Nhận diện các thành phần thông tin của câu
1. Đặt vấn đề Một trong những chức năng xã hội quan trọng của ngôn ngữ là chức năng thông tin. Điều này được Brown & Yule (1983) chỉ ra như sau: “Ý nghĩa của việc sử dụng ngôn ngữ để chuyển giao thông tin nằm rất sâu trong kho tàng thần thoại văn hoá của chúng ta. Tất cả chúng ta biết ...
1. Đặt vấn đề
Một trong những chức năng xã hội quan trọng của ngôn ngữ là chức năng thông tin. Điều này được Brown & Yule (1983) chỉ ra như sau: “Ý nghĩa của việc sử dụng ngôn ngữ để chuyển giao thông tin nằm rất sâu trong kho tàng thần thoại văn hoá của chúng ta. Tất cả chúng ta biết rằng chính năng lực ngôn ngữ đã làm cho loài người phát triển thành những nền văn hoá khác nhau, mỗi nền văn hoá có tập tục xã hội, nghi thức tôn giáo, luật lệ, truyền thống, cách mua bán làm ăn … riêng biệt. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều tin rằng việc thủ đắc ngôn ngữ viết đã cho phép sự phát triển triết học, khoa học và văn chương trong một số những nền văn hoá này. Tất cả chúng ta đều tin rằng sự phát triển này có được là nhờ khả năng chuyển giao thông tin bằng ngôn ngữ, điều đó giúp cho con người tận dụng được kiến thức của người đi trước và kiến thức của những người thuộc nền văn hoá khác” (1983: 16-17). Như vậy, việc nghiên cứu và chỉ ra bằng cách nào con người có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả nhất trong chức năng thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngôn ngữ học.
Bài viết này, bước đầu vận dụng lí thuyết của ngữ pháp chức năng về cấu trúc thông tin của câu và lí thuyết về ngữ cảnh của Asher để nhận diện các thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin của câu tiếng Việt.
2. Nội dung
2.1.Giới thuyết
2.1.1. Cấu trúc thông tin là gì ?
Thuật chúng tôi gọi theo thuật ngữ dùng của M.A.K. Halliday. Thực thế nghiên cứu cho thấy, trong suốt một thời gian dài hình thành và phát triển, lí thuyết về cấu trúc thông tin có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi giai đoạn nghiên cứu, mỗi tác giả nghiên cứu và theo đó mỗi tên gọi lại có sự giải thích. Dưới đây, xin được giải thích một số cách gọi và qua đó đồng thời trả lời cho câu hỏi “cấu trúc thông tin là gì ?”.
Các nhà ngữ pháp chức năng thuộc trường phái Prague (trước hết là Mathesius) nghiên cứu dưới các tên gọi như Phối cảnh chức năng câu ( Functional Sentence Perspective) hay Phân đoạn thực tại câu (Actual Divison of the Sentence); Có thể tóm tắt giải thích thuật ngữ của Vilém Mathesius như sau : phối cảnh chức năng là cách thức đưa câu vào cái ngữ cảnh sự vật làm cơ sở cho câu xuất hiện từ đó xác định các yếu tố là điểm xuất phát/ hay là cơ sở của câu nói và hạt nhân của câu nói. Điểm xuất phát được hiểu là cái đã được biết trong tình huống đó hoặc chí ít cũng dễ dàng hiểu ra và người nói lấy nó làm điểm xuất phát (sau này được gọi là phần đề (theme)). Hạt nhân của câu là cái mà người nói thông báo về điểm xuất phát của câu nói (sau này được gọi là phần thuyết (rheme)).
Ảnh hưởng từ Mathesius, Jan Firbas (1964) là người dùng thế đối lập cái “đã cho”/cái MỚI để xác định phần đề và phần thuyết, đưa ra khái niệm mức độ năng động trong giao tiếp (dgree of dynamic comunication). Theo đó, ý nghĩa của từ nào có tính chất chung nhiều thì từ ấy ít có giá trị năng động trong giao tiếp và nó sẽ là phần đề; từ có giá trị năng động nhiều hơn sẽ là phần thuyết.
