18/06/2018, 16:22

Tết Dưới Mắt Người Tây Phương

Nguyễn Thị Chân Quỳnh Trong “Lối Xưa Xe Ngựa…” tập II, tôi có viết ba bài về những tục lệ liên quan đến Tết Nguyên đán (1), song là viết theo sách sử của ta. Ở đây tôi trích dịch một số bài viết về Tết, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, dưới mắt quan sát của Tây phương. ...

29_tet01A.jpg

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Trong “Lối Xưa Xe Ngựa…” tập II, tôi có viết ba bài về những tục lệ liên quan đến Tết Nguyên đán (1), song là viết theo sách sử của ta. Ở đây tôi trích dịch một số bài viết về Tết, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, dưới mắt quan sát của Tây phương. Họ đã ghi lại nhiều phong tục mà ngày nay không còn. Là ngoại quốc với một nền văn hóa khác hẳn, họ có những suy diễn có thể sai lầm song vẫn là những tài liệu quý giúp ta rõ phần nào xưa kia cha ông ta ăn Tết ra sao.

gs alexandre de rhodes (1593-1660) – Người Pháp, tu Dòng Tên. Năm 1624, giáo sĩ định sang Nhật giảng đạo nhưng lúc ấy Nhật đang đóng cửa ngoại giao nên đành đến Ðàng Trong. Năm 1627, Tòa Thánh ủy thác cho ông dựng thêm cơ sở ở Ðàng Ngoài. Lúc đầu giảng đạo ông được Chúa Trịnh tiếp đãi nồng hậu, nhưng đến 1630 thì bị trục xuất chính vì vấn đề truyền giáo. Nhiều lần ông lén quay lại song lúc ấy Ðàng Trong cũng cấm đạo rất ngặt. Năm 1645, ông bị kết án tử hình, sau được ân xá nhưng phải lập tức rời Việt-Nam và từ đấy không trở lại nữa. Khoảng 1646 ông viết xong Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài) trong có nhắc đến một vài tục lệ ăn Tết của ta (2). Tôi lược dịch :

“Có một tục lệ lâu đời nhưng nực cười mà khắp Ðàng Ngoài còn giữ là những người già, cả nam lẫn nữ, cứ đến cuối năm thì sợ hãi trốn vào các đền chùa để tránh con quỷ mà họ gọi là Votuan(3). Họ cho rằng Votuan có nhiệm vụ sát hại và bóp cổ tất cả những người già thuộc cả hai phái. Thế là trong ba hay bốn ngày cuối năm, những kẻ khốn khổ đó đến trú ẩn trong các đền chùa, ngày đêm không dám thò mặt ra cho mãi tới mồng một Tết mới về nhà, vì họ tin rằng uy quyền của con quỷ đó, kẻ thù của những người già, đến hôm ấy chấm dứt (…). Những người khác có phận sự trong nhà như các gia trưởng thì vào ngày cuối năm có thói quen dựng gần cửa một cây cột cao vượt mái nhà, trên ngọn treo cái giỏ hay cái hộp đục thủng nhiều lỗ, đựng đầy những đồng tiền vàng bạc nhỏ làm bằng bằng giấy bồi cứng. Họ rồ dại đinh ninh rằng vào cuối năm tổ tiên họ có thể bị túng thiếu, cần đến vàng bạc để trả nợ. Sự kiện này dẫn đến một tục lệ khác là bất cứ già trẻ sang hèn, không ai khất nợ quá một năm, trừ trường hợp không thể trả nổi. Hành động của họ rất đáng ngợi khen nếu họ làm không phải vì tin nhảm, như họ thường làm, tức là sợ chủ nợ không đòi được tiền, tức giận, nói năng động chạm tới tổ tiên họ khiến tổ tiên oán hờn con cháu. Ðiều mà họ rất sợ là nếu có ai bị tố cáo và tòa kết tội đã xúc phạm tới danh dự người khác, đụng chạm tới tổ tiên người ta thì người đó sẽ bị quan tòa trừng phạt cũng nghiêm khắc như phạm một trọng tội. Họ còn lo trả nợ trước cuối năm vì một tin nhảm khác, sợ chủ nợ đến đòi vào ngày mồng một Tết, bắt đồ đạc trừ, họ cho thế là xúi quẩy và là một điềm gở”.

samuel baron là người Hòa Lan lai Bắc. Cha làm đại diện cho công ty Ấn độ-Hòa-lan ở Kẻ chợ (Thăng-long) vào năm 1663. S. Baron sinh ở Kẻ chợ, sống nhiều năm ở miền Bắc, lớn lên cũng làm cho công ty này, lấy quốc tịch Anh, rồi bỏ đi buôn quanh vùng Ðông Nam Á. Những năm 1678/80/82 đều có trở lại Kẻ chợ. Năm 1685-6, S. Baron viết cuốn A Description of the King dom of Tonqueen (Mô tả Vương quốc Ðàng Ngoài) cũng nhắc đến một vài tục ăn Tết thời Hậu Lê (4) :

“Cái lễ vui nhất là Tết, thường rơi vào khoảng 25 tháng giêng tây lịch và kéo dài một tuần. Vào dịp ấy, ngoài múa hát và những thú tiêu khiển (chọi gà, đi cà kheo…) họ còn bầy nhiều trò chơi như đá cầu hay đánh đu, cột đu làm bằng tre dựng ở mọi góc phố, đàn ông khoe sức mạnh và tài khéo léo trong khi những gánh hát rong trình diễn các trò ảo thuật, múa rối. Họ không bao giờ chểnh mảng trong việc chuẩn bị lễ Tết, cỗ bàn khá tươm tất. Tùy hoàn cảnh, mỗi người đều tìm cách trội át láng giềng trong ba, bốn ngày Tết. Ðây là thời gian người ta mặc sức ăn ngon, phóng túng, ai mà không cố tiếp đãi họ hàng, bạn bè chu tất thì mang tiếng là bủn xỉn, bần tiện, nên dẫu họ biết rằng tiêu hoang vào dịp này thì rồi sẽ khánh kiệt, cả năm đến phải sống bằng cách đi ăn xin cũng không quản ngại.

Mồng một Tết không ai ra ngoài đường (trừ những tùy thuộc của các lãnh chúa) người nào cũng ở trong nhà và chỉ tiếp cận họ hàng gần và gia nhân. Ðối với tất cả những người khác thì dù một ngụm nước, một thanh củi họ cũng không cho và còn khó chịu thấy ai dám ngỏ lời xin vì họ mê tín, sợ rông : mồng một mà cho ai cái gì thì cả năm cứ phải tiếp tục cho đến nỗi cuối cùng phải đi ăn mày. Tục lệ không đi ra đường cũng chung một lý do : sợ nhỡ ra đường mà gập điềm xấu thì cả năm sẽ khổ. Người Bắc còn tin nhiều điều như gập may hay không may tùy vào một vài sự kiện vớ vẩn.

