18/06/2018, 16:22

Luận về vua Gia Long và Quang Trung

Kim Khanh và Nguyễn Lê Hiếu Lấy lòng người mà luận về Anh-hùng và thời-thế Cuộc bàn-cãi về liên-hệ giữa anh-hùng và thời-thế như không có câu trả-lời thỏa-đáng. Dựa vào ý-niệm thời bình trọng văn, thời loạn trọng võ, thì lúc xã-hội chao-lao là cơ-hội cho anh-hùng ló mặt và ...

vuaquangtrung_vuanguyenanhPT6L6E-20161014-bo-anh-hiem-ve-nguoi-viet-nam-100-nam-truoc.jpg

Kim Khanh và Nguyễn Lê Hiếu

Lấy lòng người mà luận về Anh-hùng và thời-thế

Cuộc bàn-cãi về liên-hệ giữa anh-hùng và thời-thế như không có câu trả-lời thỏa-đáng. Dựa vào ý-niệm thời bình trọng văn, thời loạn trọng võ, thì lúc xã-hội chao-lao là cơ-hội cho anh-hùng ló mặt và thi-thố tài-năng, đúng người hợp cảnh. Anh-hùng một khi ra tay thì sự-nghiệp thành—dù ít dù nhiều—là cảnh anh-hùnh tạo thời-thế, trở nên lãnh-chúa một vùng, sứ-quân một cõi, vào hàng khanh tướng, có khi dựng cả cơ-nghiệp triều-đại mới. Trong đám anh-hùng đông-đảo có mặt lúc thời-thế đảo-nghiêng, lẽ-dĩ-nhiên có sự lựa-chọn tự-nhiên, đưa đến cảnh dần-dần loại bớt cho đến lúc còn cuộc chiến tay-đôi giữa hai địch-thủ cuối, mà một thí-dụ là Hán Sở tranh-hùng, một bên là Hạng-vũ, khởi đầu chẳng có một tấc đất, thừa thế quật khởi giữa nơi thảo-dã, trong có ba năm mà lãnh-đạo năm nước chư hầu, diệt được cường Tần, chia cắt thiên-hạ mà phong vương phong hầu cho kẻ có công… lấy hiệu Bá-Vương còn bên kia là đình-trưởng tên Lưu-Bang, hiệp sức đánh Tần, được phong Hán-vương. Phút chót còn hai cọp tranh một rừng, Vũ thua ở Ô-giang, tự-vẫn. Lưu-Bang lập nên triều-đại Hán. Sở thua Hán mà Hạng-Vũ vẫn được khen là anh-hùng, Tư-Mã-Thiên viết từ thời cận cổ đến nay, chưa từng có một ai như ông cả. Thế còn Lưu-Bang có anh-hùng hay không? Ông vốn tham tài mê sắc; khi chiếm được kinh-đô Hàm-dương của Tần, bước vào Cung-A-phòng, Lưu-Bang mê-mẩn hoa mắt trước các đồ-đạc màn-trướng sang-trọng và biết bao cung-tần mỹ-nữ xinh-tươi, ngây người ra mãi, không muốn trở ra. Tướng-tá can khuyên:”Bái-công muốn chiếm thiên-hạ hay (chỉ) muốn làm một phú-ông?…về trại quân đi thôi…” Lưu-Bang bèn lui ra. Quân-sư của Hạng-Vũ là Phạm-Tăng nhận ngay nguy-cơ do Hán sẽ gây ra:”Của cải không lấy, đàn-bà không gần, điều đó chứng-tỏ chí hắn (Lưu-Bang) không nhỏ…phải đánh cho mau, chớ có để lỡ”. (1)

Không kể thắng-bại mà luận anh-hùng khi bàn về Hạng-Vũ; lại phải xét cái chí mưu tìm cho được việc lớn mà khen Lưu-Bang. Mỗi người một vẻ, hành-động anh-hùng, sự-nghiệp anh-hùng. Thời-thế cũng là yếu-tố quan-trọng trong việc lấy lòng người mà xét tình người. Gặp thời-thế thế thời phải thế. Nếu không xét cái thời-thế—hay mượn tiêu-chuẩn thời này mà đo cái tâm cái hành-xử của thời trước—thì cũng oan cho người bị xử.

Thời-thế thác-loạn đó tạo các anh-hùng, nghĩa là tạo hoàn-cảnh cho các anh-hùng lộ-diện, thi-thố tài-năng. Sau khi vua, các chúa, và quận Bằng Chỉnh lần-lần ra khỏi sân-khấu chính-trường, còn lại nhà Tây-sơn mà Nguyễn-Huệ là nhân-vật chính, đối-diện với nhà chúa Nguyễn trung-hưng mà Nguyễn-Phúc-Ánh là người lãnh-đạo hàng đầu. Đến đây, thử so-sánh qua-loa hai vị anh-hùng của dân ta trong khoảng phần-tư cuối thế-kỷ 18 (khoảng 1775 đến 1802)

Thời-thế nước ta vào nửa sau thế-kỷ 18.

Về tình-hình nội-bộ, hai lân-bang Đàng-ngoài cũng như Đàng-trong vào lúc này, rơi vào cảnh hỗn-loạn cực cùng. Nội-bộ nhà chúa Trịnh tranh-dành nối ngôi, kiêu-binh hạ chúa nhỏ là Cán mà lập anh là Khải rồi làm-loạn nơi triều-đình cũng như ngoài dân-dã.(2) Nhà Lê vào thế bĩ hơn thế-kỷ rưỡi, hoàng-thái-tử bị hại, hoàng-tử thứ lập đông-cung thì bị kiêu-binh truất, lập hoàng-tôn thay. Nguyễn-Hữu-Chỉnh lập mưu vẽ đường, người nước ngoài lần đầu vào diệt Trịnh, lần sau vào giết Chỉnh. Thái-hậu cầu-cứu lân-bang phương bắc chống nạn phương nam, Vua xuất kinh, Kinh-thành bỏ ngỏ.(3) Nội-bộ Đàng-trong, lộng-thần bỏ lớn lập nhỏ, tham-nhũng thối-nát, bên ngoài quân bắc xâm-nhập, bên trong dân nghèo nổi dậy, hai nhà Chúa chạy loạn rồi bị giết cả hai.(4)

Về mặt ngoài, nước ta và cả khu-vực Á-châu cũng thay-đổi. Trước kia, ta chỉ biết Trung-quốc là trung-tâm quyền-lực (địa-phương nhưng được tưởng là trung-tâm vũ-trụ). Nay nước ta dần-dần bước vào sân-khấu thế-giới thực. Chúa Trịnh nhờ Hòa-lan giúp về quân-sự, hứa nhượng Quảng-nam khi thắng Đàng-trong.(5) Chúa Nguyễn xin mở-mang buôn-bán; lại cho người đi mua vũ-khí của Bồ-đào-nha; sau nhờ người Âu-châu mở xưởng đúc ngay tại nước nhà. Nhà Lê chỉ mới biết có Trung-quốc, chúa Trịnh biết tiếp-xúc hạn-chế với Hòa-lan; trong khi chúa Nguyễn Đàng-trong đã biết khai-thác nguồn kỹ-thuật đa-dạng của nhiều nước ngoài, chính là Âu-tây.(6)

Các cuộc tranh-chấp nhiều phe-phái nằm trong quan-niệm quân-chủ cổ-truyền (monarchie traditionnelle) trong đó dòng-họ nhà vua là chủ-nhân tuyệt-đối và toàn-quyền (monarchie absolue) trên vương-quốc (royaume) và thần-dân (sujets). Lúc đó chưa có chủ-nghĩa quốc-gia dân-tộc (nationalisme).(7) Trong các cuộc tranh-chấp vũ-trang, lẽ-dĩ-nhiên các phe-phái dùng tất-cả phương-tiện quân-sự hiện-hữu (như đã ghi ở trên), lại dựa vào mọi sắc dân trong và ngoài nước. Người Chăm và người Hoa, tùy theo thời-gian và hoàn-cảnh, lúc theo phe này, khi phụ-thuộc phe kia, và là nạn-nhân chung của cả các phe-phái.(8) Cuộc tranh-chấp của mấy thế-gia, vương-triều cũ-mới, vừa đa-dạng, vừa toàn-diện, lắm phe-phái bên trong, nhiều liên-minh bên ngoài.

Góc nhìn thời nhà Nguyễn, thế-kỷ 19.