Wallce Chafe (1974) dùng thuật ngữ “đóng gói thông tin” để chỉ việc cấu trúc các thành phần thông tin trong một thông điệp. Ông giải thích về thuật ngữ này như sau : “Tôi dùng thuật ngữ đóng gói để chỉ một hiện tượng đưa ra ở đây, là việc nó chủ yếu liên quan đến cách cách mà thông điệp được đưa ra và sau đó MỚI chính là thông điệp; cũng giống như việc đóng gói một hộp kem đánh răng có thể ảnh hưởng tới sản lượng bán của cái chất lượng kem đánh răng vốn có một phần độc lập bên trong”.
Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát nhất : cấu trúc thông tin là cách người nói/người viết tổ chức các thành phần thông tin của một đơn vị thông tin để tối ưu hoá sự truyền tải thông tin giữa người nói/người viết với người nghe/người đọc.
Nghiên cứu về cấu trúc thông tin chính là chỉ ra sự phân đoạn thực tại của câu thành các phần thông tin, thấy được giá trị của mỗi thành phần thông tin trong cách cấu trúc đó.
2.1.2. Các thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin của câu
Theo tổng hợp của Kruiff Korbayová và Steedman (2003), trong khoảng thời gian hơn 100 năm qua, đã có rất nhiều các thuật ngữ khác nhau được đưa ra để chỉ các thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin.
M.A.K. Halliday (2004) mô tả thông tin CHO SẴN và thông tin MỚI dưới góc độ dự tính của người nói (vốn có thể được hiểu hơi hẹp). Ông cho rằng phần thông tin CHO SẴN là “thông tin được người nói thể hiện như là có thể phục hồi được (…) nó đã được nói đến trước đó”; “nó có thể là một cái gì đó không hoàn toàn ở quanh đó mà là một cái gì đó người nói muốn thể hiện như là thông tin cũ để phục vụ cho mục đích tu từ; ý nghĩa ở đây là: nó không phải là thông tin MỚI”. Và “thông tin được người nói thể hiện như là không thể phục hồi được là thông tin MỚI (…) có thể là một cái gì đó chưa được nói đến trước đó nhưng cũng có thể là một cái gì đó ngoài dự kiến, cho dú trước đó có được nói đến hay không; ý nghĩa của nó là : quan tâm đến thông tin này, nó là thông tin MỚI”(Halliday, 2004: )
Wallace L.Chafe (1976) mở rộng quan niệm của Halliday về thông tin MỚI và thông tin CHO SẴN sang mô hình tâm lí về ý thức của người nói và người nghe. Theo ông phần thông tin CHO SẴN là “thông tin mà cả người nói lẫn người nghe đếu đã đoán định được trong lúc phát ra câu. Cái thông tin chung này là điểm xuất phát dựa trên cơ sở những khái niệm đã “bay vào không khí” mà cái thông tin MỚI có thể liên hệ. Thông tin cũ có thể là chung do môi trường chung quanh mà trong đó người nói và người nghe có hoạt động trao đổi qua lại. Thường thường nó dựa trên cơ sở những câu đã phát ra ”. Còn thông tin MỚI là “thông tin mà lần đầu tiên anh ta (tức người nói) đưa vào ý thức người nghe” (1976:272).
Từ những trình bày như trên về các quan điểm của Halliday và Chafe, có thể chỉ ra các loại thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin của câu như sau :
2.1.3. Ngữ cảnh - cơ sở quan trọng nhất của việc lí giải và nhận diện các thành phần trong cấu trúc thông tin của câu
“Ngữ cảnh” là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến trong nghiên cứu ngôn ngữ học. Tuy nhiên thuật ngữ này được hiểu khá khác nhau giữa một số nhà nghiên cứu.