Mồng hai, họ đi chúc Tết nhau và đến chào người trên để làm tròn bổn phận : lính tráng, gia nhân cũng đi mừng tuổi quan thầy hay chủ nhà. Tuy nhiên, các quan thì lại đi chầu vua chúa vào ngày mồng một, theo đúng nghi lễ.

Có người tính Tết bắt đầu từ 25 tháng chạp là tính bậy. Họ lầm vì thấy hôm ấy cái ấn/triện được xếp vào hộp, mặt ngửa lên, tỏ ý không dùng đến, nghỉ việc trong một tháng (khóa ấn, phong ấn). Trong thời gian ấy các vụ kiện tụng đều đình hoãn, không một tờ biên bản nào được đóng triện, những con nợ không bị tịch biên gia sản, những đám trộm cắp vặt, đánh nhau đều không sợ bị phạt. Các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Tri huyện chỉ đếm xỉa đến những tội phản loạn, sát nhân, bắt giam phạm nhân lại chờ ngày khai ấn mới đem ra xử. Thực ra Tết bắt đầu vào ngày mồng một tháng giêng âm lịch, tức là khoảng 25 tháng giêng dương lịch và theo Trung quốc thì kéo dài tới một tháng” (5).

dampier w. là tác giả quyển Un Voyage au Tonkin en 1688 (Một chuyến du lịch Bắc kỳ năm 1688) đăng trong Revue Indochinoise (6) :

“Cái lễ lớn nhất là Tết, vào ngày đầu trăng thượng tuần tháng giêng, tức là khoảng giữa tháng giêng dương lịch. Dân chúng thong dong trong mươi, mười hai ngày, ai cũng nghỉ việc, cố ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, nhất là dân đen. Những người này tiêu khiển bằng các trò chơi hay vận động. Ðường phố đông như nêm cối, nhà quê cũng như kẻ chợ, nô nức đi xem các trò giải trí. Có người dựng cột đu ở các hè phố và thu tiền của những ai muốn đánh đu, lối đu tựa như của ta, phảng phất giống quang cảnh những cánh đồng phụ cận Luân-đôn, dân chúng dạo chơi ngày lễ hội. Nhưng người đánh đu ở đây đứng thẳng dưới chân cột, dẫm lên một cái ngáng nằm ngang, hai đầu buộc chặt vào hai sợi dây thừng treo ở trên, người đu nắm giữ bằng hai tay và rún chân đưa bổng lên cao tít, ví thử dây chão mà đứt thì ít ra cũng ngã gẫy xương nếu không chết. Những người khác dùng thì giờ vào việc uống trà là thứ giải khát thường nhật, nhưng họ cũng ưa khề khà, nhấm nháp một loại rượu hâm nóng, cất bằng gạo, pha chung với trà, song dù pha cách nào thì chung quy nó cũng rất khó uống dẫu không pha nồng quá. Chính vì thế mà họ thích, thứ nhất trong cái mùa họ được tự do bê tha, rượu say bí tỉ. Những người giầu có là những người có chừng mực nhất nhưng cũng chơi bời thỏa thích. Người sang thì đãi bạn bè những món cao lương mỹ vị, rượu nhất hạng không thiếu dẫu rằng, nói cho đúng sự thật, loại rượu này chẳng ra quái gì. Tuy nhiên, họ coi nó là thuốc rất bổ, đặc biệt khi ngâm với rắn độc, bọ cạp (ấy là tôi nghe nói thế), không những rượu ấy được coi là một thứ rượu bổ mà còn là thứ thuốc rất mạnh để trị bệnh hủi, chữa mọi nọc độc, phải là người họ trọng vọng ghê lắm mới có diễm phúc được thưởng thức thứ rượu trân quý ấy. Tôi biết chuyện này là qua một người đã được những nhà quyền quý bậc nhất mời như thế. Chính vào lúc ấy họ ăn rất nhiều trầu và trao tặng nhau trầu cau.

Tôi đã được một người ở thôn quê mời đến nhà ăn Tết. Tôi lên bộ cùng với các thủy thủ cũng được mời đi ăn Tết. Không rõ những người kia được tiếp đãi ra sao, riêng tôi thì trông cung cách tiếp đón quá xoàng xĩnh, tôi vội vàng cáo từ. Món ăn chính không bao giờ thiếu là cơm, món thường nhật của họ, ngoài ra, ông bạn tôi muốn cho tôi và những người khách của ông nếm của ngon, sáng hôm ấy dã đi câu ở cái ao gần nhà dược rất nhiều ếch và hớn hở đem ra khoe khi tôi tới nhà. Tôi ngạc nhiên thấy ông ta xếp rất nhiều những con vật nhỏ đó vào cái giỏ và khi tôi hỏi để làm gì thì ông trả lời là để ăn, song tôi không hiểu ông ướp thịt ếch ra sao. Những món ninh nấu của ông trông không đủ hấp dẫn để giữ tôi ở lại đánh chén với ông”.

29_tet03B.jpg

Gs benigme là tác giả Vingt ans en Annam (Hai mươi năm sống ở An-nam). Viết về Tết, giáo sĩ có những nhận xét khá tỉ mỉ, xin lược dịch (7) :

“Hôm trừ tịch, mỗi người trồng ở góc nhà một cây tre đẹp nhất, trên ngọn, chỗ những chùm lá, người ta treo cái giỏ nhỏ đựng trầu cau đã têm sẵn, thuốc lá gói từng điếu, thuốc lào (…). Trên bàn thờ đèn nến sáng choang, trước các bài vị cỗ bàn bầy la liệt (…). Chiều hôm ấy thiên hạ đốt pháo. Tôi đã thấy có nhà đốt tới 5000 cái pháo (…). Vong hồn tổ tiên trở về xum họp với con cháu và ở lại ăn Tết mấy ngày đầu năm. Thọat đầu hồn dừng lại ở ngọn tre, ăn trầu, hút thuốc rồi mới vào nhà sau ba lần cung thỉnh của gia chủ. Hồn ngồi dự tiệc giữa những tiếng chiêng trống ầm ỹ. Mỗi người xì xụp quỳ lạy ba lần (8) để tiếp rước ông bà ông vải. Hôm sau, sáng chiều họ đều làm như thế, và cứ như thế suốt cả một tuần lễ.

