23/05/2018, 15:53

Kỹ thuật trồng điều – nhân giống vô tính

Nhân giống vô tính là cách trồng điều bằng cách chiết cành, ghép cành hay giâm cành mà nông dân mình đã biết áp dụng từ lâu đời đối với tất cả các giống , trong đó có cây ăn trái. Cách nhân giống vô tính cũng được thế giới áp dụng từ lâu, và hiện nay, đối với cây điều, họ chỉ trồng với phương ...

Nhân giống vô tính là cách trồng điều bằng cách chiết cành, ghép cành hay giâm cành mà nông dân mình đã biết áp dụng từ lâu đời đối với tất cả các giống , trong đó có cây ăn trái.

Cách nhân giống vô tính cũng được thế giới áp dụng từ lâu, và hiện nay, đối với cây điều, họ chỉ trồng với phương pháp vô tính này mà thôi, vì nhờ đó mà vườn cây có sự ổn định đồng nhất về sinh trưởng mạnh, năng suất cao đồng đều gần như trăm cây như một.

Bước đầu là chọn những cây mẹ mang nhiều đặc điểm thật tốt, như :

– Từ lúc mới trồng cho đến lúc thu hoạch trái được ba bốn mùa không bị sâu bệnh tác hại nặng như những cây khác.

– Nhiều mùa liên tiếp đều nở hoa đúng mùa, lại sai hoa, đậu nhiều trái …

Muốn gầy cây giống theo phương pháp nhân giống vô tính thì nên chọn những cây mẹ được năm sáu năm tuổi, tức là giai đoạn sung sức nhất của cây để chọn những cành nhánh mập mạnh, tươi tốt, có những cành nhánh phân chia hợp lý để chiết, hoặc ghép hay giâm để có cây con mà trồng.

Một cây mẹ có thể chiết hay ghép được mấy chục cây con trong một năm, và có thể khai thác trong nhiều năm liền. Thế nhưng, được mặt này thì sẽ thiệt hại mặt khác, cây mẹ sẽ yếu sức dẫn đến việc giảm sản lượng trái dần…

Vì cây con được tách ra từ một phần “xương thịt” của cây mẹ nên nó mang tính di truyền tốt của cây mẹ một cách hoàn toàn. Nghĩa là cây con sẽ là “bản sao” của cây mẹ về mặt sinh trưởng, trổ hoa kết trái, cũng như sức đề kháng trước mọi thứ tật bệnh …Nhờ đó mà cả vườn cây lúc nào cũng ổn định về năng suất cao, chứ không có sự chuệch choạc có cây tốt cây xấu đan chen nhau trong vườn khiến mức thu hoạch không đồng đều.

Việc nhân giống vô tính chỉ thực hiện trong mùa mưa mới thuận lợi: cây mẹ đang sung sức và các cành chiết, ghép sớm mọc rễ, khỏi mất công tưới…

Chiết cành

Chiết cành là cách chọn một cành nhỏ của cây mẹ mà mình thấy vừa ý, sau đó dùng kỹ thuật tạo rễ rồi cắt lìa cành chiết ra khỏi cây mẹ để nó trở thành một cây con. Công việc này rất dễ, ai đã từng thực hiện vài ba lần thì thành thạo ngay. Cây chiết sẽ mang đủ đặc tính tốt của cây mẹ, đặc biệt là ra trái sớm, nhưng tuổi thọ thì không cao bằng cây ương từ hột ra. Hơn nữa, cây chiết nói riêng và cây dưới dạng nhân giống vô tính nói chung, cần phải được trồng nơi đất tốt mới sinh trưởng mạnh được.

Muốn chiết cành thành công nên tuân thủ những việc sau đây :

– Chiết cành đầu mùa mua, để có cây con trồng vào giữa mùa mưa cho dễ sống, mà cũng đỡ công tưới.

– Cành chiết không nên chọn cành quá to mà chỉ nhỏ bằng ngón tay giữa.

– Cành không non quá mà cũng không được già quá, cốt yếu là chưa hề trổ hoa.

– Không chiết những cành mọc suôn đuột, vì sau này cây con sẽ ít trái.

– Không chọn những cành cong queo, vì sau này khó tạo dáng, tạo tán.

– Không chiết cành mọc sát đất, cây con sẽ yếu ớt, tăng trưởng chậm.

– Đoạn chiết không cần dài, chỉ độ vài gang tay là vừa.

