Sau Chiến Tranh Nha Phiến thất bại, Trung Quốc có ý định dựa vào Việt Nam (bài 2)
thủy quân nhà Nguyễn Hồ Bạch Thảo 2.Học giả Nguỵ Nguyên đề nghị Trung Quốc nên bắt chước chiến thuật thuỷ chiến của Việt Nam. Vào thời Chiến tranh nha phiến, Tiến Sĩ Nguỵ Nguyên là danh Nho quan tâm sâu sắc đến sách lược đối phó với Tây Phương. Từ năm 1840-1841, làm tham mưu ...
Hồ Bạch Thảo
2.Học giả Nguỵ Nguyên đề nghị Trung Quốc nên bắt chước chiến thuật thuỷ chiến của Việt Nam.
Vào thời Chiến tranh nha phiến, Tiến Sĩ Nguỵ Nguyên là danh Nho quan tâm sâu sắc đến sách lược đối phó với Tây Phương. Từ năm 1840-1841, làm tham mưu cho Khâm sai Dụ Khiêm tại tỉnh Chiết Giang, từng tham khảo những lời khẩu cung của tù binh Anh, ông soạn sách Anh Cát Lợi Tiểu Chí. Sau đó gặp Tổng đốc Lâm Tắc Từ, được cung cấp thêm nhiều tài liệu, đầu năm 1843 ra mắt bộ Hải Quốc Đồ Chí 50 quyển; đây là tác phẩm lớn về địa lý lịch sử và chính giáo Tây phương lúc bấy giờ. Sau đó ông đích thân đến Áo Môn, Quảng Châu phỏng vấn, cùng đọc thêm các sách Trung Tây như Địa Lý Bị Khảo của Marchis [Mã Cát Sĩ] người Bồ Đào Nha, tiếp tục soạn nên bộ Hải Quốc Đồ Chí 100 quyển.
Sách này tìm hiểu các nước trên thế giới; riêng phần châu Á, Nguỵ Nguyên lưu ý đến Việt Nam bởi các trận thuỷ chiến với người Anh, chép trong sách Hải Quốc Văn Kiến Lục [海国闻见录] của Trần Luân Quýnh [陳倫炯] và Anh Cát Lợi Di Tình Kỷ Lược [英吉利夷情紀略] do Diệp Chung Tiến [叶锺进] đời Thanh soạn.
Trần Luân Quýnh [1687-1751] người huyện Đồng An, tỉnh Phúc Kiến; năm Ung Chính thứ 4 [1726] đảm nhiệm Tổng binh trấn Đài Loan, sau làm quan đến chức Thuỷ sư đề đốc tỉnh Chiết Giang. Ông trải qua nhiều cuộc hải hành, soạn sách Hải Quốc Văn Kiến Lục, ghi chép những điều tai nghe mắt thấy về các nước ven biển.
Về phần đất Chúa Nguyễn tại miền nam Việt Nam, gọi là nước Quảng Nam; phía bắc từ sông Nhật Lệ, Quảng Bình chạy dài cho đến Đông Bộ Trại [Campuchia]. Tác giả đánh giá thực lực nước Quảng Nam mạnh hơn Chúa Trịnh tại miền bắc; và chép việc quân Chúa Nguyễn đánh bại tàu Anh [Hồng Mao] tại cửa biển, khiến tàu thuyền Anh phải lấy làm răn không dám xông vào vịnh Quảng Nam. Sách chép về nước Quảng Nam như sau:
“Nước Quảng Nam:
Bàn về An Nam tiếp giáp Trung Quốc, về mặt biển giáp với châu Liêm, theo núi hướng tây bắc rồi vòng xuống nam đến Chiêm Thành theo hình bán nguyệt, gọi là vịnh Quảng Nam. An Nam đời Tần là Tượng quận; Hán, Giao Chỉ; Đường, Giao Châu; Tống, An Nam; Minh gọi là Giao Chỉ. Về biên giới đất liền tiếp giáp với Lưỡng Quảng, Vân Nam; nhân văn, phong tục, thổ sản, sử sách ghi đầy đủ. Sau đó lấy đất Thuận Hoá, Tân Châu [Qui Nhơn], Quảng Ngãi của Chiêm Thành gọi là Quảng Nam. Nhân vì cậu cháu nên được giao cho giữ đất Thuận Hoá (1) sau đó giữ pháo đài Mã Long Giác, phía bắc cách một con sông (2), tiếp với pháo đài Giao Chỉ. Từ Thuận Hoá vào nam đến Chiêm Thành là nước Quảng Nam, cũng gọi là nước An Nam. Vương họ Nguyễn, vốn người Trung Quốc [?], xưa đất này là Nhật Nam. Thổ sản vàng, nam hương, trầm hương, chì, thiếc, quế, ngà voi, quyên, yến sào, vây cá, củ cải đỏ; nói chung cũng giống như Giao Chỉ. Đông Kinh tại Giao Chỉ; Tây Kinh tại Quảng Nam, mạnh hơn Giao Chỉ. Hạt phía nam có Lộc Lại [Nông Nại?, Đồng Nai] Đông Bộ Trại [Campuchia], Côn Đại Minh, tây nam tiếp cận với Tiêm La, tây bắc tiếp giáp với Miến Điện; thành vây quanh bằng tre.