Trong ba ngày Tết, ai cũng diện quần áo mới toanh, hết sức tránh không to tiếng trong nhà, tất cả mọi công việc đều ngừng vì ngại làm phiền tổ tiên muốn yên tĩnh, đòi hỏi con cháu phải kính cẩn giữ yên lặng (…). Người ta tiêu khiển bằng cách đi mừng nhau đã sống lâu được đến hôm ấy và chúc phúc năm mới. Những kẻ dưới đi Tết người trên thì đem theo lễ vật và quỳ lạy ít ra là một lễ (8), không bao giờ người ta đi chúc Tết người trên mà lại đi tay không. Sau đó họ được phép tha hồ bê tha cờ bạc trong ba ngày Tết, say mê đến nỗi thua sạch cả quần áo. Nhưng họ không được phép chơi ở gìan nhà chính mà chơi ở dưới mái hiên và với điều kiện chỉ nói cười khe khẽ. Ðáng phục là điều kiện này đến cả các bà cũng tuân theo !”.

Bs COURTOIS Edmondlà bác sĩ quân y và tác giả quyển Le Tonkin français contemporain (Bắc kỳ Pháp thuộc, hiện đại). Tết năm 1886 (Bính Tuất) đặc biệt ở chỗ có tới bốn người đã dự và viết bài tường thuật. Xin lược dịch đoạn trích trong Le Tonkin français contemporain(9) :

“Tết năm 1886 rơi vào ngày mồng 3 tháng hai dương lịch. Tôi đang ở với một đội ngũ coi mấy nghìn phu an-nam làm đường. Tết đến, tất cả mọi công việc đều ngừng lại như có phép lạ. Viên đội trưởng phân phát vô số thịt lợn, trà, và cho phu nghỉ việc với điều kiện là phần đông phải thuận ở lại chỗ làm việc. Rất nhiều người xin về ăn Tết với gia đình.

Tôi có hai tên gia nhân an-nam rất tận tâm, quá tận tâm nữa bởi vì chúng không bao giờ đợi tôi sai bảo mà cứ tự tiện làm mọi việc thành thử chúng làm bậy lung tung. Hôm trừ tịch, chúng nghiêm trang bảo tôi bằng thứ tiếng Pháp chưa rành : “Hết việc nàm” và xin phép tôi về nhà cha mẹ tuy ở khá xa. Tôi còn như thấy trước mắt chúng trịnh trọng mang những gói quà (một nắm cơm) rồi chắp tay, cúi rạp xuống cung kính chào theo kiểu an-nam, rất cảm động. Tôi tò mò rất muốn biết cái lễ Tết ấy ra sao, bèn hỏi một nhà buôn an-nam giầu có và là người đôi khi tôi đã giúp đỡ vài việc vặt, ngỏ ý muốn ăn Tết với gia đình ông ta. Khi tôi vừa nói tôi rất tôn kính những tục lệ cổ truyền, rất thán phục cái tục trọng vọng gia đình mà không xứ nào sánh bằng ở đây thì ông ta thuận để tôi tự do đến nhà suốt thời gian có lễ Tết.

Tết trước hết là lễ thờ phụng tổ tiên, nhà nào cũng đóng cửa ăn Tết trong gian phòng trang hoàng đẹp nhất vào dịp đặc biệt này. Nhiều người chỉ đến Tết mới thay áo quần, thành ra ờ xứ Bắc ngày hôm ấy ai cũng diện bảnh chọe, mọi khi họ ăn mặc rách rưới, nhếch nhác thì hôm ấy trông gần như sạch sẽ. Người ta tặng nhau quà, trẻ con chúc Tết cha và được mừng tuổi một xâu tiền kẽm buộc lạt, ngoài bọc giấy đỏ hay giấy trắng. Cũng vào ngày Tết người chủ gia đình giúp đỡ họ hàng nghèo và bao giờ trong gói quà cũng nói rõ để cúng ông bà ông vải. Cái chỗ vinh dự nhất nhà dành cho bàn thờ tổ tiên. Ðó là một cái bàn thờ sơn son trên bầy bình hương đựng cát, những chân nến cũng sơn son, những thoi giấy vàng giấy bạc và những đĩa đựng cơm, thịt (…) mỗi ngày người ta hạ và thay cỗ mới mấy lần. Tất cả gian phòng bầy rặt đồ thờ cúng, nào tàn quạt, nào bình phong. Bên trên bàn thờ treo những tờ giấy lớn viết đặc những chữ nho ca tụng công đức tổ tiên và lòng tôn sùng của con cháu. Cạnh bàn là chỗ các cung văn ngồi dạo nhạc liên tục những ngâm khúc lê thê, uể oái, kèm theo những bài ca. Tất cả mọi người cung kính lắng nghe gần như say mê.

Nhưng Tết không phải chỉ là lễ cúng tổ tiên, nó còn là cái cớ để người ta tiệc tùng, chè rượu thả cửa, tất cả những đĩa đồ ăn bầy la liệt trên bàn thờ mỗi ngày thay mấy lần, có thể nói là họ ăn uống từ sáng đến tối. Chiều mồng một hiếm khi gập một người an-nam nào không chuếnh choáng hơi men, say khướt thứ rượu “choum choum”, rượu trắng cất bằng gạo, rất dở mà khắp xứ Bắc đâu đâu cũng có.

Thỉnh thoảng người ta ngừng ăn uống, các cung văn nghỉ đàn hát, rồi bỗng những tiếng súng nổ đùng đùng đinh tai nhức óc, chiêng khua trống gióng inh ỏi, mỗi người đều ra sức đập một vật như thể họ thi đua xem ai đập to hơn. Thế rồi lại ca hát ê a, và Tết kéo dài khoảng một tuần ở nhà giầu, nhà nghèo thì ngắn hơn. Số tiền nhỏ mọn họ dành dụm ky cóp đã tiêu sạch.

Ðến một lúc nào đó họ đốt vàng mã, những thỏi vàng bạc bằng giấy, cho ông bà ông vải. Và còn rất nhiều lễ kỳ dị, thay đổi tùy vùng. Ở đồng bằng thường thấy họ cân nước lã để bói. Nếu nước năm mới nặng hơn nước năm cũ là điềm gở, năm ấy sẽ có nạn hồng thủy ghê gớm (10).

Tổ tiên được coi như linh hiển, về ăn Tết, vì thế người ta mới luôn luôn thay đổi món ăn trên bàn thờ. Dân chúng cũng đi tảo mộ, nhổ cỏ, đắp mộ. Họ đi tảo mộ quanh năm. Nếu ruộng có mộ chôn đã bán đi thì trong văn tự phải chua rõ chỗ đất ấy không nhượng.

Ngày Tết, Phật cũng được dự phần cúng bái nhưng xếp vào hàng phụ, sau tổ tiên. Người ta trồng một cái cột tre trước cửa, trang hoàng những mảnh giấy để làm dấu hiệu cho tổ tiên biết đường về nhà (…). Tất cả cái lễ Tết ấy tựa như một lễ tuyên tôn (béatification) tổ tiên.