Ở đây chúng tôi theo quan điểm của Asher trình bày trong “The encycleopedia of Language and Linguistics” (Volume 2). Asher cho rằng : “Ở nghĩa rộng, nó chỉ tất cả các yếu tố liên quan của cấu trúc ngôn ngữ và phi ngôn ngữ với một phát ngôn (thường có thể là một câu hoặc cũng có thể là một từ).” (1994: 731).
Như vậy, theo Asher, ngữ cảnh sẽ bao gồm cả những yếu tố ngôn ngữ (lingguistic) và phi ngôn ngữ (nonlinguistic). Nói cách khác thì : Ngữ cảnh gồm có ngữ cảnh ngôn ngữ và ngữ cảnh phi ngôn ngữ.
- Ngữ cảnh ngôn ngữ là những yếu tố ngôn ngữ chung quanh (tiền văn và hậu văn) của đơn vị ngôn ngữ đang xét cho nên cũng được gọi là đồng văn bản (co-text) (cũng có người gọi là văn cảnh).
- Ngữ cảnh phi ngôn ngữ, theo Pinkal (1985) “là toàn bộ khung cảnh giao tiếp, tiểu sử của người tham thoại, môi trường xung quanh, yếu tố xã hội, nền tảng lịch sử và văn hoá cùng với những yếu tố này là các sự kiện và ngày tháng tồn tại bất kể đã được tách khỏi chiều không gian và thời gian” (Dt. Asher, 1994:733). Asher gọi ngữ cảnh phi ngôn ngữ là tình huống (situation) (cũng còn được gọi là ngữ cảnh tình huống (context of situation) (J.R.Firth (1957)).
Điều này cũng được Asher khẳng định: Thuật ngữ co-text chủ yếu chỉ các yếu tố thuộc ngôn ngữ, trong khi đó context chỉ các yếu tố thuộc ngôn ngữ và tình huống (situation). Nghĩa là ngữ cảnh bao gồm đồng văn bản và tình huống. Nếu xét trong quan hệ ba bậc liên quan đến hệ thống ngôn ngữ như Diệp Quang Ban (2009:284), một cách toàn diện nhất, có thể mô hình hoá ngữ cảnh như sau :
Như vậy, nghiên cứu ngôn ngữ ở phương diện nào, cấp độ nào cũng đều phải xem xét đến ngữ cảnh. Nói các khác, ngữ cảnh có một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và hiểu ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người.
Tất nhiên, ở mỗi một phương diện, mỗi một trường phái, khi nghiên cứu ngôn ngữ sẽ có những phát hiện về ảnh hưởng của ngữ cảnh. Với ngữ pháp chức năng, ngữ cảnh có một vai trò quan trọng đối với việc cấu trúc thông tin của câu. Về phía người nói/người viết, ngữ cảnh ảnh hưởng đến cách sắp xếp và tổ chức các thành phần thông tin trong câu và rộng hơn ra là cả thông điệp. Còn về phía người nghe/người đọc, ngữ cảnh giúp hiểu cách cấu trúc thông tin của người nói, nhận ra được các thành phần thông tin được tổ chức trong từng câu và đi đến hiểu được nội dung thông tin của nó.
2.2. Nhận diện các thành phần thông tin trong cấu trúc thông tin của câu qua ngữ cảnh
2.2.1. Nhận diện thành phần thông tin CHO SẴN
2.2.1.1. Phần thông tin CHO SẴN là các yếu tố trực chỉ (deictics) và các yếu tố hồi chỉ (anaphoric)
Halliday (1998) chỉ ra rằng : “Trong ngôn ngữ có một số thành phần về cố hữu có chức năng thông tin CHO SẴN theo ý là chúng không thể giải thích được trừ khi chúng được liên hệ với một cái gì đó đã được nói trước hay một đặc điểm nào đó của tình huống: các yếu tố hồi chỉ (những yếu tố quy chiếu các sự vật đã được nhắc đến trước đó) và các yếu tố trực chỉ (các yếu tố được giải thích trong mối quan hệ với thời gian và không gian bằng cách quy chiếu đến “ở đây” và “bây giờ” trong diễn ngôn đó)” (1998: 298).
