Sử dụng nhân lực trong công cuộc cải cách bộ máy quan lại thời Lê Thánh Tông
ThS. Nguyễn Thành Nam Khoa Văn hóa học (ĐHVH)- Trong xã hội phong kiến trước đây nói chung, thời Lê Thánh Tông nói riêng, bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến tập quyền được gọi là Bộ máy ...
ThS. Nguyễn Thành Nam
Khoa Văn hóa học
(ĐHVH)- Trong xã hội phong kiến trước đây nói chung, thời Lê Thánh Tông nói riêng, bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến tập quyền được gọi là Bộ máy quan lại. (“Quan” là người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi 1 lĩnh vực hoạt động hay một địa phương nhất định, “Lại” là những người làm các dịch vụ công như ghi chép, kế toán, thủ quỹ, trông coi sổ sách, thu thuế… Đội ngũ này có thể coi tương đương như các công chức, viên chức trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước hiện nay). Trước thời Lê Thánh Tông, việc sử dụng người cho bộ máy quan lại thời đó còn nhiều bất cập. Một trong những bất cập đó chính là việc sử dụng, bổ nhiệm chủ yếu căn cứ vào nguyên tắc “ Trọng thị công thần”, mọi chức quan trọng nhất của triều đình đều trao cho những người thân thuộc nhất của nhà vua về bề tôi có công. Những người này có công chinh chiến, nhưng không am hiểu về chính sách, pháp luật, văn hóa, xã hội nên chắc chắn có nhiều bi kịch xảy ra. Vụ án Lệ Chi viên là một trong những bi kịch đáng buồn đối với 1 đại thi hào và nhà văn hóa lớn như Nguyễn Trãi. Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 2 có đoạn viết: “ Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền từ phải bỏ cánh. Bậc túc Nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt được sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm… Văn giai như Công Soạn tuổi gần 80, tể thần như như Lê Ê không biết một chữ…Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô” [1] .
Chính xuất phát từ thực tế này mà khi lên ngôi Lê Thánh Tông đã chủ trương cải cách lại bộ máy quan chế để củng cố lại lòng tin của dân và ổn định tình hình chính trị lúc bấy giờ. Bài viết nghiên cứu khái quát các tiêu chuẩn dành cho quan lại mà Lê Thánh Tông đã đề ra và thực hiện, để như một lần nhìn lại di sản của cha ông, đưa các di sản quý giá này vào thực tế của xã hội hiện đại.
1. Tiêu chuẩn về phẩm chất của quan lại thời Lê Thánh Tông
Qua những ghi chép trong các bộ sử sách và những nghiên cứu của các nhà sử học, ta thấy thành quả của cuộc cải cách bộ máy quan lại thời Lê Thánh Tông thật đáng khâm phục. Đóng góp quan trọng cho thành công này chính là bộ tiêu chí nằm trong tiêu chuẩn của những người sẽ được bổ nhiệm trong bộ máy chính quyền. Những tiêu chuẩn này là:
Quan lại phải là những thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, biết vận dụng các luận thuyết Nho giáo vào giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống.