Vua chúa cũng ban hiệu lệnh cho dân chúng ăn chơi, nghỉ việc trong nửa tháng”.

Bs HOCQUARD cũng là Bác sĩ quân y và là tác giả cuốn Une campagne au Tonkin (Một chuyến viễn chinh ở Bắc kỳ), viết từ 11 tháng giêng 1884 đến 31 tháng 5 năm 1886 kèm theo những tấm ảnh rất hiếm quý do chính ông chụp. Tập Hồi ký của ông được đánh giá cao. Xin lược dịch đoạn tả cái Tết năm 1886 ở Huế (11) :

“Từ sáng nay cả thành phố Huế tưng bừng, nô nức : sắp đến Tết đầu năm an-nam. Trong non một tháng trời dân chúng, giầu cũng như nghèo, đình hết mọi việc để ăn uống, dong chơi : không ai buôn bán, cầy bừa, không làm những việc chán ngán, lớn bé đều diện quần áo ngày Tết. Những người nghèo khó bán cả đồ đạc còn sót trong nhà, đi vay nợ, để có tiền tiêu Tết. Tục ngữ an-nam có câu “Ðầu năm phải tốt đẹp không thì rông cả năm”. Các bộ, viện đều đóng cửa. Từ 25 tháng chạp âm lịch chính phủ ngừng làm việc, không ký và đóng dấu các công văn nữa, hộp đựng ấn tỷ sẽ khóa cho tới ngày 11 tháng giêng năm sau. Những hạng cùng đinh mà họ gọi là danlan(12), một năm chỉ được nghỉ ba lần mỗi lần một ngày, còn thì phải phục vụ những người giầu sang, nhưng họ bắt phải trả đắt, vì không mấy người làm việc nên họ có thể đòi hỏi nhiều.

Tất cả mọi cửa hiệu đều đóng cửa im ỉm, thành phố như chết nếu không có tiếng pháo của khách trú và tiếng các nhạc khí. Những người thuộc hạng trung lưu và các quan thì mặc lễ phục đi chúc Tết, trao đổi những cánh thiếp lớn mầu đỏ cùng quà cáp. Tết cũng là ngày vui của trẻ con, để đáp lại những lời chúc tụng, chúng được mở hàng những đồng tiền kẽm bao giấy đỏ. Chỗ nào cũng thấy đỏ rực, mầu đỏ vốn là mầu của vui mừng. Trước cửa mỗi nhà người ta trồng những cành tre lớn còn đầy lá, cũng có những cột trên ngọn trang trí bằng tầu là dừa hay chùm lông gà, đèn treo đủ mọi mầu sắc. Cây cột này trồng cho tổ tiên hay cha mẹ đã mất. Dân chúng tin rằng hàng năm vào dịp Tết vong linh tổ tiên trở về thăm gia đình và ở lại ăn Tết, thế thì cần phải để hồn người chết nhận biết nhà của con cháu mà vào, cây cột có mục đích chặn họ lại không để đi quá nhà.

Trước ngưỡng cửa, nhà nào cũng vạch xuống đất những hình cung tên xếp tréo nhau bằng vôi bột. Tục lệ này nhắc lại tích đức Phật đánh dẹp ma quỷ (13). Có người còn lấy cây xương rồng và những cành cây có gai bịt kín cửa để ma quỷ không vào được nhà quấy nhiễu mất vui. Ngoài cổng, mé trái bức tường, dựng một bàn nhỏ thắp đèn hương thờ thần giữ cửa, nhà giầu bầy hoa, vàng giấy, bánh trái, cỗ bàn ngày hai buổi cúng bái.

Trong nhà, bàn ghế được kê lại, đổi chỗ, cuối sân chăng dây kết hoa hay giấy sặc sỡ, thờ thần giếng. Những ông thầy bói thì đến cân nước để đoán quẻ : trong hai cái lọ dung tích bằng nhau người ta đổ hai khối nước như nhau, một đựng nước múc trước ngày Tết và một đựng nước múc sau Tết. Nếu lọ nước múc trước ngày mồng một nặng hơn lọ múc sau thì thầy bói cho là điềm gở, trong năm phải cẩn thận.

Chỉ những người đầy tớ là sung sướng nhất trong dịp lễ này : chẳng ai mắng mỏ họ một câu, nếu mắng ắt cả năm sẽ rông, họ bảo thế.

Vào dịp Tết dân an-nam ăn nhậu của ngon vật lạ phè phỡn, mỗi ngày họ ăn ba bữa chính và bao giờ cũng đem lên cúng một mâm cỗ mới. Trong bếp luôn luôn thắp hương cúng ba vị thần (Vua Bếp hay Táo công) sống ở ba hòn đá trong bếp (cái kiềng bếp ba chân) (14).

Từ khi Tết bắt đầu, dân chúng lũ lượt đi sửa sang mồ mả (có ngôi mộ chỉ là nấm đất, người giầu sang xây mộ đá, tường vây xung quanh…). Không gì kỳ dị bằng quang cảnh từng đoàn lũ thợ thuyền xúm xít nhổ cỏ và sơn phết lại các lăng mộ.

Tết năm nay rơi vào ngày 18 tháng giêng dương lịch (15). Ngay từ sáng thành phố Huế đã nhộn nhịp khác thường : các ông quan, các ông hoàng, và lũ lượt theo sau là một đám đông tùy tùng, mặc phẩm phục tiến vào thành nội để chúc Tết vua (Ðồng Khánh). Khắp nơi, các Ngự lâm quân vũ trang gươm giáo giám thị bờ sông để giữ trật tự đám thuyền bè đông đảo chuyên chở các quan chức. Tất cả quân đội Pháp đều trưng dụng, đứng làm hàng rào từ cổng thành tới cung điện (Thái-hòa), suốt thời gian vua thiết đại triều đón tiếp Thiếu tướng Prudhomme và viên Khâm sứ (16).

Tại sân thứ nhất của Hoàng thành, quang cảnh thật là ngoạn mục : từ cửa Ngọ môn đến sân chầu, các đội Hải quân bộ binh mặc lễ phục, đội mũ trắng, đeo binh khí, dàn thành hai hàng hai bên thành cái cầu nhỏ dẫn tới cung điện. Cái mũ trắng này đã khiến bộ Lễ phải thương lượng rất lâu vì mầu trắng là mầu tang tóc, trong dịp Tết vui mừng mà dùng mầu trắng là điềm chẳng lành cho năm mới. Trong hai ngày dòng dã, Lễ bộ Thượng thư liên tiếp gửi cho Prudhomme hết thư này đến thư khác, điều đình xin đổi mầu mũ nhưng viên tướng Pháp khăng khăng một mực : trời nắng chang chang mà đội mũ đen có thể khiến quân sĩ bị say nắng (17).