a. Các yếu tố trực chỉ
Các yếu tố trực chỉ trong tiếng Việt (như đã nêu ở Chương 1) gồm :
- Các đại từ xưng hô (ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, tên riêng, các danh từ thân tộc, các từ chỉ chức nghiệp, …)
- Các từ trực chỉ vị trí này, ấy, đấy, kia, đó, nọ,…
- Các từ trực chỉ thời gian như bây giờ, đây, khi đó, lúc trước, …
Trong câu, các yếu tố này luôn là phần mang thông tin CHO SẴN. Ví dụ :
(1) |
Hôm nay, cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam-bộ và miền Nam Trung-bộ vừa đúng hai năm. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và các đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc. (Trích Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam-bộ, miền Nam Trung-bộ của Hồ Chí Minh ngày 23-9-1947) |
(2) |
Mức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho xây dựng hạ tầng khu công nghiệp ở các địa phương quyết định tại Điểm b Khoản 2 Điều 1 Quyết định này tối đa không quá 70 tỷ đồng cho mỗi dự án. (Trích Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19/3/2009) |
Hai ví dụ trên có các yếu tố trực chỉ thời gian hôm nay, nhân xưng “tôi” và trực chỉ không gian “quyết định này”. Ngữ cảnh tình huống ở mỗi ví dụ cho phép người đọc hoàn toàn có thể xác định được “hôm nay” là ngày nào, “tôi” là ai và “quyết định này” là quyết định nào (ở ví dụ (1) là thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào và chiến sĩ Nam-bộ, miền Nam Trung-bộ ngày 23 tháng 9 năm 1947 và ví dụ (2) là Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ). Chúng là những yếu tố biểu thị thông tin CHO SẴN.
b. Các yếu tố hồi chỉ
Theo Yule, “Trong phần lớn lời trò chuyện và lời viết lách, cùng một lúc chúng ta thường phải lưu giữ dấu vết của người hoặc vật mà ta đang nói đến trong hơn một câu. Sau phần giới thiệu ban đầu về một thực thể nào đó, người nói sẽ dùng những cách diễn đạt khác nhau để duy trì sự quy chiếu” (1997: 53). “các cách diễn đạt khác nhau” ở các câu kế theo trong một tập hợp câu hoặc một đoạn văn là các yếu tố hồi chỉ. Chúng có chung sở chỉ với biểu thức giới thiệu thực thể lần đầu nên chúng là phần mang thông tin đã biết, phần CHO SẴN. Các yếu tố hồi chỉ trong tiếng Việt gồm có :
- Các đại từ hồi chỉ như nó, hắn, chúng, đây, đó, đấy… Ví dụ :
(3) |
(Có nhiều nhà phê bình chỉ phê bình vì có dịp nói tới mình). Họ có cần gì đến tác phẩm mà họ phê bình đâu. (Thạch Lam, Theo dòng) |
(4) |
(Tình yêu không thể kéo Hảo về đây). Đó là điều hiển nhiên chẳng có phần trăm nào nghi ngờ. (Nguyễn Thị Phước, Con sóng Đồng Tháp Mười) |
Ở hai ví dụ trên, các đại từ hồi chỉ “họ”, “đó” hiển nhiên là phần biểu thị thông tin CHO SẴN. Chúng chính là phần thay thế cho những thông tin đã được đưa ra ở tiền văn (“họ” = “nhiều nhà phê bình” , “đó” = “Tình yêu không thể kéo Hảo về đây”).