– Cành chiết là cành có vài ba nhánh nhỏ, mọc xiên, cây con sau này sẽ phát triển cân đối, năng suất cao …

Tiến hành cách chiết: cắt một khoanh vỏ độ ba bốn phân ở nơi định chiết (chỗ này sẽ là gốc của cây điều con tương lai), cố tránh đừng để vết cắt phạm vào phần gỗ cứng của nhánh, rồi bóc hết khoanh vỏ đó bỏ đi. Như vậy là nhánh điều mẹ trơ ra một đoạn gỗ trắng hếu.

Sau đó, dùng hỗn hợp đất bùn hay đất thịt với phân chuồng hoai, một ít rơm rạ cắt khúc, pha chút nước rồi nhồi lại với nhau cho đều. Hỗn hợp này được bao chặt chung quanh vết cắt thành một cục to bằng nắm tay, bên ngoài dùng vải dày hoặc miếng bao bố bó lại cho chặt là được.

Điều cần làm tiếp theo là mỗi ngày phải tưới nhẹ lên chỗ chiết vài ba lần để bảo đảm độ ẩm thường xuyên cho bầu chiết, nhất là vào những ngày không mưa.

Khoảng năm sáu tuần là bầu chiết ra rễ, nhưng phải chờ đợi thêm vài tuần nữa mới cắt cành chiết rời khỏi cây mẹ đưa ra trồng ở nơi vĩnh viễn được. Nếu cành chiết vì lý do nào đó phải cắt sớm khi bộ rễ cây con bắn ra chưa đủ dài (tóc là còn non), thì phải ương trong vườn ương một thời gian, sau đó mới trồng được.

Ghép cành

Ghép cành, có nơi gọi là tháp cành hay tháp cây, là cách dùng cành của cây mẹ mang những đặc tính tốt đem ghép vào gốc của một cây cùng loại (điều với điều) còn non hay đã già, tức là tuổi tác giữa cành ghép và gốc ghép không đồng đều với nhau. Có trường hợp không ghép bằng cành mà ghép bằng chồi vừa nhú của cây mẹ gọi là mắt tháp. Cũng có trường hợp gốc tháp là cây còn quá non (mới ra được bốn năm lá mầm, tức là độ tháng tuổi) ghép với nhánh của cây mẹ…

Ghép cành có nhiều cách như ghép hình tam giác, ghép hình chữ u, ghép nêm…

Cây ghép cũng mang đủ đặc tính tốt của cây mẹ, sinh trưởng nhanh, ra hoa sớm … Nhưng cách ghép thì khó hơn chiết, và sự thành công không cao vì thường bị thất bại do nhiều lý do…

Xin đơn cử vài ví dụ :

Ghép nêm

Ghép nêm là cách vạt hình cái nêm ở gốc cành ghép, và vạt hình lỗ nêm trên gốc cây ghép để ráp khít hai bộ phận này lại với nhau thành một cây mới mang đặc tính tốt của cây mẹ có cành ghép bên trên. Mỗi gốc có thể ghép được một cành.

Gốc ghép là do hột điều ương ra khoảng năm sáu tháng tuổi là vừa. Ở tuổi này cây đang đà phát triển mạnh và phần gốc của nó cũng chưa to, có thể vừa vặn với cành ghép cắt ra từ cây điều mẹ.

Cành ghép phải là cành còn to, có số tuổi tương đương với gốc ghép mới tốt. Cành này da chưa trổ sang nâu, nghĩa là còn xanh; cành cũng chưa trổ hoa kết trái lần nào …

Trước hết chọn cành ghép từ cây mẹ theo tiêu chuẩn vừa trình bày rồi dùng dao thật bén vạt hai bên thành cái nêm (tương tự như cái lưỡi búa), đồng thời cắt bỏ hết lá. Chiều dài của cành ghép không cần dài, khoảng mươi lăm phân là được.

Sau đó, trở lại cây làm gốc ghép, ta cũng dùng dao bén cắt bỏ phần thân trên của cây bỏ đi, chỉ chừa lại khúc gốc khoảng một vài tấc là đủ. Việc kế tiếp làm ngay sau đó là dùng dao bén vạt từ hai bên thành một lỗ nêm, sao cho khi ghép hai phần cành và gốc lại khít khao với nhau mới tốt.

Đây là việc làm hơi khó, đòi hỏi sự khéo tay hoặc quen tay mới làm được.