Giữa sân chầu, đại đội lính khố đỏ Bắc kỳ đứng thành hai hàng để chừa ở giữa một khoảng rộng làm lối đi cho tướng Prudhomme. Ðằng sau lính khố đỏ, cách quãng đều nhau là những bia đá chạm trổ, khắc chữ nho, các quan đứng sắp hàng theo thứ bậc cạnh những cái bia ấy, bên trái dành cho quan văn, bên phải là quan võ. Tất cả đều mặc triều phục, áo bào dài thườn thượt, tay áo rộng thùng thình, lưng thắt đai khảm ngọc quý nhiều mầu, đằng sau lại trang điểm cái gì như hai cái cánh rung rinh mỗi khi họ cất bước, chân mang hia tầu bằng vải thâm, đế dạ (feutre) dầy dặn. Mỗi ông quan cầm trong tay một cái giống như cái vương vị (hốt) bằng ngà. Mũ hơi giống mũ tế của các giám mục, phủ trán, bọc vải đen tô điểm bằng kim tuyến và những viên ngọc mầu, trùm lên trên cái lưới bao tóc sát thái dương. Hinh dáng mũ và xiêm áo của tất cả các quan giống nhau nhưng gấm vóc may áo, những hình thêu trên áo hay những đồ trang sức trên mũ thay đổi tùy phẩm tước : áo quan văn thêu con phong(phụng ?), một loại chim ưng đang giang cánh, quan võ thì thêu hình đầu con hổ (18).

Với quan chức cấp dưới thì những trang sức đều ở vuông lụa trước ngực chiếc áo thụng bằng gấm đồng mầu xanh lam, mũ điểm trang cũng sơ sài thôi. Các đại thần bận áo bào xa hoa sắc mầu lộng lẫy, nhiều nhất là mầu quan lục. Áo gấm thêu hoa lá, hai bên mũ tô điểm vàng, đính hai miếng vải cứng giống như cánh con chuồn chuồn, trên thêu rồng (19).

Các hoàng thân tụ tập ở phía trên các quan, ngay trong cung điện : họ khoác những tấm áo đỏ thêu kim tuyền lóng lánh rực rỡ Ở góc sân chầu, hai bên cung điện là các nhạc công mặc sắc phục đỏ, người thì mang nhạc khí tựa như kèn tây, kẻ đặt trống trên cái giá ở trước mặt. Bên cạnh là lính hầu cầm tàn lọng, gươm giáo, lắp vào cái cán gỗ dài là búa rìu, rồng trượng, bàn tay ngà biểu thị vương quyền.

Hai bên sân chầu, những con voi khổng lồ trang sức mỹ lệ, chân đeo vòng kim khí, ngà treo vòng chạm trổ những hình kỳ dị, đứng trầm ngâm, lưng mang ghế bành thếp vàng trong đặt một hình nhân ngồi, trang phục choáng lộn, che một chiếc lọng vàng to do tên thủ hạ cầm, đứng đằng sau, trên mông con voi. Hình nhân này đại diện cho các lãnh chúa tùng phục triều đình, từ các miền xa xôi nhân dịp lễ Tết về chầu.

Thình lình, một sự yên lặng sâu thẳm lan ra khắp các quan và lính. Một điệu nhạc vọng ra như từ chốn xa xăm, phía sau cung điện mà các cửa trong cùng đều mở, báo hiệu vua sắp lâm triều. Tiếng nhạc to dần, tựa như một bản hành quân nhịp điệu kỳ lạ, cứ giở đi giở lại mãi một âm điệu trầm buồn, u hoài, phát ra từ những nhạc khí có âm thanh rất êm nhẹ tựa như một dàn nhạc gồm ống tiêu, vĩ cầm, đàn ghi-ta. Một tiếng lanh lảnh kéo dài vang lên ở cuối cung điện và được các truyền lệnh sứ thay nhau nhắc lại, đứng rải rác từ tẩm cung ra đến sân chầu, qua các hành lang và những con đường vua phải đi qua để ra ngự triều.

Và đây mở đầu đám rước : Trước tiên là đoàn Ngự lâm bận áo điều, đầu đội mũ lưỡi trai xuống đến gáy bằng giấy bồi sơn, tay dựng tua tủa những thanh gươm rất dài tra trong vỏ gỗ, cán bịt bạc. Rồi đến các môn vệ vác búa trượng khắc những hình kỳ quặc, Thị vệ cầm những sợi xích sắt treo trên cán ngắn, những đỉnh trầm hương khói nghi ngút. Bọn khác cầm quạt lông ngựa xua ruồi, cờ thêu viền răng cưa giả hình ngọn lửa. Cả đoàn khoan thai tiến từng bước rồi dàn ra hai bên ngự tọa.

Cuối cùng nhà vua xuất hiện giữa bốn tên Thị vệ ăn mặc rất đẹp, khiêng bốn cái lọng vàng che cho vua. Vua vận một bộ áo hình dáng cũng tựa như áo các quan nhưng bằng vóc vàng thêu chỉ vàng. Mầu vàng là mầu dành riêng cho vua dùng, ở nước Nam chỉ có vua mới được mặc mầu vàng, các quan mà dám dùng mầu này trước công chúng là mang tội khí quân, lập tức bị án tử hình. Vua dận đôi ủng tầu đen, dát vàng, tay cầm một cái vương quyền bằng ngà (hốt ngà), đầu đội mũ cùng mầu với áo, khảm kim cương, ngọc trai, hoàng ngọc. Chiếc kim khánh bằng vàng chạm ngọc trai và kim cương đeo lủng lẳng ở cổ bằng một sợi dây chuyền vàng. Trên ngực áo cẩm bào thêu hai chữ nho “Vạn thọ”.

(…) Vua vừa ngồi xuống thình lình vang lên từ phía đầu thành tiếng kèn tây rộn rã của binh sĩ Pháp. Tướng Prudhomme, bên phải sóng vai viên Khâm sứ, nối đuôi là các sĩ quan và rất nhiều công chức, thông ngôn, vừa mới tiến vào sân thứ nhất, đi giữa hai hàng rào quân đội Pháp bồng súng chào trong khi lính thổi kèn tấu nhạc. Khi Prudhomme bước lên thềm sân chầu thứ nhất thì vua đứng dậy, rời long ỷ, đường bệ bước xuống, tiến ra cửa cung đón tiếp viên đại diện nước Pháp, bốn tên Thị vệ theo sau che lọng. Tướng Prudhomme ngỏ lời chúc mừng năm mới, được người thông ngôn chính của tòa Khâm (20) dịch ngay ra, vua đáp lại mấy lời nhã nhặn rồi tướng Prudhomme cáo từ ra về với những nghi thức y như khi đến.