- Các biểu thức hồi chỉ :
+Một biểu thức miêu tả:
(5) |
Scott sinh ngày 28 - 8 -1958 tại thành phố Nashville. Khi MỚI sáu tuổi, cậu bé vô danh đã được gia đình Hamilton ở bang Ohio nhận làm con nuôi và được đặt tên là Scott Hamilton. (Báo “Tuổi trẻ” , Số 85/2009) |
(6) |
Chiều 23.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng bí thư – Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly). Hai nhà lãnh đạo vui mừng ghi nhận, trong năm 2008, Việt Nam là nước đầu tư lớn nhất vào Lào. (Báo “Lao động”, ngày 24-4-2009) |
Các ví dụ (5), (6) có các thành phần hồi chỉ là “cậu bé vô danh”, “Hai nhà lãnh đạo” . Chúng được coi là biểu thị thông tin CHO SẴN vì là những biểu thức ngôn ngữ thay thế cho biểu thức ngôn ngữ đã được đưa ra trước đó. Cơ sở cho nhận biết này chính là phép quy chiếu (hồi chiếu). Cụ thể : “Hai nhà lãnh đạo” = Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư – Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly ; “cậu bé vô danh” = Scott.
+ Ngữ đoạn lặp lại
Trong văn bản đơn thoại, có những biểu thức ngôn ngữ được lặp lại và khi chúng được lặp lại, chúng là phần thông tin CHO SẴN. Ví dụ:
(7) |
(Chúng tôi có ba người). Ba cô gái. (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi ) |
(8) |
(Tinh bột là nguồn cacbonhiđrat dự trữ của thực vật vì vậy nó được tìm thấy phổ biến trong tự nhiên). Tinh bột có nguồn gốc từ các loại cây khác nhau. (http://www.hoahocvietnam.com/) |
Trong các ví dụ trên, những biểu thức ngôn ngữ được lặp lại và biểu thị thông tin CHO SẴN là : ba, tinh bột.
Lưu ý: Trong văn bản nghệ thuật, thông tin của một câu, nói về phong cách, lại phân biệt như sau : thông tin cơ sở (còn gọi là thông tin sự vật - logic) và thông tin bổ sung (thông tin hình tượng-cảm xúc). Thường thì những biểu thức ngôn ngữ lặp lại (thậm chí cả câu lặp lại) trong văn bản nghệ thuật ít có giá trị về mặt thông tin cơ sở nhưng lại có giá trị về thông tin bổ sung. Và cách diễn đạt sử dụng các biểu thức ngôn ngữ lặp lại này khá phổ biến trong các văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Xét các ví dụ :
(9) |
Chùm ánh sáng vàng gần hơn. Gần hơn. (Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Chuyện tình) |
(10) |
Và anh có thể tưởng tượng nổi là suốt cả một năm 1969, ba trăm sáu mươi lăm ngày đêm, chỉ có tôi với Nga, Nga với tôi. (Bảo Ninh, Trại “bảy chú lùn”) |
Hai ví dụ trên cho thấy các biểu thức ngôn ngữ lặp lại (Gần hơn, Nga với tôi) không mang tính thông tin (sự vật - logic) và người viết cũng không thể hiện nó như là để cung cấp thông tin logic – sự vật mà muốn thể hiện các sắc thái tu từ . Việc lặp lại hai chữ gần hơn (và được tổ chức thành một câu đặc biệt) ở ví dụ (9) biểu thị cảm nhận chủ quan nhuốm màu sắc tâm lí về khoảng cách. Với (10) thì hơi khác một chút, sự lặp lại vẫn với ba chữ tôi, với, Nga nhưng trật tự đã thay đổi Nga với tôi. Điều này diễn tả một cảnh ngộ cô lập của người lính và cô giao liên ở một trại cung ứng lương thực cho bộ đội trong một cánh rừng thời chiến tranh. Giữa hoang dại núi rừng, chỉ có hai con người. Họ không thể bỏ đi nhưng cũng không có ai lai vãng nơi họ đang sống, đang chịu đựng.
