Vài ý kiến về nguồn gốc Tín ngưỡng thờ Cá Ông
Lễ hội cầu ngư đầy màu sắc ở Bình Thuận Huỳnh Thiệu Phong Tín ngưỡng thờ Cá Ông – một cái nhìn tổng quan Việt Nam là một quốc gia giáp biển, với đường bờ biển dài 3.260km. Đây là một ưu thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao thông đường biển, khai thác nguồn tài ...
Huỳnh Thiệu Phong
- Tín ngưỡng thờ Cá Ông – một cái nhìn tổng quan
Việt Nam là một quốc gia giáp biển, với đường bờ biển dài 3.260km. Đây là một ưu thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao thông đường biển, khai thác nguồn tài nguyên thủy hải sản, góp phần vào phát triển kinh tế. Không dừng lại ở phương diện kinh tế, việc tiếp xúc với môi trường biển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã góp phần vào việc dần định hình và phát triển đời sống văn hóa của cư dân bản địa.
Khái niệm “Văn hóa biển” đã dần được giới nghiên cứu quan tâm và đề cập như một phạm trù khoa học. Song, cho đến nay, câu trả lời cho câu hỏi: “Việt Nam có văn hóa biển hay không?” vẫn chưa đi đến hồi kết vì chưa có sự thống nhất quan điểm; điều này bắt nguồn từ việc chưa có bộ công cụ để nhận diện sự tồn tại của văn hóa biển. Về vấn đề này, Trần Ngọc Thêm đã nhận định: “… có thể nói rằng trong lịch sử, Việt Nam đã từng có một giai đoạn (thời Đông Sơn và sau đó, rất có thể là đến hết thời Bắc thuộc) có văn hóa biển… Nhưng từ thế kỷ X trở lại đây thì Việt Nam chỉ có văn hóa sông nước và những yếu tố của văn hóa biển chứ không còn văn hóa biển như một bộ phận hữu cơ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của dân tộc.” [8: 292].
Việt Nam hiện nay là một quốc gia, một chỉnh thể thống nhất với sự hiện diện của 54 tộc người thiểu số khác nhau. Trải qua những biến động của lịch sử dân tộc, các tộc người này đã cùng nhau vượt qua tất cả để ngày hôm nay đều là “Con Rồng cháu Tiên”. Trong số những tộc người ấy, ngoài tộc người Việt là chủ thể thì cộng đồng người Hoa – Chăm cũng là hai trong số các tộc người có dân số đông nhất Việt Nam. Sự có mặt và cộng cư của cư dân hai tộc người này cùng với người Việt đã tạo ra những điểm nhấn văn hóa hết sức đặc sắc mà kết tinh của nó chính là sự giao lưu và tiếp biến văn hóa (Acculturation).
Hai vấn đề mà tác giả bài viết nêu ra ở trên chính là tiền đề cho việc hình thành nên một hình thức tín ngưỡng đặc sắc của Việt Nam – tín ngưỡng thờ Cá Ông. Tôi không đưa ra quan điểm đúng, sai về câu hỏi “Việt Nam có văn hóa biển hay không?”mà chỉ nêu ra vấn đề này vì cho rằng, có thể xem đây như một nền móng cho việc định hình và phát triển hình thức tín ngưỡng rất độc đáo này. Bởi vì liên quan đến đối tượng thờ cúng chính trong tín ngưỡng thờ Cá Ông chính là Cá Ông (thực chất là cá Voi) – một loài sinh vật biển; như vậy, rõ ràng là bản thân nội hàm của hình thức tín ngưỡng này đã liên quan mật thiết với yếu tố biển khi mà đối tượng thờ cúng chính là một loại sinh vật biển.
