18/06/2018, 16:22

So sánh vai trò Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ

Nguồn ảnh : Nhà Trần Khởi Nghiệp- Trần Việt bắc Nguyễn Lê Hiếu Trước khi đi vào vấn-đề, xin thông qua vài hiểu-biết căn-bản về danh-hiệu các vua thời xưa và cách truyền ngôi đời Trần. Các tên Thái-tổ, Thái-tôn không phải là tên vua tự chọn mà là miếu-hiệu nghĩa là tên triều-đình và ...

nha-tran-pic2

Nguồn ảnh : Nhà Trần Khởi Nghiệp- Trần Việt bắc

Nguyễn Lê Hiếu

Trước khi đi vào vấn-đề, xin thông qua vài hiểu-biết căn-bản về danh-hiệu các vua thời xưa và cách truyền ngôi đời Trần. Các tên Thái-tổ, Thái-tôn không phải là tên vua tự chọn mà là miếu-hiệu nghĩa là tên triều-đình và vua tiếp-nối dâng-tặng sau khi vua băng. Do đó, đời Lê-Lợi chưa có Lê-Thái-tổ; ông mất, triều-đình dâng miếu-hiệu là Lê-Thái-tổ, nghĩa là ông tổ lập ra dòng-dõi vua nhà Lê. Đấy là vấn-đề danh-hiệu. (1)

Về phương-thức nối ngôi, vua có thiên-mệnh; khi vua mất, thiên-mệnh chuyển sang người nối ngôi, thường-thường là một hoàng-tử. Nhà Trần xử-sự khác. Vua thấy hoàng-tử đã có-vẻ khôn-lớn thì truyền-ngôi cho rồi lui về làm Thượng-hoàng; vẫn nắm quyền-hành. Khi vua con lêu-lổng, Thượng-hoàng gọi các quan, mang cả triều-đình về. Còn doạ thay con khác làm vua. (2) Vậy là Thượng-hoàng vẫn còn thiên-mệnh và vua con, trên thực-tế, là vua tập-sự, một thứ hoàng-thái-tử “có ngai nhưng thiên-mệnh chưa tới”. Nói cách khác, đời chính-trị một vua nhà Trần có ba thời: thời vua tập-sự chưa có quyền (khi còn Thượng-hoàng chặn trước), thời làm vua thực khi Thượng băng và thời mình lên Thượng-hoàng (có vua con nhưng vẫn nắm quyền). Ấy vì thế mà Thái-thượng nhà Trần xưng là Hoàng —Hoàng trong tiếng Hoàng-đế, kẻ có thiên-mệnh — khác với Vương (do một Hoàng-đế bổ-nhiệm). (3)

Trần-Thái-tôn Cảnh

Cảnh lấy Chiêu-thánh rồi, theo “chính-sử”, được Chiêu-hoàng nhường ngôi cho. Xưng là Thiện-hoàng (vua được nhường ngôi) sau đổi ra Văn-hoàng. Cảnh và Chiêu-hoàng là anh-em con-bác-con-cô, cha Cảnh và mẹ Chiêu-hoàng là anh-em ruột. (4)

Chính-sử ghi là Trần-thị, vợ Huệ-tông và mẹ Chiêu-thánh, tư-thông với em họ là Trần-thủ-Độ; đẩy được vua Huệ-tông bỏ ngôi ra tu tại chùa, bèn bàn mưu ở trong cung làm tờ chiếu để vua nhà Lý truyền ngôi cho nhà Trần

Trần Cảnh, vẫn theo chính-sử, hạ mẹ vợ Trần-thị từ ngôi Thái-hậu nhà Lý thành Thiên-cực công-chúa rồi tác-thành cho lấy em họ là Trần-thủ-Độ. Dùng Độ làm Quốc-Thượng-phụ, tôn mẹ làm Hoàng-thái-hậu, cha làm Thái-thượng-hoàng, thay nhà vua giữ chính-quyền trong nước trong nước có việc gì to lớn thì Thượng-hoàng ở trong cung nghe lời tâu-bày để quyết-đoán. (5)

Chuyện nhà họ Trần

Ông Trần-Cảnh: tên Trần-Lý, gốc đánh cá, nhà giàu có, nhiều người theo; gặp thời loạn, có bè-đảng chân-tay tạo thế-lực tại địa-phương. Vợ họ Tô, nhà cũng có chút thế-lực; em vợ là Tô-trung-Từ cũng có bày-tôi theo phò. Hai họ Trần và Tô có liên-kết.