Việc làm sau cùng là dùng sợi vải quấn chặt bên ngoài để bao kín vết cắt, đồng thời cũng giữ vững cho chỗ nối giữa gốc và cành ghép không bị lệch. Nếu ghép nêm thành công thì ngay sau đó nhựa nguyên và nhựa luyện sẽ lưu thông từ gốc lên cành qua lớp vỏ và từ lõi gỗ của cành trở xuống lõi gỗ của gốc.

Ghép hình chữ U

Chọn một cây điều tơ chừng sáu bảy tháng tuổi (từ hột giống ương ra), rồi dùng dao vừa bén vừa có mũi nhọn khứa một đường ngang ngay đoạn làm gốc tháp, chừng một phân. Kế đó lật ngược lớp vỏ cây lên một đoạn chừng ba phân. Ta tìm một mắt ghép từ một cây điều mẹ có những đặc điểm tốt nhất (cũng dùng dao bén rạch vào vỏ để tách ra một miếng cỡ một phân vuông) đem ghép vào chỗ vừa  “mở miệng” hình chữ U ở gốc ghép. Sau đó lật miếng vỏ xuống che mất ghép của cây mẹ một phần (cốt sau mắt ghép phải ló ra ngoài để sau này đâm chồi được dễ dàng mà thành cây mới). Dùng dây cao su cột chặt mắt tháp dính vào gốc ghép để ngăn ngừa nước mưa và côn trùng xâm nhập làm hỏng chỗ ghép.

Việc ghép cây chỉ đạt mức thành công khi chúng ta thực hiện đúng những việc sau đây :

– Chỉ ghép trong giai đoạn cây đang dồi dào sinh lực, như vào tiết xuân, vào mùa mưa.

– Chỗ định ghép ở gốc ghép, vỏ cây phải tươi tốt, không thương tích, không u nần, không có mọc nhánh, vì nơi ấy nhựa nguyên mới lưu thông tốt. Mắt ghép mà đặt vào chỗ ấy rất có nhiều hy vọng thành công.

– Điều cần chú ý là mắt ghép của cây mẹ phải gắn khít khao vào vết cắt của gốc ghép, như vậy nhựa của gốc ghép mới dễ truyền vào mắt ghép giúp mát ghép sống được dễ dàng. Nếu nhựa nguyên ở gốc không “liên lạc” được với mắt ghép mới thì công việc ghép chữ U này sẽ thất bại.

– Công việc ghép này phải thực hiện trong vòng nửa giờ là xong, vì nếu để lâu hơn nhựa sẽ khô và như vậy là thất bại.

– Khi nào thấy mắt ghép đâm chồi, và chồi đó sống mạnh thì ta mới cưa bỏ phần thân cũ của cây gốc, để chồi sẽ trở thành thân cây mới sau này. Vết thương chỗ thân bị cưa nên bôi sulfat đồng để ngăn ngừa nấm và côn trùng cũng như nước mưa làm cho hư thúi.

– Những cành bắn ra từ “thân mới” đều để lại vì chúng mang đặc tính tốt của cây mẹ, nhưng những cành này ra từ phía gốc là của “cây cũ” ta nên cắt bỏ hết.

Giâm cành

Trong cách nhân giông vô tính, ngoài việc chiết cành, ghép cành, còn có cách khác là giâm cành. Cách này so với hai cách trên khó thành công hơn, nhưng nếu ai thạo việc thì lại là việc dễ làm, lại ít tốn kém.

Giâm cành là chọn những cành non cửa những cây điều mẹ cũng còn tơ, độ vài ba năm tuổi làm hom mà giâm. Hom chính là khúc cành của cây mẹ. Phần gốc của hom được nhúng vào thuốc IBA với nồng độ 1% và ngâm trong nửa ngày. Sau đó, nếu giâm số ít thì giâm cành vào bầu ương, đặt vào chỗ có nhiều bóng râm rồi siêng năng tưới nước với tia nhỏ như sương để giữ được độ ẩm cho đến lúc hom ra rễ mới bớt tưới.

Ngược lại nếu giâm hom số nhiều thì phải lập vườn ương, lên liếp cao và bón phân lót đầy đủ. Bên trên vườn ương phải làm giàn che cho im mái. Sau đó siêng năng tưới để đất liếp lúc nào cũng có độ ẩm cần thiết giúp hom giống được tươi tắn mà ra rễ …

So sánh cách nhân giống hữu tính và vô tình vừa trình bày, ta thấy mỗi phương pháp đều có mặt ưu mặt khuyết của nó.