Theo cách phân-tách vấn-đề dưới chính-thể quân-chủ toàn-quyền, các sách sử quốc triều Nguyễn trong xuất thế-kỷ thứ 19, khi nói về nhà Tây-sơn thường dùng ngụy-triều; khi Nguyễn-Huệ lên ngôi hiệu Quang-Trung trước khi đánh quân Thanh, thi ghi là Huệ tự-xưng là hoàng đế (cũng như chép các chúa Trịnh tiếm-xưng v.v.) Coi là “ngụy” quân, lập “ngụy” triều, phong “ngụy” tước v.v. Phải chờ đến thế-kỷ sau, trong cuốn Việt-Nam sử-lược thì Trần-Trọng-Kim mới bàn về tính-cách chính-thống hay ngụy. Theo ông, những người làm quốc-sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống…Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? …Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An Nam Quốc vương theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây Sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không? (9)

Góc nhìn theo chủ-nghĩa Quốc-gia Dân-tộc.

Cách nhìn kiểu này bắt đầu với Trần-Trọng-Kim đầu thế-kỷ 20 lại càng thịnh-hành sau đó khi có những phong-trào đấu-tranh dân-tộc chống người Pháp và chính-sách Bảo-hộ, từ khi còn tranh-đấu sang đến thời độc-lập. Chủ-nghĩa quốc-gia dân-tộc (nationalisme) càng đề-cao chiến-công hiển-hách đánh quân xâm-lược nhà Thanh bảo-vệ đất-nước của vua Quang-Trung thì cũng càng trút trách-nhiệm mất nước vào triều-đình nhà Nguyễn chịu cho Pháp bảo-hộ. Những chỉ-trích kín-đáo xa-gần trở nên quá mức sau khi thể-chế cộng-hòa thay quân-chủ, đi ngược lên đến nhà khai-sáng dòng-họ Nguyễn là vua Gia-long. Việc hoà-hoãn với các tướng nay trở thành vua Xiêm dẫn đến liên-minh quân-sự Miên-Việt (nhà Nguyễn trung-hưng) được giải-thích như là cõng rắn cắn gà nhà. Việc Pháp chiếm nước ta bị coi là hậu-quả của việc Nguyễn-Vương nhở thầy tu Bá-đa-lộc đưa hoàng-tử Cảnh sang Pháp cầu-viện, mặc-dù việc quân-viện không thành và Nguyễn-Vương đã có quốc-thư bãi-bỏ hiệp-ước không được thi-hành. (10) Cách nhìn này thịnh-hành trong thời chống Pháp và đặc-biệt dưới thời Đệ-nhất Cộng-hòa khi chế-độ của Thủ-tướng Ngô-Đình-Diệm dùng Trưng-cầu dân-ý để lật đổ quốc-trưởng Bảo-Đại.

Góc nhìn hiện-đại.

Với thời-gian, khi các chủ-thuyết phe-phái lắng xuống, một số nghiên-cứu—đặc-biệt do các tác-giả nước ngoài góp ý—đã đánh-giá lại—gồm cả khen lẫn chê—hai vị anh-hùng Quang-Trung và Gia-Long. Các nhận-định mới bao-gồm nhiều mặt. Một người tài điều quân khiển tướng xuất-thế, vào Nam đánh liên-quân Nguyễn (trung-hưng)-Xiêm; ra bắc diệt Trịnh bỏ Lê đánh quân Thanh một trận lẫy-lừng. Một người ý-chí vững-vàng quyết-tâm báo-phục gây việc bá-vương, sáu bảy lần vào Gia-định, sáu bảy lần bị đánh bật ra; bật ra rồi lại lăn vào, rút cuộc thắng vì sự kiên-trì không bỏ dở sự-nghiệp. Một người đánh đuổi quân Bắc đang đóng quân ngay tại kinh-đô, bẻ tan mưu-mô đế-quốc, tái-lập nền tự-chủ của Đại-Việt. Một người gom-góp hai miền nam bắc, thống-nhất sơn-hà, tạo ra một vương-quốc hùng-mạnh, lớn nhất trong lịch-sử nước nhà.

I. Về nhà Tây-sơn

Sự-nghiệp lẫy-lừng của Vua Quang-Trung như không ai không biết; chiến-công Hạ-Hồi, trận gò Đống-đa, chiến-bào xám mầu khói vào Thăng-long, cầu sông Hồng xụp gẫy, xác giặc trôi đầy sông, những chuyện đó đã nhiều người viết. Hôm nay chỉ xin tản-mạn về vài chi-tiết nho-nhỏ, chuyện chung-quanh hay bên lề ít người để ý tới về nhà Tây-sơn.
Dòng-dõi.

Tổ-tiên Vua Quang-Trung gốc Chiết-giang, Trung-hoa, di về miền nam, sang nước ta, lập-nghiệp ở Quỳnh-lưu, Nghệ-an vào thời loạn-lạc Ngũ-Quý bên Tàu ngang với thời nhà Khúc, nhà Ngô (906-950) thai-nghén nền tự-trị ở nước ta, đầu thế-kỷ thứ 10.(1) Sau một nhánh di sang Thanh-hóa; nhánh ở lại tiếp-tục sinh-sống tại Nghệ-an.

Gia-đình

Sách-sử thời nhà Nguyễn (Liệt-truyện, Sử-ký Đại-Nam-Việt, VN sử-lược) ghi ba anh em theo thứ tự Nhạc, Lữ và Huệ. Hoa-Bằng trong cuốn Quang-trung Nguyễn-Huệ anh-hùng dân-tộc cũng nhắc đến tên gọi Chú Thơm và ghi thêm là em thứ ba dưới Nguyễn Nhạc và Nguyễn-Lữ. Đấy là nếu nói về con trai mà thôi. Còn theo Tạ-Chí-Đại-Trường (dẫn thơ của một giáo-sĩ đương-thời), nếu kể tất-cả trai-gái thì còn có năm người con gái giữa Nhạc và Lữ. Trần-Gia-Phụng kết-luận là Nhạc là anh lớn, hơn Huệ chừng 10 tuổi, Huệ là út, và Lữ là anh hai ở giữa. Cũng nói thêm là Huệ sinh khoảng 1753, vậy Nhạc, sinh khoảng 1743. Lữ sinh giữa khoảng đó, gần với Huệ hơn là với Nhạc (vì có 5 chị ở giữa, vậy sinh khoảng 1750-51).(2)

Khi Nhạc khởi nghĩa năm 1771, tuổi khoảng 28; Lữ khoảng 20, còn Huệ mới khoảng 18 (lớn hơn Trần-Quốc-Toản chút đỉnh!)

Ba anh em nhà Nguyễn Tây-sơn nổi lên khoảng năm 1771, do anh cả là Nguyễn-Nhạc dẫn đầu. Nhạc tính lanh-lợi; lúc trẻ có theo đạo Cơ-đốc, được rửa tội, tên thánh là Phao-lồ; lớn lên thôi đạo; đi buôn-bán miền núi, quen thuộc với dân sắc-tộc miền cao; được cử làm biện-lại lo thu thuế miền núi ở Tây-sơn. Tính phóng-túng; sử nhà Nguyễn ghi là Nhạc đánh bạc mất tiền thuế nên nổi loạn. Quan-lại thúc-dục nộp tiến thuế, không được bèn truy-tố. Nhạc bỏ trốn, vào rừng tụ-họp đảng cướp, lấy tiền nhà giầu, chia-sẻ cho dân nghèo, một loại cướp hào-hiệp. Cũng kể là bạo-dạn, can-cường, có lần giả làm tù, cho đồng-bọn đóng cũi nộp quan, rồi ban đêm, tháo cũi thoát ra mở cửa cho đồng bọn vào chiếm thành. Cũng biết thời-cơ, lợi-dụng lòng mê-tín của dân, kêu có mệnh trời khởi-nghĩa, nổi lên chống nhà Chúa Đàng-trong, chỉ trong mấy năm mà lập nên vương-nghiệp, hùng-cứ một vùng giữa nước ta, từ Quảng-nam đến Phú-Yên. Dòng chúa Nguyễn mất chính là vì Nhạc vậy.

1- Nguyễn-Nhạc

Con người

Trần-Gia-Phụng dẫn theo thư của một giáo-sĩ đương-thời (1778) trong cuốn sử truyền-giáo Nam-kỳ cho hay là Nhạc có theo đạo, đã rửa tội và được tên thánh là Phao-lồ; cha là người giữ nhà thờ địa-phương. Sách Sử-ký Đại-Nam-Việt ghi rằng bà dì của Nhạc có đạo (và có thể bà mẹ cũng theo đạo) và giúp nhiều việc cho thạnh-sự đạo. Một giáo-sĩ Tây-ban-nha đương-thời kể là sau khi chiếm được Quy-nhơn, Nhạc ra lệnh phóng-thích các phạm-nhân, Gia-tô-giáo và ngoại-đạo.