Năm Kỷ-tỵ (1209), triều-đình gặp loạn. (6) Vua lánh kinh-đô. Thái-tử Sảm về Hải-ấp, được Trần-Thừa tôn làm Thắng-vương; Sảm phong Trần-Thừa làm Minh-tụ, lấy em vợ Thừa là Tô-trung-Từ làm Điện-tiền chỉ-huy-sứ, (7) lập con gái thứ hai của Thừa làm Nguyên-phi. Khi triều-đình ổn-định lại, vương-tử Sảm được Tô-trung-Từ là chú Trần-thị đưa về kinh-đô trong khi Trần-thị về nhà mình lánh-nạn. Rồi Trần-Lý bị giặc giết, quyền sang tay con thứ là Trần-tự-Khánh, có con trai lớn là Trần-Thừa cùng phụ-giúp.  

Cuối năm Canh-ngọ (1210), vua băng. Sảm nối ngôi, đem thuyền rồng mấy lần xin đón vợ nhưng Trần-tự-Khánh bắt-bí, không cho. Vua đón-mời ba lần Khánh mới cho em gái về. (8) Trong khi đó, Tô-trung-Từ thao-túng ở giữa triều-đình: giết thái-uý nhà Lý là Đỗ-kính-Tu, giết Quan-nội-hầu là Đỗ-thế-Quy. (9) Vua lập Trần-thị làm nguyên-phi, nhận cậu vợ Tô-trung-Từ làm Thái-úy đứng đầu trong triều, phong anh vợ là Trần-tự-Khánh làm Chương-thành-hầu ở bên ngoài xa. Sau Tô-trung-Từ lấy vợ người nên bị giết. Trần-tự-Khánh cùng anh là Thừa và em họ là Trần-thủ-Độ mấy lần mang quân xâm-nhập kinh-đô, vào đến cả cung-điện nên Thái-hậu và vua phải e-sợ. (10) Thái-hậu ghét luôn nguyên-phi vốn là em Khánh, hành-hạ khổ-sở và mưu độc nguyên-phi. (11) Mùa đông năm Bính-tý (1216), vua thương vợ, theo nguyên-phi chạy sang trú bên Khánh. Từ đó, họ Trần dần-dần nắm binh-quyền. Trần-thị lập làm hoàng-hậu. Hai anh nắm binh-quyền, Trần-tự-Khánh thành Thái-uý phụ-chính, Trần-Thừa làm Nội-thị phán-thủ, tiến-phong tước Liệt-hầu.  Thái-uý Khánh những lúc triều-bái nhà vua thì không phải xưng tên, Nội-thị Phán-thử Thừa khi có lễ-tiệc lớn được cho ngồi dự ở điện Thiên-an. (12)

Sau mười mấy năm kể từ khi phò thái-tử Sảm (năm 1210), Trần-tự-Khánh chưa kịp làm việc thoán-đạt thì mất (cuối năm 1223). Thừa lên thay làm Phụ-quốc Thái-uý, vẫn khi vào chầu không xưng tên. (13) Nhưng kể từ đây, sự-việc diễn-tiến mau hơn. Không đầy một năm, vua truyền-ngôi cho Chiêu-Thánh, lúc đó lên 7, rồi xuất-gia lên chùa tu. Năm sau nữa, Ất-dậu (1225), tháng mười, tuyển con-em quan-viên vào hầu Chiêu-hoàng; tháng mười-một, Thủ-Độ loan-báo “Bệ-hạ đã có chồng”; ngày 21 tháng ấy, có chiếu truyền ngôi; ngày mồng một tháng chạp, Trần-Cảnh lên ngôi. Mọi việc xảy ra trong không đầy hai tháng: bé gái gặp rồi lấy chồng và nhà Trần thay nhà Lý. (14)

Trần Thừa

Chính-sử quy việc thoán-đạt cho Trần-thủ-Độ, Điện-tiền chỉ-huy-sứ vì ông là chỉ-huy quân-đội, canh hoàng-cung lại là chú Trần-Cảnh. Sự thực, đây chỉ là một dàn-xếp gia-đình, nữ-chúa truyền ngôi cho chồng. Thủ-Độ có sự giúp-sức bàn-mưu của mẹ Chiêu-hoàng lúc đó đã thôi vua Huệ-tông và có tình-ý với Thủ-Độ. Vậy đâu có cần đến vũ-lực như các chỉ-huy quân-đội thời trước cướp ngôi của ấu-chúa cho chính mình. (15)

