Nhà văn hoá tiên phong Nguyễn Văn Vĩnh
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) Nguyễn Lân Bình (Cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh) Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15.6.1882, trong một gia đình nghèo tại Thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc Huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Để thoát khỏi cảnh ...
Nguyễn Lân Bình
(Cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh)
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15.6.1882, trong một gia đình nghèo tại Thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc Huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Để thoát khỏi cảnh sống cơ cực do chế độ Phong kiến tạo ra, gia đình Nguyễn Văn Vĩnh đã tìm ra kinh thành Thăng Long, tìm kế sinh nhai và tá túc tại nhà một người họ hàng ở 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội.
Tám tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên, ven sông Hồng.
Cũng trong thời điểm đó, cụ thân sinh ra Nguyễn Văn Vĩnh đã thông qua những người quen, thay vì đi chăn bò, xin cho Vĩnh đi kéo quạt mát cho một lớp học của người Pháp đóng tại đình làng Yên Phụ. Lớp học đào tạo những người đã tốt nghiệp PTTH được gọi là tú tài và những người tốt nghiệp ở hệ học cao hơn được gọi là hương cống (cử nhân), thành những thông ngôn (phiên dịch).
Hai năm ngồi kéo quạt mát cho các bậc đàn anh, Vĩnh đã học mót và tạo được sự quan tâm của vị giáo viên người Pháp, có tên là André d’Argence. Khi lớp học mãn khóa, người giáo viên Pháp đã cho Vĩnh thi cùng. Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thứ 12 trên 40 học viên.
Mười tuổi đỗ thông ngôn, nhưng vì quá nhỏ, nhà trường cho phép Vĩnh học lại từ đầu và không mất học phí. Mười bốn tuổi, mãn khóa, Vĩnh đỗ đầu (thủ khoa).
Mười lăm tuổi, một người Pháp là bạn thân của ông giáo André d’Argence, làm việc tại tòa sứ Lao Cai đã quyết định xin đặc cách, dùng Nguyễn Văn Vĩnh làm thông ngôn cho tòa sứ. Năm 1898, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa sứ Hải Phòng. Tại đây, Nguyễn Văn Vĩnh tự tốt nghiệp chương trình THPT bằng việc tự học qua bộ sách giáo khoa tiếng Pháp (Encyclopédie autodidactique quilet – Sách tự học chương trình phổ thông). Đồng thời cùng thời gian này, Vĩnh ra sức học tiếng Hán và tiếng Anh.
Tại Tòa sứ Hải Phòng, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh viết bài cho tờ công báo in bằng tiếng Pháp Courier du Hai Phong. Lúc này Vĩnh tròn hai mươi tuổi.
Năm 1903, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa sứ Bắc Giang (bao gồm cả Bắc Ninh). Khi Nguyễn Văn Vĩnh viết các bài bằng tiếng Pháp, lần đầu tiên trong bài viết của mình, Nguyễn Văn Vĩnh dùng bút danh Tân Nam Tử.
Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyền về Tòa Đốc lý Hà Nội và được cử đi Hội chợ Thuộc địa Mác Xây tại nước Pháp. Chuyến đi quan trọng này đã giúp Nguyễn Văn Vĩnh khám phá ra công nghệ in ấn, vai trò, giá trị và ảnh hưởng quan trọng của báo chí. Nguyễn Văn Vĩnh đã nhận thức, đây là yêu cầu phù hợp của một nền dân trí xã hội. Ông đã lập tức định hướng về tâm nguyện, về lý tưởng của mình đối với một cuộc duy tân văn hóa dành cho đồng bào mình. Điều này được thể hiện trong bức thư ông viết từ Mác Xây ngày 27.6.1906 gửi cho Phạm Duy Tốn:
“Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người thứ nhất để làm cái công việc đó, để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng…”.
