọt dài Bostrychidae là khi cắt ngang thì có hình tròn, còn các họ khác như BuprestidaeCerambycidae, thì đường hang sâu non khi cắt ngang lại có hình elip.

Sinh sản

Mọt dài xâm nhập vào gỗ chúng phải đào một đường hang mọt mẹ, nhưng hang mọt mẹ luôn luôn rỗng, mọt mẹ không đẻ trứng trên vách hang mọt mẹ, mà chúng luồn máng đẻ trứng vào những mạch gỗ có kích thước thích hợp mà đặt trứng vào trong đó rồi lấy mùn gỗ nút lại, sau khi sâu non nở ra chúng ăn gỗ trực tiếp. (Trừ loài Rhizopertha dominica F đẻ trứng trong hạt thóc).

Vòng đời của mọt dài có sự khác nhau tuỳ theo loài, thời gian để hoàn thành một vòng đời ngắn nhất trong vòng 2 – 5 tháng và tối đa có thể kéo dài tới hai năm. Mọt Sinoxylon anale Lesne xâm nhập vào gỗ trám trắng ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc, thời gian để hoàn thành vòng đời là một năm, trong khi đó loài mọt tre Dinoderus minutus F xâm nhập vào tre ngà cũng tại Lập Thạch – Vĩnh Phúc trong cùng một thời điểm thì thời gian để hoàn thành vòng đời trong khoảng thời gian 3 tháng, mỗi năm có 4 – 5 vòng đời. Thời gian bay của mọt dài diễn ra vào đầu mùa xuân, trong suốt mùa hè và mùa thu, mùa đông ít hoạt động.

Tác hại của họ mọt dài

Mọt dài phân bố ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam mọt dài sống phổ biến ở trong rừng, xâm nhập vào những cây gỗ sau khi chặt hạ, gỗ sau khi sơ chế ở các nhà máy, xưởng gỗ. Mọt xâm nhập vào gỗ, chúng đào hang lấy thức ăn làm hư hỏng gần như hoàn toàn phần gỗ giác, đối với gỗ có giác lõi phân biệt thì mọt dài ít khi xâm nhập vào phần gỗ lõi như gỗ lim xanh và lim vang, vì vậy họ mọt này có người còn gọi là mọt gỗ giác.

0