Về cách nhân giống hữu tính thì hột giống tuy lấy từ cây mẹ hội đủ đặc điểm tốt, nhưng cây con thường bị … lai, vì nó mang đặc điểm di truyền của cây cha (phấn hoa) có thể từ cây khác vương đến. Lấy gì bảo đảm sự thụ phấn của noãn cây mẹ là do phấn của hoa đực từ cây mẹ, hay từ một cây nào khác.

Còn nhân giống vô tính thì các cây dòng con đều mang đúng những đặc điểm tốt di truyền từ cây mẹ, vì chính chúng là một phần của cây mẹ mà hình thành. Thế nhưng, phương pháp này khó thực hiện: chỉ việc chiết cành thì mức thành công có thể đạt đến 90% (chiết một trăm cành thì có thể trồng sống được 90 cây con), còn việc ghép cành, nhất là giâm cành thì vừa đòi hỏi sự khéo tay, vừa tùy thuộc vào nhiều yếu tốkhác, như khí hậu chẳng hạn, nên mức thành công có phần hạn chế …

Cách trồng

Dù nhân giống bằng hột (hữu tính) hay chiết, ghép giâm cành (vô tính), khi trồng điều ai cũng đào hố mà trồng, như trồng một số cây ăn trái khác.

Điều cũng là giống cây ăn trái, lại có chu kỳ kinh tế khá dài, trồng một lần mà thụ hưởng đến vài ba chục năm trở lên, lại là giống cây có thân to, tàn lá rộng, nên không thể moi lỗ trồng khơi khơi trên mặt đất được.

Quí vị hãy tưởng tượng, cây điều khoảng mười lăm tuổi phát triển hết mức, nó cao to chẳng khác gì một cây đại thụ : chiều cao có thể hơn 10 thước, và tán lá rộng che phủ đến bốn năm chục thước vuông chung quanh gốc nó. Cây cao to như vậy tất phải có bộ rễ tốt mới trụ vững được lâu ngày trước phong ba bão táp, với sự đào thải khắc nghiệt của thời gian …

Mỗi cây điều được trồng vào một hố. Hố này thường được đào với kích thước vuông vức năm hay sáu tấc bề cạnh, kể cả chiều sâu. Hố được đào ngay hàng thẳng lối, chiều ngang cũng như chiều dọc theo một khoảng cách nhất định, tùy theo ý định của chủ vườn là trồng khít hay trồng thưa.

Khi đào hố, bao giờ lớp đất mặt của mỗi hố cũng được để riêng ra một nơi vì còn dùng lại. Lớp đất dưới thì xúc bỏ đi, có thể dùng san lấp một nơi nào đó trong vườn điều, hoặc dùng để be bờ chống úng ngập … Lớp đất mặt, sau khi gạn bỏ hết đá sạn thì chia làm hai phần, một nửa cho xuống đáy hố, nửa đất mặt còn lại được đập nhuyễn để trộn với vài ba chục ký lô phân rác mục, phân chuồng hoai để lấp đầy hố; tạo nguồn dinh dưỡng nuôi cây con trong thời gian năm đầu.

Cũng xin được nói thêm, nếu đất trồng điều là vùng đất cao, thoát nước tốt thì phân đổ vào hố không cần đầy đến miệng, vì sau này chúng ta có thể vun gốc quét lá trong vườn tấp vào, cũng là cách cung cấp nguồn phân bón nuôi cây. Ngược lại, nếu vườn điều dễ bị úng ngập trong mùa mưa thì ngoài việc lên liếp cao để trồng, hố trồng cũng nên lấp đầy phân để nước mưa không có chỗ ứ đọng, vì cây điều chịu ngập rất dở.

Về khoảng cách trồng thì thường có hai cách; có người trồng mật độ dày, nhưng có người lại trồng mật độ thưa.

Trồng với mật độ dày là trồng khít, trồng với khoảng cách giữa hai cây quá gần nhau để tăng số trong vườn được nhiều hơn. Còn trồng với mật độ thưa là trồng giữa hai cây có khoảng cách thưa ra đủ chỗ cho tàn lá của chúng khi lớn lên cũng không đụng chạm nhau. Và trồng như vậy thì số cây trong vườn sẽ ít lại.

Thử tìm hiểu tại sao nhiều người lại thích trồng điều với mật độ dày ? Chắc chắn vẻ việc này họ có sự tính toán:

– Có người nghĩ rằng thửa đất của mình là loại “đất bỏ đi” như đất đồi trọc, đất xấu bạc màu, không thể trồng được loại cây gì khác cho sinh lợi, ngoại trừ cây điều nên mới trồng dày (trồng khít) để nhờ tán cây phủ cho im đất, còn mức thu hoạch nếu vì đó mà bị sút giảm cũng không sao.