Bằng những mối quan hệ không chính thức, Nguyễn Văn Vĩnh tán thành và ủng hộ tư tưởng cách mạng của Phan Châu Trinh về cải cách xã hội, tôn trọng quyền làm người, mở mang dân trí và chống lại phương thức giáo dục khoa cử của chế độ phong kiến. Vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhận dịch toàn bộ văn bản kiến nghị của Phan Châu Trinh gửi tới ngài Toàn quyền Đông Dương Jean Baptiste Paul Beau từ Hán văn ra Pháp văn ngày 15.9.1906. Văn bản này được gọi là ‘Thư trước tác hậu bổ’ hoặc ‘Đầu Pháp Chính phủ thư’ “LETTRE DE PHAN CHU TRINH AU GOUVERNEUR GÉNÉRAL EN 1906”.
Năm 1907, đứng trước yêu cầu cấp bách của các nhân sỹ yêu nước nhằm thực hiện chủ trương cách mạng canh tân đối với đất nước An Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đã mạnh dạn thay mặt các thân hào nghĩa sỹ trong Đông Kinh Nghĩa Thục, đứng đơn gửi Nhà cầm quyền Thực dân, xin mở trường học nghĩa thục đầu tiên tại số 10 phố Hàng Đào và do Lương Văn Can làm Thục trưởng. Lúc này Nguyễn Văn Vĩnh đã xin thôi làm công chức cho Tòa Đốc lý Hà Nội.
Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp, các nhân sỹ bị khủng bố, Phan Châu Trinh bị bắt. Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất ký đơn cùng bốn người Pháp tiến bộ, đòi Nhà Cầm quyền thả Phan Châu Trinh vì vô tội!
Trước những quyết định tàn bạo của chính quyền Thực dân tìm mọi biện pháp khủng bố Phong ĐKNT, ngày 11/12/1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức gửi văn bản phản đối tới ngài Hauser, Đốc lý Hà Nội. (bức thư này chúng tôi chụp tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp- CAOM) Trong thư nêu rõ mục đích và lý do Nguyễn Văn Vĩnh tham gia ĐKNT:
“…Lần đầu tiên tôi xuất hiện ở nhà trường là ngày 15 tháng 3 âm lịch… phần 2 của lời phát biểu của tôi là dành cho chữ Quốc ngữ, tôi đề nghị lấy nó làm chữ viết dân tộc và là cơ sở cho nền giáo dục bản xứ…
Không! với lương tri họ không thể kết tội tôi như vậy… cũng như việc đóng cửa Đông kinh Nghĩa thục là một sự trả thù hèn hạ… họ thấy tôi có vai vế trong Nghĩa thục nên họ đã đối xử với nó như với tôi…
Tôi xin phép được nói, là biện pháp vừa thi hành là vô chính trị… Vâng, đó là tất cả tội của tôi. Tôi nhắc lại là vì tôi đã muốn cải cách giáo dục mà không nhờ đến chính quyền…”.
Nguyễn Văn Vĩnh đã cay đắng và bất mãn đến cao độ khi lý tưởng khai dân trí cùng với các chí sỹ khác đã bị sức mạnh cường quyền dập tắt ngay từ những bước đi đầu tiên. Nguyễn Văn Vĩnh cùng các thân sỹ ưu tú của nền cựu học nhen nhóm xây dựng một nền tảng văn hóa riêng cho người dân nước mình trên cơ sở chữ viết riêng, chữ Quốc ngữ. Chấm dứt việc dùng chữ viết vay mượn, bẻ lái cả ý đồ của lực lượng cai trị đã thử nghiệm việc đưa tiếng Pháp vào làm ngôn ngữ chính ở một đất nước thuần nông đói nghèo.
