23/05/2018, 15:54

Kỹ thuật trồng điều – nhân giống hữu tính

Muốn thành lập một vườn điều dù lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, ngoài việc chọn đất lập vườn, ta còn phải gây giống để có đủ số cây con mà trồng. Từ trước đến nay, công việc này đều tự chủ vườn lo liệu theo kinh nghiệm trồng trọt riêng của mình, hoặc học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chứ ...

Muốn thành lập một vườn điều dù lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, ngoài việc chọn đất lập vườn, ta còn phải gây giống để có đủ số cây con mà trồng.

Từ trước đến nay, công việc này đều tự chủ vườn lo liệu theo kinh nghiệm trồng trọt riêng của mình, hoặc học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chứ chưa thấy ai nghĩ đến việc ương, chiết, tháp để có điều giống bán lại cho người trồng, như nhiều giống cây ăn trái khác.

Bằng chứng là đến các vựa bán cây giống, hỏi mua cây xoài tháp, chiết, xa bô chê, ổi …thứ nào cũng có số nhiều, nhưng nếu hỏi mua điều giống về trồng thì tìm khắp các vựa cũng không cỏ một cây nào cả !

May thay giống điều gây cây con làm giống cũng dễ, không tốn nhiều công. Nếu chỉ trồng một đôi mẫu thì gầy vài ba trăm cây con là đủ.

Để có điều con làm giống, có hai cách : một là nhân giống hữu tính, hai là nhân giống vô tính.

Nhân giống hữu tính

Nhân giống hữu tính là cách trồng điều bằng hột. Cách này được ông cha ta áp dụng từ lâu, nhưng ngày nay đa số nông dân vẫn còn dùng đến. Như mọi người đều biết, nhân hột điều là hai lá mầm, lấy hột già gieo xuống đất sẽ nảy mầm thành cây điều con. Muốn có cây điều giống khỏe mạnh thì công việc đầu tiên là phải chọn hột giống cho thật kỹ.

Như bài trước chúng tôi vừa trình bày, muốn lấy hột làm giống ta nên chọn trước những cây điều mẹ có số tuổi từ 8 đến 12 năm và hội đủ những tiêu chuẩn tốt như cây có nhiều cành trổ hoa, mỗi chùm hoa phải có nhiều hoa lưỡng tính …Những cây điều tốt đó phải được đánh dấu kỹ càng để đến mùa thu hoạch ta dùng hột nó để gây giống, không lẫn lộn với cây khác.

Hột dùng làm giống thì phải để hột thật già, nghĩa là phải để trái chín rục trên cây mới hái xuống như vậy khi ương hột mới dễ nảy mầm, mười hột gieo xuống mới hy vọng lên cây được tám, chín, Với những hột chưa được già, khả năng nảy mầm rất kém. Hột hái về từ cây mẹ giống tốt, cần phải lựa ra những hột thật chắc và to, không bị thương tật và không vướng mầm bệnh để dành làm giống. Hột giống phải phơi thật khô trong vài ba nắng sau đó lựa lại một lần nữa mới đem gieo.

Lần tuyển lựa sau cùng này là đổ hột giống ra thau hay số lớn, trong đó chứa dung dịch nước muối với nồng độ nhẹ (30 grs muối pha với 1 lít nước), trong chốc lát hễ thấy hột nào nổi lên thì vớt ra ngoài, hột nào chìm nghỉm dưới đáy thì đó là những hạt tốt dành làm giống được. Hột chìm được vớt qua thau nước lạnh khác xả sạch chất muối bám ngoài vỏ hột để dành làm giống sau này.

Về cách ương hột giống, theo cách xưa nhất là đặt hột xuống đất (vào bầu, vào giỏ, vào vườn ương hay hố trồng) theo cách phía hột bị eo đặt quay xuống dưới và phần cong của hột đặt trở lên trên, như vậy cây con mới mọc mạnh được. Trồng theo cách này thì khoảng mười ngày sau cây mới bắt đầu trồi mầm lên khỏi mặt đất. Cách thứ hai là ngâm hột giống vào nước lạnh suốt một ngày một đêm, sau đó vớt ra đổ vào bao bố ủ trong một ngày một đêm nữa (thỉnh thoảng rưới nước để giữ độ ẩm) thì hột nứt mộng. So ra thì cách làm thứ hai nhanh hơn, và ngày nay được nhiều người áp dụng hơn. Dù không trình bày chắc quí vị cũng biết là những hột nứt mộng này sẽ được giâm vào bầu, vào giỏ … để chờ cây lớn đem ra trồng nơi cố định.