Không thấy Nhạc thực-hành lòng mộ-đạo; nhưng vẫn còn cảm-tình, hay ít nhất, không cấm-phá Cơ-đốc-giáo. Cho mãi đến năm 1786, sau khi Bá-đa-lộc đưa hoàng-tử Cảnh đi Pháp cầu-viện và mộ quân giúp Nguyễn-Ánh, Nhạc mới ra dụ cấm đạo.

Sự-nghiệp

Lúc khởi-nghĩa, Nhạc cướp của người giàu và chia cho người nghèo nên được dân hưởng-ứng. Lại lấy tiếng trung-nghĩa,

nhất lòng phò dòng chính, con của thế-tử Hạo (lúc đó bị loạn-thần Trương-Phúc-Loan đàn-áp, lập một ông hoàng nhỏ 11 tuổi lên làm Định-vương để dễ thao-túng). Nhạc bèn quyết-tâm phò con thế-tử Hạo, gọi là Hoàng-tôn Dương. Dân-chúng theo.

Nhiều người có của cũng đi theo vì đại-nghĩa. Hai người Tàu là Tập-Đình và Lý-Tài theo lập chiến-công lớn.(3)

Năm 1774, Hoàng-Ngũ-Phúc xua quân Trịnh thừa cơ vượt sông Giang, nêu lý-do trừ quyền-thần Trương-Phúc-Loan. Nhạc bèn tạm hàng Trịnh, nhận danh-hiệu Tây-sơn hiệu-trưởng Tráng-tiết tướng-quân, làm tiên-phong, mang quân đánh nhà chúa Nguyễn. Năm 1776, Ngũ-Phúc rút quân về Bắc. Nhạc tung quân trước chiếm Điện-bàn sau lấy Thăng-hoa, thu toàn-thể Quảng-nam. Nhạc xưng Tây-sơn-vương. Đầu năm 1777, nhà Trịnh phong cho Nhạc làm Quảng-nam trấn-thủ tuyên-úy đại-sứ, tước Cung Quận-công. Nhạc sai hai em vào đánh Gia-định lần này giết cả Định-vương lẫn Đông-cung.(9) Dòng Chúa Nguyễn được chín đời, đến đấy kể như chấm- dứt. Sang 1778, Nhạc xưng đế, hiệu Thái-đức, phong Lữ làm tiết-chế, Huệ làm Long-nhưỡng tướng-quân. Nhạc cai-trị vùng giữa nước, từ Quảng-nam đến Bình-thuận.

Xây Hoàng-đế thành tại đô cũ Chiêm-thành Đồ-bàn; Nhạc chia cho Huệ đất đã nhỏ, năm 1786, lại còn đòi chiến-lợi-phẩm châu-báu miền Bắc khiến Huệ bực mình Bực mình, năm 1787, Huệ cho đòi thêm đất Quảng-Nam (Điện-bàn và Thăng-hoa) và khi Nhạc từ-chối, Huệ mang quân vào đánh Quy-nhơn, vây Hoàng-đế thành. Nhạc yếu-thế, bế con trai Huệ lên thành, khóc, tả oán cảnh nồi-da-xáo-thịt, rồi xin cắt đất cầu hòa, Quảng-nam thuộc về Huệ.
Nguyễn-Vương ra đánh Thái-đức Nhạc tại Quy-nhơn. Lúc này Nhạc đã làm vua mười lăm năm, lâu không còn dụng võ, chống-cự không nổi, kêu-cứu với triều-đình Phú-Xuân. Quân Cảnh-Thịnh vào cứu-viện, rồi chiếm-giữ luôn thành-trì, tịch-thu tài-sản của Nhạc. Nhạc thổ-huyết mà băng.

Cái nghiệp

Lúc khởi-sự, lòng người thương vì hành-động hào-hiệp. Thành-công vì cơ-mưu và dũng-cảm. Khởi nghĩa, bảy năm xưng Vương, chín năm xưng Đế; ở ngôi hơn mười lăm năm. Thổ huyết mà chết. Con nối nghiệp bị giết năm năm sau. Các con khác cũng bị giết mươi năm sau. Sao phát nhanh và vĩ-đại như vậy, mà rồi tan-tác cũng mau và thảm-thương như vậy? Có phải thành-công lớn đã thay đổi tâm-tính Nhạc? Hay là những đức-tính từ-tâm buổi đầu vốn chỉ là đóng kịch giỏi?

2- Nguyễn-Lữ

Con người

Lữ tính hiền-lành; Quách-Tấn kể là Nguyễn-Lữ theo đạo Minh-giáo, tục gọi là đạo Ma-ní, dùng phù-phép để chữa bệnh trừ tà như đạo phù-thủy. Đạo này thịnh-hành ở Tây-sơn-thượng và các miền cao-nguyên Trung-phần. (4) Minh-giáo hay Ma-ní-giáo phát-xuất từ Ba-tư từ trước thời Islam-giáo tới đó, theo lời dạy của Zoroastra, thờ Thần-lửa, giáo-dân sống đời thanh-đạm, hiền-lành.

Sự-nghiệp

Lúc đầu, Lữ ở dưới trướng do Nhạc sai-phái. Mấy năm sau mới được Nhạc chính-thức cử làm tiết-chế đem thủy-binh đánh Gia-định., rồi năm sau, Lữ có Huệ đi theo. bắt và giết luôn cả hai Chúa Nguyễn Thái-thượng-vương và Tân-chính-vương. . Nhạc bèn xưng hoàng-đế, phong Lữ làm Tiết-chế. đuổi cho Ánh chạy sang Xiêm. Rồi kéo quân về Quy-nhơn.
Lữ được Nhạc phong làm Đông-Định-vương, đóng ở Gia-định, có bổn-phận chống-giữ phe Nguyễn-Ánh; trước đây, Lữ đã nhiều lần cầm quân và thắng ở mặt trận miền Nam. Sang năm 1787, Ánh từ Xiêm về đánh Gia-định. Lữ thế yếu, rút về Quy-nhơn nương nhờ Nhạc được một tháng rồi mất tại đó. Kể hãy còn là trẻ, chưa đến bốn mươi!

Sử-ký Đại-Nam-Việt ghi Lữ đến Quy-nhơn, qua một tháng phải bịnh nặng mà chết

3- Quang-Trung Nguyễn-Huệ

Con người

Giữa một người anh cơ-mưu lanh-lợi và một người anh khác thầy tu hiền-lành, Nguyễn-Huệ là một mẫu thứ ba khác-biệt trong gia-đình Tây-sơn. Cũng cơ-mưu, cũng gan-dạ, nhưng chí-khí cao vượt. Cũng có cái lượng của kẻ cả nhưng thành-công ở chính-trường và chiến-trường đòi-hỏi tính quả-quyết dứt-khoát, đôi-khi tàn-bạo, hiếm có ở người thầy tu.
Nếu chúng ta có được một số chi-tiết về Nhạc và Lữ, chính cũng nhờ có chi-tiết về Huệ. Tỷ-dụ như sử không ghi năm sinh và tuổi của hai người anh. Nhưng nhờ biết Huệ mất vào năm 1792 và thọ 40 tuổi, người ta tính ra năm sinh khoảng 1753. Biết Nhạc hơn Huệ khoảng 10 tuổi nên đoán năm sinh khoảng 1743. Biết Lữ hơn Huệ khoảng hai tuổi nên ước-đoán năm sinh khoảng 1751.

Phật-giáo

Hai anh, một người có rửa tội Cơ-đốc, một người theo phái Chăm Ba-ní (Islam); người ta tin rằng Huệ là đã có một thời theo Phật-giáo nhưng rồi thôi. Thôi có thể hiểu theo nhiều nghĩa.

(i)- Thôi như là đã hoàn-tất khoảng bình-thường hai, ba năm thử-thách trong chùa như thấy bên Cam-pu-chia hay Thái-lan làm nghĩa-vũ tôn-giáo—tương-đương như nghĩa-vụ quân-dịch—rồi đến tuổi 14-17, trở lại đời sống bình-thường một người dân theo Phật-giáo. Thôi cũng có thể hiễu là –

(ii) đã thực-sự xuất-gia trong nhiều năm; nhưng duyện và mệnh chỉ tu đến đó, sau một thời-gian thì chính-thức và công-khai hoàn-tục; ra đời như một người thường, gọi là tu-xuất.

(iii)- Thôi cũng còn là một tu-sĩ không dứt-khoát tu hay hoàn-tục, vẫn nửa theo đạo, không rời hẳn, nhưng không còn giữ những giới chính; gọi là phá-giới hay sư hổ-mang!