Dân giỏi về lặn lội, thuyền Giáp Bản của Hồng Mao [Anh quốc] gặp lúc sóng nước không thuận, chạy vào vịnh Quảng Nam không ra được, nước này điều mấy trăm thuyền nhỏ, thuỷ thủ lưng đeo ống trúc, cầm giây thừng, lặn xuống nước ngầm đóng đinh có gắn dây thừng vào đáy thuyền; rồi chuyền giây lên thuyền, kéo thuyền Hồng Mao đến chỗ cạn, dùng hoả công, cướp lấy hàng hoá. Nay thuyền Hồng Mao lấy làm răn, có lệnh không được đến gần thấy núi Quảng Nam, nếu vào sát thấy núi Quảng Nam thì thuyền trưởng bị tội.”
[就安南接联中国而言,海接廉州,山绕西北而环南,直至占城,形似半月;名曰广南湾。秦象郡、汉交址、唐交州、宋安南、明交址,陆接两粤、云南;风土人物,史典备载。后以淳化、新州、广义、占城谓广南。因舅甥委守淳化,随据马龙角炮台;北隔一水,与交址炮台为界。自淳化而南至占城,为广南国,亦称安南。王阮姓,本中国人氏;古日南郡。产金、楠沉诸香、铅、锡、桂皮、象牙、绫绢、燕窝、鱼翅、赤菜、糖,与交址相类。以交址为东京,广南为西京;强于交址。南辖禄赖、柬埔寨、昆大吗,西南邻暹罗,西北接缅甸;栽䓶竹为城。人善没,红毛呷板风水不顺,溜入广南湾内者,国遣小舟数百,人背竹筒、携细缕,没水密钉细缕于呷板船底,远桨牵绁,船以浅搁,火焚而取某辎重。今红毛呷板以不见广南山为戒;见则主驾舟者(曰伙长),]
Lại một chiến công khác dưới thời vua Gia Long, ghi trong sách Anh Cát Lợi Di Tình Kỷ Lược của Diệp Chung Tiến đời Thanh, lại được Học giả Nguỵ Nguyên trích dẫn trong Hải Quốc Đồ Chí quyển 5. Sử liệu chép về một cuộc chiến xãy ra tại một bến cảng trên sông Hồng Hà [Phú Lương], quân nhà Nguyễn đã dùng hoả công tiêu diệt 7 chiếc thuyền Anh:
“ Khoảng năm Gia Khánh thứ 11, 12 [1806-1807] có tên Đại ban là Thứ Phí dò biết thuộc quốc An Nam tại Đông Kinh [Hà Nội] vị trí gần biển, lúc bấy giờ mới nội chiến xong, có thể thừa cơ chiếm được [Nguỵ Nguyên chú: nguyên nhân bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh mới diệt được kẻ thù.] Bèn thân đến Mãnh Giáp Thứ (3) hẹn với viên Binh đầu đem 10 chiếc thuyền lớn vào cửa sông Phú Lương [Hồng Hà]. Trước hết lệnh viên Phó binh đầu điều 7 chiếc, lấy danh nghĩa đòi những chiếc thất lạc, và tìm bến cảng. An Nam nghe tin, trước hết thông sức cho thuyền đánh cá, thuyền buôn vào hết trong cảng. Thuyền Di xông vào mấy trăm lý không bị cản trở, bèn đến chỗ đậu thuyền tại Đông Kinh, nhưng không gặp một người. Đến đêm chợt xuất hiện vô số tiểu đỉnh, mỗi đỉnh đều chở củi thuốc súng, bốn phía vây lấy. Bèn dùng đại pháo bắn gấp, tiểu đỉnh ở vị thế trên gió, nhờ gió lửa bén cháy mạnh, 7 chiếc thuyền đều cháy. Có một tên da đen, giỏi bơi, men theo dòng nước về cấp báo, Binh đầu sợ hãi rút, không dám tiếp tục vào.”
