18/06/2018, 17:05

Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua

Lê Tư A. TIỂU SỬ TÓM TẮT: Nguyễn Trãi sinh năm 1380, năm 1400 đậu Thái học sinh. Tương truyền, ông giữ chức Ngự sử đài chính chưởng dưới đời Hồ (1400 – 1407). Tuy nhiên, không hoạt động nào của Nguyễn được sử ký ghi nhận trong giai đoạn này. Năm 1407, Vĩnh Lạc xâm phạm Đại ...

nguyentrai (1).jpg

Lê Tư

A. TIỂU SỬ TÓM TẮT:

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, năm 1400 đậu Thái học sinh. Tương truyền, ông giữ chức Ngự sử đài chính chưởng dưới đời Hồ (1400 – 1407). Tuy nhiên, không hoạt động nào của Nguyễn được sử ký ghi nhận trong giai đoạn này.

Năm 1407, Vĩnh Lạc xâm phạm Đại Việt, Giản Định đế nổi lên kháng cự sau khi quân Hồ tan rã. Nguyễn Trãi bị nhóm Hậu Trần truy sát do gia tộc bên ngoại trước đó hợp tác với họ Hồ, về sau cha và cậu ruột lại đầu hàng giặc Minh. Ông ẩn tránh đến năm 1410 mới ra trình diện chính quyền mới.

Từ 1410 đến 1417, Nguyễn Trãi lưu lạc Trung Hoa. Có lẽ do ông phục vụ Minh triều với chức vụ thấp nên sử Trung Hoa không chép lại hành trạng.

Theo Tổng binh Lý Bân về Giao Chỉ năm 1417, Nguyễn làm việc trong bộ máy thuộc địa đến khi họ Lý qua đời năm 1422.

Năm 1423, Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi, được giao vai trò thư ký riêng cho thủ lĩnh khởi nghĩa. Thừa lệnh chủ, Nguyễn viết nhiều thư giao thiệp với người Minh; hoặc mệnh lệnh dạy bảo, úy lạo quân nhân. Các văn bản này về sau được Trần Khắc Kiệm gom thành Quân trung từ mệnh tập (1480).

Năm 1427, khi quân Lam Sơn tiến ra châu thổ sông Hồng, “Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ” Nguyễn Trãi được thăng chức “Triều liệt Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự.” Ông từng đích thân cùng hàng tướng họ Tăng đi chiêu dụ thành Tam Giang.

Tức vị hoàng đế năm 1428, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi viết Đại Cáo công bố quá trình chiến đấu dẫn đến thành công mỹ mãn của lực lượng kháng chiến. Nguyễn Trãi được phong “Tuyên phụng Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ hữu Gián nghị Đại phu, đồng Trung thư lệnh sự, tứ kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi.”

Cuối năm 1429, Nguyễn Trãi bị tống giam nhưng sau đó được thả ngay. Tuy nhiên, ông mất hết chức tước và bị thẩm vấn kéo dài. Ngoài lý do bị tình nghi liên can mưu phản của Trần Nguyên Hãn, có thể ông gặp rắc rối do các mối quan hệ phức tạp thời cộng tác với người Minh.

Năm 1432, ông chỉ được phục chức “Vinh Lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển tri Tam Quán sự.” Năm 1433, Lê Thái tổ băng, Nguyễn Trãi viết Văn bia Vĩnh lăng.

Từ năm 1433 đến năm 1437, theo ghi chép của Toàn Thư, bên cạnh nhiệm vụ Thừa chỉ, Nguyễn Trãi phụ trách mảng văn hóa-giáo dục của triều đình.

Do tranh chấp về “lễ nhạc” với Lương Đăng năm 1437, Nguyễn Trãi bị bãi truất nhưng vẫn còn giữ chức quan nhàn. Năm 1439, Lê Thái tông phục hồi cho ông. Trong biểu tạ ơn, ông xưng là “Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ sảnh tả ty hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ tri Tam Quán sự, Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, Á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi.”

Năm 1442, vua đi tuần miền đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, nhân tiện ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Khi nghỉ lại Lệ Chi viên trên đường về kinh, hoàng đế thức suốt đêm với vợ lẽ Ức Trai là Nguyễn thị Lộ rồi mất. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Năm 1464, Lê Thánh tông cho người con còn sống sót của Nguyễn Trãi tên Anh Vũ làm quan huyện. Năm 1467 lại ra lệnh sưu tập thơ văn của ông.

B. TỰ TRUYỆN QUA NHẬT KÝ THƠ:

1. Thời học sinh trước năm 1400

Nguyễn Trãi xuất hiện lần đầu trong văn học qua bài thơ “Gia viên lạc 家園樂,” Thú vườn quê của Nguyễn Ứng Long. Cha ông tả đứa bé con mình mới lên sáu đã mê đọc sách: “Lục tuế nhi đồng phả ái thư 六歲兒童頗愛書.” Phan Huy Chú tin rằng cháu nhỏ chính là Ức Trai sau này.[1]

Qua tác phẩm dưới đây, Nguyễn Trãi cho biết ông được gửi vào trường lớp chính quy để học tập. Do Ứng Long là quan Đại phu triều Trần, có thể hiểu “trường văn” mà tác giả nhắc đến chính là Quốc tử giám tại kinh đô. Nguyễn đang đối diện rắc rối ảnh hưởng đến việc học và thi.

Mạn thuật XII

Trường văn nằm ngả mấy thu dư,

Uổng tốn công hèn biện lỗ ngư.(1)

Còn miệng tựa bình(2) đà(3) chỉn(4) giữ,

Có lòng bằng trúc(5) mỗ(6) nên hư.

Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,(7)

Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.(8)

Chỉn sá(9) lui mà thủ phận,

Lại tu thân khác mặc(10) thi thư.

Tạm hiểu như sau: Mấy năm miệt mài trong nhà trường, Công dùi mài kinh sử đành phí uổng. Mồm miệng đã giữ kín như miệng bình, Lòng trống rỗng giũ sạch mọi việc. Từ khi én lạc đường không bay vào nhà Vương-Tạ, Lòng đối với Tiệp Dư như chiếc quạt xếp lại. Nên thủ phận mà rút lui, Tìm nghề nghiệp khác bỏ mặc thi thư.

Hai câu đề tác giả tự trách nỗ lực học hành phí hoài, có vẻ như thi hỏng. Nhưng nếu chỉ thi hỏng, không nhất thiết phải giữ mồm giữ miệng hay tự kìm nén cảm xúc như trình bày qua cặp trạng. Cặp luận thể hiện gia thế đi xuống do nhà vua lạnh nhạt, đây là lời giải thích lý do tại sao phải cư xử cẩn trọng như đề cập bên trên. Hai câu kết tỏ ý muốn bỏ cuộc đua thi thư để theo nghiệp khác.