+ Tỉnh lược(ellipsis)
Tỉnh lược là bỏ một ngữ đoạn biểu thị thông tin đã biết. Nói cách khác, nó là phép thay thế một ngữ đoạn bằng đại từ hồi chỉ zero. Xét ví dụ :
(11) |
(a) Hai bàn tay của Kỳ lạnh ngắt trong túi áo. (b) Hắn bước xiêu vẹo. (c) (Æ)Tránh không nghĩ ngợi gì hết. (d) (Æ) Cố tập trung tinh thần vào từng bước đã bắt đầu nghe mỏi. (Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Chuyện tình) |
Ở ví dụ (11), câu (c) và câu (d) phần thông tin CHO SẴN đã bị tỉnh lược. Tuy nhiên người đọc hoàn toàn có thể phục hồi lại được (phần tỉnh lược là Kỳ (hắn)). Sự nhận diện qua biểu thức ngôn ngữ không có mặt như vậy, Yule gọi là “hồi chiếu zero” (zero anaphora). Như thế, ở một chừng mực nhất định, trên cấu trúc bề mặt của câu, ta cũng có thể nhận định : phần thông tin CHO SẴN của câu có thể được biểu thị bằng hình thức zero (Æ).
Tuy nhiên, trong khả năng “có thể tỉnh lược” của thành phần thông tin CHO SẴN (vì là thông tin đã biết) cần phải hiểu một cách thấu đáo hơn. Nói chính xác hơn thì tỉnh lược vừa là khả năng nhưng cũng vừa là bắt buộc. Nghĩa là có những trường hợp bắt buộc phải tỉnh lược, không đơn giản chỉ là tiết kiệm mà tỉnh lược giúp đảm bảo tính mạch lạc trong câu và trong tổ hợp câu, tránh sự lặp lại nặng nề của các ngữ đoạn cùng một sở chỉ, thường có hại đến tính mạch lạc của văn bản. Chẳng hạn, nếu ví dụ trên mà không tỉnh lược ngữ đoạn biểu thị phần thông tin đã biết thì những câu văn đó sẽ có một sự lặp lại dễ gây nhàm chán. Nói như Donellan (1982) thì : “Trong một số trường hợp, sự lặp lại thông tin làm cho diễn ngôn nghe giống như ngôn ngữ vụng về của sách tập đọc vỡ lòng của trẻ con ” ( Dt. Brown & Yule 1983 : 270).
Và ngược lại với tỉnh lược, sẽ có khi người viết cố tình lặp lại các ngữ đoạn (tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, thường là khi đó, người viết nhằm đến việc thể hiện một giá trị tu từ nhất định).
2.2.1.2. Phần CHO SẴN là các biểu thức ngôn ngữ chứa thông tin quen thuộc với người đọc (có thể đoán định được)
Trong giao tiếp, người nói/người viết thường giả định từ trước rằng người nghe cùng mình biết một thông tin nhất định nào đó (cái thông làm cơ sở để anh ta đưa ra thông tin MỚI của mình) Tất nhiên không thể giả định tuỳ tiện mà phải dựa trên cơ sở : đó là tri thức quen thuộc với nhiều người, là những tri thức bách khoa, tri thức nền (nói như Yule thì đó là những kiến trúc kiến thức có trước trong trí nhớ (có thể là khung hoặc kịch bản)). Chính vậy, những biểu thức ngôn ngữ chứa những “giả định” của người nói, người viết là những biểu thức mang phần thông tin được coi là phần CHO SẴN. Ví dụ :
(12) |
Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. (Thạch Lam, Hai đứa trẻ) |
(13) |
Sau trận hoà 4- 4 trước Liverpool, HLV Arsene Wenger đã hết lời ca ngợi ngôi sao tấn công người Nga Andrey Arshavin. (Báo Thị trường Giao dịch”, ngày 24-4-2009 ) |
Những ví dụ trên cho thấy, thành phần thông tin CHO SẴN là thông tin mà người viết đã coi như là những “hiểu biết chung” giữa mình và người đọc. ở ví dụ (11), Thạch Lam đã dựa vào tri thức nền (gọi theo thuật ngữ của Yule thì là dựa trên một khung hiểu biết : chợ thì thường có người (người mua, kẻ bán, cũng chính vậy mà chợ thường được coi là nơi ồn ào) để đưa ra thông tin MỚI (về hết, cũng mất). Với ví dụ (12), người viết lại dựa trên “giả định” bạn đọc của mình là những người hâm mộ bóng đá (bởi vì thường chỉ có người hâm mộ bóng đá MỚI chú ý đọc các bài ở chuyên mục thể thao trên các tờ báo in hoặc báo điện tử) và họ vừa được thưởng thức một “bữa tiệc” bóng đá mà những “đầu bếp tài ba” thực hiện là các cầu thủ của Liverpool và Arsenal. Và nữa, đương nhiên họ biết ông HLV Arsene Wenger là ai nên biểu thức ngôn ngữ Sau trận hoà 4- 4 trước Liverpool, HLV Arsene Wenger được đưa ra như là phần biểu thị thông tin CHO SẴN và phần sau của câu (đã hết lời ca ngợi ngôi sao tấn công người Nga Andrey Arshavin) MỚI là phần biểu thị thông tin MỚI.
