23/05/2018, 15:53

Kỹ thuật trồng khoai Nước

Chọn giống và xử lý giống Khoai Nước thường được trồng bằng đầu khoai (mặt củ), cũng có thể trồng bằng củ trên cạn. Cần chọn cây tốt ở ruộng khoai đã được 1 năm, thu hoạch, cắt dọc lá và phần củ dưới, lấy đầu củ dày khoảng 2cm cùng với phần dọc ở phía trên dài độ 20 – 30cm, chấm tro chỗ cắt rồi ...

Chọn giống và xử lý giống

Khoai Nước thường được trồng bằng đầu khoai (mặt củ), cũng có thể trồng bằng củ trên cạn.

Cần chọn cây tốt ở ruộng khoai đã được 1 năm, thu hoạch, cắt dọc lá và phần củ dưới, lấy đầu củ dày khoảng 2cm cùng với phần dọc ở phía trên dài độ 20 – 30cm, chấm tro chỗ cắt rồi để nơi mát hai ba ngày sau mới đem trồng. Khi chọn không lấy đầu quá nhỏ, nên chọn những cây con có đường kính ở mặt từ 2 – 3cm trở lên (1 khóm có 10 cây chọn 5 – 6 cây lớn đều là vừa). Những củ đã thối thì tuyệt đối phải loại bỏ.

Làm đất

Khoai Nước sinh trưởng kém ở nơi đất chua, tuy nhiên trên đất chua vừa, có pH = 5, khoai vẫn phát triển mạnh. Sau khi gặt xong cày ngay lần thứ nhất, sâu 10 – 12cm. Ngâm ruộng khoảng 15-20 ngày rồi bừa vỡ 4 – 5 lượt, lại cho nước vào ngâm 15 – 20 ngày nữa. Tiếp tục cày lại lần 2 sâu thêm 15 – 17cm, lại ngâm ruộng một thời gian rồi tiến hành cày bừa kỹ 5 – 6 lượt để trồng. Phân bón lót vào lúc bừa lần cuối. Ruộng bừa xong không nên trồng ngay, đợi cho lắng bùn 2 – 4 ngày mới trồng.

Bón phân

Khoai Nước rất phàm ăn, năng suất tỷ lệ thuận với số lượng phân bón. Càng bón nhiều phân, dọc càng dài, càng to, cả càng lớn và có nhiều bột. Bón phối hợp NPK, hay NP cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao nhất. Phân chuồng và phân lân (NPK tổng hợp) bón lót hết trước khi trồng. Có thể dùng nước tiểu hoặc phân đạm để bón thúc cho cây khi cây bắt đầu đẻ nhánh. Phân bón lót là 10 – 15 tấn phân chuồng + 300kg supe lân + 100kg clorua kali/ha. Lượng phân bón thúc khoảng 300 – 400kg sunphat đạm/ha chia làm 2 đợt, đợt 1 khí cây có 3 lá, đợt 2 khi cây đẻ nhánh mạnh.

Thời vụ

Khoai Nước có thể trồng được quanh năm trừ những tháng quá nóng hoặc quá rét, tuy nhiên để đạt năng suất cao, nên trồng theo 2 vụ chính : vụ Xuân và vụ Thu. Vụ Xuân trồng tháng 3 – 4, vụ Thu tháng 8 – 9. Thường giống ngắn ngày được trồng vụ Thu, các giống dài ngày trồng vụ Xuân

Cách trồng

Ở ruộng nước, để cho ruộng lắng bùn mới trồng. Khi trồng đưa gốc về phía trước một ít cho khoai chặt gốc. Trồng sâu vào khoảng 5 – 7cm là vừa. Trồng nông cây dễ bị đổ, sau này củ và rễ sẽ ăn nổi, mất nhiều công chăm sóc.

Nếu trồng bằng củ để ruộng lắng bùn, bốc bùn đắp cho cao hơn mặt nước thành những nấm cao 7 – 8cm, đường kính 10 – 15cm như hình cái bát rồi đem củ ấn nhẹ cho ngập nửa củ trong bùn.

Nếu trồng trên ruộng cạn, thì sau khi cày bừa làm nhỏ đất, vun luống nhẹ cao 20 – 30cm, rạch rãnh, rãnh nọ cách rãnh kia 60 – 70cm, bón phân vào rạch, lấy cuốc xáo đều, mang khoai trồng cách nhau 30 – 40cm. Khoai mọc sẽ vun gốc dần thành luống.

Mật độ

Mật độ trồng khoai Nước thay đổi tuỳ giống và tuỳ loại đất trồng. Đất tốt trồng thưa hơn đất xấu, giống đẻ nhiều trồng dày hơn giống đẻ ít. Thường mật độ trồng khoai Nước biến động trong khoảng 45.000 – 50.000 cây/ha.

Chăm sóc

Cây khoai Nước có 2 thời kỳ sinh trưởng: thời kỳ phát triển dọc từ lúc trồng đến khoảng hết tháng thứ 6, và thời kỳ phát triển củ từ tháng thứ 7 trở đi đến lúc thu hoạch, ở thời kỳ đầu cây phát triển rễ, đẻ nhánh, dọc lá và lá, bộ phận trên mặt đất phát triển mạnh, sử dụng nhiều N và P. Thời kỳ sau, khoai phát triển củ, sử dụng nhiều K, và N, P cùng dồn về củ.

Khoai trồng lấy dọc ở ven ao hồ, mương lạch không cần chăm sóc nhiều, sau mỗi lần cắt dọc, bồi thêm cho khoai một lớp bùn.

Khoai trồng lấy củ chăm sóc bao gồm làm cỏ, bón thúc, quản lý nước tưới và phòng trừ sâu bệnh.