Thời điểm nào nho sinh Nguyễn Trãi thi trượt cùng lúc với Ứng Long bị triều đình ghẻ lạnh?

Ức Trai đỗ Thái học sinh năm Thánh Nguyên I (1400), như vậy, bài thơ phải xuất hiện trước đó. Cân nhắc năm sinh 1380 và lời thơ tương đối già dặn của tác giả, chúng ta có thể thu hẹp thời gian tác phẩm ra đời vào quãng 1392 – 1399. Năm 1393, Toàn Thư ghi nhận khoa thi Thái học sinh vào mùa xuân lấy đỗ ba mươi người. Năm 1396, ghi nhận việc cải cách nội dung các bước thi cử nhưng không nhắc đến khoa thi kèm theo; tuy vậy, có thể tin rằng từng có kỳ thi Hương theo qui định mới trong năm 1396 vì triều đình khó thể công bố cải cách mà bỏ qua thể nghiệm.[2] Như vậy, Nguyễn Trãi có thể thi trượt khóa 1393 hoặc khóa 1396.

Ức Trai di tập còn giữ được bài thơ Nguyễn Ứng Long tiễn Lê Dung Trai lên đường sứ Bắc vào cuối năm 1394 hoặc đầu năm 1395. Lời thơ điềm đạm thể hiện tư cách một vị đại quan có địa vị ổn định. Dựa vào đó, có thể loại trừ trường hợp “Mạn thuật XII” được viết ra sau khóa thi 1393.

Năm 1396, Thiếu trung Đại phu Nguyễn Ứng Long cùng Thông phụng Đại phu Đào Toàn Kim đi sứ nhà Minh báo tin Thượng hoàng Nghệ tông qua đời. Vua Minh từ chối phúng điếu. Rủi ro hơn, chánh sứ họ Đào mất trên đường về. Lợi dụng hoàn cảnh bối rối, nhà Minh áp lực đòi đất biên thùy. Trần Thuận tông bãi nhiệm Ứng Long do chuyến đi kết cục thảm hại. Dấu vết trách phạt còn lưu trong hai bài bát cú “Ngẫu tác 偶作”, Ngẫu nhiên làm thơ và “Mộ thu 暮秋”, Cuối thu với các câu “Triển Cầm yên vãng phi tam truất 展禽焉往非三黜,” Triển Cầm đến nơi nào chẳng bị ba lần bãi truất hay “Tao nhân hà tất oán giang ly 騷人何必怨江蘺,” Nhà thơ hà tất phải oán cỏ Giang ly. “Ngẫu tác” nói về Liễu Hạ Huệ, “Mộ thu” nhắc Khuất Nguyên, là các danh sĩ bị biếm truất không thỏa đáng.[3]

Hai luồng thông tin trên hướng chúng ta đến kết luận: tác phẩm ra đời năm 1396. Kết quả thi tiêu cực cộng hưởng tai họa mất chức của cha khiến Nguyễn dao động niềm tin vào hoạn lộ. Cha bị thất sủng, con có khả năng bị cấm thi hoặc thi đỗ vẫn không được bổ nhiệm. So sánh gia đình mình với hai họ Vương-Tạ đại quý tộc đời Tấn, lại so sánh cha với nàng Ban Tiệp Dư từng được Hán Thành đế sủng ái, Nguyễn đã gián tiếp xác nhận Ứng Long có địa vị cao trong triều đình và được vua Trần nể trọng. Thông tin như thế khác hẳn kết quả nghiên cứu truyền thống vốn cho rằng Nguyễn Ứng Long chỉ ra làm quan dưới đời Hồ.

Từ bỏ Nho học chỉ là lời nói lẫy. Nguyễn càng nhận rõ trách nhiệm cá nhân khi cha gánh chịu thua thiệt trên quan trường. Nếu cha chùn bước, con phải dấn thân. Bài thơ dưới đây diễn đạt mạnh mẽ ao ước thành đạt:

Ngôn chí VII

Đã mấy thu nay để(11) lệ nhà,

Duyên nào đeo đẳng khó chăng tha.

Một thân lẩn quất đường khoa mục,

Hai chữ mơ màng việc quốc gia.(12)

Tài liệt lạt(13) nhiều nên kém bạn,

Người mòn mỏi hết phúc còn ta.

Quân thân chưa báo lòng canh cánh,

Tình phụ cơm trời áo cha.

Chao đảo bước tiến thân chỉ tạm thời, Nho đạo là con đường duy nhất Nguyễn lựa chọn và đeo đẳng. “Ngôn chí” cho biết Nguyễn tạm rời Côn Sơn (hoặc Nhị Khê) nhiều năm để theo đuổi học vấn tại kinh thành. Trở ngại nhiều nhưng chưa bao giờ ông bỏ cuộc. Mộng gánh vác việc triều đình, tức mộng làm quan, luôn vấn vít hành trình khoa mục khổ nhọc. Câu 5 một lần nữa nhấn mạnh trầy trật thi cử, câu 6 vui mừng vì còn được tiếp tục trường văn trong khi nhiều đồng khóa kém phúc đành chấp nhận rơi rụng. Phí tổn nuôi con ăn học thời đó hẳn rất đáng kể và chỉ nhà phú quý mới kham nổi. Nhưng thư sinh dòng dõi như Nguyễn có con đường nào khác phù hợp hơn để lập công danh ! Phải thi đỗ mới nắm bắt cơ hội phụng sự hoàng triều đồng thời mang đến vẻ vang cho cha mẹ. Do cặp thực nói về quan hệ vua-tôi, cặp luận tưởng đến quan hệ cha-con nên “hai chữ” được mơ màng phải là hai chữ “quân-thần”. Ức Trai đặt nặng nghĩa vụ trung-hiếu, nhưng chúng ta nên chú ý riêng về lòng trung qua mỗi giai đoạn. Nguyễn Trãi từng thể hiện hồn hậu sự trung thành với vua Trần, vua Hồ, vua Minh và vua Lê. “Quân” trong bài thơ trên chỉ Trần Thuận tông, người trị vì quãng 1388 – 1398.

Rủi cho hoàng gia Trần nhưng may cho nhà họ Nguyễn là Thuận tông bị Hồ Quý Ly ép đi tu vào năm 1398. Hoàng tử An lên ngôi tại Tây đô lúc 3 tuổi, hoàn toàn bị quyền thần khống chế. Đại vương Quý Ly bắt đầu tái tổ chức triều chính chuẩn bị soán đoạt. Thời cuộc thay đổi hóa giải áp lực án phạt lên Ứng Long đồng thời mở sinh lộ mới cho cả gia đình.

Ngôn chí VI

Trường ốc ba thu uổng mỗ(14) danh,

Chẳng tài đâu xứng chức tiên sinh.(15)

Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử,(16)

Thuyền mọn khôn đưa biển lục kinh.(17)

Án sách cây đèn hai bạn cũ,

Song mai hiên trúc một lòng thanh.

