Các yếu tố Lịch sử- Địa lý- Văn hóa trong mối tương quan với sự hình thành các tôn giáo nội sinh của người Việt Nam Bộ
Tòa Thánh Cao Đài- Tây Ninh Huỳnh Thiệu Phong Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc là vùng đất được khai mở sau cùng. Sự khai mở sau cùng đã làm cho vùng đất trẻ này mang sắc thái văn hóa đa dạng, vừa cũ lại vừa mới; trong đó phải kể đến ...
Huỳnh Thiệu Phong
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc là vùng đất được khai mở sau cùng. Sự khai mở sau cùng đã làm cho vùng đất trẻ này mang sắc thái văn hóa đa dạng, vừa cũ lại vừa mới; trong đó phải kể đến tính đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần. Bởi vì Nam Bộ là nơi chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các tín ngưỡng và tôn giáo bản địa sơ khai. Nổi bật hơn cả là đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kì Hương, … Điều này được quy định bởi các yếu tố lịch sử – địa lý – văn hóa.
- Đặt vấn đề
Tôn giáo được hình thành như một nhu cầu tất yếu kể từ khi con người biết tổ chức xã hội. Đó là điều đã được nhiều nhà nghiên cứu thống nhất. Thời kỳ đó cách ngày nay khoảng 95.000 – 35.000 năm trước Công nguyên [10: 39]. Những tôn giáo được hình thành nhằm đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: Tạo hóa của vũ trụ, nhân loại là gì ? Sự tồn tại của thần thánh ? Những vấn đề thuộc phạm trù linh thiêng; giải thích những giá trị đạo đức, những giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”… Và do vậy, tôn giáo là một phần của đời sống văn hóa nhân loại.
Tại Việt Nam, như nhận định của Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa Việt Nam đặt trên nền tảng nông nghiệp lúa nước điển hình với lối tư duy tổng hợp và tính linh hoạt có đặc điểm nổi bật là thường tồng hợp tiếp nhận và linh hoạt cải biến là chính mà ít có những sáng tạo văn hóa lớn…” [8: 228]; điều này đã tác động đến việc tồn tại song song cả những tôn giáo ngoại nhập và cả những tôn giáo nội sinh (bản địa).
Ở Nam Bộ nói riêng, vùng đất có nhiều đặc thù cả về lịch sử, địa lý và văn hóa đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt tôn giáo mới. Hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện không phải là một sự kiện mang tính đột phát trong lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung, “… Riêng ở Nhật Bản đã có hàng nghìn tôn giáo mới ra đời trong thế kỷ XX…” [7: 274]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao hầu hết những tôn giáo bản địa lại chủ yếu và hầu như tập trung ra đời tại vùng đất Nam Bộ (cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) mà không phải là tại những vùng đất khác ?
Để giải quyết vấn đề trên, tác giả bài viết tập trung làm rõ3 yếu tố cấu thành nên những tôn giáo đó: Lịch sử – địa lý – văn hóa vùng Nam Bộ. Đây là nội dung chính của bài viết này.
- Từ lịch sử – địa lý – văn hóa đến sự hình thành các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ
Nghiên cứu sự xuất hiện và tồn tại của tôn giáo thì trước tiên phải xem tôn giáo là một phạm trù cũng như là thành tố của văn hóa. Bởi vì, ba yếu tố lịch sử – địa lý – văn hóa có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ngô Văn Lệ (và nhiều học giả nước ngoài) chấp nhận quan điểm cho rằng tôn giáo là một hiện tượng xã hội [6: 113]. Song, tác giả cho rằng điều này là chưa đủ, vì cần phải vừa xem tôn giáo là một hiện tượng xã hội, đồng thời cũng phải xem tôn giáo là một hiện tượng văn hóa. Bởi vì, “… tính đa dạng của tôn giáo phản ánh tính đa dạng của văn hóa mà tôn giáo là một bộ phận văn hóa tinh thần (spirituel) hay phi vật thể (intangible)…” [10: 53, 54]. Mặt khác, nói tôn giáo là một hiện tượng xã hội vì khi xã hội được hình thành thì tôn giáo mới xuất hiện, hay nói như Đặng Nghiêm Vạn là không có “con người tôn giáo”[1].Như vậy, tìm hiểu về sự hình thành của các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ từ hai góc độ (tôn giáo là hiện tượng văn hóa – xã hội) sẽ giúp ta có câu trả lời thỏa đáng.Về vấn đề này, tác giả đồng ý quan điểm của Nguyễn Quang Hưng khi cho rằng: “… không thể bó hẹp cái tôn giáo trong các hoạt đông tôn giáo cụ thể, mà hơn thế phải xem chúng như những hiện tượng văn hóa, xã hội có ảnh hưởng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội…” [5: 19].