Thông thường thì từ khi gieo hột cho đến khi cầy con đem ra trồng nơi cố định được, chỉ mất thòi gian độ năm sáu tuần mà thôi. Người ta trồng điều vào đầu mùa mưa để nhẹ công tưới khi cây non còn nhỏ. Vì vậy các tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nên gieo hột giống từ đầu tháng ba Âm lịch, để qua rằm tháng tư khi mùa mưa vừa đến là trồng kịp lúc.

Nhân giống hữu tính đối với cây điều cũng có nhiều cách :

Bầu ương hay giỏ ương

Theo đúng cách gọi thì bầu ương là khối đất bám chặt vào bộ rễ của cây con, giúp cây con ổn định được sự sống khi bị bứng lên trồng vào chỗ khác. Bứng cây con mà làm bể bầu đất, thì dù đem trồng xuống ngay cây cũng khó sống. Ngược lại, nếu bứng mà còn đủ bầu đất thì dù để vài ba ngày sau mới đem trồng, cây con vẫn sống được mà không hề mất sức, nếu sau khi bứng lên được đặt vào chỗ mát và thỉnh thoảng được tưới sương sương …

Thời trước, bầu ương là cái giỏ nhỏ đan bằng tre, hình thù như cái sô nhựa nhỏ, đường kính cũng như chiều cao độ mười làm phân. Trong giỏ được lót vài lớp lá chuối khô để đất khỏi lọt ra ngoài. Đó là giỏ ương.uom cay dieu bang hat

Ngày nay, bầu ương cây con là bịch nylon có thể tích tương tự bằng giỏ ương (bề cạnh cỡ 25 phân) bên trong chứa đầy đất, nhưng nhớ là phải xâm thủng năm bảy lỗ nhỏ ở phía đáy để nước tưới và nước mưa không bị ứ đọng, làm thúi hột giống hay thúi bộ rễ non yếu của cây non.

Trong bầu ương được đổ đầy đất. Đất ở đây là hỗn hợp phân và đất trộn lộn lại với nhau. Đất có thể là đất thịt, đất pha cát được làm tơi nhuyễn rồi trộn chung với phân chuồng hoai, phân rác mục để bước đầu cây non có đủ chất bổ dưỡng mà trưởng thành.

Những bầu ương cây con này nên xếp sát gần nhau trên một chỗ đất được san bằng phẳng, chiều dài thì theo cuộc đất, còn chiều ngang khoảng từ một thước đến thước rưỡi, để tiện tươi nước và săn sóc như nhổ cỏ dại chẳng hạn. Cuộc đất đặt bầu ương cần phải cao ráo, có mương rãnh thoát nước tốt, nếu gặp đất thấp, tốt hơn hết là phải lên liếp.

Vườn ương

Ương cây trong bầu, trong giỏ thì kết quả tốt đẹp, nhưng chỉ áp đụng trong trường hợp cần vài ba trăm đến bốn năm trăm cây con là nhiều vì tốn nhiều công của. Khi cần số lượng cây con nhiều hơn thì phải lập vườn ương để gieo hột.

Vườn ương cần phải có diện tích rộng, mặt đất bằng phẳng, gặp vùng đất phì nhiêu lại càng hay, và điều cần là phải có nguồn nước tưới. Vì lẽ, lúc ương hột là vào mùa khô mà cây con lại cần nước tưới mỗi ngày hai lần cho đến năm sáu tuần liên tiếp. Vườn ương cũng nên làm cận kề với vườn trồng điều vĩnh viễn, để tiện việc bứng trồng, không tốn phí nhiều công sức, thì giờ cũng như tổn hao vì phải vận chuyển xa.