Đến đây, nên xét lại vai trò của Trần-Thừa, cha Trần-Cảnh, lúc đó là Phụ-quốc Thái-uý, người nắm quyền chính-trị và là người sau này trực-tiếp hưởng lợi trong việc thoán-đạt. Ông giữ vai-trò kín-đáo, sau thành Trần-Thái-tổ, việc mà nhiều người không biết đến, kể cả vua Tự-Đức là người thích đọc và bình về sử Việt trong cuốn Khâm-Định cương-mục. (16)

Trần Thừa tinh-hoa không xuất-phát ra ngoài như em là Khánh; cho nên khi cha bị giết, Khánh nắm quyền trong nhà cai-quản quân-gia. Nhưng Thừa không phải là người ngồi yên thụ-động mà trái lại, khá sinh-động. Khi Trần-thị về kinh-đô thì vua dùng cậu vợ là Tô-trung-Từ làm thái-uý. Họ Tô không hoàn-toàn tin-cậy các cháu ngoại. Hai bên hơi gườm nhau. (17) Năm Tân-mùi (1211), Từ và con rể Từ bị giết, Thừa muốn thu-phục tả-hữu của Từ, đặc-biệt là Nguyễn-Trinh, không được bèn xui âm-mưu giết Trinh. (18)

Nhiều lần, Khánh xâm-phạm kinh-đô chống vua, Thừa có tham-dự. Năm Giáp-tuất (1214), Thừa và Khánh đánh hữu-ngạn sông Lô, Thủ-Độ đánh mặt tả-ngạn. Quân nhà vua thua, phe Trần chiếm được thuyền rồng. Cuối năm ấy, quân Trần đi cướp lấy các vật trong phủ nhà vua. Rồi lại đốt phá gần hết cung-thất và nhà dân trong kinh-thành. (19)  

Năm Bính-tý (1216), vua và vợ sợ Thái-hậu phải về theo Khánh. Khánh thành Thái-uý coi việc chính-trị ngoài triều-đình còn Thừa làm Nội-thị Phán-thủ coi sát việc trong cung-điện nhà vua. Con lớn Thừa là Liễu làm Quan-nội-thủ. Con trai Khánh tước vương. Hai anh-em họ Trần xếp-đặt gia-đình kiểm-soát triều-đình nhà Lý. (20)

Năm Đinh-sửu (1217), Thừa chia quân sáu đạo đánh Nguyễn Nộn (lúc đó theo phò Thái-hậu và giữ công-chúa) trong khi Khánh đi đánh Châu-na, Phong-châu. (21)

Năm Mậu-dần (1218), Thừa lại mang quân đi Bắc-giang đánh Nguyễn-Nộn, mở đê gây lụt, quan-quân theo thế-nước mà đánh, thắng lớn, bắt được vợ con Nộn. (22)

Năm Canh-thìn (1220), Thừa cùng Khánh mang quân theo đường Quy-hoá đánh Hà Cao. Cao cùng vợ con tự-tử. (23)

Tháng chạp Quý-mùi (1223), Khánh chết; tháng sau, Thừa thay làm Thái-uý.

Tới đây, các sách sử chép khác nhau. Đại-Việt Sử-ký Toàn-thưKhâm-định Việt-sử Thông-giám Cương-mục chép tháng giêng năm Giáp-thân, tức Kiến-giai thứ 14 (1224), Thừa làm Thái-uý; tháng 10 cùng năm Giáp-thân, vua truyền ngôi cho Chiêu-Thánh. Tháng 10 năm sau, Ất-dậu (1225), tuyển con-em các quan trong đó có Trần-Cảnh vào hầu Chiêu-hoàng, tháng 12 truyền ngôi cho Trần-Cảnh. Chiêu-hoàng làm vua được 13 tháng, đám cưới Chiêu-hoàng và Trần-cảnh dàn-xếp trong không đầy hai tháng.

Đại-Việt Sử-lược viết từ đời Trần ghi khác. Thừa làm Thái-uý cả năm Giáp-thân; đầu Ất-dậu đánh Nghệ-An. Đến tháng 6 vua mới truyền ngôi cho Chiêu-Thánh, rồi 5 tháng sau, tháng 12  Ất-dậu, các quan quản-lãnh thuyền-rồng, chuẩn-bị pháp-giá đi đón Thừa về làm Thái-thượng cho con là Trần-Cảnh lên làm vua thay vợ; sự-việc xảy ra trong vòng dăm tháng.