[嘉慶十一、二年間,有大班喇弗者,探知我屬國安南之東京,地居海隅,時有內訌,乘隙可取〈(時阮福映滅仇立國方新之故)〉。遂親往孟甲剌,約其兵頭駕大舶十號,直趨安南富良江海口。先令其副兵頭駕七艘,入以討舊欠,索馬頭為名。安南聞之,先飭漁艇商船,盡藏內港。故入口數百里無阻,直至東京下碇,不見一人。及夜,忽有小艇無數,各載幹柴火藥,四面圍至,急發大炮轟之,小艇皆乘上風,火發風烈,七艘俱燼。有黑鬼善泅者,遊水出報,兵頭駭遁,不敢再入]
Học giả Nguỵ Nguyên trích dẫn 2 lần chiến thắng của Việt Nam đề cập ở trên; để bảo vệ cho sách lược đề ra nhắm chống thuỷ quân Anh thời Chiến Tranh Nha Phiến
“Chống giữ ngoài biển không bằng giữ tại cửa biển, giữ tại cửa biển không bằng giữ trong sông.”
[Thủ ngoại dương bất như thủ hải khẩu, thủ hải khẩu bất như thủ nội hà 守外洋,不如守海口,守海口,不如守內河].
Ông lập luận rằng thuyền Ô Tào của nhà Tây Sơn Việt Nam từng bị thất bại tại biển Phúc Kiến, Quảng Đông; như vậy không thể tranh hùng tại biển cả. Nhưng thuyền An Nam 2 lần chiến thắng Anh Cát Lợi trên sông; chứng tỏ trên sông là sở trường của thuyền chèo. Tại Trung Quốc, khi thuyền Anh đến đánh, các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến ít bị thiệt hại vì các tỉnh này quen đánh trên sông nên quân Anh kiêng dè; riêng các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô thì bị tổn thất nặng. Bởi vậy cần bắt chước lối đánh trên sông. Tại quyển 1, Hải Quốc Đồ Chí, Nguỵ Nguyên viết:
“…Thuyền Anh Cát Lợi 2 lần bị huỷ tại An Nam; người ta bèn cho rằng An Nam thuỷ chiến vô địch đối với Tây Dương; vậy thuyền chèo có thể thắng được thuyền Tây dương ư? Thử đặt câu hỏi rằng dưới thời Gia Khánh những thuyền cướp tại Phúc Kiến, Chiết Giang, tức thuyền Ô Tào của Nguyễn Quang Bình [vua Quang Trung] hoành hành tại biển, chỉ ăn cướp thuyền buôn, nhưng tại sao không dám cướp thuyền Di [ thuyền Tây Phương]? Lại cớ sao bị thua tại Phúc Kiến, Quảng Đông; bị bão chìm tại Chiết Giang? Họ không biết rằng An Nam thắng Di, Anh, vì nhử cho chúng thâm nhập vào trong sông, chứ không phải là xua đuổi ngoài biển, hoặc chống cự tại cửa biển. Họ dùng thuyền chèo, dài hẹp, nhiều chèo chống, tới lui nhanh chóng như thuyền đua Long Châu; thuyền chạy nhanh Giải Đỉnh, Ngô Công tại Quảng Đông; chúng đầu nhọn, hai bên phải trái có vật che để ngăn pháo súng; lấy nhỏ thắng lớn, lấy nhanh thắng chậm. Nếu tại đại dương thì không thể sử dụng thuyền có chèo chống, khi dùng hoả công không thể sử dụng thuyền lầu có quân lính trên đó. Sông Phú Lương [Hồng Hà], cảng Quảng Nam chỉ rộng bằng sông Tiền Đường [Chiết Giang], Dương Tử [Giang Tô]; một đàng [Quảng Nam] thì dụ đến chỗ ghềnh thác, thuỷ triều xuống nước rút nên mắc cạn; một đàng [sông Phú Lương] thì dự bị thuyền hoả công chờ ban đêm thì hành động. Nếu dùng để đối chọi nơi đại dương thì không đủ sức, nhưng lợi dụng thế ỷ đốc liên kết hành động trên sông thì thừa sức, đấu trí không đấu lực! Thuyền Di hoành hành nơi đại dương thì thừa sức, thâm nhập vào sông quanh co thì lòi chỗ nhược ra, vì chúng ở thế khách, không bằng ở thế chủ.