Làm cỏ và bón thúc lần 1 khi khoai được 3 lá. Bón phân đều ra ruộng hoặc bón xung quanh gốc. Khi khoai bắt đầu đẻ nhánh, bón thúc lần 2 (phân đạm, nước phân lợn hoặc nước giải). Nếu trồng trên cạn, sau trồng phủ rạ giữ ẩm và hạn chế cỏ. Sau mỗi đợt làm cỏ, bón thúc, vun gốc cao dần.

Ngoài ra cần chú ý tỉa những dọc đã vàng cho cây, chỉ tỉa những dọc đã vàng không tỉa những dọc còn xanh.

Giữ nước

Trồng khoai ở ruộng nước không được để ruộng khô nẻ, giữ mực nước 5 – 10cm là vừa trong suốt 7 – 8 tháng đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển rễ, đẻ nhánh và phát triển củ. Cuối vụ, tháo cạn nước cho khoai mau xuống dọc, phát triển củ nhanh, sớm thu hoạch.

Phòng chống sâu bệnh

Khoai Nước thường bị 3 loại sâu bệnh hại là nhện đỏ, sâu xanh và sâu khoang. Hại nhất là nhện đỏ hút diệp lục của lá làm cho lá vàng, khô héo, cây lụi dần. Nhện thường phá hại cây mạnh vào tháng 6-7. Sâu khoang nhỏ như đầu rơm, gặm chất xanh của lá, để lại trên lá những gân như mạng nhện. Sâu xanh to bằng đầu đũa, cắn lá, tác hại ít.

Do sâu khoang và sâu xanh bò tương đối chậm nên có thể bắt bằng tay. Nhện đỏ khó trừ hơn. Có thể dùng Zinep 80WP 0,15% để phun.

Đối với bệnh chủ yếu phòng trừ bệnh thối củ, sương mai do Phythophthora gây hại. Phòng trừ bằng cách chọn giống tốt, không trồng những đầu khoai bị thối và dùng biện pháp luân canh, không trồng 2 vụ khoai liên tiếp trên cùng một chân ruộng, Khi thấy bắt đầu có hiện tượng nhiễm bệnh sương mai cần phun Boocđô 1%; Ridomil MZ 0,2%, Anvil 0,2%.khoai nuoc

Thu hoạch, bảo quản và chế biến

Thu hoạch dọc lá

Khoai trồng lấy dọc, sau khi trồng 2-3 tháng có thể thu hoạch lứa đầu. Sau khi cắt lần thứ nhất, cứ l5 – 20 ngày lại cắt được một lứa dọc. Ở mỗi cây, mỗi lần cắt 1 – 3 dọc, trung bình mỗi lần cắt được khoảng 2 – 5kg dọc/m tuỳ ruộng khoai tốt hay xấu. Khi cắt dọc, cẩn chú ý cắt không quá sát vào thân, mà cách xa thân khoảng 2 – 3cm. Sau 1 năm thu hoạch củ và trồng lại.

Khi thu hoạch có thể cắt trụi dọc cách mặt đất 10 – 15cm, rồi đắp cho khoai một lượt bùn.

Thu hoạch củ

Khoai trồng được trên 10 tháng thì thu hoạch củ mới cho năng suất cao. Trước khi thư hoạch nên tháo nước cạn một thời gian ngắn rồi mới thu hoạch, như vậy củ sẻ không sượng, ăn ngon hơn. Nên đào cả khóm đem về nhà xếp vào chỗ râm, ngọn quay vào giữa, củ quay ra ngoài, như vậy dọc sẽ lụi dần, củ ăn ngon hơn. Một cách thu hoạch khác là đào cả khóm lên, cắt dọc rồi úp sấp xuông đất nơi khô mát, cho củ ngửa lên, với phương pháp này có thể giữ khoai được 3-4 tháng.

Chế biến và sử dụng

Ngày nay khoai Nước trồng chủ yếu để chăn nuôi. Tuy nhiên một số giống như khoai Tía Riềng, khoai Ấp, khoai Mòng Nghệ An vẫn còn được trồng rộng rải với diện tích nhỏ để sử dụng trong gia đình. Sau đây là một số cách sơ chế phổ biến:

– Sử dụng khoai Nước cho người ăn, thì búp non đem kho với cá, dọc lá nấu canh chua hoặc muối dưa ăn cũng ngon.

– Dùng để chăn nuôi: nấu với cám, lợn ăn mau lớn. Có thế ủ chua với cám hoặc muối chua dùng chăn nuôi.

– Phương pháp muối chua: Băm nhỏ dọc lá, trộn đều với 1 – 2% muối, cho vào vại nén chặt và đổ nước ngập độ 10 – 15cm. Khoảng 5 – 7 ngày, lấy ra rau đã mềm, có màu vàng tươi và có mùi thơm chua là có thể cho lợn ăn. Cũng có thể trộn dọc lá cắt nhỏ với men rượu (100kg dọc khoai trộn với một bát con men), độ 3 ngày sau, rau lên men, trộn đều một lượt nữa và để thêm một tuần. Khi mở vại ra, thấy rau bốc mùi rượu là đem cho lợn ăn được.

– Khi thu hoạch dọc lá quá nhiều nên phơi khô dành cho lợn ăn thay rau cám. Cách làm như sau: dọc lá thái ngắn khoảng 3 – 5cm, tãi mỏng, phơi khô dưới nắng to rồi cất dự trữ vào bồ hoặc chum vại đậy kín. Khi thiếu thức ăn, mang ra ủ chua hay nấu chín cho lợn ăn.

– Củ để ăn tươi phải cạo vỏ ninh thật lâu mới hết ngứa. Có thể thái lát phơi khô, bỏ chum để sử dụng dần.

0