Nhưng chưa hết. Bây giờ mới tới những nghi lễ hấp dẫn, thú vị nhất. Các hoàng thân, đại thần làm lễ tuyên thệ trung thành với vua theo đúng thủ tục mỗi khi bước sang năm mới. Các quan sắp thành sáu hàng, quay mặt về phía cung điện. Theo hiệu lệnh của Thượng thư bộ Lễ, tất cả quỳ xuống, dập đầu sát đất, tuyên thệ trong khi âm nhạc nổi lên gợi cho ta phảng phất nhớ tới những buỗi lễ hát trong giáo đường. Các quan lom khom lên gối xuống gối ba lần như thế, và giữa hai lần phủ phục, âm nhạc trong cung văng vẳng đưa ra, vẫn cái điệu u hoài, uể oải.

Tôi rất chú ý đến cái cảnh tượng đặc biệt tôn nghiêm ấy : đám đông các quan bận phẩm phục rực rỡ, lóng lánh dưới ánh dương quang, quỳ rạp giữa hai hàng voi đứng im phăng phắc, điệu nhạc kỳ dị, hương trầm bát ngát bay trong không gian, tất cả chập chờn, như ẩn như hiện trong bóng tối mờ mờ của gian ngự điện rộng thênh thang, một ông vua trẻ tuổi, trạc đôi mươi, trong chiếc long bào mầu vàng rộng thùng thình, nét mặt vô cảm hệt như một pho tượng, và người ta quỳ gối sùng bái như phụng thờ một vị thần linh trong một khung cảnh tuyệt vời với những tòa cung điện, một quang cảnh không thể nào quên được.

Buổi lễ triều kiến kết thúc, vua vừa ra khỏi ngự điện thì những vệ sĩ và quan thuộc cấp từ từ giải tản dần. Các hoàng thân, đại thần được vua ban yến trong cung. Những lời khen tặng, những phần thưởng đã được vua ưu ái ban phát cho những người làm việc xứng đáng trong năm qua.

(…) Ngày xưa, hoàng đế an-nam mỗi năm xuất hiện cho thần dân chiêm ngưỡng tôn nhan một lần vào dịp Tết nhưng sau khi Nam kỳ bị thất thủ vào tay quân Pháp, vua Tự Ðức buồn rầu, ẩn lánh trong cung và chỉ ra ngoài bằng thuyền hay kiệu che kín mít (…). Vua Ðồng Khánh từ khi mới lên ngôi muốn quay lại noi theo cổ tục của tổ tiên (21).

Ðồng hồ điểm đúng 3 giờ, một tiếng súng vang ra từ thành nội báo hiệu vua xuất hành. Ðám rước vượt qua chiếc cầu gỗ lớn vắt ngang sông, tiến sang mỏm Ðông ba, đi đủng đỉnh giữa hai hàng lính Pháp, đằng sau lũ lượt hộ giá có cả nghìn người gồm các hoàng thân, Thượng thư, đại thần, Thị vệ, các nhạc công, Ngự lâm quân mang gươm giáo, cờ quạt, tàn lọng. Vua ngự trên chiếc kiệu thếp vàng do bốn người lực lưỡng khiêng, che bốn lọng vàng. Dân chúng xúm đông hai bên đường, phủ phục khi vua đi qua. Những tràng pháo an-nam nổ liên thanh, không khí tỏa ngát trầm hương từ những cái án thư nhỏ bầy lộc bình, phủ vải điều thêu, dựng khắp nơi bên đường vua đi qua. Ðứng trước án thư là các kỳ lão ở Huế đến chào mừng hoàng đế và cũng để tiếp nhận phần thưởng dành cho những bô lão trường thọ do vua ban theo đúng Kinh Lễ.

Vua dừng lại trước tòa Thương bạc để thăm viên chủ soái quân đội Pháp. Từ sân, vua được tướng Prudhomme song song sánh bước cùng viên Khâm sứ và toàn thể binh sĩ ra nghênh giá. Một tiệc chiêu đãi nhỏ đã bầy sẵn. Vua ngồi giữa Prudhomme và viên Khâm sứ ở chiếc bàn đặc biệt, kê trên một cái bục hơi cao trong khi tại phòng bên, các đại thần và các ông hoàng ngồi ăn uống ở những cái bàn thấp hẳn hơn”.

Thiếu tướng Prudhomme giữ chức Lĩnh Trú sứ ở Trung kỳ năm 1886 đã tường thuật lại cái Tết Bính Tuất ở Huế mà ông đóng một vai chủ chốt, có những nhận xét khác với Bs Hocquard. Bài được Cosserat trích đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué(22), xin dịch thêm để bổ sung :

“Vào dịp Tết này, thể theo lời yêu cầu của tướng Prudhomme, vua (Ðồng Khánh) thuận đặc cách bãi bỏ tất cả tục lệ cổ truyền mà ra mắt công chúng để cho mọi người thấy nhà vua không phải là tù nhân của người Pháp như thiên hạ đồn đại, mà là đồng minh của Pháp quốc.

Sáng ngày mồng 3 tháng 2 dương lịch, bẩy tiếng súng lớn báo hiệu một năm mới bắt đầu vào ngày mồng 4 tháng 2 năm 1886, và sáng hôm ấy vua dành để tiếp tướng Prudhomme, các sĩ quan và công chức tòa Khâm ở cung điện (Thái-hòa).

Trên những sân bên trong, các binh lính an-nam dàn thành hàng rào. Giữa sân chầu, các quan sắp theo thứ bực. Bên trái là ban nhạc cung đình, bên phải là quân nhạc đại đội Lạp bộ binh thứ 11 (chasseurs à pied). Hai bên là Ngự lâm quân với cờ xí, tàn lọng, đằng trước đàn voi trận. Viên Kinh lược sứ và hai viên Thượng thư quan trọng nhất (23) tiến ra đón tướng Prudhomme và đoàn tùy tùng, dẫn lên ngự điện. Vua Ðồng Khánh đợi ở đấy, bận long bào vóc vàng thêu chỉ vàng, đội mũ nạm bảo ngọc, ngồi trên long ỷ thếp vàng xung quanh có các quan thị phụng.