Lý Tùng Hiếu trong một bài viết của mình đã đề cập: “đây (Nam Bộ – HTP chú giải) chính là vùng đất phong phú nhất về tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam, với đầy đủ bốn loại hình tôn giáo đa thần, độc thần, nội sinh và ngoại sinh” [3: 6]. Do vậy, việc tiếp cận từ hai góc độ đã nói ở trên sẽ giúp ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về nhận định trên của Lý Tùng Hiếu.
- Từ lịch sử đến việc hình thành các tôn giáo ở Nam Bộ (xem tôn giáo như một hiện tượng xã hội)
Năm 1558, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã vượt dãy Hoành Sơn để vào lập nghiệp ở vùng đất phía Nam (sau này chính là Đàng Trong). Sự kiện này đã mở ra một bước tiến trong việc mở rộng lãnh thổ về phương Nam của dân tộc. Đến năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh Chúa Nguyễn vào kinh lý miền Nam, đánh dấu cho sự xác lập hệ thống chính quyền tại Nam Bộ. Hai trong số những sự kiện ấy là những tiền đề quan trọng cho việc đánh dấu sự có mặt của người Việt trên đất Nam Bộ. Những lưu dân Việt đầu tiên vào định cư ở Nam Bộ gồm nhiều thành phần, trong đó đáng quan tâm nhất chính là những người ra đi vì nghèo khó, hay những người mang trong mình trọng tội, họ vào đây với tâm thế của những người bị phát vãng.
Khi nói về vai trò của các tôn giáo đối với sự phát triển của vùng Nam Bộ, Nguyễn Hồng Dương đã đề cập: “… Những cư dân Nam Bộ khẩn hoang mang tính tự phát. Khẩn hoang là một công việc nặng nhọc, nó đòi hỏi sự hợp lực của một cộn đồng người. Vì vậy tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ giữ vai trò rất lớn trong việc tập hợp cư dân – tín đồ hợp sức khẩn hoang, lập ấp…” [2: 269]. Do đó, có thể xem các tổ chức tôn giáo của người Việt như một cộng đồng, một tổ chức được hình thành để đáp ứng nhu cầu tương trợ nhau trong việc khai phá vùng đất Nam Bộ vốn dĩ hoang vu và đầy hiểm trở.
Về sau (đến năm 1859), khi Pháp nổ súng tấn công đánh chiếm Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, “… những người yêu nước, dù rất gắn bó với quê hương, rời khỏi quê hương sang định cư ở miền Tây (…) Kết quả đồng bằng phì nhiêu Đông Nam Bộ được giao cho những người Công giáo theo Pháp…” [7: 275]. Theo học giả Phan Ngọc, ông cho rằng điều này xuất phát từ tâm lý Tổ quốc luận của người Việt Nam. Sự đô hộ của Pháp đã khiến cho những người Việt ở Nam Bộ rơi vào cảnh túng quẫn về mặt tinh thần; chính lúc này, những tôn giáo ra đời như một sự ràng buộc người dân vào một tổ chức đủ lớn mạnh để một mặt vừa đáp ứng kinh tế sản xuất, mặt khác là hỗ trợ và chăm lo về phương diện đời sống tinh thần cho họ.
Đặng Thế Đại có lý khi cho rằng nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ lúc bấy giờ đều có căn cứ ở miền Tây (chẳng hạn như các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, … [7]. Việc cùng nhìn về một hướng khi tham gia các đội nghĩa quân bắt nguồn từ việc có chung một hệ tư tưởng – đó chính là những triết lý hay tôn chỉ của những tôn giáo mới.
Như vậy có thể khẳng định, sự hình thành của các tôn giáo ở Nam Bộ có mối quan hệ sâu xa đến yếu tố lịch sử. Những biến động của lịch sử (có thể tích cực hoặc tiêu cực) đã tác động đến việc định hình và phát triển nhiều tôn giáo ở Nam Bộ. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là tại sao cộng đồng người Việt Nam Bộ lại không tìm đến Phật giáo hay Nho giáo – những tôn giáo vốn dĩ rất quen thuộc với người Việt, mà lại tìm cách sáng tạo ra những tôn giáo mới ? Câu hỏi này, theo chúng tôi phải lý giải ở góc độ văn hóa, tức xem tôn giáo như một hiện tượng văn hóa.
- Từ văn hóa đến việc hình thành các tôn giáo ở Nam Bộ (xem tôn giáo như một hiện tượng văn hóa)
Trong lịch sử dân tộc, Phật giáo và Nho giáo trong một số thời kỳ đã được lựa chọn là quốc giáo, nhận được sự ủng hộ to lớn của nhiều giai cấp trong xã hội. Tuy nhiên, đối với những người Việt vào Nam Bộ, vốn đa phần là những người nghèo khổ, họ vào vùng đất mới vì bị ép buộc hoặc do mong muốn tìm kiếm cuộc sống mới; do vậy mà những giáo lý của nhà Phật, hay những tư tưởng triết học của Nho giáo đối với họ là không phù hợp, xa với thực tiễn.