– Có người trồng khít vì muốn tán lá dày đặc của điều che chắn hết ánh sáng khiến cỏ dại bị tiêu diệt. Vì vậy họ mới trồng cách nhau chỉ ba bốn thước một cây, thậm chí còn trỏng không ngay hàng thẳng lối nữa !

– Có người trồng với mật độ dày trong thời gian đầu để diệt cỏ, rồi vài năm sau đó khi điều đã bung tán thì đốn bỏ bớt một số cây để vườn được thoáng đăng để cây phát triển tán lá mạnh hơn.

– Cũng không loại trừ một số chủ vườn quá hám lợỉ, lại do không mấy am tường về kỹ thuật trồng điều nên mới trồng dày, vì nghĩ sai lạc rằng hễ vườn có nhiều cây thì sau này đến mùa sẽ thu hoạch được nhiều trái.

Trong khi đó lại có nhiều người chủ trương trồng điều với mặt độ thưa. Tất nhiên họ cũng có những tính toán thiệt hơn của họ :

– Giống điều thích ánh sáng trực xạ, càng trồng nơi quang đãng, cả ngày tiếp nhận được ánh sáng đầy đủ, cây mới sinh trưởng mạnh và cho năng suất cao.

– Khoảng cách giữa các cây trong vườn càng đủ rộng thì tán lá mới phát triển đúng mức, cây nảy nở nhiều nhánh và cho nhiêu hoa trái. Vì vậy dù trồng mật độ thưa, được ít cây nhưng cày nào cũng cho năng suất cao nên lợi tức còn nhiều hơn trồng mật độ dày.

– Trồng thưa, với khoảng cách lý tuởng mười thước, trong vài năm đầu tán phủ chưa đủ rộng nên tạo cơ hội cho cỏ dại mọc tràn lan trong vườn điều. Ta có thể tạm trồng các loại cây ngắn ngày như , mãng cầu ta, hoặc tỉa đậu, mè … khắp mặt bằng trống trải còn lại để vừa sinh lợi, vừa gián tiếp trừ được cỏ dại.

Đem so sánh giữa hai cách trồng điều vừa đề cập, chắc quí vị cũng dễ dàng nhận biết phương pháp nào có nhiều ưu điểm cần theo, và phương pháp nào có nhiều khuyết điểm để tránh.

Thật ra như mọi người đều biết, cách trồng điều với mật độ dày không mang lại kết quả tốt. Đây là cách trồng xưa cũ, lỗi thời rồi. Do lý do khách quan lẫn chủ quan, ông cha ta trồng điều suốt mấy trăm năm qua theo phương pháp cũ này. Có người trồng dày để nhờ tán lá của điều phủ kín đất để cỏ hoang mọc không được. Nhung cũng có người quá ỷ lại vào sức  sống mãnh liệt có một không hai của cây điều, nên họ trồng mà không lo đến việc bón tưới, và cùng lơ là cả việc chăm sóc nữa !

Ngày nay thì đa số chủ vườn đã biết trồng điều theo phương pháp mới, từ việc nhân giống đến cách thức trồng trọt đúng kỹ thuật tiên tiến mà những nước đứng đầu về ngành trồng và xuất khẩu các sản phẩm của điều trên thế giới đã và đang áp dụng.

Điều trồng thưa gốc, lại trồng ngay hàng thẳng lối, có điều lợi là thuận tiện trong việc làm cỏ, vun gốc cũng như thu hoạch, ngoài việc tạo cơ hội giúp cây tăng trưởng tốt.

Chỉ nói đến khâu làm cỏ không thôi, trước đây do trồng khít hàng nên mỗi lần đến kỳ làm cỏ vườn điều, ông cha ta phải mướn số đông người len lỏi trong vườn cây rậm rạp để cuốc xới từ tháng này qua tháng khác mới xong. Như vậy là vừa tốn nhiều công của, vừa mất thời gian rất nhiều.

Ngày nay, ta bước vào vườn điều trồng theo phương pháp mới, nơi nào cũng bắt gặp lối đi rộng thênh thang như lạc vào vườn cao su vậy. Như vậy, muốn làm hết cỏ dại, chỉ cần thuê một chiếc máy cày ”làm việc” trong nửa buổi đã cày xong vài mẫu !

0