Khi tướng Prudhomme đến nơi, vua từ ngự tọa bước xuống đón, bắt tay rồi trở lại ngồi nghe những lời chúc mừng của Prudhomme. Cha Hoàng, thông ngôn của triều đình, quỳ lạy ba lần rồi mới dịch bài diễn văn ấy. Nghe xong, vua đứng lên thong thả đáp lễ, cũng do cha Hoàng dịch. Buổi triều kiến kết thúc với lễ ban phát huy chương cho các viên chủ sự, văn và võ. Sau khi những lời cảm tạ của tướng Prudhomme được dịch xong, viên chủ soái quân đội Pháp cáo từ, cũng do viên Kinh lược sứ và hai quan Thương thư tiễn đưa. Một lúc sau khi trở về đại bản doanh thì những huy chương bằng vàng to nhỏ được đưa đến một cách long trọng và lập tức được phân phát cho các viên chủ sự kèm với lời căn dặn là phải đeo trong buổi diễn binh trưa nay.

(…) 2g30 vua, cùng với tướng Prudhomme và toàn bộ tham mưu văn võ, ra khỏi cung điện, vua ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng không mui để ra mắt công chúng. Ngự lâm quân hộ giá, binh sĩ Pháp đi tiên phong và tập hậu đám rước… diễu hành khắp Hoàng thành và Ðông ba trong tiếng nhạc an-nam. Tất cả mọi chùa chiền đều thắp đèn sáng và cắm cờ xí… Khi vua đi qua, dân chúng phủ phục sát đất rồi đứng dậy biểu lộ sự vui mừng ầm ỹ và đốt rất nhiều pháo.

(…) Ðến chiều, vua đãi tướng Prudhomme và viên Khâm sứ cùng tùy tùng của họ một đại tiệc theo kiểu Tây phương trong tiếng nhạc cung đình. Ngày lễ chấm dứt bằng mục đốt pháo bông rất huy hoàng.

Lễ Tết, và đặc biệt là chuyến xuất hành ra mắt thần dân của vua Ðồng Khánh rất có tiếng vang. Ngoài bằng chứng cho thấy nhà vua hoàn toàn tự do, Ðồng Khánh còn biểu lộ ý muốn cắt đứt với những hủ tục mấy trăm năm của chế độ quân chủ, khiến cho ông vua trở thành một một nhân vật có tính chất huyền thoại, xa cách nhân dân. Ðồng Khánh chứng tỏ ông ta muốn cải cách cổ tục và sống theo văn hóa Thái Tây. Cuộc viếng thăm đại bản doanh xác nhận lòng tôn kính đối với nước Pháp và mối giao tình hoàn hảo với đại diện Pháp… Tin tưởng rằng chỉ cần nhà vua xuất hiện trước công chúng là thu phục được những phần tử chống đối, tướng Prudhomme, qua cha Hoàng, đã đề nghị ý muốn đi dẫn đầu đám rước”.

Phóng viên báo Figaro cũng có mặt ở Huế vào dịp Tết 1886 và đã tường thuật với con mắt bàng quan. Cosserat trích lại trong BAVH(24) :

“Dẫn đầu đám rước là hai con voi, hai con ngựa của vua do ba tên thị vệ dắt, rồi đến nhạc đội Lạp bộ binh thứ 11, một trung đội Lạp binh, âm nhạc an-nam, các quan mang gươm giáo, tàn lọng…

Vua ngồi trên kiệu, bên phải có tướng Prudhomme, bên trái là Ðại tá Brissaud, cả hai đều cưỡi ngựa, theo sau là đội lính thổi kèn, rồi đến các ông Hoàng, Thượng thư, nhân viên tòa Khâm, sĩ quan Pháp, các quan Nam đủ mọi cấp bậc, một đám phu an-nam mang vũ khí bằng gỗ thếp vàng, bạc, cờ xí. Ðám người này trông như vừa mới ở cửa hiệu bán đồ cũ bước ra. Ði đoạn hậu là 6 con voi, một toán bộ binh xứ Algérie (zouaves), trông như dân Lilliput (tí hon) bên cạnh những con vật khổng lồ… Ðường phố Ðông ba lúc nẫy ồn ào, náo nhiệt là thế, giờ vắng tanh, ai về nhà n ấy, vì không ai được phép nhìn vua. Trước cửa mỗi nhà đều đặt một án thư trên đốt trầm hương. Khi đám rước đã đi qua rồi, đường phố lại ồn ào đông nghịt những người, pháo liên thanh nổ… 5 giờ chiều chấm dứt buổi diễu hành, vua trở về cung và sau đó gửi tặng tướng Prudhomme một thanh gươm rất quý trị giá 2000 quan. Chiều tối, tướng Prudhomme dự một tiệc yến trong vòng thân hữu ở cung điện”.

Châtenay-Malabry, tháng 11, 2006
Nguyễn Thị Chân Quỳnh sưu tầm và lược dịch

29_tet02A.jpg

CHÚ THÍCH

[1] – Ba bài ấy là : “Tết Nguyên đán và lễ Nghênh Xuân”, “Khai bút đại cát”, “Tế Nam giao” in trong “Lối Xưa Xe Ngực…” tập II. Paris : An Tiêm, 2003.

[2] – A. de Rhodes, Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài, tr. 104-5.

[3] – “Votuan” : chưa rõ nghĩa.

[4] – S. Baron, Description du Royaume de Tonquin, tr. 34-5.

[5] – Cuối năm có lễ Phong ấn hay Khóa ấn : hộp đựng ấn úp mặt xuống, công sở nghỉ làm việc cho đến ngày Khai ấn, làm việc trở lại vào đầu năm mới. Xin xem “Tết Nguyên đán và lễ Nghênh Xuân”, “Lối Xưa Xe Ngựa…” tập II.

Chính S. Baron lầm : người ta tính Tết kể từ ngày cúng ông Táo lên chầu Trời vào 23 tháng chạp chứ không phải 25 (theo luật năm 1807, 25 là ngày phong ấn). Ngoài ra, Tết có thể rơi vào tháng giêng hay tháng hai dương lịch chứ không nhất thiết “vào khoảng 25 tháng giêng dương lịch”.

[6] – W. Dampier, “Un voyage au Tonkin en 1688”, Revue Indochinoise, Sept. 1909.

[7] – Père Bénigme,Vingt ans en Annam, tr. 113.

[8] – Không hiểu tác giả nhầm hay tục lệ đã thay đổi vì tới giữa thế kỷ XX thì lễ người sống chỉ có hai lễ một vái, lễ người chết phải bốn lễ hai vái, không thấy có lệ lễ một lạy hay ba lạy.

[9] – Dr Edmond Courtois, Le Tonkin français contemporain, tr. 347-9.

[10] – Bs Hocquard viết ngược lại trong Une campagne au Tonkin : nếu nước năm cũ nặng hơn nước năm mới là điềm gở.

[11] – Họcquard, tr. 623-33.

[12] – “Danlan” : chưa rõ nghĩa. Papin đoán là “dân làng”.

[13] – Tương truyền sự tích vẽ cung tên là từ Ðinh Tiên Hoàng (chứ không phải Phật), trong nước có nạn dịch hạch, vua cầu khẩn và được một ông thần chỉ cách vẽ cung tên bằng vôi bột để trị.