Trong một bài viết của mình, Lý Tùng Hiếu khi đề cập đến những đặc trưng tôn giáo ở Nam Bộ đã nêu lên 4 đặc trưng nổi bật: Tính đa dạng – tính dung hợp – tính hệ thống – tính dân tộc [3: 10]. Trong những đặc trưng đó, tác giả cho rằng tính dung hợp và tính dân tộc là nổi trội hơn cả.
+ Về tính dung hợp, sự ra đời của những tôn giáo nội sinh của người Việt có thể nói là vừa mới mà vừa cũ. Mới vì chúng được chính người Việt sáng tạo ra, nhưng cũ vì thực chất những giáo lý đó chính là sự tổng hợp của những tôn giáo ngoại nhập như đạo Phật, đạo Nho, Đạo giáo.
+ Về tính dân tộc, như đã đề cập ở trên, sự khó khăn của thiên nhiên buổi đầu kết hợp với việc bị ngoại bang xâm lược, họ cần một điểm tựa về mặt tâm linh để cùng nhau vượt qua khó khăn. Những tôn giáo ra đời vừa như một tổ chức chính trị, vừa như một giáo hội quy tụ nhiều thành phần dân cư. Điều này cũng lý giải cho một thực tế là tại sao ở Nam Bộ rất dễ hình thành những đạo kì quặc như đạo Dừa, đạo Nằm, đạo Câm, đạo Ngồi, v.v… Phan An đã gọi đây là hiện tượng “Ông Đạo”[2].
Mặt khác, khi tìm hiểu về sự hình thành các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ, một điểm lưu ý mà ta không thể bỏ qua đó chính là đặc trưng về tính cách của người dân. Xuyên suốt bài viết này, tôi luôn nhấn mạnh đến vị thế của cộng đồng người Việt Nam Bộ: Họ chính là những lưu dân, ra đi với bàn tay trắng. Do vậy mà trong thâm tâm của họ, sự hào hiệp và tương trợ nhau luôn là một tiêu chí hàng đầu mà những lưu dân này luôn đề cao để có thể cùng nhau sinh tồn, chung lưng đấu cật để vượt qua khó khăn, hiểm nguy nơi vùng đất mới đầy hoang vu. Như vậy, việc hình thành nên các tôn giáo mới ở đất Nam Bộ đã góp phần vào sự tương trợ nhau đó, điều này cho phép ta lý giải một thực tế là chỉ có vùng đất Nam Bộ là vùng đất duy nhất sản sinh ra hàng loạt tôn giáo bản địa, như nhận định của Nguyễn Hồng Dương: “Tôn giáo đã liên kết, cố kết họ trong một thôn ấp, một họ đạo (đối với đạo Cao Đài). Đó là sự liên kết vừa vô hình vừa hữu hình (..) Sự cố kết tâm linh vì vậy trở nên chủ đạo khiến cho các tôn giáo này đứng vững trước những biến động của dân tộc trước thế kỷ XX. Và phải chăng đó cũng là nguyên nhân khiến cho các tôn giáo này chỉ có thể duy trì và phát triển được ở Nam Bộ mà không có chỗ đứng ở vùng đất khác, nhất là ở Bắc Bộ” [2: 268].
Người Nam Bộ từ lâu đã được công nhận là những người hào sảng, nghĩa hiệp. Trần Ngọc Thêm trong công trình Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộđã nêu lên hệ giá trị tính cách của người Việt Nam Bộ với 6 tính cách: Tính sông nước, tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực, tính mở thoáng [8]. Theo tác giả, những hệ giá trị tính cách này cũng đã ảnh hưởng đến việc hình thành nên các tôn giáo nội sinh ở vùng đất Nam Bộ.
- Địa lý – yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến sự hình thành các tôn giáo nội sinh của người Việt Nam Bộ
Từ lâu, địa – văn hóa đã được xem là một góc độ tiếp cận khi nghiên cứu văn hóa vùng miền; điều này cho thấy yếu tố địa lý cũng đã tác động không nhỏ đến việc hình thành các đặc trưng văn hóa. Tôn giáo là một thành tố của văn hóa và do vậy, khi tìm hiểu về sự hình thành các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ ta cũng cần lưu ý đến yếu tố địa lý của vùng đất này.