Lại mừng nguyên khí vừa thịnh,

Còn cậy vì hay một chữ đinh.(18)

Về già, Nguyễn Trãi có câu thơ nhớ thời đi học: Thiếu niên trường ốc tiếng hư bay. Ông học giỏi có tiếng nhưng không hiểu sao lại trượt khóa thi 1396. Mối hận lòng khiến Nguyễn tự đay nghiến rằng mình kém khả năng, như cuốc cùn xới cánh vườn rộng, như thuyền mọn vượt biển mênh mông. Ý thức năng lực sơ sài đã thôi thúc người thanh niên cố công rèn luyện trong điều kiện sinh hoạt đạm bạc. Ứng Long bị ngồi chơi xơi nước nên bổng lộc hẳn sút giảm nhiều gây ảnh hưởng đến con cái. Trong thất vọng, chàng thư sinh bắt gặp hy vọng le lói từ biến pháp của Hồ Quý Ly. Thực hiện công việc mới phải cần nhân sự mới. Nguyễn tự tin sẽ thành công nhờ vốn văn học của mình.

Kẹt vướng giữa bế tắc, lòng trung với họ Trần nhòa nhạt nhẹ nhàng. Năm 1398, Thái thượng Nguyên quân Hoàng đế Trần Ngung rời ngôi tôn. Vị đạo sĩ tân tòng lo bảo toàn sinh mệnh nên không quan tâm thiên mệnh.

2. Thời Hồ 1400 – 1407

Cả ba bài thơ làm trong tuổi học trò bên trên đều thể hiện sinh hoạt thanh bạch của người chưa sành thú phong lưu. Thiếu niên Nguyễn Trãi lúc đó chưa tơ tưởng tới trà, rượu và đàn bà.

Theo bài tựa Ức Trai thi tập do Trần Khắc Kiệm viết năm Hồng Đức XI (1480), Nguyễn nhậm chức Trung thư Ngự sử đài Chánh chưởng sau khi đỗ Thái học sinh.[4] Tác phẩm dưới đây cho thấy Nguyễn quen thuộc với cách chuẩn bị trà của tầng lớp trí thức có quyền thế. Trong thực tiễn xã hội bất ổn, gu ẩm thực cầu kỳ vẫn được duy trì.

Tự thán XXXVII

Nẻo từ(19) nước có đao binh,

Nấn ná am quê cảnh cực thanh.

Đình Thấu Ngọc(20) tiên(21) xanh(22) tuyết nhũ,(23)

Song mai hoa điểm quyển Hy kinh.(24)

Hẹn này nỡ phụ ba đường cúc,(25)

Tiếc ấy vì hay một chữ đinh.(26)

Mọi sự đã chăng còn ước nữa,

Nguyện xin thấy một thuở thăng bình.

Tạm hiểu như sau: Từ khi nước có chiến tranh. Nấn ná quê nhà nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Trong đình Thấu Ngọc, đun chảo nước thạch nhũ tinh khiết. Bên cửa sổ trồng hoa mai, đọc quyển Hy kinh. Có hẹn với ba luống cúc nhưng lỡ dở rồi! Thật tiếc chỉ vì ta là người trí thức có trách nhiệm. Bây giờ chẳng cầu ước điều gì. Chỉ mong thấy cảnh thanh bình.

Để định tuổi bài thơ, chúng ta căn cứ vào năm điểm: a. nơi tác giả sống là một “nước”, b. chiến tranh xảy ra ngay trong lãnh thổ Việt, c. phức hợp động Thanh Hư sang trọng với đình Thấu Ngọc chưa xuống cấp, d. Nguyễn Trãi đang làm quan, e. Trãi đỗ Thái học sinh chưa lâu lắm, còn kiểu hãnh diện trẻ trung là mình biết chữ.

Dựa vào điểm đầu tiên, ta loại trừ thời gian An Nam mang danh Giao Chỉ Thừa tuyên Bố chính sứ ty, tức từ 1407 đến 1428. Dựa vào điểm thứ hai, có thể khép thời gian vào quãng đời Hồ, tức từ 1400 đến 1407; vì dưới đời Lê Thái tổ, Lê Thái tông, chiến tranh chỉ xảy ra nơi phên dậu hoặc ngoài biên giới. Điểm thứ ba, thứ tư và thứ năm củng cố nhận xét dựa vào điểm thứ hai.

Cuộc “đao binh” xảy ra trong nước có thể là trận tấn công của Hàn Quan và Hoàng Trung vào Đại Ngu mùa hè năm 1406 để đưa Trần Thiêm Bình về nước thay thế họ Hồ. Nhằm nghênh địch, vua Hồ đã áp dụng chiến thuật vườn không nhà trống tại các xứ Lạng châu, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Tam Đái. Dời dân qui mô dĩ nhiên gây xáo trộn lớn đời sống tại trung châu. Có lẽ Nguyễn thăm nhà trong giai đoạn hỗn loạn này. Không loại trừ chính vùng quê ngoại cũng nhận lệnh chuẩn bị di tản nếu cần thiết. Hai chữ “nấn ná” giúp chúng ta biết Nguyễn chỉ được phép về nhà để thu xếp điều gì đó thật nhanh chóng rồi phải trở lại nhiệm sở. Ức Trai dùng Hy kinh để dự đoán những gì sắp xảy ra. Cầu nguyện bình an chứng tỏ bói toán bằng Dịch chưa mang đến sự tin tưởng, hoặc ông đã linh tính hậu quả từ mối loạn là cực lớn. Lòng luyến thương hoa cúc nổi lên như điềm gở báo trước cuộc chia ly dằng dặc mười năm.

Điều Nguyễn Trãi lo sợ rồi cũng ập đến.

Tự thán XXX

Vận trị cùng loàn chỉn(27) đếm thì,(28)

Bằng(29) ta sinh uổng có làm chi.

Ơn vua luống nhiều phần đội,

Việc nước nào ích mỗ(30) bề.(31)

Rắp(32) tới, đã chăng hay chốn tới,

Hầu(33) đi, lại chửa biết đường đi.

Tôi ngươi(34) hết tấc lòng trung hiếu,

Ai há liệu nơi thịnh suy.

Tạm hiểu như sau: Thời vận trị rồi đến loạn là quy luật. Ta sống uổng phí vì không làm gì được (để cưỡng lại). Từng chịu ơn vua rất nặng. Mà chẳng giúp chút gì cho nước. Muốn tiếp tục đi nhưng không biết tới đâu. Định tìm ngõ khác lại chưa biết đằng nào. Phận tôi con luôn hết lòng trung hiếu. Bất kể triều đại thịnh hay suy.