Ở tuổi 17 hay 18, đã học võ rồi sớm theo anh trong việc nổi-dậy chống chính-quyền, lần-lần đến thành vua. Trường-hợp vua Quang-trung, chắc-chắn không phải ở trường-hợp (iii); giữa hai trường-hợp (i) và (ii), dựa theo lúc khởi-nghĩa ở tuổi 18, trường-hợp (i) một thời-gian học-tập tu-luyện có vẻ hợp-lý hơn. (Khác với trường-hợp Chu-Nguyên-Chương, mồ-côi, ở chùa, đi khất-thực năm năm, sau theo Quách-Tử-Hưng, hai người nói chuyện hợp ý. Hưng khuyên Chương bỏ áo tu-hành, thay mặc quân-phục, tham-gia quân khởi-nghĩa chống quân Nguyên; sau thành-công lập nên triều-đại Minh. Trường-hợp này là một nhà sư tu-xuất, bỏ các giới, chuyển sang nghề võ).

Phật-giáo Bình-Định và Chùa Thập-tháp

Tới đây, cũng nên xét qua tình-hình Phật-giáo tại địa-phương vào thời đó. Nổi tiếng một phương có Chùa Thập-Tháp Di-Đà nằm cách Quy-Nhơn khoảng 28km, được hòa-thượng Nguyên-Thiều từ bên Tàu qua, dựng trên gò đất có mười ngôi tháp Chăm, vào năm 1683, sáu-mươi năm trước khi Nhạc sinh ra. Chùa nằm phía bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm-Thành ngày xưa. Thành-phố này cũng có tên là Phật-thệ từ tên Vijia là phần bắc của vương-quốc Chăm-pa. Thời xưa, dân Chăm có xây trên gò đất cao ấy mười ngôi tháp cổ-kính cho nên mới gọi là gò Thập-Tháp. Lẻ-tẻ xung-quanh có nhiều tháp nho-nhỏ như tháp Bánh-ít, tháp Cánh-tiên, tháp Bình-lâm, tháp Đôi. Bấy giờ có hòa-thượng Nguyên-Thiều là người Trung-quốc muốn truyền-bá đạo-Phật sang Đàng-trong khi dòng chúa Nguyễn đang trên đường mở nghiệp khai quốc. Năm 1665, đời chúa Nguyễn Phước Tần, thiền sư Nguyên-Thiều tìm đất cất chùa. Ngài cho phá-hủy mười ngôi tháp Chăm lấy gạch xây-dựng chùa thờ Phật gọi là chùa Thập-Tháp, mở trường truyền đạo. Triều-đình cho tên Thập-tháp Di-đà-tự. Dân chúng kể là đến đời tổ Liễu Triệt – vị tổ thứ ba của chùa Thập Tháp, ngay ở vùng đồi bên chùa vẫn còn nhiều thú dữ, hùm cọp, trong đó có con cọp trắng thường luẩn-quẩn quanh chùa. Nghe tiếng kinh-kệ, tiếng chuông mõ mãi con cọp trắng đó cũng đổi tính, hết hung dữ, trở nên hiền-lành, cứ lảng-vảng gần chùa hơn mỗi lần nghe kinh cầu. Sau nó chết bên chùa, được thiền-sư Liễu-Triệt cho chôn và xây mộ kề sau chùa.

Sau này, vua Quang-trung có những dự-án cải-tổ Phật-giáo trong nước: dẹp những ngôi chùa làng nhỏ để tập-trung xây-dựng những ngôi chùa to ở huyện hay phủ, chọn những tăng-sĩ có đạo-đức để tu-hành còn những người không biết kinh-kệ thì bắt hoàn-tục làm ăn. Ngày nay, từ xa sau nhìn lại, khen là cải-tổ trùng-hưng đạo. Ngay thời đó, các nhân-sự chắc có thể phàn-nàn chính-sách coi là chống Phật-giáo! Trong những quyết-định của nhà Vua về vụ này, tưởng như phảng-phất thấy có phần nào ảnh-lưởng của việc rỡ gạch các tháp nhỏ để xây chuà Thập-tháp và việc các thiền-sư mở lớp truyền-giáo vậy trong khoảng Huệ vào chùa học-tập!(5)

Hình-dáng

Về hình-dáng, Đai-Nam Chính-biên Liệt-truyện tả Huệ tiếng nói như chuông lớn, mắt sáng nhoáng nhoáng như chớp, giảo-hoạt khôn-ngoan, hay đánh nhau, người đều sợ cả. Hoa-Bằng tán rộng: tóc quăn, da sần, tiếng nói sang-sảng như chuông, cặp mắt hùng-thư mà sáng như chớp, có thể thấy rõ mọi vật trong đêm tối. Phảng-phất như có dòng máu Chăm chảy trong nhân-vật Việt; có người thoáng-nghĩ đến Mai-hắc-đế.(6)

Sự-nghiệp

Sự-nghiệp hiển-hách, từ vụ phá quân Xiêm ở miền Nam, tới lúc mang quân ra Bắc phù-Lê-diệt-Trịnh, đến các chiến-công Hạ-Hồi, Thăng-Long đã được trình-bày chi-tiết tại nhiều nơi, nhiều sách, nhiều mạng. Ở đây không nhắc lại mà chỉ kể qua vài chi-tiết đóng góp phần nào vào thành-công lớn-lao của Vua.

Trước hết là chiến-dịch thần-tốc. Quân Thanh vừa vào Thăng-long là nhà Vua đã cho xuất-binh ra Bắc, trong hơn một tháng, từ Phú-xuân tới Thắng-long: đi dăm ngày, nghỉ mộ quân ở Nghệ-An 10 ngày, tiếp-tục đi 10 ngày đến Tam-điệp; nghỉ mấy ngày dưỡng-quân, ăn Tết sớm để giao-thừa tấn-công, mồng 5 Tết vào kinh-thành. Trong thời-gian đó, quân Thanh cứ tà-tà lo sửa-soạn ăn Tết chờ ra giêng mới ra quân. Lúc này quân Thanh chưa ngờ là quân Quang-Trung đã tới cửa-ngõ Thăng-long.(7)

Nên kể thêm các yếu-tố bất-ngờ và chiến-tranh tâm-lý của Vua Quang-Trung. Theo Cương-mục, Vua có mưu-kế viết thư cầu hòa, lời-lẽ nhũn-nhặn làm cho quân Thanh ỷ-y say-xưa sửa-soạn đón Tết. Dân Cơ-đốc-giáo kể thêm là có tướng Tàu viết thư đe-dọa Nguyễn-Huệ hoặc phải quy-hàng nếu không sẽ chịu thua lớn khi quân Thanh ra trận ngày 6 tháng giêng. Ngày này thì Vua đã vào kinh-thành và Tôn-Sĩ-Nghị chạy về phương Bắc rồi!

Nhiều sách sử ghi những sánh-kiến chiến-thuật mới như Việt-Nam sử-lược ghiVua Quang Trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới theo sau. Cuốn Hoàng-Lê nhất-thống chí kể là đội khiêng ván chạy kíp vào trận, khi giáp lá-cà thì quăng ván xuống đất, và dùng đoản-đao chém bừa, rồi thì những người có cầm binh-khí đi sau nhất tề nhảy xô lên đánh. Cuốn Nhà Tây-sơn nói sách Tàu ghi hơi khác về chi-tiết: quân (Tây-sơn) dùng rạ bó thành bó tròn lớn làm mộc lăn chạy trước, theo sau là khinh-binh tấn-công.

Vua lại phối-hợp pháo-binh và tượng-binh, cho đặt súng lớn trên lưng voi, tiến đến gần thành mới khai hỏa, bắn trực-xạ; lại di-chuyển chỗ này chỗ nọ, đánh thành này tới thành kia; hữu-ích hơn là các thần-công đặt ở vị-trí cố-định và xa thành địch. Vua cưỡi voi ra trận. Ngày mồng 5 vào Thăng-long. Người Cơ-đốc-giáo kể lại là lúc đầu cưỡi voi, nhưng sau bỏ voi dùng ngựa, …cầm đoản-đao chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều quân Thanh và lúc nào, Vua cũng ở trận-tuyến đầu.

Cách vận quân thần-tốc, lập mưu dựa vào bất-ngờ và sử-dụng chiến-tranh chính-trị, biến-chế các kỹ-thuật chiến-tranh mới, nêu gương và kích-thích tinh-thần binh-sĩ, đó là những yếu-tố đóng-góp vào thắng-lợi của Vua.(8)

Việc nhà

Vua có ba bà vợ. Bà đầu họ Phạm, không được lập làm hoàng-hậu. Có thuyết ghi bà chỉ là nàng hầu. Có thể bà mất sớm. Có thuyết nghi bà thông-dâm với Nguyễn-Nhạc nên bị phế; thuyết này cũng cho đó là một trong những lý-do Nguyễn-Huệ mang quân vào vây Quy-nhơn thuở trước. Bà này sanh hai con lớn, không được lập làm thái-tử. Lớn là Thùy cho cai-trị miền Bắc, thứ là Bàn cai-trị miền Thanh-hoa.