Mặt khác, lại nói về yếu tố lịch sử được dẫn ra bên trên, vì hiện nay giới nghiên cứu đều có những ý kiến trái chiều xung quanh nguồn gốc của truyền thuyết Cá Ông. Khởi thủy của tín ngưỡng này là từ người Chăm, người Hoa hay đây là một tín ngưỡng bản địa của người Việt mang sắc thái văn hóa biển, ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm một điểm tựa về tâm linh vì sống trong môi trường biển thường xuyên? Bài viết này sẽ không mới về nội dung, tuy nhiên tác giả bài viết sẽ góp phần nêu vài quan điểm của cá nhân về nguồn gốc của tín ngưỡng này thông qua phân tích các truyền thuyết.
Cũng cần nói thêm rằng, nghiên cứu về một hình thức tín ngưỡng nói chung và về tín ngưỡng thờ Cá Ông nói riêng vô cùng đa dạng, cả về nội dung và phương diện tiếp cận. Tuy nhiên, bài viết này chỉ dừng lại ở phạm vi luận bàn về nguồn gốc của tín ngưỡng này mà thôi.
Như đã đề cập, tín ngưỡng này ra đời trước hết là để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vùng biển trong quá trình khai thác nguồn lợi mà biển đem lại; mặt khác thì nó cũng thể hiện sự giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng tộc người thiểu số với chủ thể chính là người Việt. Như vậy, có thể xác định được tín ngưỡng này chỉ hình thành tại những tỉnh thành có giáp biển. Thứ hai, về phân bố theo chiều Bắc – Nam, Nguyễn Thanh Lợi cho rằng: “Tục thờ cá voi/ cá ông là một tín ngưỡng dân gian khá đặc thù của cư dân ven biển nước ta, từ Thanh Hóa vào đến tận Kiên Giang…” [4: 61]. Song, một số tài liệu cổ khác (như sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức) lại ghi nhận sự linh ứng của Cá Ông bị thu hẹp hơn, từ Linh Giang (tức sông Gianh, Quảng Bình) đến Hà Tiên [5]. Và bấy lâu nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu: “Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư” để thể hiện sự kính trọng của người dân về loài sinh vật biển này. Như thế, cá nhân quan điểm tác giả cho rằng việc xác định ranh giới cực Bắc của tín ngưỡng này chỉ mang tính tương đối. Nói điểm cực Bắc của tín ngưỡng thờ Cá Ông là ở Quảng Bình vì từ Quảng Bỉnh đổ ra phía ngoài, tín ngưỡng này đã có dấu hiệu phai nhạt dẩn, hệ thống điện thờ Cá Ông cũng suy giảm đi về số lượng khá nhiều. Trong khi đó, từ Quảng Bình trở vào phía Nam thì số lượng điện thờ và sắc thái biểu hiện của tín ngưỡng này lại đậm nét hơn. Do đó, xét về không gian phân bố theo chiều Bắc – Nam, việc xác định điểm dừng chân cuối cùng của tín ngưỡng thờ Cá Ông là ở Quảng Bình có lẽ sẽ hợp lý hơn, mặc dù xác định là Thanh Hóa cũng không phải không chính xác.
- Các truyền thuyết về nguồn gốc của Cá Ông
Bước đầu xung quanh việc xác định về nguồn gốc truyền thuyết của Cá Ông, có lẽ là cần thiết để ta hệ thống lại những tư liệu lịch sử có đề cập về hình thức tín ngưỡng này.
Nguyễn Thanh Lợi vốn là một trong những nhà nghiên cứu có mối quan tâm sâu sắc về tín ngưỡng thờ Cá Ông, trong nhiều công trình khoa học của mình, ông đã dẫn ra rất nhiều những tài liệu cổ có ghi chép về vấn đề này[1]:
+ Theo Thoái thực kí văn, “Hải thu tục gọi là cá ông voi, mình dày không vảy, đuôi giống tôm, kì nó rất sắc, mũi ở trên trán, tính có nhân hay cứu người. Người đi thuyền gặp phong ba mà đắm, nó thường đội trên lưng đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên. Người miệt biển rất kính…” [3: 32].
+ Còn theo Tùy thư: “Nước Chân Lạp có con cá Kiến đồng, bốn chân, không vảy, múi như voi, hút nước phun ngược lên năm, sáu trượng” [3: 32].