Đất vườn ương phải được cày bừa thật kỹ cho tơi xốp. Sau đó, tùy vào thế đất cao hay thấp mà lên liếp có độ cao thích hợp, tránh khỏi bị ngập úng là được.

Chiều dài của liếp trồng có thể tùy vào cuộc đất lập vườn ương, hoặc khoảng vài mươi thước, và chiều ngang của liếp từ một thước đến thước rưỡi. Giữa hai liếp nên chừa một lối đi rộng, tối thiểu một thước để tiện tưới nước mỗi ngày và chăm sóc cho cây con.

Việc bón phân lót vào liếp trồng cũng làm như cách trộn phân vào bầu ương như phần trên đã nói. Đất càng đủ chất dinh dưỡng cần thiết thì cây con mới lớn sởn sơ được. Sau đó, ta moi từng lỗ trên mặt liếp theo hàng ngang với khoảng cách đều đặn để gieo hột điều giống vào đất. Cứ mỗi lỗ gieo một hột giống, theo khoảng cách độ ba mươi phân chiều ngang cũng như chiều dọc, như vậy sau này cây con sẽ mọc ngay hàng thẳng lối, vừa dễ chăm sóc mà cũng dễ bứng ra trồng sau này.

Khi cần bứng ra trồng vào nơi vĩnh viễn, người ta dùng cái leng hay xẻng nhỏ, bén để xắn đất chung quanh gốc cây con cho bầu khỏi vỡ, mà rễ con rễ chuột cũng được giữ nguyên. Thường thì xắn theo hình vuông, mỗi bề cách gốc khoảng mười đến mười lăm phân, và chiều sâu độ 25 phân, có như vậy mới không làm đứt bộ rễ của cây điều con …

Gieo trực tiếp vào hố trồng

Gieo hột điều giống trực tiếp xuống hốtrồng vĩnh viễn là lối trồng được coi là phổ biến truớc đây.

Trên nguyên tắc, dù trồng cây con từ bầu ương hay vườn ương, nhà vườn cũng phải đào hố trồng lại nơi trồng cố định để đặt cây con xuống. Nhưng, theo cách gieo hột trực tiếp vào hố trồng, so với hai cách vừa đề cập trên thì giản tiện và đỡ tốn kém công của cũng như thời gian hơn.

Trên cuộc đất dự định lập vườn điều tương lai, người ta cùng cày bừa kỹ, san lấp để tạo một mặt bằng bằng phẳng, kế đó bắt tay vào việc đào hố trồng theo khoảng cách thưa hay khít như ý muốn của chủ vườn : khít thì cách nhau bốn hay năm thước; thưa thì cách nhau từ tám đến mười thước hoặc hơn. Mỗi hố sẽ là nơi trồng cố định một cây điều.

Hố được đào với kích thước giốg như trồng các loại cây ăn trái khác, vuông vứt năm hay sáu tấc mỗi cạnh, và chiều sâu của hố cũng khoảng năm sáu tấc là vừa.

Hố đào xong nên phơi nắng một thời gian, ít lắm cũng đôi ba ngày để những khí độc tiềm ẩn trong đất thoát hết ra ngoài không gây tác hại cho sự sinh trưởng của sau này. Việc làm kế tiếp là trộn vài chục ký phân chuồng hoai, phân rác mục với lớp đất mặt của hố (sau khi loại bỏ hết gạch đá, cỏ rác, nếu có) đổ xuống khoảng ba phần tư hố là được.

Nên gieo hột giống vào đầu mùa mưa để hột đủ độ ẩm mà dễ nảy mầm. Mỗi hố như vậy nên gieo hai hoặc ba hột điều giống (vùi sâu xuống đất từ bảy đến mười phân), đặt cách xa nhau khoảng vài mươi phân, để sau này cần tỉa bỏ không ảnh hưởng xấu đến cây còn giữ lại. Khi cây con lên độ một gang tay, lựa cây nào mập mạnh giữ lại trồng luôn, còn những cây yếu sức bứng ra hủy bỏ.

Trồng theo cách này tốn nhiều hột giống hơn những cách ương hột vừa trình bày ở trên.

 

0