Bà thứ hai, họ Bùi (chị nhiếp-chính Bùi-Đắc-Tuyên), phong Chánh-cung hoàng-hậu. Sanh Quang-Toản, được nối ngôi là vua Cảnh-thịnh; (và một số em khác nữa). Bà này được vua quý. Khi đau, triều-đình cho mời một giáo-sĩ Pháp đến giúp chữa-trị. Không qua, bà mất năm 1791 một năm trước khi vua băng.

Bà thứ ba là Ngọc-Hân công-chúa, do Nguyễn-Hữu-Chỉnh làm mai-mối, Lúc đầu, nhà Lê phong Huệ chức Nguyên-súy tước Uy-Quốc-công. Huệ không vưà ý, phàn-nàn với Chỉnh. Chỉnh bèn xin với vua Lê Hiển-tông gả một công-chúa để vừa lòng Huệ. Rồi Chỉnh ướm lòng Huệ. Huệ nói: Xưa những kẻ xa nhà, tình khuê-phòng rất là cần-thiết. Hoàng-thượng cũng xét đến chỗ ấy à? Ừ, em vua nước Tây làm rể Hoàng-đế nước Nam, môn-đăng hộ-đối như thế, tưởng cũng không mấy người được. Bắc-cung hoàng-hậu mất năm 1799.

Việc nước

Theo cung-cách Á-đông, được thiên-mệnh cai-trị thiên-hạ thì là hoàng-đế. Hoàng-đế phong vương (và các tước khác, công, hầu, bá v.v.), cho trị-vì một phần nhỏ hơn trong thiên-hạ. Khi hai Chúa đã bị giết và Lữ chiếm được Gia-định thì Nhạc xưng Thái-đức hoàng-đế, sau phong hai em là Đông-định-vương và Bắc-bình-vuơng, cho cai-trị hai vùng biên-cương. Khi Huệ xưng Quang-Trung hoàng-đế, Huệ không hề tranh-dành địa-vị hay thiên-mệnh với anh. Huệ nhận là hoàng-đế của Đàng-ngoài trong khi Nhạc vẫn là hoàng-đế Đàng-trong. Và hai miền vẫn là hai nước lân-bang như Huệ và Lê Hiển-tông, rồi Nhạc, Huệ và Chiêu-thống xác-nhận với nhau hồi 1786.

Có điều tương-tự giữa Huệ và Nguyễn-Hoàng. Nguyễn-Hoàng được nhà Lê-trung-hưng phong cho đất Nghệ-an Thuận-hoa của miền Bắc; Hoàng dùng làm bàn-đạp để chiếm và mở-mang Đàng-trong ở phía nam. Huệ được phong đất Quang-nam Thuận-hóa của Đàng-trong; dùng đó làm bàn-đạp mà chiếm Đàng-ngoài phương bắc. (Do đó, không thể nói là nhà Tây-sơn thống-nhất nước ta. Sự-nghiệp thống-nhất là do vua Gia-long thực-hiện về sau).

Cũng không phải vì quân Thanh sang mà Huệ mới xưng hoàng-đế. Sự thực, sau khi quân Tây-sơn ra đánh Chỉnh, rồi Huệ ra giết Nhậm, thì vua Chiêu-thống đã phải chạy trốn. Ngay từ lúc đó, khi Chiêu-thống còn lưu-lạc trong vùng núi miền bắc, chưa sang Tàu, thì Huệ đã mưu-toan xưng vua. Huệ triệu-tập triều-đình, các quan nhà Lê và các kỳ-mục, ý muốn ép họ làm biểu tôn Huệ lên ngôi thay vua Lê. Họ không muốn, chưa chịu ký, có người lại chỉ-trích rồi tự-tử. Nguyễn-Huệ thấy lòng người chưa phục, bèn hoãn việc lên ngôi, giao cho chú vua là Sùng-quốc-công làm giám-quốc lo việc tế-tự nhà Lê; giao việc nước cho một nhóm thuộc-quyền như Ngô-Văn-Sở, Ngô-Thời-Nhiệm v.v..trách-nhiệm chung. Sau khi nhà Thanh sang, lúc đó việc lên ngôi mới danh-chính ngôn-thuận, không cần đến việc ưng-thuận của cựu-thần nhà Lê nữa.(9)

II. Vua Gia-Long

Mỗi dân-tộc có những niềm hãnh-diện và kỷ-niệm riêng của mình. Ngày nay, hễ gọi nhau là đồng-bào, nhớ ngay đến Mẹ Âu-cơ sinh ra cái túi đựng trăm trứng. Khi kể con Rồng cháu Tiên là nghĩ đến tổ Lạc-long. Sông Bạch-Đằng khiến ta nhớ chiến công của Ngô-Quyền và Trần-Hưng-Đạo đã cho đóng cọc trong lòng sông vào lúc thủy-triều nước thấp, dử địch vào lúc nước cao để cho thuyền địch mắc kẹt. Mười năm kháng-chiến, ba lần lui về Chí-Linh, chuyện Lê-Lợi. Áo bào xám vì thuốc súng khi vào Thăng-long, chuyện Quang-Trung. Nhưng lịch-sử cũng có khi không công-bằng, lại còn dễ quên. Từ bé học câu nước Việt-Nam hình chữ S nhưng ít ai nhớ người đã tạo nên hai hình mũi cong của chữ S đó là ai. Câu cửa miệng từ Ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu quen-thuộc, nhưng cũng ít ai nhớ câu đó có từ thời nào, ai đã tạo nên cảnh đó. Do đó, hôm nay xin tản-mạn về vua Gia-long.

Tóm-tắt sự-nghiệp

Vua sinh năm Nhâm-ngọ, tên là Ánh, con thứ ba của hoàng-tử Nguyễn-Phúc-Côn, lúc đó là con lớn còn lại của chúa Võ-vương. Lúc trước, Võ-vương có lập Phúc-Hạo làm thế-tử nhưng Hạo mất sớm, còn lại một con trai là Phúc-Dương. Hoàng-trưởng-tử Phúc-Chương cũng đã mất; Phúc-Côn là con thứ lớn nhất, tính được nối ngôi chúa. Loạn-thần là Trương-Phúc-Loan gạt ra, bắt giam mà lập con nhỏ của chúa Võ-vương mới lên 11 tuổi hiệu Định-vương. Phúc-Côn bị bắt, khi thả ra thì buồn mà mất. Lúc đó, Ánh lên 4 tuổi, còn hai người anh. Mấy anh em mồ côi được nuôi trong phủ Chúa. (1)

Năm Giáp-ngọ (1774), lúc Vua khoảng mười-bốn, Đàng Trong có loạn lớn, bên trong Tây-sơn nổi dậy, bên ngoài quân Trịnh xâm đánh; chúa Định-vương mang mấy cháu đi trốn. Năm 1776, Vua lúc đó mười-sáu, chiêu-phục được binh Đông-sơn. Cuối năm 1776, Chúa Định-vương truyền ngôi cho Hoàng-tôn-Dương hiệu là Tân-Chính-vương, mình rút về làm Thái-thượng-vương. Anh em Phúc-Đồng Phúc-Ánh đi theo Thái-thượng-vương. Năm sau, Đinh-dậu (1777) quân Tây-sơn vào, bắt giết cả hai chúa Tân-chính-vương và Thái-thượng-vương. Anh Phúc-Ánh là Phúc-Đồng cũng bị giết lúc đó. (2) Quân Đàng Trong tưởng như rắn không đầu. Năm sau, Mậu-tuất (1778), Đỗ-Thành-Nhơn và các tướng tôn nhà vua làm Nguyên-soái tạm quyền việc nước. Năm Canh-tý (1780) lên ngôi vua. (3) Sau hơn hai chục năm chinh-chiến chống quân Tây-sơn; khi thua chạy ra biển, trốn-tránh bên Xiêm, lập liên-minh quốc-tế; khi thắng, trở lại Sài-gòn, đánh đuổi quân Tây-sơn, bảo-hộ nước Chân-lạp. Tranh-chiến dằng co, vào sinh ra tử, không ngại gian-nan, bền lòng vững chí, rút cuộc Ngài toàn thắng, chiếm Huế khôi-phục Đàng Trong. Rồi tiến ra Thăng-long, thu thiên-hạ bắc nam về một mối; xát-nhập Đàng Ngoài và Đàng Trong thành một đế-quốc hùng-mạnh đầu thế-kỷ thứ 19, nhìn ra Thái-bình-dương ở phía đông, bờ biển hai hình cong họp thành chữ S. Từ đó nước ta mới kéo dài từ Ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. 1802 lên làm hoàng-đế, trị-vì 18 năm, băng năm 1820. Đây là những sự-kiện chính về vua Gia-long. Sách-sử đời sau ghi lại có những nhận-định khác-biệt, đặc-biệt giữa cuốn sử chính đời Nguyễn Quốc-triều chính-biên toát-yếu ghi lại một thế-kỷ sau, (1908) và nhiều cuốn sử hiện-đại, khoảng hai trăm năm sau.