An Nam gần với Quảng Đông, Phúc Kiến; dân quen với thuỷ chiến cũng giống như dân châu Chương [Phúc Kiến], Tuyền [Phúc Kiến], Huệ [Quảng Đông], Triều [Quảng Đông]. Bởi vậy thuyền Di [Anh] đến đánh lần thứ nhất (4) sợ Phúc Kiến, Quảng Đông nên không dám đánh; lần sau (4) vào Hổ Môn [Quảng Đông], Hạ Môn [Phúc Kiến] thì rút đi không giữ; mà chỉ chú tâm quấy nhiễu tại Giang Tô, Chiết Giang. Nếu điều động huấn luyện người giống như tại Quảng Đông, Phúc Kiến, thì thuyền Di vào sông Quảng Đông, sông Chiết Giang, sông Ngô Tùng [Thượng Hải], Dương Tử [Giang Tô] đều bị đánh như tại An Nam, đó là điều thứ 4.
Bây giờ cứ khoanh tay chịu nhục, rồi than rằng thuyền, pháo không bằng bọn Di. Hãy coi việc An Nam đánh Di, nào đâu có pháo súng như Tây Dương; thuỷ quân thì cũng chỉ như Huệ, Triều, Chương, Tuyền nước ta; về kỹ năng của Loát thuyền cũng vậy thôi!”
[英吉利夷艘,兩碎於安南,人遂以為安南水戰,無敵於西洋,劄船且勝於洋舶。請試詰之曰,安南船炮果無敵也,則嘉慶入寇閩浙之艇匪,即阮光平所遣烏艚船百餘艘,宜乎橫行海外,何以敢劫商船,而不敢劫夷艘?又何以屢被挫於閩粵,被颶碎於浙江乎?殊不知安南勝英夷者,在縱其深入內河,而非馳逐於外洋,拒守於海口也。其所用劄船,狹長多槳,進退捷速,如競渡之龍舟,如粵東之快蟹艇、蜈蚣艇,特多一尖皮頂及左右障板,以避銃炮,以小勝大,以速勝遲。若大洋則不能使槳,是鬥艦火攻之具,非樓船水犀之軍也。富良江、廣南港,江面廣闊,與錢唐江、揚子江等,一則誘至灘淺潮落而閣之,一則預備火舟晦夜而乘之,以馳騁大洋則不足,以犄角內河則有餘,鬥智不鬥力也。夷船橫行大洋則有餘,深入堂奧則不足,為客不如為主也。安南界連閩奧,民習水戰,同於漳、泉、惠、潮。故夷船始至,則畏閩粵而不敢攻,繼則兩次闖入虎門、廈門,皆棄之不守,而惟滋擾於江浙,使得調度閩粵水勇之人,則夷船凡入粵河,入浙河,入吳淞,入長江,同於安南可乘之機者,凡四。交臂束手,而惟歸咎於船炮之不如。夫安南之創夷,其為洋舶洋炮者安在?惠、潮、漳、泉間,其為安南之人何限?其為劄船之技何限?]
* * *
Tuy sách Đại Nam Thực Lục của ta không chép việc quân Anh bị đánh trong 2 trận nêu trên, nhưng các thư tịch Trung Quốc khẳng định việc này, và Hải Quốc Đồ Chí của Nguỵ Nguyên đã trân trọng nêu lên để rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy từ tiền bán thế kỷ thứ 19 trở về trước, hàng năm có hàng trăm thương thuyền Anh đến bán hàng tại Quảng Đông, dùng hải quân tranh chấp thị trường với người Hà Lan, Tây Ban Nha tại Trung Quốc. Người Anh thường xuyên sử dụng thuỷ đạo dọc theo Biển Đông từ Đông Ấn, Tân Gia Ba đến Trung Quốc; nhưng không chủ trương tranh dành thị trường tại Việt Nam gần hơn, đó là một điều khó hiểu với một nước thực dân. Bởi vậy sử liệu trong Hải Quốc Văn Kiến Lục chép “Nay thuyền Hồng Mao lấy làm răn, có lệnh không được đến gần thấy núi Quảng Nam, nếu vào sát thấy núi Quảng Nam thì thuyền trưởng bị tội”, cần được nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh nhắm tìm ra manh mối.
(CÒN TIẾP)
Chú thích:
1.Cậu cháu: chỉ Nguyễn Hoàng là cậu ruột Trịnh Tùng, được giao coi đất Thuận Hoá.
2.Cách một con sông: chỉ sông Nhật Lệ, thuộc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
3.Mãnh Giáp Thứ tức Mãn Thứ Gia [滿剌加] đất cũ của Tân Gia Ba [Singapore]
4.Quân Anh đánh lần thứ nhất vào tháng 6/1840; lần thứ hai vào tháng 10/1841.