So-sánh Thừa, Khánh và Thủ-độ

Khánh xuất-sắc, năng-động, thích đứng mũi, làm chỉ-huy, chức Thái-uý. Khánh lộ-liễu giỡn chơi với tả-hữu ngụ-ý sẽ cướp ngôi nhưng chưa kịp làm việc dữ. Năm Mậu-dần (1218), một hôm ngồi nghỉ ở trạm Nỗ, Khánh ngang-nhiên nói với tả-hữu: “Như ta làm vua, bọn các ông xem ta bắn cái cành cây nhỏ kia một phát thì trúng”. Rồi quả-nhiên bắn trúng. Quân tướng vừa sợ vừa phục. (24) Thủ-Độ, ít học, chuyên việc binh-bị, nhiệm-vụ thiên-lôi, lo về an-ninh vương-quốc. Ông công-nhậnkhông biết chữ-nghĩa gì, còn phải rong-ruổi đông-tây, chịu làm phận chó-săn nhận việc dữ như toan-tính giết Liễu khi Liễu nổi loạn; ấy là vì lo hậu-vận nhà Trần. (25) Thừa kín-đáo; có lúc hành quân bên ngoài, nhưng chức-vụ chính là Nội-thị Phán-thủ, kiểm-soát việc kín trong cung-điện. Khánh làm thái-úy cả chục năm, nhà Lý vẫn còn. Thừa lên thay Khánh làm thái-uý được có hơn một năm mà nhà Lý mất, nhà Trần lập.

Điểm quan-trọng là sử viết đời Trần ghi vua Huệ-tông xuất-gia tháng mười năm trước, Chiêu-Thánh lên ngôi tháng sáu năm sau, đưa Trần-Cảnh vào tháng mười, Cảnh lên ngôi tháng mười-hai. (26) Tấn bi-kịch hợp-thức-hoá việc đổi trào diễn ra trong dăm tháng: từ tháng sáu đến hết tháng mười một. Còn trong khoảng thời-gian trước đó, vua đã xuất-gia, Chiêu-thánh còn nhỏ, mẹ tư-thông với Thủ-Độ, bác là Thái-sư Thừa  nắm quyền-hành xử-sự chắc như là vua thật! Sử ghi là mẹ Chiêu-hoàng bàn với Thủ-Độ để dàn-xếp. Nhưng có-lẽ chính là bàn với anh là Thái-sư Thừa rồi cho Thủ-Độ nhận vai bạc-ác?

Nhà sử-học Lê-văn-Lân tại Hà-nội cho hay là sách An-nam tức-sự của sứ-giả nhà Nguyên ghi Thừa đã đoạt ngôi nhà Lý; và dẫn thêm một bài minh trên một quả chuông ở Bạch-hạc có ghi vua Thái-tông là đời vua thứ hai của nhà Trần. (27)

Trần-Thái-tổ

Triều-đình tôn Thủ-Độ làm Quốc-phụ; Thủ-Độ chỉ muốn giữ phần binh-bị, đề-nghị Thừa làm Thượng-hoàng tạm coi giữ quốc-chính, đợi một vài năm nữa nước nhà thống-nhất, sẽ lại giao trả quyền-chính cho vua, cùng hưởng-phúc thanh-bình. Bấy giờ Trần-Thừa mới xưng là Thượng-hoàng cầm chính-quyền.

Năm 1231,

Thượng-hoàng xuống chiếu rằng trong nước, hễ chỗ nào có đình-trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ. Ấy là vì Thượng-hoàng khi hàn-vi từng nghỉ ở đó, có một nhà sư bảo rằng: “Người trẻ tuổi này ngày sau sẽ đại-quý”. Nói xong thì biến mất. Đến nay, vua lấy được thiên-hạ mới có lệnh này. (28)

Năm 1234, Thượng-hoàng băng; táng ở Thọ-lăng; miếu-hiệu Huy-tông. Năm 1248, đổi miếu-hiệu của Huy-tông, gọi là Thái-tổ. (29)

Cốt chuyện hôm nay là trên thực-tế — cũng như là có bằng-cớ hiển-nhiên nhưng “chính-sử” không ghi — vua đầu nhà Trần là Thừa, miếu-hiệu Thái-tổ chứ không phải là Cảnh, tức Thái-tôn, “đời vua thứ hai nhà Trần”. Còn cái việc thay giòng-họ, đổi vương-triều trong lịch-sử cũng chỉ là thường-tình theo lẽ thịnh-suy, có chăng chỉ là chuyện trà-dư tửu-hậu.  