Bất chấp những chính sách hà khắc của bộ máy cầm quyền trong việc khống chế sự phát triển dân trí, điều đi ngược với cam kết của những người Pháp tiến bộ trong bộ máy cai trị về một mối quan hệ theo tư tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh là Pháp – Việt đề huề. Nguyễn Văn Vĩnh vẫn ấp ủ niềm tin rằng, một dân tộc có cuộc cách mạng vĩ đại như Cách mạng Pháp 1789, cuộc cách mạng lấy nền tảng là Tự do – Bình đẳng – Bác ái, một đất nước có những người con trí tuệ vĩ đại như J. J. Rutxo, như A. Dumas, như V. Hugo…, một quốc gia có bộ Dân luật nổi tiếng của Napoleon, bộ luật là nền tảng pháp lý để cả châu Âu tồn tại và phát triển, quốc gia đó không thể làm ngơ, không thể chà đạp lên một dân tộc lạc hậu đến mức đã ngạc nhiên khi nhìn chiếc bóng đèn điện và thốt lên, vì sao cái đèn lại lộn ngược nhỉ?
Vào giai đoạn đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh đã tin tưởng sâu sắc vào tính nhân văn, vào tinh thần đạo lý, vào nền văn hóa vĩ đại của nước Pháp và tin vào việc người Pháp thực tâm khai hóa cho dân tộc khốn khổ của ông. Vì lẽ đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã làm mọi cách để hai dân tộc Việt – Pháp hiểu nhau, gần gũi tiến tới việc hợp tác cùng tồn tại và phát triển.
Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Châu Trinh đều không muốn quan hệ đôi bên rơi vào cảnh đầu rơi, máu chảy, bởi lẽ lịch sử của quê hương ông đã thấm quá nhiều máu và nước mắt.
Nguyễn Văn Vĩnh đã kiên nhẫn cùng với trí thông minh và lòng húy tâm văn hóa, ông miệt mài tạo dựng những sản phẩm văn hóa, văn học để chứng minh với đồng bào mình rằng, chữ viết theo hệ chữ cái La Tinh rất dễ đọc, dễ viết, nghĩa là dễ học! “Khôn thì chỉ một vài tuần, mà ngu thì cũng chỉ vài ba tháng…”. Cái chữ này nó không tốn quá nhiều cơm mới học được như chữ Hán, không tốn quá nhiều áo quần để phải mặc đến trường mà mãi vẫn học không thuộc.
Nguyễn Văn Vĩnh đã cùng với các đồng sự thông thái của mình như Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc… và nhiều nữa, tạo ra những cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở mảnh đất Bắc kỳ. Nguyễn Văn Vĩnh kết hợp bằng mọi cách, kể cả việc thông qua mối quan hệ đặc biệt với người Pháp, chấp nhận tai tiếng và thị phi để làm sao thông qua kẻ quyền lực, đưa được ánh sáng văn hóa đến đồng bào mình, đưa được cái chữ dễ học này đến người dân bằng con đường báo chí và xuất bản.
Nguyễn Văn Vĩnh tự tin, miệt mài đi trên trên con đường mới lạ này, để đến một ngày, mỗi người dân sẽ tự đòi hỏi, phải có gì đó để đọc. Đọc rồi để biết, không phải chỉ có trồng lúa mới có cái ăn, đọc rồi để biết, không phải chỉ có đôi tay mới đưa được nước tưới vào ruộng, đọc rồi sẽ biết, không phải cứ là quan thì sẽ được kính trọng. Và đọc rồi để biết làm người thì có quyền gi?!
Nguyễn Văn Vĩnh quyết tâm thực hiện mục tiêu này, làm sao để tự người dân cảm nhận được tính bức thiết của con chữ, từ đó nhiều người sẽ tự tìm đến, mặc nhiên nó sẽ trở thành sự phổ cập. Và, điều gì được phổ cập, được ưa chuộng và thấy có lợi, bắt buộc Nhà Cầm quyền phải chấp nhận.
Cùng với một thực tế mà chính Nhà Cầm quyền cũng phải lo lắng, khi các chính sách cai trị của họ, những chỉ thị bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Hán luôn luôn bị giới hạn việc đến được đông đảo người dân, nhất là những vùng quê nghèo, những cộng đồng dân cư chỉ biết bán lưng cho Trời và bán mặt cho đất!