Lời khen thế-kỷ trước

Cuốn sử Quốc-triều chính-biên toát-yếu hoàn-tất năm 1908 khen Ngài trước hết, về lòng nhân-hậu; thờ Chúa, phụng mẹ, tin vợ một lòng trước-sau. Khi còn theo phò Chúa Định-vương, có bận giặc đuổi quá gấp, Chúa dục Ngài lên ngựa lánh trước. Ngài bất-đắc-dĩ phải thọ mạng, đi một chặp, dừng ngựa mà chờ, (ở đó mà) đón rước. Chúa khen Cháu có lòng tốt, trời cũng biết cho. Khi chinh-chiến lúc hàn-vi, Ngài ban cho bà Phi nửa thoi vàng mà căn-dặn: Con ta đi rồi, ta cũng sẽ đi, bà phải ở đây phụng thờ Đức mẹ, chưa biết sẽ gặp nhau lúc nào và ở chỗ nào, vậy lấy vàng này làm tin. Mẹ có lần căn-dặn Ngài con đừng lấy gian-hiểm mà ngã lòng; Ngài kính-cẩn trả lời Xin vâng lời mẹ dạy. (4)

Khen Ngài có tài chủ-tướng. Lúc mười-ba mười-bốn tuổi đầu, Chúa cho Ngài làm Chưởng Sứ Tướng-tá Dực-quân, Ngài tính việc binh giỏi lắm, các tướng ai cũng phục-tùng. Hai năm sau, Ngài chiêu-tập binh Đông-sơn về phò Chúa. Khi ra trận, Ngài ngự áo nhung, nón chiến, đứng đầu thuyền …cầm súng điểu-thương, bắn lại thuyền giặc. ..Ngài bắn súng điểu-thương hay lắm, bắn đâu trúng đó…Khi trú nạn ở bên Xiêm, gặp lúc nước đó có chiến-tranh với Miến-điện, Ngài khẵng-khái nói Tôi giúp sức cho, đánh cho gấp thời chắc được. Khi trở về, vua Xiêm đem vàng lụa làm lễ tạ.

Khen Ngài có đức thu được nhân-tài xứng vai vương-chúa. Lúc nhỡ-bước lưu-lạc bên Xiêm, lòng buồn bực; vua Xiêm hỏi: Chiêu-nam-cốc sợ hay sao? Ngài đáp: Không phải sợ; nhà nước tôi trải đời truyền–nối hơn 200 năm, bây giờ quốc vận trung suy, tôi ít đức không tài không giữ-gìn cơ-nghiệp được, vì thế mà buồn. Nghĩ muốn trả thù, bắt giặc Tây-sơn làm thịt mà ăn, nay nằm gai nếm mật, dẫu chết cũng can-tâm, có sợ gì đâu. Có tướng ta bước vào, nghe thấy Ngài nói vậy, bước tới trước Ngài, ôm đầu gối quỳ mà khóc ròng. Vua Xiêm cảm-động, phục chúa khen tôi. (4)

Khen Ngài nhìn xa trông rộng, biết cải-tổ quân-lực, làm thuyền binh từng trên thì giáo-mác, hai bên gài tre, lính thủy ở dưới để mà chèo thuyền, lính bộ ở trên để mà xung trận. (5) Lại đặt mua vũ-khí tân-tiến từ Jakarta, Bồ-đào-nha và Anh. Cho canh-tân quân-đội chép theo kỹ-thuật Âu-tây, xây thành-cốt theo mẫu Vauban. (6)

Khen Ngài đã trả được thù nhà, dựng xong lại nước, một là báo phục hai là bá-vương. Mấy lần tái-chiếm Gia-định, mấy lần phải rút ra đảo, bôn-ba trên biển cả, lưu-lạc nơi xứ người, hai-nhăm năm chinh-chiến, sáu lần bỏ Gia-định, không nản chí, chẵng khác chi vua Lê ba lần rút về Chí-linh; trời đặt cảnh gian-nan chính vì muốn thử gan anh-hùng vậy.

Khen cái nhìn bao-rộng của đức đế-vương, khi còn loạn-lạc không lơ-là việc che-chở cho chư-hầu, lo bảo-hộ Chân-lạp, biết giao-hiếu với Xiêm làm thế liên-minh tương-trợ; (7) dốc lòng phục nghiệp nhà; xong rồi thì phóng tầm mắt nhìn xa ra cõi bắc, gom-góp hai Đàng vào chung thành một đế-quốc vững-mạnh, giao-hảo với chính-quyền phương Bắc, thu-phục các nước chư-hầu phương Nam, thực-hiện như lời Bình Ngô đại-cáo, Bắc Nam đều chủ một phương. (8)

Những lời khen có quá chăng? Thưa không. Đó chỉ là dùng tiêu-chuẩn cùng thời mà đánh-giá con người và công-việc. Lúc đó, nước ta đã có tổ-chức quy-củ cả ngàn năm, đem lễ-nghĩa làm giường-cột, lấy trật-tự xã-hội làm nếp sống công-cộng, coi vua là chủ-thể, thay trời lập đạo, chưa có nhân-dân mà chỉ có thần-dân hay con-dân triều-đình. Làm con dân mà nổi loạn là ngỗ-nghịch, chiếm đất xưng vương là nguỵ-quyền, ràng-buộc dân bằng ngụy-luật mới là áp-bức thần-dân. Nhiệm-vụ ông hoàng là dựng lại vương-triều, lập lại trật-tự, cứu thần-dân, những việc này vua Gia-long đã chu-toàn. Nên khen vua trong tiêu-chuẩn thời đó, bối-cảnh đó.

Tiếng chê thế-kỷ sau

Từ tháng 8 năm 1945, nước ta bước sang một thể-chế chính-trị mới, cộng-hòa thay nền quân-chủ. Đứng đầu nước, tùy lúc và tùy nơi, là chủ-tịch, là quốc-trưởng, là tổng-thống. Không còn thần-dân mà nhắc nhiều đến nhân-dân như là thành-phần quan-trọng quyết-định chung, ít nhất trên nguyên-tắc. Nắm cái ảo-tưởng quốc-gia dân-tộc ngày nay, nhìn ngược lại lịch-sử một-trăm-năm-mươi năm trước, nhiều người cao giọng chê-bai.

Chê ông mang quân nước ngoài về tranh-dành trong một cuộc nội-chiến, lời thị-phi thỉnh xà giảo gia kê; quân Xiêm sang tàn-bạo quá, dân ta than-oán, ông có biết chăng?

Chê ông nhờ giáo-sĩ Bá-đa-lộc mang hoàng-tử Cảnh đi cầu viện, sẵn lòng nhượng một phần đất-đai cho Pháp. Lại còn chê hành-động của ông đã mở cửa cho Pháp sau này sang xâm-chiếm rồi lập nền Bảo-hộ. (9)

Trách ông hẹp-hòi với người anh-hùng áo-vải, cho đào mả, giam xọ, dùng làm đồ phóng uế, giết con cháu kẻ thù, hại luôn các danh-tướng Tây-sơn đặc-biệt là nữ-tướng Bùi-Thị-Xuân. (10)

Trách ông vắt chanh bỏ vỏ, thương cho Đặng-Trần-Thường và Nguyễn-Văn-Thành phò ông cũng hết lòng, gian-nan cùng chia, cực-khổ cùng chịu nhưng miếng đỉnh-chung thì không, mà còn mắc vòng lao-lý, mất mạng. (11)

Cõng rắn cắn gà nhà và hẹp-hòi với kẻ thù cùng thân-thuộc cũ là hai cái chê-trách chính của người đời sau chỉ-trích ông, trong cơn lốc cách-mạng chống ngoại-xâm trừ phong-kiến.