Bằng phương pháp định vị K-C-T, Trần Ngọc Thêm đã có nhận định: “Xét về không gian, Nam Bộ là vùng đất mới, đến cuối thế kỷ XIX vẫn còn là một môi trường sống đầy bí ẩn. Tây Nam Bộ lại là vùng khai phá sau cùng, có vị trí “sau Sài Gòn”, nhờ đó mà nơi đây không còn bị chi phối nhiều bởi văn hóa và những tôn giáo truyền thống nên dễ dàng chấp nhận cái mới, cũng là nơi có nhiều tự do hơ trong việc sáng tạo cái mới…” [8: 228]. Mặt khác, “… Ba con sông Tiền Giang, Hậu Giang và Vàm Nao mang phù sa đổ vào bồi đắp ruộng đồng, cùng với Thất Sơn hình thành nên địa thế “Tiền tam giang, hậu Thất lĩnh” (“Trước mặt có ba con sông, sau lưng có bảy ngọn núi”) rất phù hợp cho sự tồn tại và sáng tạo các tôn giáo mới” [8: 228].
Thứ hai, sự hiện diện của nhiều tộc người khác nhau với nhiều tôn giáo khác nhau đã giúp cho cộng đồng người Việt Nam Bộ có điều kiện tiếp xúc, tác động lẫn nhau và dẫn đến quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, trong đó có sự giao lưu về văn hóa tôn giáo. Ở Tây Nam Bộ nổi tiếng nhất là dãy Thất Sơn gắn liền với sự hình thành của đạo Hòa Hảo của giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Còn về phần Đông Nam Bộ, núi Bà Đen – ngọn núi cao nhất vùng lại gắn liền với sự ra đời của một tôn giáo lớn khác chính là đạo Cao Đài.
Mặt khác, vì nằm ở khu vực có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, khu vực Nam Bộ có nhiều cây thuốc dân giã có tác dụng chữa bệnh. Đây chính là nguồn thảo dược có công dụng cao để những ông Đạo dùng làm thuốc chữa bệnh, đồng thời kết hợp với các hình thức bùa chú, bói toán, làm cho người dân ngày càng tin vào khả năng thần bí của những ông Đạo này. Hệ quả dẫn theo là hàng loạt đạo kỳ quặc đã xuất hiện vì ai cũng có thể tạo lập một đạo riêng và được người dân hưởng ứng một cách mù quáng.
- Kết luận
Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, tôn giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Tôn giáo vừa là một hiện tượng xã hội, nhưng đồng thời cũng là một hiện tượng văn hóa. Thông qua việc tìm ra mối tương quan giữa ba yếu tố lịch sử – văn hóa – địa lý vùng Nam Bộ, bài viết góp phần lý giải, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến việc hình thành nên các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam tại vùng đất Nam Bộ.
Ngày nay, mặc dù những tôn giáo đã hình thành và tồn tại tại Nam Bộ không phải đều được công nhận về giá trị pháp nhân hết tất cả, song tất cả đều là những minh chứng sống động nhất về một lịch sử đầy biến động của vùng đất Nam Bộ. Sự hình thành dù chỉ trong một thời gian ngắn của một số tôn giáo đã thể hiện khao khát được sống và phát triển ngay tại vùng đất mới này của cộng đồng người Việt, với mong muốn hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Tất cả đều sẽ là những dấu ấn khó phai trong dòng chảy lịch sử dân tộc nói chung, của dòng chảy lịch sử vùng đất Nam Bộ nói riêng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Phan An (2010), “Người Việt Nam Bộ từ góc nhìn tôn giáo”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (số 311).
- Nguyễn Hồng Dương (2013), Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin.
- Lý Tùng Hiếu (2013), “Tổng quan về tôn giáo của cư dân Nam Bộ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn sự chuyển đổi tôn giáo của các dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ”, tr11 – 32.
- Nguyễn Đắc Hưng (2009), Việt Nam: Văn hóa và con người, Nxb Chính trị Quốc gia.
- Đỗ Quang Hưng (2014), Nhà nước – Tôn giáo – Luật pháp, Nxb Chính trị Quốc gia.
- Ngô Văn Lệ (2003), Một số vấn đề về văn hóa tộc người ở Nam Bộ và Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
- Phan Ngọc (2013), Nền văn hóa mới của Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin.
- Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.
- Đỗ Anh Thơ (2015), Hình ảnh văn hóa tôn giáo thế giới và Việt Nam,Nxb Hồng Đức.
- Đặng Nghiêm Vạn (2012), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.
H.T.P
Sài Gòn, 27/03/2016
Chú thích:
[1]Thuật ngữ của GS. Đặng Nghiêm Vạn.
[2]Lý giải điều này, nhà nghiên cứu Phan An đã có những lý giải liên quan đến yếu tố địa lý, tự nhiên, tác giả sẽ trình bày ở phần tiếp theo của bài viết.