Tất cả những yếu tố đó dồn lại, đã buộc họ phải đưa chữa viết có mẫu tự La Tinh này thành chữ Quốc ngữ. Chấm dứt việc dùng chữ mượn, tạo ra một nền văn hóa mới, văn học mới, Nền văn học chữ Quốc ngữ vào những năm 20 và 30 của thế kỷ XX ở Việt Nam. Một sự thoát hiểm ngoạn mục về văn hóa của cả dân tộc.
Để hoàn thiện con chữ tiếng Việt thiêng liêng, để nâng cao vị thế non nớt của một đứa con tinh thần của người Việt, Nguyễn Văn Vĩnh đã dồn tất cả sự quyết tâm, cộng với sự hưng phấn trước kết quả đạt được trong việc đưa chữ Quốc ngữ trở thành chất dinh dưỡng tinh thần của toàn dân, ông đã dồn sức lực vào việc cải cách, nâng cao chất lượng các ấn phẩm thông qua việc nhập công nghệ in ấn thế hệ mới của thế giới vào đầu những năm 20.
Nguyễn Văn Vĩnh say sưa với lý tưởng của mình, ung dung vật lộn với những khó khăn nhỡn tiền và không hề tính được những nước cờ cao tay của những người Pháp Thực dân trong việc tỏ ra hào phóng mở cửa Ngân hàng Đông Dương để cho vay tài chính, cơ sở để Nguyễn Văn Vĩnh cải tổ và mở rộng nghành phát hành, in ấn. Vay nợ, vốn vẫn là một chiếc thòng lọng muôn đời.
Càng thành công, càng đẩy Nguyễn Văn Vĩnh lao mạnh vào con đường mình đã chọn, con đường khai dân trí. Nguyễn Văn Vĩnh càng tự tin với quan điểm, người ta nghèo đói và khốn khổ không phải vì số mệnh, mà vì ngu đần, vì không được học hành. Ông tỏ ra chắc chắn khi khuyên mọi người rằng, muốn thoát nghèo phải có tri thức, vì tri thức sẽ mang lại trí tuệ, nhờ trí tuệ con người sẽ tìm được giải pháp cho số phận của mình, cho cuộc sống của mình.
Đây là điều mâu thuẫn với chính sách cai trị của một chế độ độc tài, chế độ cường quyền, bởi lẽ, muốn có được hiệu quả của một thể chế cường quyền, phải đẩy người dân đến chỗ ít hiểu biết, không kiến thức, có như vậy mới áp đặt được, mới đè nén được và mới giữ được vị thế của kẻ cai trị!
Mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Nguyễn Văn Vĩnh và bộ máy chính trị đương thời ngày càng gay gắt, càng đẻ ra nhiều cuộc thương thuyết. Lúc đầu chỉ là thương lượng nhưng sau trở thành sự mặc cả. Với bản chất và bản tính minh bạch, Nguyễn Văn Vĩnh đã trở thành sự đe dọa trực tiếp đến các chính sách cai trị của chế độ chính trị. Đặc biệt, mối quan hệ đặc thù giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Bội Châu đã trở thành sự lo lắng kinh hoàng đối với Nhà Cầm quyền khi họ câu lưu Nguyễn Văn Vĩnh lên Cơ quan An ninh tối cao Phủ Toàn quyền lúc 8h30 sáng ngày 15.5.1926.
Nhà Cầm quyền Thực dân đã không ân hận vì đã nghi ngờ một người “thân” Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh, khi ông trả lời thẳng băng các câu hỏi của nhân viên an ninh khét tiếng Betrand, tra vấn về quan hệ giữa ông và Phan Bội Châu.
Nguyễn Văn Vĩnh nói:
“Trong chuyến thăm Huế tháng Một vừa rồi,(1926), tôi đã gặp cụ Phan Bội Châu và nhiều nhân vật chính trị An Nam. Chúng tôi đã thoả thuận thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng hoà tiến bộ. Chúng tôi đã soạn thảo Điều lệ và đã trình lên quan Toàn quyền để ngài chuyển tới quan Thống sứ Bắc kỳ và quan Khâm sứ Trung kỳ để xem xét ”.