+ “Sách Đại Nam nhất thống chí gọi cá voi là Đức Ngư: Đức Ngư đầu tròn nơi trán có lỗ nước phun ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai mảng như đuôi tôm, cá tánh từ thiện hay giải cứu cho người khi qua biển mắc cạn…” [4: 62].
+ Còn trong Ô châu cận lụclại đề cập: “… Khoảng năm Quang Triệu tiền triều (đời Lê) có loài cá voi theo nước vào, khi nước triều rút, người bờ bể bắt được. Có người dùng xương sống cá làm xà nóc dựng nhà.” [4: 62].
Những mô tả trong các tài liệu đã dẫn ở trên cho thấy sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Cá Ông đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Thậm chí, “Theo Léopol Cadière thì: “Trong tự điển hầu như không có từ cá voi, người ta thường gọi là cá ông, con cái thì gọi là bà ngư”. Đó chính là thái độ trọng vọng của ngư dân đối với cá voi khi sống cũng như khi chết, bắt ngườn từ quan niệm rằng loài cá này là một vị thần độ mạng…” [4: 61]. Như vậy, sức ảnh hưởng của Cá Ông là điều ta không cần bàn cãi, nhưng thực chất độ phủ của tín ngưỡng này trong tâm thức những ngư dân Việt là do trong quá trình sống nương tựa vào tự nhiên và cần có một điểm dựa tâm linh nên hình thành, hay nói cách khác là một tín ngưỡng bản địa; hay do người Việt tiếp nhận từ yếu tố văn hóa Chăm (thờ vị thần Po Riyak/ Po Riyah) mà biển đổi cho phù hợp ?
Trong văn hóa Chăm, Cá Ông (tức cá Voi) vốn là hóa thân của vị thần Cha-Aih-Va. Vì nôn nóng trở về quê hương sau quá trình tu luyện phép thuật nên vị thần này đã cãi lời thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi. Sau đó thầy ông đã trừng phạt ông. Cha-Aih-Va đã đổi tên và tự xưng là Po Riyah (chính là thần Sóng Biển), “…trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền.” [2: 210].
Cũng cho rằng đây là một tín ngưỡng bản địa của người Chăm, song một tài liệu khác lại đề cập về nguồn gốc của Ông có phần khác biệt.“Po Riyak là danh hiệu thần hóa của Ja Themeng Kei, một công thần của vua Pô Romé, được thờ ở các miếu có tên là Long Vương miếu; đây là một dạng đền thờ Thần Biển Chăm – Việt.” [5: 65].
Như vậy, chỉ tập trung phân tích hình tượng Cá Ông trong truyền thuyết của người Chăm, ta cũng đã thấy được sự phức tạp và thiếu tính thống nhất của các nhà nghiên cứu khi đề cập về nguồn gốc của Cá Ông [1, 3, 4, 5]. Bài viết này có phạm vi rộng hơn khi tác giả không đơn thuần đề cập đến phạm vi nguồn gốc của Cá Ông trong văn hóa tín ngưỡng Chăm mà dẫn ra nhiều thuyết khác nhau về nguồn gốc của Ông dưới lăng kính ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
Bởi vì ở một truyền thuyết khác, nhuộm sắc màu của Phật giáo lại lưu truyền một tích khác liên quan đến hình thức tín ngưỡng này. Cụ thể: “… Cá Ông vốn là một trong muôn mảnh vải của chiếc áo cà sa của Phật bà Quan Âm được xé ra, quăng xuống biển mà thành. Với bộ xương đặc biệt của mình, cá Ông có phép “thâu đường” (rút ngắn khoảng cách), do đó Phật bà Quan Âm ban cho cá nhiệm vụ tìm cứu những người mắc cạn giữa biển khơi.” [7: 230]. Hay: “Tục truyền rằng cá voi là biến thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh. Ngài đã hóa thân thành Ông Nam Hải đi tuần du biển Nam Hải và những người dân sống về biển cả đều cầu nguyện đến cá voi mỗi lần gặp nạn…” [11: 364].