Nền văn hóa Đại Việt thế kỷ XV phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Thời Lê sơ bắt đầu cho một cuộc đại phục hưng văn hóa lần thứ 2. Về tư tưởng, Nho giáo được tạo điều kiện củng cố và vươn lên thành hệ tư tưởng chính thống thay thế vị trí chủ đạo của Phật giáo thời Lý – Trần. Vì vậy, nền giáo dục thời Lê sơ nói chung và thời Lê Thánh Tông nói riêng là nền giáo dục Nho học. Bản thân Lê Thánh Tông là một tấm gương mẫu mực trong việc nghiên cứu Nho học “ Sớm khuya không lúc nào rời sách vở”, dành toàn bộ tâm sức cho việc nắm được “Sách vở cổ kim, nghĩa lí thánh hiền” [2] Việc “ đặc biệt siêng năng” cùng với tư chất thông minh đã giúp ông trở thành một nhà Nho uyên thâm trước khi trở thành Hoàng đế, “ Các tập kinh, sử, các sách lịch, toán, những việc thánh thần, không có việc gì không bao quát tinh thông” [3] tiếp thu một cách cơ bản và hệ thống Nho học, Lê Thánh Tông đã nhìn thấy ở hệ tư tưởng này là một công cụ quan trọng để xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền. Ông triệt để khai thác ở Nho giáo những nhân tố cần thiết để ổn định tình hình chính trị lúc bấy giờ. Vì thế vào thời Lê Thánh Tông, trong thi cử có xuất hiện một loại văn sách được gọi là đình đối (Đối thoại với triều đình) đây là một hình thức thi đặc biệt bằng sự “ Đối thoại” giữa vua và “sĩ tử” các vấn đề về tư tưởng và những vấn đề chính trị - xã hội quan trọng nhất của đất nước. Hình thức thi này làm cho các sĩ tử không chỉ phải hiểu sâu sắc Nho học mà còn phải vận dụng linh hoạt các kiến thức Nho học để giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội, thực tế của nước nhỏ. Văn sách đình đối của những vị đỗ đạt cao thời Lê Thánh Tông như: Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh (khoa thi năm Quý Mùi 1463). Trạng Nguyên Vũ Kiệt (khoa thi năm Nhâm Thìn 1472) Trạng Nguyên Vũ Tuấn Chiêu (khoa thi năm Ất Mùi 1475) đều nhấn mạnh vai trò xã hội của Nho giáo với tư cách là một học thuật trị nước, giáo hóa dân chúng, là nền tảng cho việc quốc thái dân an.
Điểm mấu chốt trong công cuộc cải cách hành chính mà Lê Thánh Tông chủ trương được ông nhìn nhận rất tiển bộ và thông minh. Đó chính là việc củng cố và đổi mới bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên hệ tư tưởng Nho giáo. Chính vì thế, Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ quan lại với tư cách là chủ thể vận hành bộ máy đó. Muốn thế, nguồn nhân sự cho bộ máy này phải có kiến thức về cai trị theo tư tưởng theo tư tưởng chính trị Nho giáo. Một trong những tiêu chí quan trọng của nền giáo dục thời Lê Thánh Tông là học vấn cao, phải có tri thức văn hóa, văn hóa hóa đội ngũ quan lại. Ông cũng chủ trương lấy trình độ học vấn làm cơ sở để tuyển chọn quan lại. Vì vậy thời Lê Thánh Tông đã chấm dứt thời kì các quan “ mù tịt, dốt đặc, xiển nịnh”, Mở ra một thời đại mới với một bộ máy hành chính nhà nước được tổ chức khoa học rành mạch có chất lượng với một đội ngũ quan lại tương xứng “ Có học thức vững chắc và trung thành với dòng họ bằng trí tuệ và đạo đức trong công việc” [4]
Quan lại phải là những tấm gương chuẩn mực về đạo đức.
“ Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là nguyên tắc sống của người quân tử, sản phẩm của Nho giáo. Chính vì thế mà tiêu chuẩn về phẩm chất quan lại thời Lê Thánh Tông đòi hỏi các kẻ sĩ phải là tấm gương sáng về đạo đức cho dân chúng noi theo. Lê Thánh Tông luôn trọng nhân tài, nhưng rất nghiêm khắc với những kẻ thiếu đạo đức. Ông trừng trị thẳng tay đối với những kẻ tuy có công tích, đỗ đạt nhưng xu nịnh, nói bừa hoặc kiêu căng, thiếu nhân cách. Năm 1469, ông đã bãi chức quan chỉ huy Phạm Hổ vì vi phạm luật “ Củng cố quyền vị”, cách chức quan Vũ Lâm vệ chỉ huy sứ Lê Tông Vĩnh vì khai man lý lịch để được hưởng tập ấm [5] .