Dù vậy, họ đã không tin nổi khi nghe Nguyễn Văn Vĩnh nhận xét về Phan Bội Châu với một lòng kính trọng cao ngất. Nguyễn Văn Vĩnh nói rõ:
“Ngày xưa các quan lại là “Phụ mẫu“ của dân nhưng ngày nay họ là viên chức , nghĩa là người làm công ăn lương của người đóng thuế, nhưng họ không phục vụ dân, không phục vụ nhà nước Bảo hộ, ngược lại họ là những kẻ lừa dân. Bằng những việc xấu xa đó, họ đã làm dân chúng căm phẫn Chính quyền. Tôi không thể tôn trọng họ chút nào. Tôi nghĩ rằng những bậc Khoa bảng nói chung và cụ Phan Bội Châu nói riêng là những người đứng trên những kẻ đó .
Cụ Phan Bội Châu là một vị anh hùng, bởi lẽ cụ bao giờ cũng chỉ đi theo lý tưởng của mình và không bao giờ chịu khuất phục cường quyền!”.
(Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp CAOM – Mã SPCE 374 – Người dịch sang tiếng Việt, nhà giáo Đỗ Ca Sơn – Chiến sỹ Đồi A1, Điện Biên Phủ).
Cuối năm 1930, đầu 1931, Trước hàng loạt những biến đổi phức tạp, bất lợi trong bối cảnh khủng hoảng ở Đông Dương và trường Thế giới, Nhà Cầm quyền lúng túng, hoảng loạn. Ngài Toàn quyền đã bối rối chất vấn Nguyễn Bá Trác là Tổng Đốc Thanh Hóa vừa từ Nhật Bản về, rằng:
“Theo ông, nhà cách mạng nào nguy hiểm nhất hiện nay? Nguyễn Bá Trác đã không do dự trả lời ngắn gọn: Nguyễn Văn Vĩnh!
(Vũ Bằng – 40 năm nói láo)
Đến thời điểm đó của lịch sử, Nguyễn Văn Vĩnh mới thấy cái nham hiểm của cái gọi là “hảo tâm” của Ngân hàng Đông Dương. Nhà Cầm quyền đinh ninh với chiếc thòng lọng “tiền”, nhất định sẽ khuất phục được Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng họ lại lầm lẫn một lần nữa về Nguyễn Văn Vĩnh. Họ trao Bắc đẩu Bội tinh, họ ban lá ngọc cành vàng của Vương Triều, họ cam kết xóa nợ chứ không phải chỉ bỏ xiết nợ, chỉ với một điều kiện: Chấm dứt toàn bộ việc viết!
Để giữ cái liêm sỷ của thằng người, để chứng minh cái chân chính của lý tưởng mà Nguyễn Văn Vĩnh theo đuổi trong sự nghiệp khai dân trí, để gia đình vợ con không phải thấy bị sỷ nhục nếu thầy mình phải đi tù, Nguyễn Văn Vĩnh chấp nhận giải pháp của Nhà Cầm quyền: Đi tìm vàng bên Lào để trả nợ!
Một thân một mình, giữa nơi rừng thiêng nước độc, sơm thâm cùng cốc của Vương quốc Vạn tượng, người ta tìm thấy thân xác ông trên một con thuyền độc mộc sau một đêm mưa gió, một tay vẫn giữ chặt cây bút, còn tay kia là quyển sổ vẫn đang viết tiếp ký sự “Một tháng với những người đi tìm vàng”. Đó là ngày 1.5.1936. Ngày hôm sau, Nhà Cầm quyền thông báo: Nguyễn Văn Vĩnh chết vì sốt rét và kiết lỵ, một trong những lý do ai cũng phải tin vào cái bối cảnh đó!
Vì lòng kính trọng, Hội Tam Điểm (Franc Maconnerie) nơi Nguyễn Văn Vĩnh là hội viên đã đưa thi hài ông về quàng ở trụ sở Hội, số nhà 107 phố Trần Hưng Đạo Hà Nội. Ngày 8.5.1936, đám tang của ông đã kéo dài suốt hai đêm và một ngày. Người ta vinh danh ông là Người công dân vĩ đại!