 Góc nhìn nhân-đạo, tình người

Về chuyện nước Xiêm, cần công-bằng tìm-hiểu cho hết câu chuyện. Vua Gia-long đụng-độ với Xiêm trong vấn-đề bảo-hộ Chân-lạp. Quân hai bên đã đối-diện sẵn-sàng chiến-đấu. Tình-hình nội-bộ Xiêm bất ổn, gia-đình hai tướng chỉ-huy Xiêm là Chất-tri và Sô-ri bị vua Xiêm sát hại. Hai tướng Xiêm bèn xin hòa và tướng ta là Nguyễn-Hữu-Thụy sang trại quân Xiêm hội-ước, tặng tướng Xiêm ba món đồ quý là dao, cờ và gươm. Hai bên giảng hòa, hẹn khi cần sẽ giúp nhau. Các tướng Xiêm về bỏ vua mà tự lập làm vua chánh, vua phó. Từ đó, quân Xiêm và quân của Vua họp thành liên-minh. Mấy năm sau, khi bị thua và tạm-trú ở Hà-tiên, vua Xiêm cho đón mời Vua sang Vọng-các; tiếp đón rất hậu. Mấy tháng sau, Vua về thì Xiêm giúp 20 ngàn quân, 3 trăm chiến-thuyền, nhắc lời ước-thệ khi xưa: hoạn-nạn phải giúp nhau. Tuy được vài thắng-lợi lúc đầu nhưng Vua nghĩ rằng binh Xiêm tàn-bạo quá, dân ta đều than-oán, muốn lui quân về. Đúng lúc quân Tây-sơn dùng mưu đánh bại quân Xiêm. Khi Vua trở lại Vọng-các, kể chuyện quân Xiêm tàn-bạo, vua Xiêm giận muốn chém tướng nhưng Vua can xin cho tha. Sang năm sau, vua Xiêm lại đề-nghị đưa quân về giúp, Vua bàn với tướng-sĩ, có ý-kiến Khi xưa Thiếu-khương chỉ có một toán binh còn khôi-phục được nhà Hạ; ta nên dưỡng sức chờ thời, việc còn làm được, chớ nên đem giặc vào trong nước. Bèn không dùng quân Xiêm nữa. Ít lâu sau, ban đêm để thơ tạ ở chỗ hành-tại, lên thuyền bỏ đi gấp về nước. Nói tóm lại, là Vua lưu-vong, Vua biết lập liên-minh lo tính việc lớn; nhưng khi thấy giặc tàn-bạo hại dân thì Vua biết từ-chối lần sau. (12)

Đối với Pháp, Bá-đa-lộc thay Vua ký-kết hiệp-ước giúp-đỡ quân-sự; để trả giá, sẽ nhượng cho Pháp cảng Đà-nẵng và đảo Côn-sơn. Cả Đàng Trong là tài-sản của nhà Chúa mà hiện nay bị loạn-quân chiếm. Đổi hai mẩu đất để lấy lại cả Đàng Trong là một tính-toán chính-trị không hiếm và chưa chắc đã ngu-xuẩn: nhà Lê trung-hưng từng nhượng Cao-bằng cho nhà Mạc, vua Lê Hiển-tông cắt đất khao quân Tây-sơn vừa diệt được Trịnh. Đấy còn chưa kể là có thể Đà-nẵng và Côn-sơn sẽ trở thành các trung-tâm kinh-tế giàu-mạnh lợi cho nước ta về mặt kinh-tế và là một mô-hình mẫu cho việc hiện-đại hóa cải-thiện kỹ-thuật cho nước ta. Biết đâu lại chẳng dẫn đến cảnh Minh-trị bên Nhật?

Việc trả thù anh em nhà Tây-sơn, nhìn theo quan-điểm nhân-đạo thì quá nghiệt-ngã. Nhưng theo phép cũ thời quân-chủ thì tội của Tây-sơn chồng-chất. Bắt đầu, làm loạn một phương. Khi quân Trịnh xâm-lấn, theo giặc nước mà đánh quân Chúa. Khi Trịnh lui thì rảnh tay, mang quân đánh và giết hai Chúa. Lại đào mả tổ-tiên nhà Chúa đổ xuống sông. Nhà Lê nhà Trịnh hành vua Mạc khi sa-cơ bị bắt (13) tưởng cũng là mức-độ trừng-phạt trả-thù đương-thời không khác gì việc làm của Vua đối với nhà Tây-sơn vậy.

Việc giết công-thần không phải là điều xa-lạ dưới chế-độ quân-chủ chuyên-chế mà là việc lo xa của các nhà vua mở đầu một triều-đại. Đông-cung Cảnh mất vì đậu mùa, con còn trẻ. Cả Lê-Thái-tổ và Gia-long đều gặp cảnh công-thần lớn, khôn-ngoan mà con cháu nổi nghiệp lại hãy còn nhỏ dại. Gương Lê-Sát lộng-quyền lúc Lê-sơ sau bị giết còn đó. (14) Vua Gia-long nhớ mà hai ông Thành và Thường quên. Cái tội-nghiệp cho hai ông Thành và Thường là không biết theo gương Trương-Lương tự rút về quê trước; (15) Vua lại chưa có cái tài cái lượng để tổ-chức bữa tiệc rượu tước binh-quyền như Tống Thái-tổ đã làm. (16)

 Cái nhìn chót

Vua Gia-long tạo hoàn-cảnh cho ta hãnh-diện khoe nước ta hình chữ S và trải dài từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. Tháng tư 1945, triều-đình xưng tên nước là Đế-quốc Việt-Nam. Sang tháng 8, thành Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hòa. Rồi xung-đột nảy ra Quốc-gia Việt-Nam. Thời chiến-tranh có hai Việt-Nam, bên Việt-Nam Xã-hội chủ-nghĩa, bên Việt-Nam Cộng-hòa I, II. Hỏi thế cái tên Việt-Nam này có từ đâu mà ra. Xin thưa là cũng do vua Gia-long. Trước đó, thời Pháp-thuộc, có đế-quốc An-nam do Pháp bảo-hộ, An-nam quốc thời đô-hộ và cả độc-lập về sau.

Sử chép Vua chọn tên nước là Nam-Việt. Trung-quốc e Nam-Việt là tên nước hồi xưa bao-gồm cả lưỡng Quảng nên không muốn cho, đề-nghị cứ giữ tên cũ An-nam. Vua không chịu, quốc-thư đi lại hai, ba lần. Vua nhắn nếu không cho đổi quốc-hiệu, thời không thọ-phong. Nghe Vua dọa, Trung-quốc phải chịu nhưng đề-nghị thay vì Nam-Việt, đổi là Việt-Nam. (17) Nước ta có hiệu Việt-Nam cũng là do vua Gia-long vững lòng tranh-đầu cho nước có quốc-hiệu mới, đánh dấu một kỷ-cương mới.

Ghi-chú: Luận về Anh hùng và thời thế

1- Các câu viết nghiêng ở đây rút từ cuốn Sử-ký của Tư-Mã-Thiên, bản dịch của Giản-Chi và Nguyễn-Hiến-Lê, phần Bản-kỷ, thiên 7 về Hạng-Vũ.

2- Chúa Trịnh-Sâm bỏ trưởng là Khải, lập con út là Cán, con bà Thái-phi Đặng-Thị-Huệ thường được nhắc đến là bà Chúa Chè; bị quân Tam-phủ thường gọi là kiêu-binh làm loạn, nổi lên, hạ Cán mà lập Khải. Được thể, kiêu-binh đòi thăng-thưởng chức-tước, đánh giết các quan, Trịnh-Khải phải chịu hết.

3- Các vua Lê bị nhà Chúa áp-bức, hoàng-thái-tử Lê-Duy-Vỹ con vua Hiển-tông bị Trịnh-Sâm giết, cháu nội con Lê-Duy-Vỹ là Hoàng-tôn Lê-Duy-Khiêm (cũng có tên là Kỳ) bị giam; nhà chúa lập con thứ là Lê-Duy-Cận làm thái-tử. Sau khi hạ Cán lập Khải được, kiêu-binh làm tới, ép triều-đình phải hạ thái-tử Cận làm Sùng-quận-công mà lập Hoàng-tôn Khiêm làm thái-tử, sau nối ngôi ông nội, hiệu Chiêu-thống. Lần đầu Tây-sơn ra Bắc là do Chỉnh xúi; khi quân Tây-sơn rút, dân-chúng theo đuổi ném đá vào Chỉnh, chê là cõng rắn vào nhà. Lần sau khi Chỉnh đứng đầu triều-đình, quân Tây-sơn lại ra, lần này giết Chỉnh.

4- Loạn-thần Trương-Phúc-Loan tham-nhũng, chuyên-quyền, tráo-đổi di-chiếu, khiến cho dân nổi loạn. Quân Trịnh viện cớ đó mà vào xâm-lấn. Tây-sơn cũng vin vào đó mà lấy đất chiếm dân, xưng vương; sau mang quan vào giết cả hai chúa.

