Nguyên nhân nào đưa Liên Xô đến chỗ tan rã : Chạy đua vũ trang hay suy thoái kinh tế ?
Edward Luttwak Lê Đỗ Huy lược dịch Sự sụp đổ có vẻ bất ngờ của Liên Xô đã từng được lý giải bằng nhiều lập luận. Người ta thường đề cập đến các lý do chính trị: sự suy yếu của các Bộ sức mạnh (khối an ninh-quốc phòng), do nội phản hay vì sự tấn công của các thế lực thù địch ...
Edward Luttwak
Lê Đỗ Huy lược dịch
Sự sụp đổ có vẻ bất ngờ của Liên Xô đã từng được lý giải bằng nhiều lập luận. Người ta thường đề cập đến các lý do chính trị: sự suy yếu của các Bộ sức mạnh (khối an ninh-quốc phòng), do nội phản hay vì sự tấn công của các thế lực thù địch bên ngoài… Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu ở cả phương Tây và Đông Âu lại cho rằng đây chỉ đơn thuần là cái chết về kinh tế. Bị trượt bánh ở ngã ba đường từ phát triển kinh tế kiểu “quảng canh” sang giai đoạn phải tất yếu “thâm canh”, liên bang chính trị-kinh tế-quân sự có quy mô địa lý lớn nhất hành tinh đã đột ngột tan đàn sẻ nghé ngay sau khúc dạo đầu hùng tráng của các “bản nhạc” Perestroika và Glasnost… Sự tan rã của Liên Xô còn là minh chứng cho lề lối điều hành kinh tế theo kiểu quan liêu bao cấp, tạo điều kiện cho tham nhũng tràn lan, gây nên tình trạng tê liệt trong mọi lĩnh vực sản xuất. Kỷ niệm 20 năm thực hiện công cuộc Đổi mới ở nước ta, chúng tôi xin trích dịch giới thiệu với bạn đọc để tham khảo những bài học đưa đến sự sụp đổ của một cường quốc quân sự nhưng lại không làm chủ được vận mệnh kinh tế của mình. Đây cũng là những bài học cho chúng ta suy ngẫm trước tình trạng tham nhũng hiện nay ở nước ta. Đầu đề là của chúng tôi.
Như một cầu chì cho thời kỳ chiến tranh lạnh, vũ khí hạt nhân có bốn công dụng. Thứ nhất, nó phù hợp với logic đầy nghịch lý của chiến lược, khả năng hủy diệt của vũ khí hạt nhân vượt quá đòi hỏi đề ra cho giới quân sự, nhưng lại có tác dụng răn đe cả hai phía. Thứ hai, những đề xuất áp dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường bằng cách đánh sụt sức công phá của nó đều bị dẹp đi, vì hiệu quả chiến thuật của phương án này sẽ bằng không nếu đối phương đánh trả cũng bằng vũ khí hạt nhân, nhưng với độ công phá cao hơn một tý. Thứ ba, việc ngăn ngừa các hoạt động tác chiến phi hạt nhân giữa các cường quốc hạt nhân vì thế mà trở nên dễ dàng hơn, vì người ta hiểu rằng chiến thắng vừa đạt được nhờ xung đột bằng vũ khí thông thường sẽ lập tức bị đảo ngược, nếu bên vừa thua chuyển sang dùng đòn hạt nhân. Cuối cùng, vũ khí hạt nhân gạt bỏ khí thế bừng bừng đã tạo đà cho một vài cuộc chiến. Vì nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, hiệu quả chiến tranh sẽ không thể khái toán, còn các hậu quả thảm khốc lại nhỡn tiền, tạo ra tác động cảnh tỉnh mạnh tới mức ngay cả những người cứng rắn như Stalin và Mao, từng điềm tĩnh chứng kiến cái chết của hàng triệu, hàng chục triệu đồng bào mình, cũng phải dè chừng, như bất cứ chính khách nào có dục vọng vừa phải, một khi chạm đến vấn đề hạt nhân.
Chiến tranh lạnh đã được tiến hành mà không cần giao chiến trực tiếp. Các cuộc chiến diễn ra ở Triều Tiên, Việt Nam, Afganistan… dưới các thấu kính loại khác sẽ hiển hiện với quy mô lớn hơn, vì có các bên thứ ba đan xen vào. Chiến tranh nóng, buộc nhân loại phải trả giá ghê gớm về người và của, (phần nào do cố đạt bằng được liên minh về chính trị), không thể xem là giải pháp cho chiến tranh lạnh. Các chiến dịch viễn chinh hay xung đột vũ trang trực tiếp giữa các bên can thiệp cũng thế. Còn sự can thiệp hay đánh thuê bởi các đồng minh của mỗi bên cùng lắm chỉ giải quyết được những vấn đề khu vực mà thôi.