Đạo đức của quan lại thể hiện ở sự liêm khiết và công bằng. Quan thanh liêm sẽ đảm bảo cho bố máy nhà nước luôn trong sạch. Quốc triều hình luật cũng đã ấn định phẩm chất liêm khiết của quan lại thể hiện trong rất nhiều điểu luật mà ở đó bao gồm những biện pháp trừng trị quan lại có hành vi lợi dụng chức vụ của mình để mưu lợi ích riêng, bao gồm cả việc tham ô và tham nhũng của dân. Trong thực tế, có nhiều trường hợp quan lại tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công bị triều đình trừng phạt như hạ ngục viên Ngoại lang Hoàng Văn Biền đồng thời phạt tiền 50 quan, hữu thị lang bộ Công là Trịnh Công Đán bị phạt tiền 30 quan vì cớ hai ông này “Bỏ phơi nắng những gỗ, lạt của công” và bãi chức quan của Trấn điện phó tướng quân Lê Hán Đinh vì “ Trước đó Hán Đinh làm chuyển vận, khi tại chức tham ô, sợ dân kiện, tâu xin nghỉ dưỡng bệnh”[6] năm 1467, theo lời hặc tâu, nhà Vua chuẩn y giao cho pháp ty theo luật trị tội bọn Hình bộ Đỗ Tông Nam “làm quan ăn hối lộ”, cho Binh bộ thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích “chơi không” vì “năm trước đã nhận bạc đút lót”, nay lại “Xin bậy bổng lộc cho một viên Tổng trị” [7]
Đạo đức của người quân tử không phải chỉ thể hiện trong quan hệ vua – tôi mà còn cả trong các quan hệ vợ chồng, đến anh em, bạn hữu. Nhiều viên quan bị xử phạt do không giữ tròn nghĩa vợ chồng, vị phạm phong hóa, rối loạn nhân luân, như Thượng thư bộ Binh Nguyên Đình Mỹ bị cách chức năm 1464 vì mắc tội tham tang, Trấn điện tướng quân Bùi Huấn bị định tội “Đương lúc còn tang vợ mà đi lấy con gái của người về hàng bạn hữu” Trần Phong bị đổi ra làm Tuyên chính sứ Tây đạo vì “ bới móc hết cái xấu” định làm hại Trần Cấn là em Trần Phong.
Bản thân Lê Thánh Tông là một tấm gương sáng về đạo đức trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vua không sa vào việc ăn chơi hưởng lạc, sa đọa như nhiều vị vua trẻ khác và có lối sống giản dị, tình nghĩa, tận tâm lo việc triều đình, siêng năng đọc sách, sáng tác thơ văn… Sự minh triết đã giúp Lê Thánh Tông nhìn được và làm sáng tỏ nỗi oan ức của Nguyễn Trãi. Chính Lê Thánh Tông đã hủy án, minh oan cho Nguyễn Trãi sau vụ án “Lệ Chi viên”, cho sưu tập lại thơ văn và lập bia ca ngợi đạo đức của Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quan Khuê tảo” (tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê) đây không chỉ là phản ánh đạo đức trong sáng của Lê Thánh Tông mà còn là công lao to lớn đối với nền văn hóa dân tộc.
Quan lại phải là những người tận tụy với công việc được giao, tận trung với vua và triều đình.