Ngoài ra, đối với hệ thống tri thức dân gian bản địa, tức theo truyền thuyết của dân chài thì: “… tục thờ cá ông bắt nguồn từ chuyện một chàng sĩ tử bị thầy đồ rút gươm chém đầu và hóa thành cá voi, suốt bốn mùa bơi trên biển để cứu người bị nạn…” [2: 212].
- Vài nhận xét
Với một vài truyền thuyết mà bài viết đã dẫn ra khi tiếp cận các nguồn tài liệu, ta thấy yếu tố nổi trội nhất trong các đặc điểm về truyền thuyết của Cá Ông chính là tính đa lớp – đa diện. Đa lớp là vì dãy đất miền Trung trước đây vốn là vùng đất thuộc cương vực của vương triều Champa; do đó mà sự giao lưu về văn hóa (trong đó có yếu tố tín ngưỡng) giữa hai tộc người Chăm – Việt là điều không thể tránh khỏi. Biểu hiện rõ nét nhất cho tính đa lớp trong tín ngưỡng thờ Cá Ông chính là việc tồn tại truyền thuyết liên quan đến vị thần Sóng Biển Po Riyak – vị thần của người Chăm. Ta khoan bàn đến việc đúng sai của các dị bản khác nhau trong truyền thuyết Chăm mà điều bài viết muốn đề cập chính là sự lý giải cùng tồn tại song song trong dân gian về nguồn gốc của Cá Ông, cả Việt và Chăm.
Về tính đa diện, không những tiếp cận và lý giải về truyền thuyết của Cá Ông từ truyền thuyết của người Chăm, trong văn hóa Phật giáo và văn hóa dân gian (của cư dân Việt) cũng đồng thời có những cách lưu truyền khác nhau về truyền thuyết của Ông. Ta chưa có cơ sở để khẳng định đây là tín ngưỡng mang sắc thái Chăm hay là tín ngưỡng bản địa (của người Việt) đích thực như Ngô Đức Thịnh đã nhận định: “… có thể coi nghi thức thờ phụng Cá Ông như là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể… một loại hình tín ngưỡng đặc trưng của cư dân ven biển…” [10: 229]; nhưng ta có thể thấy rõ tính đa diện trong tự thân hình thức tín ngưỡng này.
Thứ hai, thông qua các truyền thuyết về tín ngưỡng này, một nét đặc trưng cũng khá thú vị mà ta có thể thấy chính là sự cầu mong chở che của những ngư dân Việt trong quá trình dựa vào biển để mưu sinh. Đây là tính linh hoạt – một đặc điểm nổi trội trong tính cách của người Việt Nam. Thực chất, trong buổi đầu đến cư ngụ tài vùng đất mới, sự đe dọa của tự nhiên luôn là một mối hiểm nguy mà bất kỳ người lưu dân nào cũng e ngại; chính vì thế mà tín ngưỡng thờ Cá Ông như một cứu cánh về mặt tinh thần cho họ trong việc có được điểm tựa về mặt tâm linh. Mặt khác, trong thời điểm khi mà khoa học chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao cá Voi cứu người” thì chính những ngư dân đã từng gặp nạn trên biển và từng được “Ông độ” lại càng có cơ sở vững chắc tin tưởng rằng được Ông giúp đỡ. Hai lý do đó đã góp phần tạo nên những dị bản khác nhau (của người Việt) về truyền thống Cá Ông. Hành động này của những cư dân Việt như việc “tranh giành” với người Chăm về “sự độc quyền” vai trò của Ông trong việc giúp đỡ những ngư dân Việt. Về vấn đề được Cá Ông “độ”, nhà nghiên cứu Phan Thị Yến Tuyết đã có được những bài phỏng vấn người dân sở tại (miền Tây Nam Bộ) trong quá trình đi thực địa để thu thập thông tin [11: 367 – 370].
