23/05/2018, 15:54

Sinh trưởng phát triển của cây môn, sọ

Các giai đoạn sinh trưởng phát triển Cây Môn, Sọ là cây thân thảo nhưng nó tồn tại năm này qua năm khác là nhờ củ cái và củ con. Từ trồng đến khi thu hoạch cây có thể trải qua 3 thời kỳ sinh trưởng phát triển: Ra rễ mọc mầm, sinh trưởng thân lá, phình to của thân củ. Các thời kỳ sinh trưởng phát ...

Các giai đoạn sinh trưởng phát triển

Cây Môn, Sọ là cây thân thảo nhưng nó tồn tại năm này qua năm khác là nhờ củ cái và củ con. Từ trồng đến khi thu hoạch cây có thể trải qua 3 thời kỳ sinh trưởng phát triển: Ra rễ mọc mầm, sinh trưởng thân lá, phình to của thân củ. Các thời kỳ sinh trưởng phát triển này chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố ngoại cảnh và có mối liên quan chặt chẽ với các yếu tố cấu thành năng suất

Giai đoạn ra rễ mọc mầm

Sự hình thành rễ và sự phát triển nhanh chóng của rễ được xảy ra ngay sau khi trồng và tiếp theo là sự phát triển nhanh chóng của chồi (mầm) củ. Khi chồi mầm ra khỏi mặt đất thì rễ đã dài từ 3 – 5cm. Sự phát triển của rễ tương ứng với sự phát triển của lá : cứ ra một lá thì lại sinh ra một lớp rễ. Từ khi chồi mầm nhú lên khỏi mặt đất đến khi phát triển lá thứ nhất mất khoảng 15 – 20 ngày. Sau đó trung bình 10 – 12 ngày xoè 1 lá. Từ lúc lá nhú đến nở hoàn toàn mất 4 – 5 ngày. Tuổi thọ của lá khoảng 32 – 37 ngày. Khi ra lá thứ 4, thứ 5 thì lá thứ nhất bắt đầu héo, sau đó cứ được 2 – 3 lá thì có một lá héo.

Giai đoạn sinh trưởng thân lá

Đặc trưng bởi sự phát triển thân lá và hình thành củ cái. Khi tốc độ ra lá nhanh, cũng là lúc diện tích lá tăng nhanh nhất. Sự hỉnh thành củ cái thường bắt đầu xảy ra sau trồng khoảng 3 tháng. Sự hình thành củ con được xảy ra sau đó một thời gian ngắn. Trong giai đoạn này cây cũng bắt đầu đẻ nhánh phụ. Sự phát triển của chồi và lá sẽ chỉ giảm mạnh vào khoảng sau trồng 5-6 tháng. Vào thời điểm đó số lá mọc ra chậm lại, chiều dài của dọc cũng giảm, giảm tổng diện tích lá trên cây và giảm cả chiều cao cây trung bình trên đồng ruộng. Hiện tượng này thường gọi là khoai xuống dọc.

Giai đoạn phình to của thân củ

Thời gian đầu củ cái và củ con phát triển chậm nhưng khoảng tháng thứ 4-6 (phụ thuộc vào giống, ngắn ngày hay dài) khi sự phát triển của chồi giảm, củ cái và củ con phát triển rất nhanh. Cuối vụ (thường là đầu mùa khô), sự lụi đi của bộ rễ và các chồi càng tăng nhanh cho đến khi chồi chính chết. Lúc này thu hoạch củ là thích hợp nhất. Nếu củ không được thu hoạch, chính củ cái và củ con cho phép cây tồn tại qua mùa khô và chúng sẽ nẩy mầm, mọc thành cây mới vào thời vụ thích hợp tiếp theo. Những nơi không có mùa khô, sau khi thân tàn củ lại mọc mầm mối tiếp tục phát triển thêm vài năm nữa.

vun goc khoai mon

Quá trình ra hoa trong điều kiện tự nhiên rất hiếm thấy, chỉ xảy ra với một số kiểu gen. Hiện tượng ra hoa quan sát thấy khá sớm cùng với sự hình thành củ. Hoa Môn, Sọ được thụ phấn nhờ côn trùng. Sự hình thành quả, hạt rất ít khí xảy ra trong điều kiện tự nhiên.

Cây Môn, Sọ sinh sản chủ yếu bằng phương thức vô tính nhưng khi theo dõi một vòng đời hoàn chỉnh của nó ta thấy cây Môn, Sọ có thể ra hoa và nhân giống bằng hạt như các loài cây có củ khác thuộc họ Ráy. Ví dụ: vòng đời của cây khoai Nưa- Amorphophallus companulatus, tương tự như cây khoai Sọ. Tuy nhiên, thời gian của vòng đời cây khoai Nưa cần 18 tháng trong khi của cây , Sọ là dưới 1 năm. Ráy đầm lầy có vòng đời dài nhất.

Vòng đời của khoai Môn, Sọ có thể nhận biết được khi phân tích bề mặt củ cái với các phần sót lại của lá, giải bò hoặc chồi non, cụm hoa, rễ và thậm chí những vết bệnh gây ra bởi côn trùng. Từ số lá còn lại trên củ, nếu biết thời gian cần thiết để phát triển mỗi lá mới sẽ cho phép ước lượng tuổi của cây. Phân tích phần còn lại của các cụm hoa (số cụm và số cuống hoa mỗi cụm) sẽ xác định được chính xác khả năng ra hoa của cây. Sự biến đổi của đường kính củ cho biết sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh, củ thường nhỏ lại khi đất bị khô hạn hoặc bị ngập nước trong một thời gian nhất định.

Các đặc điểm sinh lý khoai môn, sọ

Hiện tượng ra hoa và kết hạt ở khoai Môn, Sọ khá hiếm trong điều kiện tự nhiên. Hầu hết các giống đều kết thúc vòng đời trên đồng ruộng, không có thời kỳ ra hoa, một số khác không bao giờ ra hoa. Trong nhiều năm, đặc điểm không ra hoa của cây Môn, Sọ đã hạn chế rất lớn đến công tác cải tiến giống Môn, Sọ bằng phương pháp lai tạo. Hiện nay vấn đề này đã được giải quyết khi phát hiện ra axit gibberellic (GA) có tác động làm cho cây Môn, Sọ ra hoa (Wilson, 1979).

Thường khi cây Môn, Sọ trồng từ củ cái hoặc củ con được 3 -5 lá trên đồng ruộng người ta tiến hành xử lý với 15.000ppm GA3 hoặc để củ lại trên đồng ruộng khi cây đã lụi lá, sang năm sau khi từ những củ đó sinh ra những lá đầu tiên thì xử lý GA3 với nồng độ như trên, cả 2 phương pháp sau khi phun khoảng 2 -4 tháng cây sẽ ra hoa.

Ở Việt Nam, trong điều kiện tự nhiên, chỉ có các giống khoai Nước ra hoa thường xuyên, một số giống khoai Môn quan sát thấy ra hoa còn khoai Sọ thì rất hiếm gặp. Khoai Nước thường ra hoa tương đối tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Từ khi bắt đầu ra hoa đến khi hoa bắt đầu lụi mất khoảng 20 – 25 ngày.

0