Ghi-chú

1-            Theo lệ trong các vương-triều xưa, vua mất gọi là Đại-hành Hoàng-đế. Khi táng, đặt miếu-hiệu. Hai vua nhà Tiền-Lê không có miếu-hiệu nên Lê-Hoàn gọi là Đại-hành. Hiển-nhiên, Ngoạ-triều không phải là tên tự-xưng hay miếu-hiệu; mà là tên riễu do nhà Lý đặt cho. Các đời, Lý- Trần, Hậu-Lê thường chọn Thái-tổ, Thái-tông v.v.

2-            Năm Quý-tỵ (1293), Nhân-tông truyền ngôi cho con là Thái-tử Thuyên (tức là Anh-tông). Một lần vua quá say, Thượng-hoàng đến, các quan ra đón mà vua không biết; Thượng-hoàng hạ chiếu cho triều-đình về nghe lệnh tại Thiên-trường. Khi tỉnh dậy, vua hốt-hoảng chạy đuổi theo; giữa đường gặp được người học-trò, nhờ làm tờ biểu tạ-tội rồi mang theo về phủ Thiên-trường, hai người quỳ tại sân phủ. Sau Thượng-hoàng răn-dạy một hồi, nói ý rằng Thượng-hoàng có nhiều con có thể thay ở ngai vàng. Ngô-sỹ-Liên phê-bình: “Vua kế-vị không khác gì hoàng-thái-tử, như thế thì có hợp đạo không?” (Đại-Việt sử-ký Toàn-thư (ĐVSKTT), Mậu-ngọ, 1528)

3-            Theo quan-niệm và truyền-thống phong-kiến, có thiên-mệnh mới thành Hoàng-đế, chỉ thay Thượng-đế mà hành-đạo trị thiên-hạ. Hoàng-đế phong Vương cho chư-hầu, cai-trị một phương; Vương lệ-thuộc vào Hoàng-đế. Các vua ta, đối với Tàu thi xin lập làm Vương, nhưng trong nước, xưng Hoàng-đế. Một thí-dụ là Đinh-tiên-Hoàng, xưng đế, phong cho con là Đinh-Liễn làm Nam-Việt-vương, coi việc nước.

4-            Trần-Lý có con là Trần-Thừa, Trần tự-Khánh, Trần-thị-Dung (gả cho Thái-tử Sảm, vua Lý Huệ-tông) và một số con gái nữa, trong đó có Trần-tam-nương (gả cho tướng Nguyễn Đường; sau Đường chết, lại gả cho Hầu tước Đoàn-văn-Lôi). Dung lấy Huệ-tông, sanh ra công-chúa Thuận-thiên và công-chúa Chiêu-thánh. Gả cho hai con trai của Trần Thừa, là Liễn và Cảnh. Vậy là hai con trai của anh lấy hai con gái của em gái.

5-            Khâm-định Việt-sử Thông-giám Cương-mục (KĐVSCM), Chính-biên, Q.VI, năm Ất-dậu.Trần-Thủ-Độ là cháu gọi Trần-Thừa là bác, vậy là em họ Hoàng-hậu Trần-thị-Dung. Hai người tư-thông với nhau. Sau khi đẩy vua Huệ-tông xuất-gia đi tu, Thái-hậu Dung dàn-xếp cho con gái mình lấy cháu trai Cảnh. Khi Cảnh làm vua, cho mẹ vợ lấy Thủ-Độ, lập cha làm Thượng-hoàng.

6-            Kỷ-tị (1209) : Vua giết Phạm-bỉnh-Gi. Thủ-hạ của Gi là Quách-Bối mang quân vào cung, dùng xe của vua chở xác chủ rồi bắt hoàng-tử Sảm về Hải-ấp. Sau Trần-Thừa đón hoàng-tử về Lỵ-Nhơn lập làm vua. Trong khi đó, vua cũng chạy chốn.