“Tự thán XXX” được viết ra lúc chế độ sụp đổ. Nguyễn từng kinh qua hai lần trạng huống như thế, một lần cuối đời Trần và lần thứ hai cuối đời Hồ. Cuối Trần, Nguyễn không hoang mang vì quốc gia được xếp đặt lại bởi năng lượng từ luồng nguyên khí mới. Cuối Hồ, Nguyễn dở dang vĩnh viễn sự nghiệp do hoàng gia bị người Minh áp giải về phương bắc. Giữ lòng trung rất khó vì chẳng ai mưu sự khôi phục nhân danh họ Hồ để ông có thể tham gia. Tình trạng tuyệt đại đa số sĩ nhân bỏ rơi Đại Ngu quay sang hợp tác với giặc có lẽ khiến Nguyễn bàng hoàng. Ông nhắc nhở đám đông phù thịnh bằng tấm gương bản thân lẻ loi. Nhưng muốn bảo toàn trung-hiếu phải có kế hoạch chống trời nào đó, kế hoạch mà Nguyễn không sao nghĩ ra được.

Ức Trai không có nhiều thời giờ ngẫm ngợi về lòng cô trung. Đống tro tàn Đại Ngu đã tái sinh mầm sống khác, vừa mới mẻ vừa cổ kính. Tựa vào bộ rễ đâm sâu ruột đất hàng thế kỷ, sinh thể đó phục hồi tuổi trưởng thành trong chớp mắt và chua chát đặt vấn đề với tất cả những ai từng coi rẻ phẩm giá của nó.

3. Ba năm chạy trốn 1407 – 1410

Khác với cha mình, Nguyễn Trãi không nghĩ ngay đến việc đầu hàng hay hợp tác với quân chiếm đóng. Ban đầu, có lẽ ông cùng một số đồng chí dù tản mát vẫn duy trì liên lạc để đồng tâm ứng phó với tình hình, đặc biệt với chính sách chiêu hiền của vua Minh. Bài thơ dưới đây cho thấy Nguyễn cùng một số cựu đồng liêu trao đổi về việc có nên ra làm quan với chính quyền thuộc địa hay không.

和鄉先生韻柬諸同志

愁來咄咄漫書空 
天地無窮嘆轉蓬 
世事灰心頭向白 
衰顏借酒暈生紅 
覽輝擬學鳴陽鳳 
遠害終為避弋鴻 
淪落天涯俱是客 
年來出處略相同

Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí

Sầu lai đốt đốt(35) mạn thư không 
Thiên địa vô cùng thán chuyển bồng(36) 
Thế sự khôi tâm đầu hướng bạch  
Suy nhan tá tửu vựng sinh hồng 
Lãm huy(37) nghĩ học minh dương phụng(38) 
Viễn hại chung vi tỵ dặc hồng 
Luân lạc thiên nhai câu thị khách 
Niên lai xuất xử(39) lược tương đồng

Họa vận vị tiên sinh đồng hương gửi các đồng chí

Buồn đến, viết loạn hai chữ “cha chả” lên không,

Than mình như cỏ bồng trôi dạt trong trời đất vô cùng.

Lòng nguội lạnh việc đời, tóc sắp bạc,

Vẻ mặt tiều tụy, nhờ rượu mà đỏ hồng.

Ngắm ánh sáng, định học chim phượng hót đón mặt trời,

Lẩn xa tai vạ, rốt cuộc lại như chim hồng tránh tên.

Đều là khách luân lạc bên trời,

Cho đến nay, chúng ta đều có kế sách xuất xử như nhau.

Câu 1 mượn tâm tình của Ân Hạo khi mất hết chức tước, rơi xuống hàng thứ dân, bị lưu đày, để bày tỏ sự bàng hoàng trước biến động. Câu 6 khẳng định ý muốn học theo Ngự sử Lý Thiện Cẩm đời Đường, người được đương thời mệnh danh “minh dương phụng 鳴陽鳳”, chim phượng hót đón mặt trời. Như vậy, có phần chắc bài thơ ra đời ngay sau khi quân Minh thắng trận khiến tác giả đột ngột gián đoạn công việc yêu thích ở đài Ngự sử đồng thời phải tránh nạn nơi xa.

Giống như “chuyển bồng 轉蓬”, cỏ bồng trôi dạt là tự gẫm thân phận của Đỗ Phủ khi rời Thành Đô đến Từ châu tránh cuộc nổi dậy của Từ Tri Đạo (762). Cụ Đỗ từng chạy loạn An Lộc Sơn tới Thành Đô, lại gặp loạn, buộc đi tiếp sang Từ châu. Như vậy, Nguyễn có thể đã chạy giặc Minh, sau đó lại tiếp tục chạy những đám giặc phái sinh nổ ra khi chính quyền Hồ sụp đổ.

Hai chữ “lãm huy” nhắc về thời đại xã hội đảo lộn mà nhà thơ Khuất Nguyên nước Sở phải chịu đựng. Giả Nghị, qua phú “Điếu Khuất Nguyên”, cho rằng thuở đó mọi sự đều trái khoáy : bọn trộm cắp tự xem mình thanh cao, quân đội dùng lừa để kéo binh xa, trái bầu xốp được quý hơn vạc nhà Chu… Với Nguyễn, thời điên đảo quá mức tương ứng buổi mạt Trần. Ông ví mình như chim phượng đã thấy vầng sáng Hồ Quý Ly và đã lựa chọn.

Ngoài Giả Nghị, Lưu Khắc Trang (1187 – 1269) cũng lưu lại dấu ấn trên sáng tác của Nguyễn. Lưu thuộc phái thơ “giang hồ”. Thành viên phái này chuộng lời lẽ bình dị, hướng về chủ đề cuộc sống thường nhật. Khắc Trang có câu thơ rất nổi tiếng “Minh dương phụng hóa tác hàn thiền 鳴陽鳳化作寒蟬,” Chim phượng hót đón mặt trời hóa làm con ve mọn. Sự lệch lạc giá trị xã hội hẳn tái xuất hiện gay gắt sau thời Hồ khi tập hợp người ủng hộ quân Minh bật lên ở châu thổ, đồng thời tập hợp phục quốc-phục thù Hậu Trần hoạt động sôi sục từ Thanh Nghệ vào Nam.

Câu 7 đặc tả tình trạng nhà thơ đang trải nghiệm. Bạn bè dù luân lạc nhưng không đối diện nguy hiểm, riêng Nguyễn phải tìm nơi lẩn tránh bọn người chỉ muốn trao đổi với Ông bằng cung tên.