Nếu ta tạm chấp nhận quan điểm rằng “tín ngưỡng thờ Cá Ông của cư dân Việt là sự tiếp biến văn hóa từ hình tượng Po Riyak trong tín ngưỡng của người Chăm” thì một nét đặc sắc nữa của hình tượng Cá Ông lại xuất hiện. Trong tín ngưỡng Chăm, vị thần Sóng Biển vốn là một vị nam thần, điều này đã được giới nghiên cứu chấp nhận và thống nhất quan điểm. Và ngay trong quá khứ, triều đình nhà Nguyễn cũng đã ban rất nhiều sắc phong cho Cá Ông: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần vì những hỗ trợ của Ông đối với Nguyễn Ánh Gia Long trong quá trình trốn chạy quân Tây Sơn. Song, Phan Thị Yến Tuyết trong các công trình của mình, thông qua quá trình khảo sát thực địa (phỏng vấn) đã nhận được những kết quả hết sức đáng lưu ý về giới tính của Cá Ông: Cá Ông là nữ thần[11, 12, 13].Theo đó, “Do Ông mải mê nhọc nhằn ra vào giữa biển khơi và bờ để cứu người bị nạn trên biển nên Ông bị sẩy thai rồi “lụy”, còn các cá Ông con do chưa đủ ngày tháng ra đời nên khi mẹ “lụy”, các Ông cũng “lụy” theo mẹ…” [13: 622].
Tiếp cận dưới góc độ lý thuyết giới và tôn giáo, Phan Thì Yến Tuyết nhận định: “… Rõ ràng ở nơi cư trú, nơi mưu sinh càng nhiều bất trắc, tai ương thì hệ thống thần linh của các tín ngưỡng tôn giáo ấy càng dày đặc, càng chứng tỏ môi trường sinh thái nơi đó nhiều hiểm họa… Ở những nơi vai trò của nam và nữ bình đẳng trong đời sống hàng ngày thì nữ thần nổi trội trong các câu chuyện về tạo hóa với biểu tượng phụ nữ thống lĩnh về sinh sản, sáng tạo và tiến hóa, bắt nguồn từ trong những yếu tố như nước và đất.” [12: 81, 82]. Như vậy, ở một mức độ tổng quan nhất (tức không xét dưới góc độ về lý thuyết giới và tôn giáo như Phan Thị Yến Tuyết), về mặt tự nhiên, rõ ràng ngay trong tự thân tín ngưỡng này đã thể hiện rõ nét dấu ấn về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa truyền thống. Sự tiếp nhận và biến đổi giới tính của Ông trong tín ngưỡng này cũng là lẽ phù hợp.
- Kết luận
Qua những tư liệu đi trước mà tác giả thu thập được từ những nhà nghiên cứu, có thể thấy nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Cá Ông hiện nay vẫn còn tồn tại khá nhiều quan điểm khác nhau. Họ chấp nhận cả việc xem Cá Ông như một hóa thân của thần Po Riyak của người Chăm, đồng thời cũng chấp nhận xem Cá Ông là một một vải của chiếc áo cà sa của Quán Thế Âm Bồ Tát và tự thân những ngư dân cũng xây dựng nên câu chuyện chàng sĩ tử bị thầy chém đầu và hóa thành Cá Ông.
Một tín ngưỡng đặc trưng của cư dân Việt vùng biển đã thể hiện trong đó tính đa lớp, đa diện, thể hiện khát khao chinh phục tự nhiên và bám biển để tìm được cuộc sống no đủ. “… có thể coi nghi thức thờ phụng Cá Ông như một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, trong đó nhân lõi là tục thờ Cá Ông, một loại hình tín ngưỡng đặc trưng của cư dân ven biển, rồi từ đó tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hóa và lễ hội khá phong phú và độc đáo…” [10: 229]. Đó mới chính là những giá trị trường tồn, xứng đáng được xem là bản sắc văn hóa cần bảo tồn và ngày càng phát huy trong bối cảnh ta xem văn hóa là động lực để phát triển.