Nhà yêu nước Phan Bội Châu, vì đau cảm khi nghe tin Nguyễn Văn Vĩnh mất, đã gửi đôi câu đối viếng vừa bằng chữ Quốc ngữ, vừa bằng tiếng Hán, trong đó có đoạn:
“Mây hạc sẽ về đâu, ôi bạn ta ngọc báu của năm châu, kim khánh chửa từng đeo, há có như núi vàng mà cướp người tài mang đi mất…”.
Nhà yêu nước Nguyễn Văn Tố đã tổng hợp sự nghiệp đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh, bằng một bài viết 30 trang trên Tạp chí của Hội Tương tác Giáo dục Đông kinh số 1 và 2 năm 1936 với khẳng định:
“Bởi vì, riêng việc ông toàn tâm toàn ý phát triển chữ quốc ngữ, chỉ riêng việc đó thôi, đã bộc lộ toàn bộ cái giá trị của một con người đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ ai, để khiến cho cái thứ chữ đó trở thành một trong những thành tựu bền lâu của trí tuệ con người.”.
CÁC MỐC QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆPCỦA NGUYỄN VĂN VĨNH
– Là người Việt Nam đầu tiên là hội viên Hội Nhân quyền Pháp 1906.
– Là người đứng đơn xin Nhà Cầm quyền mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục 1907, và xin thành công.
– Là Chủ bút của bẩy tờ báo trong 30 năm lao động.
– Là Chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở phía Bắc Việt Nam Đăng Cổ Tùng Báo 1907.
– Là Chủ bút tờ báo đầu tiên thuần Việt Đông Dương Tạp Chí 1913.
– Là Chủ bút tờ báo ra hàng ngày đầu tiên ở Việt Nam Trung Bắc Tân Văn 1919.
– Là Chủ bút tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau – Nước Nam mới được giải thưởng lớn GRAND PRIX tại Hội chợ Báo chí thuộc địa 1932 tại Paris.
– Là người Việt Nam đầu tiên dịch các tác phẩm văn học, triết học, khoa học của gần ba mươi nhà văn, nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà chính trị của Pháp và thế giới ra tiếng Việt. Các tác phẩm kinh điển như của La Fontaine (Chuyện Ngụ ngôn), V. Hugo (Những Người Khốn Khổ), H. Balzac (Miếng Da Lừa), A. Dumas (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ), Molière (Người Bệnh Tưởng), Manon Lescaut (Mai Nương Lệ Cốt), Gil Blas de Santillane … các triết gia nổi tiếng của Châu Âu như : La Rochefoucault, Jean-Jacques Rousseau, Blaise Pascal, François Rabelais, Gaston Paris….
– Là người Việt Nam đầu tiên năm 1920 đưa sân khấu kịch nói vào Việt Nam, thực hiện trên sân khấu Nhà Hát lớn Hà Nội qua các vở kịch của Molière.
– Là người Việt Nam đầu tiên hợp tác với hãng phim Indochinacinema của Pháp, biên kịch, dựng và thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam Kim Vân kiều năm 1924.
– Là người Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công việc cải tiến chữ Quốc ngữ để chuyển được qua điện tín với nguyên tắc a a = â, u và w = ư, o và o = ô…. Đó là năm 1927.
– Là người Việt Nam thành công nhất trong việc dịch trọn bộ Truyện Kiều ra tiếng Pháp, Nhà Xuất bản Alexande de Rhodes ấn hành năm 1942.
– Là người Việt Nam duy nhất từ chối Kim khánh của Vua Khải Định. Từ chối hai lần Bắc Đẩu Bội Tinh của Chính phủ Pháp. Từ chối làm Thượng Thư cho Triều đình Huế.
(Diễn từ đọc tại Quỹ Văn hóa PHAN CHÂU TRINH)
Nguồn bài đăng