7-            Minh-tụ : Theo Lịch-triều hiến-chương  của Phan-huy-Chú, ‘‘Minh-tự là một tước để phong cho những người có công, theo lời chua’’, KĐVSTGCM, chính-biên, Q.V, Canh-ngọ-1150.

            Điện-tiền Chỉ-huy-sứ : Chức quan trông nom binh-lính trực ban ở trước điện nhà vua (chú-thích trong KĐVSTGCM, Chính-biên, Q.II, năm Kỷ-dậu-1009).

8-            Năm Canh-ngọ, tháng 11, liệm vua Cao-tông. Vua sai đón Trần-thị, Khánh không cho. Mùa xuân Tân-mùi-1211, (bản-dịch ghi nhầm là Tân-tỵ) tháng giêng, vua lại cho đi đón Trần-thị, Khánh vẫn chưa cho. Lần thứ ba đi đón, Khánh mới sai Phùng-tá-Chu đưa về. Đại-Việt sử lược, (ĐVSL)Q.III, năm Tân-tỵ-1211

9-            Tô-trung-Từ (có sách ghi là Tự) bị nhiều người trong triều-đình chống-đối. Đỗ-kính-Tu là Thái-uý do Huệ-tông lập tháng 11 năm Canh-ngọ (1210); sang tháng chạp, Từ dìm xuống nước cho chết ở bến Đại-thông. Quan nội-hầu là Đỗ-thế-Quy chốn dưới linh-cữu vua Cao-tông, bị bọn Từ bắt, làm tội cho đến chết tại chợ Đông. Mấy người này mưu diệt họ Tô nhưng thất-bại. Cuối năm, vua cho Từ làm Chiêu-thảo đại-sứ, sang tháng 3 năm sau, Tân-mùi (1211), làm Thái-uý. Đến tháng 6, Từ bị Quan-nội-hầu Vương-Thượng giết.

10-        Cuối năm Kỷ-tị (1209), khi Cao-tông mất, Khánh mang quân về đóng Tế-giang, nói y định đi viếng tang cùng với Tô-trung-Từ. Đến cuối năm sau, Canh-ngọ (1210), sau khi Từ chết, Khánh lại mang quân đến Tế-giang. Thái-hậu và vua e-sợ. Vua lánh lên Thái-nguyên. Sau sang Bắc-giang, Khánh nhập kinh-sư cho tướng đi đón vua về kinh. Vua sợ lại chạy đi Lạng-châu. Năm Giáp-tuất (1214) chia quân đánh kinh-sư. Rồi vào cướp-phá cung-điện nhà vua. ĐVSL, Q.III, Canh-ngọ (1210)-Ất-hợi(1215).

 11-        Thái-hậu là người cực-ác, luôn-luôn lo bảo-vệ vua. Để tránh việc Khánh có thể cải-lập vua khác, một đêm bà cho giết Nhân-quốc-vương và hai vương-tử khác. Bà rất nghi-ngờ nguyên-phi Trần-thị vốn là em Khánh, nên xúi vua giáng nguyên-phi xuống làm ngự-nữ. Thái-hậu chỉ phu-nhân mà nói là bè-đảng của giặc…bỏ thuốc độc vào món ăn của phu-nhân ; mỗi bưã ăn, vua chia cho phu-nhân một nửa…Thái-hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu-nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, rồi đêm ấy cùng với phu-nhân lẻn đi đến chỗ quân của Tự-Khánh. ĐVSKTTBản-kỷ, Q.IV, Bính-tý (1216)

12-        ĐVSL, Q.III, Bính-tý (1216)

13-        ĐVSKTT, Bản-kỷ, Q.IV, Quý-mùi (1223). Lời chua trong KĐVSTGCM giải-thích : Phụ-quốc Thái-uý : theo sách Lĩnh-ngoại-đại-đáp của Chu-khứ-phi, viên quan đứng đầu hàng các quan của An-nam gọi là Phụ-quốc-Thái-uý, cũng như Tể-tướng vậy.

14-         Ất-dậu (1225) Tháng 10, dùng Trần-Cảnh làm Nội-thị chính-thủ. Tháng 12, Trần-Cảnh lên ngôi hoàng-đế. ĐVSKTT ghi ngày 1 tháng chạp. (KĐVSTGCM ghi là ngày 21 tháng chạp). Tính ra không đầy hai tháng.

15-        Lê-Hoàn là Thập-đạo tướng-quân, Lý-Công-Uẩn là Điện-tiền Chỉ-huy-sứ, cả hai cùng là chỉ-huy quân-đội, phần nào dựa vào vũ-lực để soán ngôi.