5- Theo Li Tana: Nguyễn Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteen centuries và Trần-Gia-Phụng dịch lại quốc-thư trong cuốn Việt-sử đại-cương (T II) thì Chúa Trịnh-Tráng có thư nhờ người Hòa-lan giúp thuyền chiến và súng ống để đánh Đàng Trong; hứa xong việc, sẽ trả quân-phí; đồng thời sẽ nhượng và chia lợi-tức hàng năm đất Quảng-nam.

6- Chúa Nguyễn mua súng ống của Bồ ở Macao, lại nhờ người Bồ de la Croix mở lò đúc tại nội-địa; tổ-chức thủy-quân khá mạnh-mẽ vì miền Nam có nhiều sông ngòi; cũng tổ-chức các toán tượng-binh mạnh-mẽ; lại có nhiều khẩu thần-công đại-bác
7- Trước khi có khái-niệm dân-tộc, dân thường theo và tin vào thần-thánh và tôn-giáo; khi có các vua chúa thì theo và trung-thành với giòng-họ cai-trị, coi mình là thần-dân của nhà vua, theo mọi quyết-định của vua. Với khái-niệm dân-tộc, con người tin vào những giá-trị chung của nhóm dân, đặc-biệt giá-trị về nguồn-gốc, truyền-thống, văn-hóa, huyết-thống. Qua chủ-nghĩa quốc-gia dân-tộc, các dân-tộc tự lập nên quốc-gia và nhận trách-nhiệm tự-trị cho nhóm dân của mình.

8- Trong cuộc tranh-chấp giữa Tây-sơn và nhà chúa Nguyễn trung-hưng, Lý-Tài là một tướng gốc Trung-quốc, trước theo Tây-sơn rồi bỏ về với chúa Nguyễn, được dân gốc Hoa có cảm-tình với Lý-Tài và giúp hắn. Lại một lần khác, quân Nguyễn-Ánh có nhóm Hoa giúp đỡ giết được mấy tướng thân của Nguyễn-Nhạc. Do đó, khi quân Tây-sơn vào Biên-hòa, có lần giết cả hơn mười ngàn người Hoa.

9- Trần-trọng-Kim: Việt-Nam sử-lược, Tự-chủ Thời-đại (Thời kỳ nam bắc phân-tranh), Chương 11: Nhà Nguyễn Tây-sơn

10- Thư của Nguyễn-Vương hủy-bỏ hiệp-ước cầu-viện 1787. Năm 1790, Nguyễn-Vương viết thư cho vua Louis 16, có đoạn được chuyển ngữ ( từ tài-liệu tiếng Pháp) như sau: Về việc cầu-viện, mặc dù tôi không nhận được, tôi cũng vừa lòng khi biết rằng đó không phải là tôn ý mà là ý riêng của viên chỉ-huy tại Ấn-độ…Về khả-năng quân-sự hiện nay, tôi đã có lực-lượng lục-quân và hải-quân khả-quan,…Tôi không dám mượn quân của Ngài nữa… 31 tháng giêng 1790 theo tài-liệu tiếng Pháp từ Philippe Heduy trong cuốn L’histoire de l’Indochine I, SPL Paris, 1983.

Ghi-chú; Luận vềTây Sơn -Quang Trung

1- Bình Ngô đại-cáo kể các triều-đại lớn kế-tiếp của Trung-quốc là Hán, Đường, Tống, Minh. Giữa các triều-đại lớn thì có những giai-đoạn loạn-lạc, đất-đai chia làm nhiều khu-vực chính-trị khác nhau. Như giữa đời Hán và Đường, chia làm Nam-triều và Bắc-triều. Cũng gọi là Ngũ Quý hay Ngũ Đại vì có năm họ tiếp nhau xưng đế nhưng thực-sự chỉ cai-trị được vùng trung-ương. Bên ngoài thấy chính-quyền trung-ương yếu thì các địa-phương cũng nổi lên xưng vương, tất cả có 10 nước; nên cũng còn gọi là thời Thập-quốc. Thời đó, nhà Khúc tự lập, rồi xin chính-quyền trung-ương Lương công-nhận cho mình làm Tiết-độ-sứ cai-trị nước ta, nhà Lương phải chịu. Sau nhà Hán cũng nổi dậy xưng vương ở phía nam (nước Tàu nghĩa là bắc nước ta). Rồi mang quân hạ nhà Khúc, đánh Ngô-Quyền, bị thua ở Bạch-đằng-giang. Trong thời loạn-lạc đó, nhiều dân Hoa di xuống phương Nam; trong số đó có tổ của anh em nhà Tây-sơn.

2- Trần-Gia-Phụng: Việt-sử đại-cương, Non nước, Toronto, 2005: tr.306, chú-thích 2; Hoa-Bằng: Quang-Trung Nguyễn Huệ, nxb Bốn-phương, Hà-nội 1944, tái-bản, nxb Đại-nam, HK, không năm:tr.28-31.

3- Hoa-Bằng: sđd, gọi Tập-Đình là Trung-nghĩa-quân và Lý-Tài, Hòa-nghĩa-quân, nói chung là bọn giặc khách. Sau Tập-Đình thua, Nhạc muốn giết, Tập-Đình bỏ chạy về Trung-quốc. Lý-Tài sau bỏ Tây-Sơn theo Đông-cung Hoàng-tôn Dương, lập làm Tân-chính-vương; bị phe Đông-sơn theo Định-vương bắt giết.

4- Trần-Gia-Phụng: sđd: tr.289. Theo Dohamide: Bangsa Champa, HK 2004, Chăm Ba-ní là theo đạo Islam có pha-lẫn với tin-ngưỡng bản-địa.

5 Thế-quyền và thần-quyền thường nương-tựa vào nhau, không nhất-thiết là thủ-đoạn của phe cai-trị khai-thác nhân-dân(!) mà chỉ là sự tiếp-tay của hai giới—theo sự hiểu-biết hạn-chế và hẹp-hòi của họ trong thời xa-xưa dó—tự tin là nắm-giữ chân-lý tạo trật-tự cho xã-hội. Do đó, chúa Nguyễn giúp cho sư Nguyên-Thiều phá tháp lập chùa; và chính-quyền bảo-hộ cho dựng nhà thờ trên nền chùa cổ. Sau này, khi Nhạc bắt được Đông-cung (Hoàng-tôn) Dương thì có một thời giam Đông-cung ở chùa Thập-tháp này. Đệ-tứ Tăng-thống Huyền-Quang cũng xuất-thân từ Phái Nguyên-Thiều.

6- Đây hoàn-toàn là võ-đoán cảm-tính; ngược lại, cũng có những người sẵn-sàng quả-quyết là Mai-hắc-đế hoàn-toàn Việt-Nam một-trăm-phần-trăm, mặc dù chúng ta chưa có những hiểu-biết rõ-ràng người Việt-Nam hồi đó và chúng ta ngày nay giống hay khác nhau như thế nào.
7- Vài giai-thoại dính-dáng đến việc điều-động binh-sỹ nhanh chóng như là chia lính thành tổ ba người, hai người khiêng võng thì một người hoặc nghỉ hoặc nấu-nướng trên võng; và dùng bánh tráng Bình-địng làm lương-khô cho binh-sỹ trên đường ra Bắc. Giai-thoại hiểu như là những chuyện nghe vui tai, tưởng như có thể có thực nhưng không nhất-thiết là đúng như vậy!

8- Khen tài quân-sự của vua Quang-Trung là việc không cần-thiết; từ buổi theo hai anh khời-nghĩa (1771) cho đến chiến-công hiển-hách (1789) thiên-tài biểu-lộ trong 18 năm, tài cai-trị và thời-gian hưởng-thụ không đầy 4 năm (1789-1792). Bất-đắc kỳ-tử, tuổi 40. Nếu không mất sớm, đư-định phiêu-lưu bắc-tiến có thành-công hay không và, nếu có, dân ta sẽ phải trả giá bao-nhiêu? Hoặc là mười năm sau, tài quân-sự có lật ngược được các cân lực-lượng giữa quân Bắc-hà đối-diện với quân chúa Nguyễn dùng thần-công và tàu sắt, kỹ-thuật và khí-giới Âu-tây?

9- Cương-mục ghi rằng Nguyễn Huệ triệu tập cựu thần nhà Lê, ép họ lập biểu tôn Huệ lên ngôi vua. Tham tri chính sự Huy Trạc đến Ngự sử đài, không chịu ký tên vào tờ biểu ấy, uống thuốc độc t

0