Tiêu chí tận trung với vua, tận trung với triều đình là tiêu chí hàng đầu của kẻ sỹ chuẩn bị làm quan. Mối quan hệ “Vua – tôi” theo tư tưởng chính trị Nho giáo là một trong ba mối quan hệ rường cột tạo nên xã hội. Quan lại phải luôn" tận tụy với công việc, với chức trách của mình.Vì thế ngay sau khi lên ngôi, nhằm “ răn đe kẻ bất trung”, Lê Thánh Tông đã định tội nặng đối với những vị quan không làm tròn trọng trách, tội âm mưu làm phản và phản quốc như Lê Đắc Linh, Trần Phong, Lê Lăng. Trong bộ luật Hồng Đức, một bộ Quốc triều hình luật đã thể hiện rõ nét nguyên tắc bảo vệ và củng cố vương quyền, chế độ quân chủ quan liêu, trật tự “ đẳng cấp” phong kiến, mọi hành vi xâm phạm đến lợi ích, sự an toàn và sự “bình yên” của vua và hoàng tộc, của thể chế đều bị trừng trị nghiêm khắc. Trong “ Thập ác” (mười tội nặng phải chết) thì có 5 tội xâm phạm đến vua và hoàng tộc. Nguyên tắc này cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên xuốt toàn bộ Bộ luật nhất là ở các chương Vi chế, Vệ cấm [8]
Tận tụy với chức trách và nhiệm vụ của mình đối với quan lại thời Lê Thánh Tông là một trong những tiêu chí cần thiết mà nền giáo dục thời kỳ đó hướng tới. Lê Thánh Tông đã từng dùng nhiều hình thức để biểu dương lòng tận tụy đối với công việc của những quan lại tiêu biểu. Ví như năm 1465, Quốc Tử Giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Kỷ được Lê Thánh Tông khen ngợi là “giữ mình chính trực”, “ lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn mãi chưa thôi” [9] . Trước đó, năm 1464, nhà vua có sắc dụ Hình Bộ tả thị lang Nguyễn Mậu “ người chăm lo việc nước … thực đáng khen ngợi lắm” và biểu dương Thiêm đô ngự sử Nguyễn Thiện “ hết lòng thành lo việc nước, kính cẩn chăm lo chức nhiệm, nhiều lần dâng lời hay” [10] .
Sự tận tụy đối với triều đình và chức trách của quan lại thời Lê Thánh Tông được xác định bởi sự nghiêm túc trong việc trông coi đến mùa màng, đê điều, và đời sống và sức khỏe của dân chúng.
Để đảm bảo cho tiêu chí này thực sự đi vào thực tế, trong Quốc triều hình luật có nhiều quy định đòi hỏi sự chuyên tâm của đội ngũ quan lại và đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với quan lại trễ nải công việc được giao như: “ Các quan đang tại chức mà trễ nhác công việc thì bị phạt 70 trượng, biếm ba tư và bãi chức” ( điều 199) hay ở điều 222 “những quan chức được sai làm công việc, thấy việc nặng nề khó khăn mà nói rối là đau ốm để khỏi phải đi thì bị biếm hay bị đồ, nếu là việc quân khẩn cấp mà trốn tránh thì bị xử tội lưu hay tội chết” [11]
Theo sắc chỉ năm 1479 thì “ các quan viên lười biếng, bỉ ổi, đê tiện, yếu hèn, nếu là con cháu công thần thì bãi chức bắt về làm dân, nếu là con cháu thường dân thì bãi chức xung quân” [12] , năm 1491 Lê Thánh Tông định lệ “ Quan lại ở Hình bộ người nào mắc tội lười biếng, gian tham, buông tuồng, phóng túng thì làm bản tâu lên theo luật mà trị tội” [13]
Quan lại phải hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật.