2.2.1.3. Phần thông tin CHO SẴN có thể là những thông tin người viết muốn thể hiện như là đã biết để phục vụ cho các mục đích tu từ; ý nghĩa ở đây là : nó không phải là thông tin MỚI. Xét các ví dụ :
(14) |
Như F.Cðline đã nói trong cuốn Bagatelles pour un massacre, họ không thể nói tới cái gì khác được ngoài cái “bản ngã kiêu ngạo” của họ. (Thạch Lam , Theo dòng) |
(15) |
Hắn vừa đi vừa chửi. (Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi). (Nam Cao, Chí Phèo) |
(16) |
Bà đi chợ về. (Vào đến nhà, bà bỏ cái thúng xuống gọi to: Bống ơi … ơi ! Bống đâu rồi ?) (Nguyễn Đình Thi, Cái tết của Mèo con) |
Trong các ví dụ trên, người viết đã có những giả định “giả vờ”. Như ở (14) Thạch Lam cũng có thể chưa biết chắc người đọc đã biết F. Cðline là ai, ông ta nói gì trong tác phẩm có tên là Bagatelles pour un massacre. Và ở (15), (16), trước những câu này, chưa có một câu nào khác (chúng là những câu đầu tiên trong tác phẩm), vì thế người đọc không thể nào biết hắn, bà là ai và dĩ nhiên người viết cũng biết như thế. Những giả định “giả vờ” của người viết ở những trường hợp này bao hàm một bị chú mà nói như Shmelev (1988) : “Anh cứ hẵng biết là có một sở chỉ như thế, khi cần tôi sẽ chỉ rõ cho anh” (Dt. Cao Xuân Hạo, 2004: 181). Cách viết với những giả định “giả vờ” thể hiện thông tin như là thông tin CHO SẴN như vậy thực ra là một thủ pháp nhằm đưa ngay tức khắc người đọc vào trung tâm của sự việc bằng cách coi người đọc như một người từng biết, từng chứng kiến sự việc từ trước. Bởi vậy, đây cũng là thủ pháp được ưa dùng trong các văn bản nghệ thuật.
2.2.2. Nhận diện thành phần thông tin MỚI
2.2.2.1. Thông tin MỚI là thông tin biểu hiện qua biểu thức ngôn ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản (lần đầu tiên người nói đưa vào trong ý thức của người nghe).
Thông tin MỚI là thông tin lần đầu tiên được đưa vào trong ý thức của người đọc, người nghe. Điều này cũng có nghĩa là : trên cấu trúc nổi của câu, nó biểu hiện qua biểu thức ngôn ngữ lần đầu tiên được nhắc đến trong văn bản. Nói như Lambrecht (1998) thì nó là phần thông tin cần “thêm vào” trong hiểu biết của người đọc. Có hai khả năng :
- Khả năng thứ nhất : nó là phần thông tin được biểu hiện ở câu đầu tiên của văn bản (trừ những trường hợp người viết cố tình thể hiện chúng như thông tin CHO SẴN nhằm mục đích tu từ như đã trình bày ở mục 1.1.3). Theo Halliday (1998), “ngôn bản phải bắt đầu một nơi nào đó, vì vậy có thể có những đơn vị khởi xướng ngôn bản và chỉ có một thành phần thông tin MỚI” (1998: 472). Ví dụ :