Còn sự tích Phật trừ ma quỷ thì dính líu đến cây nêu trồng 7 ngày mới hạ vi trong 7 ngày Tết Phật lên chầu Trời, ma quý tự do hoành hành, chỉ hứa tránh đất nhà Phật, tức là những chỗ nào có cây nêu, cành phướn. Xin xem “Tết Nguyên đán và lễ Nghênh Xuân”, “Lối Xưa Xe Ngựa…” tập I I.

[14] – 23 thánh chạp (trong Lối Xưa Xe Ngựa…” in nhầm là 30 tháng chạp) cúng ông Táo (tức Vua Bếp) lên chầu Trời để phúc trình những hành vi của gia chủ trong năm qua. “Ông Táo” gồm một bà và hai ông (hai đời chồng), cái kiềng bếp có ba chân tượng trưng cho ba Vua Bếp. Xin xem “Tết Nguyên đán và lễ Nghênh Xuân”,”Lối Xưa Xe Ngựa…” tập II.

[15] – Hocquard nhầm, Tết năm 1886 rơi vào ngày 4-2-1886, không phải 18-1-1886. Nếu tính từ lễ cúng ông Táo thì phải kể từ ngày 23 tháng chạp, một tuần lễ trước, tức là ngày 28-1-1886. Có lẽ Hocquard tính từ lễ Phong ấn hoặc nhầm ngày 18 với ngày 28 ?

[16] – Thiếu tướng Prudhomme (nổi danh về cướp phá các kho tàng trong cung khi vua Hàm Nghi xuất bôn) là phụ tá của Trung tướng de Courcy, người lập Ðồng Khánh lên ngôi ngày 19-9-1885. Ngày 20-9-1885 de Courcy phải ra Bắc vì tình hình bất ổn, giao chính quyền lại cho de Champeaux và binh quyền cho Prudhomme.

Tháng 10-1885 de Champeaux bất hòa với de Courcy, từ chức. Hector , quan cai trị từ Nam ra thay thế ngày 3-10-1885, vậy Khâm sứ ở Huế tết Binh Tuất (4-2-1886) chắc là Hector, trong khi Prudhomme giữ chức Résident délégué en Annam, tạm dịch là Ðại diện Pháp lĩnh chức Trú sứ ở Trung kỳ, và de Courcy là Tổng Trú sứ Bắc kỳ.

[17] – Chắc Hocquard nhầm, không có lý bộ Lễ lại xin đổi mầu trắng sang mầu đen vì mầu đen cũng là mầu tang.

[18] – Hocquard nhầm, vuông lụa đính trước ngực áo, gọi là bổ tử, quan văn thêu hình các loài chim, quan võ thêu hình các loài thú, chim hay thú thay đổi tùy phẩm trật.

[19] – Mũ cánh chuồn.

[20] – Theo Prudhomme thì viên Thông ngôn ấy là cha Hoàng, làm việc với triều đình chứ không phải thuộc tòa Khâm như Hocquard viết, tuy nhiên ở đoạn sau (tr. 608) Hocquard sửa lại, gọi cha Hoàng là thông ngôn chính của triều đình. Nguyễn Xuân Thọ (tr. 403) cho cha Hoàng là tay sai của Pháp đặt bên cạnh Ðồng Khánh để do thám. Rất có thể cha Hoàng chính là gm Nguyễn Hoằng từng làm thông ngôn cho cả hai triều Tự Ðức và Ðồng Khánh (chữ “Hoằng” không bỏ dấu thành “Hoang”, người đọc tự sửa thành “Hoàng”) mà thời Tự Ðức thì Pháp chưa có quyền áp đặt người của mình vào làm quan với triều đình.

[21] – Trong phần chú thích tr. 626 Papin nói là ở một đoạn sau Hocquard viết rằng tướng Prudhomme đã yêu cầu Ðồng Khánh cùng đi diễu hành với ông ta… song tôi chỉ thấy Hocquard cho biết là Ðồng Khánh muốn ra mắt công chúng để đoạn tuyệt với những tuc lệ cổ truyền (tr. 632), không có chỗ nào nói đó là ý của Prudhomme. Có lẽ Papin đã lẫn Hocquard với Prudhomme ? Chính Prudhomme kể đã đưa ra ý kiến (ngây thơ) muốn cùng đi diễu hành với Ðồng Khánh để cho dân chúng thấy nhà vua không phải là tù nhân của người Pháp. Nhưng dù che đậy cách nào bài của Prudhomme cũng vẫn bộc lộ vai trò bù nhìn của Ðồng Khánh. (Xin xem bài tường thuật của Prudhomme).

[22] – Cosserat, Bulletin des Amis du Vieux Huế viết tắt là BAVH (Hiếu cổ Tập san), Juil. Sept. 1924, tr. 302-4.

[23] – Viên Kinh lược sứ có lẽ là Nguyễn Hữu Ðộ, nhạc phụ của Ðồng Khánh, Chủ tịch Viện Cơ mật, người đã đề nghi lập Chánh Mông tức Ðồng Khánh lên ngôi.

Chưa rõ hai viên “Thượng thư quan trọng nhất” là ai.

[24] – Cosserat, BAVH, tr. 305.

SÁCH THAM KHẢOSamuel BARON, A Description of the Kingdom of Tonqueen viết khoảng 1685-6, bản dịch sang Pháp văn của H. Deseille không đề năm xuất bản.

Père BENIGME, Dix ans en Annam, Paris, 1884.

H. COSSERAT, “Les fêtes du Têt en 1886 à Hué – Promenade publique du Roi”. Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH), Juil.-Sept., 1924. Trích tướng Prudhomme và phóng viên báo Figaro.

Dr Edmond COURTOIS, Le Tonkin français contemporain, Paris : Charles Lavauzelle, 1891.

W. DAMPIER, “Un voyage au Tonkin en 1688”, Revue Indochinoise, No 9, Sept. 1909.

Dr HOCQUARD, Une campagne au Tonkin, Paris : Hachette, 1892 ; 2e édition annotée par Papin. Paris : Arléa, 1999.

NGUYỀB XUÂN THỌ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt-Nam (1858-1897), 1994, không đề nơi xuất bản..

PHAN KHOANG, Việt-Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), 1961 ; tái bản ở Mỹ, không đề năm.

A. de RHODES, Histoire du Royaume de Tunquin, bản tiếng Ý năm 1650, bản dịch sang Pháp văn của Henri Albi, Lyon, 1651 ; bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ, TPHCM : Ủy ban Ðoàn kết Công giáo, 1994. (Ðoạn trích dịch in trong bài này không phải của Hồng Nhuệ).

Nguồn bài đăng

0