16-        Vua Tự-đức có nhiều lời phê trong cuốn KĐVSTGCM ; về chuyện nhà Trần thay nhà Lý, vua không biết Trần-Thừa có miếu-hiệu Trần-Thái-tổ : Thực là việc lạ, suốt nghìn xưa chưa hề có…Dầu chẳng mượn danh-nghĩa là « bệ-hạ có chồng », thiên-hạ thế-nào chắc cũng về tay họ Trần. Họ Trần lấy được nước, đều là nhờ công-sức Thủ-Độ, cũng như vua Thuận-trị nhà Thanh với Đa-nhĩ-cổn, chứ Trần-Thái-tông có gì đáng khen đâu ? Cho nên nhà Trần không có miếu-hiệu là Trần-Thái-tổ.

17-        Khi vua Cao-tông mất (1209), Trần-tự-Khánh mang quân về Tế-giang, tính rủ cậu là Tô-trung-Từ cùng đi viếng tang. Từ nghi-ngờ Khánh hai lòng. Khánh bèn kép quân về. Sau Từ nắm được triều-đình nhưng Khánh ở bên ngoài, hai họ Trần và Tô không hợp-tác.

18-        Thái-uý Từ ban đêm sang Gia-lâm tư-thông với công-chúa Thiên-cực (người khác, không phải là Thái-hậu Trần-thị sau này cũng gọi là công-chúa Thiên-cực rồi lấy Thủ-Độ) bị chồng của công chúa là Vương-Thượng giết. Con rể của Từ cũng bị Nguyễn Trinh, một tướng của Từ giết để chiếm vợ là Tô-thị (em họ Thừa). Thừa dụ Trinh về hàng, Trinh không theo nên Thừa âm-mưu xui Tô-thị giết.

19-        ĐVSL, Q.III, Giáp-tuất (1214)

20-        sđd, Q.III, Bính-tý (1216). Tháng chạp, phong Liễn làm Quan-nội-hầu. Lúc đó, Thừa 33 tuổi ; Liễu có thể khoảng trên-dưới mười tuổi ? Sau này lấy Thuận-thiên công-chúa, lúc đó mới sinh được mấy tháng. Sang năm sau Cảnh rồi Chiêu-thánh mới sinh (cuối 1217, đầu 1218).

21-        sđd, Q.III, Đinh-sửu (1217) : Mùa hạ, tháng 4, Thái-tổ chia quân ra làm sáu đạo để đánh Nguyễn-Nộn.

22-        sđd, Q.III, Mậu-dần (1218) : Thái-tổ ta lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn-Nộn tại Bắc-giang

23-        sđd, Q.III, Canh-thìn (1220)

24-        sđd, Q.III, Mậu-dần (1218)

25-        Khi Thái-tôn lấy Thuận-thiên, vợ của Liễu vì đang có bầu, Liễu nổi loạn ; song yếu-thế, phải sang thuyền nhỏ gặp Thái-tôn xin hàng. Thủ-Độ nghe tin, mang kiếm sang thuyền đòi giết nhưng Thái-tôn lấy mình che, xin tha. Thủ-Độ tức lắm, ném gương xuống sông nói : «Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các ngươi thuận-nghịch như thế nào ». ĐVSKTT, Bản-kỷ, Q.IV, Ất-dậu (1125) và Q.V, Đinh-dậu (1237).

26-         ĐVSKTT, Q.III, Ất-dậu (1225) ; Tháng sáu, nhà vua nhường ngôi cho con thứ hai là Công-chúa Chiêu-thánh. 

27-        Lê-văn-Lan : Lịch-sử Việt-nam, Hỏi & Đáp, Khoa-học và Đời sống, Hà-nội : 2004, tr.72-3.

28-        ĐVSKTT, Bản-kỷ, Q.V, Thân-mão (1231)

29-        ĐVSKTT, Bản-kỷ, Q.V, Giáp-ngọ (1234) và Mậu-thân (1248) đổi miếu-hiệu Huy-tông gọi là Thái-tổ ; KĐVSTGCM, Chính-biên, Q.VI : Giáp-ngọ (1234) và Mậu-thân (1248), tháng giêng mùa xuân. Truy-tôn miếu-hiệu Huy-tông làm Thái-tổ. 

Nguồn bài đăng

0