Lê Thánh Tông chủ trương xây dựng đội ngũ quan lại thông thạo, hiểu biết sâu sắc pháp luật. Vì họ là những người thay mặt vua để làm việc, giải quyết các công việc của địa phương, của triều đình và của dân. Căn cứ cơ bản để giải quyết công việc chính là hệ thống pháp luật vì thề chuẩn đầu ra quan trọng của việc đào tạo quan lại là các kiến thức về pháp luật và khả năng vận dụng luật đúng và công minh. Đồng thời họ cũng phải là một người biết tôn trọng pháp luật, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đào tạo và xây dựng được một đội ngũ nhân sự như vậy sẽ ngăn chặn được sự lạm quyền, sử dụng quyền lực một cách tùy tiện ở các cấp chính quyền, nhằm làm trong sạch, vững mạnh bộ máy nhà nước. Thực tế thời Lê Thành Tông triều đình đã xử lý rất nghiêm khắc đối với những hành vi phạm pháp của quan lại, bất kể họ ở cương vị nào trong bộ máy nhà nước, từ các quan có hàm từ chánh nhất phẩm ( quan đại thần) trở xuống cả ở trong kinh đô và ngoài các đạo thừa tuyên với các hình thức từ quở trách, cách chức, bãi chức, đến xử phạt như: đánh tượng, Điện tiền kinh lịch Cao Bá Tường và đầy ra châu ngoài vì “bọn quan kiểm điểm Lê Thọ Vực, Lê Bô, Phạm Văn Hiến coi giữ quân lính bắt làm việc riêng và thả về để lấy tiền mà Bá Tường không biết nêu ra để hạch tội”, thu lại quân quyền của Tây quan đô đốc Lê Thiệt vì “ con Thiệt là Bá Đạt đang giữa ban ngày phóng ngựa ra phố, dung túng gia nô đánh người”, bắt Giám sát ngự sử Quản Công Thiên do “ dung túng kẻ đưa hối lộ là Hán Tông Nghiệp” hay Phó tổng binh trấn thủ Bắc Bình là Lê Lực và Đồng Tống Chí Nguyễn Lương “ giữ trấn mình mà để cho giặc cướp đốt quan ải” nên bị đày ra châu xa” [14] .
- Quan lại có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đều bị trừng phạt nghiêm khắc và được quy định cụ thể trong Quốc triều hình luật. Theo đó, tại điều 185, quan lại làm công vụ sách nhiễu dân bị tội xuy đến biếm một tư; điều 632 quy định; “ Các quan cai quản quân dân các hạt, vô cớ mà đi đến những làng, xã trong hạt, hay là cho vợ cả vợ lẽ, người nhà đi lại, mượn việc mua bán để làm cớ, để quấy nhiễu nhân dân, lấy của biếu xén, thì xử tội biếm hay bãi chức” Hoặc theo các điều 636, 638, 639. Nếu quan lại tự tiện bắt dân phục dịch hoặc vay mượn của dân hay cho dân vay để lấy lãi cao , hoặc tự tiện lấy của dân để làm việc riêng thì đều phải bồi thường và chịu hình phạt theo pháp luật [15]
Năm 1467 Lê Thánh Tông đã bãi chức Tây quản đô đốc Lê Thiệt vì cấp dưới sai đi tuần ngoài biên giới đã “ dọa nạt lấy bạc của dân” [16] .
Trong thi hành pháp luật, Lê Thánh Tông không để cho tình cảm riêng tư chen vào. Hình Bộ Thượng Thư Trần Phong là Nho thần kì cựu trong triều và từng là thầy dạy của Lê Thánh Tông. Còn Lê Bô là một trong số những người tham gia vụ chính biến giết Nghi Dân nhưng Lê Thánh Tông đều không vì thế mà châm chước. Năm 1468 vua dụ các quan trong triều rằng “ Xem Trần Phong xin cho Lê Bô phạm pháp bị tội kình (tội phải thích chữ vào mặt) được chuộc tội, như thế là người giàu có nhiều của hối lộ thì được miễn tội còn người nghèo thì vô cớ mà bị trị tội, là cả gan vi phạm phép tắc của tổ tông lập ra để trừng trị kẻ ngoan cố không biết răn chừa” và có sắc chỉ cho Pháp ty không được nương nhẹ, phải xử công bằng các viên quan nội thần Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Ất, Phan Tông Trinh “ đều là người hầu cận quen thói ăn hối lộ, Pháp ty giữ công bằng, tội đáng phải xử tử” [17] .