Tuy nhiên, các sản phẩm quân sự đủ loại vẫn được chế tác trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, cứ thỉnh thoảng lại rộ lên. Bên yếu hơn thường cần cù hơn trong việc cải tiến, nâng cấp và đa dạng hóa các ứng dụng hạt nhân trong quân sự, vì thế họ thường bị chú ý và chỉ trích nhiều hơn. Vì vũ khí hạt nhân và phụ tùng rất đắt, những ai chống duy trì lực lượng hạt nhân luôn kêu ca rằng nó rất tốn kém mà quên rằng lực lượng chiến đấu không hạt nhân còn tiêu tốn hơn nhiều, chiếm tới bốn phần năm tổng số chi phí cho quân sự. Một số ý kiến chỉ trích tỏ ra có lý hơn khi cho rằng tăng cường vũ khí hạt nhân sẽ hoặc là vô ích, hoặc là nguy hiểm. Họ còn chỉ ra rằng những tính năng cụ thể nào của vũ khí hạt nhân sẽ làm mất đi sự răn đe đối với cả hai bên. Chẳng hạn các tên lửa đạn đạo đạt độ chính xác cao tới mức hủy diệt được hầm chứa tên lửa, nhưng vì phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cũng có tính năng chính xác không kém trong việc ngăn chặn đòn trả đũa, nên việc đánh trước đòn hạt nhân trở nên được chú trọng hơn…
Một khi cuộc chạy đua hạt nhân tầm chiến lược có tác dụng ru ngủ cả hai bên, nó không còn là yếu tố quyết định nữa. Và cuộc chiến tranh lạnh đã được sốt sắng tiếp tục bằng các biện pháp khác như tuyên truyền và lật đổ, đặc biệt là ở châu Âu; hoặc phổ biến hơn, gây được hậu quả lớn hơn – là chạy đua kinh tế. Trong tuyên truyền và lật đổ, cả hai bên từng tạo lực lượng hùng hậu cho đến tận hồi kết, và đều đã dựa dẫm các đồng minh tự phát nhưng vô cùng ngoan cường trong hậu địch. Khu vực yếu kém nhất trong tiền đồn của khối Varsava chính là Ba Lan, một đối tác chưa bao giờ thực sự trung thành với Nga, bất chấp màu quân phục mà họ mang và lý tưởng mà họ nhiệt liệt tán thưởng. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng phải đấu đá với trào lưu chống Mỹ xuất phát từ chủ nghĩa phản hiện đại (anti-modernism) được cổ súy bởi một số phần tử cực hữu, cũng như phái cực tả, cả cũ lẫn mới. Ngoài các môn đồ của chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô từng thu nạp được những cổ động viên ở phương Tây trung thành với tinh thần chống Mỹ hơn là thân Xô, vì họ vẫn kịch liệt chống Mỹ cả khi Liên Xô không còn nữa.
Đơn côi từ ngày thành trì tư tưởng trên quê hương Xô viết thất thủ, CHND Trung Hoa và Albania, hai phần tử chống Mỹ thâm căn cố đế, đồng thời là hiện thân của cực Tả và cực Hữu, nay phải trao thân vào vòng tay đỏng đảnh của những vị như Hamas – những người nổi dậy Palestin đính mác al-Qaeda, hay Cộng hòa Hồi giáo Iran. Còn ở Ý, đảng Cộng sản Italy có đại diện hùng hậu ở cả hai viện của Quốc hội, đã dành một địa vị quan trọng cho Palestine, Iraq và Iran trong cương lĩnh tranh cử của mình, rồi cực lực lên án các chính sách của Mỹ đối với ba thế lực này. Cả đảng Macxit-Lêninit của Ý, đảng kỳ có chân dung của cả Marx, Engels, Lenin, Stalin và Mao, cũng ra sức ủng hộ cho Cộng hòa Hồi giáo Iran, ngay cả ở những nơi cấm lá cờ này.
Bây giờ mới rõ ra rằng, cho dù thời chiến tranh lạnh từng có những hy vọng ngắn ngủi hoặc những hồi còi báo động, cả hai phe đã không hề tạo dựng nổi bất cứ phương cách tuyên truyền hay lật đổ nào khả dĩ thay đổi được vạch biên giới ngăn cách đôi bên.
Vậy thì mọi sự quy về thi đua kinh tế. Nói thế không có nghĩa là coi nhẹ uy lực quân sự. Đúng ra, uy lực này đã được bố trí khấm khá ở mỗi bên, đến mức một sự ổn định đáng quý đã được duy trì, do mỗi bên đều ngán tiềm năng của bên kia. Đây được xem là một lợi lộc nữa được vũ khí hạt nhân ban cho, bởi chưng các lực lượng phi hạt nhân của cả đôi bên đều mang tính bất ổn, không dự báo được, và mất cân đối trầm trọng.
Tính mất cân đối cũng thấy biểu hiện trong cuộc chạy đua về kinh tế dẫn tới kết liễu chiến tranh lạnh. Liên Xô dĩ nhiên mắc chứng này. Trong một thời gian dài, có nhiều người thuộc diện hiểu biết đã từng tin vào tính logic của nền kinh tế mệnh lệnh kiểu Xô viết: nơi các cung cách làm ăn tư bản chủ nghĩa hoang toàng như quảng cáo bị dẹp bỏ, cả thế hệ quen thắt lưng buộc bụng, tái đầu tư thặng dư tích lũy, tập trung vốn cao độ dẫn tới hiệu quả kinh tế cao, cho phép bất cứ ai đặt hàng các dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng xã hội hóa cao của một đời sống đàng hoàng chưa từng có.
Nhiều nhà kinh tế cảm thấy có sự ngụy biện mà vẫn cố tin rằng, ít nhất cho tới cuối những năm 1960, cơ chế kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô viết vẫn khá hiệu quả. Niềm tin này có ngọn nguồn của nó: bất chấp những khoản chi khổng lồ để hiện đại hóa quân sự ồ ạt và gấp gáp, cơ chế này vẫn hoàn thành được công cuộc xây dựng dân dụng vĩ đại tới mức thời đó, mỗi gia đình đều được phân căn hộ khép kín thay phòng ở trong những nhà tập thể nhớp nhúa; còn những năm 1970, đã tiến gần tới năng lực sản xuất đủ để bán cho mỗi gia đình một xe ôtô con, thậm chí hai chiếc.
Liên Xô không hề kém về năng lực sản xuất. Vào những năm 1980, sản lượng theo đầu người về điện của nước này cao hơn Ý, về thép cao hơn Mỹ, về phân bón cao hơn Nhật, về máy kéo cao hơn Tây Đức, về xi măng cao hơn Pháp. Đồng thời, mức sống Xô viết thấp ghê gớm so với Pháp, Ý, Nhật, Tây Đức, hay Hoa Kỳ. Các nhà thống kê từng cãi nhau về từng con số, tìm cách quy đổi chúng về dạng so sánh được. Nhưng thực ra các con số thống kê thật vô nghĩa, vì không thể đo lòng kiên trì, hay sự khéo léo, bằng một cân bơ hay một đôi giày. Sự tương phản ghê gớm giữa các con số hoành tráng về tổng sản phẩm với sự nghèo nàn trong đời sống thường ngày được đả thông là do tham vọng đắt giá về quân sự của Liên Xô. Rất nhiều sắt thép đã biến thành xe tăng, tàu chiến, còn xi măng thì biến thành các sở chỉ huy ngầm khổng lồ, thành vô số những đường băng và hầm chứa tên lửa v.v… Nhưng máy cày và phân bón mà sản lượng theo đầu người của Liên Xô đều vượt trội so với Đức, Nhật và Hoa Kỳ thì chẳng được tích sự gì sao?
Trên thực tế, bấy nhiêu máy kéo và phân bón đã không sản xuất ra đủ lúa mì đáp ứng nhu cầu của nhân dân Xô viết, trong khi đó Pháp và Mỹ lại xuất siêu đến mức ngũ cốc của họ tràn ngập thị trường thế giới. Theo những đánh giá mạnh dạn nhất, ngân sách quân sự ngốn mất khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của Liên Xô; nhưng tỉ suất tiêu hao nguyên nhiên liệu đầu vào so với sản phẩm đầu ra của nền sản xuất này còn ảnh hưởng tới đời sống người dân nghiêm trọng hơn nhiều.
Một lập luận xuất hiện trước khi cơ chế lập kế hoạch tập trung của Liên Xô khởi sự, cho rằng các nhà lập kế hoạch trên trung ương khó mà chỉ đạo nên dùng nhiều thép, hay bê tông cốt thép thì sẽ lợi hơn cho một công trình cụ thể, lại càng không thể dự trù thật chính xác sản lượng của từng loại polime nên đạt là bao nhiêu trong khi có tới hàng trăm loại polime. Cũng thật khó dự kiến được loại máy vi tính nào, hay vặt vãnh hơn, mũ xanh hay giày nâu, sẽ hợp thị hiếu tiêu dùng. Tác giả bài này từng thấy một cửa hiệu ở Leningrad chất đầy giày màu xanh lục chẳng ai thèm mua. Chỉ có thực tiễn tăng hay rớt giá thị trường của từng mặt hàng mới cập nhật được tin chính xác cho nhà sản xuất, và cả người tiêu dùng. Một lý giải nữa là: nền kinh tế Xô viết không biết cách tự hủy hoại – tức là tái tạo, cung ứng nguồn bổ sung ổn định về lao động, vốn đầu tư và mặt bằng sản xuất được giải phóng trong quá trình sa sút, hay phá sản trực tiếp của các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Thiếu vắng cạnh tranh thông qua thị trường, các doanh nghiệp trì trệ, già nua cứ việc tồn tại vui tươi, còn các doanh nghiệp mới, làm ăn năng động và hiệu quả hơn thì không được nhả cho các nguồn nhân tài vật lực bị đóng băng. Vào những ngày cuối đời, Liên Xô vẫn tiếp tục sản xuất các loại ô tô cọc cạch đời 1950, 60 và 70 ở các nhà máy với trình độ tự động hóa lạc hậu hàng vài ba chục năm. Khả năng thanh lý tự giác là điều tối mật của chủ nghĩa tư bản mà KGB đã không phát hiện được.
Bất chấp hai khuyết tật bẩm sinh nói trên, chế độ Xô viết vẫn hào hùng với tư cách một nền công nghiệp chiến tranh sản xuất được vô khối súng ống và xe tăng tàu bò theo mệnh lệnh. Nhưng trong kiến thiết dân sự, hệ thống này đã ngày một hụt hẫng, từ chỗ è cổ lo không nổi nhu cầu ăn ở tối thiểu cho dân tới chỗ trì trệ, để rồi thực sự đình đốn vào cuối thập kỷ 1970. Bông Uzbek, một nguyên liệu phẩm chất cao có thể đem đổi ngoại tệ mạnh trên trường quốc tế, bị biến thành áo xống “môve gu” (1) tới mức ngay cả người Xô viết cũng chẳng muốn xài. Toàn bộ khâu quay tơ, dệt, nhuộm, cắt, may đã biến nguyên liệu quý giá này thành đám giẻ chỉ còn cách dùng làm phế liệu cho ngành giấy. Số phận hẩm hiu cũng đến với da, len, sợi tổng hợp, gỗ, nhựa, cũng như các nguyên liệu khác của nền công nghiệp nhẹ Xô viết. Về sắt thép và xi măng cũng vậy. Nhiều công trình vĩnh hằng trong tình trạng thi công dở dang vì tiến độ xây dựng quá chậm, khiến cho số xi măng được dự trù trước hàng năm bị hóa đá, còn các cuộn thép thì rỉ sét hết dưới mưa dập tuyết vùi.
Vào thập kỷ 1980, nông nghiệp Xô viết trở nên xa xỉ còn hơn cả nền quân sự. Trong khi quân đội Xô viết ít nhất cũng bảo quản nghiêm được tăng pháo của họ để dùng cho hàng chục năm, nhà nước Liên Xô và các nông trang tập thể đã cùng đánh hỏng cơ man là máy cày, máy kéo và gặt đập liên hợp có chất lượng gần như hàng hiệu Tây Âu, chỉ sau một năm sử dụng, vì việc bảo dưỡng bị xem nhẹ, xe cộ bị bỏ mặc ngoài trời giữa ngày đông giá. Các rơ moóc chở phân bón cũng phơi ngổn ngang giữa đồng, phân bón mất hết phẩm chất trước khi sử dụng.
Về cuối đời, cơ chế quản lý kiểu Xô viết trở nên phản tác dụng đến mức bọn ăn cắp của công và bọn phe phẩy gặt hái ghê gớm. Bông tơ từ mạng phân phối nhà nước bị bẻ ghi tuồn ra ngoài cho các tay thợ vườn, hay các xưởng may lậu chuyên nhái hàng ngoại biến thành các sản phẩm dễ tiêu thụ. Các hạng mục công trình xây dựng trường kỳ bị moi ruột trước khi vật liệu xây dựng kịp thoái hóa, rồi biến thành dạng nhà lầu hoặc datcha (nhà nghỉ nông thôn) nhờ thuê nhân công bất hợp pháp hoặc tự xây cất. Tình trạng tùy tiện sử dụng xe công là nguồn chính cấp xăng dầu cho các phi vụ “chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản XHCN” bất hợp pháp, hoặc thuần túy dùng để chạy việc riêng.
Nhờ vào phân bón và công cụ xoáy được của nông trang mà các mảnh ruộng vườn phần trăm cho sản lượng bằng tổng sản lượng nông nghiệp của toàn Liên bang. Sự bất lương ngày càng đẻ số ra, dẫn đến xu thế chia nhỏ tài nguyên làm hệ thống kinh tế Xô viết hoạt động thêm khật khừ. Tuy nhiên, thủ phạm chính lật đổ chế độ Xô viết đâu phải là sự suy đồi về đạo đức: vào thời điểm khâm liệm Liên bang, hãy còn khối thứ khả dĩ để chụp giựt, chia chác. Chính nỗ lực điều trị chế độ đã vô tình đem lại những năm tháng cuối đời cho nó. Những gì xảy ra thời cải tổ đã minh chứng hùng hồn cho luận điểm của Marx, rằng tính tình, nhân cách, hoặc ý chí của lãnh tụ không thể tác động đến các biến đổi của hệ thống, và dù cho các lãnh tụ cải cách có đủ phẩm chất và quyền lực, họ vẫn phá sản hoàn toàn trong thực hiện chủ trương của mình. Trong khi tìm cách làm trong sạch hệ thống bằng cách kỳ cọ những cáu bẩn đã ken lại, các nhà cải tổ vô tình khám phá ra chúng chính là chất mỡ bôi trơn cho sự hoạt động. Chất này còn biến đổi muôn hình vạn trạng, thành chất keo kết dính tham ô tập thể, hay thành thuốc an thần: hàng hóa dồi dào, giá cả phải chăng. Rượu vodka chẳng hạn, giá rất bình dân. Nhân tiện, đối với rượu, các nhà cải tổ từng có một cách tiếp cận rất Stalinist: thay vì tăng dần giá rượu để đánh sụt cầu tiêu dùng, hoặc triển khai các chiến dịch tuyên truyền chống nạn say xỉn, người ta đã dùng mệnh lệnh hành chính đột ngột khoá van các nhà máy rượu trên toàn Liên bang. Hệ quả của giải pháp cộc lốc này là sự tăng trưởng tệ nạn phe phẩy và nấu rượu lậu, làm cuốc lủi xuất hiện thay cho vodka. Tỉ lệ say xỉn được bảo đảm như cũ, nhưng tai ách do ngộ độc cồn và kỹ thuật chưng cất không đảm bảo vệ sinh thì tăng lên. Nếu “các cụ” ngẩn ngẩn ngơ ngơ kia còn tiếp tục lãnh đạo Liên Xô thì cho tới nay siêu quốc gia này hẳn vẫn cùng ta chung sống, có điều nó sẽ cứ tiếp tục lụ khụ, hom hem, chẳng khác gì trò hề trơ trẽn hiện vẫn trêu ngươi thiên hạ năm này qua năm khác ở Saudi Arabia. Còn ở Liên Xô, ngay sau cú mở màn ngoạn mục vở cải lương của gánh hát thiên tài đầu voi đuôi chuột, toàn sân khấu chính trị đổ cái rụp.
Ngược lại, nếu những hứa hẹn của chế độ kế hoạch hóa tập trung biến thành hiện thực (một giả thuyết hão huyền ngay cả trên lý thuyết), mang lại một sự phồn vinh mọi mặt mà nhân loại chưa từng biết, Liên Xô sẽ biến ngay thành miền đất hứa, bất chấp cả bàn tay sắt KGB, lẫn mọi nỗi khổ nhục phải chịu đựng nền độc tài tương tự như cỗ máy áp bức hiện hành ở Saudi Arabia.
Vậy là cuộc thi thố giữa hệ thống kinh tế do thị trường điều tiết và hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung chính là hồi kết của chiến tranh lạnh. Trong cuộc chơi này đã không hề có bàn thắng của các nhà ngoại giao hay các chiến binh, lại càng không có công tích của các gián điệp. Chính các thể chế dân chủ tư sản, vận hành trên những người dân cụ thể của xã hội tư bản để phục vụ cho chính họ, đã tạo ra kết cục cho cuộc chiến tranh lạnh.
Edward Luttwak, “We Managed” (Chúng ta đã xoay xở) đăng trong Times Literary Supplement, tháng 3-2006. Tác giả là cán sự đầu ngành của Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế của chính phủ Mỹ, đã có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về quan hệ quốc tế.
(1) Mauvais gout: phản thị hiếu.
Nguồn bài đăng