Ức Trai lẩn tránh ai ? Theo Minh Thực lục, Thành tổ chủ trương dùng “lễ” để mời quan lại cũ và những người có kỹ năng chuyên môn ra cộng tác. Thực tế, số hưởng ứng rất đông, nhiều vị chưa làm quan chính thức cũng hăng hái góp mặt. Trương Phụ duyệt xét, tiếp nhận 9.000 nhân tài lần lượt đưa về kinh. Số từ chối loe hoe dăm người, trong đó có hai nho sĩ Bùi Ứng Đẩu, Lý Tử Cấu. Vài vị nữa không được nêu tên là hạ trai học sinh, chức phận chỉ ở mức “thư lại”. Hai cụ Bùi, Lý ương ngạnh chẳng bị bắt bớ gì. Như thế, chủ thể muốn hành xử bạo lực không là quân Minh(40), họ là người quen nên ông biết phải lánh nơi nào.

Bài thơ dưới đây thuật lại cuộc sống ẩn nấp của tác giả:

秋夜客感其一

旅舍蕭蕭席作門 
微吟袖手過黃昏 
秋風落葉羈情思 
夜雨青燈客夢魂 
亂後逢人非夙昔 
愁中送目寓乾坤 
到頭萬事皆虛幻 
休論凡亡與楚存

Thu dạ khách cảm kỳ I

Lữ xá tiêu tiêu tịch tác môn 
Vi ngâm tụ thủ quá hoàng hôn 
Thu phong lạc diệp cơ tình tứ 
Dạ vũ thanh đăng khách mộng hồn 
Loạn hậu phùng nhân phi túc tích 
Sầu trung tống mục ngụ càn khôn 
Đáo đầu vạn sự giai hư huyễn 
Hưu luận phàm vong dữ sở tồn

Cảm xúc đêm thu nơi đất khách – kỳ I

Nhà trọ vắng vẻ, lấy chiếu làm cửa,

Rút tay vào tay áo, ngâm khẽ qua buổi hoàng hôn.

Lá cuốn gió thu, chạnh tình lữ thứ,

Đèn biếc đêm mưa, mộng hồn tha phương.

Sau loạn, không gặp ai là người cũ,

Giữa nỗi buồn, trơ mắt nhìn đất trời.

Vạn sự cuối cùng đều huyễn ảo,

Thôi đừng bàn chuyện Phàm mất với Sở còn.

Chữ “khách” của Nguyễn Trãi và Phi Khanh mang nội hàm giống nhau. Bất kỳ nơi nào không phải Nhị Khê hay Côn Sơn đều là đất khách. Đông Triều, Đông Quan hoặc Trung Hoa đều vậy. Thời cuộc biến chuyển chóng mặt tạo nên hiệu ứng như nhau trên tâm lý hai thế hệ, hai cha con đều nhìn nhận tính hư huyễn của trần thế mỗi khi triều đại thay đổi. Đó là cảm giác của nhà nho khi họ thiếu vua.

Câu 5 so với “Loạn hậu giao du phi phục tích 亂後交遊非復昔,” Sau loạn bằng hữu chẳng còn như trước [5] của Phi Khanh chỉ sai biệt ba chữ, cấu trúc giống hệt. Hai người tuy vậy khác nhau nhiều. Phi Khanh muốn gặp người quen nhưng khó gặp. Nguyễn Trãi phải tìm đến nơi không ai biết mình.

Sống hiu quạnh, Nguyễn có dịp nghiền ngẫm sự kiện nhà Hồ sụp đổ. Triều đại tiêu vong mang theo tuổi trẻ cùng niềm hi vọng vào tương lai. Hội chứng Đại Ngu đeo đẳng lâu dài gần như suốt cuộc đời. Về sau, mỗi dịp qua nơi nào có di tích triều cũ ông đều chìm trong suy tư pha lẫn thương cảm.

Câu 8 khá đặc sắc. “Phàm vong dữ Sở tồn,” Phàm mất với Sở còn là ý trích từ câu chuyện giữa vua hai nước Phàm-Sở chép trong Nam Hoa Kinh.[6] Cổ nhân chủ yếu biện luận tính tương đối của hiện tượng “tồn tại” và “không tồn tại”. Tuy nhiên, qua đó chúng ta thấy khái niệm “quốc 國”, nước được hiểu bằng hai cách. Nước là vua-triều đình hoặc là đất đai-sông núi thuộc chủ quyền vị vua đó. Vua có thể mất, triều đình có thể tan rã nhưng giang sơn vẫn thế; hoặc ngược lại.

Phàm với Sở là những ai ? “Mất” là Hồ. “Còn” là Minh hay Hậu Trần ? Chúng tôi thiên về “Hậu Trần” vì thời điểm này Giản Định vụt sáng sau trận Bô Cô. Người An Nam họ Nguyễn so sánh hai yếu tố Việt hơn là so sánh Việt với kẻ lạ là Minh.

Nguyễn Trãi tin rằng mình đang “ưu quốc 憂國”, lo âu việc nước. Câu hỏi thoáng qua trong bài thơ trên là: “quốc” nào?

亂後感作

神州一自起干戈 
萬姓嗷嗷可奈何 
子美孤忠唐日月 
伯仁雙淚晉山河 
年來變故侵人老 
秋越他鄉感客多 
卅載虛名安用處 
回頭萬事付南柯

Loạn hậu cảm tác

Thần châu nhất tự khởi can qua 
Vạn tính ngao ngao khả nại hà  
Tử Mỹ(41) cô trung Đường nhật nguyệt 
Bá Nhân(42) song lệ Tấn sơn hà 
Niên lai biến cố xâm nhân lão  
Thu việt tha hương cảm khách đa 
Tạp tải hư danh an dụng xứ  
Hồi đầu vạn sự phó Nam kha(43)

Sau loạn, xúc cảm thành thơ

Từ khi chiến tranh dậy trên đất thần thiêng,

Muôn họ kêu thương, biết làm sao được!

Tử Mỹ ôm lòng cô trung với triều Đường,

Bá Nhân tuôn hai dòng lệ khóc nước Tấn.

Lâu nay biến cố dồn dập khiến người sớm già,

Trải mùa thu đất khách dâng tràn cảm xúc.

Ba mươi năm, chỉ còn hư danh thì dùng được gì?

Quay đầu lại, gửi muôn việc vào giấc Nam Kha.

Cùng bài thơ “Đề chùa Đông Sơn” với câu “Tam thập niên dư trần cảnh mộng 三十餘年塵境夢,” Hơn ba mươi năm mộng giữa cõi trần, tác phẩm này cho thấy khoảng năm 1409/1410 Nguyễn Trãi vẫn chưa ra đầu Minh. Nơi ẩn trốn nhiều khả năng là vùng núi Đông Triều, địa danh ông cách điệu thành “Liêu Đông”.

“Vạn tính ngao ngao 萬姓嗷嗷”(44) từng khiến Ứng Long vô cùng xúc động dưới đời Trần nhưng lại không cản được Phi Khanh sớm hàng giặc đời Hồ. Ngược lại, muôn họ xao xác tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Trãi vào đỉnh điểm gian nguy. Ông khẳng định lòng trung thành với vua Hồ đồng thời khóc thương vương quốc Đại Ngu non trẻ. Phản ứng ban đầu mang tính bản năng báo hiệu ngã rẽ về sau, hướng rẽ hẳn vượt ngoài tưởng tượng của chính Nguyễn.

Ba năm lẫn trốn đủ để Nguyễn cảm thấy mọi việc đã an bài. Học vị tiến sĩ chẳng mang lại thuận lợi hay sức thu hút trong mưu đồ tái lập triều cũ, cũng không giúp kẻ vô hình từ bỏ ý định gây hại. Trang sử nhà Hồ khép lại vĩnh viễn, các nhóm nổi dậy đều hướng về Hậu Trần. Nguyễn hoàn toàn lạc lõng trước tình hình biến đổi.

Từ cảm nhận cuộc đời huyễn ảo đến khẳng định gửi muôn sự cũ vào giấc Nam Kha thể hiện chuyển dịch tế vi về nhận thức. Quá khứ nửa thực nửa mơ rốt cục thiếu hẳn phần thực. Nước “Đường”, nước “Tấn” đã ngừng tồn tại trong không gian lẫn thời gian. Gác việc xưa lên cành Hòe có nghĩa Nguyễn bắt đầu nghĩ về những gì phải làm trong tương lai.

Bài thơ dưới đây đề cập sự việc thân thích ly tán, kẻ mất người còn. Có lẽ Nguyễn không có nhiều tin tức về thân quyến khi trốn tránh tận “Liêu Đông”, khi tiếp xúc lại với người cậu ông mới rõ sự tình. Ông nhắc đi nhắc lại cảnh gia tộc tan tác nhiều lần trong những sáng tác của mình.

寄舅易齋陳公

兵餘親戚半離零 
萬死殘軀偶一生 
往事空成槐國夢 
別懷誰寫渭陽情 
不來自擬同王式 
避亂終當學管寧 
欲問相思愁別處 
孤齋風雨夜三更

Ký cữu Dịch Trai Trần công

Binh dư thân thích bán ly linh 
Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh 
Vãng sự không thành Hòe quốc mộng(45) 
Biệt hoài thùy tả Vị dương tình(46) 
Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức 
Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh 
Dục vấn tương tư sầu biệt xứ  
Cô trai phong vũ dạ tam canh

Gửi ông cậu họ Trần hiệu Dịch Trai

Sau binh lửa, phân nửa quyến thuộc chia lìa, rơi rụng.

Trải vạn lần tưởng chết, thân tàn ngẫu nhiên được sống.

Việc xưa đã trở thành giấc mộng nước Hòe,

Nhớ nhung khi ly biệt sao tả được tình Vị dương!

Tự bắt chước Vương Thức nên không đến,

Rốt cuộc, để tránh loạn đành theo Quản Ninh.

Muốn hỏi chốn tương tư sầu biệt?

(Đó là) gian phòng vắng mưa gió suốt ba canh.

Vương Thức: nho sĩ đời Tây Hán. Được dân chúng ngưỡng mộ, suy tiến chức Bác sĩ. Thức bị Giang Công do đố kỵ mà làm nhục. Ông nói với mọi người rằng : “Ta không định đến, các người cố khuyên ta đến nên mới bị nhục như vầy.” Sau đó về nhà, không ra làm quan nữa.

Quản Ninh: người nước Ngụy đời Hậu Hán. Ông sang Liêu Đông chạy giặc Hoàng cân, nhiều người đi theo sống thành làng ấp. Ông dạy Thi Thư cho họ, triều đình gọi không về.

Qua hai câu 5 và 6, Nguyễn Trãi nói khá rõ tình huống hiện tại. Bắt chước Vương Thức, ông từ khước trình diện nhà cầm quyền mới do sợ người ganh ghét xúc phạm. Học Quản Ninh, ông dời đến núi rừng để tránh loạn, chính quyền Minh mời cũng không về. Thoát chết vạn lần chứng tỏ có người quyết liệt loại trừ ông.

Nên chú tâm nguyên nhân từ chối trình diện chính quyền thuộc địa là do tác giả nêu ra. Ông ngại miệng đời, chứ chẳng phải chăm chăm nuôi lòng trung với triều đại cũ. Ông từng ví mình với Tử Mỹ nhà Đường, Bá Nhân nhà Tấn, ở đây lại nói chệch đi. Ngoài quan điểm xem việc xưa đã thành mộng nước Hòe, áp lực nào khác khiến Nguyễn chuyển ý? Muốn thấu hiểu cần biết “Quản Ninh An Nam” phải tránh giặc “Hoàng Cân An Nam” nào.

Lực lượng thực sự nằm sau ngụ ý “giặc Hoàng cân” vào giai đoạn đó chỉ có thể là nhóm kháng chiến đứng đầu bởi vua Giản Định. Anh ruột Giản Định là Trang Định vương Trần Ngạc vốn mâu thuẫn với Trần Nguyên Đán từ thời Đế Hiện còn sống. Ngạc từng làm thơ cả Hán lẫn Nôm châm chọc quan Tư Đồ. Hiềm thù bùng phát khi cậu ruột Nguyễn Trãi tên Trần Thúc Dao, người quy thuận Minh rất sớm nên được giao giữ đất Diễn châu, bị Giản Định giết cả nhà vào cuối năm 1407 (Toàn Thư II, 238). Thân thích cụ Nguyễn hao hụt đến phân nửa nhiều khả năng do phe nổi dậy tàn sát vì trước đó chi họ Nguyên Đán bỏ rơi dòng vua Trần, xoay qua cộng tác với họ Hồ, rồi về sau nhiều người trong gia tộc lại theo giặc Minh.

Để trả lời câu hỏi “cháu đang ở đâu?” Nguyễn cho địa điểm thật chính xác về mặt tâm trạng: nơi vắng vẻ mưa gió suốt đêm. Ông tránh cho cậu ruột biết nơi tạm trú chứng tỏ cuộc chạy trốn là một bi kịch.

Ẩn lánh kéo dài đưa Nguyễn tới tình trạng ngày càng nan giải. Ngoài khó khăn vật chất chắc chắn sẽ đến, người liên lạc bí mật giữa ông và thế giới bên ngoài có vẻ đã biến mất.

寄友

亂後親朋落葉空 
天邊書信斷秋鴻 
故園歸夢三更雨 
旅舍吟懷四壁蛩 
杜老何曾忘渭北 
管寧猶自客遼東 
城中故舊如相問 
爲道天涯任轉蓬

Ký hữu

Loạn hậu thân bằng lạc diệp không 
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng 
Cố viên quy mộng tam canh vũ 
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng 
Đỗ Lão(47) hà tằng vong vị bắc 
Quản Ninh do tự khách liêu đông 
Thành trung cố cựu như tương vấn 
Vị đạo thiên nhai nhậm chuyển bồng

Gửi bạn

Sau loạn, bà con bạn hữu như lá rụng sạch,

Ven trời, chim hồng mùa thu ngừng bặt việc đưa thư.

Mưa suốt ba canh, da diết mộng nhớ vườn xưa,

Dế rộn bốn vách, áo não hồn thơ quán trọ.

Lão Đỗ chưa từng quên Vị Bắc,

Quản Ninh còn tự làm khách Liêu Đông.

Nếu người quen cũ trong thành có hỏi thăm,

Xin nói giúp: tôi như ngọn cỏ bồng quay cuồng nơi góc trời.

Bà con bạn hữu rơi rụng để lại gánh nặng tâm lý lớn lao. Chính sự hung bạo quá mức của người có lúc làm chủ gần nửa Đại Việt khiến Nguyễn dần thay đổi để ngả sang quyết định khác. Hơn nữa, “thu hồng” vắng bóng hẳn. Dựa vào câu “Nhân tự thu hồng lai hữu tín 人似秋鴻來有信,” Người tựa chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức của Tô Đông Pha, ta hiểu rằng chỉ dăm người biết Nguyễn ở đâu và họ dần dần không lui tới nữa. Mơ hồ tình hình bên ngoài sẽ dẫn tới việc bất lực trong dự đoán nguy hiểm luôn chờ chực.

Thực tại nặng nề khiến “ngày xưa” đẹp đẽ. Côn trùng rả rích dưới mưa lạnh phảng phất tiếng “hàn thiền”. Giấc mơ chim phượng ê chề hơn bao giờ hết.

Câu 5, ngoài ý nhớ bạn văn, còn cho thấy Nguyễn đã theo triều đình Hồ chạy khỏi Tây Đô cùng đồng liêu. Ông chia sẻ với bạn kỷ niệm đau xót đồng thời thông báo rằng vẫn phải di chuyển liên tục trong khu vực rộng lớn được ký hiệu là Liêu Đông. Ông chưa định hướng tương lai rõ rệt.

Năm 1409, quân Hậu Trần tiến đến bến La, Hạ Hồng, khá gần nơi Nguyễn ẩn nấp. Một bộ phận ủng hộ Giản Định do Nguyễn Sư Cối chỉ huy hoạt động ngay tại Đông Triều. Phải chăng nguy hiểm đe dọa buộc ông đầu thú?

Phan Huy Chú cho rằng Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư khuyên Nguyễn ra hàng.[8] Thông tin này thiếu cơ sở vì quan Đại lý tự khanh tự nguyện đầu giặc rất sớm (1407) trong khi Nguyễn chỉ ra trình diện 2 hoặc 3 năm sau. Quyết định của ông dựa trên thực tiễn nhiều hơn tuân theo lời dạy của cha, nếu quả thật có thư khuyến dụ đó.

Bài dưới đây có lẽ được sáng tác khi Nguyễn nằm trong tay người Minh, chờ sang Trung quốc.

寄友

半生世路嘆屯邅 
萬事惟應付老天 
寸舌但存空自信 
一寒如故亦堪憐 
光陰焂忽時難再 
客舍凄涼夜似年 
十載讀書貧到骨 
盤無苜蓿坐無氈

Ký hữu

Bán sinh thế lộ thán truân chiên 
Vạn sự duy ưng phó lão thiên 
Thốn thiệt đãn tồn(48) không tự tín 
Nhất hàn như cố(49) diệc kham liên 
Quang âm thúc hốt thời nan tái 
Khách xá thê lương dạ tự niên 
Thập tải độc thư bần đáo cốt 
Bàn vô mục túc(50) tọa vô chiên

Gửi bạn

Nửa đời người, sao đường trần quá khổ nhọc!

Mọi sự đành phó mặc trời già.

Hễ tấc lưỡi còn thì vẫn tự tin,

Chỉ đáng thương tội vẫn nghèo như cũ.

Tháng ngày trôi chớp nhoáng, thời không quay lại,

Nhà khách lạnh buồn, đêm đằng đẳng như năm.

Đọc sách mười năm, nghèo đến tận xương.

Chỗ ngồi không tấm lót, mâm cơm không rau mục túc.

Ông khó làm Quản Ninh mãi với nghề đọc sách vì sẽ rơi vào bế tắc khi tiền bạc dự trữ cạn kiệt. Không có phương tiện sinh nhai, bị phe Giản Định tìm diệt, cứu tinh duy nhất của Nguyễn chính là người Minh. Hãy để ý hai chữ “khách xá 客舍” ở câu 6. Khác với “lữ xá 旅舍” là quán trọ, khách xá thuộc diện triều đình quản lý. Cũng như Ứng Long ngày trước phải lưu lại “thành nam khách xá” chờ quyết định tổ chức từ Đế Hiện, Nguyễn Trãi ở nhà khách phía Nam Đông Quan chờ sắp xếp của Ty Bố chính. Xét tình trạng sinh hoạt hết sức đạm bạc, có thể đoán bài “Thủ vĩ ngâm” chữ Nôm nổi tiếng cũng ra đời vào thời điểm này. Đây là lúc Nguyễn chưa làm việc chính thức cho Minh, nhưng mất danh xử sĩ. Ông chưa nhận lương bổng trong khi tiền dành dụm được từ thời gian làm quan cho nhà Hồ đã hết.

Nửa đời người Nguyễn Trãi tức vào khoảng các năm 1409, 1410. Lối thoát mịt mờ khiến nhà thơ phó mặc số phận. Thoáng buông xuôi cho thấy Nguyễn đã nản cuộc sống lẩn trốn vô vọng. Nhưng noi dấu Trương Nghi hay Phạm Thư, Ông nuôi ước ao tồn tại trong môi trường mới bằng tài năng biện luận của chính mình. Nhắc trường hợp Trương-Phạm kèm ý niệm “thời nan tái 時難再”, thời không quay lại báo hiệu biến chuyển tinh thần thầm kín. Nguyễn ngẫm ngợi nhiều về “thời” trên căn bản Chu Dịch, ông luôn ứng xử theo “thời”. Nhiều “đêm đằng đẳng như năm” đã đưa Nguyễn đến bến bờ chính trị khác.

Trương Nghi (? – 309TCN),[9] chính khách sáng giá thời Chiến quốc, vốn người nước Ngụy. Thuở hàn vi tìm công danh ở Sở, do ngoại hình nghèo khó, bị thuộc hạ quan Lệnh Doãn Chiêu Dương nghi lấy cắp ngọc họ Hòa trong một buổi tiệc và nọc ra đánh đòn. Người vợ xót xa trách móc. Trương hỏi vợ: “Đầu lưỡi ta còn không?”. Bà đáp: “Còn”. Ông bảo: “Thế thì được.”

Về sau, Tần Huệ Văn Vương dùng Trương làm thừa tướng để thi hành chính sách liên hoành. Phục vụ vua Tần, Nghi gây nhiều thiệt hại cho chính nước Ngụy, quê hương ông.

Phạm Thư (? – 255TCN),[10] tự Thúc, người nước Ngụy. Ông nhà nghèo, làm môn khách của đại phu Tu Giả. Khi Giả được cử đi sứ Tề, Thư theo hầu. Tề Tương Vương thấy Thư ứng đối trôi chảy nên ban thưởng hậu, muốn giữ lại làm khách khanh. Thư từ tạ xin về. Tu Giả ganh giận Thư, báo tướng quốc Ngụy Tề rằng Thư tiết lộ tin mật cho vua Tề biết. Phạm Thư bị đánh đập đến gần chết. Về sau, Thư làm tướng quốc nước Tần, xui Tần Chiêu Tương Vương đánh phá Ngụy. Lúc Tu Giả đại diện Ngụy đến cầu hòa, Thư giả ăn mặc rách rưới yết kiến sứ thần. Giả thương xót hỏi: “Phạm Thúc vẫn nghèo như cũ ư ?”

Nhân tiệc chia tay Tu Giả, Thư yêu cầu Ngụy phải nộp tướng quốc Ngụy Tề cho Tần. Biết tin, Ngụy Tề sợ hãi chạy sang Triệu. Sau cùng, vua Tần buộc được Triệu nộp đầu Ngụy Tề.

Trương Nghi và Phạm Thư, hai người nhờ làm tướng nước Tần mà rửa được hận riêng, không nệ gây hại quê hương Ngụy. Nhắc đến họ, phải chăng Nguyễn Trãi bộc lộ oán thù với nhóm Hậu Trần, thủ phạm khiến Ông luôn tháo chạy trong tình trạng “vạn tử nhất sinh 萬死一生”, mười nghìn cửa chết một cửa sống, phải chịu cảnh “thân bằng lạc diệp không 親朋落葉空”, thân bằng như lá rụng sạch? Qua bài thơ, Nguyễn Trãi ngầm tin cho bạn biết ông sẽ dựa vào Minh để cởi giận, điểm khởi đầu là hai bàn tay trắng. Sức chịu đựng của Nguyễn đã tới hạn, ông biết “quyền mưu” mới phù hợp lối sống thời loạn. Đây là lựa chọn lớn, Trương-Phạm thuộc dòng chảy “Tung hoành gia”, một trong chín trường phái học thuật Trung Quốc cổ. “Quốc” trong quan niệm của các nhà du thuyết là phần hợp thành của “thiên hạ”, việc từ bỏ “quốc” này để phục vụ “quốc” khác không liên quan đến đạo đức. Vua Hậu Trần đối xử với ông và thân tộc bằng bạo ngược, vua Minh dùng lễ đối xử với trí thức An Nam. Việc Nguyễn chọn thờ vua Minh không mâu thuẫn giáo huấn Khổng Mạnh nếu xem Đại Việt là thành viên của thế giới Hoa Hạ.(51) Đó cũng là lựa chọn chung của hầu hết nho sĩ đương thời.

Ức Trai rất hăm hở thực hiện dự định của mình.

4. Chuyến đi Trung quốc: 1410 – 1417

舟中偶成

佩劍攜書膽氣粗

海山萬里片帆孤

途中日月三冬過

客裡親朋一字無

異境每驚新歲月

扁舟重憶舊江湖

四方壯志平生有

此去寧辭我僕痡

Chu trung ngẫu thành

Bội kiếm huề thư đảm khí thô

Hải sơn vạn lý phiến phàm cô

Ðồ trung nhật nguyệt tam đông(52) quá

Khách lý thân bằng nhất tự vô

Dị cảnh mỗi kinh tân tuế nguyệt

Biển chu trùng ức cựu giang hồ

Tứ phương tráng chí bình sinh hữu

Thử khứ ninh từ ngã bộc phô

Ngẫu nhiên thành thơ khi ở trong thuyền

Thật táo tợn dám cắp sách đeo gươm!

(Theo) cánh buồm côi vượt muôn dặm biển núi.

Gần hết mùa đông hãy còn trên đường,

Thân bằng không một chữ gửi đến đất khách.

Chỉ e phải đón năm mới nơi cảnh lạ,

Trong thuyền con chợt nhớ thuở giang hồ xưa.

Bình sinh nuôi tráng chí đi khắp bốn phương,

Không lẽ từ chối chuyến này vì gã đày tớ mệt mỏi?

Qua câu 8, Nguyễn so sánh chuyến viễn du đầu tiên trong đời mình với chuyến đi Trường châu của cha hơn ba mươi năm trước. Ứng Long từng nói “Vạn lý ninh từ ngã bộc phô 萬里寧辭我僕痡,” Không lẽ từ chối chuyến đi muôn dặm vì gã đày tớ mệt mỏi? Nguyễn bạo gan hơn cha nhiều. Ứng Long khóc sướt mướt vì đi xa đến 100 km cách quê nhà, Nguyễn chỉ liên tưởng thói giang hồ thời trẻ khi lênh đênh thực sự ngoài vạn dặm.

Cánh buồm cô đơn nhưng thuyền phải chở nhiều người. Thái độ ung dung của Nguyễn chứng tỏ nhóm nhân sự sang Trung quốc hợp pháp, tức dưới chuẩn y của chính quyền Giao Chỉ. Lộ trình công vụ chắc chắn phải theo tuyến trạm dịch đương thời cũng là đường di chuyển của công văn thư tín. Ngày 5/5/1410, bộ Lễ trình vua Minh đề xuất của Hoàng Phúc về việc thiết lập lộ trình thủy bộ mới từ bắc sông Lô (sông Hồng nay) qua Tân An (Quảng Ninh nay) đến Khâm châu (Quảng Đông thời Minh, Quảng Tây nay) rồi Hoành châu (Quảng Tây nay) gồm 10 trạm thủy và 3 trạm bộ (Minh Thực lục II, 336). Hoành châu là điểm nối tuyến mới vào tuyến nội địa đang hoạt động. Có thể Nguyễn sang Nam Kinh theo tuyến này. Nhóm người An Nam ngừng tại trạm nào đó thời gian khá lâu nên Nguyễn mới mong thư nhà.

Nguyễn nghĩ mình đủ khả năng du thuyết, như Phạm Thư hay Trương Nghi từ dân Ngụy sang làm tướng Tần, nên có phần hào hứng. Tuy nhiên, tầm nhìn từ đáy giếng Thăng Long khiến chú ếch Ức Trai ngộ nhận. Tần là nước ngoại vi, quân đội mạnh trên nền tảng văn hóa thô phác nên phải dùng nhân tài trung nguyên phủ dụ các nước trung nguyên. Giao Chỉ ngoài cả ngoại vi, trình độ Nho gia địa phương theo n

0