2. Bài học về sử dụng nhân lực trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay
Từ những tiêu chuẩn về phẩm chất quan lại mà nền giáo dục thời Lê Thánh Tông đòi hỏi vào việc duy trì các tiêu trí trong thực tế lãnh đạo đất nước và sử dụng nhân tài đã làm cho đất nước thời kỳ Lê Thành Tông trị vì trở thành một quốc gia kỉ cương, hùng mạnh, dân trí nâng cao vượt bậc so với những thời kỳ trước đó. Quyền lợi của quý tộc đã thu hẹp lại cùng với việc mở rộng quyền của dân chúng.
Một đội ngũ quan lại cơ bản là liêm khiết chính trực và tận tụy đối với việc chăm lo triều chính và hạnh phúc của dân đã được hình thành và tạo nên cuộc cải cách hành chính sâu rộng và hiệu quả dưới triều vị vua anh minh này. Từ những vấn đề phân tích ở trên ta có thể rút ra những bài học thật sâu sắc sau đây;
Một là, để tuyển chọn những người có đủ đức và tài cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước quá coi trọng bằng cấp một cách máy móc. Không ít những trường hợp người có bằng cấp thấp đang đảm nhiệm và đảm nhiệm rất tốt một vị trí công việc lại buộc thay thế bằng người có bằng cao hơn theo chuẩn đề ra, mà trên thực tế người đó không có năng lực và kinh nghiệm bằng người đã đảm nhiệm vị trí đó. Đây là một việc làm vô cùng lãng phí. Cách tuyển chọn quan lại của Lê Thánh Tông với bài thi “đình đối” trên đây cho thấy việc học đã quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là việc vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc của mình để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.
Hai là, yêu cầu của Lê Thánh Tông về việc tận tụy với công việc là một trong những tiêu chí có thể nói là quan trọng bậc nhất để - đảm bảo bộ máy quản lý nhà nước làm việc có hiệu quả. Đây là một bài học rất quý mà ta cần phải nghiên cứu nghiêm túc để thực hiện. Để đạt được mục tiêu này phải nghiên cứu xây dựng một quy trình quản lý hiệu quả công việc một cách khoa học để phân biệt rành mạch người làm việc tốt với người làm việc kém và thậm chí không làm việc. Có như thế mới có thể khắc phục một thực tế là trong bộ máy quản lý nhà nước hiện nay có nhiều công chức, viên chức có hiệu quả làm việc rất thấp thậm chí không làm việc nhưng vẫn lĩnh lương bình thường.
Ba là, bài học về tấm gương đạo đức và hiểu biết, tôn trọng pháp luật đối với quan lại thời Lê Thánh Tông đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Muốn đạt được điều đó thì những người quản lý, lãnh đạo càng cao càng phải gương mẫu, nếu vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm minh. Có vậy mới duy trì được pháp chế XHCN trên thực tế. Đây cũng đang là vấn đề khá bức xúc trong thực tế bộ máy quản lý nhà nước hiện nay.
Tìm lại những bài học của cha ông xưa và nghiên cứu vận dụng chúng một cách linh hoạt vào thực tế là việc làm cần thiết và cấp thiết đối với công cuộc cải cách hành chính hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.384-385.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.388.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.519.
[4] Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1997) Lê Thánh Tông (1442 – 1497) – con người và sự nghiệp, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.100.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.418.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.415 - 416.
[7] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.420 - 423.
[8] Nguyễn Văn Thịnh (1996), Bước đầu tìm hiểu văn chương khoa cử thời Lê Sơ ( Phần phụ lục – PL3, PL4, PL5), Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[9] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.407.
[10] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.402 - 403.
[11] Quốc triều hình luật (1991), Nxb Pháp lý, Hà Nội, tr.91 – 96.
[12] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.473.
[13] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.510.
[14] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.427 – 413 – 416.
[15] Quốc triều hình luật (1991), Nxb Pháp lý, Hà Nội, tr.87 – 215 – 217.
[16] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.423.
[17] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.435.
Admin 5
hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip